T
ôi không tin rằng chính trị nên hứa hẹn sẽ mang lại hạnh phúc. Người dân Pháp không dễ bị lừa, họ biết rất rõ rằng chính trị không thể làm mọi thứ, không có đủ phương tiện để điều chỉnh mọi thứ, điều khiển mọi thứ và cải thiện mọi thứ. Thay vì khao khát tạo nên hạnh phúc, tôi cho rằng chính trị nên đưa ra một khuôn khổ cho phép mỗi người tìm ra con đường làm chủ vận mệnh của mình, vươn tới tự do và có thể tự quyết định cuộc sống của mình. Nhưng để có thể tự lựa chọn cuộc sống cho mình, trước tiên người dân phải sống được bằng chính công việc của mình.
Chúng ta làm việc để có thể sống, giáo dục con cái, tận hưởng, học hỏi, kết nối với mọi người. Cũng nhờ công việc mà con người có thể vượt lên hoàn cảnh của mình và tạo dựng được một chỗ đứng trong xã hội. Vì vậy, tôi không tin vào những bài diễn văn nói về “thời kỳ tiêu vong của việc làm”. Trên thực tế, bằng cách dành công việc cho những người làm việc năng suất cao, đẩy một bộ phận dân số vào thành phần “vô dụng” của nền kinh tế, những lời diễn văn này cứ văng vẳng bên tai tôi như đại diện cho một thất bại nặng nề trong lời hứa hẹn giải phóng cho tất cả mọi người của nền Cộng hòa. Vì vậy, đối với tôi, cuộc chiến chống lại nạn thất nghiệp phải là ưu tiên hàng đầu của chúng ta. Lấy ví dụ về các đối tác của chúng ta như nước Đức, họ đã rất thành công, chúng ta sẽ thấy không có cái gì gọi là định mệnh cả. Luôn có những giải pháp, nhưng cần phải can đảm để áp dụng chúng.
Tôi không tin rằng viễn cảnh về một xã hội “đủ việc làm” sẽ giúp khôi phục lại lòng tin vào đất nước. Những bài học của Anh Quốc hay Hoa Kỳ, các quốc gia đã đạt được mục tiêu này, có thể chứng minh cho điều đó. Vụ Brexit(7) cũng như sự đắc cử của Tổng thống Donald Trump thể hiện rõ nét những bất ổn trong xã hội khi từ bỏ công cuộc vươn tới bình đẳng.
(7) Brexit (ghép từ Britain và exit) là sự kiện Vương quốc Anh và Bắc Ireland rời khỏi liên minh châu Âu vào tháng 6-2016.
Chúng ta phải tạo cho mỗi người có được một công việc, cho mỗi công việc có một khoản thù lao xứng đáng và những triển vọng phát triển.
Hiện giờ, chúng ta đã thực hiện lời hứa này đến đâu?
Thị trường lao động đang gặp khó khăn về mọi mặt. Tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng cao và tập trung ở 1/10 tổng số dân trong độ tuổi lao động, 1/4 dân số trẻ và 1/2 những khu vực khó khăn. Một số vùng hoàn toàn không còn việc làm, gây ra sự tuyệt vọng và phẫn nộ cho người dân, từ đó hình thành cái nôi của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo và sự ủng hộ Đảng Mặt trận Dân tộc. Nỗi sợ hãi này đang lan rộng ra toàn xã hội. Cũng như chúng ta thời trẻ luôn bị ám ảnh về những quyết định sai lầm trong học tập, việc làm và ngành nghề, điều này có thể đẩy chúng ta sang một thái cực khác. Đối với những người có việc làm, công việc của họ vẫn chưa hẳn đã được đảm bảo. Bên cạnh những người được ký hợp đồng không thời hạn ổn định và lâu dài, có hàng triệu người phải làm những công việc tạm bợ. Trên thực tế, 70% số người được tuyển dụng bằng các hợp đồng ngắn hạn dưới một tháng, thường trong cùng một công ty. Ngoài ra, còn có những người không thể sống được bằng công việc của mình, chẳng hạn nhiều nông dân hoặc công nhân làm bán thời gian, trong đó đa phần là phụ nữ.
Đất nước chúng ta cần có những quy định cho phép người lao động được sống bằng nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, các quy định hiện hành của chúng ta đều được xây dựng vào cuối Thế chiến thứ hai, do đó chúng không còn đáp ứng được những thách thức của thời đại này.
