Hẹn nhạc sĩ Huy Tuấn ở Gloria Jeans Coffee lúc 7h30 sáng vì anh sẽ phải bay về Hà Nội sau đêm trao giải Cánh diều vàng. Đến sớm hơn một chút, vừa nhắn tin nhắc, quay lại, đã thấy anh ở phía sau. Thiện cảm với một người đến đúng giờ đủ cho câu chuyện bên tách cà phê buổi sớm là dễ chịu. Huy Tuấn không phải là người quá kín đáo để khó gần.
***
1. Đôi khi cảm xúc là sự buông thả lý trí!
- Vị trí làm việc, công việc của anh sẽ va chạm với rất nhiều những phiền phức, nhưng anh dường như là một nhạc sĩ hiếm hoi không vướng vào những chuyện đó. Tại sao vậy?
"(Cười to) Gần như thôi, không thể không dính được. Hình như là đặc thù của công việc này hay sao ấy, mọi người cứ luôn muốn nghe những đồn đại dù thực lòng tôi không muốn thế".
- Thấy anh ca ngợi gia đình mình, "có một cô người yêu cũ bây giờ là vợ, một bạn gái mới là con gái mới 7 tuổi". Có khó không? Để giữ gìn một gia đình như thế?
"Khó. Đối với một người bình thường trong xã hội hiện nay đã không phải là chuyện dễ dàng rồi. Tôi càng khó. Tôi luôn phải cố gắng. Tôi biết vợ tôi thiệt thòi khi tôi không bao giờ hết việc, chẳng có ngày nghỉ, cũng chẳng có ngày cuối tuần. Chẳng bao giờ tôi dám nói với vợ một kế hoạch như hè này, tháng 5 này mình sẽ đi nghỉ. Công việc của tôi đã khiến cho tôi không bao giờ quản lý quỹ thời gian của mình một cách khoa học. Tôi biết người nào chung sống với những người như chúng tôi cũng khó lắm… Báo chí lại cứ luôn muốn khai thác mặt tiêu cực, rồi đồn thổi… Tôi đang cố gắng, rất cố gắng, nhưng tôi biết gia đình tôi vẫn chỉ đang ở mức hướng đến sự cân bằng. Sáng tác là một nghề cô độc. Tôi không có nhu cầu chia sẻ, tôi muốn được yên thân thì đúng hơn".
- Nghề sáng tác, cảm xúc sẽ được bắt nguồn từ rất nhiều thứ khác nhau, đồng thời cũng khó mà cố định ở một đối tượng. Những bài hát với các ca từ lãng mạn như vậy, có bao giờ anh buông thả cảm giác của mình để rồi… phiêu lưu không?
"(Ngập ngừng) Nói thẳng là có, rất nhiều bài hát của tôi là những câu chuyện rất thật của chính tôi. Tôi cũng không thể giấu giếm rằng tôi đã có những cảm xúc của sự buông thả lý trí. Vấn đề có lẽ nằm ở điểm dừng và sự kiểm soát. Hừm, thì cũng có thể (cười) dù theo cảm xúc nhưng lúc nào đó lại kiểm soát được. Tôi không thể mô tả được nó rõ ràng".
- Vậy tình yêu với âm nhạc và tình yêu với một phụ nữ, sự đam mê có giống nhau không, hoặc là biểu hiện thế nào? Anh điều chỉnh cuộc sống của mình như thế nào vì người ta hay nói đùa rằng bên cạnh hoa hồng thì cũng cần bánh mì nữa?
"(Cười to) Nhiều điểm chung đấy. Giai điệu nào làm bạn xao xuyến thì chính những giai điệu đó đang quyến rũ bạn. Tình yêu cũng vậy, một phụ nữ đẹp, tâm đầu ý hợp với mình thì rõ ràng người phụ nữ đó rất quyến rũ. Và sự nồng nàn của cả hai cảm giác đó với tôi rất giống nhau. Tôi vẫn đang điều chỉnh đây…"
2. Tôi cũng được trả 100 triệu...
- Kinh tế có phải là vấn đề với anh không?
"Hiện giờ thì không. Trước thì có đấy".
