Những người nhỏ xương thường trẻ lâu. Câu này có vẻ rất đúng với nhạc sĩ Quốc Trung khi mấy năm gặp lại và xem anh trên nhiều phương tiện truyền thông khác, Quốc Trung dường như chưa bao giờ già đi. Vẫn giọng bông lơn như chẳng có có gì quan trọng, thái độ thờ ơ như chẳng quan tâm đến bất cứ điều gì trên đời này, và tại Lý Club, nơi có sân khấu với âm thanh của album "Đường xa vạn dặm" ngập tràn, Quốc Trung mở lòng...
***
1. CUỘC SỐNG: Tôi và các con đã từng vấp vào một khoảng chống chếnh khi Thanh Lam ra đi...
- Khoảng thời gian quá dài sau một sự đổ vỡ không êm ả, dường như anh vẫn chưa thực sự tìm được người đàn bà cho mình để có một gia đình mới?
"Thực ra thì mọi người hay suy diễn nhưng chuyện rất đơn giản. Tình yêu thời tuổi trẻ thiên về bản năng, yêu và tin chắc là có thể sống với cô gái mà mình yêu cả đời nhưng càng thêm tuổi càng ngại hơn. Nhiều người hỏi có phải tôi tiếc thương quá khứ? Tiếc người cũ thì không, tôi chẳng đến nỗi dở hơi thế đâu. Tôi cũng chẳng có tiêu chuẩn cụ thể nào cho người đàn bà mà mình định chung sống. Suy nghĩ về một gia đình mới với những ổn định ư? Nói là không thì không đúng nhưng càng ngày tôi càng cảm giác vừa ngại vừa sợ vừa xa dần".
- Anh sẽ công khai với những người phụ nữ yêu anh sau Lam rằng anh sẽ không kết hôn với họ chứ?
"Quan hệ tình cảm mà đặt trước giới hạn đó thì rất chán và không có sự tôn trọng. Thực ra tôi không thể hiện mình là người chỉ cần có tình cảm mà không cần gì nữa. Nhưng có quan hệ không thể đi xa hơn thì bằng cách này cách khác cũng cho người phụ nữ biết điều đó. Và đó cũng là sự đau khổ dằn vặt cho chính tôi chứ không sung sướng như mọi người tưởng tượng đâu".
- Một người đàn ông làm nghệ thuật - có vẻ như nguyên điều đó đã bao hàm sự không thể rõ ràng ranh giới giữa lý trí và cảm xúc. Và một người như anh?
"Cũng thế cả thôi. Người ta có thể biết được mình làm gì trong công việc nhưng khó mà bắt đầu, khó mà kiểm soát được cuộc sống, gia đình - tình yêu. Tôi sống với hai đứa bé con tôi mãi, rồi như trở thành thói quen, sống một mình lại thích. Tôi biết có những người phụ nữ yêu tôi thật lòng, có tình cảm nhiều với tôi thì bao giờ cũng hướng đến chuyện hôn nhân. Có trường hợp thì tôi trả lời, có trường hợp tôi phải lẩn tránh. Cũng có thể là do tôi yêu chưa đủ đến mức độ sẵn sàng hy sinh tất cả mọi thứ. Nhưng cũng có người phụ nữ tôi rất yêu, dù vậy để dẫn đến một gia đình lại quá nhiều vật cản nên tôi không dám đánh đổi".
- Vậy thì người đàn ông lý trí và cảm xúc Quốc Trung - người đàn ông yêu nhiều mà trước hôn nhân thì luôn ngập ngừng, suy tính… đã lựa chọn Thanh Lam ngày xưa vì sao?
