Nói tiếng Việt khá tốt, Graham để lại ấn tượng về một người đàn ông ngoại quốc có vẻ ngoài khá khiêm nhường, dịu dàng nhưng những suy nghĩ của ông về nghệ thuật - sự phát triển của nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng tại Việt Nam lại rất mạnh mẽ. Graham Sutcliffe là Giám đốc Nghệ thuật của Hội đồng Anh tại Việt Nam đồng thời là nhạc trưởng thường trú của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. Ông đã sống và làm việc tại Hà Nội hơn năm năm qua. Trước đó, Graham đã làm nhạc trưởng tại thành phố Hồ Chí Minh trong sáu năm. Năm 2003, Graham Sutcliffe được tặng thưởng danh hiệu thành viên của dòng Hiệp sĩ Đế chế Anh do những đóng góp của ông cho mối quan hệ văn hóa giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.
***
Người Việt Nam rất lãng mạn và đa cảm...
- Mỗi buổi sáng thức dậy ở Việt Nam khác gì với ở quê hương ông và các nước khác? Là âm thanh, là hình ảnh, là thói quen và là những món ăn nữa?
"Với tôi ư, mỗi buổi sáng thức dậy ở Việt Nam giống như được bừng tỉnh trong một cuộc sống mới đã khiến tôi ngỡ ngàng khi lần đầu tiên tới đây vào 15 năm trước. Con người Việt Nam biết cách sống hài hòa cùng thiên nhiên và cuộc sống của họ đã cũng đập cùng nhịp với nhịp sống của thiên nhiên. Người Việt Nam có kiểu sống "bên ngoài nhà" - và "văn hóa đường phố" hình thành điển hình. Tiếng ồn là một phần của cuộc sống nơi đây, nó cho ta cái cảm giác của một nhịp sống luôn luôn tiếp tục, lúc nào cũng có người nào đó đang đi đâu hoặc đang làm gì đó. Những tiếng rao khắp phố phường mời gọi mọi người mua bánh mì, xôi, chè , tào phớ với những thứ mùi của buổi sớm mai - mùi hoa thơm, mùa súp thịt bò, mùi xôi nóng, mùi trứng rán, và có lúc may mắn ta ngửi được cả mùi hoa sữa. Những tiếng ồn ào đầu tiên là tiếng quát tháo của hàng xóm nhà bên như là khúc dạo đầu cho một dàn đồng ca của đủ loại tiếng động cơ mô tô của những con người đang chuẩn bị đi làm hoặc đi ăn sáng".
- Việt Nam hấp dẫn ông ở điều gì? Ông sẽ ở Việt Nam bao lâu nữa?
"Có hai điều nổi bật nhất đã hấp dẫn tôi mà những người chưa bao giờ tới đây sẽ không ngờ tới và ngạc nhiên khi phát hiện ra chúng. Đó là sự nhộn nhịp tôi vừa nói ở trên. Rất nhiều thứ ở Việt Nam không được phát triển như ở những nước phương Tây, nhưng ở Việt Nam, dường như mọi thứ đều có thể. Ai đó sẽ luôn biết cách tự giải quyết một vấn đề, ai đó sẽ luôn biết phải làm cái gì hoặc nếu không cũng biết tìm được một người khác để hỏi tìm giải pháp. Đó mà một thái độ sống rất tích cực mà bây giờ đã không còn tồn tại ở rất nhiều quốc gia khác - có thể là ở chính các nước phát triển. Thứ hai là con người Việt Nam rất lãng mạn và đa cảm. Họ coi trọng những giá trị truyền thống kết hợp với những giá trị nhân văn - như sự trung thành, sự tôn trọng tình bạn và tình yêu. Đây cũng là những thứ chúng tôi đã đánh mất ở những nước phương Tây... Tôi không biết mình sẽ ở lại đây bao lâu nữa nhưng hiện tại tôi chưa có ý định ra đi".
- Hiện diện của Việt Nam trong tâm trí ông, nếu đi xa…?
