Không dễ để những nam thi sĩ bộc lộ đàn ông tính của mình qua một hình thức vốn rất mềm mại và nhiều chiều nữ tính, đó là thơ. Lưu Quang Vũ là nhà thơ có quá nhiều nam tính. Những năm 1972, 1973, thơ anh như yếu đuối hơn, như thiếu tự tin hơn và luôn viết cho một người. Không thể nào mà người ta không tò mò, rằng người phụ nữ ấy là ai? Sau 35 năm của những bài thơ và 20 năm mất đi người thi sĩ bạc mệnh, những đau đớn của mối tình si ấy dường như vẫn vẹn nguyên trong chị, nữ họa sĩ Nguyễn Thị Hiền.
***
Có một khoảng thời gian thơ của Lưu Quang Vũ buồn kinh khủng, những vần thơ dành cho một người phụ nữ nào đó mà bỗng nhiên tâm thế đàn ông của Lưu Quang Vũ trở nên đầy mặc cảm và ẩn ức. Dù đó có là những lời thơ như van xin, khao khát một tình yêu với nỗi buồn rầu bao phủ thì thơ của anh vẫn tiềm tàng một bản năng chở che mạnh mẽ mà chắc chắn có quá nhiều phụ nữ muốn được là... Để không chỉ riêng tôi muốn biết, muốn tìm hiểu về chị, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền (con gái của nhà văn Kim Lân, chị gái của họa sĩ Thành Chương).
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền được coi là thần đồng hội họa trong thập kỷ 60 khi chị biết vẽ từ rất sớm, lại sinh trưởng trong một gia đình quá truyền thống là gia đình của nhà văn Kim Lân. 35 năm trước cho một cuộc tình không năm tháng mà họa sĩ Nguyễn Thị Hiền gọi cuộc tình ấy là "tình yêu của tôi, nỗi buồn của tôi". Đó không giống một tình yêu bình thường, hai người gặp nhau và phải lòng nhau ngay lập tức. Khi đó họa sĩ Nguyễn Thị Hiền đang làm thêm việc vẽ minh họa cho sách và làm cho Tạp chí Thanh Niên của Trung ương Đoàn. Nhân một buổi gặp cộng tác viên cuối năm, Lưu Quang Vũ đã gặp Nguyễn Thị Hiền. Sau buổi họp, vừa về đến nhà, nhà văn Kim Lân đã nói: "Con ơi con, Vũ vừa đến tìm con đấy". Đó là tiếng gõ đầu tiên đến trái tim người đàn bà này, có một chút ngạc nhiên, một chút lạ lẫm rằng có một người đàn ông đang kiếm tìm mình. Để rồi căn phòng tối với bài thơ "Đất nước đàn bầu" mà Lưu Quang Vũ đọc cho Hiền nghe trong ánh sáng của một ngọn đèn dầu chỉ còn là cái cớ cuối cho tình yêu trong sáng ấy khởi phát. Lưu Quang Vũ đi theo Hiền về nhà - như sau này bao lần đi theo khác, đứng khuỵu chân ở cửa - như sau này, anh cũng đứng cái dạng khuỵu chân làm tim Nguyễn Thị Hiền buốt nhói, trong chiếc áo lính bạc màu dài đến ngang đầu gối. Ngày ấy, Lưu Quang Vũ làm những câu thơ:
Người con giai đến phòng em chiều thu
Mặc áo mưa lính rách rưới
Hắn buồn và nói luyên thuyên…
Người con giai nói với em
Hắn không phải tấm hình đẹp trong sách
Hắn chỉ là dãy phố nghèo lấm đất
Không giấu che sự thật của lòng mình
Chỉ là bờ đê nhiều khói và than
Là con thuyền
Luôn luôn kiếm tìm, luôn luôn từ bỏ
Với cuộc đời thường, em còn bao mối giây gắn bó
Em đi được với hắn không?
Cái dáng đứng khuỵu chân ấy ám ảnh đến mãi sau này trong trí nhớ của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền về người đàn ông chị đã yêu bằng tất cả những tuyện vọng và đau đớn. Nỗi khổ cũng bắt nguồn từ đấy cho đến mãi sau này. Hai người không thể nào vượt qua những rào cản của ranh giới đạo đức thông thường…
Trong suốt buổi trò chuyện, đôi mắt sau cặp kính tròn của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền lúc nào cũng long lanh nước, chị liên tục đưa tay xoa lên ngực trái, bởi nỗi đau đớn của một tình yêu dù đã 35 năm trôi qua và người trong cuộc cũng đã rời bỏ cõi trần này tròn 20 năm.
