Khi nghĩ tới vấn đề học thông qua trải nghiệm một vấn đề quan trọng trong giáo dục, điều đầu tiên hiện lên trong đầu tôi đó là trải nghiệm của những người viết về giáo dục trẻ nhỏ. Bởi toàn bộ kinh nghiệm tiếp xúc với trẻ nhỏ của các nhà nghiên cứu hay các giáo viên thực hành giáo dục trẻ nhỏ sẽ được phản ánh đầy đủ trong những gì họ nói và viết.
Trong các nhà nghiên cứu, có những người đọc nhiều sách trong và ngoài nước, sau đó diễn giải, sắp xếp nội dung một cách đầy khoa học, chi tiết. Nhưng khi đọc những nghiên cứu đó, mặc dù tôi thấy rõ trí tuệ của người viết nhưng tôi lại không thấy cảm kích. Hay trong các giáo viên thực hành cũng có nhiều người viết về trải nghiệm tiếp xúc với trẻ nhỏ, nhưng nếu như đó chỉ là những tiếp xúc bề nổi thì cũng khó có thể truyền tải đến người đọc sự sống động của trẻ. Trong những cuốn tạp chí giáo dục có rất nhiều thứ như vậy, đặc biệt là những thứ do các nhà nghiên cứu viết được kết cấu một cách lý thuyết, bị ràng buộc bởi lý thuyết khiến tôi không khỏi cảm thấy chúng xa rời bản chất thật của trẻ.
Ngược lại, những luận văn của các nhà nghiên cứu hay các giáo viên thực hành có tiếp xúc sâu với trẻ tuy có kết cấu về lý thuyết yếu, đôi khi có cách viết cảm tính, nhưng lại khiến cho người đọc cảm động và truyền đạt rõ được hình ảnh của trẻ.
Tôi bắt đầu nghiên cứu về trẻ nhỏ từ khoảng trước năm 1945, nhưng khi đó, do tôi bận tâm tới việc làm sao để cho ra đời được một nghiên cứu chính thống nên không có kết nối sâu sắc với trẻ, chỉ hài lòng với những kết quả tổng hợp, xử lý thống kê. Người “đánh thức” tôi chính là cô hiệu trưởng tài giỏi của một trường mẫu giáo. Sau khi đưa cho cô xem kết quả điều tra mà tôi thực hiện được nhờ sự giúp đỡ của trường, chỉ đọc lướt qua cô đã nói: “Đây có thực sự là trẻ con không? Hãy thử chơi với trẻ nhiều hơn đi”. Hẳn ý cô muốn nói là nếu thử đem kết quả nghiên cứu soi chiếu vào sinh hoạt của trẻ thì sẽ thấy nghiên cứu này là một thứ rất xa rời bản chất của trẻ. Ban đầu, tôi rất giận những lời nói đó, nhưng rồi tôi cũng thử chơi cùng trẻ, nếm trải niềm vui được chơi cùng chúng, và cuối cùng tôi cũng hiểu được những gì cô muốn nói, từ đó tôi coi cô như ân sư của mình.
Nhân đây tôi cũng nhớ lại lời của Kurahashi Sozo, một trong những cây đại thụ về giáo dục trẻ em của Nhật trong suốt 40 năm qua, những lời đó vẫn còn được khắc ghi vẹn nguyên, tươi mới trong lòng tôi. Tôi gặp thầy lần đầu tiên vào mùa xuân năm 1940 qua sự giới thiệu của giáo sư hướng dẫn tại khoa tâm lý học, nơi tôi đang theo học khi đó. Khi tôi bước vào chào thầy trong phòng hiệu trưởng, thầy làm mặt hơi giận và nói với tôi: “Hôm nay hãy quên hết tâm lý học đi rồi chơi với bọn trẻ con!”. Tôi rất ngạc nhiên và giận dữ trước những câu này. Ấn tượng này mạnh đến mức tôi hầu như không còn nhớ nổi ngày hôm đó trôi qua như thế nào nữa. Tuy nhiên sau này, cứ mỗi lần tôi cảm nhận được niềm vui khi chơi cùng trẻ, lời nói của thầy lại vang lên và nó đã trở thành kim chỉ nam cho con đường nghiên cứu tâm lý trẻ em của tôi. Ngay cả khi nghĩ về “cách để trẻ trải nghiệm có hiệu quả”, đây cũng là chìa khóa để những người lớn biết suy nghĩ xem làm thế nào để những trải nghiệm với trẻ được phong phú, hay làm thế nào để chơi được cùng trẻ. Nếu không thực sự trải nghiệm thì không thể biết được trải nghiệm đó đáng giá thế nào.
