Ánh mắt của người mẹ
Đôi mắt được gọi là cửa sổ tâm hồn, trong ánh nhìn như chứa đựng cảm xúc.
Trẻ thường chăm chú nhìn vào mắt mẹ để cố gắng đồng cảm với những cảm xúc từ ánh mắt đó. Dù cho người mẹ có tỏ ra điềm tĩnh, nhưng nếu trong tâm mẹ có sự bất an, điều đó sẽ hiện lên trong ánh mắt khiến cho con cũng thấy bất an. Tương tự như vậy, nếu mối quan hệ trong gia đình đang bất hòa, cảm xúc lo lắng của mẹ sẽ truyền đến con thông qua ánh nhìn, khiến cho con không thể hoạt bát và nó sẽ ảnh hưởng tới sự hình thành nhân cách của con. Chính vì vậy, sự hòa thuận trong mối quan hệ vợ chồng là vô cùng quan trọng, nếu có bất hòa, cha mẹ cần phải nỗ lực giải quyết vấn đề. Khi mẹ vui vẻ, con cũng sẽ vui vẻ, ánh mắt con hẳn sẽ sáng lấp lánh.
Người mẹ cũng cần học cách đồng cảm với con qua ánh nhìn. Dù trông con có vẻ đang vui đi nữa nhưng cũng có những lúc trong ánh mắt con có sự bất an. Những lúc như vậy, bạn hãy đến gần con, ôm chặt lấy con và dùng hơi ấm cơ thể mẹ sưởi ấm trái tim con cho đến khi nào nỗi bất an đó tan biến.
Mẹ không cần phải nói gì, chỉ cần hơi ấm cơ thể cũng giúp xóa bỏ nỗi lo của con rồi.
Những người mẹ không cố gắng hiểu cảm xúc của con qua ánh mắt ngày càng có xu hướng giao tiếp với con theo lối áp đặt một chiều. Những lời nói này thường không có cảm xúc hoặc thậm chí chứa đựng sự tức giận. Lúc này, cảm xúc của con không được mẹ để tâm, dù ở bên cạnh mẹ nhưng lại không thấy ấm lòng khiến cho trái tim con thêm nguội lạnh và mất dần đi khả năng thấu hiểu cảm xúc của đối phương. Tôi cho rằng gần đây những trẻ em như vậy đang ngày một nhiều lên.
Hãy trở thành người mẹ biết nắm bắt cảm xúc của con qua ánh mắt mỗi khi con đến gần. Và nếu như nhận thấy trong ánh mắt ấy có sự bất an, hãy ôm con thật chặt và sưởi ấm trái tim con bằng hơi ấm làn da mẹ. Đó chính là hình tượng “từ mẫu” - một người mẹ luôn thấu hiểu con qua sự đồng cảm.
Nhằm tạo sự ổn định cho cảm xúc
Đầu bạn có mọc sừng không?
Vậy, các bà mẹ ơi, các bạn đã là “từ mẫu” đối với con mình chưa? Từ mẫu là một người mẹ khiến trái tim con dịu lại mỗi khi sà vào lòng và cho con cảm nhận được sự ấm áp khi ở bên.
Tại một nhà trẻ, khi các cô cho trẻ vẽ mẹ để chuẩn bị cho Ngày của Mẹ, có bé vẽ mẹ với cặp sừng trên đầu. Tôi cũng được nghe chuyện tương tự như vậy từ các giáo viên tiểu học. Như vậy thì người mẹ đó là “mẹ quỷ” rồi - những người mẹ cứ nhìn thấy con là cằn nhằn.
Khi ở bên những người mẹ này, con sẽ không thể trấn tĩnh, và cuối cùng lòng con sẽ xa rời mẹ. Nếu cứ được nuôi dưỡng như vậy, từ sau khi dậy thì, con rất có khả năng xa rời gia đình, kết thân với những nhóm bạn xấu. Trong những trẻ có hành vi không tốt, có nhiều trẻ không được nếm trải sự ấm áp của tình mẹ khi còn nhỏ.
Trẻ cần được cảm nhận sự ấm áp của tình mẹ qua làn da càng sớm càng tốt. Hay nói cách khác đó là skinship - gắn kết da thịt bằng những cử chỉ thân mật. Với ý nghĩa này, việc cho trẻ bú mẹ trở nên rất quan trọng. Khi được 6 - 8 tháng tuổi, cùng với sự phát triển của thị lực, trẻ bắt đầu biết lạ, thể hiện trẻ phân biệt được mẹ thân quen và người lạ mặt, sau đó sẽ bám chặt lấy mẹ. Trẻ biết lạ cho thấy quan hệ giữa mẹ và con đang phát triển thuận lợi. Với ý nghĩa này, nếu như trẻ không biết lạ chứng tỏ quan hệ giữa mẹ và con chưa được nuôi dưỡng đầy đủ, cần phải giúp trẻ thành em bé “bám mẹ” thông qua bế ẵm, chơi đùa cùng con.
