NNghệ sĩ nhiếp ảnh Duy Anh sống tại Tiền Giang - là phóng viên báo Ấp Bắc. Tính đến nay (năm 2006), anh đã dành được 158 giải thưởng ảnh trong và ngoài nước - hai bằng khen của Thủ tướng (trong đó có một bằng khen khi anh quên mình cứu 3 em nhỏ chết đuối ở Lâm Hà - Lâm Đồng năm 1997). 1 bằng khen TƯ Đoàn, 2 bằng khen Bộ VHTT về các thành tích trong lĩnh vực nhiếp ảnh, có ảnh đoạt giải và treo tại các triển lãm quốc tế như Úc, Áo, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Hàn Quốc, Nhật... 3 lần đoạt giải thưởng ảnh báo chí quốc gia.
***
Hơn 1700 đám cưới được chụp ở nghĩa trang liệt sĩ!
Là nghệ sĩ nhiếp ảnh có nhiều giải thưởng nhiếp ảnh nhất Việt Nam, nhưng nhắc đến công việc hiện tại là chụp ảnh cưới, trong đôi mắt của "gã Bắc kỳ tinh ranh" vẫn ánh lên sự đam mê thật lòng. Có lẽ ảnh cưới với anh không chỉ đơn giản là cái nghiệp để kiếm sống. NSNA Duy Anh đã từng lên chương trình những kỷ lục Việt Nam vì góp phần làm cho nghĩa trang liệt sĩ ở Tiền Giang trở thành nghĩa trang có nhiều đám cưới chụp hình ở đây nhất!
- Anh có duyên với đám cưới quá. Anh có nhớ đã chụp bao nhiêu hình cưới cho người ta rồi không?
"Tôi vẫn thích lưu giữ những cuốn lịch ghi thời gian nhận chụp ảnh cho đám cưới của mọi người làm kỷ niệm. Gia tài ấy là hơn 1700 đám cưới với khoảng 100.000 ảnh".
- Có cô dâu chú rể nào làm anh nhớ mãi?
"Cô dâu chú rể gây ấn tượng nhất là vợ chồng Vũ Hải Sơn bạn của tôi. Khi đó họ chưa lấy nhau, nhưng vì vụ chụp ảnh ở nghĩa trang mà họ lấy nhau sớm hơn. Cô dâu tận Hà Nội, chú rể ở Sài Gòn, tôi dụ về Tiền Giang chụp ảnh cưới. Mà ảnh đó (bức ảnh ‘Ôm cả trời mây’ - giải nhất cuộc thi ‘Ấn tượng ngày cưới’ năm 2001). Họ quyết định cưới luôn. Tại được cái giải, lỡ ai cũng biết rồi, giải thưởng lại là chuyến đi Thái Lan, mà chưa cưới làm sao đi Thái Lan? Thế nên phải kết hôn nhanh. Mà họ rất hạnh phúc".
"Có đám cưới tôi nhớ, cô gái mù lấy anh người Pháp. Anh ta là Hải quan mà thích đi làm từ thiện, đi theo đoàn bác sĩ khám mắt miễn phí. Gặp cô gái mù, anh ta thương, muốn cưới cô gái đưa về Pháp chữa trị. Chụp ảnh cưới cho họ mà tôi ái ngại ghê lắm vì cô ấy không nhìn thấy gì, cứ phải dắt đi. Thế mà họ yêu nhau thật đã sinh 2 đứa con và người chồng vô cùng thương yêu vợ. Kỷ niệm 10 năm ngày cưới, hai người về Việt Nam, có mời tôi đến nhà ăn mừng".
"Có đám cưới tôi đã tặng không toàn bộ ảnh. Vì một lý do, 20 năm trước tôi chụp ảnh cưới cho mẹ không thật ưng ý, nhưng họ thương tôi mới vào nghề, họ vẫn nhận ảnh mà không bắt đền. 20 năm sau con họ cưới, họ vẫn mời tôi chụp".
- Chụp ảnh cưới khó nhất là cái gì?
"Ngoài việc biết ‘chộp’ những khoảnh khắc quyết định và độ ‘cứng’ của tay nghề thì khó nhất có lẽ là ánh sáng và sự đồng cảm với người mình chụp. Ngày trẻ tôi là một quản trò kiêm MC cũng có hạng nên có khiếu làm quen ‘dâu, rể’ rất nhanh, đôi khi một lời khen tinh tế thêm chút hài hước sẽ làm cho họ tự tin vui vẻ, quên đi sự có mặt của tôi - anh chàng nhiếp ảnh và quên cả... tiếc tiền!"