Trải nghiệm của bản thân tôi trong giáo dục trẻ nhỏ
Tôi bắt đầu tiếp xúc trực tiếp với trẻ từ năm 1947. Đó là thời điểm tôi và Yamashita Toshio (giữ chức hiệu trưởng) - hai thầy giáo trẻ được thầy Kurahashi Sozo thuyết phục - thành lập một trường mẫu giáo với phương châm giáo dục tự do, mỗi lớp có số trẻ lý tưởng là 18 em. Tôi giữ vai trò là bác sĩ của trường, lúc thì chơi với trẻ, lúc thì trao đổi với các giáo viên và xem họ dạy trẻ. Mô hình giáo dục tuyệt vời khi đó đã giúp tôi dần nâng cao năng lực quan sát của mình.
Ngoài ra, những trải nghiệm với hình thức giáo dục ngoài trời cũng vô cùng quý giá đối với tôi. Với hình thức này, trẻ sẽ được đưa đến các công viên, nơi mà ở đó, trẻ có thể trèo cây, bắt cua trong các hố nước. Trò chơi ném bóng theo hình tam giác cũng rất thịnh hành thời đó. Hình ảnh lũ trẻ đầy năng lượng khi ấy vẫn còn lưu lại trong tim tôi. Nhìn những hoạt động tuyệt vời này, lòng tôi dấy lên một sự tin tưởng mạnh mẽ ở các em.
Có thể nói rằng, khả năng đoán định xem bọn trẻ có được hoạt động năng nổ hay không của tôi hiện nay đã được bồi đắp từ thời đó. Đồng thời, tôi cũng cảm nhận trọn vẹn niềm vui chơi cùng với những đứa trẻ được hoạt động năng nổ.
Sau đó, tôi thành lập các nhóm đi trại hè dành cho trẻ tiểu học trong suốt 30 năm qua. Được cùng chơi với trẻ trong vòng 1 tuần tại cao nguyên là niềm vui to lớn nhất hằng năm của tôi. Gần đây khi tuổi già ập đến, cơ thể tôi đã không thể theo được cường độ hoạt động của trẻ nên tôi không còn tổ chức trại hè được nữa, nhưng lúc nào tôi cũng nhớ tới niềm vui đó.
Vui chơi giúp nuôi dưỡng sự say mê và tính sáng tạo ở trẻ
Chơi cùng trẻ vui ở chỗ các trò chơi rất sống động và đầy tính sáng tạo. Hoặc cũng có thể nói rằng vì các trò chơi đầy sáng tạo nên chúng rất sống động.
Người đầu tiên lập nên nhà trẻ - Fröbel - cũng chỉ ra điều này, và tuyên bố rằng trẻ chơi không phải để giải trí đơn thuần. Những trẻ đã phát triển động lực tự thân sẽ liên tục sáng tạo trò chơi, khai triển chúng và không có ý định dừng lại. Trong những trò chơi này, có nhiều trò trong mắt người lớn là nghịch ngợm, nhưng đối với trẻ lại là những hoạt động sáng tạo. Nghĩ lại vô số trò nghịch của mình hồi nhỏ tôi cũng hiểu được phần nào, đến nay khi cùng “nghịch ngợm” với bọn trẻ, điều đó lại càng rõ ràng hơn bao giờ hết. Những người nghiêm túc, chưa được trải nghiệm việc “nghịch ngợm” trong quá khứ sẽ không bao giờ cảm nhận được niềm vui này, giống như những người lớn lãng quên tâm hồn trẻ thơ vậy.
Việc ngẫu hứng nghĩ ra các trò chơi sẽ giúp trẻ phát triển tính sáng tạo và đôi khi phát triển cả tính xã hội nếu trò chơi đó được chơi cùng với bạn bè của trẻ. Nếu là một người lớn có tâm hồn trẻ thơ, người đó sẽ muốn tham gia vào những trò nghịch ngợm cùng trẻ, còn trẻ sẽ rất hứng thú. Hơn nữa, bên cạnh trải nghiệm niềm vui được chơi cùng trẻ, người lớn còn nâng cao được năng lực trí óc thông qua việc hướng dẫn trẻ chơi hoặc dạy trẻ học chữ hay đếm số.
