3 giờ của “ông trông trẻ” và cháu
Cụm từ “Ông trông trẻ” để chỉ việc ông chăm sóc cháu. Từ trước đến nay, tại Nhật Bản đã có hiện tượng cha trông con, còn ông trông cháu thì hầu như chưa có. Đây là khái niệm do chính tôi đề ra. Cách đây hơn 10 năm tôi đã từng hai lần tổ chức chương trình “Giáo dục mở” tại các nhà trẻ1 và trong chính khoảng thời gian đó, hàng ngày, tôi giúp các con trông bốn đứa cháu của mình.
1 Chương trình cho phép các trường mầm non khác đến tham quan, quan sát chương trình học tại trường mình và đưa ra đánh giá, trao đổi chuyên môn để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ của cả hai bên (BT ).
Lúc đó, hai trong số bốn đứa cháu của tôi mới được tầm 8 tháng tuổi. Các cháu đã biết ngồi nhưng chưa biết bò. Tôi nhận trông các cháu trong vòng khoảng 3 tiếng đồng hồ. Tôi để các cháu ngồi trên một tấm thảm, bày đồ chơi xung quanh, còn tôi ngồi trên ghế cách đó khoảng 2 mét.
Ba tiếng tính ra cũng là một khoảng thời gian khá dài. Tôi vừa để mắt trông các cháu vừa định đọc sách vì tôi thấy chúng chơi đồ chơi rất say sưa. Tuy nhiên, khi tôi mới đọc được một chút thì thấy cháu trai ngước nhìn mình và chờ đợi phản ứng từ ông.
Khi đó, tôi vừa gật đầu vừa nói với cháu rằng: “Đúng rồi”. Nghe vậy, cháu lại tiếp tục chơi đồ chơi còn tôi cúi xuống đọc tiếp cuốn sách. Lần này lại đến lượt cháu gái ngước lên nhìn tôi. Ánh nhìn của cháu như muốn tìm kiếm sự đảm bảo nào đó từ phía tôi. Tôi lại vừa gật đầu vừa trả lời: “Đúng rồi”. Như được trấn an, cháu lại quay về với những món đồ chơi của mình, dùng tay nghịch ngợm hết thứ này đến thứ khác. Trong mắt tôi hiện lên hình ảnh cháu chơi một cách an yên. Kể cả cháu trai cũng vậy. Đến mức tôi thấy thán phục rằng, nếu như được người lớn để yên cho thì ngay cả các em bé cũng có khả năng tập trung chú ý rất cao.
Sau một hồi nhìn ngắm các cháu chơi, tôi định quay với việc đọc sách thì cháu trai lại nhìn tôi. Tôi đáp lại cháu. Sau đó đến cháu gái, rồi lại đến cháu trai… Cứ như vậy tôi liên tục phải đáp lại những yêu cầu gì đó của hai cháu. Do vậy tôi dường như không đọc được thêm trang sách nào.
Cuối cùng tôi dẹp luôn ý định đọc sách. Và tôi nhận ra, một khi đã trông trẻ, bạn cần phải liên tục đáp lại chúng. Tôi cũng nghĩ rằng đọc sách khi trông trẻ là không tôn trọng trẻ nên tôi quyết định cất sách lên giá.
Và lúc này khi tôi nhìn các cháu chơi, số lần các cháu ngước lên nhìn tôi càng lúc càng nhiều hơn, nhất là cô cháu gái của tôi. Thế rồi cháu ngước nhìn tôi đòi bế. Tôi đến ngồi khoanh chân bên cạnh cháu, cho cháu ngồi vào lòng, vuốt má cháu và nói: “Cháu chơi ngoan lắm”.
Nhìn thấy vậy, cháu trai cũng giơ hai tay ra đòi bế. Tôi cho cháu ngồi lên đùi còn lại, cũng vuốt má và khen: “Cháu chơi ngoan lắm”. Nét mặt hai cháu giãn ra như thể được giải phóng khỏi căng thẳng, cháu trai thậm chí còn thở phào. Có thể nói đây là cảm giác giải phóng sau khi đã chơi thật say sưa.