Các quy định này ủng hộ người trong cuộc, nghĩa là những người đang làm việc được bảo vệ nhiều hơn những người khác, không ủng hộ những người bên ngoài, tức là người trẻ nhất, người được đào tạo ít và gặp nhiều khó khăn. Do đó, mô hình xã hội của chúng ta đã mất đi tính công bằng và không còn hiệu quả, nó coi trọng các chức danh và hạn chế sự luân chuyển việc làm.
Thứ nhất, tôi muốn đảm bảo rằng mỗi cá nhân đều có thể tìm được một chỗ đứng cho mình trong thị trường lao động, bất kể nền tảng học vấn của họ thế nào đi nữa. Ngày nay, đất nước chúng ta có hai triệu người trẻ không có việc làm và cũng không có bằng cấp. Hàng triệu công nhân ít hoặc không có trình độ. Nhà nước cần tạo điều kiện để các công nhân này tiếp cận với việc làm mà không làm mất đi tầm quan trọng của bằng cấp.
Để thực hiện điều đó, chúng ta sẽ phải hệ thống hóa tất cả các chương trình đào tạo nghề tới hết bậc phổ thông trung học, tập trung nguồn lực trình độ thấp và tăng cường sức mạnh các nhóm nghề để đào tạo người lao động theo các ngành nghề được chọn.
Các chứng chỉ đào tạo nghề nói chung là cần thiết và đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là trong các ngành như xây dựng. Nhưng đôi khi bằng cấp trở thành rào cản đối với những người gặp hoàn cảnh khó khăn hoặc ít được đào tạo, hạn chế khả năng tự thành lập công ty riêng và lập nghiệp. Một số người có khả năng tìm được khách hàng dễ hơn tìm người có nhu cầu sử dụng lao động. Khi bạn sống ở Stains, thuộc vùng đô thị Paris hay ở Villeurbanne, Lyon, thì việc thành lập một doanh nghiệp và tìm kiếm khách hàng sẽ dễ dàng hơn là đi phỏng vấn xin việc. Việc gây khó khăn, hạn chế khởi nghiệp bằng các quy định về trình độ chuyên môn đồng nghĩa với việc lên án những người thất nghiệp.
Tôi nhớ tới một người tên là Michel mà tôi đã gặp ở Colmar. Vào năm 50 tuổi, tức là sau 30 năm làm việc ở một cửa hàng sửa chữa vỏ ô tô mà không có chứng chỉ nghề, ông bị rơi vào tình trạng thất nghiệp. Ở độ tuổi ấy, ông ấy không được phép thành lập doanh nghiệp của riêng mình! Liệu ông ấy có cách nào để theo học một khóa đào tạo nghề không và liệu ông ấy còn đủ thời gian không? Kết quả là Michel bị lên án vì thất nghiệp dài hạn.
Vấn đề đầu tiên của thanh niên, nhất là những người có trình độ thấp, là chuyện tiền lương. Tôi không tin rằng chính sách lương tối thiểu cho người trẻ là đúng đắn, vấn đề này phải được giải quyết một cách sáng suốt hơn. Theo tôi, cần phải hỗ trợ cho công tác dạy nghề. Người học có thể nhận một mức lương thấp hơn hiện nay, nhưng được cung cấp một khóa đào tạo chất lượng, cho phép họ tiếp tục tham gia vào thị trường lao động. Tôi muốn mở cánh cửa cho việc học nghề, giảm nhẹ sự quản lý của Nhà nước và chú trọng phát triển các ngành nghề.
Ngoài vấn đề tiền lương đã đề cập, còn có chi phí dành cho thất nghiệp. Hiện nay, các thủ tục của tòa án lao động khá dài dòng, phức tạp và không rõ ràng. Nạn nhân của các phiên tòa lao động không phải là các công ty lớn, họ có thể chờ đợi và có cả đoàn luật sư để giải quyết các vấn đề pháp lý phức tạp. Người phải chịu hậu quả đầu tiên chính là người lao động. Họ ít được đào tạo, nếu mất việc, họ phải chờ đợi hàng tháng, thậm chí hàng năm để hoàn thành các thủ tục và nhận được khoản tiền bồi thường thất nghiệp. Hoặc sẽ là những người sử dụng ít lao động, đôi khi chỉ có một hoặc hai nhân viên, trong khi chờ đợi phán quyết của luật pháp, họ không thể tuyển dụng tiếp. Vì những lý do này, tôi đã đấu tranh để cải cách các tòa án lao động và tôi sẽ tiếp tục đấu tranh vì mục tiêu đó. Chúng ta cần thiết lập mức sàn và mức trần cho các bồi thường thiệt hại thất nghiệp.