Những trò chơi trẻ chủ động chọn thường là những trò gần nhất với sở thích và đam mê của trẻ nên việc học chữ hay số đếm thông qua trò chơi cũng trở nên tích cực hơn. Không những vậy, những trò chơi này còn gắn liền với đời sống hiện thực nên trẻ sẽ dễ dàng nắm bắt được các khái niệm. Chơi là học có ý nghĩa như vậy.
Trong các trò chơi của trẻ còn xuất hiện rất nhiều điều trẻ học được trong đời sống thường ngày. Đây được gọi là “trò chơi nhập vai”, nhìn nội dung trò chơi có thể thấy được cuộc sống đang diễn ra. Đây cũng là căn cứ để ta nói trò chơi là cuộc sống của trẻ.
Như vậy, nếu cha mẹ hoặc giáo viên có thể cùng trẻ tham gia những trò chơi do trẻ ngẫu hứng nghĩ ra thì sau này, khi xâu chuỗi lại, các bạn sẽ thấy rõ rằng, thông qua trò chơi, trẻ đã phát triển được hàng loạt kỹ năng. Bởi những trò chơi ngẫu hứng luôn được thực hiện “một cách tổng hợp”.
Tuy nhiên cũng có những người cho rằng chơi không phải là giáo dục. Những phát ngôn này rõ ràng từ những người chưa từng có trải nghiệm chơi cùng trẻ, hoặc từ việc đánh đồng chơi với giải trí đơn thuần. Trong những trò chơi được triển khai một cách ngẫu hứng sẽ luôn có “tự do”.
Việc các trường mầm non gọi khoảng thời gian trước giờ tập trung buổi sáng là thời gian chơi tự do hoặc thời gian giáo dục tự do chính là tượng trưng của điều này. Đây chắc chắn là khoảng thời gian trẻ có thể chơi một cách ngẫu hứng, nhưng nếu trong khoảng thời gian đó, người trông trẻ và trẻ không có mối liên kết bền chặt thì chỉ có thể coi đó là sự bỏ mặc chứ không phải là giáo dục. Điều này dẫn đến mối nguy hại của việc tạo ra những đứa trẻ vô kỷ luật, chưa kể đến việc có thể khiến trẻ gặp nguy hiểm. Có thể nói đây là thái độ không thể chấp nhận được đối với một người trông trẻ.
Chơi tự do là những trò chơi được lựa chọn dựa trên động lực tự thân của trẻ, tất nhiên khi đó cần xác nhận trò chơi có phát huy được tính sáng tạo hay động lực tự thân không nên người trông trẻ không được rời mắt khỏi trẻ. Hơn nữa, việc đem lại “tự do” cho trẻ cũng là một trách nhiệm nặng nề của người trông trẻ. Cũng chính vì vậy, đối với những người trông trẻ thiếu trách nhiệm, họ thường gom trẻ lại và “tổ chức hoạt động” gì đó cho trẻ, không những họ tự biến mình thành người vô trách nhiệm mà còn hạn chế sự phát triển động lực tự thân của trẻ. Bên cạnh đó, cũng có thể nói rằng những nhà nghiên cứu hay những người trông trẻ khi sử dụng từ “tổ chức hoạt động” cho trẻ cũng là những người không nắm được bản chất của việc chơi tự do. Vì không ai có thể dùng từ ngữ như vậy nếu thực lòng coi trọng động lực tự thân của trẻ.
Những trò chơi do trẻ lựa chọn một cách chủ động được dựa trên sở thích và sự quan tâm của trẻ nên trẻ thường vô cùng say mê với chúng. Có thể nói đây là những hoạt động quan trọng nhằm nuôi dưỡng tấm lòng say mê. Nếu có lòng say mê, trẻ sẽ đầu tư nhiều công sức để phát triển trò chơi đó hơn nữa, trong đó cách “đầu tư công sức” thường thấy là “nghịch ngợm”. Chính “nghịch ngợm” là biểu hiện của sự ham thích tìm tòi, hay còn gọi là tinh thần học hỏi của người lớn. Trong “Cương lĩnh giáo dục mầm non” có cụm từ “dựa trên sở thích và sự quan tâm” cũng chính là tôn trọng động lực tự thân của trẻ.