Tiếp theo, tôi nói: “Nào, giờ ba ông cháu mình cùng chơi gì nhỉ?”. Chắc chắn các cháu của tôi chưa hiểu được câu này. Thực ra đây chỉ là điều tôi tự hỏi chính mình, nhưng tôi nói lớn để gọi các cháu. Vì thấy tôi lên giọng nên các cháu cũng có thể hiểu được ông đang gọi mình.
“Nào, ông cháu mình chơi gì nhỉ?” - Tôi lại tiếp tục nói. Đương nhiên là các cháu chưa thể trả lời nhưng cả hai đều đập đập chân xuống sàn. Tôi hiểu đây là dấu hiệu muốn được chơi cùng. “Rồi, chơi trò xe máy nhé” - vừa nói, tôi vừa chúm môi phát ra âm thanh brừm brừm… Tôi “khởi động máy”, sau đó khẽ rung đầu gối cho “xe” di chuyển. Hai cháu ngước nhìn tôi rồi toét miệng cười. Trò này chúng tôi đã từng chơi rồi, nên các cháu rất trông chờ niềm vui lúc “xe” nổ máy.
Tôi làm cho tiếng “brừm brừm” mạnh hơn, cử động rung của đầu gối cũng nhanh hơn. Hai cháu tỏ ra phấn khích và tận hưởng những rung động này. Khi tôi rung mạnh hơn nữa, hai cháu bật cười khanh khách. Tôi thử cho hai đầu gối chạm vào nhau, khiến cho hai cháu va chạm nhẹ và hai cháu càng thêm thích thú.
Lúc này, “ông trông trẻ” bắt đầu thấm mệt. Làm xe máy quả là tốn sức. Thế nên tôi dừng ngay lại. Tuy nhiên, hai cháu bắt đầu tiếp tục tự nhún lên nhún xuống. Chắc chắn là các cháu vẫn muốn chơi tiếp trò này.
Tôi nhìn các cháu và nói: “Ông hơi mệt rồi. Các cháu chờ chút nhé”. Các cháu thì lắc người mạnh như muốn nói “Không chờ được”. Đã được yêu cầu đến mức này thì ông trông trẻ cũng không thể không cố được. Việc cố quá này về sau trở thành nguyên nhân tôi bị vợ trách mắng vì cứ đêm đến tôi bị đau nhức vai và cột sống, cần phải được bà ấy mát xa cho.
Quay lại tình huống trên, tôi ôm lấy hai cháu, nhấc bổng lên trong tư thế nằm ngửa và đặt hai cháu lên bụng chơi trò “phi ngựa lộc cộc”. Trò này cũng cần sử dụng cơ bắp ở những vị trí khác, nên hóa ra lại phát huy vai trò mát xa. Còn bọn trẻ thì vui hết cỡ.
Ba ông cháu chơi với nhau được một lúc thì cháu gái bắt đầu buồn ngủ và ngáp thật to. Thấy vậy, tôi bật một bản nhạc nhẹ nhàng, rồi bế hai cháu lên ngồi trên sô pha. Cháu gái ngả đầu vào tôi, còn cháu trai có vẻ như chơi chưa đã. Giờ phải làm sao đây?
Tôi quyết định đặt cháu trai xuống đất cho cháu chơi tiếp rồi cho cháu gái ngủ trước. Tôi cho rằng cháu trai chắc chắn cũng sẽ muốn được bế khi nhìn thấy tôi bế cháu gái, nên tôi để cháu ngồi xoay lưng lại phía mình, cho cháu chơi với cái điện thoại đồ chơi, món đồ chơi yêu thích nhất của cháu. Thế là cháu bắt đầu chơi ngoan một mình. Trong thời gian này, tôi vừa bế cháu gái vừa vỗ nhè nhẹ vào lưng cháu. Lúc đầu cháu còn nửa thức nửa ngủ, sau một lúc cháu đã say giấc. May mà cháu trai vẫn chăm chú chơi điện thoại.
