Trước khi hẹn gặp họa sĩ Thành Chương, tôi đã mất một buổi mò mẫm lên Sóc Sơn, đến Việt phủ Thành Chương - nơi giang hồ đồn đại bấy lâu như một "cơ đồ" của riêng "Thành Chương gia" để xem thực hư thế nào và cũng là để thư giãn vì tiếng rằng nơi này đẹp lắm.
***
Công phu không uổng, thỏa trí tò mò... dù còn lắm những ấm ức tại sao đặt cái này ở đây, cái kia sao lại bên cạnh một cái chẳng liên quan gì về văn hóa, giai tầng cũng như địa lý... Và bất chợt bật cười khi nhận ra mình thật vô lý, xâm nhập trái phép tư gia nhưng lại đòi hỏi gia chủ phải khác đi, phải thế này, thế kia mới là hợp lẽ.
Nhiều người giống như tôi bởi người ta quên mất rằng đây là cơ ngơi riêng của họa sĩ danh tiếng Thành Chương, con trai của nhà văn Kim Lân - người nổi tiếng không chỉ bởi lời đồn thổi đã từng bán được 600 bức tranh với giá cả chục ngàn đô la mỗi bức cho khách sạn Daewoo, mà còn vì anh là một tay chơi đồ cổ cự phách, đồ cổ thuộc quyền sở hữu của anh là sự ghen tỵ không chỉ những tay mới trót đắm say mà ngay cả những bậc cao niên trong "thú chơi quá lắm công phu" này.
Một cái hẹn nhanh để có một buổi sáng khi Hà Nội trở lạnh, khu chung cư làng Quốc tế Thăng Long, tầng cao gần nhất, trong căn nhà ai ải mùi tre ngâm bốc ra từ những đồ vật của chủ nhân, tủ tre, salon tre, đôn tre... họa sĩ Thành Chương đang hạnh phúc bên người vợ đẹp - Ngô Hương và cô bé nhóc mới vài tháng tuổi kháu khỉnh kêu ọ ẹ đòi ăn. Mùi tre ngâm ải gặp tiết nồm nam trong tâm trí của tôi bỗng là một cái mùi của nhân danh hạnh phúc. Tại sao không khi căn nhà ấy là tổ ấm của hai người đã một lần lỡ chuyến đò duyên mà đến gần bên nhau, và cuộc trò chuyện diễn ra hết cả buổi sáng, khi họa sĩ Thành Chương ngồi bên cửa sổ và vợ ông, Ngô Hương đang cho con gái ăn...
Thành Chương bắt đầu bằng cái nhăn nhó "khẳng khái": "Lâu nay tôi đã từ chối nhiều các cuộc phỏng vấn vì những bài viết nhợt nhạt, những người viết dường như không hề hiểu tôi nhưng cứ viết bài về tôi. Đến mức tôi phát sợ những bài báo ấy, thà đừng có còn hơn".
Nhà nước cho tiền mà phục chế còn tệ hơn là phá!
- Vậy thì anh nói đi thay vì thêm một người ít nhiều còn chưa hiểu anh như tôi sẽ bắt đầu bằng những câu hỏi muôn thuở của người đi phỏng vấn?
"Tôi đang bức xúc - Thành Chương vươn người về phía trước - Điều tôi đang quan tâm và bức bối nhất hiện tại mà cảm thấy mình bất lực bó tay - biết mà không làm gì được, như một sự khổ tâm đó là văn hóa cổ truyền của cha ông ta ở khắp đất nước đang bị tàn phá rất kinh khủng. Nó bao gồm từ kiến trúc đến mỹ thuật... Tôi là người yêu quý và có thể tự nhận là người hiểu biết về văn hóa cổ truyền nhận thấy cả một thời gian dài cha ông ta đã để lại những di sản vô cùng to lớn. Sau nhiều cuộc chiến tranh đi qua, di sản ấy đã bị ảnh hưởng rất nhiều, rồi nhiều thời kỳ sai lầm trong quản lý, hiểu sai lại khiến cho văn hóa của chúng ta bị tàn phá đi nhiều hơn. Đến khi di sản của cha ông được nhìn nhận đúng đắn thì lại bị quy ra tiền, bị mua bán trao đổi dẫn đến những vấn nạn như ‘chảy máu cổ vật’ ở Việt Nam. Quá nhiều những thay đổi để mà văn hóa truyền thống bị tàn phá, mất mát. Nhưng hiện tại do trình độ quản lý hay sao đó nên mặc dù nhà nước cho tiền mà hiệu quả lại sai đi quá nhiều, như thế còn tệ hơn là phá".