Khoảng thời gian ấy, Lưu Quang Vũ vừa đi bộ đội về, có vợ con rồi, không có công ăn việc làm và mới bị kỷ luật. Tất nhiên với vô số những khuyết điểm ấy chỉ có thể làm cho mọi người xung quanh lo hộ nữ họa sĩ thần đồng Nguyễn Thị Hiền chứ không phải là tác nhân khiến chị mảy may băn khoăn, mảy may suy tính trước tình yêu của mình dành cho thi sĩ.
- Những lời đồn về một Lưu Quang Vũ tài hoa có tác động gì với chị không? Phải có một nguyên nhân nào trước khi "sét" ái tình giáng xuống chị chứ?
"Tôi là người không quan tâm đến những lời đồn thổi cũng như quá khứ của Vũ. Có lẽ tôi đã đến với Vũ bằng sự rung động đối với những bài thơ của Vũ. Còn Vũ, Vũ đến với tôi bởi tranh của tôi. Từ thơ và tranh chúng tôi nhận ra nhau. Muôn ngàn lời đồn thổi cũng chẳng có tác động gì hết. Khi đó đài BBC có đưa tin trong Nam có họa sĩ Bé Ký, ngoài Bắc có Nguyễn Thị Hiền. Nhà văn Nguyên Hồng muốn đưa tôi đi học nước ngoài. Và đó là một trong những nguyên nhân người ta nhân danh để phản đối chuyện tình của tôi với Vũ".
- Vì anh Vũ khi đó có vợ rồi hay vì điều gì khác nữa? Họ có gì không ưa anh ấy chăng?
"Tôi cũng không hiểu nữa. Có thể bởi vì Vũ đã có vợ và mọi người lo cho tôi, lo cho sự nghiệp của tôi. Theo con mắt của mọi người thì sự nghiệp của tôi đang đi lên. Mọi người không muốn tôi phải trả giá trong mối quan hệ này. Rồi cơ quan, đoàn thể, họp kiểm điểm lên xuống. Đôi khi người ta nhân danh một điều gì đó và tin là họ đúng để người ta chà đạp rất kinh khủng những điều trong sáng, mong manh và tuyệt đẹp. Họ đã nhân danh tôi, nhân danh là vì sự nghiệp của tôi để làm điều đó. Khi ấy tôi còn quá trẻ với đời thường vì tôi suốt ngày đi học và đi vẽ. Nghỉ hè thì bố cho nghỉ 3 ngày rồi sáng vẽ, chiều vẽ, tối vẽ. Nếu không lại đọc sách. Không biết cái gì về đời thường, nên khi phải đối mặt với nó, tôi không hiểu tại sao nó lại phũ phàng đến thế? Chúng tôi yêu nhau thế nào ư, chỉ toàn là những cuộc hẹn. Và vô cùng trong sáng.Tôi mang màu và toan đến 28 Triệu Việt Vương, nhà bạn của chúng tôi là anh Lâm ‘râu’ để vẽ, Vũ thì làm thơ. Có những câu tôi còn nhớ trong bài "Gửi Hiền":
Đêm phòng không tiếng nổ vỡ khắp trời
Nỗi cô đơn đen ngòm như miệng vực
Tôi muốn đi tới đích cùng em
Tôi phải đi tới đích cùng em
Lòng tôi như buổi sớm vẫn nguyên lành
Em nhận lấy, em đừng e ngại mãi
Tôi tan nát, tôi kinh hoàng sợ hãi
Em cô đơn rồ dại của tôi ơi!"
- Những kỷ niệm cay đắng nào khác bên cạnh quãng thời gian như mơ ấy? Để rồi mối tình này cũng chẳng đến một cái happy ending nào?
