Đ
ầu tư cho tương lai và sản xuất trong thế kỷ XXI là chìa khóa quyết định thành công của công cuộc đổi mới. Để khôi phục lại đất nước và cho phép mọi người thấy được vai trò của mình trong công cuộc đổi mới đó, trường học là chủ đề đầu tiên cần bàn luận.
Chúng ta phải loại bỏ tất cả những yếu tố gây ra sự phân biệt nguồn gốc. Đây là lựa chọn của nước Pháp, là một trong những điều làm nên sự vĩ đại của chúng ta. Nhưng hơn thế, chúng ta phải đấu tranh để tạo điều kiện giúp cho mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận với tri thức và văn hóa.
Trong thế kỷ vừa qua, các trường cấp 1, 2, 3, cao đẳng, đại học của chúng ta luôn được đánh giá cao. Không phải ngẫu nhiên mà nước Pháp trở thành một cường quốc về khoa học, công nghệ, thương mại, quân sự, văn hóa và chính trị. Chính nhờ có nền giáo dục và đào tạo tốt mà chúng ta đạt được những thành công xuất sắc trong suốt một thời kỳ dài đến thế. Chúng ta đã tạo điều kiện hết mức cho nhiều người được tiếp cận với giáo dục và đã tiếp nhận những đối tượng học sinh mới, tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông và tốt nghiệp đại học cũng tăng lên đáng kể.
Nhưng ngày nay, kết quả của trường học lại bị sa sút. Hệ thống giáo dục của chúng ta còn tồn tại sự bất bình đẳng, thậm chí còn tăng thêm thay vì giảm bớt. Học sinh Pháp thiếu tự tin vào bản thân và vào cơ sở giáo dục. Các bậc phụ huynh lo lắng. Nhất là giáo viên, họ đang phải đấu tranh trong một hệ thống quan liêu, thờ ơ, không còn công nhận những nỗ lực hay thành tích của họ nữa.
Một phần năm học sinh đã học hết tiểu học mà không biết đọc, viết hay đếm. Những nạn nhân đầu tiên của tình trạng này là người nghèo, thường là người nhập cư. Lên đến bậc phổ thông cơ sở hay phổ thông trung học, kết quả của học sinh cũng không khá hơn là mấy, dù các trường đã mở ra ban công nghệ và dạy nghề. Trong khi đó, mô hình giáo dục này lại rất hiệu quả ở nước Đức láng giềng. Học đến lớp 5 mà học sinh không thể đọc và viết, cơ hội học nghề hầu như không có và sau này họ sẽ không có khả năng tìm được một chỗ đứng trong xã hội.
Còn về hệ thống giáo dục đại học, chúng ta tổ chức phân loại các học sinh có tiềm năng với các học sinh khác. Các học sinh có nhiều tiềm năng sẽ có thiên hướng vào các trường lớn hay các trường đại học có uy tín. Những học sinh khác, những người cần được hỗ trợ nhất, thì lại thường đăng ký một cách mù quáng vào các trường, các chương trình đào tạo mà Nhà nước không đầu tư và quan tâm đúng mức.
Trong lĩnh vực giáo dục, chúng ta đã đề ra nhiều cải cách sai lầm, sai lầm gần đây nhất là cải cách về giờ học, đó là một vấn đề trọng yếu liên quan đến cuộc sống hằng ngày của học sinh và các hoạt động của nhà trường. Chúng ta bỏ hoạt động đào tạo ban đầu cho giáo viên, rồi sau đó lại khôi phục nó mà không tính đến mục đích. Các phương tiện dạy học lúc được tăng cường, lúc lại bị thu hẹp mà không mang lại kết quả gì, cũng không ai đánh giá hậu quả. Cánh tả và cánh hữu lần lượt là “tác giả” của những thất bại này. Điều đó biến nước Pháp từ một đất nước giàu thứ năm trên thế giới thành một quốc gia mà học sinh không có nổi các kỹ năng cơ bản. Tình hình cũng xảy ra tương tự trong việc tiếp thu các kiến thức cơ bản về toán học, tiếng Anh và nhiều môn học khác.