- Vì anh đã kiếm được tiền hay vì vợ anh kiếm được? Tôi đọc được rằng một năm anh chỉ viết khoảng 5 đến 6 bài. Một bài người ta chỉ trả khoảng 500 USD, vậy anh sống bằng cách gì với khoảng 3000 USD mỗi năm? Viết nhạc cho phim có được trả công xứng đáng không?
"Bởi vì tôi kiếm được. Vài năm gần đây về mặt kinh tế tôi khá ổn. Tôi chỉ khó khăn ở thời gian đầu thôi. Nhu cầu giải trí lớn hơn nên chúng tôi có công việc để làm. Mọi người vẫn nghĩ nhạc sĩ chỉ sáng tác mấy bài hát. Nhưng nhạc sĩ làm rất nhiều việc khác nhau như hòa âm, phối khí, biên tập âm nhạc… Nhạc phim à, nếu cứ nhìn vào cát xê thì sẽ chẳng ai viết nhạc cho phim cả vì nó chưa xứng đáng".
- Nhưng người ta đã trả cho Đức Trí đến 100 triệu?
"Tôi cũng được trả 100 triệu với phim Em muốn làm người nổi tiếng. 100 triệu tưởng là to so với mặt bằng nhưng cho một bộ phim thật tử tế, số tiền đó chẳng nhiều gì. Vấn đề là tôi luôn thiếu thời gian cho mỗi phim mà mình nhận làm nhạc. Tôi cứ ước có một tháng để làm nhưng không hiểu sao cứ sát thời gian hoàn thiện họ mới cho tôi xem hình ảnh".
- Một bộ phim thường làm trong khoảng 3 tháng kể cả hậu kỳ đi, vậy thì họ tiếp xúc với anh bắt đầu từ khâu nào? Ai là người tiếp xúc, đạo diễn hay nhà sản xuất?
"Đạo diễn chứ, tôi thường tiếp xúc ngay từ khi phim còn là kịch bản nhưng đó chỉ là hình dung sẽ dùng âm nhạc thể nào thôi. Còn để cụ thể hóa thì phải có hình ảnh. Mà khi có hình ảnh rồi thì không hiểu sao đến ngày ra phim sẽ luôn còn quá ít thời gian".
- Kịch bản đó không gợi cảm hứng cho anh à, sao cứ phải đợi đạo diễn nhỉ? Có rất nhiều ca khúc có đời sống riêng của nó sau khi bộ phim ra đời. Còn anh, anh đánh giá thế nào về giá trị ca khúc trong phim?
"Kịch bản chính là sự hình thành ý tưởng chủ đạo cho phim, ở trong đầu thôi. Còn ra nốt, ra nhạc cụ thì phải có hình ảnh. Với tôi, trong phim truyện ca khúc không phải là quan trọng. Nhạc nền mới là tối quan trọng".
- Đồng ý là vậy, nhưng nhạc nền thường đã được hòa âm để là một phần khó mà tách rời với âm thanh, tiếng động, nhịp điệu, ánh sáng, lời thoại và cả diễn xuất nữa. Anh đang hài lòng nhất với phim nào mình đã làm nhạc. Sau sự hài lòng đó, anh có kinh nghiệm nào để đời với những người làm phim khi làm nhạc?
"Không phải bộ phim nào cũng cần ca khúc. Ca khúc được làm khi câu chuyện cần. Tôi thích chứ, nếu có những bộ phim có ca khúc, đó là những soundtracks có chỗ đứng riêng. Em muốn là người nổi tiếng là phim tôi đang hài lòng về phần nhạc. Tại sao ư, tôi đã làm đến 6, 7 bộ phim truyện nhựa mà phim vừa rồi tôi mới có điều kiện làm âm thanh soundround 5.1. Ngoài những ca khúc do đặc thù của phim bắt buộc phải có thì phần nhạc nền có thể nằm cùng hoặc tách rời bạn sẽ vẫn thích nghe".
- Anh làm theo cách nào, khi phim đã hoàn thiện hình ảnh, âm thanh mà chỉ thiếu âm nhạc thôi, anh sẽ là người quyết định âm nhạc hay anh phải thỏa thuận với đạo diễn từ trước đó?