"Đây là một đất nước của những sự đối lập và tương phản nó khiến ta liên tưởng tới một món súp có vị vừa ngọt mà lại vừa chua - hai thứ gia vị đối lập nhau nhưng lại không thể thiếu để tạo ra vị ngon tuyệt vời của món súp giống như biểu hiện của hai yếu tố âm - dương, có mặt trong hầu hết mọi góc cạnh sống của con người Việt Nam. Giữa hai sự đối lập này là một nỗ lực cân bằng để tìm kiếm sự hài hòa. Sự đối lập có trong hầu hết mọi hành động và chính cuộc sống đã tìm cách cân bằng lại. Nỗ lực này biểu hiện ở cái cách mà con người đang sống - cùng sống và "nhận diện" nhau theo nhóm, chẳng hạn như theo làng xóm hoặc theo gia đình, đây là một đặc điểm cực kỳ điển hình. Ở phương Tây, chúng tôi vẫn phải lựa chọn một trong hai hướng đối lập và biểu quyết xem cái nào là đúng và cái nào là sai. Còn ở Việt Nam, không có bên nào là tuyệt đối. Việc tìm cách cân bằng hai sự đối lập đó mới là quan trọng".
- Giới trẻ hiện tại dễ dàng thích nghi với cuộc sống mới mẻ, tiện nghi và vươn tới sự sang trọng được đánh giá bằng đẳng cấp ngang với thế giới. Điều đó không xấu, nhưng họ hay phủ nhận quá khứ và đôi khi… "mất gốc" nữa. Ông nghĩ sao về họ?
"Gần đây có một báo cáo của giới báo chí Anh, trong đó nói rằng giới thanh niên Anh là một trong những giới thanh niên tồi tệ nhất thế giới, uống rượu, hút thuốc, và thậm chí biết dùng thuốc gây nghiện và quan hệ tình dục từ rất sớm. Nguyên nhân cho điều đáng buồn này đó là vì họ thiếu sự quan tâm của cộng đồng và sự lãng quên của các truyền thống gia đình. Những người trẻ này đã cảm thấy cô đơn từ khi còn ít tuổi và không được ai chỉ dẫn cho biết phương hướng đúng đắn của cuộc sống. Nói một cách khác, họ đã mất ‘gốc’ của mình. Tôi cảm thấy rất buồn vì điều này và hy vọng rằng sẽ không có điều tương tự xảy ra ở Việt Nam. Tôi nhận thấy các giá trị truyền thống ở Việt Nam rất đậm nét và tôi không thể tin rằng chúng sẽ bị đánh mất. Tuy nhiên, thanh niên phải được cho phép mình tự lựa chọn những gì họ thích hoặc không thích. Bị ép buộc sẽ có thể đẩy họ vào những con đường sai lầm!"
Nhưng nghệ sĩ Việt Nam hơi... lười biếng
- Công chúng thưởng thức âm nhạc ở Việt Nam có làm ông hài lòng khi ông ở cương vị của một nhạc trưởng?
"Tất nhiên, cũng như ở nhiều quốc gia khác, số lượng người thực sự yêu thích âm nhạc cổ điển không phải là nhiều, nhưng tại Việt Nam, khá nhiều thanh niên Việt Nam rất thích ra ngoài buổi tối và không bỏ lỡ cơ hội được tới phòng hòa nhạc. Phòng hòa nhạc của Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam có tổ chức những buổi hòa nhạc nhỏ miễn phí hàng tháng tại Cầu Giấy cho những ‘người bạn của nhạc giao hưởng’, và các buổi biểu diễn này luôn có rất đông thính giả trẻ Việt Nam. Nhiều người có thành kiến và không thấy hứng thú với nhạc cổ điển, bởi vì họ nghĩ rằng đây là thứ nhạc nghe mà ‘chẳng hiểu gì cả’. Tôi lại nghĩ âm nhạc là phổ thông, ai cũng có thể thích và thưởng thức mà không cần phải hiểu thế nào là lý luận, thế nào là cấu trúc phức tạp của hệ thống âm nhạc Tây phương. Nhạc trưởng là những người thể hiện âm nhạc mà không phải dùng lời và kiểu thể hiện âm nhạc thế này sẽ ít được thính giả Việt Nam đón nhận hơn là những bài hát. Nhưng phần đông dân chúng ít được tiếp xúc với những con người hay ‘chỉ trỏ’ này và do đó mọi người đã không được hướng dẫn cách nghe nhạc. Tôi tin rằng, chúng ta có thể làm được nhiều hơn nữa để thay đổi. Từ trong phòng hòa nhạc, trong trường học, cho tới TV, hãy đưa vào đó những kiến thức cơ bản đủ để mọi người nhận thức và biết cách ‘mở’ tai mình ra để đón nhận thứ âm nhạc này".
- Theo ông, để nâng cao thẩm mỹ âm nhạc của mọi người, nhất là giới trẻ, cần phải làm gì trong các hoạt động văn hóa, giáo dục?