Như vậy, hình thức giáo dục coi trọng những trò chơi mà trẻ lựa chọn một cách chủ động có ý nghĩa quan trọng trong việc bồi đắp lòng say mê và tính sáng tạo cho trẻ. Nếu trò chơi được trẻ thực hiện cùng bạn bè sẽ dễ nảy sinh xích mích, tuy nhiên những xích mích đó lại vô cùng có ích cho sự phát triển tính xã hội đúng nghĩa. Các mẹ hãy chọn cho con ngôi trường biết trân trọng giờ chơi tự do, tránh những trường chỉ sa đà dạy chữ, dạy số.
Để con được “giúp đỡ” cũng là trải nghiệm quan trọng
Ngay cả người lớn chúng ta cũng có thái độ khác nhau đối với những việc đã từng và chưa từng trải nghiệm. Cùng với sự an tâm trước những việc đã từng làm hay sự bất an trước những việc chưa từng làm, còn xuất hiện những hành động bất thường ở mặt hành vi, hay các chứng bệnh tâm sinh lý ở mặt sức khỏe. Do đó, đối với trẻ, có nhiều cơ hội trải nghiệm ngay từ khi còn nhỏ là vô cùng quan trọng.
Cơ hội được tạo ra ngay từ khi trẻ bắt đầu tự di chuyển (biết bò hoặc lẫm chẫm tập đi). Có câu tục ngữ: “Thất bại là mẹ thành công” với ý nghĩa trải nghiệm tự đứng lên sau khi bị ngã cũng là học cách để ngã và đứng dậy, cho con thử và sai dưới sự quan sát của cha mẹ. Nếu như cha mẹ suốt ngày chỉ ôm ấp hay nâng đỡ con, con sẽ không biết được cảm giác bị ngã, đến lúc ngã thật sẽ gặp những chấn thương lớn. Nếu như bạn đưa tay ra nâng đỡ khi con bị ngã, lần tiếp theo con sẽ khóc cho đến khi nào được đỡ thì thôi.
Cũng giống như vậy, đem đến cho con thật nhiều trải nghiệm trong cuộc sống thường ngày, trong đó bao gồm cả trải nghiệm sự thất bại là vô cùng quan trọng. Từ đầu đến giờ tôi đã nói đến sự quý giá của trải nghiệm được “nghịch ngợm” rồi, nhưng ngoài ra còn rất nhiều việc để con có thể trải nghiệm như dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bàn ăn, nấu ăn hay mua sắm… Không chỉ dừng lại ở việc “để con giúp” mà cha mẹ còn có thể giao một chút “trọng trách” cho con qua các công việc nhà. Tại nhà trẻ hay mẫu giáo cũng tương tự như vậy.
Sau nhiều lần tham quan các nhà trẻ tại Đức (Tây Đức cũ) hay Áo, tôi nhận thấy tư tưởng coi trọng kinh nghiệm thực tế trong quá trình học của trẻ là tư tưởng xuyên suốt của các nhà giáo dục kỳ cựu tại các nước này. Khi trẻ được 5 tuổi, họ thường cho chúng bột để làm bánh, bắt đầu từ bước nhào bột cho đến khi đưa bột vào khuôn rồi nướng. Gần ngày Lễ tạ ơn, trẻ được cầm tiền và đi mua sắm. Trẻ còn được mua các nguyên liệu nấu nướng và được tự nấu ăn. Tại các trường, họ cũng đã chuẩn bị sẵn dụng cụ làm bếp ở một góc để trẻ sử dụng. Trẻ còn được đưa cho cưa của người lớn để học về niềm vui và độ khó của việc sử dụng cưa.
Tại Nhật Bản, trẻ có được cho phép làm những việc như vậy tại nhà hay ở trường không? Và trẻ có được dạy về cuộc sống không?
Tại nhà, thường thì trẻ sẽ làm hỏng việc mỗi khi được nhờ “giúp đỡ” nên các bà mẹ sợ “lãnh hậu quả” và không dám cho con làm. Vì khi con giúp mẹ, các con sẽ làm mất thời gian nên những bà mẹ muốn nhanh xong việc sẽ dập tắt ngay ý muốn giúp đỡ của con. Đặc biệt, những bà mẹ theo chủ nghĩa hoàn hảo sẽ tự làm hết mọi việc. Chính vì vậy, trẻ lại dán mắt vào tivi. Những đứa trẻ xem tivi 2 - 3 tiếng/ ngày sẽ không vận động trong khoảng thời gian đó, đương nhiên điều đó khiến cho thể lực của trẻ yếu kém và đồng thời khiến trẻ trở thành những con người có cảm xúc nghèo nàn, hình thành nhân cách sai lệch.