- Gần đây nhất anh đã thấy dẫn chứng gì cho điều anh nói mà anh bức xúc đến thế?
"Ví như đền Mông Phụ đã bị phá tan tành để làm một ngôi đình mới, chùa Dâu y như hình ảnh quán ăn Ngon. Tại sao lại có thể bảo tồn văn hóa theo cách ấy? Nếu đó là một cái đĩa quý thời Lý, bảo tồn theo cách là đập đi để sang Bát Tràng đặt một cái đĩa mới giống hệt lành lặn hơn thì được coi là bảo tồn à? Tôi thực sự không hiểu, càng những nơi đẹp đẽ, càng những nơi được nhà nước cấp tiền thì càng phá kinh khủng hơn đến mức anh em nghệ sĩ chúng tôi hay nói đùa là càng có tiền nhiều thì phá càng cơ bản toàn diện sạch sẽ hơn. Mắc mớ từ đâu? Tại sao như vây? Tôi không biết. Chùa Dâu chẳng hạn, tháp không phá được thì họ làm một mạch vữa mới quấn xung quanh như vành đai thép, sai hẳn so với nguyên bản. Mới đây truyền hình cũng nhắc nhở nhưng chỉ là sự thoáng qua và chưa phải là hồi chuông báo động cho vấn nạn này. Nhà nước thì đúng khi đã chi tiền và có chính sách bảo tồn với các di sản của cha ông nhưng ở cấp quản lý phía dưới dường như đang phá một cách vô tội vạ. Cổng thành Sơn Tây cũng bị đập đi để xây dựng cái mới. Tôi sợ những di sản của cha ông được phát hiện và bảo tồn theo như cách hiện nay!"
- Nhưng… (Thành Chương khoát tay vì còn đang trong tâm trạng bức xúc)
"Điều thứ hai tôi bức xúc nữa là bảo tàng của ta đang trưng bày đồ rởm. Bảo tàng là gì? Bảo tàng phải là nơi lưu giữ bản chính, bản xịn. Ví dụ tôi muốn xem tranh Mona Lisa nguyên bản tôi phải đến bảo tàng Louvre của Paris để xem chứ. Nên tiêu chí đầu tiên của bảo tàng là phải lưu giữ bản chính chứ không phải phòng trưng bày lưu giữ phiên bản. Nhưng hiện trạng ở Việt Nam cho thấy bảo tàng toàn là trưng bày đồ rởm. Người ta có nhiều lý do để bao biện như không có tiền, không có điều kiện bảo quản... để không mang được đồ xịn về. Tôi không chấp nhận những lý do đó. Không có thì thôi chứ không thể thế. Như bảo tàng Mỹ thuật có cột đá chùa Rạm, ở chùa Rạm không mang về được lại làm mô hình, rồi tượng chùa Tây Phương, lan can chùa Bút Tháp, tượng Phật bà nghìn tay nghìn mắt... họ làm khuôn thạch cao đổ tượng rởm rồi trưng bày và ghi chép như đồ thật. Và thế là bảo tàng khắp nơi đều làm cách ấy chỉ trừ bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng là còn nguyên bản đồ xịn. Nếu đã mất thì phải ghi rõ là đồ phục chế chứ? Nhiều khi tôi ngạc nhiên đến mức tự hỏi không hiểu mọi người có biết hay không vì đó là những điều thuộc về sơ đẳng. Đối với tôi, hai điều trên là những tai họa khủng khiếp mà không biết làm cách nào để dừng lại".
Người ngoài nghe chuyện ấy thấy gần như là lừa đảo vậy.
- Văn hóa cổ truyền của cha ông ta còn một ý nghĩa thiêng liêng khác, đó là tâm linh khi tin rằng ông bà tổ tiên của mình dù đã mất vẫn còn đâu đó trong những gì để lại. Họa sĩ Thành Chương, anh có tin vào tâm linh không?
"Tôi rất tin vào tâm linh. Đó là cái cao nhất của văn hóa. Giá trị tinh thần cao lên là văn hóa và cao hơn nữa là tâm linh. Đó không phải là một thứ xa lạ hay siêu thực. Đó là chốn cao nhất của tinh thần. Nhiều khi tôi cũng nghĩ có phải những người đang phá di sản của cha ông kia làm thế để làm gì? Có phải để giải ngân hay không? Khi tiền nhà nước đã rót xuống để bảo tồn cần phải tiêu cho hết. Nhưng cũng có một điều nữa có thể do hiểu biết, do trình độ, người ta cảm thấy làm như thế đẹp hơn thật. Tôi chẳng kết luận được tại ai do cái gì cụ thể mà tôi chỉ có thể nhận ra hiện trạng đau buồn đó đang diễn ra lan rộng và phát triển. Tôi quá bức xúc khổ tâm mà không biết làm thế nào".
