Họa sĩ bây giờ khác, hay nên nói hội họa Việt Nam nhiều khái niệm và chuẩn mực phải thay đổi khi có tên Lê Thiết Cương? Học dở dang, (còn nhiều thứ dở dang không tiện nói), ngang tàng đã được viết thành sách, không tự xưng là curator như nhiều người nhưng lại sẵn sàng làm các triển lãm phi lợi nhuận (nghe gã nói vậy) cho nhiều người trẻ, bán tranh đắt khiếp hồn nhưng gặp bạn quý là tặng không... Lê Thiết Cương vừa làm người ta khó chịu, vừa làm người ta tò mò!
***
Nghệ thuật là phù phiếm
Ngôi nhà 39 Lý Quốc Sư không xa lạ với những người "biết" nghệ thuật ở Hà Nội. Giống với chủ nhân, có nhiều người muốn đến, có nhiều người sẽ ghét cay ghét đắng và chắc chắn "chẳng thèm" một lần đặt chân vào. Lê Thiết Cương đã một lần viết truyện ngắn về một ngôi nhà xưa, để nhà văn Nguyễn Quang Thiều (một khách quen) ám ảnh rằng đó chính là ngôi nhà số 39 ấy. Để tôi mỗi lần ngang qua hiên phố cũng cảm giác bóng dáng đâu đây một thiếu phụ sau nhiều khúc quanh, ngõ khuất của cuộc đời đôi khi chỉ thèm về nhìn ngôi nhà một lần trong im lặng.
Dòng dõi một gia đình tư sản Hà Nội gốc, sau năm 1954, tất cả nhà xưởng của gia đình Lê Thiết Cương đều bị công tư hợp doanh. Lịch sử là thế, hoàn cảnh phần nào như trong phim "Mùa ổi" của đạo diễn Đặng Nhật Minh chiếu ngoài rạp cách đây vài năm. Nhưng cái gốc, giống người Bắc hay nói "con giòng, cháu giống" thì cũng còn lại mấy điều đến giờ. Như gã họa sĩ này tự trào rằng: "Khó tả, khó nhìn thấy và chưa chắc đã có giá trị gì!". Đó là những cái thú chơi đặc trưng dân kinh kỳ, kẻ chợ, nhất là chơi đồ xưa cũ...
Lê Thiết Cương còn trẻ lắm, ăn to nói lớn nhưng gã lại rất kỹ tính, với một chút lém lỉnh tinh ranh "kiểu Bắc kỳ", một chút hài hước, ngạo nghễ kiểu "sĩ phu Bắc Hà". Và nữa là những phẩm chất không hiếm ở nghệ sĩ: chút xíu hão huyền, tí ti ảo tưởng, thỉnh thoảng phù phiếm, không thể thiếu một chút rượu chè và một chút vô dụng! Nhưng dường như những cái "tí ti thôi nhé" đó cộng lại thì đủ để làm nghệ thuật. Bởi gã đã mạnh miệng tuyên bố "Nghệ thuật là phù phiếm!"
Câu chuyện sau có thể là ví dụ cho nhận định trên. Cách đây vài tháng, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nhờ Lê Thiết Cương minh họa truyện ngắn "Ông Móng" của ông để đưa vào tuyển tập. Chuyện kể một làng có nghề truyền thống là nghề buôn phân ở Hà Nội. Lê Thiết Cương rất thích truyện này, thích nhất là câu tỏ tình (hoặc thề thốt) của ông Móng với cô bồ: "Nếu tôi không chung thủy với em thì suốt đời tôi đi hót c…!" Gã bỏ ra cả tuần, miệt mài vẽ được mươi cái minh họa nhưng đều không ưng ý nên lại xé đi và đành xin khất với nhà văn để dịp khác. Phù phiếm thế đấy.
Hội chứng "vô học" mắc phải!
Học dở dang ở trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, hậu vận của một gã học sinh hay bị đuổi học thời ấy hóa ra lại phát, bây giờ ai mà không biết họa sĩ danh tiếng Lê Thiết Cương? Cái nghĩa lớn của người quân tử là không quên thuở hàn vi. Có phải vì thế nên sau này, sự tự hào quá đỗi của gã họa sĩ rằng tôi "toàn bị đuổi học" của Lê Thiết Cương cùng một số văn nghệ sĩ khác đã tạo ra một trào lưu giống hội chứng "vô học" mắc phải. Chị bạn tôi bên VTV cũng có lần kể, ngày xưa đi học, toàn thấy gã lang thang ở hành lang lớp học vì bị thầy đuổi ra khỏi lớp… Lý do cũng nhiều, cũng có khi kỳ dị như kiểu vì thầy không chịu được thái độ của gã, hoặc những thứ gã vẽ, gã viết và gã phát ngôn là những thứ không ai muốn hiểu.