"Đầy cay đắng, đầy cay đắng. Tôi cảm tưởng lúc đó mọi người rủ nhau quyết tâm mà phá cho bằng được. Tôi và Vũ buồn lắm, cứ đi lang thang với nhau, đi café rồi đi ra biển. Có quá nhiều sự thật tôi cũng không muốn nói nữa. Bởi khi nói ra có lẽ lại thành nói xấu một người nào đó. Dù đó là sự thật thì cũng khó lòng lý giải, rằng tôi không hiểu tại sao có những lúc mọi người lại xấu đến thế? Tôi không muốn nói đến ai. Chỉ biết là khủng khiếp. Và đến giờ tôi cũng không giải thích được. Tình yêu của chúng tôi là tình yêu không năm tháng. Sau đó thì Vũ và Xuân Quỳnh đến với nhau. Nhưng kỳ lạ thay, mối tình ấy trong tôi không có sự ghen tuông như những tình yêu nam nữ bình thường khác, mà nó là thứ để mỗi khi nghĩ đến, trong tim tôi lại đau như cắt. Đau vật chất một cách thực sự. Không có sự hớn hở, sung sướng. Vũ cũng vậy".
- Ngoài sự phản ứng của gia đình thì có phải là một mối tình kinh thiên động địa với dư luận khi ấy?
"Đúng là kinh thiên động địa đấy, một trận cuồng phong. Có nhiều người bảo vệ vì thương tôi và người phản đối cũng dữ dội như trong một cơn điên… Đã có quá nhiều người làm tổn thương chúng tôi…"
- Hai người có nghĩ đến chuyện lấy nhau không?
"Có chứ, bởi vì tôi sinh trưởng trong một gia đình lễ giáo rất nghiêm khắc. Bản chất của tôi đã yêu thì hết lòng. Nên khi Vũ và tôi không thể đến được với nhau, tôi đã buồn lắm. Nhưng không ngày nào Vũ không đón tôi. Sáng nào tôi đi làm, Vũ cũng đứng ở đầu ngõ Hạ Hồi nhìn tôi, rồi đạp xe đạp đi sau tôi. Tôi chuyển hướng sang đường khác, Vũ vẫn đạp xe theo tôi..."
- Thời gian đó, bác Kim Lân nói với chị thế nào về mối quan hệ ấy?
"Bố tôi là một người quá yêu tôi. Đến nỗi mà tôi lớn lắm rồi, đến tuổi yêu từ đời nảo, đời nào rồi, mà cứ ai đến nhà chơi, bố tôi còn nói thẳng: ‘Xin lỗi mời anh đi về để cho cháu nó còn vẽ…’. Tôi cũng rất yêu bố tôi, ông là người đã chia sẻ với tôi rất nhiều. Tôi học giỏi nhưng khi tốt nghiệp cũng bị đánh liểng xiểng. Bố luôn bên tôi, sâu nặng hơn cả những người bình thường khác. Có thể cả đêm hai bố con nói về Picasso, về bác Sáng, bác Phái, về văn chương… Bố tôi rất sợ tôi đi với Vũ thì không làm được sự nghiệp của mình. Nhưng khi nào cụ phản đối, cụ cáu giận thì tôi lại dễ chịu. Khủng khiếp nhất là cụ bắt đầu ốm. Giữa mùa hè nắng chang chang của Hà Nội, cụ đi tất, quấn khăn len đắp chăn bông nằm rên hừ hừ trên giường như sắp chết. Tôi không đủ sức chịu đựng điều đó. Tôi đã từng đi luôn khi bố tôi mắng tôi, đuổi tôi, nhưng khi mọi người báo: ‘Ông Lân ốm rồi’ thì tôi lại về. Đứng giữa hai con người, một là bố hai là Vũ. Cuối cùng tôi chấp nhận xa Vũ… như những câu thơ Vũ viết:
Có gì đâu mà tiếc mà buồn
Em biết đấy anh chẳng tin định mệnh
Nhưng trên đời này chỉ ước mơ là có thật
Hai ta hãy là giấc mộng của nhau thôi"
***
Sau này, khi bán được một số tranh đáng kể với số tiền đủ để họa sĩ Nguyễn Thị Hiền mua được một căn nhà riêng phía sau ga Hàng Cỏ, tình yêu vẫn đầy ắp trong lòng dành cho Vũ nhưng chị không dám gặp anh bởi "nếu gặp chắc chắn chúng tôi sẽ làm điều gì đó có lỗi với Xuân Quỳnh". Nhưng mà lúc nào Lưu Quang Vũ cũng đứng từ xa nhìn Hiền mỗi khi có thể thấy chị ở đâu. Có lần anh còn leo lên cửa sổ ở Cục Xuất bản chỉ để nhìn chị, và chị thì đứng khóc. Hai người không thể đến với nhau, không nên đến với nhau đã giữ mãi tình yêu trong sáng ấy. Và Nguyễn Thị Hiền gặp người chồng của mình, anh Lê Dưỡng Hạo, (nhà nghiên cứu Hán Nôm và mỹ thuật, em trai của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh) năm 1978. Sau khoảng 1, 2 tháng quen biết, hai người cưới nhau. (Anh chị có một cô con gái là họa sĩ trẻ Hiền Minh)