"Hiện nay ở rất nhiều quốc gia phương Tây - chúng tôi không ngừng mở rộng cơ hội đưa việc thưởng thức âm nhạc cổ điển ra ngoài phòng hòa nhạc hay nhà hát. Các buổi hòa nhạc được tổ chức trong các trường học, công viên và thậm chí cả các trung tâm mua sắm. Nói một cách khác, phải làm cho thứ âm nhạc này ít đi màu sắc quý tộc. Truyền hình là một cách rất hay để sử dụng phương pháp này nhưng thật đáng tiếc, hiện nay, cách truyền hình trình chiếu âm nhạc thật là cổ hủ và tẻ nhạt, không gây hứng thú được cho hầu hết thanh niên. Chúng ta thường xem trên truyền hình những chương trình âm nhạc cổ điển với những ngọn nến đang lung linh, những bông hoa xung quanh sân khấu, ở giữa là những nghệ sĩ ăn mặc thật chỉnh tề đang biểu diễn, phía sau là những bức ảnh hoặc những bộ phim với những cảnh quay tuyệt đẹp của thiên nhiên. Nhạc thính phòng không phải vậy. Âm nhạc thực chất là một cuộc hành trình - một cuộc khám phá của những sự tương phản - cùng là một bản nhạc, nhưng có lúc dữ dội, có lúc mềm mại, có lúc hối hả có lúc chậm rãi, âm nhạc đem tới những tình cảm đối nghịch cho tâm hồn của ta - có lúc làm ta vui, có lúc khiến ta buồn; có lúc ta cảm thấy tức giận - có lúc trong lòng lại tràn ngập lòng vị tha. Tất nhiên không phải chỉ có nhạc cổ điển mới tạo ra được hiệu ứng như vậy mà tất cả các thể loại âm nhạc là như vậy".
- Đã có hai người nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc hàn lâm ở Việt Nam là ông và nhạc trưởng Tetsuji Honna, ông đánh giá ra sao về người bạn đồng nghiệp?
"Tetsuji Honna là một nhạc trưởng chuyên nghiệp của Nhật Bản, một người đã sẵn sàng bỏ nhiều thời gian để thường xuyên tới Việt Nam. Ông đã làm nhạc trưởng cho rất nhiều buổi hòa nhạc tuyệt vời nhiều năm trở lại đây và làm việc rất chuyên nghiệp như ngay tại chính quê nhà. Cung cách làm việc nghiêm túc của ông không phải lúc nào cũng là dễ dàng tại Việt Nam, vì nơi đây lương thấp và hạ tầng cơ sở mới chỉ đang phát triển ở giai đoạn đầu. Trong thế giới âm nhạc phát triển ở nước ngoài, thời gian luôn ngắn ngủi và quý giá, nên các nhạc sĩ cũng phải làm việc nhanh nhẹn và có kỷ luật. Tetsuji Honna cũng đã làm rất nhiều để tăng cường nguồn vốn hổ trợ cho dàn nhạc bằng cách thuyết phục các công ty Nhật Bản tài trợ cho các buổi hòa nhạc. Điều này đã giúp chúng ta có thêm nhiều tác phẩm mới có giá trị và do đó, thu nhập tăng lên. Bây giờ, các nhạc sĩ sẽ phải làm việc vất vả hơn ngày trước rất nhiều".
- Còn các đồng nghiệp khác ở dàn nhạc của ông? Ông đánh giá như thế nào về chuyên môn và hiểu gì về cuộc sống của họ?
"Tôi rất khâm phục các nghệ sĩ Việt Nam vì họ mặc dù ít bị ảnh hưởng bởi nhạc thính phòng của phương Tây nhưng vẫn có thể hiểu được âm nhạc và ‘ý tưởng’ của chúng tôi rất tốt. Đã không có nhiều các buổi hòa nhạc sống của các nghệ sĩ nước ngoài biểu diễn tại Việt Nam. CD các bản thu của nhạc cổ điển rất khó tìm và không được bày bán nhiều. Giấy nhạc và tổng phổ cũng không sẵn bù lại các nhạc sĩ Việt Nam lại có một vốn kiến thức phong phú về các tác phẩm và có thể phân tích các trường phái khác nhau một cách dễ dàng. Hầu hết các nghệ sĩ ở Việt Nam đang sống khá khó khăn, kiếm được ít do lương thấp, phần nhiều cảm thấy một tương lai mờ mịt - nhưng một số vẫn quyết tâm trụ lại với âm nhạc chuyên nghiệp. Tuy vậy, số lượng nhạc sĩ tại Việt Nam khá ít dẫn đến việc cạnh tranh trong âm nhạc không cao, khó có thể tăng được trình độ âm nhạc. Ở phương Tây, một nghệ sĩ muốn làm việc cho một dàn nhạc giao hưởng phải có trình độ khá cao. Việt Nam đã thiếu đi sự cạnh tranh này khiến cho nghệ sĩ Việt Nam hơi lười biếng. Chưa kể trình độ của các nghệ sĩ chơi các loại nhạc cụ khác nhau cũng chênh lệch khá lớn. Có rất nhiều cá nhân xuất sắc ở Việt Nam lại không làm việc cùng nhau. Tôi thất vọng khi cảm thấy sẽ là không thể nếu muốn được tụ tập lại những nghệ sĩ xuất sắc ở Việt Nam để có thể tạo ra một dàn nhạc thực sự cao cấp và chất lượng hơn dàn nhạc chúng ta có hiện nay".
