Tháp Eiffel và quốc kỳ Pháp.
T
rong thế kỷ XXI, nếu muốn thành công trên mặt trận kinh tế, chúng ta cũng phải giải quyết được những thách thức về môi trường. Làm thế nào để hơn 10 tỷ người sống được trên hành tinh này mà không làm suy kiệt nó và không ảnh hưởng đến đời sống? Đây không phải là chủ đề bình thường như những chủ đề khác, cũng không phải là vấn đề cần lưu ý. Mà nó đã trở thành vấn đề quan trọng nhất. Nó là tâm điểm của cuộc sống hằng ngày vì nó liên quan đến thức ăn, sức khỏe, nhà cửa, phương tiện vận chuyển của chúng ta. Nó tác động đến mô hình phát triển, đặc biệt là tới tính bền vững của nền văn minh nhân loại.
Cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường trước hết mang tính chính trị. Cũng giống như một số người trong thế kỷ trước đã muốn lờ đi khoảng cách ngày càng tăng giữa các tầng lớp xã hội, ngày nay vẫn có những người hoài nghi những cơ sở khoa học về tình hình khí hậu, do niềm tin hoặc do sự tính toán nào đó mà họ không thừa nhận rằng khí hậu đang nóng lên. Ở Hoa Kỳ hoặc châu Âu, một số nguyên thủ quốc gia hoặc các ứng cử viên cho vị trí đó công khai bảo vệ luận điểm rằng: Chúng ta có thể tiếp tục sống, tiêu thụ và sản xuất như hiện nay mà chẳng có vấn đề gì cả. Tuy nhiên, các chuyên gia hàng đầu về môi trường, như Jean Jouzel, luôn thể hiện quan điểm rõ ràng và đưa ra đầy đủ minh chứng cho hiện tượng nóng lên toàn cầu này.
Chúng ta phải tiếp tục nâng cao nhận thức, giải thích và chứng minh rằng không có lựa chọn nào khác ngoài việc khẩn trương đẩy nhanh quá trình quá độ đã bắt đầu.
Trên phạm vi quốc tế, trước tiên phải xác định được các mục tiêu cần đạt được để giảm việc phát thải lượng khí gây hiệu ứng nhà kính. Chúng ta đã thực hiện một bước tiến đầu tiên tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP 21 được tổ chức tại Paris năm 2015, hội nghị đi đến một thỏa thuận giới hạn không để nhiệt độ Trái đất nóng thêm quá 2ºC vào năm 2100.
Việc đạt được sự nhất trí trong thỏa thuận này phản ánh thực tế rằng ngày càng có nhiều quốc gia phải thừa nhận rằng hành tinh của chúng ta đang gặp nguy hiểm và chúng ta cần phải hành động. Kể từ khi bắt đầu thời đại công nghiệp, nhiệt độ trên Trái đất đã tăng lên 1ºC, với những hậu quả mà chúng ta có thể quan sát như năm sau nóng hơn so với năm trước; tiêu tốn nhiều tiền để khai thác nguồn năng lượng đang cạn kiệt thay vì tái tạo năng lượng cho tương lai; lục địa thứ bảy, sinh ra từ nhựa, đã nổi lên trên biển. Một mặt, chúng ta lãng phí một phần ba lượng thức ăn mà chúng ta làm ra, mặt khác, bệnh béo phì ngày càng gia tăng. Các đồ vật mà chúng ta sử dụng trong vòng một hoặc hai năm sẽ cần nhiều thập kỷ để có thể tự phân hủy một cách tự nhiên. Đáng lo ngại là xu hướng này ngày càng phát triển. Nếu chúng ta không có biện pháp để giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, thì nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể tăng lên hơn 4ºC vào năm 2100. Hậu quả tất yếu sẽ là mực nước biển tăng lên đáng kể, một số hòn đảo, hoặc thậm chí toàn bộ lãnh thổ các nước như Bangladesh sẽ biến mất, một loạt hiện tượng thời tiết vô cùng khắc nghiệt xuất hiện.