Sau đó đến lượt cháu trai buồn ngủ. Tôi cũng ôm và trong lúc tôi vỗ nhẹ vào lưng cháu, cháu cũng chìm vào giấc ngủ.
Cân bằng sự thỏa mãn của trẻ
Em bé vừa có nhu cầu được vui chơi với cha mẹ, vừa có nhu cầu được chơi một mình. Chơi cùng cha mẹ giúp bé ổn định cảm xúc. Những bé có cảm xúc ổn định thì luôn vui tươi và cảm thấy dễ chịu. Khi tiếp xúc với những người thân trong gia đình, bé sẽ rất hào hứng và thể hiện mong muốn được chơi cùng.
Ngược lại, các bé cũng có nhu cầu được chơi một mình. Nếu như có thứ gì đó bé thích, bé sẽ nghịch ngợm, cho vào miệng và có thể tập trung chơi khá lâu. Tuy nhiên, người lớn cũng cần để mắt tới trẻ. Các cháu ngước lên nhìn ông có thể vì chúng cảm thấy bất an. Nếu không có ai để các cháu tin cậy, có lẽ các cháu đã dừng chơi rồi. Qua thời gian, khi trẻ đủ trải nghiệm về việc chơi một mình dưới sự giám sát của người lớn, động lực tự thân và sự tập trung của trẻ sẽ phát triển. Có nghĩa là, trẻ sẽ trở thành những đứa trẻ hoạt bát nhưng luôn điềm tĩnh.
Chính vì vậy, việc đáp ứng hài hòa giữa nhu cầu chơi với gia đình, đặc biệt là với cha mẹ và nhu cầu chơi một mình của trẻ là vô cùng quan trọng. Để làm được như vậy, trước tiên chúng ta phải hiểu nhu cầu của trẻ. Mà để hiểu được nhu cầu của trẻ, cần phải giao tiếp nhiều và giao tiếp một cách trọn vẹn với chúng. Khi hiểu rõ nhu cầu của trẻ rồi, đừng nói hay xen vào khi trẻ muốn chơi một mình mà hãy “mặc kệ” chúng, hay khi biết trẻ muốn được chơi cùng, hãy dành tâm sức chơi thật vui với trẻ.
Nếu như cha mẹ nói hay xen vào những lúc trẻ muốn tự chơi, bé sẽ không nếm trải được niềm vui của việc chơi một mình. Thậm chí, tôi lo ngại rằng sau này chúng sẽ trở thành những đứa trẻ không điềm tĩnh, năng lực tập trung kém. Hơn nữa, nếu cha mẹ tự ý giúp đỡ con trong khi bé chơi một mình, có khả năng bé sẽ trở nên ỷ lại.
Ngược lại, nếu như cha mẹ từ chối chơi với con khi con muốn được chơi cùng, tình cảm giữa cha mẹ và con cái sẽ không được vun đắp, con sẽ không có ý muốn thân thiết với cha mẹ. Những đứa trẻ này không biết dùng ngôn ngữ cơ thể để “làm nũng” cha mẹ, nên nhìn thoáng qua sẽ giống như những đứa trẻ độc lập, hoặc có thể được cho là “trẻ ngoan” vì không làm phiền người lớn, nhưng thực chất sự phát triển cảm xúc trong chúng đang bị ngưng trệ. Về sau, nhiều hành động bất thường như tổn thương tâm lý sẽ xuất hiện ở những trẻ này, nhất là từ sau giai đoạn dậy thì.