- Anh toàn đưa cô dâu chú rể vào nghĩa trang chụp ảnh? Lý do gì vậy?
"Nghĩa trang liệt sĩ Tiền Giang ở nơi tôi sống có không gian rộng lớn, đẹp nhất tỉnh với những con đường, hàng cây, bãi cỏ, mây trời, hoa lá... không chỉ có người Tiền Giang mà có cả Bến Tre, Gò Công, Vĩnh Long, Long An cũng đến chụp ảnh cưới. Nhưng thực ra không chỉ có cảnh đẹp, mọi người hay nói ở nơi đây rất thiêng, có đến hơn 6 ngàn liệt sĩ phù hộ. Tôi đã dõi theo tìm hiểu những đôi tôi chụp hình cưới, họ đều vuông tròn, hạnh phúc, con cái khỏe mạnh. Tôi có cảm giác, ‘sự giao hòa giữa những cái chết bất tử và những hạnh phúc bắt đầu’ là có thực. Mà không chỉ có ảnh cưới, tại nghĩa trang này cũng đã cho tôi 29 giải thưởng nhiếp ảnh (6 giải quốc tế). Có một ảnh cưới đoạt giải nhất cuộc thi ‘Ấn tượng ngày cưới’ Việt Nam năm 2001. Giá trị giải thưởng là 2000 đô la Mỹ, một huy chương vàng Ashahi Shimbun từ Nhật. Năm nào cũng vậy, cứ ngày đầu năm mới, tôi và các con lại đến nghĩa trang thắp hương cho tất cả các ngôi mộ ở đây..."
- Anh có bí quyết gì để họ ưng ý với những bức hình anh chụp?
"Phải đắm đuối với nó, phải biết ‘dám’ ứng dụng ánh sáng để tìm được nghệ thuật, ‘dám’ tạo những bố cục lạ, nhưng vẫn phải cố tìm bắt những khoảnh khắc tự nhiên. Có khi dựng cái này mà chụp cái kia, sự bất ngờ làm cho ‘dâu rể’ tự nhiên, sống động và rất đời".
- Khi chụp hình cho đám cưới, có bao giờ linh cảm cho anh thấy đây là đôi hạnh phúc dài lâu, đây là đôi khó mà... lâu bền được?
"Có chứ, tôi còn là nhà báo mà. Nên quan sát là thói quen rồi. Lâu ngày cũng tích lũy được nhiều nên cảm nhận ít... trật. Nhìn ánh mắt, tay trong tay, chăm sóc cho nhau là biết ngay. Cuộc sống quá đa dạng mà với hơn 1700 cặp tôi đã chụp, tôi vô tình là một chứng nhân. Nhiều đôi chênh nhau, về tuổi tác, về ngoại hình... Cũng có đôi kết hôn vì ‘môn đăng, hộ đối’ có đôi vì mục đích rõ ràng là thích xuất cảnh... nhưng khi chụp mình vẫn tạo cho họ vui vẻ nhất để ghi lại khoảnh khắc".
"Đúng là người ta hay tìm cái mình không có. Bao năm chụp ảnh cưới đã cho tôi cái chiêm nghiệm thú vị. Y như rằng những cô dâu mạnh mẽ, có cá tính, dạn dĩ thường phù hợp với chú rể thư sinh, nhẹ nhàng lại thường đẹp trai, đôi khi kỹ tính. Tôi gọi đó là sự ‘bù đắp’ rất công bằng của cuộc sống. Nhưng mà sau đó thấy họ rất hạnh phúc, rất hợp nhau. Tuy nhiên làm nghề này cũng phải có một nguyên tắc là tuyệt đối tôn trọng sự riêng tư, không thì chẳng ai muốn tìm đến mình nữa".
Ảnh nghệ thuật cho tôi danh, nhưng ảnh cưới cho tôi tiền!
Khi NSNA Duy Anh ra cuốn sách kỷ niệm 100 giải thưởng ảnh, phần lời viết trong đó là những ghi chép rất xúc động, anh không giấu nghề, anh kể chân thành về cách mình thực hiện thành công một tác phẩm, không giấu ngay cả những ‘tiểu xảo’ riêng biệt. Và anh viết về những nhân vật trong các bức ảnh của anh bằng sự tri ân đầy tình nghĩa. Có những tác phẩm người nghệ sĩ này đã đợi thật ‘chín’ khoảnh khắc mới bấm máy, cũng không hiếm những bức là cơ may... Nhưng cơ may cũng chỉ có bằng sự lao động kiên trì hiếm ai theo được...