Tuy nhiên, gần đây, ngày càng có nhiều bà mẹ để mặc em bé nằm chơi một mình mà không ôm ấp, cưng nựng con. Do đó, các con cũng tự nằm chơi, trông có vẻ là những em bé ngoan, không làm phiền đến mẹ. Tuy nhiên, thứ cảm xúc mà chỉ có thể phát triển thông qua mối quan hệ giữa mẹ và con lại chưa hoàn thiện. Ngay cả nét mặt trẻ cũng trở nên lãnh cảm, không thể hiện được những cảm xúc hỉ - nộ - ái - ố. Trong những đứa trẻ “trầm tĩnh” có những đứa trẻ như vậy. Nếu không can thiệp kịp thời, những trẻ này có thể không thể tạo dựng mối quan hệ bạn bè, thậm chí sau tuổi dậy thì sẽ đột nhiên có những hành động khiến mọi người xung quanh phải sửng sốt.
Khoảng thời gian quan hệ mẹ con trở nên thân thiết nhất là khi trẻ ở giai đoạn 1,5 đến 2,5 tuổi, đặc biệt là lúc trẻ tầm 2 tuổi. Lúc này, trẻ sẽ luôn theo sát mẹ, cái gì cũng phải là mẹ. Đi ngủ cũng đòi chung giường, hay phải nằm chung chăn với mẹ nữa mới chịu. Những đặc điểm này cho thấy sự phát triển tình cảm của con đang diễn ra thuận lợi.
Nếu như có em bé nào không bám mẹ trong thời kỳ này thì đó mới là điều đáng lo. Trông bên ngoài cứ ngỡ đây là đứa trẻ độc lập, nhưng đó chỉ là sự độc lập giả tạo thôi, thực chất cảm xúc của con đang bị đè nén. Hơn nữa, những đứa trẻ này trông có vẻ tự lập nên không mất nhiều công chăm sóc, được coi như “trẻ ngoan”, nhưng thực chất lại là “trẻ nguy hiểm”. Gần đây, tại các nhà trẻ có nhiều bé từ 1 đến 3 tuổi ở trong tình trạng như vậy. Các bé có thể ngay lập tức rời mẹ để chơi đùa một cách hoạt bát, và chắc các bà mẹ cũng nghĩ con mình là “trẻ ngoan”, nhưng đây là biểu hiện của sự xa rời về tình cảm giữa hai mẹ con.
Hãy coi trọng những tiếp xúc da thịt với con
Những đứa trẻ ít tiếp xúc da thịt với mẹ sẽ rất thích được âu yếm cùng các cô giáo tại nhà trẻ nếu được các cô cho ngồi vào lòng. Tại trại hè dành cho trẻ em do chúng tôi tổ chức, cũng có những trẻ thích được ngồi trong lòng người lớn. Khi thử tìm hiểu về đời sống của các trẻ đó, chúng tôi được biết là từ khi còn bé xíu, các con ít được tiếp xúc da thịt với cha mẹ. Sau khi tìm hiểu rõ nguyên nhân, chúng tôi yêu cầu mẹ các bé tiếp xúc da thịt với con bằng bất cứ hình thức nào và dù con đang ở độ tuổi bao nhiêu đi nữa. Cho con ngủ chung cũng là một giải pháp quan trọng. Con sẽ theo mẹ trong một khoảng thời gian, bởi vì con đã chịu nhiều thiếu thốn về mặt xúc chạm trong quá khứ.
Có lẽ các bà mẹ sẽ lo lắng về việc con trở nên nhõng nhẽo nếu được mẹ yêu chiều. Để tránh điều đó, cần khuyến khích động lực tự thân ở con. Tôi sẽ viết về điều này ở phần sau. Ngay cả động lực tự thân hay tính tự lập nếu không được hỗ trợ bởi tình cảm mẹ con ấm áp thông qua những tiếp xúc da thịt thì cũng sẽ chỉ là những hành động lạnh lùng mà thôi. Những trẻ có trái tim lạnh lùng thường sẽ có những hành động bất thường sau tuổi dậy thì. Có trẻ cư xử hỗn hào với cha mẹ, đặc biệt là với mẹ; có trẻ lại quá cần được ôm ấp mẹ, muốn ngủ chung với mẹ, thậm chí có trẻ còn mắc các chứng bệnh về tâm lý. Chúng tôi luôn khuyến khích cha mẹ gần gũi với trẻ bằng bất kỳ cách nào dù trẻ đã qua tuổi dậy thì. Hành động này sẽ giúp trạng thái bất ổn dần lắng xuống và những hành động bất thường cũng biến mất. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi nhiều thời gian và cần sự nhẫn nại lớn từ cha mẹ. Bởi vậy, tôi mong rằng các vị phụ huynh sớm nhận thấy sự thiếu hụt xúc chạm với con và âu yếm con thật nhiều cho đến những năm đầu tiểu học.
