Khách khí với người xung quanh cản trở phát triển cá tính
Tôi nghĩ có không ít bà mẹ muốn khuyến khích con phát triển cá tính. Cũng có nhiều bà mẹ hy vọng con trở thành đứa trẻ giàu cá tính.
Vậy, nếu được hỏi cá tính là gì, bạn sẽ trả lời như thế nào? Nếu thử suy nghĩ xem cá tính là gì, chắc hẳn bạn cũng đồng ý với tôi rằng từ trước đến giờ bạn chỉ biết đến nó một cách rất mơ hồ.
Liệt kê ra xem con mình có những cá tính như thế nào, những điều gì khẳng định cá tính đó cũng là một cách để các bà mẹ làm rõ cá tính của con. Đồng thời, chỉ ra những ưu và nhược điểm của con cũng là một cách hay. Đôi khi có sự đối lập thú vị trong ưu và nhược điểm của con được các mẹ ghi ra. Ví dụ như có nhiều bà mẹ ghi ưu điểm của con là “dễ bảo”, nhược điểm là “thiếu tính chủ động”, nhưng chính vì thiếu tính chủ động nên trẻ mới dễ bảo. Cũng giống như có những bà mẹ ghi nhược điểm của con là cứng đầu cứng cổ, còn ưu điểm là “chủ động” vậy.
Điều này cũng có thể áp dụng được với các bà mẹ:
Này các bà mẹ, cá tính của các bạn là gì? Khi được hỏi bạn có cá tính không, bạn sẽ trả lời thế nào? Có thể nói cá tính là nét đặc sắc riêng trong tính cách mỗi người, như hoa trái riêng trên mỗi loại cây, không cây nào giống cây nào vậy. Trước tiên các bạn hãy bắt đầu tìm ra cá tính riêng của mình, bởi vì ai ai cũng có cá tính.
Tuy nhiên, có không ít các bà mẹ không tìm ra cá tính của mình. Tại sao lại như vậy? Bởi vì có những thứ cản trở việc bộc lộ cá tính, và những thứ đó lại có quá nhiều tại Nhật Bản. Vậy chính xác đó là những thứ gì?
Thứ nhất, đó là quá “để ý” đến xung quanh. Nhóm này gồm những bà mẹ luôn “để ý” đến các bà mẹ hàng xóm hay những bà mẹ cùng đi đưa đón con đến nhà trẻ. Họ cũng thường chăm chăm “để ý” đến việc những bà mẹ khác giáo dục con cái như thế nào, thấy nhà hàng xóm cho con học đàn violon cũng bứt rứt, phải bắt chước cho bằng được. Những bà mẹ thuộc nhóm này thường không nỗ lực làm theo suy nghĩ của riêng mình.
Từ đó suy ra, những người mẹ như vậy cũng sẽ để ý đến việc người khác cho con theo học trường nào. Có mẹ hỏi tôi:
• Tôi định cho con vào trường abc, bác sĩ thấy thế nào?
• Chị cho cháu vào đó với lý do gì? Tôi hỏi ngược lại.
• Vì tôi nghe nói đó là trường tốt. Chị trả lời.
• Tốt ở điểm nào? Tôi lại hỏi .
• Tôi nghe chị hàng xóm nói vậy. Chị trả lời.
• Chị ấy nói tốt ở điểm nào? Tôi hỏi tiếp.
• Tôi không rõ… Chị đáp lại.
Những người mẹ như thế này chắc chắn từ nhỏ đã luôn phải nghe lời người khác, và chắc chắn luôn được khen là ngoan ngoãn, dễ bảo. Nhưng trong hoàn cảnh như vậy, dễ bảo lại là nguyên nhân làm què cụt sự phát triển động lực tự thân. Vì vậy, những đứa trẻ dễ bảo mới thực sự đáng sợ. Chúng không có năng lực tự quyết định suy nghĩ của chính mình.
Vậy mà tại Nhật Bản, cho đến nay vẫn tiếp diễn trào lưu khen trẻ ngoan khi chúng răm rắp nghe và làm theo người lớn. Trào lưu này thịnh hành trong thời phong kiến và đến thời kỳ chủ nghĩa quân sự lại càng được trọng vọng. Có thể nói xã hội Nhật Bản là xã hội được hợp thành từ việc lắng nghe ý kiến của những người trên.