"Nói là lựa chọn thì không đúng vì lựa chọn thì phải có nhiều người, rồi ‘giữa đám đông chọn lấy một người’. Nhưng thực ra tôi và Lam gắn kết qua công việc rồi yêu nhau 6, 7 năm, gắn kết tương đối sâu sắc. Với Thanh Lam thực ra tôi chưa bao giờ có cảm giác không nắm bắt được người đàn bà ấy. Trong suốt quãng thời gian chung sống tôi đã luôn cảm thấy mình đi đúng hướng và cuộc sống rất êm đẹp. Khi đó thì còn trẻ và có thể lúc đó cả hai cùng cảm thấy không thể thiếu được nhau, không thể rời nhau. Để rồi sau này tôi mới hiểu cuộc sống không chỉ có bản năng mà cần sự hiểu biết và rất nhiều yếu tố khác nữa. Dù khi nhận ra điều đó thì người đàn bà ấy đã không còn là của mình".
- Cho đến khi anh đứng trước một sự đổ vỡ mà mình không phải là người được quyền chủ động, khi Thanh Lam quyết định ra khỏi cuộc sống của anh?
"Tất nhiên là sau khi chia tay thì tôi bị shock và cảm giác đó cũng kéo dài tương đối. Không chỉ shock cho chính bản thân mình, nó để lại hậu quả lâu dài vì mình sống với hai đứa con. Một gia đình vắng bóng một người đàn bà là sự thiếu cân bằng hiển hiện. Có thể nói, tôi và hai con tôi khi mất Lam là vấp vào một khoảng chống chếnh không chỉ được đo bằng thời gian và cảm giác".
- Nên mãi đến tận sau này, dường như mọi người nhận thấy anh đã không tha thứ cho Thanh Lam điều đó?
"Không, tôi đâu có oán giận Thanh Lam. Mà có gì để tha thứ nhỉ? Người ta phải làm gì sai thì mình mới cho mình quyền lựa chọn tha thứ hay không chứ? Nhưng tôi đã tự nhận cái sai đó về mình và thấy dễ dàng hơn. Tôi không dằn vặt theo kiểu tại sao người ta lại làm thế với mình. Tôi cho rằng người đàn bà mình yêu ra đi và lỗi đó là của mình".
- Anh biết không, với tâm thế của đàn bà, trước sự bình thản và cách lựa chọn cuộc sống độc thân đến tận giờ của anh, sẽ còn hơn là một trách cứ đấy?
"Quan điểm của tôi là nếu mình không bình thản để hiểu thì mình sẽ dễ rơi vào trạng thái thù ghét, bức xúc. Tôi sẽ không đặt mình vào địa vị người ta vì đơn giản là họ không thể suy nghĩ giống như mình. Mà càng cố gắng tránh thù ghét bao nhiêu thì mình càng dễ sống bấy nhiêu".
- Rồi thì bỗng ầm ĩ chuyện đồn đại quan hệ giữa anh với Hồng Nhung? Mối quan hệ này thậm chí đã làm tổn thương tình bạn từ thuở thiếu thời của Lam và Nhung?
"Để thanh minh thì tôi không có nhu cầu. Nói thẳng ra ở khía cạnh đàn ông, Hồng Nhung không phải là týp người tôi thích càng không phải là người để tôi cần mà gây dựng sự nghiệp hay tiếng tăm. Có thể ngược lại Nhung cũng không cần tôi như một người đàn ông. Nhưng đúng vào thời điểm đó nghĩa là khoảng một năm sau khi chia tay Lam thì tôi bắt đầu làm việc với Nhung. Công bằng mà nói đó là một công việc cho tôi hứng thú. Mâu thuẫn giữa hai cô thì tôi không biết và nếu có mâu thuẫn thì chắc chắn không phải do tôi. Còn sự kết hợp làm việc thì do tôi tự do thì người ta muốn cộng tác với tôi. Và thực lòng tôi biết ơn Nhung vì khi đang buồn chán thì lời đề nghị của Nhung cho tôi cảm hứng sáng tạo rất nhiều".
- Quay trở lại chuyện đổ vỡ, anh có nghĩ sự phản bội của đàn bà thường dễ được tha thứ hơn đàn ông không? Bởi lẽ nói như W. Shakespeare thì "nhẹ dạ đích thực tên mi là đàn bà"?