- Là Giám đốc Nghệ thuật của Hội đồng Anh, các ông đã có những hoạt động nào hỗ trợ cho các nghệ sĩ cũng như nghệ thuật của Việt Nam phát triển?
"Câu hỏi này thể hiện một chút hiểu lầm về vai trò của Hội đồng Anh, nơi không phải là một cơ quan gây quỹ, cũng không phải là một tổ chức có khả năng hỗ trợ tài chính cho sự phát triển của nghệ thuật khắp thế giới. Hội đồng Anh có trách nhiệm tăng cường hình ảnh tốt đẹp của nước Anh cho thế giới, mà đối với một số người có thể là mới lạ. Chúng tôi muốn cho mọi người thấy nước Anh là một đất nước tràn đầy sự sáng tạo và con người có rất nhiều ý tưởng mới. Nhưng chúng tôi không chỉ muốn chia sẻ những ý tưởng của chúng tôi mà còn muốn học hỏi từ những dân tộc khác. Điều này mang ý nghĩa trao đổi văn hóa và tôi tin rằng đó là vai trò chính của một tổ chức liên quan tới văn hóa như Hội đồng Anh".
"Các hoạt động chính của chúng tôi tập trung vào người trẻ, giúp họ thêm cơ hội tiếp cận với sáng tạo như âm nhạc, phim ảnh. Ngoài ra có các lĩnh vực khác như thời trang, thiết kế, khiêu vũ… Tôi cũng rất quan tâm trong việc phát triển những nền ‘công nghiệp sáng tạo’ - một nền công nghiệp kinh doanh nghệ thuật hoặc những thứ tương tự, đã mang lại những nguồn lợi nhuận lớn cho nền kinh tế của Anh. Việt Nam cũng có một tiềm năng rất lớn để phát triển những nền công nghiệp này".
Văn hóa truyền thống cũng có thể năng động, thích nghi hơn?
- Ông thấy người trẻ Việt Nam tiếp xúc với những phá cách, những nghệ thuật khác xa so với khuôn vàng thước ngọc truyền thống như thế nào?
"Tôi tin tưởng rằng mọi người có thể thể hiện các hình thức nghệ thuật khác nhau càng nhiều càng tốt và mọi người nên được cho phép tạo cho mình những suy nghĩ về giá trị và chất lượng của những loại hình nghệ thuật mà mình lựa chọn. Nghệ thuật truyền thống Việt Nam được xây dựng trên nền tảng của một truyền thống lịch sử bền vững và do đó tôi không nghĩ rằng chúng sẽ dễ dàng mất đi. Tất nhiên, những người trẻ của cả thế giới này luôn tìm cách khám phá những xu hướng mới, những loại hình giải trí sôi nổi mới. Điều này là bình thường và thậm chí nên được khuyến khích vì chúng sẽ làm cho cuộc sống thêm năng động và luôn luôn phát triển. Hầu hết thanh niên không thích những sự cũ kỹ hoặc truyền thống vì nó mang hơi hướng của một lối sống xa xưa, lối sống mà dường như có vẻ chẳng liên quan gì tới họ cả. Nhưng văn hóa truyền thống cũng có thể năng động và thích nghi với thời đại, và thanh niên cũng nên đón nhận điều này".
- Dường như có một số người đã hơi quá vồ vập mà chưa biết lượng sức mình nên nhiều khi có những show trình diễn đã đội lốt nghệ thuật đương đại?