Thời thế tạo anh hùng hay anh hùng làm nên thời thế? Trong cái case của Lê Thiết Cương thật khó nói, nhưng gã là thế, chắc chắn là biết điều mình làm, biết cái mình muốn và có nông nổi thì cũng tính toán chán rồi. Thì tôi cứ tin vào cảm nhận của mình. Bởi vì Lê Thiết Cương không nghèo. Chơi cái gì cũng chơi đến nơi đến chốn. Có lần gã đã nói thẳng vào mặt tôi trong một lần phỏng vấn: "Cô đừng nghĩ là họa sĩ hay nghệ sĩ phải nhếch nhác, phải lôi thôi. Hay ít ra là tôi không thế! Tôi thích dùng đồ hiệu, tôi thích sự sang trọng và sạch sẽ. Không có nghĩa vì thế mà tôi thiếu sáng tạo, tôi thiếu cá tính. Sự sáng tạo và cá tính đâu nằm ở vẻ bề ngoài như phụ nữ các cô vẫn hay đánh đồng làm một?"
Cũng có khi thấy gã phẫn nộ, vì vấn nạn tranh chép, tranh nhái công khai ở các con phố lớn giữa TP. Hồ Chí Minh hay thủ đô Hà Nội. Tranh của gã thì đắt thế, tên của gã thì sang… Tôi bỗng tò mò:
- Tranh của anh có bị chép, bị nhái chưa? Vì có lần tôi đọc một bài viết của anh đầy phẫn nộ với vấn nạn tranh giả?
"Tranh của tôi không bị chép, chỉ bị nhái thôi. Vì tranh tôi có bán chạy đâu mà họ chép. Ấy là chưa kể tôi chủ trương lối vẽ dễ, chính thế mà lại gây hoang mang, rất khó chép. Người xem nếu có thích tranh tôi thì không phải vì kỹ thuật mà chính là sự biểu cảm của nó. Tôi phẫn nộ với tranh giả vì tôi thấy những cửa hàng chép tranh tọa lạc ở mặt tiền phố lớn, giữa thanh thiên bạch nhật (ví dụ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ở TP. Hồ Chí Minh hay phố Nguyễn Thái Học, Hàng Trống ở Hà Nội) nhưng có vẻ như mọi người đều vô cảm với hành động ăn cắp này".
Thương hiệu Lê Thiết Cương
Quan trọng nhất với một nghệ sĩ là gì? Theo tôi, đó chính là người ta nhận ra anh. Anh không lẫn vào ai hết, anh tồn tại độc lập và sáng bằng ánh sáng của chính những tác phẩm mình sáng tạo nên. Lê Thiết Cương là một nghệ sĩ như vậy. Nhưng thương hiệu của Lê Thiết Cương thì còn phải đặt thêm dấu cộng vào nhiều lần nữa. Giống cái cảm giác đối thoại với gã cứ phải nghiêng người như đang né tránh. Vì ngôn ngữ của gã có thể bất thần phun ra ào ạt, không cáu mà như cáu kỉnh, và đừng mong dễ nghe. Làm triển lãm ảnh "Răng và tóc", gã tuyên bố vì trước đến nay không có ảnh ra ảnh nên làm cho biết.
Tự nhận tranh của mình không khó vẽ, thậm chí là đơn giản như gã đã từng làm triển lãm có cái tên y hệt một tuyên ngôn "Như không". Những bức tranh theo trường phái Minimalism (tối thiểu hóa trong cách thể hiện), rất ít đường nét và càng ít màu sắc. Pha những màu tươi nhưng nhẹ, thật nhẹ để những bức tranh phảng phất sự hư không. Những người tìm kiếm sự cầu kỳ sẽ hoang mang. Những người đơn giản cũng hoang mang. Cũng chẳng phải lỗi của gã họa sĩ không thích nói về tác phẩm của mình mà thích nói nhảm về những thứ khác. Cũng chẳng phải lỗi của những cảm giác quen tìm kiếm sự hàn lâm. Bởi những bức tranh trong triển lãm "Như không" của Lê Thiết Cương còn hơn cả một sự đơn giản. Đọng lại là những biểu cảm lặng lẽ, đánh thức rất khẽ những cảm nhận về cái đẹp hơi mong manh, như người ta bất chợt nhận ra mùi của một cơn gió hay một làn khói. Có thể có mà có thể chẳng bao giờ có, chẳng bao giờ thấy. Nhưng đó là "Như không", là gã, là Lê Thiết Cương hôm nay, cũng lạ thế, đừng mong gã thế mãi. Gã cũng bất trắc, cũng khó lường và cảm hứng như một đứa trẻ con vậy.