Trong nhiều năm qua, Nhà nước đã không có những thay đổi cơ bản. Thậm chí Nhà nước không đặt ra những bài toán mới, do đó không có các giải pháp sáng tạo và hiệu quả. Tương lai của con cái chúng ta, đặc biệt là các gia đình không có điều kiện – ba triệu người Pháp sống dưới mức nghèo khổ – đòi hỏi phải làm nhiều hơn nữa thay vì chỉ tiến hành các cải cách bên lề, tính toán để tăng hay giảm tí chút các phương tiện dạy học hay thảo luận về sự phát triển của một chương trình giáo dục nào đó,...
Nếu chúng ta phải tổ chức một cuộc cách mạng, thì đó thực sự phải là cuộc cách mạng trong nhà trường. Có ba nhiệm vụ chính cần tiến hành.
____________
Trước hết là cải cách ở trường tiểu học. Trường tiểu học chính là nơi khởi nguồn của bất bình đẳng, do đó nó là nơi hiệu quả nhất để hành động. Ở Pháp, đầu tư công trong giáo dục tiểu học thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các nước phát triển. Chừng nào chưa đạt được kết quả tốt hơn ở trường tiểu học thì chúng ta cũng không thể cải thiện tình trạng ở trường phổ thông cơ sở, vì đây là nơi tiếp nhận các học sinh tiểu học chưa đạt tiêu chuẩn. Như vậy, nhiệm vụ đầu tiên cần thực hiện là phải xác định rõ ràng và chính xác hơn các mục tiêu ưu tiên của trường mẫu giáo và trường tiểu học.
Cụ thể, cần một kế hoạch tái đầu tư quy mô lớn cho các trường tiểu học và đặc biệt là cho các trường mẫu giáo thuộc khu vực giáo dục ưu tiên, cần có giải pháp hạn chế tình trạng học đúp lớp 1 trong khu vực này, đồng thời chú trọng đến công tác đào tạo và hỗ trợ giáo viên, ưu tiên một số khu vực thành thị và nông thôn. Điều này phải đi đôi với đầu tư cho các cán bộ không tham gia giảng dạy và tăng cường y tế học đường. Nhiều học sinh học hết tiểu học mà không thể đọc hoặc viết là do các vấn đề về mắt, thính giác hoặc do các bệnh được chẩn đoán quá muộn. Nếu được phát hiện kịp thời, các căn bệnh này có thể đã được chữa khỏi và nhận được các hình thức hỗ trợ. Đây sẽ là ưu tiên của tôi và tôi sẽ chủ yếu tài trợ cho trường tiểu học, đồng thời sẽ xem xét lại một số cải cách không hiệu quả và tốn kém gần đây.
Giáo dục sớm, đặc biệt là cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, sẽ tác động tích cực đến khả năng tiếp thu ngôn ngữ và từ vựng, đó là điều kiện đầu tiên để có thể học đọc và viết. Giáo dục sớm sẽ được phát triển.
Tôi cũng muốn xem xét lại sự phân bố trường học để giải phóng các khu dân cư khỏi sự cô lập và để tránh hình thành cho trẻ em cảm giác về sự phân chia xã hội và giáo dục ngay từ khi còn nhỏ. Do đó, cần xác định lại rõ ràng cách phân bố học sinh, phát triển số trường học ở các khu dân cư khó khăn bằng cách tổ chức các mô hình sư phạm sáng tạo và chuyên biệt, đồng thời đảm bảo các phương tiện để học sinh đến trường được thuận lợi.
Đối với trường trung học cơ sở, chúng ta sẽ khôi phục quyết định bãi bỏ phân ban ngôn ngữ châu Âu, vốn được coi là cánh cửa giúp những người trẻ trở thành công dân châu Âu. Chúng ta sẽ thiết lập lại các lớp song ngữ Anh – Đức bắt đầu từ lớp sáu. Đào tạo những thanh niên biết nói tiếng Đức là một biện pháp chiến lược trong mối quan hệ Pháp – Đức, điều này hoàn toàn phù hợp với những cam kết của Tổng thống de Gaulle vào năm 1963.
Sau tiểu học và trung học, nhiệm vụ cải cách thứ hai sẽ liên quan đến việc định hướng, trước và sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học.