"Câu hỏi này chính ra là hỏi về bản chất của nghệ thuật và vấn đề rằng ai là người đánh giá nghệ thuật, hay hay thậm chí tuyệt hay, là thế nào? Các nghệ sĩ có quyền bộc lộ mình bằng bất kỳ hình thức nào nếu như cái cách họ biểu diễn không làm ảnh hưởng tới người khác. Và các tác phẩm của họ được coi là hay hay không thì sẽ phụ thuộc vào những nguời sẽ thưởng thức chúng - quần chúng, các nghệ sĩ và các chuyên gia. Với hầu hết các nghệ sĩ, sẽ là cần thiết nên được học hỏi từ các ví dụ của các nghệ sĩ khác hoạt động trong cùng lĩnh vực của mình - bao gồm cả các ví dụ từ các nghệ sĩ quốc tế - bằng cách thông qua TV, phim ảnh, các bản thu và quan trọng nhất là từ các buổi biểu diễn trực tiếp. Chính vì vậy, các chương trình nghệ thuật của các tổ chức như Hội đồng Anh là rất quan trọng ở Việt Nam, vì các bạn còn thiếu các trung tâm nghệ thuật thương mại hoặc cộng đồng, là những trung tâm thường xuyên để tổ chức các buổi biểu diễn hoặc trưng bày nghệ thuật".
- Có tham vọng nào của riêng ông với nghệ thuật ở Việt Nam không?
"Tôi hy vọng rằng Nghệ thuật nói chung ở Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, khán thính giả sẽ ngày càng nhiều hơn, và nền công nghiệp sáng tạo, như thu âm, xuất bản, quản lý sự kiện, thiết kế sẽ ngày càng được coi trọng và nhiều người đủ sống bằng lao động nghệ thuật của mình. Sự phát triển thành công của nghệ thuật Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống giáo dục và đào tạo nơi đây. Chúng ta cần thu hút nhiều người hơn nữa để họ muốn được làm việc trong môi trường nghệ thuật như thiết kế, âm nhạc, biểu diễn... Chỉ khi nào kích thích được sự cạnh tranh trong việc đào tạo ra một số lượng lớn hơn những nghệ sĩ có trình độ cao thì mới có thể tăng cường được trình độ của các tổ chức nghệ thuật khác nhau ở Việt Nam. Cần một cơ sở hạ tầng tốt với nhiều nhà hát, rạp chiếu bóng và phòng hòa nhạc hơn nữa, các triển lãm và các thư viện cũng phải tử tế hơn. Tôi tin rằng tương lai như vậy sẽ sớm đến với Việt Nam hơn là các nước đang phát triển khác vì họ chỉ tập trung nhiều vào phát triển kinh tế cho đất nước của mình. Đã mất nhiều năm họ mới hiểu ra rằng, việc phát triển nghệ thuật cũng là một sự phát triển tinh thần quan trọng không chỉ cho người dân mình mà còn để thu hút khách du lịch. Việt Nam thì khác, vì nghệ thuật và văn hóa ngay từ đầu đã là một phần quan trọng của cuộc sống của người dân mà không nhất thiết phải thuyết phục chính phủ phải đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực này".
- Điều gì làm ông thất vọng nhất khi tiếp xúc với các nghệ sĩ Việt Nam?
"Thật đáng tiếc, Việt Nam cũng giống như rất nhiều quốc gia đang phát triển khác, tham nhũng lan tràn trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, và nghệ thuật cũng không phải là ngoại lệ. Điều tôi thất vọng nhất đó là khi tiếp xúc với những người có chức vị cao nhưng đã sử dụng quyền lực của mình để trục lợi cá nhân - vừa để nâng cao chức vụ vừa vì mục đích tài chính. Những con người đó không hề quan tâm tới nghệ thuật mà chỉ muốn có lợi ích cá nhân và khai thác nguồn thu nhập đã vốn ít ỏi của các văn nghệ sĩ".
- Và những phẩm chất mà ông tin là các nghệ sĩ nước khác không thể có?
"Tôi nhận thấy sự cở mở của các nghệ sĩ Việt Nam trong việc muốn thử sức với mọi thứ, muốn được thử nghiệm nhiều loại hình, định huớng và xu hướng nghệ thuật khác nhau. Rất nhiều thứ mới chỉ được thử nghiệm lần đầu tiên, và do đó khi một cuộc trưng bày hay một buổi biểu diễn thành công thì giá trị của người nghệ sĩ sẽ được đánh giá thật lòng. Tôi nghĩ rằng điều này đã bị đánh mất ở rất nhiều các quốc gia khác, những nơi mà biểu diễn đã trở thành bình thường và được thưởng thức như một thói quen. Thậm chí tại những nước khác, chất lượng của các tác phẩm rất cao, nhưng con người có lúc lại ít khi nhận ra".
- Cảm ơn ông.