Những hậu quả về môi trường rất nghiêm trọng, nhưng hậu quả về mặt xã hội cũng nặng nề không kém. Số người tị nạn vì khí hậu có thể lên tới hàng trăm triệu người, kèm theo đó là những hệ lụy và ảnh hưởng đến hòa bình thế giới. Ví dụ, từ năm 2006 đến năm 2011, Syria đã trải qua thời kỳ hạn hán tồi tệ chưa từng có trong lịch sử. Nguyên nhân là do thay đổi khí hậu. Tình trạng hạn hán đó cũng là một trong những yếu tố gây nên chiến tranh ở đất nước này. Nên nhớ rằng thách thức về khí hậu đang đe dọa những người khó khăn nhất, nghèo nhất, nhỏ nhất và một loạt các thế hệ mai sau.
Nhiệt độ đã chạm mốc kỷ lục vào năm 2016, có lẽ đó là năm nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử. Điều này nhắc nhở chúng ta phải nhanh chóng hành động. Do đó, tôi muốn biểu dương những nỗ lực của nước Pháp trong việc đạt được thỏa thuận Paris, cho phép huy động mọi thành phần xã hội trên toàn thế giới - các quốc gia, công ty, nghiệp đoàn, hiệp hội, cộng đồng, các phong trào tôn giáo – cùng nhập cuộc.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc cần thực hiện, đặc biệt là sau khi Tổng thống Donald Trump đắc cử. Trong các cuộc tranh luận quốc tế, châu Âu phải có tiếng nói của mình để tất cả các quốc gia phải tôn trọng các cam kết của Hội nghị khí hậu toàn cầu COP 21, trong đó có cả Hoa Kỳ. Những cam kết này không đủ giúp chúng ta thực hiện được mục tiêu giữ nhiệt độ không tăng quá 2ºC, chúng vẫn cần phải được điều chỉnh với những đòi hỏi cao hơn. Cần tổ chức một cuộc vận động trên phạm vi quốc tế để bảo vệ sự đa dạng sinh học trên lục địa và đại dương, tiếp tục các chương trình phát triển bền vững. Và trong lĩnh vực này, một lần nữa đất nước chúng ta phải đóng một vai trò quan trọng. Chúng ta có không gian hàng hải lớn thứ hai trên thế giới. Chúng ta là nước châu Âu duy nhất trong số 18 nước dẫn đầu thế giới về đa dạng sinh học và là một trong 10 nước bảo vệ nhiều loài sinh vật đang bị đe dọa nhất trên thế giới. Cuối cùng, chúng ta có mặt ở tất cả các cơ quan đầu não điều hành thế giới - từ G7 đến G20 và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Chúng ta phải thực hiện và gìn giữ cam kết bảo vệ môi trường. Cần tập hợp các cơ quan nhà nước có liên quan đến vấn đề này và đưa họ đến các lãnh thổ hải ngoại của nước ta, đó là nơi lý tưởng nhất để tiến hành thực nghiệm. Một nước Pháp đa dạng sinh học và khí hậu, một nước Pháp có mặt trên khắp hành tinh, một nước Pháp thực sự hiện diện ở các lãnh thổ hải ngoại. Những vùng đất này chính là nơi chúng ta tổ chức và phát đi thông điệp bảo vệ môi trường. Chứ không phải từ Paris.
Ngoài ra, chúng ta phải là những tấm gương điển hình. Đó là lý do tại sao tôi muốn đặt trọng tâm vào kế hoạch xây dựng môi trường sinh thái trong các chính sách của nước Pháp những năm tới, đồng thời cũng là tâm điểm trong các chính sách phát triển của Liên minh châu Âu.