Đồng thời, chúng ta phải bảo vệ mức sống của người lao động, điều này còn quan trọng hơn việc bảo vệ sức mua của người tiêu dùng. Đây là vấn đề liên quan đến phẩm giá và sự coi trọng người lao động. Làm sao chúng ta có thể chấp nhận được hoàn cảnh khó khăn mà ngày càng nhiều người nông dân đang phải chịu đựng như hiện nay? Làm sao chúng ta có thể chấp nhận tình trạng nhiều người làm công ăn lương cảm thấy rằng công việc của họ không được trả công xứng đáng? Tôi tin rằng cứ hứa hẹn hão về việc tăng lương trên diện rộng là không tốt. Những lời hứa này sẽ đánh vào các công ty và kết quả là người lao động phải hứng chịu nạn thất nghiệp ngày càng gia tăng.
Chúng ta có một trận chiến quan trọng để thúc đẩy sức mua. Thật không ổn nếu an sinh xã hội phục vụ lợi ích của tất cả mọi người mà lại chủ yếu dựa vào thu nhập của người lao động. Đây là một trong những lý do tại sao rất nhiều người dân ngạc nhiên khi thấy các công ty, doanh nghiệp cứ phàn nàn về “chi phí nhân công cao” trong khi bản thân họ lại cảm thấy đang được trả lương quá thấp so với công sức bỏ ra.
Do đó, tôi đề nghị giảm mức thuế thu nhập và giảm thuế cho những người làm nghề tự do. Điều này sẽ giúp tăng đáng kể tiền lương thực nhận mà không làm tăng chi phí lao động, không gây ảnh hưởng đến việc làm hay khả năng cạnh tranh. Nguồn tài chính phục vụ chính sách này sẽ được tính toán sao cho có lợi nhất cho người lao động.
Đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, cần phải tiến hành cải cách chính sách bảo trợ xã hội. Bảo trợ xã hội sẽ được rút lại dần dần khi người thất nghiệp quay trở lại làm việc. Bởi mục đích của chúng ta là khuyến khích mọi người gia nhập lại thị trường lao động và hỗ trợ thu nhập cho những người lao động nghèo. Thế mà, cho đến nay, chúng ta đã hoàn toàn làm điều ngược lại!
Đấu tranh để mỗi người có thể sống bằng sức lao động của mình cũng là biện pháp để các thành phần kinh tế ứng phó với những thay đổi. Các nhà lập pháp không thể đoán trước được mọi tình huống. Làm sao chúng ta có thể áp dụng cùng một phương thức quản lý cho các ngành nông nghiệp, sản xuất hàng cao cấp, hàng thủ công và truyền thông? Tuy nhiên, về mặt công việc, chúng ta sẽ tiếp tục tổ chức mọi hoạt động theo luật định.
Hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải cải cách nhanh chóng và linh hoạt ở tất cả các cấp. Đây chính là khó khăn mà chúng ta đang gặp phải trong quá trình tổ chức lại bộ luật lao động.
Để có thể thành công trong nền kinh tế tri thức, tốc độ và đổi mới, thì phải tổ chức công việc sao cho thích ứng với hoàn cảnh. Nếu sợ không thể làm được điều này, các chủ doanh nghiệp sẽ không tuyển dụng - hoặc tuyển dụng không đủ số lượng. Để đảm bảo cho người lao động đạt được một sự thỏa thuận xã hội tốt nhất có thể, tùy thuộc vào tình hình kinh tế và các yêu cầu của ngành, cần mở ra nhiều cơ hội đàm phán và đối thoại hơn nữa.
Tuy nhiên, ở nước Pháp, chúng ta có quá nhiều quy tắc cứng nhắc trong luật và áp dụng đồng nhất cho tất cả các loại hình công ty và tất cả các ngành. Điều đó thật vô lý.