Sau 10 năm, cũng là khi họa sĩ Nguyễn Thị Hiền đã có một cuộc sống hạnh phúc êm ấm bên chồng con, chị có gặp lại người thi sĩ xưa nay đã là một nhà viết kịch nổi tiếng. Chị vẫn nhớ mãi câu nói của Vũ: "Nếu ai mà làm cho Hiền không vẽ được nữa thì đó là tội ác!". Hai người vẫn xa nhau. Trong đáy sâu thẳm của chị Hiền là tình cảm trong sáng thiêng liêng của chị và Vũ. Nhưng họ không gặp nhau vì cả hai bây giờ đã có gia đình riêng. Lưu Quang Vũ vào Sài Gòn dựng kịch. Họ hẹn nhau 2 tháng sau sẽ cùng làm chung một cuốn sách, như nối dài những dang dở đã hẹn ước từ những năm xưa. Không ai ngờ đó là cuộc gặp gỡ cuối cùng… Chị kể:
"Tôi và Vũ có thần giao cách cảm khủng khiếp. Một đêm tôi nằm ngủ, tôi mơ thấy mình đi đóng mấy cái áo quan một lúc. Tôi lay chồng dậy và nói tôi mệt quá vì mơ một giấc mơ như vậy. Nhưng sáng ra tôi buồn lắm, buồn đến mức không sao chịu được. Tôi đòi chồng đưa đi chơi, đến nhà hai vợ chồng anh Đỗ Hải. Ngồi được một lúc thì có người đến báo tin gia đình Lưu Quang Vũ bị tai nạn chết chiều qua. Ôi trời ơi, chiều qua họ bị tai nạn thì tối tôi nằm mơ như vậy..."
"35 năm của mối tình ấy, và 20 năm ngày mất của con người tài hoa bạc mệnh, tôi tìm được trên mạng một đoạn thơ của Lưu Quang Vũ, như một dự báo âm thầm từ nhiều năm về trước, trước khi tai nạn bất ngờ cướp anh đi".
Có gì đâu mà khóc
Hạnh phúc chỉ là điều bịa đặt
Nên tình yêu là chuyện viển vông thôi
Sương mùa đông lặng lẽ đã giăng đầy
Bao kỷ niệm, quên đi đừng nhớ nữa
Lá sẽ rơi trên cỏ mòn lối cũ
Thân cây xưa sẽ gục đổ bên thềm
Lời anh nói vang lên
Như những lời vĩnh biệt
"Cuộc sống chia rẽ chúng ta
Chỉ cái chết là nối gần nhau lại"
Sau này chết đi, ở bên nhau mãi
Chấm dứt mọi đắng cay buồn tủi
Mọi nhọc nhằn ngang trái
E chúng mình không nhận được ra nhau.
Họa sĩ Nguyễn Thị Châu Giang
Đôi khi tôi nghĩ về
người khác
Người đàn bà lang thang trong vườn cây màu
trời chiều,
người đàn bà gieo những vầng trăng vào sâu
trong đất...
Chăm bón bằng hương nắng thơm mùi bơ
và tỏi,
chăm bón bằng những cơn mưa ban mai
dịu dàng,
bao bọc chúng trong những sợi tơ vàng của
lòng biết ơn.
Buổi sớm về ngồi trên những chiếc ghế lạnh
bên sông,
họ hỏi nàng sao không trồng hoa mà trồng những vầng trăng như những con
mắt nhòe nước?
Nàng không cười, chỉ đáp:
Tôi biết đến một ngày,
tình yêu cũng ra đi!
(Châu Giang)
Phần dữ dội nhất đã thể hiện hết trên tranh
Đó là những câu thơ được viết nguệch ngoạc phủ lên bức tranh vẽ chính mình của họa sĩ Châu Giang, trên một tông màu trắng sáng mà buồn bã, buồn bã như một phép ẩn dụ không lời. Tôi đọc Giang khi còn là học sinh cấp 3, những truyện ngắn có gì đó hơi quá tầm của một cô nữ sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh luôn làm tôi cảm động. Ngay từ khi còn rất trẻ, Châu Giang đã thiếu một ánh nhìn trong trẻo, hồn nhiên. Thay vào đó là những ưu tư, suy ngẫm như một người thiếu phụ đã trải nghiệm quá nhiều!