Bằng cách này, chúng ta sẽ có đủ tư cách để cất lên tiếng nói với các quốc gia trên thế giới. Và tôi hoàn toàn lạc quan. Hệ sinh thái mới mà chúng ta cần xây dựng không hề mâu thuẫn với mô hình kinh tế mới mà chúng ta muốn phát triển. Thậm chí, nó còn là một trong những thành phần chủ chốt làm nên nền kinh tế đó. Nó tạo ra cơ hội cho các công ty đi theo hướng mới để bảo vệ môi trường, xây dựng những ngôi nhà tiêu thụ ít năng lượng, phát triển nông nghiệp hữu cơ,… Chính vì mục đích này mà cần có đầu tư công và sự giám sát của Nhà nước. Xã hội cũng sẽ được hưởng lợi bởi các giải pháp này cho phép chúng ta ăn uống lành mạnh hơn, khỏe mạnh hơn, hít thở bầu không khí sạch hơn,... Tóm lại là có một cuộc sống tốt hơn.
Yêu cầu phát triển kinh tế và nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong tương lai không hề mâu thuẫn mà sẽ ngày càng bổ sung, hỗ trợ nhau.
Mọi người chắc hẳn đều biết cuộc phiêu lưu của Solar Impulse, chiếc máy bay này đã bay vòng quanh thế giới chỉ bằng năng lượng mặt trời. Chúng ta ít để ý rằng chính tiến bộ trong ngành hóa học đã làm nên điều kỳ diệu đó. Nước Pháp có trong tay đầy đủ các thế mạnh để trở thành một quốc gia thủ lĩnh trên thế giới về đổi mới trong lĩnh vực môi trường.
Trong tương lai, những gì được gọi là công nghệ sạch sẽ trở thành một trong những trụ cột chính của nền kinh tế toàn cầu.
Chi phí vận hành các công nghệ quang điện mặt trời đã giảm hơn 80% kể từ năm 2009 và dự kiến sẽ giảm tiếp khoảng 60% nữa vào năm 2025. Nhờ đó, chế độ điện tử năng lượng mặt trời sẽ là phương thức sản xuất điện năng rẻ nhất. Từ thực tế của các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, chúng ta biết rằng một trong những khó khăn cơ bản của ngành năng lượng là truyền tải đường dài và tích trữ. Những chủ đề này đang là mối quan tâm của một loạt tập đoàn lớn và các công ty khởi nghiệp trên toàn thế giới. Pháp là một trong những nước dẫn đầu.
Ngoài ra, biển ngày càng trở thành một trong những địa điểm tái tạo năng lượng của chúng ta. Năng lượng tái tạo của biển sẽ tiếp tục phát triển và đa dạng hóa sản xuất.
Về mặt hiệu suất, chúng ta biết rằng cần nỗ lực giảm lượng tiêu thụ năng lượng của các tòa nhà bằng hệ thống tách nhiệt, trang bị thiết bị sưởi hiệu quả. Lĩnh vực này cũng đạt được nhiều tiến bộ như nồi hơi ngưng tụ mà nay đã trở thành tiêu chuẩn, máy bơm nhiệt và lò sưởi bằng gỗ cũng tăng đáng kể, đồng thời các công ty xây dựng đang cố gắng cải tiến hệ thống cách nhiệt ở mái nhà và mặt tiền.
Chúng ta đang làm thay đổi thời đại. Ngày trước, tất cả đều phụ thuộc vào dầu mỏ, thời đại của chúng ta đang và sẽ dựa ngày càng nhiều vào động cơ điện, cho dù là phương tiện giao thông công cộng hay cá nhân. Chúng ta đang chứng kiến sự phát triển đáng kinh ngạc của xe điện, đa dạng về kiểu dáng, tuổi thọ pin ngày càng tăng và chi phí giảm một nửa chỉ trong vòng mười năm trở lại đây. Việc sử dụng xe điện cũng đang được cải tiến dựa vào các công cụ kỹ thuật số, cho phép dùng chung các phương tiện xe hơi và xe đạp, đồng thời giúp chúng ta có kế hoạch đi lại tốt hơn.