Bởi vậy, ngay từ khi còn là một em bé, nếu trẻ có nhu cầu chơi một mình, hãy cho trẻ được thỏa mãn, và ngược lại, nếu trẻ muốn chơi cùng gia đình, hãy chơi cùng con thật vui. Đó là điều vô cùng quan trọng.
Tỏ ra vui vẻ trước sự “làm nũng” bằng ngôn ngữ cơ thể của trẻ
Phải làm sao để cha mẹ và trẻ có thể chơi thật vui với nhau?
Với trẻ càng nhỏ tuổi, các trò chơi tập trung vào sự tiếp xúc cơ thể càng có vai trò quan trọng. Bé bắt đầu thích được ôm ấp từ tầm 3, 4 tháng tuổi và nếu không cẩn thận thì bé sẽ dễ bị “bện hơi”. Nếu như có thói quen này, con sẽ không thể chơi một mình được, dẫn tới động lực tự thân cũng sẽ phát triển chậm. Tuy nhiên, nếu như bạn không đáp ứng khi con có nhu cầu được ôm, kết nối tình cảm giữa cha mẹ và con cái lại không thể được hình thành. Dấu hiệu ban đầu của việc thiếu kết nối tình cảm giữa cha mẹ và con cái sẽ xuất hiện khi con đã 6 đến 8 tháng tuổi mà còn chưa biết “lạ”. Khi thấy con không biết “lạ”, hãy nghĩ rằng điều đó không tốt và hãy ấp ôm con cho đủ. Nếu như bạn nghĩ những đứa trẻ không biết “lạ” là “trẻ ngoan” thì về sau sẽ không hay đâu.
Dù nói là phải ấp ôm cho đủ nhưng chỉ bằng kết nối về mặt vật lý, có nghĩa là tiếp xúc cơ thể đơn thuần thì cũng không thể tạo dựng kết nối về mặt tình cảm được. Cần phải xây dựng bầu không khí mà ở đó cả mẹ lẫn bé đều cảm thấy vui vẻ. Các bạn thấy hành động vừa hôn vừa thổi vào cổ bé cho phát ra tiếng động thế nào? Chắc chắn bé sẽ cười khanh khách thích thú, làm cho mẹ cũng vui theo và muốn làm đi làm lại nhiều lần phải không? Việc cùng nhau trải qua những khoảnh khắc như vậy có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển tình cảm giữa cha mẹ và con cái. Những em bé này chắc chắn sẽ biết “lạ”. Mỗi khi gặp những người không quen biết, bé sẽ bám chặt lấy mẹ vì sợ hãi.
Từ sau khi được 8 - 9 tháng, bé sẽ bắt đầu “bắt chước”. Những trò chơi để bé bắt chước cũng rất vui. Bên cạnh đó, bé sẽ thấy thích thú khi được ở trong không khí gia đình sum vầy hay nói cách khác, bé thích bầu không khí náo nhiệt.
Suy nghĩ theo hướng này thì việc “làm bạn” với con ở giai đoạn từ 6 tháng đến 1 tuổi có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nếu như bạn để con một mình và thấy con điềm tĩnh như một “bé ngoan” thì thật là tai hại vì khi đó, năng lực tạo dựng kết nối tình cảm với mọi người của bé đang không được phát triển.
Từ giai đoạn gần 1 tuổi trở đi thì sự “làm nũng” trở nên đáng chú ý hơn bao giờ hết. Khi bé thấy buồn ngủ, mệt mỏi, cô đơn hay bất an,... bé sẽ tỏ ra muốn được mẹ bế hay khóc lóc mè nheo mẹ. Khi đó, việc mẹ ôm bé thật chặt sẽ làm cho cảm xúc của bé ổn định, bé cũng sẽ thấy tin cậy mẹ. Tuy nhiên, nếu như sợi dây liên kết tình cảm giữa hai mẹ con chưa được hình thành, bé sẽ không làm nũng mẹ, nói cách khác, bé cứ chơi mà chẳng phân biệt ai với ai. Có thể bạn coi đây là cách để xây dựng tính tự lập cho bé, nhưng thực chất thì bé đang không có sự tin tưởng vào mẹ. Số lượng trẻ như vậy có xu hướng gia tăng sau kỳ kiểm tra sức khỏe lúc 1 tuổi rưỡi. Đây là một điều đáng lo ngại. Đáng lẽ ra những đứa trẻ thời kỳ này phải khóc ầm ĩ khi xa rời vòng tay mẹ. Đó mới chính là những “đứa trẻ ngoan”.