Mới 4 tuổi, Châu Giang đã biết vẽ và chỉ ước mơ trở thành họa sĩ, bắt đầu viết văn là bằng những bài thơ nhỏ, Giang tự nhận, các tác phẩm của Giang chẳng có gì đặc biệt. Văn chương của Giang hiền lành. Và con người Giang cũng vậy, cô tự thấy nhiều khi mình hiền quá. Phần dữ dội đã thuộc về những bức tranh. Tranh là thật nhất, là những gì không nói bằng miệng được, không thể hiện bằng chữ được thì sẽ thể hiện hết trên tranh.
Nghệ thuật là nơi Giang trốn vào để nổi loạn với 6 từ "hy sinh, đam mê, giải thoát." Giang hay mơ mộng hay trông đợi những cái gì tốt đẹp trong cuộc sống nên chỉ có những thứ rất nhỏ bé cũng có thể làm cô thấy dễ vỡ, nhất là những điều mà cô không kể được cho người khác biết.
- Một người đàn bà viết văn đã là khó, lại vẽ và làm thơ, điều đó sẽ có tương tác lẫn nhau như thế nào và tác động như thế nào đến cuộc sống của chị?
"Đều là chuyện sáng tác cả, nên chúng cũng hỗ trợ cho nhau nhiều. Tôi nghĩ đấy cũng là một cái riêng của mình. Trong mỗi bức tranh của tôi đều có một câu chuyện, một nỗi niềm của riêng mình. Còn truyện của tôi thì mang nhiều màu sắc hội họa nên nó thường cũng chẳng đủ chi tiết để trở thành một truyện ngắn khiến người ta ám ảnh được".
"Quen với sự nhạy cảm, quen với suy diễn cái này ra cái nọ, chuyện này phải thế kia, chuyện kia phải thế nọ cho các nhân vật của mình, tôi đem luôn cái cách suy diễn ấy vào cuộc sống thực khiến mọi thứ thường là rối tung lên, phức tạp hơn chuyện nó vốn có. Sau đó thì tôi bị sống trong cảm giác cô độc, chán chường kéo dài. Cái này cũng là mâu thuẫn không thể hiểu được. Sáng tác giúp tôi giải thoát nhiều cảm xúc khó chịu trong cuộc sống, giúp tôi lấy lại cân bằng nhưng lại chính là chỗ để tôi nuôi dưỡng những nỗi buồn của mình dài lâu nhất".
Trong tôi dường như lúc nào cũng trống rỗng
Giang thích nhiều đồng nghiệp trong ngành nghệ thuật mà cô theo đuổi nhưng không ám ảnh bởi ai trong sáng tác, chỉ có đồng cảm với một số họa sĩ mà rất sóng gió trong đời riêng. Giang thích nhất Picasso, giai đoạn trước khi ông vẽ lập thể vì thấy trong tranh của Picasso thời kỳ đó quá đau đớn, luôn cảm giác họa sĩ chắc phải cô đơn ghê gớm lắm. Đôi khi gặp nhiều chuyện buồn trong cuộc sống, tự ngẫm lại thấy mình đã là đàn bà lại đam mê nghệ thuật thì đương nhiên khổ. Có một nhà sưu tập tranh người Nga đã nhận xét về Giang: "Các họa sĩ Việt Nam hay vẽ chung chung còn Giang dám vẽ cái của mình, dám nói về đời tư của mình". Và đó có phải là lý do để lúc nào Giang cũng cảm thấy bên trong mình dường như có gì đó trống rỗng.
- Trong hạnh phúc, qua những tác phẩm của chị, tôi lại thấy có những dự cảm mơ hồ về sự khắc khoải, nỗi muộn phiền… Cảm giác ấy có đúng không?
"Thế là câu hỏi này đã được trả lời bằng câu trên rồi. Cảm giác ấy luôn đeo đẳng tôi. Nhiều lúc tự bảo hãy dừng lại đi, từng làm tự khổ mình vì những ý nghĩ vớ vẩn ấy, hãy tận hưởng cái mà mày đang có. Nhưng không được. Cái tính tôi nó thế. Mà cũng tại cuộc đời tôi nó cứ bắt tôi phải nghĩ thế. Có những nỗi buồn đến thật sau những dự cảm, mình né không được. Nên nhìn đâu, lúc nào cũng bị mang cảm giác ấy".