Tuy nhiên, đối với các nước dân chủ vốn coi trọng cá tính, sự ngoan ngoãn, dễ bảo, theo quan niệm của Nhật Bản lại được cho là yếu tố làm hỏng con người. Ở những nước đó, từ nhỏ, trẻ em đã được dạy cách bày tỏ rõ suy nghĩ của mình. Vì vậy, các bé thường nêu lên ý kiến của mình một cách không ngại ngùng, và khi trở thành người lớn cũng sẽ chủ động thể hiện chính kiến như vậy. Việc nuôi dạy trẻ trở thành một con người có chính kiến là vô cùng cần thiết để phát triển cá tính của trẻ.
Thứ hai, đó là sự “khách khí”. Những bà mẹ luôn quan tâm đến việc người xung quanh nghĩ gì về mình thì không thể phát triển “cá tính” được, và ngay cả con cái họ cũng bị trói buộc bởi sự “khách khí” của mẹ. Nhất là khi đứng trước mọi người, dù có điều gì đó rất muốn nói nhưng cứ nghĩ đến việc bị họ nghĩ xấu, bị chê cười hay bị nói này nói nọ… là những bà mẹ này lại chọn cách im lặng cho lành. Có thể nói, sự “khách khí” này cũng là một hệ quả của xã hội phong kiến.
Thực tế trong đời sống tại Nhật Bản, có không ít trường hợp bị mắng mỏ, bị cốc đầu nếu không “để ý” hay không “làm khách” với người khác. Chính vì người lớn như vậy nên bọn trẻ cũng chịu ảnh hưởng và “cá tính” không thể phát triển được.
Khác biệt với mọi người có phải là ích kỷ?
Năm kia, tôi có vài lần đi ăn nhà hàng với gia đình người bạn tại Đức (Tây Đức cũ). Tại nhà hàng, thực đơn được đưa cho từng người để mỗi người có thể chọn món mà mình muốn ăn. Vì thế, mỗi người chúng tôi gọi món khác nhau sau khi cân nhắc về khẩu vị cũng như việc mình đói đến đâu. Có một cô bé 7 tuổi đi cùng không thích ăn thịt lắm nên đã gọi một món rau trộn. Mẹ cô bé nói với con về tầm quan trọng của chất dinh dưỡng trong thịt, nhưng vẫn tôn trọng ý kiến của con và để con ăn rau trộn.
Sau khi về nước một thời gian, tôi có dịp đi ăn ở quán Trung Hoa với 4, 5 gia đình khác. Vì chỉ có một cuốn thực đơn mà tôi lại lớn tuổi nhất nên tôi được mời chọn món. Tôi vốn là người ăn ít nên gọi những món lượng nhỏ nhưng giá cao tùy theo sở thích của mình. Thế rồi sao? Những người lớn khác cũng chọn món ăn giống như tôi. Đúng lúc đó, bé trai học lớp 5 nói: “Con muốn ăn mỳ ramen”. Ngay lập tức, cháu bị bố quát: “Mọi người đang gọi món giống nhau cơ mà, sao con ích kỷ thế!”.
Có thể coi đây là ví dụ điển hình cho cách giáo dục kìm hãm chính kiến cá nhân, bị kết tội là ích kỷ ngay nếu như làm điều không giống mọi người. Tôi cũng lại suy rộng ra, cách giáo dục thế này có thể được bắt gặp ở khắp nơi. Có nhiều cha mẹ nhất định phải tuân theo các quy chuẩn và họ cũng yêu cầu các trường mẫu giáo hay nhà trẻ phải thực hiện giống như vậy, nên trường học cũng không thể triển khai lối giáo dục “có cá tính” được.
Con mình là con mình, nhà mình là nhà mình. Các ông bố bà mẹ sẽ trở thành những bậc phụ huynh có “cá tính” khi nghĩ được rằng: dù con nhà hàng xóm có học gì, đi học thêm những đâu thì cha mẹ cũng sẽ thảo luận với nhau và nuôi dạy con theo cách của chính mình. Nhờ đó, “cá tính” của con cũng được phát triển. Đối với các trường mẫu giáo cũng vậy, cha mẹ cũng sẽ yêu cầu nhà trường bỏ hình thức giáo dục đồng nhất để trẻ có thể phát triển “cá tính”. Tôi mong rằng các bạn sớm có thể trở thành những phụ huynh hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển cá tính tự thân của con.