- Tin vào tâm linh, vậy khi trở thành một nhà sưu tập đồ cổ cự phách như hiện nay, ông tin tâm linh như thế nào?
"Đồ cổ trước tiên là phải yêu quý nó đã, nên tôi phải giữ lại để bảo tồn. Các cụ nói cha mẹ sinh con trời sinh tính. Chẳng ai bảo tôi nhưng từ nhỏ, tôi đã thích đồ cổ, đã mê đã nhặt nhạnh sưu tầm. Đó đơn giản là nhu cầu yêu vẻ đẹp qua bao nhiêu đời, qua tay bao nhiêu người, trên mình nó khoác lên tấm áo thời gian mà con người không làm ra được. Có những đồ vật đã có hàng ngàn năm, nó mang trên mình không biết bao nhiêu cuộc sống và tôi cảm nhận được. Tất nhiên đồ cổ phải là đồ cổ, người chơi là thưởng thức cái đẹp của đồ cổ chứ không thì hòn đá hòn đất cũng cổ rồi. Tôi thích, tôi hiểu thì tôi thấy hay, nhưng chắc chắn ai mà không thích nó thì cũng là sự thiệt thòi".
- "Sưu tầm đổ cổ" - nguyên cụm từ ấy đã gợi lên trong trí óc tôi cả chuỗi những câu chuyện ly kỳ. Với công phu sưu tầm của Thành Chương thì sao ạ?
"Chuyện sưu tầm đồ cổ của tôi trong suốt mấy chục năm đến tận bây giờ đúng là nó có rất nhiều chuyện ly kỳ. Nhưng nhiều khi nó cũng chỉ đơn giản như không có gì cả. Các cụ nói rất đúng nhé, và tôi nhận thấy, thực ra càng sống càng đi sâu vào cái nghiệp này thì thấy rõ cái duyên, ‘quý vật tìm quý nhân’. Một trong những cái thú vị, hay và không hay của nghề chơi cổ vật là trình độ. Được hay thua ở trình độ. Có khi đồ này rất giá trị ở chỗ người không biết nó khác, đến tay người biết thì lại khác. Người ngoài nghe những chuyện ấy thấy gần như lừa đảo vậy. Tôi biết mà anh không biết, tôi muốn lấy cái đó nghĩa là tôi biết giá trị và khi anh nói 100 USD tôi mua nhưng mang về nhà tôi nó đã là 2000 USD. Chuyện đồ cổ là chuyện vô cùng thế đấy, hay chính vì thế mà nó tạo nên sự thú vị của nghề chơi đồ cổ. Có chuyện ông bán mèo cho mèo ăn vào một cái đĩa cổ đấy. Nên là những người mua đồ cổ đều rất muốn có cái đĩa nhưng giả vờ mua con mèo, rồi xin cái đĩa cổ. Và ông bán mèo bảo, nhờ cái đĩa, tôi đã bán được cả chục con mèo! (Cười sảng khoái)".
- Món đồ cổ nào anh nâng niu nhất trong quá trình "quý nhân tầm quý vật" của mình?
"Nhiều khi có món đồ cổ có giá trị kinh tế cao lại đến với mình đơn giản. Giống người buôn bán ấy, gặp người mua thì mua may bán đắt. Hay có cái đến như duyên ngẫu nhiên đơn sơ, có những cái vất vả đến mức mọi người nói như bị giời hành hay sao mà khổ thế. Tôi nhớ hồi còn ở bộ đội, vượt Trường Sơn đi bộ mang theo đủ thứ như súng ống thuốc men đồ vật, sự mang vác ấy rất là nặng nhọc, rất là vất vả. Là lính thì khi sự nặng nhọc đến đỉnh điểm thì bớt cái gì là nhẹ đi cái ấy từ cái đỉnh màn trở đi. Tôi hành quân qua một cái bản ở Xavanakhet ở Lào, trong đống đổ nát ấy tôi trông thấy một con voi cổ bằng đá tôi đã lôi ra và mang theo. Chỉ vì mê và thích rồi cứ nhét trong balo cóc đi đâu cũng tha theo. Mọi người nhìn tôi như thằng điên. Vậy mà tôi đã tha con voi đá đó ra tận ngoài này. Con voi đá đó giá trị không cao thậm chí là bình thường nhưng tôi yêu vẻ đẹp của nó. Đồ cổ thực ra không phải nhiều tiền mới giá trị đâu".
- Nhưng có một thắc mắc nhé, những gì anh thu thập được sau bao năm sẽ đề lại cho ai?