Ngay cả ở nhà trẻ, trường mẫu giáo hay tại trường tiểu học, nhà trường đều xây dựng thời gian biểu, cho trẻ “làm theo” kế hoạch đã định sẵn mà quên mất phải dạy cho trẻ về đời sống. Cho đến nay, giáo dục mầm non vẫn đang tiếp tục chịu ảnh hưởng của sự hỗn loạn và chậm tiến của giáo dục tiểu học nên thứ quan trọng đối với giáo dục mầm non là học về trải nghiệm lại vô cùng ít ỏi. Giáo dục mầm non được thực hiện theo hình thức “tiểu học hóa”. Có một nguyên nhân to lớn trong đó là chính các giáo viên mầm non hay hiệu trưởng cũng không được trải nghiệm “giáo dục mầm non” đúng nghĩa. Thực tế này khiến chúng ta cảm nhận được rõ sự đáng sợ của việc thiếu trải nghiệm cũng như tầm quan trọng của việc được trải nghiệm.
Hướng dẫn con một cách “chậm rãi”
Nếu giao việc cho con rồi quan sát con làm, bạn sẽ nhận thấy đó chính là trò chơi của con. Trẻ sẽ không nhanh chóng hoàn thành công việc như người lớn, mà trong lúc đang làm việc lại bắt đầu chơi một trò gì đó, hoặc dùng dụng cụ được giao để làm đồ chơi. Những người lớn không thích điều này sẽ không muốn giao việc cho trẻ nữa hay chỉ “giao phó” cho trẻ làm công việc trẻ muốn. Nhưng nếu như bạn ý thức được rằng công việc đối với trẻ lúc này chỉ như là “trò chơi”, bạn sẽ có thể đưa trẻ vào công việc.
Để hướng dẫn trẻ làm việc mà trọng tâm là vui chơi, người mẹ, người trông trẻ cần kiên nhẫn. Nếu được hỏi cách dạy con của bạn có kiên nhẫn hay không, bạn sẽ trả lời thế nào?
Kiên nhẫn là không hấp tấp, vội vàng. Đó là việc hướng dẫn con bằng tấm lòng “biết chờ đợi” một cách khoan thai cho đến khi nào con làm xong, dù là một công việc trong vòng bao nhiêu ngày đi nữa. Trong khoảng thời gian này, trẻ sẽ trải nghiệm nhiều thất bại. Và từ những thất bại ấy, trẻ sẽ nghĩ ra cách làm sao để không lặp lại thất bại nữa, từ đó sẽ nảy sinh trạng thái muốn thử nghiệm những phương pháp mới. Theo đó, tư duy của trẻ sẽ trở nên đa chiều hơn. Nếu như trẻ có thể tự suy nghĩ, tự thử sức, động lực tự thân từ đó cũng phát triển theo. Cuối cùng, khi mục đích công việc được hoàn thành, trẻ không những mài dũa được kỹ năng sống mà cảm giác thành công còn giúp củng cố thêm lòng tự tin trong trẻ.
Từ quan điểm này, có thể thấy rằng cần phải thay đổi từ gốc rễ tư duy ở giáo dục mầm non tại nhiều nhà trẻ.
Trẻ không muốn tới trường do thiếu kiến thức từ trải nghiệm
Sự thiếu hụt kiến thức từ trải nghiệm có ảnh hưởng như thế nào tới việc hình thành nhân cách của trẻ? Điều này không được thể hiện rõ ở lứa tuổi mẫu giáo hay thiếu nhi, nhưng sẽ xuất hiện dưới dạng những hành vi bất thường từ sau tuổi dậy thì. Hiện nay, có thể nói rằng, một trong những biểu hiện đó là sự gia tăng đột biến của hành vi từ chối đến trường của nhiều học sinh ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Khi thử tìm hiểu lại cuộc sống trong quá khứ của những trẻ bỏ học, có thể thấy rằng kiến thức trải nghiệm của các em vô cùng ít ỏi. Hầu như trẻ không được giao việc vặt trong nhà, còn mẹ của các em lại hoàn thiện công việc vô cùng hoàn hảo, đến mức có nhiều bà mẹ nghĩ rằng đó là đối xử tối với con.
