Kim Ngọc, đã qua rồi cái thời để đầu trọc hệt như nữ nghệ sĩ Sinead O’Connor, đôi mắt to mênh mông trên khuôn mặt thanh tú, vóc dáng nhỏ bé, nhỏ hơn những hình dung sau khi biết người nữ nhạc sĩ này đã làm được những gì ở tuổi của chị. Người ta chỉ nhắc nhớ đến chị, mỗi khi chị có một tác phẩm mới trình diễn. Kim Ngọc chọn một cuộc sống không phải theo cách thông thường, nhưng lại rất biết tránh xa những phiền toái, để dường như ngoài tác phẩm, chị núp kín trong những bí mật của mình.
***
1. ...Đó là cách để trở thành một "tác giả"
- Chị là ai? Một nhạc sĩ, một nghệ sĩ hay một người đàn bà làm nghệ thuật?
"Là cả ba".
- Tại sao lại là "Ai đem con nhện giăng mùng"? Tôi đọc ở đâu đó ngưòi ta nói: xem vở nhạc "Ai đem con nhện giăng mùng" của chị, về nhà họ sẽ nghĩ khác về người phụ nữ… Tôi cứ băn khoăn, không lẽ thông điệp của chị giản đơn thế? Và nhất định phải có thông điệp gì ư?
"Tác phẩm nghệ thuật nào tự thân nó cũng chứa đựng thông điệp. Đơn giản hay phức tạp không quan trọng, miễn là nó ‘va chạm’, nó ‘đánh động’ trong cảm giác và nhận thức sống của người thưởng thức một điều gì đó. Những cảm thức này có thể rất giản dị như khi có người bình luận, ‘Ai đem con nhện giăng mùng…’ của tôi nói về thân phận ràng buộc không có lối thoát của người phụ nữ Việt Nam; có thể phức hợp hơn như một khán giản thổ lộ, ‘tôi thích cách chị dùng cái đẹp để nói về sự xấu xí’ hay có nhà báo lại nhận định hơi diễn giải thế này, ‘… Trong sự chuyển mình, đổi thay dữ dội của một xã hội TÍNH NỮ là cái không ngừng được suy nghĩ, được nhìn nhận và lật đi lật lại bằng cả tình yêu và sự đau đớn…’. Mỗi một khán giả - một vũ trụ, họ tri nhận tác phẩm từ những góc độ khác nhau tùy thuộc vào tri thức và kinh nghiệm sống của mỗi người. Sự va chạm, tạo sinh này càng ở diện rộng và đa cấp càng chứng tỏ tầm vóc của tác phẩm".
- Chị viết những bản nhạc dành cho dàn nhạc được phát rất nhiều ở các kênh truyền thanh trên thế giới, đó là dòng nhạc gì, có khác với những gì chị trình diễn cho người Việt không, tại sao?
"Tôi làm nhạc gì sau này các nhà phê bình chuyên nghiệp sẽ đặt tên. Nhưng không có sự khác biệt nào theo kiểu nhạc cho tây nghe hay nhạc cho ta nghe, tôi chỉ sáng tác một loại tác phẩm đó là: tác phẩm của Kim Ngọc".
- Dường như chị rất ít nhắc đến giải nhất cho nhạc sĩ viết nhạc giao hưởng ngoài nước Pháp? Có phải sau giải thưởng đó, chị nghĩ khác, viết khác và làm khác đi với âm nhạc của mình?
"Đó chỉ là một giải thưởng nhỏ, đủ khích động năng lượng cho một sinh viên trẻ tiếp tục cuộc thám hiểm của mình nhưng không phải là ‘chứng chỉ’ cho một tác giả. Tôi không làm gì khác với chính mình cả, ngược lại càng ngày càng ‘giống’ mình hơn và đó là cách để tôi trở thành một tác giả. Không có một thứ âm nhạc sẵn có nào mang tên Kim Ngọc, chỉ có tôi là đã được mẹ cha sinh ra sẵn trên đời này rồi, tôi phải sống với sự thực ấy và tác phẩm của tôi được tạo ra cũng vì sự thực ấy".
2. Biểu diễn là "sống trong khoảnh khắc".
- Chị nghĩ gì về câu nói khi tạo ra một âm thanh, sẽ có nhiều tiếng vọng khác nhau?
"Hay lắm! Đó là sự va đập, cộng hưởng với môi trường xung quanh mà tôi vừa đề cập đến. Mỗi âm thanh, mỗi tác phẩm nghệ thuật là một gợi ý cho vô vàn những tiếng vọng. Trong sự tương tác với môi cảnh sống nó trở thành một hiện diện mới, tiếp diễn đến không ngừng và biến mình thành gợi ý cho một hành trình cá nhân khác. Cứ thế chúng tương tác với nhau, gợi ý cho nhau, ràng buộc và giải phóng nhau để tái tạo mô hình sống".