"Mỗi phái đều tự tìm cho mình một sự biện hộ. Tôi có thể nhân danh đàn ông mà nói rằng sự phản bội của đàn ông mang tính chất ham của lạ hoặc chỉ là sex nhất thời chứ anh ta không bao giờ bỏ gia đình. Đàn bà thì đã phản bội là không đủ tỉnh táo để giữ gia đình. Nhưng đó cũng chỉ là một sự biện hộ. Còn sự phản bội nào cũng có bản chất giống nhau và chỉ được tha thứ khi điều đó không phải là thói quen hay bản chất".
- Quốc Trung bây giờ cảm giác về Thanh Lam có khác với Quốc Trung ngày xưa không?
"Thực ra thì vẫn thế, tôi có thể nói là một trong những người biết rõ nhất về khả năng của Thanh Lam. Biết rõ cô ấy có gì mạnh và yếu. Còn trong cuộc sống thì nhu cầu tình cảm thay đổi theo thời gian rất nhiều. Thời trẻ tôi luôn luôn tìm cách hấp dẫn được các cô gái, để cô này thích mình cô kia thích mình, còn bây giờ với tôi quan trọng là mình có cảm thấy thích cô ấy hay không, và điều đó quan trọng hơn là được cô ấy thích".
- Nhưng này ông bố rất yêu con, nếu các con anh xin anh một yêu cầu, đó là bố Trung và mẹ Lam về chung sống với nhau?
"Thực ra khi cuộc sống không hòa hợp được, có nhiều khi có thể sống với nhau đến già để giữ gìn gia đình cho những đứa trẻ con. Nhưng với tôi thì nếu cuộc sống không vui vẻ thật sự thì khó mà có thể kéo dài sự chung sống được bao lâu. Tôi cũng đã mệt mỏi, càng nhiều tham vọng càng mệt mỏi. Đàn ông ai chẳng vậy, đàn ông độc thân hai con như tôi thì càng mệt mỏi hơn".
2. VÀ NGHỆ THUẬT: Ở Việt Nam, nghệ thuật cứ như chiều nhiều người nhưng thực ra lại chẳng chiều ai cả.
- Anh là người có thực tài, chẳng ai phủ nhận điều đó. Nhưng thực tế cho thấy trong cuộc chơi nghệ thuật của mình, anh đang hành xử như một lãn ông?
"Thực ra người ta cần biết mình làm được cái gì, hoặc là quá tham vọng nên overload với tham vọng của mình. Tôi có nhiều ước mơ nhưng không nhiều tham vọng. Tôi chỉ muốn được sáng tạo, tôi tự biết được bản thân mình làm được cái gì cũng như biết khán giả của mình là ai. Còn công việc, nếu nói tôi làm việc như lãng tử và lười thì không đúng đâu. Vì mọi người đã từng làm việc với tôi sẽ biết, gần như chưa có ai theo được cường độ làm việc của tôi. Từ những show xưa kia của Lam như ‘Cho em một ngày’. Nhưng tôi chẳng cày như trâu như chó làm gì, có lẽ mọi người thấy tôi có phong thái nhàn tản, nên nghĩ vậy chăng. Tôi thích một ban nhạc mà những nhạc công chơi đàn tự do thoải mái, có thể cười, có thể thư giãn nhiều. Để sống, tôi cũng chọn điều đó".
- Trong mắt vợ cũ của anh, anh cũng đích thực là một nhạc sĩ lười đấy?
"Đúng rồi, cô ấy nói với báo chí như vậy đó. (Cười nhẹ) Có lẽ cô ấy nghĩ là tôi nên làm nhiều hơn để có thể nối tiếng và kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng tôi nghĩ nó có hai mặt. Nếu tôi làm nhiều hơn thì tôi có lẽ bây giờ y như một ông thợ. Tôi đã từng làm hợp đồng với một Hãng nước ngoài để mỗi tháng sản xuất 2 album rồi chính tôi cũng vỡ nợ với người ta và điều đó chưa hẳn là tốt. Tôi quan điểm là làm ít, đắt nhưng chất lượng chứ không nhiều mà rẻ. Trong môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp ở nước ngoài, họ sẽ chẳng bao giờ nghĩ đến việc làm các dự án ‘ngon, bổ, rẻ’ như Việt Nam hiện tại đang làm".