***
Tôi chợt nhớ có anh bạn đã cắt nghĩa: người đàn bà đẹp + thông minh + nhạy cảm + tài năng = người đàn bà không hạnh phúc. Giang thì nói: "Thật ra vì tôi là một người sống đầy những mâu thuẫn và dằn vặt nên ngay cả những lúc hạnh phúc nhất, tông màu vẫn trộn lẫn giữa sắc lạnh và buồn của màu xanh xám và sắc rực rỡ của ánh đỏ và nhũ vàng. Trong hạnh phúc vẫn luôn nơm nớp sợ hãi những nỗi buồn sẽ kéo đến với mình ngay lập tức. Có lẽ bởi vì tôi chẳng dám chắc chắn gì vào tương lai của mình cả". Tông màu xanh dương xám cho Giang cảm giác buồn và sâu khủng khiếp, không có đáy. Mỗi lần vẽ bằng màu này như rơi vào một vực thẳm không tìm được lối ra. Nhưng đằng sau sự tuyệt vọng đó lại làm cho Giang thanh thản, nhẹ nhõm. Đúng là những tông màu ma quái như vượt ngưỡng chịu đau quá thì bị tê. Dường như Giang tựa vào nỗi buồn để sáng tác và sống. Giang cá nhân hóa những tác phẩm của mình đến mức hiểu rằng người ta mua tranh của Giang sẽ khó mà treo trong nhà vì người ta thường khó mà thích mua một chân dung một mảng đời, một tư duy của cô Giang về treo trong nhà mình. Có lẽ chỗ của những bức tranh đó là bảo tàng, là các bộ sưu tập. Một sự định hướng đầy kiêu hãnh. Giang đã có hai bức tranh "Đôi khi tôi nghĩ về người khác" và "Chân dung đỏ" mà bảo tàng Hermitage - Saint Petersburg - Nga mua để trưng bày.
Tôi luôn thèm được khác đi.
Trong quá khứ, cũng có những lần triển lãm Giang bán được rất nhiều tranh, thông thường Giang có thể tiếp tục vẽ theo xu hướng đó nhưng Giang từ chối. Bởi lẽ cô thèm muốn vẽ cái mới mẻ, thèm được luôn khác đi. Nếu ai theo dõi tranh của Giang sẽ thấy nó luôn được chia theo các giai đoạn và không hề giống nhau. Giống như sờ được vào những khoảnh khắc thấy mãn nguyện với hạnh phúc hiện tại nhưng đau thay nó chỉ là những khoảnh khắc ngắn, không dài lâu. Giang biết mình có tính thích làm cho mình đau hơn, từ chuyện này có thể suy diễn ra chuyện khác rồi chính mình đau lòng với những suy diễn của mình. Bất hạnh thay cho người đàn bà vẽ này khi cô thú nhận chưa bao giờ tìm được người tri kỷ đến mức làm cho Giang shock vì những nhận xét của họ khi xem tranh mình. Kể cả người chồng. Để đôi khi, Giang biết mình nghĩ về người khác…
- Vẽ xong một bức tranh, viết xong một cuốn sách hay vừa chấm câu cuối cho một bài thơ. Cảm giác nào làm chị ngây ngất? và cảm giác nào khiến chị thấy mệt nhoài?
"Cả hai cảm giác này tôi đều không có. Sau tất cả những cái kết thúc, tôi chỉ thấy một sự trống rỗng trong lòng, giống như bạn đem dốc hết nước ở một cái chai ra vậy. Thế rồi bỗng nhiên bạn khát, bạn phải loay hoay đi đâu đó mới tìm lại được nước để đổ đầy vào chai. Khoảng thời gian đi tìm lại nước ấy của tôi là nói chuyện với một vài người bạn về chuyện vẽ vời, sáng tác, làm một vài chuyện vớ vẩn hoặc đơn giản là ngắm lại bức tranh đã vẽ, đọc lại cái mình đã viết hoặc ngồi im lặng một mình suy nghĩ linh tinh (đó là lúc cảm giác hoặc ngây ngất, hoặc chán, hoặc mệt nhoài có thể đến). Có lúc nước mình tìm được đủ đầy lại chai nhưng có khi chỉ chưa được một nửa".
Có lúc cực kỳ yêu chồng, nhưng cũng có khi cực kỳ thất vọng...