Nền kinh tế sinh thái mới sẽ tập trung vào khả năng phục hồi đất đai, sông ngòi, thậm chí cả các đại dương đang bị phá hủy bởi các “hòn đảo“ đồ nhựa. Chất lượng không khí, kể cả không khí mà hằng ngày chúng ta hít thở trong nhà, ở văn phòng cũng là một vấn đề đáng lưu tâm. Do ô nhiễm khí quyển, tuổi thọ của một người 30 tuổi ở các khu đô thị lớn trung bình bị giảm 15 tháng và ở khu vực nông thôn là 9 tháng. Theo một số nghiên cứu, chi phí để giải quyết ô nhiễm không khí của nước Pháp ước tính lên tới hơn một trăm tỷ euro mỗi năm.
Các nhà máy của chúng ta đã bắt đầu thay đổi. Trong 20 năm qua, ở Pháp, chính các nhà máy đã cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất. Việc thải ra các phân tử độc hại như lưu huỳnh hoặc dioxin đã gần như không còn xảy ra nữa. Nhà máy tương lai sẽ cho phép chúng ta thực hiện những bước đi mới, bằng cách chuyển năng lượng nhiệt thành nguồn năng lượng cho các mạng lưới nhiệt của các thành phố, hoặc tái chế các sản phẩm tiêu dùng quá cũ. Tóm lại, chúng ta sẽ xây dựng một nền kinh tế quay vòng, trong đó sẽ không thứ gì bị bỏ đi mà đều được tái chế lại.
Có được những nhà nghiên cứu cao cấp trong các lĩnh vực khoa học như hóa học, vật lý và sinh học, đồng thời sở hữu một hệ thống doanh nghiệp dày đặc và đa dạng, bao gồm nhiều tập đoàn lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ và một mạng lưới các doanh nghiệp mới khởi nghiệp đầy tiềm năng, nước Pháp có đủ mọi thế mạnh để tự khẳng định mình là một trong những trung tâm phát triển công nghệ sạch. Đã đến lúc cho tất cả các đối tác kinh tế một động lực chính trị mạnh mẽ, phát động một cuộc tổng động viên quốc gia để phát triển công nghệ xanh.
Chúng ta cũng nên chú ý để không bỏ lỡ thời điểm quyết định này. Vào những năm 2000, chúng ta đã bỏ lỡ bước ngoặt lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông mới, hậu quả là cuộc cách mạng kỹ thuật số hiện nay hoàn toàn do các tập đoàn lớn của Mỹ thống trị. Trong 5 năm tới, chúng ta nhất định phải tạo ra cho mình các điều kiện cần thiết để trở thành một trong những nhà vô địch công nghệ sạch trên thế giới. Đó là một thử thách lớn cho cả hành tinh và cho chủ quyền công nghiệp của chúng ta. Nước Pháp sẽ không thể sản xuất như trước đây nếu muốn tạo ra hàng triệu việc làm và hàng tỷ tiền tiết kiệm.
Ngoài ra, trung tâm tài chính Paris đang chuẩn bị cho mình chiến lược và các điều kiện để trở thành một thủ lĩnh quốc tế về tài chính xanh. Với triển vọng này, tôi cho rằng châu Âu sẽ thành công trong việc áp dụng đánh thuế môi trường nhằm nâng cao hành vi, ý thức của người dân và doanh nghiệp, từ đó có thể giảm bớt thuế lao động.
Môi trường mới này sẽ tạo nên dấu ấn trên thế giới. Hơn nữa, thế kỷ XXI sẽ trở thành thời đại của thành thị. Vì thế, các thành phố có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các thách thức về môi trường. Về mặt này, chúng ta có những thế mạnh cần phát huy.
Thứ nhất, chúng ta có thể dựa vào một mô hình lịch sử, thậm chí nó tồn tại trước cả khi được gọi thành tên. Đó là mô hình thành phố bền vững. Không như hầu hết các thành phố ở Mỹ hoặc châu Á, các khu dân cư ở châu Âu đều được bố trí dày đặc, chúng không được xây dựng dựa trên mạng lưới phương tiện giao thông hay trong các vùng đô thị mở rộng.