Sự kết nối tình cảm giữa mẹ và con sẽ đạt mức độ cao nhất trong giai đoạn bé từ 1,5 đến 2 tuổi. Bé làm gì cũng đòi phải có mẹ, chỉ cần không thấy mẹ là bé sẽ đuổi theo gọi “Mẹ, mẹ”, hay đêm đến chui vào chăn ngủ là “dính lấy” mẹ… Những lúc như vậy, việc đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ là rất quan trọng. Nếu như bé thích chơi một mình, không biết làm nũng qua điệu bộ cơ thể, bạn cần phải tạo quan hệ mẹ - con thêm thân mật hơn bằng cách cho con trải nghiệm niềm vui được tiếp xúc với cơ thể mẹ, làm sao để con biết đòi “ngủ chung”.
Kết quả là con sẽ thấy mãn nguyện với nhu cầu “làm nũng” thông qua cơ thể. Điều đó cũng quan trọng vì sẽ đem lại niềm vui cho người mẹ. Nhưng nếu bạn chỉ làm miễn cưỡng cho xong, trẻ cũng sẽ cảm nhận được và sẽ thấy không vui. Còn đối với những phụ huynh lo lắng về việc con sẽ không rèn luyện được tính tự lập nếu ngủ cùng cha mẹ, hãy đọc mục tiếp theo.
“Nghịch ngợm” và “sự phản kháng” giúp nuôi dưỡng động lực tự thân
Về cách thức coi trọng khoảng thời gian con chơi một mình ở giai đoạn trước khi con biết bò, các bạn có thể tham khảo những ghi chép của “ông trông trẻ” mà tôi đã viết ở phần trước.
Khi con đã biết bò và lẫm chẫm biết đi, hay nói cách khác là khi con có thể tự di chuyển được thì việc con chơi một mình thường được thể hiện dưới dạng những trò “nghịch ngợm”. Con có thể nghịch bất cứ thứ gì con chạm tới ở bất cứ đâu, làm hỏng, làm rách mọi thứ. Vì mẹ là người chịu thiệt hại nên với mẹ đó là hành động “phá phách”, song trong tâm lý học trẻ em, chúng tôi lại gọi đó là “hành động dựa trên nhu cầu khám phá”, là trò chơi vô cùng quan trọng đối với việc phát triển động lực tự thân. Vì vậy, độ tuổi từ 1 đến 3 có thể gọi là “thời kỳ nghịch ngợm”.
Lúc này, cần phải nghĩ thấu đáo để đặt ra giới hạn cho những trò “nghịch ngợm” của trẻ. Con dâu cả của tôi vẫn đang đi làm nên một tuần tôi và vợ sẽ giúp trông cháu 3 - 4 lần. Sau khi quyết định nhận trông cháu, điều đầu tiên hai vợ chồng tôi bàn bạc là phải cho cháu được “nghịch ngợm”, và cố gắng hạn chế nói những câu phủ định như: “Không được”. Tóm lại, chúng tôi sẽ chấp nhận phải chịu thiệt hại và cất kĩ những món đồ quan trọng hay nguy hiểm.