- Anh là một thương hiệu với đầy đủ phẩm chất của một thương hiệu. Còn để tự hình dung về mình, ra sao?
"Tôi hả, chắc chắn là một người biết vẽ (xấu đẹp chưa bàn), biết nói, biết viết (về tranh), biết bán tranh, biết tặng tranh cho mấy người bạn bè văn nghệ. Nào là Trần Huy Hoan (3 tranh), Trần Hậu Tuấn, Phan Đan, Dương Minh Long (2 tranh), Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Thị Thu Huệ (1 tranh). Đã lâu rồi chẳng hiểu cô Huệ còn giữ hay không? Nguyễn Quang Thiều, Trịnh Hoàng Diệu, Phú Quang... cũng có tranh tôi tặng. Tôi định khi nào đến sinh nhật 60 tuổi thì sẽ làm một triển lãm những tranh mà mình đã tặng. Tặng thế cũng chưa đủ nhưng cũng hết người để tặng. Tặng tác giả ‘Nỗi buồn chiến tranh’ nhưng anh ấy nhát, không dám nhận. Mà cô biết thế cũng là biết hơi nhiều rồi đấy".
Phở cũng có dăm bảy đường phở!
Tôi hay nhớ đến một câu thơ của Tagore, "Con đom đóm nói với một ngôi sao, có một nhà hiền triết bảo rằng, đến một ngày anh không còn sáng nữa. Ngôi sao không thèm trả lời!" Và lẩn thẩn nghĩ có khi Lê Thiết Cương cũng có tâm thế ấy. Gã chẳng điên để nghĩ mình là ngôi sao nhưng chắc chắn gã có phẩm chất của một ngôi sao như thế. Nghĩa là mặc kệ thiên hạ đàm tiếu, gã sống theo cách mình muốn, quan tâm đến người khác theo cách riêng của mình và nếu có ai dèm pha, nghi kị về tài năng cũng như đạo đức đừng hòng mong một phản hồi từ gã. Một lần khác, gã cũng thẳng thừng phát ngôn bằng một thứ ngôn ngữ rất "nói": "Nói thế này cho nó nhanh nhé, nhiều người có tên thì không biết vẽ và nhiều người biết vẽ thì chưa có tên đâu!"
- Có một hiện tượng nhé, là các họa sĩ bây giờ bỏ giá vẽ và cọ đi làm nghệ thuật sắp đặt, trình diễn hoặc các hình thức khác nhiều quá… mà nhiều người trong số họ hình như còn chưa bao giờ có một bức tranh ra hồn?
"Đừng thiển cận như vậy. Không cứ vẽ được tranh là có thể làm được nghệ thuật mới (sắp đặt, trình diễn...) Không cứ phải vẽ tranh đã rồi mới được làm nghệ thuật mới. Mỗi một loại hình nghệ thuật đều có một sức mạnh biểu đạt riêng và đấy là lý do về sự tồn tại của nó. Chỉ có điều, hội họa giá vẽ thì không nhất thiết phải có ý tưởng. Bức tranh vẽ đôi giày của Van Gogh là ví dụ. Nhưng nghệ thuật mới thì mỗi một tác phẩm đều bắt buộc phải có ý tưởng. Mà đấy lại là điều chưa mạnh của phần lớn các người làm nghệ thuật mới ở Việt Nam".
- Hội họa trên thế giới thường gặp vấn đề gì nhất với mỗi một trào lưu? Có phải là sự phủ định hoặc tiếp nối? Và với Lê Thiết Cương, với mỗi thay đổi, là gì?
"Tất cả các trào lưu nghệ thuật trên thế giới đều khởi đầu và kết thúc ở phạm trù hình thức. Đó là sự tiếp nối. Ấn tượng hay ở hòa sắc, lập thể hay ở tạo hình. Trừu tượng hay ở không hình. Ai cũng biết trong nghệ thuật thì cách kể, cách vẽ, cách nặn, cách hát quan trọng hơn kể, vẽ, nặn, hát cái gì. Mỗi một trào lưu đều đã cách tân được một yếu tố nào đó. Đó là sự tiếp nối. Không cứ phải phủ định nhau làm gì, thập loại chúng sinh, thập loại nhu cầu. Phở cũng có dăm 3 đường phở huống hồ..."