"Với Việt phủ Thành Chương, tôi nghĩ đó chỉ là một nơi giữ gìn ít nhiều những cảnh quan cho đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Cũng đã có người hỏi tôi câu này nhưng tôi chưa nghĩ ra được câu trả lời thật đúng và thỏa đáng. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã nói hộ tôi, thực chất về tài sản vật chất thuộc về gia đình họa sĩ Thành Chương nhưng giá trị văn hóa là tài sản chung của xã hội. Tài sản của nhà tôi sẽ do những người thừa kế tôi tiếp tục giữ gìn".
- Vậy anh có truyền nhân chưa?
"Tôi cũng nghĩ bây giờ không phải là sớm hay muộn để đặt ra câu hỏi đó nữa. Bây giờ là thời điểm cần thiết, tôi đã lớn tuổi mà cuộc sống thì bất trắc. Không phải là lo lắng quá xa nhưng không thể không nghĩ đến điều đó được. Con tôi còn nhỏ và để đến lúc chúng hiểu và quản lý được thì là chuyện xa vời lắm. Vợ tôi bây giờ đang là người hiểu và nắm dần được những cái đó".
Và giời phú cho tôi linh cảm
- Có bao giờ anh cảm thấy đơn độc không? Trên con đường riêng của mình?
"Bao giờ chẳng thế, con đường của mỗi cá nhân bao giờ chẳng riêng biệt, nếu không còn riêng biết nữa thì cũng không có giá trị gì. Nhiều người cứ hỏi vẽ sao cho hay, sao cho độc đáo, câu trả lời là không có câu trả lời. Đơn giản nếu anh là anh thì không ai bằng anh cả. Anh hơn người ta cái này thì người ta hơn anh cái khác và không thể nào khác được".
- Anh vẫn vẽ chứ?
"Tôi là người vẽ chuyên nghiệp từ năm 6 tuổi và đã hơn 50 năm sống bằng nghề vẽ. Có nhiều người nghĩ là họ chuyên nghiệp nhưng thực ra họ không sống bằng nghề nghiệp ấy. Còn tôi sống bằng nghề vẽ mà. Từ bé cũng may mắn là đi đúng hướng, đúng là mình chứ không phải là người khác. May mắn là bố tôi - nhà văn Kim Lân cũng đã chơi với rất nhiều danh họa nên tôi được học hỏi rất nhiều. Và tôi đã là tôi ngay từ lúc trẻ con, định hình luôn một Thành Chương đến tận bây giờ".
- Đã có dịp nói chuyện với nhà văn Kim Lân, tôi nhận thấy dường như nhà văn Kim Lân lại tự hào về họa sĩ Nguyễn Thị Hiền chị gái của anh hơn là anh?
"Không, tôi tin là với cụ thì cho đến bây giờ cụ luôn tự hào về các con của mình là điều cụ nói với tất cả mọi người. Còn cái tình cảm thì sao mà nói được. Có phải là đứa con giỏi thì yêu hơn đâu mà có khi yêu đứa con kém cỏi thiếu may mắn hơn. Nhưng tôi khẳng định lần nữa là bố tôi tự hào chung về những đứa con của mình".
- Lớp hậu sinh của anh thì sao? Cảm giác của anh về họ?
"Tôi đã rất tôn trọng những người đi trước nhưng tôi biết cuộc đời và nghệ thuật bao giờ cũng phải hướng đến tương lai. Mà tương lai thì thuộc về lớp trẻ. Tôi càng gần lớp trẻ bao nhiêu thì tôi càng cảm thấy sự tồn tại của mình bấy nhiêu. Tôi chỉ ngạc nhiên là lớp trẻ hiện tại hay phản kháng tiêu cực khi họ chưa được thừa nhận bởi xã hội. Theo tôi đó không phải là điều ghê gớm với một nghệ sĩ khi theo đuổi con đường riêng của mình. Nhưng cũng không hiếm những kẻ mạo danh nghệ thuật để bịp bợm. Thực ra thì thời nào cũng có những kẻ bịp bợm đó thôi. Những kẻ đó thường hay lớn tiếng la lối chứ không im lặng làm việc như những nghệ sĩ chân chính khác. Chẳng cần phải can thiệp đâu vì cái gì hay sẽ còn lại và những cái màu mè sẽ mất đi. Cái mới thì hay những cũng có cái mới rởm. Giời phú cho tôi linh cảm khi tôi chơi đồ cổ và với nghệ thuật hôm nay cũng vậy, mới thật và mới rởm tôi cũng cảm giác ra ngay nhưng không sao, cứ để cho nó tự nhiên phát triển".
- Cảm ơn anh.