Chúng ta đã chứng kiến hậu quả của phương pháp này khi thực hiện chế độ 35 giờ làm việc mỗi tuần. Ngày nay, có những người cho rằng chúng ta phải chuyển đổi lại chế độ làm việc từ 35 giờ sang 39 giờ. Liệu họ có thể bảo người Pháp làm thêm bốn giờ mỗi tuần mà không được trả thêm lương một cách chính đáng không? Ở đây, chính sách đại trà đã thể hiện những bất cập. Đối với một số công ty, chế độ 35 giờ là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, có những công ty lại không như thế: Họ cần nhân viên của mình được quyền quyết định làm việc nhiều hơn, ví dụ để phúc đáp lại các đơn đặt hàng; hoặc làm việc ít hơn, để tránh phải sa thải bớt.
Trong những trường hợp luật pháp cho phép, đặc biệt là các công ty sản xuất ô tô hoặc đóng tàu lớn, nhờ làm việc nhiều hơn một chút mà hàng nghìn việc làm được cứu. Cũng các nghiệp đoàn đó đã từng cản trở đàm phán ở quy mô quốc gia và chống lại chính sách cải cách này chỉ để bảo vệ lý tưởng của mình, sau đó phải thông qua chính sách này trong các doanh nghiệp. Với tư cách là Bộ trưởng, tôi đã đến Saint-Nazaire ký đơn đặt hàng và cho đóng một con tàu mới, trong khi 18 tháng trước công ty đó suýt phải đóng cửa. Công ty này sống sót nhờ vào sự sáng suốt của toàn bộ đội ngũ lãnh đạo và các nhân viên trong việc ký kết thỏa thuận thất nghiệp từng phần trong vòng nhiều tháng. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước với tư cách là cổ đông, công ty đã được giải cứu và nhanh chóng hồi phục với những đơn hàng đầu tiên.
Hiện nay, công ty đã có đơn đặt hàng cho hơn 10 năm tới, điều chưa từng xảy ra. Đây là bằng chứng, chứng tỏ rằng không có cái gọi là định mệnh!
Cũng tương tự như vậy, chính sách tính thâm niên lao động, về nguyên tắc là một biện pháp tốt, nhưng lại không thể áp dụng một cách đại trà theo cùng một phương thức. Đối với một tập đoàn ô tô lớn thì sẽ không có vấn đề gì, nó thể hiện một sự tiến bộ thực sự đối với nhân viên. Nhưng với một công ty xây dựng hay một tiệm bánh thì lại gần như không thể thực hiện được. Nó sẽ gây phức tạp cho cuộc sống của chủ doanh nghiệp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm.
Do đó, chúng ta phải chấp nhận rằng luật pháp không thể bao quát được hết mọi việc, không thể áp dụng cho mọi đối tượng và mọi hoàn cảnh.
Tôi ủng hộ việc thay đổi căn bản luật lao động và cho phép các ngành hoặc công ty cụ thể miễn thực hiện một số điều luật nếu có được sự đồng thuận của đa số các đối tượng liên quan.
Chúng ta phải bảo đảm rằng luật lao động bảo vệ được những nguyên tắc cơ bản không thể thỏa hiệp như bình đẳng giới, thời gian làm việc, mức lương tối thiểu,... Nhưng đồng thời cũng cần tiến hành đàm phán theo ngành, tiếp đến là đàm phán trong doanh nghiệp về trách nhiệm đảm bảo sự cân bằng và các hình thức bảo trợ hợp lý. Bằng cách này, chúng ta sẽ đơn giản hóa các vấn đề theo hướng rõ ràng và gần với tình hình thực tế hơn. Đồng thời, thể hiện sự tin tưởng vào trí tuệ của các bên liên quan. Ngày nay, nếu chúng ta đã thừa nhận quyền tự do bày tỏ quan điểm của người dân thông qua các lá phiếu, thì tại sao chúng ta lại nghĩ rằng họ sẽ không thể nói về những điều làm nên cuộc sống hằng ngày của họ?
Tôi không tin chúng ta có thể xây dựng một xã hội phồn thịnh bằng cách đơn phương tiết giảm quyền hạn của người lao động. Nhưng, tôi lại càng không tin rằng chúng ta có thể thành công trong công cuộc toàn cầu hóa với các quy tắc cứng nhắc và đôi khi hoàn toàn không phù hợp.