Chính trong các thành phố đông đúc dân cư này, chúng ta có thể lắp đặt hệ thống giao thông công cộng không thải khí carbon và xây dựng mạng lưới năng lượng thông minh. Cho đến nay, chúng ta thường đi đầu trong việc xây dựng mạng lưới số hóa, xây dựng các khu phố sử dụng năng lượng sạch, phát triển dịch vụ dùng chung xe hơi và xe đạp, hay đơn giản là tổ chức các tuyến đường cho người đi bộ.
Các thành phố tương lai sẽ giản dị hơn so với hiện nay, nhưng nhân văn hơn. Nó khuyến khích các cuộc gặp gỡ, tạo ra những mối liên hệ mới giữa các cư dân. Nó không gò bó, môi trường mới mà chúng ta muốn phát triển là một môi trường lành mạnh với niềm vui sống trong một thành phố hòa bình. Các công dân dần dần trở thành những chủ nhân thực sự. Điều này thể hiện bằng việc hình thành các cộng đồng tự điều chỉnh việc tiêu thụ năng lượng của mình hoặc xây dựng các khu vườn công cộng trong thành phố.
Nước Pháp có kỹ năng và những thành tựu đứng đầu thế giới trong lĩnh vực phát triển các thành phố bền vững. Không phải ngẫu nhiên mà Paris có mạng lưới tàu điện ngầm lớn nhất thế giới, Paris và Lyon là hai trong số những thành phố đầu tiên thiết lập hệ thống xe đạp công cộng.
Sự chuyển đổi này có lợi cho tất cả mọi người, đặc biệt là người nghèo. Ở bất cứ khía cạnh nào, thành phố thông minh cũng không hề là thiên đường chỉ dành cho những người có điều kiện khá giả. Do đó, cần phải đầu tư vào giao thông công cộng, giải phóng những khu phố nghèo khỏi sự cô lập, đầu tư nguồn lực của cả Nhà nước và tư nhân vào việc quy hoạch đô thị. Thành phố thông minh phải cho phép người nghèo có thể đi lại với chi phí thấp và được sống trong những nơi đẹp đẽ.
____________
Môi trường sống mới này cũng giúp thay đổi các vùng nông thôn của chúng ta. Nó có thể là một nhân tố thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển mạnh mẽ nếu như chúng ta biết nắm bắt cơ hội. Thứ nhất, việc đa dạng hóa các hoạt động, đặc biệt là các hoạt động hướng tới sản xuất và phát triển các nguồn năng lượng, sẽ giúp tăng thu nhập cho người nông dân. Thứ hai, sự xuất hiện càng nhiều các khủng hoảng thời vụ (sữa, thịt, ngũ cốc,…), vệ sinh thực phẩm (bệnh bò điên, cúm gia cầm), ô nhiễm môi trường (thuốc trừ sâu, nitrat) thể hiện sự khủng hoảng của cả ngành nông nghiệp. Một mặt, giống như mọi người dân Pháp, người nông dân muốn sống được bằng nghề của mình. Họ không phải lúc nào cũng yêu cầu được giúp đỡ nhiều hơn, họ muốn công sức của mình được trả theo đúng giá trị của nó. Mặt khác, người tiêu dùng đang chờ đợi một chế độ ăn uống sạch và cân bằng. Họ mong đợi nông dân Pháp có thể mang lại điều đó cho họ. Trong tương lai chúng ta sẽ phải xây dựng một hiệp ước giữa xã hội và ngành nông nghiệp, cho phép nhiều người tiếp cận với thực phẩm có chất lượng tốt và mức giá phải chăng, nhưng đồng thời vẫn đảm bảo thu nhập chính đáng cho người nông dân. Hiệp ước xã hội này sẽ cho phép phát triển một nền nông nghiệp bền vững hơn và có sức cạnh tranh cao hơn. Tôi cho rằng hai nhu cầu này không mâu thuẫn với nhau. Nhưng chúng ta phải giúp người nông dân và ngành công nghiệp thực phẩm nắm bắt được cơ hội. Ngoài ra, cần đảm bảo rằng các nhà phân phối lớn cũng tham gia vào cuộc chơi.