Đặc biệt, cha mẹ cần chú ý giai đoạn con khoảng 2 tuổi. Vào thời điểm này, nhiều gia đình thường quyết định sinh thêm con, hay quyết định chuyển việc, khai trương cửa hàng,... nên không có nhiều thời gian quan tâm đến con, âu yếm con nên rất dễ khiến cho kết nối tình cảm mẹ con suy giảm.
Trẻ con rất thích được ngồi trong lòng mẹ. Ngoài lúc con mệt hay buồn ngủ, khi có điều gì bất an trong lòng, con cũng muốn sà vào lòng mẹ bởi điều đó giúp xóa bỏ những bất an ấy.
Lớn hơn một chút, mỗi khi mệt mỏi hay lo lắng, trẻ thường tựa người lên lưng mẹ. Lúc này, mẹ cần là điểm tựa cho con, song có nhiều mẹ lại lạnh lùng nói với con rằng: “Nặng quá!”, hay “Nóng quá!”. Hay đối với trẻ ở những năm đầu tiểu học, chúng thích được “sờ ti” mẹ, song có nhiều mẹ lại hiểu lầm rằng con có những hành động bậy bạ nên quay sang mắng con. Thực tế, trẻ không hề có cảm xúc như mẹ nghĩ, chỉ là chúng muốn tiếp xúc với những thứ biểu tượng là của người mẹ, nên hãy để cho con làm như con muốn nhé.
Một lần nữa hãy nghĩ đến từ “từ mẫu”. Có thể nói rằng, người mẹ có vai trò không thể thiếu đối với sự hình thành nhân cách của con. Nếu con thấy ấm áp khi ở bên mẹ, tâm hồn con sẽ thư thái, tâm tính con sẽ ổn định. Từ đây, bạn hãy tự kiểm điểm xem mình có “dữ dằn” quá với con không và hãy nỗ lực để trở thành “từ mẫu” nhé.
Cần hiểu thế nào về việc chơi của trẻ?
Thời kỳ phản kháng đầu tiên là minh chứng cho sự phát triển động lực tự thân
Sự phát triển động lực tự thân của trẻ rất quan trọng đối với việc hình thành nhân cách trẻ. Động lực tự thân là năng lực tự suy nghĩ, tự hành động và cũng còn được gọi là tính độc lập. Nếu như khả năng này được vun đắp thì từ 3 - 4 tuổi, dù có phải xa mẹ, trẻ vẫn có thể vui chơi với bạn bè và tràn đầy sức sống cả một ngày dài.
Chúng ta hãy cùng xem xét xem động lực tự thân phát triển như thế nào, và cách nuôi dạy con để hỗ trợ cho sự phát triển này.
Điều đầu tiên cần xét đến là việc phải chấp nhận những trò nghịch ngợm của trẻ như thế nào. Trẻ sẽ bắt đầu nghịch ngợm từ khi biết bò. Bé vần vò và cho vào miệng tất cả những thứ bé cầm đến được. Bằng cách này, bé nhận thức được tình trạng của món đồ, và trò nghịch này được xem là hành động khám phá - cũng giống như tinh thần học hỏi của người lớn. Bạn cần phải chấp nhận việc nghịch ngợm nếu như muốn bồi đắp tinh thần học hỏi này cho con.
Tuy nhiên, trò nghịch của bé có thể làm hỏng, làm rách những món đồ quan trọng của người lớn nên sẽ thường bị cha mẹ ngăn cấm. Nếu không được nghịch nữa, con sẽ rất khó phát triển động lực tự thân. Như đã biết, những em bé “trầm tính” trong giai đoạn từ 1 đến 3 tuổi lại là những em bé “nguy hiểm”. Có thể những em bé này dễ bảo đối với cha mẹ, song chúng lại khó kết bạn, không biết cách xử trí ở những nơi không có người lớn và rất có thể chúng sẽ thể hiện những hành vi bất thường. Những trường hợp như vậy xuất hiện không ít từ sau giai đoạn dậy thì. Khi tìm hiểu về tuổi thơ của những trẻ từ chối đến trường, rối loạn thần kinh hay cố tự sát sau tuổi dậy thì, tôi nhận thấy hầu hết các em đều đã từng rất “trầm tính”.
Do đó, từ sau khi con được 1 tuổi, cha mẹ cần phải suy nghĩ xem mình sẽ chấp nhận những “trò nghịch” của con thế nào, và phải làm thế nào để tránh tổn hại cho người lớn nhất. Trước hết, bạn hãy cất kĩ những món đồ quan trọng để không bị phá hỏng. Những thứ như giấy dán cửa lùa1 có bị rách cũng đành phải chịu nên bạn nên mặc kệ cho nhẹ đầu. Nếu như cấm con nghịch chỗ này thì phải chấp nhận con “nghịch” ở chỗ khác.