Cũng có những trường hợp do người bố không thích ra ngoài, mẹ lại “ngại” với bố nên hầu như con không được trải nghiệm cuộc sống bên ngoài. Những gia đình như vậy cũng không quan hệ nhiều với họ hàng, không có nhiều khách đến nhà, nên các con cũng không có nhiều trải nghiệm tiếp xúc với người ngoài.
Khoảng từ 1 đến 3 tuổi, trẻ đã trở nên trầm tính… Trẻ bị cha mẹ cấm “nghịch ngợm”, từ đó động lực tự thân bắt đầu chậm phát triển… Cũng chính vì vậy, lẽ ra thời kỳ phản kháng đầu tiên phải xuất hiện khi trẻ 2 - 3 tuổi nhưng với những trẻ đó, thời kỳ này lại không xuất hiện…
Khi những đứa trẻ này đi mẫu giáo hoặc nhà trẻ, có lẽ các em sẽ không thể dễ dàng kết bạn, và dù có cho các em cơ hội chơi tự do đi nữa, các em cũng chỉ tha thẩn, chạy theo bạn để giết thời gian. Khi tôi hỏi những người mẹ có con bỏ học là: “Cô giáo ở trường có nói gì về cháu không?”, phần đa các bà mẹ đều bối rối trả lời: “Các cô không nói gì ạ”. Cũng có những trường hợp được nhận xét là “khó kết bạn”, nhưng kết cục cũng không có cách giải quyết từ gốc rễ cho các em.
Điều này có nghĩa là chúng ta đang triển khai một nền giáo dục không cho trẻ chơi một cách ngẫu hứng và cũng không cho trẻ tham gia vào đời sống thường nhật. Trong một nền giáo dục kìm hãm trẻ như vậy thì sẽ rất khó để phát hiện ra sự chậm phát triển động lực tự thân. Những người nuôi dạy trẻ chỉ biết thỏa mãn với việc trẻ làm theo hướng dẫn của mình lại càng không bao giờ nhận thấy sự chậm trễ đó.
Tại trại hè của chính tôi, điểm này luôn được làm rõ. Vì chúng tôi để cho các em chơi và làm các công việc thường ngày, nên trẻ bị đẩy vào tình trạng phải tự tìm cách để chơi, tự phục vụ cuộc sống. Trong tình huống này, những trẻ chậm phát triển động lực tự thân sẽ chỉ ngồi xem bạn bè chơi, quanh quẩn không biết phải làm gì. Bên cạnh đó, cũng có những trẻ đến hỏi: “Thưa thầy/cô, con làm cái này được không ạ?”, chúng tôi sẽ trả lời rằng: “Con tự nghĩ đi”, rồi các con cũng không thể làm gì tiếp được. Những trẻ này chiếm đến hơn 20%, có thể coi là thế hệ dự bị cho nhóm trẻ từ chối đến trường đang ngày một tăng lên. Cũng có những trẻ không có thói quen vệ sinh cá nhân, không rửa mặt, không đánh răng… bởi vì trong quá khứ trẻ chỉ biết làm theo chỉ định của cha mẹ mà thôi.
Khi tôi thử hỏi: “Các thầy cô ở trường mẫu giáo có nói gì về con không?” thì phần đa các mẹ đều trả lời rằng không nói gì, thậm chí có người còn nói rằng: “Cháu nó rất ngoan”. Cũng không phải vô lý khi phát sinh suy nghĩ sai lầm như thế này trong nền giáo dục kìm hãm của chúng ta.
Tôi nghĩ việc quay về khởi điểm của giáo dục mầm non cũng chính là việc điều chỉnh một cách căn bản nền giáo dục hiện nay. Cần thực hiện được một chương trình giáo dục mầm non mà ở đó trẻ được chủ động chơi và được cung cấp nhiều trải nghiệm đời sống. Đồng thời, cần có sự liên hệ mật thiết giữa gia đình và nhà trường, thống nhất quan điểm giáo dục, hạn chế bao bọc và can thiệp để nuôi dưỡng động lực tự thân trong con, xác định thái độ nuôi dạy “giao phó” cho con, đặc biệt cũng cần định hướng để con có nhiều trải nghiệm đời sống phong phú.