Bạn có đang lấy người trông trẻ làm trung tâm không?
Trước kia, khi đi tham quan một số nhà trẻ theo phương châm giáo dục tự do, điều khiến tôi cảm động nhất là ánh mắt ngời sáng của từng em bé và nét sống động trong hoạt động của các em. Khi đánh giá chất lượng giáo dục, tôi thường đặt ánh mắt của trẻ và nét sống động trong hoạt động lên hàng đầu.
Quan điểm này đã vượt ra khỏi giới hạn của tâm lý học trẻ em hiện đại và phải là người thực sự sống cùng trẻ mới có thể hiểu thấu được. Vì để hiểu được, chúng ta cần dùng đến trực giác. Chúng ta có thể thực sự cùng sống với trẻ bằng cách vừa coi trọng những hoạt động ngẫu hứng của trẻ, vừa áp dụng mô hình giáo dục lấy mục tiêu là việc bồi đắp động lực tự thân cho trẻ. Những người trông trẻ làm được như vậy sẽ không bao giờ có suy nghĩ “bắt” trẻ làm gì, bởi “bắt” nghĩa là cưỡng chế để trẻ làm theo ý muốn của người trông.
Nhìn vào những mô hình giáo dục mầm non nơi trẻ hoạt động theo sự ép buộc của nhà trường vẫn có thể ít nhiều thấy sự sống động trong hoạt động của các em, song trong đó nhất định cũng có không ít những đôi mắt không bừng sáng. Có những đứa trẻ hoạt động theo những điều được chỉ định với khuôn mặt thất thần, mất đi sự say mê, đến mức đôi khi tôi cảm thấy các em như những chú khỉ chỉ biết tuân theo mệnh lệnh trong rạp xiếc. Tuy vậy, trường mẫu giáo không nhận ra điều này, bởi họ còn mải mê suy tính làm sao để trẻ tuân theo kế hoạch mình đã định ra mà không chú tâm tới dáng điệu cũng như tâm hồn của trẻ. Có thể nói đây là mô hình giáo dục lấy người trông trẻ làm trung tâm.
Nếu như trẻ làm theo tất cả những điều được chỉ định, hay nói cách khác là mọi việc diễn ra suôn sẻ theo đúng kế hoạch, họ sẽ coi như chất lượng giáo dục đang tăng lên, còn người trông trẻ sẽ thấy mãn nguyện, được những người xung quanh khen ngợi là có “chất lượng giáo dục tốt”. Những người này đâu có nhìn thấy ánh mắt lấp lánh hay hành động sống động của trẻ đâu.
Mô hình giáo dục này bắt đầu thịnh hành vào thập niên 30 đời Chiêu Hòa (1955 - 1965), do ở thời điểm đó, những người lãnh đạo vốn không được trải nghiệm giáo dục mầm non đã “tiểu học hóa” các trường mầm non. Kết quả là dù trong “Cương lĩnh giáo dục mầm non” có viết rằng: “Các vùng cần lưu ý rằng chương trình học và tính chất của giáo dục mầm non khác với bậc tiểu học”, song họ lại xây dựng giáo trình giống với sách giáo khoa tiểu học, khiến cho giáo dục mầm non trở thành áp đặt đối với các em bé. Cũng trong nguyên tắc chung (II) tại “Cương lĩnh giáo dục mầm non”, mặc dù có ghi: “Cần lưu ý rằng giáo dục mầm non khác với giáo dục tiểu học, nhằm phát huy đặc tính đó…”, nhưng giáo dục mầm non ở Nhật Bản đã đánh mất sự khác biệt và đặc tính đó rồi.
Những nhà giáo dục mầm non nhận thấy điều này đã kêu gọi “quay lại khởi điểm của giáo dục mầm non”, đồng thời những nhà giáo thực sự sinh hoạt cùng trẻ cũng bắt đầu nỗ lực thoát khỏi cái vỏ giáo dục từ trước đến nay.
Tuy nhiên, trong con mắt của những nhà giáo dục chủ trương theo đuổi mô hình giáo dục đồng nhất “tiểu học hóa” thì “giáo dục tự do” chỉ đơn thuần là để trẻ chơi và có nhiều người phê phán là “không có tính giáo dục trong đó”. Và đã có nhiều lời chê trách cũng xuất hiện từ phía những vị phụ huynh, những người chỉ biết đến giáo dục tiểu học, chỉ coi giáo dục mầm non là giai đoạn trù bị cho giáo dục tiểu học. Tất cả những người đó đều là những người không được trải nghiệm nét đặc thù của giáo dục mầm non.
Ở điểm này, tôi nghĩ rằng các trường mầm non theo đuổi mô hình giáo dục lấy tự do làm trung tâm đã phải chịu rất nhiều khó khăn. Hiện tại những trường mầm non này đang rất vui mừng với “Cương lĩnh giáo dục mầm non” mới được công bố năm 1989.
Tìm kiếm ý nghĩa thực sự của giáo dục tự do
Đôi mắt ngời sáng và hoạt động sôi nổi chính là biểu hiện của sự phát triển động lực tự thân ở trẻ.
Tuy nhiên, cần phải chỉ ra rằng, ở Nhật Bản thực sự có rất ít nhà lãnh đạo hiểu rõ ý nghĩa của việc nuôi dạy trẻ trong “tự do”. Một phần lý do là bởi ở giai đoạn cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, đặc biệt là khi phải sống dưới sự áp chế của chủ nghĩa quân phiệt, “tự do” là trái với phương châm quốc gia. Phần khác là bởi sau chiến tranh, có nhiều người đã nhầm lẫn giữa “tự do” với “vô trách nhiệm” mà không thấy được rằng “trách nhiệm” nhất định phải gắn trong “tự do”.
Suy nghĩ sai lầm rằng “giáo dục tự do” chỉ được triển khai trước giờ tập trung buổi sáng cũng nảy sinh từ đó. Vậy “tự do” thực sự là gì? Đây là câu hỏi lớn dành cho giới giáo dục mầm non từ nay về sau, đồng thời cũng là một vấn đề lớn dành cho giới giáo dục Nhật Bản.
Khi trò chuyện với những nhà giáo đầu ngành trong đó có hiệu trưởng của những trường mầm non sử dụng phương pháp giáo dục tự do, tôi có thể thấy rõ những vị này đều đã được trải nghiệm “tự do”. Hơn nữa, sự “chậm rãi” mà tôi cùng những nhà giáo trẻ kiếm tìm cũng được chấp nhận trong mô hình giáo dục này. Bởi sự “chậm rãi” này sinh ra từ cái tâm “buông thư” của người trông trẻ, nên có lẽ cũng cần phải thảo luận xem mỗi cá nhân người trông trẻ đang sống cuộc sống “buông thư” như thế nào.
Thêm vào đó, trong mô hình giáo dục “giao phó” cho động lực tự thân của trẻ, giáo viên phải luôn nhớ xác nhận xem các hoạt động mang tính chủ động của trẻ đang giúp trẻ phát triển mặt nào. Nếu điểm này không được xác nhận, mô hình này sẽ thiếu tính thuyết phục trước những cha mẹ hay những người đang phản đối nó.
Như “Cương lĩnh giáo dục mầm non” năm 1989 đã chỉ ra: cần phải nghiên cứu làm sao để hỗ trợ cho từng trẻ phát triển “cá tính” của riêng mình. Đối với giáo dục trong gia đình cũng tương tự như vậy.