1 Cửa lùa (hay còn gọi là cửa trượt) là loại cửa phổ biến của những ngôi nhà Nhật, được mở bằng cách trượt các cánh cửa gỗ trên ray cửa. Cửa thường được chia thành từng khuôn ô nhỏ và được dán giấy, vừa có tác dụng che chắn tốt nhưng vẫn đủ ánh sáng cho ngôi nhà (BT ).
Với những đứa trẻ trầm tính, thời kỳ phản kháng đầu tiên sẽ không xuất hiện khi chúng được khoảng 3 tuổi. Chính thời kỳ phản kháng đầu tiên là giai đoạn quan trọng chứng minh cho sự phát triển của động lực tự thân. Con sẽ hét lên “Không!” với tất cả mọi thứ; con sẽ lên gân lên cốt muốn tự làm, cáu giận nếu được người lớn giúp… Những phản kháng này thể hiện sự phát triển động lực tự thân của “trẻ ngoan”, thế nhưng cha mẹ hay những người lớn tuổi không biết điều đó lại mắng con là “hư”, hạn chế động lực tự thân của con. Hơn nữa có cha mẹ còn cố gắng làm cho con trở thành “trẻ trầm tính”. Vì vậy, tôi rất mong các bạn hiểu rõ ý nghĩa của thời kỳ phản kháng đầu tiên này.
Xích mích với bạn bè là “trẻ ngoan”
Những trẻ mà động lực tự thân được bồi đắp đúng cách thì đến tầm 3-4 tuổi sẽ thích chơi với bạn bè. Trẻ rất tích cực chơi với bạn, nhưng do ý thức mạnh mẽ về cái tôi của mình nên trẻ cũng “tích cực” xích mích với bạn. Xích mích là biểu hiện của sự tự chủ, đồng thời cũng mang ý nghĩa rằng động lực tự thân của trẻ đang được phát triển. Chính vì vậy, những trẻ không xích mích với bạn bè mới đáng lo ngại.
Qua nhiều lần xích mích với nhau, trẻ biết thông cảm hơn với cảm xúc của đối phương, từ đó tự tìm cách để hạn chế xích mích. Đó chính là sự phát triển tính xã hội thực sự. Và cũng vì thế, suy nghĩ của người lớn rằng trẻ “lúc nào cũng yêu thương nhau” hoặc “những đứa hay đánh nhau là không ngoan” là hoàn toàn sai lầm. Chính sau mỗi lần cãi nhau, trẻ lại biết điều chỉnh bản thân để có thể chơi hòa đồng hơn với bạn mới là “trẻ ngoan”, nên “cái tâm nuôi dạy trẻ” quan trọng ở chỗ người lớn không nên can thiệp vào chuyện xích mích của trẻ con. Người lớn can thiệp vào hầu hết những chuyện bất đồng là những điều bất công với trẻ, không những chỉ gây bất mãn mà có khi còn gây tổn thương cho trẻ nữa.
Những trẻ mà động lực tự thân được bồi đắp đúng cách thì đến tầm 7 - 8 tuổi sẽ thường “trả treo” với cha mẹ và những người khác trong gia đình. Tôi gọi đó là “thời kỳ phản kháng trung gian”. Và cho đến “thời kỳ phản kháng thứ hai” vô cùng dữ dội xảy ra khi trẻ ở tuổi dậy thì, động lực tự thân của trẻ sẽ được phát triển hoàn thiện.
Đến đây, chắc có nhiều cha mẹ nhận ra mình đã hiểu lầm con rất nhiều phải không?
Nếu như con bạn “trầm tính”, không nghịch ngợm, không hay gây xích mích và cũng không xuất hiện biểu hiện phản kháng thì phải làm thế nào? Câu trả lời là cần phải xóa bỏ mọi áp lực từ trước đến nay cho con. Cha mẹ cần không can thiệp (khi con xích mích với bạn - BT), không giúp đỡ (đối với những việc con có thể làm được - BT), cùng vui vẻ chơi những trò nghịch ngợm với con và cho phép con thoải mái đùa nghịch… Tuy nhiên, phụ huynh Nhật Bản lại có đặc trưng là không được vui tính cho lắm bởi vì đã được thừa hưởng nền giáo dục coi trọng sự nghiêm túc từ lâu đời. Kể cả giáo viên trong trường cũng hầu như đều không vui tính.
Sự phát triển động lực tự thân sẽ trở thành nền tảng đời sống trong cuộc đời một con người vì nó sẽ kéo theo sự bồi đắp tính sáng tạo và lòng say mê. Mà tính sáng tạo hay lòng say mê là nguồn lực thúc đẩy để ta tràn đầy sức sống mỗi ngày.
