Gây lộn là biểu hiện của chính kiến cá nhân
Càng ngày càng có nhiều đứa trẻ quên mất việc “cãi vã/đánh nhau”. Tôi có thể khẳng định điều này thông qua những đợt trại hè (dành cho trẻ tiểu học) trong suốt 30 năm qua. Khoảng 20 năm trước, tôi đã chứng kiến nhiều cuộc cãi vã/đánh nhau của bọn trẻ. Có những trận bọn trẻ đánh nhau ra trò. Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, những trận đánh nhau như vậy đã biến mất và số lượng những xích mích thông thường cũng ít hẳn.
Những đứa trẻ không cãi vã/đánh nhau được xem như “trẻ ngoan”. Các bà mẹ chắc hẳn cũng hay nói rằng: “Nếu các con đánh nhau thì đừng chơi nữa”. Cũng có những nhà trẻ đề khẩu hiện rằng “Luôn yêu thương nhau nhé”. Thế nhưng những trẻ không cãi vã/đánh nhau mới thực là “trẻ hư”. Tại sao lại như vậy?
Cãi vã/đánh nhau là biểu hiện của chính kiến cá nhân, chỉ xảy ra khi có sự va chạm chính kiến. Trẻ không cãi vã/đánh nhau nghĩa là không có chính kiến, điều đó đồng nghĩa với việc động lực tự thân của trẻ không phát triển.
Những trẻ phát triển động lực tự thân bắt đầu chơi với bạn từ khoảng 4 tuổi, khi đó đương nhiên trẻ sẽ cãi vã/đánh nhau. Trong trường hợp đối phương cũng phát triển động lực tự thân, hai bên sẽ cãi vã/đánh nhau, sau đó lại chơi với nhau - và cứ lặp đi lặp lại như vậy. Nhờ đó, trẻ sẽ tự tìm ra biện pháp thể hiện chính kiến theo cách của mình để làm sao có thể chơi thật vui mà không cãi vã/đánh nhau. Hơn nữa, trẻ cũng biết được đối phương có suy nghĩ riêng của mình, dần dần thấu hiểu bạn hơn. Hạt giống của “lòng quan tâm” bắt đầu nảy nở. Trải qua những kinh nghiệm như vậy, tính xã hội thực sự cũng được bồi đắp trong trẻ.
Khi được khoảng 7 - 8 tuổi, trẻ chơi với bạn một cách nhiệt tình. Trong nhóm, trẻ chơi với nhau đồng thời thiết lập những lời hứa, những giao ước (kết giao bí mật). Lứa tuổi này còn được gọi là “tuổi bè đảng”. Như vậy, những đứa trẻ phát triển đủ năng lực kết bạn một cách chủ động như vậy sẽ có nhiều bạn bè để tâm sự khi bước vào tuổi dậy thì, cùng nhau chia sẻ những điều phiền muộn, từ đó xóa tan đi những bất an. Cũng vì vậy những đứa trẻ này sẽ không rơi vào tâm trạng chán nản.
Những đứa trẻ rơi vào trạng thái chán nản từ sau tuổi dậy thì, ví dụ như bỏ học, rối loạn thần kinh, trầm cảm hay tự sát… đều có một trong những đặc điểm chung là không có bạn.
Tại sao những trẻ này lại không có bạn? Đó là vì động lực tự thân của các em chưa phát triển. Nếu tìm hiểu về đời sống trong quá khứ của các em sẽ có thể tìm ra nguyên nhân. Thứ nhất, các em không “nghịch ngợm” mà lúc nào cũng ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ nên “thời kỳ phản kháng đầu tiên” không xuất hiện, khiến cho sự phát triển động lực tự thân của các em lại đang bị đè nén. Những trẻ này khó kết bạn cả ở trường mẫu giáo lẫn ở trường tiểu học. Và các em cũng có đặc điểm là dù có chơi với bạn cũng không cãi vã/đánh nhau vì các em đã tránh chơi với những bạn dễ gây xích mích rồi. Các em cũng tránh đến nhà bạn mà thường mời bạn đến nhà chơi.
Tại sao các em lại trở thành những đứa trẻ trầm tính, nghe lời như vậy? Bởi đó là kết quả của việc bị người lớn đè nén như cấm nghịch ngợm, quy kết là trẻ hư nếu trẻ phản kháng, đồng thời cũng là kết quả của việc được khen là “trẻ ngoan” nếu biết nghe lời.
Cần phải sớm nhận ra những đứa trẻ như vậy và biến các con trở thành những đứa trẻ biết nghịch ngợm, phản kháng, đặc biệt có thể cãi vã/đánh nhau với bạn bè. Và điều kiện tiên quyết là phải dứt khỏi cái khuôn “trẻ ngoan” sai lầm kia. Chúng tôi thử nghiệm các phương thức trị liệu bằng trò chơi, hay đưa các em đi trại hè để các em có cơ hội được trải nghiệm niềm vui “nghịch ngợm”. Như vậy, khi động lực tự thân phát triển, các em sẽ thay đổi thành những đứa trẻ biết thể hiện cái tôi của mình.