Theo tôi, nhiệm vụ này cũng vô cùng cấp bách bởi lẽ hiện nay các nhà quản lý của hệ thống giáo dục không mấy quan tâm đến điều này. Hiện nay, khoảng 100.000 thanh thiếu niên đã rời khỏi hệ thống giáo dục mỗi năm mà không có bằng tốt nghiệp hoặc không được đào tạo. Mặt khác, trong khi có 80% học sinh tốt nghiệp phổ thông, thì nhiều em lại thất bại trong các trường đại học. Do chọn trường không phù hợp, nhiều em đã bỏ học. Đó là sự lãng phí đối với bản thân các em và với xã hội.
Từ đó nảy sinh những bất công sâu sắc. Bởi vì khi học sinh xuất thân từ một gia đình khá giả và có kết quả học tập cao, các em có thể tham gia các lớp dự bị đại học hoặc các chương trình đào tạo tốt; chưa kể số sinh viên du học tại các trường đại học Anh hoặc châu Âu ngày càng tăng. Nhưng khi không được ai hướng dẫn hay tư vấn, một người trẻ sẽ không thể thành công ở một trường đại học mặc định nào đó, trong khi lẽ ra một trường dạy nghề hay một ngành học khác sẽ phù hợp hơn. Do đó, cần phải phát triển mạnh công việc định hướng cho học sinh và tiến hành ngay từ bậc trung học cơ sở.
Những cải cách này không thể dựa trên những gì mà các nhà quản lý coi là tốt hay hữu ích, mà phải được tiến hành dựa trên khả năng của mỗi người trẻ. Chúng ta cần cung cấp thông tin đầy đủ để các em tự do lựa chọn con đường của mình. Trên tinh thần này, tôi muốn rằng khi ghi danh vào một chương trình đại học hay học nghề, thì kết quả học tập của ba năm trung học phổ thông phải được thông báo rõ ràng. Chúng ta cần biết được rằng bao nhiêu thanh niên đã ngừng học, bao nhiêu người đã tìm được việc làm hoặc tiếp tục theo học đại học. Chỉ có sự minh bạch và cung cấp thông tin tốt hơn cho học sinh và gia đình mới có thể khôi phục lại các điều kiện công bằng.
Việc đào tạo nghề phải được coi là một thế mạnh trong hệ thống giáo dục của chúng ta. Điều này chủ yếu liên quan đến công tác hướng nghiệp. Nếu như đào tạo nghề không phát triển như mong muốn, thì đó là do nền giáo dục quốc gia đã bỏ ngỏ, thậm chí phản đối công tác này. Ngoài ra, nguyên nhân là do các công ty tham gia quá ít vào công tác đào tạo. Chúng ta cần làm rõ hai điều: Nhà nước phải hoạch định chương trình và khuôn khổ của hoạt động đào tạo nghề, còn việc quản lý các cơ sở đào tạo này phải được chuyển giao cho các địa phương.
Cuối cùng, về bậc đại học. Các trường đại học của chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu và giải thưởng trên thế giới. Chúng ta có thể tự hào về giải Nobel và các giải thưởng uy tín khác trong nhiều lĩnh vực. Chúng ta có thể biểu dương những đổi mới tại địa phương, trên toàn đất nước, điều này thể hiện năng lượng và mong ước tiến lên phía trước của nhân dân ta. Ngoài ra, bản thân việc trở thành “một sinh viên đại học” đã là niềm tự hào. Bằng cách nhấn mạnh tất cả những thành công này, chúng ta sẽ truyền cho sinh viên và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước Pháp tình yêu đối với các trường đại học của Pháp. Điều này là cần thiết cho sự gắn kết xã hội và cho nền kinh tế của chúng ta!
Tuy nhiên, thách thức đối với các trường đại học không phải là nhỏ. Lượng sinh viên đang bùng nổ và xu hướng này sẽ tiếp tục kéo dài. Từ năm 1960, số sinh viên theo học các trường đại học đã tăng gấp 8 lần. Sự cạnh tranh trên thế giới đã trở nên căng thẳng và sẽ ngày càng căng thẳng hơn. Châu Á giờ đây đã trở thành một nhân tố quan trọng, từ Nhật Bản tới Trung Quốc. Ngày nay, đối thủ cạnh tranh của một trường đại học ở Paris không phải là một trường đại học khác ở Paris, mà là trường Đại học Bách khoa Liên bang Lausanne – Thụy Sĩ, hoặc trường Đại học Kinh tế London – Vương quốc Anh. Nhờ cuộc cách mạng kỹ thuật số, giờ đây từ Paris người ta có thể tham gia một khóa học tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Boston mà không cần ghi danh, cũng không cần phải là sinh viên, với chi phí rất thấp. Từng chút, từng chút một, thị trường tri thức ngày càng trở nên khó kiểm soát. Đặc biệt, tất cả các bộ phận của nền kinh tế đều đang chuyển hướng. Hàng triệu việc làm đang thay đổi, trong các nhà máy, ngân hàng và bảo hiểm. Tuy nhiên, tình trạng thất nghiệp mà chúng ta đang trải qua cũng phản ánh việc chúng ta thiếu khả năng nắm bắt những cơ hội kinh tế mới. Chúng ta sẽ vẫn là một trong những cường quốc hàng đầu trên thế giới về kinh tế, với điều kiện các trường đại học phải đủ khả năng thích ứng và phát triển đào tạo.