- "Đường xa vạn dặm" được báo chí ca ngợi như một phong cách world music của nhạc sĩ Quốc Trung, và chờ đợi một trào lưu hay ít ra là những tác phẩm kế tiếp… nhưng cho đến giờ, hình như?
"Thực ra tôi không chọn world music và tìm hiểu nghiên cứu lâu về điều đó đâu. Vô tình làm rồi thấy mọi người gán cho dòng nhạc mà tôi thực hiện với ‘Đường xa vạn dặm’ là world music nhưng thực chất đó là nhạc điện tử chứ không mang âm hưởng dân gian nhiều như world music. Thuật ngữ đó không đúng với nhạc của tôi. Sau ‘Đường xa vặn dặm’ thì cũng đang có nhiều dự án lắm. Như làm nhạc cho các phim truyện nhựa, các show thời trang… nhưng chắc là từ giờ đến cuối năm sẽ ra một dự án âm nhạc cho riêng tôi với album và show diễn riêng".
- Quốc Trung và các bạn đồng niên của anh đã có thể làm một diện mạo mới cho âm nhạc Việt Nam chưa?
"Thực ra đồng niên với tôi là ai? Quốc Bảo, Lê Quang, Anh Quân, Huy Tuấn đều trẻ hơn tôi. Mọi người làm được điều gì để định hình cho âm nhạc Việt Nam đương đại ư? Chắc phải cần một khoảng thời gian nữa và nếu không cố gắng update thì chúng tôi cũng tương đối lớn tuổi so với nhạc trẻ rồi. Âm nhạc Việt Nam đang không phát triển theo cách của một nền âm nhạc văn minh mà thực sự đang bế tắc trong con đường đi của chính mình. Lỗi này thuộc về nhà quản lý, nếu không chấn chỉnh sẽ rất nguy hại, âm nhạc Việt Nam có thể sẽ thoái trào, hơn cả thoái trào là có thể sẽ biến mất nền âm nhạc Việt Nam hiện tại. Bây giờ người ta đã đang nghe nhạc Hàn Quốc hay các nước khác mà quá ít nghe nhạc Việt Nam".
- Cụ thể hơn là gì?
"Vị trí nào cũng vậy, muốn phát triển phải có sự kích thích và cạnh tranh cùng sức ép. Ở Việt Nam hiện tại, bài hát viết ra chẳng mang lại quyền lợi cho nhạc sĩ, cho tham vọng nổi tiếng và không có nhu cầu dành cho mọi người. Nhưng trong xã hội cạnh tranh đừng đòi hỏi sự hy sinh hay cống hiến cho âm nhạc một cách vô tư. Ở nước ngoài có hàng trăm nhạc công chơi nhạc rất giỏi. Họ có sự chọn lựa để nếu muốn tồn tại phải rất cố gắng. Trong khi ở Việt Nam, gần như không có sự thúc ép đối với nhạc công khi họ có ít, lại không được chuyên nghiệp, không phải cạnh tranh và cuối cùng là cũng không có tiền. Album ở Việt Nam không có nhiều chất lượng cao vì album thường là đồ khuyến mại mà các cụ đã nói ‘của rẻ là của ôi, của đầy nồi là của không ngon’".
- Anh có đang quá khắt khe không đây?