- Một nhạc sĩ chơi nhạc đương đại, một họa sĩ thể nghiệm với nghệ thuật đương đại ngoài giá vẽ… và bây giờ tôi biết có họa sĩ Quách Đông Phương chơi nhạc trong đêm Đáo xuân ở nhà họa sĩ Đào Anh Khánh, một Kim Ngọc không chỉ dùng âm nhạc để đánh thức thính giác, mà còn bằng cả nhiều giác quan khác với những tác phẩm gần đây nhất của chị. Điều gì đang xảy ra vậy?
"Chị đừng lo lắng quá, hãy tới chứng kiến các tác phẩm của tôi và thả lỏng, những liên tưởng gì tới với chị? Những cảm giác gì khiến chị thoải mái và bất ổn? Những cái diễn ra trong buổi biểu diễn kết nối vào mảng nào trong ký ức và kinh nghiệm sống của chị? Bấy nhiêu thôi sẽ giúp chị biết điều gì đang xảy ra. Còn nếu chị thờ ơ với một tác phẩm nghệ thuật thì không cần mất công tìm hiểu điều gì đang xảy ra".
- Có những nghệ sĩ nghiêng về nghệ thuật thính giác muốn có một không gian trình diễn của mình càng đơn giản càng tốt, càng tối càng tốt, để chỉ có âm nhạc vang lên. Còn chị, với những vở nhạc của mình, chị phải dùng đến nhiều hiệu ứng khác?
"Hình thức của mỗi tác phẩm sẽ được tôi lựa chọn để thực hiện hiệu quả nhất nội dung mà tôi muốn chuyển tải. Tôi có rất nhiều tác phẩm phải nghe trong bóng tối. Trong những music-theatre của tôi có rất nhiều đoạn hình ảnh chuyển động chậm hoặc bất động trong trạng thái mất nét hoặc tối om. Sự tương tác, ảnh hưởng lẫn nhau giữa nghe, nhìn và cảm nhận không gian theo kiểu này là một hình thái trình diễn tương tác (interactive performance) hình thành đồng thời ở rất nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau từ nửa sau thế kỷ thứ 20. Nó không đơn giản là một trào lưu, nó là một nấc thang phát triển tất yếu của tư duy sáng tạo người nghệ sĩ và cả tư duy thưởng thức của công chúng nữa. Bản thân tôi trước khi được biết đến hình thái này một cách bài bản và sâu rộng tại châu Âu và Mỹ thì tôi đã bắt đầu xu hướng này một cách bản năng từ những năm còn học tại Nhạc viện Hà Nội. ‘Bài ca đứa bé lang thang’ trình diễn năm 2000 tại nhà sàn Đức là một ví dụ điển hình".
- Chị tìm sự đồng cảm với quan điểm làm nghệ thuật của mình ở ai và ở đâu? Chị có cô đơn thường trực không?
"Tôi chẳng có thời gian để cảm thấy cô đơn. Sự đơn độc thậm chí còn khiến năng suất làm việc của mình tăng lên. Tôi chỉ thấy tại Việt Nam nghệ thuật đương đại thiếu tính cạnh tranh vì còn ít người làm, ít tác phẩm có chất lượng và vì thế chưa thể là môi trường phát triển lành mạnh được. Nếu các nghệ sĩ trẻ có tham vọng xuất hiện tại châu Âu và Mỹ thì ngoài chuyện thu nhập ra cũng là để có cơ hội cọ xát với một môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp có tính cạnh tranh cao hơn".
- Trong sân khấu, có hai trường phái khác nhau khi trình diễn. Một là diễn và biết là diễn, hai là diễn như thật, như nhập đồng. Còn chị, khi trình diễn các tác phẩm của mình, chị tỉnh táo để tiết chế, hay hoàn toàn nhập hồn vào tác phẩm?
"Cái đó không phải hai trường phái mà là diễn hay và diễn dở thôi. Biểu diễn là ‘sống trong khoảnh khắc’. Rất thích đấy nhưng cần nhiều kỹ năng và kinh nghiệm để phong độ có thể ổn định. Có một ranh giới mong manh giữa nhập vai và mất trí. Diễn như mình đang sống là tài năng tuy vậy sống hay diễn thì cũng phải trong sự điều tiết của trí tuệ không thì thành người mất trí vào viện tâm thần chứ không làm nghệ sĩ để mà thăng hoa được. Tôi cũng có những buổi diễn thăng hoa và buổi diễn dở. Khi thăng hoa được sướng lắm, chả cần khán giả tung hô mình cũng thấy thỏa mãn. Nói thế nào nhỉ, trong lúc diễn tôi tỉnh táo tiết chế bằng trí tuệ và cảm xúc của nhân vật".
3. Đích đến của ai chẳng là cái chết
- Chị cân bằng cách nào giữa đam mê của mình với chức phận một người phụ nữ, làm vợ, làm mẹ và làm người tình? Xin lỗi chị nếu câu hỏi này có làm chị cảm thấy mối quan tâm từ phía nhà báo hơi riêng tư, chỉ để được hỏi thêm câu hỏi khác, chị ru con bằng bài hát hay thứ âm nhạc nào?