Nếu gia đình là một bức tranh thì bức tranh khắc họa chân dung vợ chồng Giang có thể được hình dung sẽ có nhiều màu sắc theo các thời điểm khác nhau. Bức tranh ấy có cả màu nóng và màu lạnh. Giống như cuộc sống của Giang nhiều mâu thuẫn, có lúc cực kỳ yêu chồng nhưng có khi lại đầy thất vọng. Màu thất vọng ấy là tone sáng xanh, còn thời kỳ yêu sẽ là màu nhũ vàng hơi ngả qua đồng, có ánh rực nhưng cái màu âm xuống. Niềm vui hạnh phúc ấy nó cũng âm thầm. Bảo rằng mãn nguyện 100% thì cũng không phải như thế. Quá thất vọng cũng không phải, những giây phút này chen những giây phút khác. Ngày nào cũng làm việc như một họa sĩ nhưng nhận ra cuộc sống của Giang không bị ảnh hưởng bởi hội họa nhưng hội họa lại rất bị ảnh hưởng bởi cuộc sống.
Ở ngoài thì Giang vẫn là một phụ nữ có gia đình, có chồng và con nên làm nghệ thuật không dễ dàng. Nghệ thuật đúng là đòi hỏi sự hy sinh. Đứng về phía bản thân Giang đã sống với đam mê của Giang nhưng đồng thời cũng rất enjoy nghệ thuật mà chồng theo đuổi. Chị mê mẩn những buổi hòa nhạc mà anh tham gia, chỉ biết là rất sướng vậy thôi, khó miêu tả được cảm giác ấy rõ ràng. Trong đời tư Giang cảm thấy mọi cái đều mong manh lắm. Ngay cả những khi hạnh phúc nhất, Giang cũng hay mơ hồ lo sợ điều gì đó xảy ra. Giang bị một cái ám ảnh là người ta không thể hiểu hết mình. Trạng thái kết hôn là yêu nhau, đã yêu nhau 8 năm trước khi cưới. 5 năm chung sống cảm xúc về trạng thái yêu mãnh liệt vẫn còn nhưng dường như mỗi năm cảm giác ấy ít đến, khó đến và càng thưa dần.
- "Vẻ đẹp của tôi trong tình yêu"… chị yêu như thế nào? Và những người đàn ông? Họ yêu chị như thế nào?
"Nếu ví tình yêu của người ta như một cái biển, tôi tự nhận tình yêu của mình như một mặt biển phẳng lặng nhưng bên dưới là sóng ngầm. Chỉ tiếc là những đợt sóng ngầm ấy không bao giờ được bùng lên cả, dù có bão tố đến đâu đi nữa. Nó cứ âm ỉ, nhức nhối. Thành ra tôi không có cảm giác hạnh phúc mãn nguyện trong tình yêu. Những người đàn ông tôi yêu sẽ không bao giờ thấy hết được tình yêu tôi dành cho họ. Chắc chắn có lúc họ sẽ nghĩ tôi hơi ‘lạnh’ trong tình yêu. Còn họ yêu tôi thế nào ư. Tôi không rõ lắm. Tôi không bao giờ đong đo tình cảm của họ dành cho mình. Nhưng biết chắc có những người yêu mình rất nhiều mà tôi không bao giờ đáp trả lại được. Còn những tình cảm mình nâng niu thì rõ ràng không phải là vĩnh cửu bền lâu".
Khóc là hành vi phản kháng cao nhất.
Nhà văn Xuân Cang có lần bốc cho Châu Giang một quẻ Kinh Dịch là Lôi phong tiểu quá - Sấm trên Núi. Chấn ở trên Cấn là tiếng sấm ở trên núi, bị nghẹt vì núi mà thu hẹp lại, nên gọi là Tiểu quá. Quẻ này khuyên quân tử ở vào thời tiểu nhân quá nhiều thì chỉ nên làm quá trong việc nhỏ và đừng nên quá cương mà nên mềm mỏng một chút. Châu Giang được khuyên rằng trong nghệ thuật cũng phải khiêm nhường thôi không có được "quá" kẻo mang họa. Nhưng Giang nói với tôi, chẳng cần điều đó cô cũng vốn là người ngại sự quá, ngại sự bất thường và bao giờ cũng tránh va chạm. Nếu những mâu thuẫn xảy ra, kết cục cuối cùng là nhà văn, nữ họa sĩ này sẽ òa khóc, như một hành vi phản kháng cao nhất, một trạng thái tranh đấu cực kỳ đàn bà!
