Bạn đã tìm hiểu quá trình phát triển của trẻ chưa?
Trong quá trình nuôi ba đứa con, tôi hầu như không bao giờ mắng chúng. Hiện tại, mỗi khi chơi với tám đứa cháu, tôi cũng chưa bao giờ mắng các cháu.
Không phải vì con cháu tôi trầm tính. Chúng đều nghịch ngợm và đã từng phản kháng lại tôi. Thậm chí cả cãi nhau, đánh nhau. Dù vậy, tại sao tôi lại không mắng chúng?
Bởi vì tôi đã có sự tìm hiểu quá trình phát triển của trẻ. Từ 1 đến 3 tuổi là thời gian trẻ “nghịch ngợm”. Tâm lý học trẻ em gọi đây là “thời kỳ hành động khám phá”, và hành động khám phá nghịch ngợm có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển động lực tự thân của trẻ. Cũng chính vì những đứa trẻ nghịch ngợm là “trẻ ngoan” nên tôi không có lý do gì để mắng chúng cả. Mỗi khi quan sát những trò nghịch ngợm của chúng, tôi thấy đó là biểu hiện rõ ràng của sự ham hiểu biết nên quên bẵng mất mình đã chịu “thiệt hại” gì mà chỉ reo lên mừng rỡ. Đến khi nhận ra những “thiệt hại” mà bọn trẻ vừa gây ra, tôi cũng chỉ có thể nói “Chết thật” mà thôi.
Trong giai đoạn từ 2 đến 4 tuổi, những phản kháng xuất hiện. Giai đoạn này được tâm lý học trẻ em coi trọng đặt tên là “thời kỳ phản kháng đầu tiên”. Nếu hiểu được điều này rồi thì bạn sẽ không mắng mỏ con khi con từ chối làm điều bạn yêu cầu, bởi như vậy có nghĩa là con đang phát triển tốt.
Khi chính bản thân tôi thấy khó chịu trong người, tôi cũng thấy khó chịu với những điều lũ trẻ làm, nhưng đó là cảm xúc của tôi nên cũng không thể vì thế mà mắng bọn trẻ được.
Trong giai đoạn 2 đến 3 tuổi, trẻ thường tranh giành đồ chơi với bạn, đánh nhau, khóc và làm cho bạn khóc. Dựa vào các nghiên cứu đi trước, tôi cũng được biết rằng khi trong gia đình có thêm em bé, ở các bé lớn sẽ xuất hiện hiện tượng thoái lui nhân cách như đột nhiên tè dầm hay muốn uống bình sữa của em. Do đó, việc mắng mỏ con khi con “xích mích với bạn” ngược lại chỉ làm con thêm tổn thương. Thay vì mắng mỏ con, cha mẹ càng cần phải quan tâm con nhiều hơn. Dù con có tè dầm cũng không nên mắng mỏ.
Sau 4 tuổi, trẻ tích cực chơi với bạn hơn, tận hưởng việc chơi chung, tuy thỉnh thoảng vẫn xích mích. Tôi cũng hiểu rằng việc xích mích này là hiện thân của chính kiến, là cần thiết cho sự phát triển tính xã hội ở trẻ, nên tôi im lặng quan sát thay vì mắng trẻ.
Đặc biệt khi trẻ chơi với bạn, để làm cho trò chơi vui hơn, trẻ thường dùng thêm đồ của người lớn. Nếu không muốn bị phiền toái khi con làm hỏng đồ thì bạn có thể nói cho con biết đây là đồ quan trọng chứ không nên mắng mỏ con. Bởi năng lực phát huy trò chơi có ích cho việc làm giàu tính sáng tạo ở trẻ.
Những cha mẹ chưa hoàn thiện nhân cách mới mắng mỏ con
Như vậy, chỉ cần tìm hiểu về quá trình phát triển của trẻ là bạn sẽ không cần phải mắng con. Chỉ những cha mẹ chưa tìm hiểu đầy đủ mới mắng con. Khi ấy, trẻ con trở thành nạn nhân của sự thiếu hiểu biết của cha mẹ.
Đặc biệt, những vị phụ huynh chưa hoàn thiện nhân cách lại càng dễ nổi nóng. Những người dễ nổi nóng là người thiếu năng lực kiềm chế cơn giận. Và chính những đứa trẻ bị mắng, bị đánh bởi những vị phụ huynh như vậy mới là người đang gặp phiền toái chứ không phải cha mẹ chúng.
Đến đây chắc sẽ có những vị phụ huynh hỏi ngược lại: làm thế nào để thiết lập kỉ luật cho con? Một điều quan trọng khi thiết lập kỉ luật cho con là phải dạy con cách kiềm chế ham muốn về vật chất. Nếu con đòi ăn vặt khi chưa đến giờ thì cha mẹ cần nói: “Con chờ đến giờ nhé”, và nhất định không được cho con. Dù con có khóc thế nào, làm ầm ĩ đến đâu cha mẹ cũng phải dạy con “kiềm chế”. Những lúc như vậy không cần thiết phải mắng mỏ. Thái độ nhất quán này của bố mẹ sẽ tạo niềm tin đối với con. Dần dần con sẽ thôi không ích kỷ nữa. Nếu bạn chịu thua sự mè nheo của con, đưa cho con “chỉ một cái thôi”, bạn sẽ không được con tin tưởng nữa. Sau này mỗi khi đòi thứ gì, con sẽ khóc lóc cho đến khi nào được đáp ứng mới thôi. Chắc hẳn bạn sẽ quát mắng con những lúc như vậy, nhưng thực ra chính các bậc cha mẹ mới là nguyên nhân tạo nên cách cư xử đó của con.
Hy vọng rằng đến đây, các quý phụ huynh đã hiểu được việc khen hay mắng con nằm ở vấn đề bạn đã tìm hiểu về quá trình phát triển của con như thế nào và rèn luyện nhân cách của chính mình ra sao chứ không nằm ở “kỹ thuật” khen - chê.