"Công nghiệp làm phim ở Việt Nam chưa có phần kịch bản âm thanh. Phần đó rất quan trọng vì đọc nó, bạn sẽ thấy phần nào có tiếng động gì để hình dung được mình sẽ dùng kiểu nhạc gì, nhạc cụ gì cho phù hợp. Nên thường thì tôi phải ngồi ‘đàm phán’ với đạo diễn. Các nhạc sĩ làm nhạc cho phim Việt Nam đang làm công việc của một người viết kịch bản âm thanh. Tôi luôn có sự lựa chọn riêng của mình và ‘chiến đấu’ cho đến nay cũng thành công đến 80% cho những gì mà mình đã muốn hướng đến".
- Có khác không, khi có nhạc sĩ nói với tôi rằng anh ta chỉ mất vài ngày để làm xong nhạc cho một bộ phim và cũng được trả khá cao. Yếu tố chuyên nghiệp đóng vai trò gì khi một số nhạc sĩ quan tâm đến thời gian phải hoàn thiện tác phẩm và họ luôn cố gắng đáp ứng yêu cầu đó từ phía nhà sản xuất. Một số nhạc sĩ còn lại (trong đó có anh) lại muốn thương lượng về thời gian trước nhất?
"Ở đây không phải là yếu tố chuyên nghiệp mà là yếu tố ‘thiện chiến’ thì đúng hơn. Họ sẽ đúng thời gian và tôi tin sản phẩm đó chỉ ở mức vừa đủ. Nhưng nếu có thêm thời gian để đầu tư thì sẽ thấy sự ‘vừa đủ’ đó lại thành ‘chưa đủ’. Chắc là do nhu cầu mỗi đối tượng khách hàng sẽ khác nhau chăng?"
2. Âm nhạc Việt Nam, hình như nó sai ở đâu ấy?
- Ngược lại quá khứ, khi các anh từ Đức trở về Việt Nam, các anh thậm chí đã bị coi rằng "làm hỏng Mỹ Linh" khi album Tóc ngắn 1 ra đời… cảm giác như là..
"Như một cái tát phải không?"
- Gần như là vậy. Ít ra là hoang mang. Có phải vì thời gian ở nước ngoài các anh đã sống trong thứ âm nhạc thời đại đó mà không biết rằng ở Việt Nam người ta đang quen và đang thích nghe gì?
"Khi đó chúng tôi vô tư lắm, để làm một thứ nhạc bao năm mình ấp ủ và hoàn toàn không đoán trước được phản ứng của mọi người như thế. Người nghe bị sốc, thì chúng tôi còn sốc hơn. Nhưng phải công bằng là trước Tóc ngắn 1 thị trường Việt Nam chưa có những album theo chuẩn. Chưa theo một dòng nhạc, một concept hoàn hảo. Từ Tóc ngắn 1 trở đi, chính là cột mốc định dạng được hình thức album theo format thế nào, cách thể hiện thống nhất ra sao".
- Anh thuyết phục Mỹ Linh như thế nào để cô ấy đồng ý hát dòng nhạc các anh mang về từ "trời Tây" vậy? Vì khi đó Mỹ Linh đang rất thành công với những bản pop hay ballad mềm mại dễ nghe?
"Ồ, cái này thực ra phải nói lại cho rõ, bởi trước khi chúng tôi gặp cô ấy thì cô ấy đã bị thuyết phục bởi chính chúng tôi rồi. Những bài hát, những đĩa nhạc mà chúng tôi đã phối đã thu ở bên Đức chính là những vật gối đầu giường của cô ấy. Đêm nào cô ấy cũng nghe và mơ một ngày nào đó làm việc với chúng tôi. Chúng tôi đã không mất thời gian và thực sự cũng không nghĩ rằng mình phải thuyết phục Mỹ Linh. Chúng tôi ngây thơ đến vậy đó. Sự dũng cảm ở đây phải dành tặng cho chính Mỹ Linh, một người ở nhà, biết thị trường âm nhạc như thế mà dám chấp nhận thay đổi".