Và nếu sự phát triển động lực tự thân này không gắn liền với quá trình phát triển cảm xúc (như đã nói ở phần trước) thì nó cũng chỉ là động lực giả tạo mà thôi. Nói cách khác, động lực tự thân phải được bồi đắp trong những ấp ôm của cha mẹ. Đặc biệt khi trẻ ở giai đoạn 2 - 3 tuổi, những em bé không được cha mẹ âu yếm và được cho là “người lớn” thực sự là những đứa trẻ “nguy hiểm”. Gần đây, càng ngày càng có nhiều bậc cha mẹ hay bảo mẫu nghĩ rằng, những trẻ tự hành động một mình không cần cha mẹ là “trẻ ngoan”. Đây là một suy nghĩ hết sức sai lầm. Điều quan trọng là bạn cần phải vừa âu yếm con, vừa chấp nhận vừa đủ những “trò nghịch”, “phản kháng” hay việc “xích mích” của con. Tóm lại, từ giờ các bậc cha mẹ hãy thay đổi lại suy nghĩ về “trẻ ngoan”, về những đứa trẻ người lớn “dễ đối phó” và nghĩ về sự phát triển động lực tự thân của con.
Chơi và kỉ luật - hai mặt không thể tách rời
Kỷ luật là kỷ luật, chơi là chơi - không ít phụ huynh có suy nghĩ tách rời hai trạng thái này. Tuy nhiên đây lại là một sai lầm nghiêm trọng, bởi trong kỷ luật có chơi, trong chơi có kỷ luật.
Trẻ con đi tắm vì muốn chơi
Tôi thường hay ngâm bồn tắm cùng đứa cháu 19 tháng. Các mẹ thường nghĩ rằng ngâm bồn chỉ có tác dụng thanh tẩy và giữ ấm cơ thể thôi, nên thường kì cọ cho thật nhanh, sạch, sau đó thấy người con ấm lên là cho con ra khỏi bồn. Cũng có nhiều mẹ cho con đếm “một, hai, ba, bốn” trong lúc ngâm để dạy con học số đếm luôn. Nhưng với tôi lại khác, tôi đặt việc chơi lên hàng đầu. Vì vậy, cháu tôi rất thích được đi tắm với ông.
Tôi trải tấm thảm dành cho nhà tắm xuống sàn rồi ngồi khoanh chân xuống. Sau đó, tôi xếp khoảng 6 - 7 chiếc xô cạnh bồn rửa mặt, đổ đầy nước ấm vào đó. Cháu tôi sẽ vui sướng nhảy vào - nhảy ra từ xô này sang xô khác. Trong lúc đó tôi sẽ dùng vòi sen tắm cho cháu, nhưng điều đó đối với cháu cũng như được nghịch nước nên vẫn là một khoảng thời gian vui vẻ. Cháu cũng tự mình lấy xà phòng chà lên người, nhưng bánh xà phòng luôn trơn tuột khỏi bàn tay bé xíu của cháu. Mỗi lần như vậy tôi lại nói: “Xà phòng tuột tuột tuột” làm cháu phấn khích cười khanh khách. Sau đó đến lượt tôi kỳ cọ cho cháu.
Cháu nghe theo tôi một cách ngoan ngoãn. Sau hai lần kỳ cọ sạch sẽ, cháu vào ngồi trong chiếc xô to nhất, còn tôi kỳ cọ cho mình.
Sau phần kỳ cọ, cháu định tự vào bồn tắm nhưng vẫn chưa trèo vào được. Tôi bèn nhấc bổng cháu lên và “Vèoooo”, hai ông cháu cùng vào bồn tắm. Trong bồn đã để sẵn bình tưới. Chúng tôi lấy đầy nước vào bình rồi trêu chọc bằng cách dội nước vào người nhau. Khi úp ngược chiếc bình tưới xuống bồn tắm, không khí được dồn xuống đáy bồn, phát ra những tiếng lục bục, lục bục. Cháu tôi rất thích trò này và muốn thử tự làm nhưng chưa đủ sức nên phải nhờ ông làm giúp. Nước lại sủi lên lục bục lục bục, cháu phấn khích lắm, lại đòi “Nữa, nữa!”. Sau khi làm như vậy vài lần, cả hai ông cháu đều thấy người nóng lên, cháu tôi lại muốn tự trèo ra khỏi bồn. Thấy vậy, tôi nói: “Rồi, ông cháu mình ra thôi” và bế cháu ra. Cháu nhanh chóng chạy khỏi phòng tắm. Như vậy, cháu vừa được chơi, vừa được tắm sạch sẽ và làm ấm cơ thể, hơn nữa cũng vẫn đúng trình tự tắm nên cháu thấy rất thỏa mãn. Tôi cũng vậy.