Trong bối cảnh này, nếu muốn thành công, chúng ta cần phải trao cho các trường đại học nhiều quyền tự chủ hơn, về phương pháp sư phạm cũng như về phương tiện. Cần bảo vệ những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn bằng một chính sách hỗ trợ xã hội thực sự hiệu quả, cho phép các trường đại học huy động sự đóng góp của các sinh viên có điều kiện khá giả, có chính sách thu hút giảng viên giỏi, mở cửa thư viện vào buổi tối và cuối tuần để phục vụ nhu cầu của sinh viên – như thường thấy ở nhiều nước, đặc biệt là Hoa Kỳ. Chúng ta cần thoát ra khỏi những giáo điều cũ kỹ mà nạn nhân của nó chính là thế hệ thanh niên. Chúng ta chỉ có một nhiệm vụ duy nhất: làm cho trường đại học thành công.
____________
Vậy làm thế nào để đạt được thành công? Phải nhờ vào đội ngũ giáo viên!
Đối với tôi, vấn đề khó khăn liên quan đến cái gọi là “cuộc khủng hoảng tuyển dụng”. Số lượng ứng viên cho các kỳ thi tuyển giáo viên chưa bao giờ cao bằng lúc này. Vấn đề là do cơ chế hoạt động của nền giáo dục quốc gia, cụ thể là cách thức quản lý hoạt động của giáo viên, thường do chính quyền và các công đoàn quốc gia đồng quản lý một cách máy móc.
Các quy định về luân chuyển cán bộ cứng nhắc và không minh bạch, dẫn đến một tình trạng tồi tệ với cả những giáo viên có liên quan và học sinh ở những vùng khó khăn như Seine-Saint-Denis: giáo viên được tuyển dụng quá trẻ, thiếu kinh nghiệm và hạn chế về số lượng.
Số lượng các văn bản luật được ban hành tăng theo cấp số nhân, đặc biệt là các “thông tư hướng dẫn thi hành”. Các phương pháp hướng dẫn, thử nghiệm, đánh giá và chia sẻ các kỹ năng còn yếu.
Một mặt, văn bản của Bộ không đủ để hướng dẫn chi tiết cho hơn một triệu công chức ngành giáo dục. Mặt khác, Đảng bảo thủ lo lắng về sự công bằng của nền cộng hòa khi nói tới “quyền tự chủ”. Chúng ta cần sớm hiểu ra rằng sự đồng nhất không đồng nghĩa với bình đẳng: nếu áp dụng chung một chính sách cho tất cả mọi đối tượng, thì chắc chắn sẽ chỉ có một số ít thu được thành công. Ngược lại, chúng ta phải làm nhiều hơn cho những đối tượng gặp khó khăn. Làm sao hình dung được rằng trong một hệ thống giáo dục được ưu tiên, một trường tiểu học có đến 60% học sinh lớp 5 không biết đọc biết viết có thể đương đầu nổi với những thách thức như một trường học ở một khu phố khá giả? Liệu chúng ta có nên áp dụng cùng một chính sách đầu tư cho những trường này, vì một hoài bão về sự bình đẳng? Tôi tin rằng chúng ta phải giao cho các trường gặp khó khăn nhiều công cụ và nhiều quyền tự chủ hơn nữa. Các trường học này phải được phép thử nghiệm những phương pháp mà họ chưa bao giờ làm: thu hút các giáo viên giỏi nhất bằng cách trả lương tốt hơn, tăng số giờ dạy học. Để có được bình đẳng thực sự, chúng ta phải đầu tư nhiều hơn cho những người thực sự cần.