"Tôi không thấy mình có CHỨC PHẬN nào trong số những cái chị liệt kê ở đây. Nếu đã làm cái gì thì tôi phải thấy vui thích, mà đã thấy vui thích thì không cảm thấy nó là chức phận chi hết. Sự cân bằng nếu cần phải có thì là sự cân bằng giữa những ham muốn vô bờ bến của mình mà thôi. Làm vợ và làm mẹ với tôi cũng là một ham muốn say đắm và nhiều hậu quả như làm người tình và làm việc. Tôi hát, tôi múa, tôi cau có, tôi làm bất cứ thứ gì để con tôi cảm nhận được tình cảm của tôi vì tôi cho rằng chính tình yêu của tôi, chứ không phải thứ âm nhạc nào hết, sẽ làm con tôi ngủ ngon".
- Có một anh bạn nhạc sĩ cũng được coi là một gương mặt đương đại khi chê bất cứ cái gì từ văn học đến thời trang hay hội họa thường dùng một câu: Văn hóa Pop quá. Chị thì sao? Chị có dị ứng với những gì Pop không?
"Văn hóa Pop hay văn hóa academi thì cũng là những mảng khác nhau của cuộc sống thôi. Tôi không dị ứng với những gì thuộc về cuộc sống. Chỉ có điều lĩnh vực nào nếu không phải chuyên môn của tôi thì tôi ít quan tâm, vì thế không lạm bàn".
- Là một phụ nữ, lo lắng nhất của chị là gì? Là một nghệ sĩ, chị sợ gì nhất?
"Để tôi nghĩ xem nào, tôi ít khi lo lắng với tư cách là một phụ nữ. Khi là nghệ sĩ tôi cũng chả thấy sợ điều gì. Chỉ lúc nào cơ thể và tâm lý không khỏe khoắn thì tôi dễ bị trầm uất, lúc đó tôi có thể lo lắng và sợ hãi vì bất cứ điều nhỏ nhặt nào".
- Đã có một ngày 1 Tết dương lịch mưa nhiều ngồi uống rượu với chị ở nhà sàn anh Đức, rất nhớ cảm giác một người phụ nữ bé nhỏ, mắt sáng và hơi rụt rè hơn những gì tôi từng hình dung. Chị có khó khăn để sống-một-cách-bình-thường không?
"Tôi đang sống rất bình thường, có khó khăn nhưng không phải với sự bình thường mà với những ham muốn nhiều loại. Mà tôi nghĩ ai cũng thế, có đối mặt với nó hay không thôi. Tôi nhìn ai cũng như nhìn người quen vì biết họ cũng là con người, có những khó khăn đồng loại về vấn đề ham muốn như mình. Tôi hiểu mọi người vì tôi biết rõ ai cũng có ngần ấy bộ phận trên cơ thể".
- Chị hạnh phúc chứ? Hạnh phúc của chị có mang gương mặt của ai đó không?
"Không, may quá nó mà mang gương mặt của ai thì chẳng mấy chốc lại trở thành "chức phận"như chị nói lúc trước ấy. Tôi lòng tham vô đáy, cứ muốn được tận hưởng tất cả mọi ưu đãi của thiên nhiên dành cho giống nòi mình nên là không biết thế nào là đủ cả. Tôi chỉ có thể cố gắng thu xếp sao cho năng lượng sống của mình được tái tạo mỗi ngày. Cái đó hóa ra không đòi hỏi những nỗi đam mê cháy bỏng mà cần sự cân bằng và nhận thức. Như vậy có thể gọi là hạnh phúc không?"
- Đích đến của chị là gì? Sau những đam mê mà chị đang lao động?
"Đích đến của ai chẳng là cái chết. Tôi tái tạo năng lượng mỗi ngày bằng lao động và mơ ước cũng chỉ để chuẩn bị đến một lúc nó được chuyển hóa sang một dạng năng lượng khác, kỳ bí và hứa hẹn nhiều bất ngờ - ý tôi là lúc chết ấy".
***
Có một người đàn ông làm nghệ thuật nói rằng: "Phụ nữ có quá nhiều thiên chức để phải làm tròn thay vì toàn tâm cho nghệ thuật". Tôi đã từng tin đó là một câu nói đúng. Nhưng cũng có những ngã rẽ khác bất ngờ, và hiếm hoi - tất nhiên. Kim Ngọc là vậy, sống kín đáo, không diêm dúa, màu mè phô diễn rình rang như nhiều người phụ nữ ngang chân sang nghệ thuật khác. Và cũng bình thản với việc làm mẹ, như bất cứ người phụ nữ bình thường nào. Phải tin thôi, có lẽ thiên chức dành cho Kim Ngọc là làm nghệ thuật. Giống như trong phim "Forest Gump", để nói: "dù Kim Ngọc có ở đâu, có làm gì và sống với ai, cũng mong chị hạnh phúc" như chị xứng đáng được, dù có gạt sang bên cạnh những danh tiếng mà chị có đi chăng nữa…