Bọn trẻ vào phòng tắm để làm gì? Chính là vì trẻ muốn “chơi” với nước tắm chứ trẻ chưa nghĩ được là để tắm cho sạch hay để làm ấm cơ thể. Hãy tôn trọng ý muốn đó của con, đồng thời dạy cho con sự sạch sẽ sau khi được tắm rửa và cảm giác khoan khoái dễ chịu của hơi ấm. Đây cũng chính là ý nghĩa của câu “Chơi là sống và cũng là học” của Friedrich Fröbel, người đã khai sinh ra khái niệm trường mầm non.
Nắm được bản chất của việc “chơi”
Trẻ con rất hay vứt đồ lung tung nhưng lại không chịu dọn dẹp. Các mẹ sẽ thường yêu cầu con dọn dẹp đồ chơi này rồi mới chuyển sang đồ chơi khác phải không nào? Tuy nhiên, con lại không làm như vậy. Khi sắp chơi xong một trò, con sẽ nghĩ ngay đến trò chơi tiếp theo và lên kế hoạch cho việc đó. Đương nhiên con sẽ ngay lập tức chơi trò mới và không đếm xỉa gì đến việc dọn dẹp cả. Đặc biệt, càng những bé có động lực tự thân cũng như sự hăng hái cao lại càng không dọn dẹp.
Tuy nhiên, cũng không thể để con bừa bãi như vậy được. Con cũng cần phải ghi nhớ việc dọn dẹp. Bạn cần tìm ra lúc con tạm ngưng chơi. Về cơ bản, tuy con chơi liên tục nhưng cũng luôn có lúc tạm ngưng. Hơn nữa, gia đình nào cũng có thời gian biểu nên cũng có lúc con phải ngừng chơi để sinh hoạt theo thời gian biểu này. Những lúc như vậy, mẹ hãy nói với con: “Bây giờ chúng mình dọn dẹp nhé” rồi bắt đầu đóng vai trò dọn dẹp chính. Tuy nhiên, thực chất con mới là chủ thể dọn dẹp chính, nên bạn hãy để mặc con càng nhiều càng tốt. Việc mẹ cảm thấy sốt ruột, muốn dọn dẹp sạch sẽ, hoàn hảo lại khiến cho mẹ phải thúc giục con, làm cho con thấy không thoải mái. Những bà mẹ thích sự hoàn hảo thường sẽ vừa cằn nhằn vừa tự làm cho nhanh, thành ra con lại hầu như không được làm gì cả. Dần dần, con sẽ xuất hiện cảm xúc để kệ mẹ làm thôi. Sau nhiều lần như vậy thì chúng ta sẽ có những đứa trẻ ghét dọn dẹp.
Không hối thúc, không yêu cầu hoàn hảo - đây mới là cách thức quan trọng để hình thành tính kỷ luật. Khi con đang dọn dẹp, con có thể dừng giữa chừng để chơi bất cứ lúc nào. Mẹ cần phải chuẩn bị tâm lý cho việc này.
Ngay cả trong những buổi lao động trực nhật tại trường tiểu học, tuy vẫn có những bé thực sự dọn dẹp nghiêm túc từ đầu đến cuối, nhưng phần đông các bé đều dùng chổi hay các dụng cụ quét dọn để đấu kiếm, hay chơi những trò chơi khác. Đó mới là trẻ con. Những đứa trẻ dọn dẹp một cách nghiêm túc là những trẻ mang tâm trạng lo lắng “không làm cẩn thận thì bứt rứt không chịu được”. Tôi lo rằng từ sau tuổi dậy thì, những trẻ này rất dễ mắc chứng rối loạn thần kinh. Bên cạnh đó, trong số những đứa trẻ nghiêm túc quét dọn từ đầu đến cuối đó, có không ít trẻ chăm chỉ quét dọn vì muốn được thầy cô khen ngợi. Các bạn hãy nhớ thật kỹ rằng, dù cần phải biết dọn dẹp nhưng cũng phải đan xen cả “chơi” vào mới đúng là trẻ con. Để đạt được điều này, cần phải có thời gian cũng như sự “nới lỏng” trong tâm của mẹ.
Tại Nhật Bản, thông thường có rất nhiều người lớn không có sự “nới lỏng” trong tâm hồn, họ luôn cảm thấy bất an nếu mọi việc không được chỉn chu. Cũng chính vì vậy nên họ không thể hiểu rõ bản chất của việc “chơi”. Do đó, cứ nghe đến chơi là họ nghĩ ngay đến một hình thức giải trí. Nhưng “chơi” với trẻ con không phải là hưởng thụ giải trí đơn thuần. Đó là những hoạt động vừa có tính tự quyết, vừa có tính sáng tạo trong khi con đang tìm hiểu về cuộc sống. Nếu như bạn để mặc con (để mặc - không có nghĩa là bỏ mặc một cách vô trách nhiệm, mà là tin tưởng giao phó việc chơi cho con), con sẽ liên tục nảy ra những ý tưởng chơi mới, rồi dần dần sẽ tự trang bị được kiến thức về trật tự. Để đạt được điều này cần phải kiên nhẫn “chờ đợi”.