Quan sát mà không đứng ra phân xử khi con cãi vã/đánh nhau
Anh chị em trong gia đình thường cãi vã/đánh nhau do va quẹt hay do vô tình đụng chạm, trong đó cũng bao gồm cả các dạng chơi đùa. Đối với cha mẹ, các con cãi vã, đánh nhau thì thật là ồn ào, nhưng khi ra ngoài, các con lại biết bảo vệ nhau, ở bên nhau, thể hiện tình yêu thương giữa anh chị em. Để nuôi dưỡng tình yêu thương này, cha mẹ nhất định không được đứng ra phân xử mỗi khi các con cãi vã/ đánh nhau. Việc phân xử ai đúng ai sai chỉ để lại tổn thương trong lòng các con. Đặc biệt, nếu con lớn bị quát mắng nhiều, con sẽ coi em như kẻ thù.
Vì việc phân xử sao cho công bằng khi con cãi vã/đánh nhau quả thực rất khó. Dù anh đánh em trước mặt mẹ thật, nhưng có khi chỉ vừa trước đó em lại là người cấu anh. Dù anh có biện minh với mẹ nhưng mẹ lại không nghe mà chỉ thường ngay lập tức mắng mỏ: “Con hư quá!”, khiến cho con bất mãn với mẹ và coi em như kẻ thù. Hơn nữa, nếu như mẹ phủ đầu thêm: “Con lớn hơn cơ mà!”, con sẽ vô cùng tức giận, đến mức cho rằng nếu không có em có phải tốt hơn không (chuyện xích mích với bạn bè cũng giống như vậy).
Đôi khi, tôi cũng chứng kiến những trường hợp anh em thân thiết với nhau cho đến khi xảy ra vấn đề ở tuổi dậy thì. Có những cặp anh em thân nhau đến mức khiến người ngoài ghen tị, nhưng đến khi dậy thì lại cầm dao đuổi đánh nhau, hay anh bắt nạt em, hay bản thân mình không thích ăn (mắc chứng bệnh chán ăn do tâm lý) nhưng ngoan cố bắt em ăn thật nhiều… Chuyện không chỉ xảy ra ở riêng các bé trai mà ngay cả ở các bé gái cũng có.
Tại sao những chuyện như vậy lại xảy ra? Bởi chính cha mẹ khiến con phải nói dối. Giả sử như đối với con lớn, đôi khi con có điều gì đó bực bội với em, nhưng không được thể hiện vì lo sợ sẽ bị đánh giá là “hư”. Vì vậy nên con phải kiềm chế sự tức giận bên trong để quan tâm, chăm sóc cho em. Điều này cũng đồng nghĩa với việc con đang nói dối lòng mình. Tuy nhiên, cảm xúc thực này sẽ bùng phát bởi một nguyên nhân nào đó, xuất hiện dưới dạng một hành động tấn công. Chính lúc con không còn quan tâm đến việc bị cho là “hư” nữa, chỉ cần được thể hiện đúng cảm xúc của mình mới là lần đầu tiên con trở thành con người “thành thực” đúng nghĩa.
Có một cậu bé lớp 8 thường chăm sóc người em trai mắc chứng tự kỉ, cậu không bao giờ nổi giận kể cả khi bị em làm hỏng món đồ mà cậu trân trọng. Mẹ cậu cũng rất biết ơn tấm lòng của cậu dành cho em và thường khen ngợi cậu. Tuy nhiên sau đó cậu bỏ học, luôn có những hành vi bạo lực trong gia đình và hét lên với mẹ rằng: “Từ trước đến giờ chỉ là giả dối thôi!”. Cậu còn nói: “Em với chả iếc, chết đi!”. Đó là lần đầu tiên những uất ức trong lòng cậu được thể hiện.
Anh chị em trong gia đình rất dễ xích mích vì những điều vụn vặt. Đối với cha mẹ, điều này rất ầm ĩ, đau đầu, nhưng nếu quan sát kĩ, đánh nhau cũng là một trò chơi. Nhiều khi anh em trai có sở thích đá vào nhau. Nếu như cha mẹ không mắng, càng lớn các con sẽ càng thân thiết với nhau hơn. Đặc biệt, những anh chị em thân nhau khi đã lớn đều trải qua tuổi thơ gắn bó như vậy.
Do đó, cần phải nuôi con sao cho con biết thế nào là cãi vã/đánh nhau. Và dù cho con có cãi vã/ đánh nhau thật, nếu không có gì nguy hiểm, cha mẹ cũng không nên xen vào mà chỉ cần quan sát con mà thôi. Dù bạn có bao biện rằng từ xưa cha mẹ đã can thiệp vào chuyện con cái cãi vã/đánh nhau rồi thì tôi cũng đã chỉ ra những tai hại của chuyện đó. Nhất định đừng xen vào việc cãi vã/đánh nhau của con nhé.