"Không, tôi đang công bằng. Một nền âm nhạc chân chính là như thế nào? Là một nền âm nhạc phải có sự nghiệp xuất bản - ở Việt Nam thì đĩa lậu tràn ngập, đĩa nhạc không mang lợi nhuận cho ca sĩ. Các đĩa nhạc mà không có tài trợ là lỗ. Truyền hình mang tiếng live show lên sân khấu toàn hát đớp, play back… Chẳng nước nào nhiều live show trên truyền hình như ở Việt Nam, âm nhạc ở Việt Nam thay vì đầu tư để một live show đảm bảo là live show thì lại bật đĩa lên hát đớp rồi cho rằng đó là để đảm bảo cho chất lượng truyền hình. Điều nguy hiểm nhất là khán giả đến xem không thấy live đâu nữa. Người ta thấy mất hấp dẫn và dần dần sẽ mất đi nhu cầu đi xem biểu diễn. Nếu không có tài trợ sẽ không có ai làm show diễn ở Việt Nam mà hòa chứ đừng nói thu lời. Vậy đó âm nhạc Việt Nam có phát triển được không khi showbiz và xuất bản lại đầy vấn đề như vậy?"
- Còn với dòng nhạc hàn lâm thì sao?
"Đó là một cái càng đau đầu hơn. Ở Việt Nam người ta đi xem âm nhạc, người ta mất đi cái cảm giác nghe hòa nhạc mà chỉ mang tính chất xem live show. Concert trên thế giới có rất nhiều thứ như Jazz, world music… đời sống âm nhạc có rất nhiều thể loại khác nhau. Diễn ở nước ngoài đơn giản lắm, ánh sáng cũng không phải quá hoánh tráng như Việt Nam, rồi khán giả cứ phải thật đông thì mới cho là thành công. Chương trình nào cũng phải sân quân khu 7, Lan Anh hay sân vận động mới hoành tráng. Thực ra tôi nghĩ đó là do sự nghèo nàn về bản chất của âm nhạc Việt Nam nên mới phải mượn hình thức để thể hiện như vậy".
- Nhưng thực ra trong bất kỳ ngành nghệ thuật nào cũng sẽ có rất nhiều phong cách, khuynh hướng khác nhau. Sao anh không nghĩ hiện trạng âm nhạc ở Việt Nam cũng đang là một khuynh hướng?
"Nhưng tôi muốn nhìn thấy sự chuyên nghiệp. Có nghĩa là gì, anh có thể diễn cho nhiều người nhưng quan trọng mỗi thế loại có một đối tượng khán giả khác nhau. Việt Nam mắc bệnh hoành tráng, người ta không tạo cho mình những khán giả của mình. Những người làm âm nhạc Việt Nam đa số không hình dung và không tập trung vào đối tượng khán giả của mình. Tôi bật cười khi thấy những người làm nhạc Jazz mong có nhiều khán giả của mình, ông làm nhạc thể nghiệm lại hùng hổ tuyên bố tôi đi trước thời đại, tôi không cần ai hiểu. Âm nhạc thể nghiệm mà không tổ chức đúng nơi, không mời đúng đối tượng khán giả, thì không thể nào đòi hỏi khán giả hiểu mình. Khi khán giả không hiểu thì hãy trách mình không đủ tài năng cho khán giả hiểu chứ đừng nói khán giả có lỗi. Sự chuyên nghiệp ở chỗ tất cả những show diễn hoành tráng của Việt Nam không khác gì chương trình ca nhạc cách đây 20 năm và y như một nồi lẩu. Bạn thích Thanh Lam nhưng sẽ phải nghe thêm Mỹ Linh hay ngược lại. Ở Việt Nam nghệ thuật cứ như chiều nhiều người nhưng thực ra lại không chiều ai cả. Cứ sợ sự đơn điệu nếu theo một thể loại nhưng thực ra là chẳng đủ trình độ để làm một thể loại mà hấp dẫn nên cứ phải bày hết ra. Và hiện tại thì âm nhạc đang chậm hơn người nghe, người làm quản lý âm nhạc lại chậm hơn người làm âm nhạc. Mọi người cứ luẩn quẩn loanh quanh như thế mà thì làm sao hoạch định được một nền âm nhạc chuyên nghiệp và văn minh?"
- Cảm ơn anh.