Trên thực tế, mọi thứ đều phụ thuộc vào sự tin tưởng mà chúng ta dành cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Họ là những người tốt nhất để nghiên cứu, tổ chức và cung cấp tài chính cho những đổi mới quan trọng. Tôi đặc biệt quan tâm tới các phương pháp học trực tuyến mới xuất hiện gần đây, cho phép những học sinh không biết đọc sau khi học hết lớp 1 và sắp lên lớp 2 có thể cải thiện tình hình.
Chương trình cải cách này sẽ hiệu quả nếu chúng ta áp dụng cơ chế tự chủ trong các trường học và biến nó thành một mô hình mới trong việc tổ chức hệ thống giáo dục quốc gia. Để chương trình đảm bảo được tính khách quan, cần có một tổ chức đánh giá độc lập và quyền lực với các mục tiêu thống nhất và rõ ràng. Cơ chế hoạt động tự chủ cho phép giáo viên đưa ra nhiều sáng kiến hơn, thử nghiệm nhiều phương pháp khác nhau và cải tiến sao cho phù hợp với học sinh để nâng cao chất lượng học tập. Tôi ủng hộ việc đầu tư lớn cho các đội ngũ giáo viên muốn tập trung lại, bàn bạc và thử nghiệm các giải pháp mới, chính sách này có thể bắt đầu từ năm học 2017. Tất nhiên, giáo viên sẽ chịu trách nhiệm về các kết quả đạt được, chúng ta sẽ tin tưởng và ủng hộ họ. Vả lại, cơ chế hoạt động này cũng không có gì mâu thuẫn với đề xuất của một số người về việc thành lập các cơ sở đào tạo và trường học hoàn toàn mới.
Chúng ta sẽ thành công trong cuộc cách mạng này nếu tìm lại được động lực tham gia vào nền Cộng hòa, nếu chúng ta đặt giáo viên ở vị trí trung tâm của nền Cộng hòa. Kinh nghiệm bản thân cho tôi thấy công việc truyền thụ tri thức và đào tạo khó khăn đến thế nào. Nhưng có một điều gì đó đã chấm dứt trong mối quan hệ giữa Nhà nước và giáo viên. Đó là sự đổ vỡ mà cánh hữu đã để mặc cho phát triển. Những rạn nứt này, bên cánh tả cũng không thể sửa chữa. Đôi khi, họ còn nghĩ có thể lợi dụng hoàn cảnh này và nhiều người Pháp, đặc biệt là những người nghèo, đã cảm nhận được. Đó là một sai lầm về đạo đức mà chúng ta cần phải sửa chữa.
Nếu không tính đến đời sống tinh thần của giáo viên, chúng ta sẽ không thể tiến hành cải cách thành công. Tôi muốn nói tới các giáo viên trẻ phải tự “bơi” ở những nơi khó khăn, những giáo viên thiếu kinh nghiệm phải đối mặt với những vấn đề về kỷ luật, những người có bằng tiến sĩ phải chờ đợi hàng năm trời mới được làm giảng viên chính, rồi sau đó phải đợi hàng thập kỷ để trở thành giáo sư ở trường đại học.
Họ phải đối mặt với những khó khăn về hành chính ngày càng nặng nề, mối quan hệ với phụ huynh học sinh ngày một xấu đi, tiền lương thưởng không đủ để tái tạo sức lao động, giáo viên được yêu cầu phải làm việc nhiều hơn, trong khi tiền lương không thay đổi, thậm chí còn ít đi.
Cần phải có đủ sự can đảm để nói lên một điều rằng thông thường khó khăn của giáo viên không bắt nguồn từ xã hội, mà từ chính môi trường giáo viên: bộ máy hành chính cồng kềnh, sự quản lý chồng chéo phức tạp; ranh giới mờ nhạt giữa tự chủ và thực hiện chỉ đạo từ cấp trên đưa xuống trong trường học; cuối cùng là những thay đổi liên tục về chương trình và các văn bản của các bộ, ngành lại quyết định số phận của học sinh nhiều hơn là giáo viên, trong khi chính họ mới là người hiểu rõ năng lực của học sinh.
Như vậy, việc tiến hành một cuộc cách mạng ở trường học là hoàn toàn có cơ sở và chúng ta sẽ đồng hành với giáo viên trong công cuộc cải cách này.