Trong trường hợp phải sống chung với ông bà, các bé thường không có động lực tự thân vì không được phép “nghịch ngợm” do các ông bà thường thích cuộc sống yên tĩnh, gọn gàng. Hơn nữa, các cô con dâu cũng thường gượng ép phải liên tục nói “Không được” với con để tránh làm phiền, khiến cho các bé trở thành “những em bé trầm tính”. Chính điều này kìm hãm động lực tự thân của trẻ, dẫn đến chứng loạn thần kinh chức năng mà một ví dụ tiêu biểu là việc trẻ từ chối đến trường ở độ tuổi trung học cơ sở, trung học phổ thông. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp như vậy nên cũng nhận thức được sự “trầm tính” là không tốt, và hứa với nhau sẽ để cho các cháu được “nghịch ngợm” thỏa thích. Nhờ vậy mà chúng tôi cũng chịu thiệt hại đáng kể như chiếu biến thành màu đen sì, tường thủng lỗ chỗ, cửa kéo bị vẽ loằng ngoằng bằng bút dạ… Tuy nhiên, thực sự là những đứa trẻ lúc nào cũng tràn đầy sinh khí.
Thực ra, nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy trong những trò “nghịch ngợm” luôn có mầm mống của tính sáng tạo, chỉ cần đứng xem thôi cũng thấy vui. Tuy nhiên, cũng cần dạy cho bé hiểu rằng những trò “nghịch ngợm” của bé có thể làm phiền người khác. Khi cháu bắt đầu cầm bút dạ vẽ lên cửa kéo, tôi nghiêm túc khẩn cầu cháu: “Cái cửa này quý lắm, quý lắm đấy nhé”. Cháu như cảm nhận được cảm xúc trong giọng nói của tôi nên đã ngừng lại. Khi tôi tỏ ra mừng rỡ trước hành động này của cháu, cháu cũng cảm nhận được. Sở dĩ tôi đề xuất “giáo dục không mắng mỏ” cũng vì tôi đã trải nghiệm việc có thể dạy trẻ cư xử có chừng mực thông qua sự gắn kết tình cảm như thế này.
Sau giai đoạn “nghịch ngợm” là đến “thời kỳ phản kháng đầu tiên”. Con sẽ phản đối bất cứ điều gì, và con lúc nào cũng trong trạng thái: “Để con tự làm!”. Chính vì động lực tự thân của trẻ phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn này nên tâm lý học trẻ em mới gọi tên thời kỳ này là “Phản kháng đầu tiên” và coi trọng sự phản kháng này.
Khi con bạn bước vào giai đoạn phản kháng, lúc nào con cũng nói “Không!”. Nếu con nói vậy, bạn hãy chấp nhận cảm xúc của con. Chẳng bao lâu sau khi suy nghĩ lại, con sẽ quyết định làm theo điều mà bạn yêu cầu. Nếu con nói: “Để con tự làm!”, hãy để con tự làm, và khi nhận ra mình không làm được, con sẽ phải nhờ đến mẹ; hoặc nếu con phát huy được khả năng của mình và thành công, bạn bày tỏ sự vui mừng và điều đó sẽ khiến con thêm tự tin.
Ngược lại, trẻ “trầm tính”, “không phản kháng” là bởi động lực tự thân của trẻ đã bị kìm hãm từ trước đó rồi. Có thể chúng được xem như “trẻ ngoan” vì không làm vướng bận cha mẹ và gia đình, song thực chất chúng lại có nguy cơ trở thành đứa trẻ nguy hiểm. Cha mẹ cần khuyến khích trẻ trở thành đứa bé biết “nghịch ngợm” và “phản kháng” sớm ngày nào tốt ngày ấy. Tóm lại, tôi muốn các bạn hiểu rằng những đứa trẻ bạn cho là “ngoan” từ trước đến giờ có thể là “trẻ nguy hiểm”. Chỉ cần bạn nhận thấy một chút “nghịch ngợm” hay “phản kháng” từ trẻ, hãy lấy đó làm điều đáng mừng. Từng chút từng chút một, con sẽ trở thành một đứa trẻ hoạt bát, nhưng bạn cũng phải chấp nhận việc mình sẽ phải chịu thiệt hại nhé.