- Người phụ nữ trong ảnh của anh dù già hay trẻ đều rất dễ lấy được thiện cảm thậm chí nước mắt của người xem ảnh. Còn khi anh chụp họ?
"Tôi có duyên được gặp những người phụ nữ và những bà mẹ đã trải qua những vất vả, thăng trầm của cuộc sống, của chiến tranh. Chụp xong đã trở thành thân thiết. Lễ Tết, giỗ chạp tôi đều về như một đứa con xa nhà. Đi công tác bao giờ cũng ghé qua. Và có khi cũng lao đao theo câu chuyện đời đã trải, những buồn vui nhân vật trong ảnh của tôi đi qua..."
- Và những người phụ nữ trong cuộc đời anh thì sao?
"Hiện tại có đến 4 người phụ nữ luôn bên tôi, yêu thương tôi là vợ và 3 con gái của tôi. Chắc không phải vì tôi là người đàn ông duy nhất trong nhà". (cười)
- Anh đã từng được mệnh danh là một tay săn giải. Có một "cuộc săn" nào mà anh không thể quên?
"Giải thưởng chỉ là duyên may. Năm 1977, tôi về dạy học ở trường trung học Tân Hiệp - một thị trấn nhỏ ở Tiền Giang. Cuộc sống đầy khó khăn, tôi đi chụp ảnh dạo, buôn sách, buôn gạo, dạy cả chụp ảnh để ngược xuôi kiếm sống. Dè đâu mà mê ảnh, đã nghèo càng nghèo thêm. Thế nên từ ngày ấy, tôi đã hay để ý đến những cuộc thi có... nhiều tiền. Tôi nhớ cuộc thi ảnh ‘Chúng mình và kem conecto’, tôi và vợ chở cả thùng kem đi mời bà con ăn rồi chụp ảnh. Cuộc thi ấy tôi lãnh một giải nhất, một giải ba, 5 giải khuyến khích. Ngày phát giải, tôi dắt chiếc xe Viva (trị giá 7 lượng vàng năm 1993) mới toanh về nhà mà cứ ngẩn ngơ. Cả một gia tài của gia đình tôi khi đó".
- Mấy năm gần đây, chuyện các NSNA Việt Nam đoạt giải thưởng quốc tế không còn mới nữa. Có người với một bức ảnh mà đoạt đến hàng chục giải vì họ gửi hết cuộc thi này đến cuộc thi khác (miễn là trong quy định không yêu cầu bức ảnh chỉ dự một cuộc thi và chưa công bố). Là nhà báo, anh nhận định nhiếp ảnh Việt Nam, theo anh đang phát triển như thế nào?
"Nhưng theo tôi, dù có chuyện này chuyện khác thì cũng không thể phủ nhận nhiếp ảnh Việt Nam phát triển tốt và hòa nhập thế giới nhanh nhất so với những ngành nghệ thuật khác. Nhiều tác phẩm của người Việt Nam đã đứng đầu các cuộc thi lớn ở châu Âu, thế giới. Các nghệ sĩ đã rất cố gắng..."
"Còn về nhiếp ảnh dịch vụ, ở Việt Nam cũng phát triển tương xứng. Tôi thấy có rất nhiều Việt kiều đã về Việt Nam để chụp album cưới, chụp album kỷ niệm gia đình vì chất lượng nghệ thuật cao, giá lại rất mềm... Tôi đam mê nghệ thuật nhưng công bằng lắm. Vì ảnh nghệ thuật cho tôi danh nhưng ảnh cưới lại cho tôi tiền".
Nếu không có nhiếp ảnh, chắc tôi... Không biết làm gì!
Người ta sống trên đời này có lẽ cần nhất là sự đam mê. Dám đam mê và sống với đam mê của mình để dấn thân đến cùng, đó không chỉ là một cách sống, đó là thái độ sống. Đã gần 30 năm NSNA Duy Anh gắn bó với nhiếp ảnh, chẳng có ý nghĩ sẽ dừng lại ở đâu. Nếu nhiếp ảnh với giải thưởng và nhân vật có bỏ anh mà đi thì anh cũng chọn công việc là ‘đi dạy chụp ảnh’. Với anh chắc chắn nhiếp ảnh đã trở thành một phần máu thịt.
- Vợ anh - chị Ngọc Minh - cũng sát cánh bên anh. Có bao giờ anh thấy nghiệp cầm máy cũng vất vả lắm nhất là với phụ nữ không?