Để thực hiện các mục tiêu trên, chúng ta phải điều chỉnh các ngành nghề, thông qua hợp đồng tính toán giá cả hợp lý, đảm bảo cho nhà sản xuất, cơ sở chế biến và nhà phân phối có đủ thu nhập để sống tốt và tái đầu tư. Điều này đòi hỏi sự minh bạch trong tất cả các khâu, phải có các thỏa thuận hằng năm cho phép lợi ích của các bên có thể gặp nhau và tránh biến động giá cả. Mỗi bên đều phải hiểu rằng chủ quyền lương thực của chúng ta và xa hơn là tương lai của chúng ta phụ thuộc vào nền nông nghiệp của đất nước.
Trong bối cảnh đó, chính sách nông nghiệp chung đến năm 2020 (CAP) sẽ là một bước tiến quan trọng hướng tới các quy định hiệu quả hơn. Việc bảo vệ người dân chống lại biến động giá cả sẽ có những bước tiến mới.
Việc thực hiện các quy định cũng phải thay đổi. Nông dân cần phải tham gia nhiều hơn vào khâu sản xuất cuối cùng và nâng cao chất lượng sản phẩm. Chúng ta cần giúp đỡ và khuyến khích họ tích cực thực hiện những công việc này. Ví dụ, ở vùng Aisne, cách Château-Thierry vài cây số, tôi đã gặp người quản lý một trang trại gia đình nuôi lợn và gia cầm. Lẽ ra ông ấy đã đóng cửa từ lâu, bởi với 50 con lợn nái và với những hậu quả nghiêm trọng của khủng hoảng trong những năm gần đây, ông gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng ông đã đầu tư nâng cao chất lượng, tự mình đổi mới sản phẩm và bán sản phẩm theo chu trình ngắn. Hiện nay, không những trang trại của ông có thể tồn tại mà người con của ông cũng có thể kế tục sự nghiệp của cha bằng cách tiếp tục đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp.
Sự chuyển đổi phương pháp sản xuất này thực ra đã được những người nông dân trồng nho áp dụng. Họ đã biến mô hình sản xuất hàng loạt thường thấy ở miền Nam thành những thương hiệu có nguồn gốc được kiểm định (AOC).
Những nhà trồng nho một thời suýt phá sản nay đã có được một sức sống mới, đồng thời thu hút thêm khách du lịch. Những thành tựu của ngành trồng nho phải được nhân rộng ở các ngành khác để thu hút người tiêu dùng trong và ngoài nước. Gần đây, UNESCO đã công nhận nghệ thuật ẩm thực Pháp là một Di sản văn hóa phi vật thể. Với thương hiệu này, các thị trường đang rộng mở cho tất cả các sản phẩm nông nghiệp của chúng ta nếu chúng ta có thể nâng cao chất lượng. Cũng như tất cả các lĩnh vực khác, sản xuất nông nghiệp của Pháp không chịu sự áp đặt, nó sẽ tự giành thắng lợi.
Người Pháp là một trong số những dân tộc lo lắng nhiều nhất cho tương lai của hành tinh, nhưng khi phải thay đổi thói quen, chẳng hạn tái chế hoặc đổi mới hệ thống năng lượng trong nhà, họ chỉ được xếp ở mức trung bình tại châu Âu.
Vấn đề sinh thái không thể chỉ giới hạn trong các cuộc tranh luận của các chuyên gia hoặc các hội thảo quốc tế lớn được. Trước hết, nó phải nằm trong các quyết định và sáng kiến hằng ngày của các hộ gia đình, doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các tổ chức phi chính phủ: tái chế, lựa chọn tiêu dùng các sản phẩm được chứng nhận bền vững, cung cấp nguyên liệu bền vững, sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, có thể sửa chữa thay vì chỉ sử dụng một lần, lựa chọn phương tiện đi lại, hệ thống cách nhiệt. Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm tạo ra các công cụ và chính sách ưu đãi nhưng họ không thể quyết thay cho tất cả các bên có liên quan. Mọi cá nhân đều phải có cơ hội tham gia vào công cuộc xây dựng môi trường sống, bằng cách này hay cách khác, với sự tin tưởng vào các quyết định chung.