- Có bao giờ Giang hình dung về những ngày còn đang ở phía trước, tiếc nuối những ngày đã ở phía sau lưng? Và hiện tại, có bao giờ ở trạng thái phải gắng sức mà sống không?
"Hình dung về những ngày ở phía trước thì tôi ít khi làm, vì nói thật thấy nó hơi mịt mờ nên quyết không hình dung làm gì. Còn tiếc nuối những chuyện ở sau lưng thì cũng nhiều. Tính tôi hay nghĩ ngợi, thích những cái xưa cũ và vĩnh cửu, dù biết không thể tìm được, không thể quay lại được. Đó là tôi nói về chuyện đời sống chứ không phải trong sáng tác. Đôi lúc, cũng nghĩ là mình đang gắng sống đây. Nhưng cảm giác đó qua nhanh, nhờ chuyện sáng tác. Với tạng người tôi thế này, với những suy nghĩ yếu đuối và tiêu cực thế này, nếu không có hội họa và văn chương, tôi chẳng biết mình đi đâu về đâu nữa".
Có lẽ tôi là người viển vông chăng?
Lâu lắm không thấy Châu Giang viết truyện, hóa ra thời gian này Giang tập trung vẽ nhiều, những dự án ấp ủ về tranh lụa, về một triển lãm sơn dầu theo chủ đề… mọi cái vừa gọn gàng vừa bừa bộn trong tư duy nghệ sĩ của Châu Giang. Đã từng làm một vài triển lãm sắp đặt nhưng Giang cho biết, Giang thích vẽ tranh hơn là làm nghệ thuật đương đại vì "Hay là mình không có khả năng?" Giang cười thích thú nhưng lại tự nhủ: "Có lẽ đó chỉ là trào lưu…" Châu Giang thèm muốn được theo đuổi sự vĩnh cửu. Với nghệ thuật thì Giang không thích nó đến lúc nào đó sẽ bị mất đi theo cả 2 nghĩa vật chất và tinh thần. Một tác phẩm sắp đặt nó có tuổi thọ của ngắn hạn. Trong khi tranh nếu màu tốt thì vài năm sau mình vẫn có thể lấy ra xem, cho con cái mình xem. Về tinh thần thì sau nhiều năm người ta vẫn đồng cảm, nhưng Giang tự giễu mình "…có lẽ tôi là người viển vông chăng?" Nhưng cái nhìn của Giang cũng rất rạch ròi, sống và làm nghệ thuật ở quê hương mình là tốt nhất, bởi gốc rễ văn hóa là nền tảng cho mạch cảm xúc. Một người Việt Nam làm nghệ thuật mà sống ở nước khác thì khó mà trở thành một nghệ sĩ theo đúng nghĩa của từ này.
- Người ta hay khuyên đàn bà hãy biết giấu trí khôn và tài năng của mình đi trước mặt những người đàn ông. Chị thì sao?
"Tôi chẳng cố giấu làm gì, vì thật sự tôi tin mình không đủ sắc sảo, không đủ thông minh, cũng chẳng đủ tài năng để làm một người khác cảm thấy bị lép vế. Tôi hay đặt nhân vật mình nói những câu này, làm những việc này có vẻ sắc sảo, khôn ngoan lắm nhưng ngoài đời tôi nhiều lần cố mà không làm được như vậy. Nhiều lúc tôi thấy mình rất ngớ ngẩn trước mặt những người đàn ông".
***
Giang vẫn âm thầm làm thơ, đó là những cảm xúc mãnh liệt nhất. Văn chương và hội họa là những sáng tác dài hơi còn thơ là khi bị over với cảm xúc thì làm thơ. Nghĩa là cảm xúc trong những khoảnh khắc thôi. Giang cũng đã làm bản thảo để dự định ra một tập thơ nhưng sau đó đọc lại thấy không tự tin lắm. Tập bản thảo ấy nay chỉ còn vài bài vì đã rút dần làm giấy nháp! Một tính cách lạ trong con người e dè rất nữ tính này. Cô không biết cách lưu giữ những tư liệu hay những sáng tạo của chính mình, cuộc sống thì cứ như đang ở trước mắt và những thành công làm người ta chưa biết tiếc nuối quá khứ để mà "xếp tàn y lại để dành hương!" Đó là một thái độ sống của người biết nghĩ nhiều về mình, nhưng cánh cửa nhà luôn mở với trái tim ăm ắp yêu thương.