Muốn chơi cũng phải học!
- Một nhà sưu tập tranh khác với một nhà buôn tranh như thế nào?
"Nhà sưu tập tranh mua theo ý thích của mình, nhà buôn thì mua theo ý thích của khách hàng của họ".
- Anh muốn định hướng người xem tranh, người thưởng thức các tác phẩm của anh theo cách nào? Cá tính của anh, làm những gì anh thích hay sẽ lựa chọn cách đi chậm hơn, bắt đầu từ những thứ dễ dụ nhất?
"Tôi muốn người xem tranh của tôi thấy được giá trị của yên tĩnh, của ít lời, của tối giản, của trống trải, của có không, không có, của không làm gì, không nghĩ gì, của vu vơ, của mong manh. Tôi cố gắng chỉ làm những điều mình thích, tất nhiên rất khó. Thường thì vẫn phải thỏa hiệp, chiều người này, chiều người kia, vì lý do này lý do khác. Không thế thì làm sao sống được. Hội họa có chuẩn mực, nhưng cái chuẩn đó thay đổi theo thời gian hoặc nói cách khác là có nhiều cái chuẩn. Cái thước đo hội họa Phục Hưng khác với cái thước đo hội họa hôm nay. Cách xem hội họa Hiện thực Pháp khác với cách xem tranh của G.Baselitz, của K. Haring lại càng khác với cách xem tác phẩm của Damien Hirst".
***
Ngoài những triển lãm cho riêng mình, Lê Thiết Cương luôn không ngần ngại dành không gian 39 Lý Quốc Sư cho bạn bè, cho những người trẻ, cho không chỉ tranh mà cả ảnh, cả âm nhạc, âm thanh và nhiều loại hình nghệ thuật khác được phô bày ở đây. Người ta bảo "nghề chơi cũng lắm công phu" còn ở đây, gã họa sĩ này thì phải nói là "tay chơi cũng lắm công phu"! Thế nên người ta không bất ngờ khi "ả đào" Phạm Thị Huệ cũng có một đêm ca trù gọi là lễ "mở xiêm y" ở số 39 này. Gallery của Lê Thiết Cương rộng lòng với quá nhiều người, chắc vậy!
- Khi chọn các tác phẩm cho gallery hay một triển lãm của mình, anh quan tâm đến điều gì đầu tiên? Vì anh thích nó, vì nó đang nổi tiếng hay vì anh biết nó có tác động đến cộng đồng anh đang sống?
"Cho triển lãm của mình, tôi chỉ đi theo một tiêu chí, nó phải khác với triển lãm trước đó. Mỗi lần triển lãm giống như một nhánh rẽ từ cái trục duy nhất là hội họa tối thiểu. Còn chọn tranh của người khác thì tôi cũng chỉ chú ý đến cái khác thôi. Có một chút mơi mới, một chút khang khác là được rồi. Tôi ủng hộ những điều đó thông qua các hoạt động của Gallery 39 trong hai năm vừa qua. Một gallery hoàn toàn phi lợi nhuận và không hề có tài trợ. Tôi cố gắng làm ngày một tốt hơn. Cỗ đã dọn, còn nó có tác động đến cộng đồng hay không thì còn phải phụ thuộc vào chính họ nữa. Họ không thích thì chịu. Nghệ thuật không phải là nhu cầu thiết thực. Người xem không nên tự ái, học ăn học nói học gói học mở, muốn xem được tranh thì cũng nên bỏ thời gian, tiền bạc để tự trang bị cho mình những kiến thức chung nhất về hội họa nữa. Lênin chẳng bảo: muốn thưởng thức được nghệ thuật cũng phải học đó thôi. Còn tôi nghĩ ‘muốn chơi cũng phải học’!"
***
Lê Thiết Cương vẫn đang làm dở dự án cuốn từ điển về các từ chỉ nguyên liệu, dụng cụ, phương pháp chế tác của các nghề thủ công truyền thống ở miền Bắc Việt Nam - một dự án nghe đâu sẽ tốn khoảng vài trăm triệu và có thể chỉ là để chơi thôi. Sắp tới gã sẽ tham gia dự án với họa sĩ Đào Anh Khánh cùng vài người nữa, sắp đặt 1000 hạt gạo ở cửa Đền Ngọc Sơn. Ai mà biết được gã sẽ còn làm những gì bất ngờ khác nữa, vì ai mà dám đoán trước với Lê Thiết Cương. Như tôi thầm nghĩ, trên con đường gã họa sĩ ngông ngạo này đang đi, người yêu chắc chắn sẽ nhiều như kẻ ghét!