Không phải tôi không biết những lo ngại mà chính sách này có thể gây ra. Hệ thống nước Pháp, trái ngược với hệ thống của nước Đức hoặc các nước Bắc Âu, không quen với phương thức thảo luận, đàm phán và thỏa hiệp như vậy. Công đoàn của chúng ta đôi khi quá yếu, đôi khi không mang tính đại diện. Tuy nhiên, đối thoại xã hội không phải là một thứ xa xỉ. Nó là trọng tâm của phương pháp đổi mới mà tôi đề xuất. Nó không phải là những đối thoại xã hội tầm cỡ quốc gia mà chúng ta thường thấy trong những năm gần đây. Nó thực tế hơn, được thực hiện ở cấp độ nhóm ngành và doanh nghiệp, từ đó rút ra những kết luận phù hợp với bối cảnh cụ thể. Chúng ta phải cung cấp cho các công đoàn công cụ đàm phán và tăng cường tính hợp pháp của họ. Để đồng hành với sự phát triển này, chúng ta sẽ thiết lập lại một cơ chế tài chính rõ ràng, thông qua đó nhân viên sẽ hướng nguồn tài chính mà công ty chi trả đến công đoàn họ chọn.
Cuối cùng, nếu chúng ta muốn mỗi người có thể sống bằng công việc của mình trong một nền kinh tế đổi mới, thì họ phải được đào tạo theo nhu cầu và suốt cả cuộc đời.
Nhiều công ty, đôi khi là toàn bộ ngành, đang bị tan rã ngày một nhanh hơn. Chúng ta không thể lên án người lao động, cũng không phải do thất nghiệp hay thời kỳ kinh tế bấp bênh. Bên cạnh đó, có những ngành nghề mới, cơ hội và công việc liên tục được mở thêm. Chúng ta phải tạo điều kiện cho mọi người, bất kể con đường sự nghiệp của họ thế nào, nắm bắt cơ hội. Không ai ở tuổi 20 có thể biết được mình sẽ làm gì ở tuổi 50. Để có thể tự giải phóng mình trong công việc, chúng ta phải đề xuất một công cuộc đổi mới liên quan đến đào tạo thường xuyên. Bởi lẽ, chúng ta không thể chỉ cần được đào tạo một lần năm 20 tuổi là đủ cho suốt cuộc đời.
Chúng ta không thể hứa hẹn sự “ổn định việc làm”, trong một thế giới mà sự thay đổi công nghệ làm cho một số nghề nghiệp trở nên lỗi thời và tạo ra những ngành nghề mới. Trong thế giới đầy biến động này, chúng ta không thể hứa rằng tất cả các công việc sẽ luôn thú vị và hiệu quả, bởi lẽ điều đó không thể xảy ra. Những ai dám tuyên bố như vậy đều là những kẻ đạo đức giả, những kẻ đã mang lại cho chúng ta một xã hội như ngày hôm nay.
Nhưng có hai điều chúng ta có thể đảm bảo: Chúng ta có thể chuyển từ công việc này sang công việc khác và chúng ta được bảo vệ trong trường hợp bị mất việc. Chính trong giai đoạn giao thời này, chúng ta cần phải đoàn kết để vượt qua khó khăn.
Người lao động ngày càng ít gắn bó cả sự nghiệp trong một công ty hoặc một ngành duy nhất. Do đó, họ sẽ ngày càng cần thời gian để đào tạo lại.
Đào tạo thường xuyên không còn thích hợp nữa. Mỗi năm nước Pháp chi hơn 30 tỷ euro cho đào tạo nghề. Tuy nhiên, một lần nữa, những người yếu thế nhất lại gặp nhiều khó khăn nhất trong quá trình đào tạo. Hệ thống của chúng ta quá phức tạp. Lúc thì cần phải nhờ các đối tác xã hội, lúc phải tìm đến các khu vực, đôi khi phải đến trung tâm quản lý việc làm để tìm nguồn tài chính cho đào tạo. Tất cả các thủ tục này có thể kéo dài đến một năm và nhiều người phải bỏ dở giữa chừng. Ngoài ra, chất lượng không phải lúc nào cũng đảm bảo. Hệ thống kinh tế của chúng ta chủ yếu dành cho những người có công việc ổn định và được đào tạo bài bản.
Trong lĩnh vực này, chúng ta cũng phải tiến hành một cuộc cách mạng thực sự. Cần đồng hành với từng cá nhân, đánh giá năng lực của các đối tượng thụ hưởng, dựa trên tiêu chí nghiêm túc và chăm chỉ. Sau đó, họ sẽ được lựa chọn: khóa học ngắn hạn trong vài tuần để học một kỹ thuật cần thiết, hay một khóa đào tạo dài hạn trong thời gian 1 – 2 năm, ví dụ các khóa của trường đại học, cho phép họ chuyển đổi nghề.