- Ở một môi trường âm nhạc mà người ta hay nói đến một đứa trẻ cũng biết nghe giao hưởng, về Việt Nam, nơi mà môi trường âm nhạc theo như nhạc sĩ Quốc Trung có lần nói "nó phát triển một cách bất bình thường"… cảm giác ban đầu của anh ra sao?
"Thị trường âm nhạc Việt Nam đến bây giờ cũng chưa bình thường. Tôi và các bạn đồng nghiệp của tôi cũng chỉ đang cố lái con đường âm nhạc theo đúng hướng thôi. Nhưng đến bây giờ vẫn cứ hoang mang, hình như nó sai ở đâu ấy?"
- Nó sai ở đâu ư? Hình như nó sai ở chỗ thị trường âm nhạc Việt Nam đang tồn tại kiểu "một người làm muôn vàn người phá…" anh cố gắng nâng cấp thì chắc cũng có đến 10 người sẵn sàng sáng tác những tác phẩm thấp dưới mức âm nhạc làm hỏng thẩm mỹ của người nghe. Anh có nghe thứ nhạc ấy không vậy?
"Không không, tôi không dám bén mảng đến thứ âm nhạc đó. Có nên nói không nhỉ, nhưng tôi thú vị với câu nói của Einstein rằng ‘Bọn ngu dốt đông lắm, chúng ta không thể thắng được nhưng chúng ta vẫn phải làm thôi’. Sau thời gian bị sốc vì album Tóc ngắn 1, dần dần chúng tôi cũng ngộ ra rằng mình đang làm thứ khác khác với mọi người nghĩ. Bắt đầu thấy những quả núi mà mình phải leo".
- Hiện tại đã có rất nhiều thay đổi, thị trường âm nhạc mở, người nghe cũng khó tính hơn, anh có sợ mình bị cũ đi không? Tôi có rất nhiều người bạn thú nhận rằng họ không bao giờ nghe nhạc Việt Nam! Quả núi anh vừa nói có lớn hơn quả núi lúc anh ở điểm xuất phát không?
"Lớn hơn nhiều chứ, vì quả núi bây giờ rác rưởi hơi bị nhiều (cười lớn). Lúc trước sau 5, 6 năm mới thuyết phục được mọi người nghe, thì lại thấy mình bây giờ cũng chỉ đang đi những bước đầu tiên. Ví như chúng tôi chọn dòng nhạc R&B chẳng hạn thì cũng đang cố làm thật đúng để ít nhất rèn được cái tai người nghe rằng đây là R&B, kia là Rock. Trước hết nó phải thuần khiết đã, chưa cần mọi người ‘phiêu’. Tất cả cần phải đúng đã, thì khi đó người nghe mới biết lựa chọn và có những yêu cầu tinh tế hơn…"
- Có lần anh đã nói, anh sẽ trung thành với dòng nhạc R&B, đó có phải là sự bảo thủ? Vì sự trung thành ấy cũng sẽ cản trở phát triển?
"Tôi trung thành vì chúng ta đang ở giai đoạn nếu không trung thành với một dòng nhạc nào thì chúng ta không làm được gì cả. Một nền âm nhạc mà chúng ta không nhận ra ca sĩ hay nhạc sĩ của dòng nhạc nào thì khó mà chấp nhận. Dù phải nói thể loại âm nhạc chỉ là phương tiện để bạn đi thôi. Bạn chọn xe máy thì con đường bạn đi cũng có từng ấy ngõ ngách, xe đạp cũng rẽ, xe máy cũng rẽ. Tôi chọn R&B và tôi phát triển trong dòng nhạc đó. Tôi không bảo thủ. Những người chọn nhạc classic thì sao? Chẳng lẽ họ không phát triển ư? Tôi vẫn có thể cực kỳ mê RAP với Hà Okio và ngoài kia là Kim. Sự quyến rũ của Rock cũng vậy. Nhưng mỗi người có con đường riêng, đối tượng người nghe riêng cho mình. Đó chính là một nền móng lành mạnh của nhạc trẻ".
- Cảm ơn anh.