Cách nuôi dưỡng một trái tim ấm áp
Thế nào là một trái tim ấm áp? Nếu được hỏi: “Bạn có trái tim ấm áp không?” - các bạn sẽ trả lời thế nào?
Một trái tim ấm áp là một trái tim biết thấu hiểu cảm xúc của đối phương, biết suy nghĩ trên lập trường của đối phương - hay nói cách khác là một trái tim biết quan tâm đến người khác. Điều này cũng đúng với quan hệ vợ chồng. Khi người chồng suy xét đến tâm trạng, lập trường của người vợ, và ngược lại người vợ cũng để ý tới cảm xúc của người chồng, giữa hai người sẽ có bầu không khí ấm áp và cuộc sống chung sẽ luôn thuận hòa. Tuy nhiên, trong lòng mỗi người luôn tồn tại những biến chuyển gây cản trở đến điều đó. Những biến chuyển đó là tính coi mình trở thành trung tâm hay ích kỷ.
Tính ích kỷ được thể hiện càng rõ ở trẻ nhỏ. Cần phải rèn giũa để dần dần, những đứa trẻ ích kỉ biết thấu hiểu cảm xúc của đối phương cũng như biết suy nghĩ trên lập trường của đối phương.
Ví dụ, chúng ta hãy thử nghĩ về một em bé 1,5 tuổi. Ở lứa tuổi này, những hành động dựa trên nhu cầu khám phá, hay nói cách khác là “nghịch ngợm” xảy ra nhiều. Các bé nhất định muốn chạm vào một vật mới gì đó lọt vào mắt mình. Tuy nhiên, vì bé chưa biết cách xử trí với đồ vật này, và bé cũng chưa đủ sự khéo léo nên dễ làm hỏng, gây nhiều phiền toái cho người lớn.
Trong trường hợp này, đáng lẽ bé cần được cảm thông nhưng người lớn lại thường nổi giận. Thái độ tức giận đó của người lớn không hề xuất phát từ lập trường của trẻ. Nhu cầu khám phá của trẻ, cũng giống như tinh thần học hỏi của người lớn, là hành động không thể thiếu cho sự phát triển động lực tự thân của trẻ, nên cần phải chấp nhận những trò nghịch đó.
Và ngược lại, cũng cần phải làm cho trẻ biết đứng trên lập trường của người lớn, thấu hiểu cảm xúc của người lớn. Khi trẻ sờ vào những vật quan trọng của người lớn, cần phải liên tục nghiêm túc nói với trẻ: “Đây là đồ quan trọng của mẹ đấy, rất quan trọng”. Dựa vào ngữ điệu mà trẻ sẽ hiểu cảm xúc của cha mẹ nên sẽ cẩn trọng với những món đồ đó, dần dần nghĩ đó là “vật quan trọng”. Đối với các con, tôi cũng liên tục nói “quan trọng, quan trọng”, cuối cùng tôi đưa tay ra nói: “Trả lại cho bố nào”, con liền đưa trả và nói: “Đây ạ”. Đương nhiên, bạn không được quên câu: “Cảm ơn con”. Cứ như vậy, bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, bạn sẽ dạy cho con về những thứ quan trọng với người lớn, và trẻ cũng sẽ hiểu được nếu không chạm vào những thứ đó sẽ nhận sự biết ơn từ người lớn.
Đó mới chính là “kỷ luật”. Nhắc tới kỷ luật, chúng ta sẽ dễ sa vào việc người lớn dùng suy nghĩ, tình cảm của mình để áp đặt điều gì là tốt, điều gì là xấu, và nếu trẻ trót làm điều xấu sẽ bị mắng. Đó phải gọi là kỷ luật không có sự “quan tâm” mới đúng! Kỷ luật cần phải được thực hiện khi bố mẹ đã thấu hiểu suy nghĩ của con trẻ (đặc biệt phải thấu hiểu trẻ dựa trên quan điểm của tâm lý học phát triển).
Tấm lòng “biết quan tâm” được nuôi dưỡng từ quan hệ vợ chồng
Nếu như hai vợ chồng không đồng thuận thì cũng khó giúp con phát triển tấm lòng “biết quan tâm” được. Chẳng hạn mẹ thì nói: Đó là món đồ “quan trọng”, nhưng bố lại nói: “Mấy thứ vớ vẩn đấy cứ đưa cho con đi” thì bé sẽ không nghe lời mẹ nữa và sẽ trở thành đứa trẻ luôn làm những gì mình muốn. Những người cha như vậy cũng là những người không thể suy nghĩ trên lập trường của vợ mình, hay có thể gọi là người cha “không biết quan tâm”.