"Lúc đầu cho bà xã chơi ảnh để biết cái ‘thú đau thương’ của nghề săn ảnh, cũng thức sớm, cũng trèo đèo, lội suối không thua đi cày, đi cấy. Dè đâu bà xã tôi cũng mê luôn. Nhờ đó mà tôi có thêm một phụ tá đắc lực nhất là khi chụp hình cho đám cưới. Nhưng các con gái của tôi thì tôi không muốn! Cực lắm!"
- Anh sẽ làm gì? Nếu không chụp ảnh nữa?
"Khó mà hình dung. Chắc có lẽ tôi vẫn là một thầy giáo với trọn niềm đam mê nghề nghiệp. Tôi vẫn dạy nhiều học trò lắm, nhưng mà là dạy chụp ảnh. Họ học tôi con số cũng đến vài trăm người. Ngay nhà tôi bây giờ cũng có gần 10 em sống và học tại nhà. Tôi chưa từ chối ai đến xin học nghề. Mình đi lên cũng từ anh thợ chụp dạo, mình muốn cơ hội dành cho tất cả mọi người, nhất là những người có hoàn cảnh ban đầu giống tôi".
- Anh có nhà ở thành phố Hồ Chí Minh sao anh lại chọn cuộc sống cùng vợ con ở quê xa là Tiền Giang? Có phải "Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn người đến chốn lao xao?"
"Tôi sinh ra, lớn lên ở Sài Gòn nhưng về Tiền Giang dạy học đã quen dần với cái không khí êm đềm của tỉnh lẻ. Nhiều khi nghĩ cái tạng mình nó vậy. Gắn bó đã 30 năm rồi, không muốn đi đâu. Nhưng nói vậy chứ tỉnh lẻ đôi lúc cũng không êm đềm lắm đâu, cũng sóng gió dữ lắm, ‘lao xao’ dữ lắm". (cười lớn)
- Khi thất bại trong một cuộc thi ảnh, xem ảnh đoạt giải, cảm giác của anh như thế nào?
"Được nhiều hơn mất. Có mất là mất thời gian. Tôi nhờ chụp ảnh mà được như hôm nay với 158 giải thưởng ảnh trong và ngoài nước. Có bao nhiêu người quen, thân. Ra ngõ là phải chào. Có những đám cưới 20 năm trước chụp mẹ, 20 năm sau là đám cưới con gái. Tôi hầu như không bỏ sót cuộc thi nào. Rớt cũng không ít đâu. Mỗi lần thế cũng đau, rồi đi ‘lượm xác chết’ (nghĩa là đi nhặt những ảnh mà mình dự thi mà bị loại) mang đi thi cuộc khác hoặc rút kinh nghiệm".
- Nghe nói Bộ Văn hóa - Thông tin có đề nghị anh làm hồ sơ để tặng Huân chương lao động hạng 3 cho những cống hiến của anh đối với sự nghiệp nhiếp ảnh và báo chí. Tại sao đến giờ vẫn chưa thấy?
"Tôi làm việc tại báo và tham gia công tác Hội tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Các anh chị ở Bộ cũng điện thoại liên tục giục tôi hoàn thành hồ sơ vì những thành tích của tôi trong nhiếp ảnh. Nhưng ở báo thì nói không biết về những thành tích đó, nói tôi sang Hội, ở Hội lại nói không biết, nói tôi sang báo. Riết rồi mình cũng nản. Dù không hiểu lòng người..."
- Anh định nghĩa thế nào là hạnh phúc - hiện tại - với anh?
"Tôi hạnh phúc. Công việc là đam mê. Cuộc sống vợ chồng cũng là đam mê. Nghề nghiệp khiến mình hay đi xa. Vợ thông cảm mấy cũng có khi cằn nhằn. Hai vợ chồng lại có những sở thích khác nhau. Vợ tôi mê mắm, mỗi khi ăn tôi thường ra cửa ngồi. Nên chỉ khi chồng đi vắng vợ tôi mới bày chuyện ăn mắm với gia đình. Nhưng đi xa, điện thoại về hỏi thăm, thấy muốn ‘tán’ vợ ghê. Mà thường ngày ở nhà ra đụng vào chạm lại không hay nói thế".
- Một câu hỏi cuối: Nhiếp ảnh cho anh được gì và mất gì?
"Nếu không có nhiếp ảnh chắc tôi không biết làm gì!"
- Cảm ơn anh.