Để làm được điều đó, hệ thống phải minh bạch hơn, việc đánh giá và công bố kết quả phải trung thực và đảm bảo chất lượng, giúp người lao động có thể tìm được công việc và nâng cao mức thu nhập. Đặc biệt, tất cả người lao động sẽ được hưởng kinh phí tự đào tạo và có thể liên hệ trực tiếp với các cơ sở đào tạo mà không qua bất kỳ trung gian nào.
Loại hình đào tạo này cũng dành cho những người đang làm việc nhưng thiếu cơ hội phát triển hoặc điều kiện làm việc không tốt. Do đó, những người xin thôi việc cũng phải có quyền nhận bảo hiểm thất nghiệp. Chúng ta cần đồng hành với họ trong quá trình đào tạo và kiểm tra chất lượng. Như vậy, bảo hiểm thất nghiệp sẽ thay đổi về bản chất. Nói đúng hơn, nó không còn là bảo hiểm, mà sẽ trở thành cơ hội được cộng đồng tài trợ trong giai đoạn chuyển đổi và đào tạo nghề. Quyền được chuyển đổi nghề nghiệp sẽ trở thành quyền phổ quát cho tất cả mọi người.
Bảo hiểm thất nghiệp cũng được áp dụng cho những người làm nghề tự do, thương nhân và thợ thủ công, nhất là khi nền kinh tế dịch vụ này khiến cho sự khác biệt giữa người làm công ăn lương và lao động tự do ngày càng ít hơn. Những người lao động tự do thường gặp nhiều rủi ro và dễ thay đổi nghề nghiệp. Tuy nhiên, họ lại là những người ít được bảo vệ nhất. Đó là một nghịch lý tàn nhẫn mà chúng ta phải lên án mạnh mẽ.
Ngược lại, tôi không tin tưởng vào các cuộc tranh luận do nhiều chính trị gia đưa ra để bàn về việc giảm trợ cấp thất nghiệp: sẽ giảm đi bao nhiêu euro, hay bao nhiêu tháng trợ cấp so với mức trợ cấp hiện nay. Bằng cách này, họ ngụ ý rằng chuyển đổi nghề nghiệp không phải là một chủ đề đáng bàn, rằng việc chuyển đổi nghề nghiệp sẽ tự diễn ra và rằng những người bị rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp ít nhiều là do lỗi của họ. Tôi nghĩ là ngược lại. Tôi cho rằng cần đầu tư công với số lượng lớn – nhưng phải là đầu tư vào đào tạo và nâng cao trình độ. Đổi lại, mỗi cá nhân phải nâng cao trách nhiệm, có kiểm tra mức độ chuyên cần và đánh giá công tác đào tạo nghề.
Cuộc cách mạng này không có nghĩa là phải nhà nước hóa. Nhà nước phải tài trợ – trên thực tế, Nhà nước đã và đang tài trợ, nhưng không thực sự quyết định điều gì – và là người bảo đảm hoạt động. Nhưng Nhà nước phải cung cấp tiêu chí đánh giá năng lực cho các cơ sở đào tạo tư nhân. Nhà nước phải chuyển giao công tác đào tạo cho các địa phương, các ngành nghề, trường đại học, trường phổ thông và trung tâm dạy nghề. Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm đánh giá. Khâu kiểm tra, yêu cầu tìm kiếm và đào tạo nghề sẽ được chú trọng để đảm bảo các nguồn quỹ được sử dụng hợp lý. Tôi muốn xây dựng một hệ thống có quyền lợi và nghĩa vụ. Bài toán được đặt ra rất rõ ràng: Sau một khoảng thời gian thất nghiệp, những ai không chịu học một khóa đào tạo nào sẽ không được hưởng trợ cấp nữa. Và khi kết thúc khóa học, những ai không chấp nhận một đề nghị làm việc hợp lý cũng sẽ không được trợ cấp nữa. Đây là biện pháp duy nhất để đảm bảo rằng nguồn tiền được chi tiêu một cách công bằng và hiệu quả. Đây sẽ là một đòn bẩy mạnh mẽ của nền kinh tế.
Nhưng chủ trương “sống bằng công việc” sẽ không đủ để có thể lựa chọn cuộc sống. Lời hứa này phải dựa trên một cuộc cải tổ toàn diện hệ thống an sinh xã hội của chúng ta, bắt đầu từ một nguyên tắc đơn giản là giúp đỡ nhiều hơn cho những người ít điều kiện hơn.