Bởi vậy cho nên, như tôi đã nói từ đầu, cả hai vợ chồng đều phải nỗ lực nuôi dưỡng tấm lòng “biết quan tâm” lẫn nhau. Để đạt được điều đó, cả hai phải thường xuyên nói chuyện với nhau. Nhưng tại Nhật Bản, các cặp vợ chồng lại không có đủ thời gian cũng như không gian để có thể thực hiện điều đó một cách điềm tĩnh. Trong các gia đình Âu - Mỹ, các cặp vợ chồng thường có thói quen nói chuyện với nhau sau khi cho con đi ngủ. Khi đó, nếu như họ nghĩ được cho đối phương, thấu hiểu cảm xúc của đối phương, bầu không khí gia đình sẽ trở nên ấm áp.
Ngược lại, nếu như đôi bên chỉ chăm chăm bảo vệ lập trường của mình, bộc lộ cảm xúc của mình thì rất dễ dẫn tới mâu thuẫn, cãi nhau. Số lượng những cặp vợ chồng như vậy ngày càng nhiều cũng bởi họ kết hôn khi nhân cách còn chưa hoàn thiện. Điều đó sẽ ảnh hưởng tới con cái: người mẹ sẽ trở thành người luôn mắng mỏ cằn nhằn, không cố gắng chơi với con; còn người cha luôn tự làm theo ý mình.
Trong lúc cha mẹ nói chuyện với nhau cũng rất dễ xuất hiện việc đánh giá người khác. Những đánh giá ấy, có trường hợp là những lời “quan tâm” nhưng cũng có trường hợp chỉ toàn là lời nói xấu, cả hai trường hợp này đều ảnh hưởng đến quá trình phát triển tấm lòng “biết quan tâm” của trẻ. Vì những người mẹ hay nói xấu người khác là người mẹ thiếu tấm lòng “quan tâm” đến mọi người nên con cái họ cũng sẽ có cái nhìn lạnh lùng đối với bạn bè. Như vậy, nếu lời nói và hành động của cha mẹ trong đời sống hằng ngày ảnh hưởng rất nhiều tới nhân cách của con cái, và không biết từ khi nào sẽ trở thành nhân cách của con. Vì vậy, nếu bạn có đứa con không biết quan tâm, bạn phải thấy được rằng điều đó phản ánh tâm hồn của chính bạn và người bạn đời của bạn. Bởi trẻ em lớn lên từ việc noi gương cách ứng xử của cha mẹ.
Có nhiều trẻ bị mắng là không biết quan tâm khi trẻ đó bắt nạt em. Tuy nhiên đó là một sự nhầm lẫn nghiêm trọng. Anh chị em xích mích thường chỉ do vô tình va quẹt, nên nếu trách con không biết quan tâm vì đánh em thì đó cũng là cha mẹ không biết quan tâm. Lòng quan tâm của anh chị dành cho em sẽ nảy mầm từ khoảng 4 - 5 tuổi, sau đó sẽ gia tăng khi trẻ được khoảng 7 tuổi. Nếu như bạn thường xuyên mắng anh chị lớn vì chuyện này, tấm lòng biết quan tâm đến em của con sẽ không bao giờ được nuôi dưỡng mà ngược lại, anh chị em chỉ coi nhau như kẻ thù. Câu nói: “Cha mẹ không nên xuất hiện trong những cãi cọ giữa anh em” diễn tả rất đúng trường hợp này.
Ngược lại, cũng có những đứa trẻ chỉ giả vờ tỏ ra “biết quan tâm”. Xét một số trường hợp trẻ nhỏ hay trẻ tiểu học thường chú tâm chăm sóc mẹ bị bệnh, ta có thể thấy điều này. Cần phải để ý rằng những trẻ này không có bạn bè. Vì cô độc như vậy nên các bé muốn chăm sóc mẹ để được gần gũi mẹ. Còn những bé phát triển bình thường đúng với lứa tuổi cũng biết “quan tâm” tới bệnh tình của mẹ, nhưng vẫn ưu tiên chơi với các bạn hơn.
Như vậy, tôi nghĩ rằng các bạn đã hiểu sự phát triển một trái tim ấm áp mà cốt lõi là tấm lòng “biết quan tâm” được tích lũy từng chút một trong một khoảng thời gian dài. Ngay cả các bậc phụ huynh cũng vậy, cần phải nỗ lực không ngừng nuôi dưỡng tấm lòng “biết quan tâm” của mình. Chỉ như vậy mới có thể tạo dựng nên bầu không khí ấm áp cho gia đình, giúp tâm hồn con cũng ngày một giàu có hơn.