Những đứa trẻ đã hình thành được động lực tự thân sẽ rất thích được chơi với bạn bè khi lên 4, 5 tuổi. Vì các bé ý thức được cái tôi của mình nên chúng sẽ thường xuyên “xích mích”; dù vậy, trẻ vẫn cảm thấy thích thú khi được chơi cùng bạn bè. Hơn nữa, bé sẽ chơi cùng cả các bạn hàng xóm, thích sang thăm nhà các bạn và thấy buồn nếu không có bạn bè. Nói cách khác, đây là giai đoạn bé bước vào thời kỳ kết bạn. Nếu trẻ không hứng thú với việc chơi cùng bạn bè vào thời kỳ này, bạn cần suy nghĩ xem liệu động lực tự thân của trẻ chậm phát triển hay kết nối tình cảm giữa mẹ và con chưa được hình thành.
Bên cạnh đó, nếu như trong thời gian này, khả năng kết bạn không được bồi đắp đầy đủ thì về sau trẻ sẽ càng khó kết bạn, và nếu trẻ bước vào tuổi dậy thì với tình trạng như vậy, trẻ sẽ trở thành một con người cô độc và biểu hiện nhiều hành động bất thường.
Bởi vậy, tôi mong các bạn hãy trở thành những người mẹ có thể cho con thỏa mãn nhu cầu được “nghịch ngợm” hay “phản kháng” - nền tảng để hình thành động lực tự thân, đồng thời tận hưởng những hành động đó của con nữa.
Dạy con cư xử có chừng mực
Nếu chỉ chú tâm phát triển động lực tự thân, con sẽ trở thành đứa trẻ luôn muốn mình là trung tâm, chỉ biết đến bản thân mình. Vì thế, việc dạy con biết cư xử có chừng mực là rất quan trọng. Để có thể giúp con biết cư xử, bạn cần kiên nhẫn và tình cảm, hãy có chừng mực, cho con biết trò “nghịch ngợm” của con có thể sẽ làm phiền người khác.
Đồng thời cũng đừng quên dạy con giới hạn đối với các nhu cầu về vật chất hay tiền bạc. Khi con còn nhỏ tuổi, bé hay đòi đồ ăn, đặc biệt là bánh kẹo hay nước trái cây. Bạn hãy dạy con dù có muốn cũng phải “chờ đợi” đến giờ. Dù con có khóc hay làm ầm ĩ như thế nào, cha mẹ cũng cần có thái độ cứng rắn. Nếu chỉ cần cha mẹ chấp thuận nhu cầu của trẻ với suy nghĩ “chỉ một cái thôi” hoặc “một lần này thôi”, con sẽ trở thành đứa trẻ ích kỉ về sau. Làm như vậy là cha mẹ đang “nuông chiều” trẻ. Những đứa trẻ ích kỉ lớn lên trong sự nuông chiều đương nhiên không thể thích ứng với cuộc sống tập thể như tại nhà trẻ, và khi bước vào thời kì dậy thì sẽ chỉ thích nổi bật, khác người mà thôi. Việc giúp trẻ kiềm chế trước nhu cầu về vật chất thôi cũng sẽ cần đến sự nỗ lực rất lớn của cả gia đình.
Đến đây, chắc hẳn các bạn đã nắm được tầm quan trọng của việc đáp ứng hài hòa nhu cầu chơi cùng gia đình và nhu cầu chơi một mình đối với việc hình thành nhân cách - cụ thể là cảm xúc và động lực tự thân của trẻ nhỏ. Đồng thời, để dạy trẻ cư xử có chừng mực, hãy giúp trẻ có khả năng trì hoãn trước những ham muốn về vật chất.
Và hãy cố gắng để trở thành một người mẹ luôn vui vẻ khi ở bên con nhé!