Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã định nghĩa và xác tín cho thể loại truyện ngắn ở Việt Nam. Không còn ai nghi ngờ điều đó. Trở về từ châu Âu sau chuyến viễn du nhân dịp Nguyễn Huy Thiệp sang Ý để nhận giải thưởng Nonino ghi nhận những dấu ấn văn chương của ông trong một số tác phẩm được dịch sang tiếng Anh và tiếng Ý, Nguyễn Huy Thiệp dành cho tôi một cuộc gặp tại nhà, với riêng tôi, đây là lần thứ hai gặp lại ông, sau 8 năm...
***
1. Hà Nội lạnh tê dại, cái rét từ trong xương rét ra. Đến nhà ông lại đúng vào hôm bắt đầu có mưa xuân, Nguyễn Huy Thiệp cũng đang ốm. Loanh quanh đường, loanh quanh ngõ, đi theo mẹo được mách là cứ ngõ bên trái thì rẽ rồi cũng đến cánh cổng "gõ vào là mở ra". Người ta thường cảm giác bình an khi đến một vùng thôn quê, một ngôi nhà dân dã với vườn rau, cây cỏ lại ngay dưới bóng một pho tượng Phật uy nghi. Nhưng ngôi nhà ấy có một người như Nguyễn Huy Thiệp, nghĩa là với tôi, mọi cái xung quanh đã ở trạng thái "bất bình thường". Bởi vì tôi chưa bao giờ hết nghi ngờ về Nguyễn Huy Thiệp, về sự quái gở xen lẫn trí thông minh đến kỳ lạ trong văn chương của ông. Ấm áp trong chiếc áo khoác ông cho mượn, trong phòng khách lạnh giá, hôm nay Nguyễn Huy Thiệp là nhân vật của tôi!
- Từ khi nào ông bỗng nhiên muốn viết? Hay xa hơn, ông nghĩ rằng mình có thể trở thành một nhà văn?
"Tôi muốn viết từ rất sớm. Khoảng 7 đến 10 tuổi tôi đã viết những đoạn văn ngắn rồi chôn xuống đất sau khi đọc những chuyện của người khác viết. Tôi chỉ nghĩ mình trở thành một nhà văn khi đã nổi tiếng, khi đã có độc giả, khi nghĩ rằng mình phải có một trách nhiệm xã hội gì đấy..."
- Ông có định dạng tác phẩm của mình trước khi viết hay không? Ông tin điều gì? Rằng mình viết bất cứ thể tài nào cũng vậy, hay tin rằng đến giờ, sở trường của ông vẫn là truyện ngắn?
"Phải định dạng tác phẩm của mình trước khi viết chứ, đúng hơn là phải hình dung ra nó, phải sống với nó... Tôi tin ở điều gì ư? Rất khó nói, câu hỏi này của cô không rõ, nó không đúng ở trong ‘văn cảnh’ này. Về thể loại, tôi có thể viết nhiều thể loại khác nhau, vấn đề ở chỗ nội dung viết ra đòi hỏi thể loại nào. Giống như người nội trợ, người ta dùng dao để thái thịt, dùng muôi để múc canh... Nhà văn giỏi giống như một kẻ hành tẩu ở trên giang hồ ở trong truyện chưởng nếu là cao thủ thì tinh thông rất nhiều binh khí - tuy nhiên anh ta cũng có sở trường sở đoản..."
- Tướng về hưu là tác phẩm đầu tay nhưng đã là một tác phẩm rất chắc nghề. Ông viết nó có dễ dàng không?
"Tôi viết truyện ‘Tướng về hưu’ khi mình đã 36 tuổi, khi đã sống được nửa đời người. Không dễ dàng, không dễ dàng gì... Cái khó không phải là viết, cái khó là sống như thế nào để có cái gì mà viết..."
- Là nhà văn, ông có đặt cho mình một sứ mạng gì không thông qua các tác phẩm của mình?
"Nói là không thì không đúng. Đấy là một câu chối Chúa. Nghề viết văn là một nghề rất khó. Ai cũng có thể viết được nhưng để trở thành một nhà văn, được mọi người coi mình là một nhà văn - nhất lại là một nhà văn lớn - thì không dễ dàng gì. Dứt khoát anh ta phải có một cái gì đấy, một số phận thế nào đấy, một ‘sứ mạng’ gì đấy, một ‘nhiệm vụ’ gì đấy do một thế lực tối cao gì đấy giao cho. Là ‘người được Chúa chọn’ - anh ta phải có một công việc để hoàn thành hoặc không hoàn thành... Tôi không biết được. Trong chuyến đi sang Ý để nhận giải thưởng Nonino, tôi có gặp V.S Naipaul và tôi đề nghị ông viết một câu gì đó vào bức ký họa mà tôi vẽ ông, sau một hồi suy nghĩ rất lâu và được sự gợi ý của vợ mình, ông viết (xin dịch đại ý): ‘Thế giới đã an bài, sẽ không có chỗ cho những người không tham dự hoặc tự ý cho phép mình không muốn tham dự vào cái thế giới ấy’. Tôi nghĩ đấy là một câu có thể tác động đến rất nhiều đến các nhà văn và những người trẻ tuổi muốn trở thành nhà văn".
***
2. Tôi thích cái tinh thần Phật giáo thấm đượm trong văn của Nguyễn Huy Thiệp, suy cho cùng minh triết của người Việt là Phật giáo. Nhưng lạ là không ai mang linh hồn Phật giáo vào văn nhẹ nhàng tự nhiên như ông Thiệp. Một di sản đầy độ lượng như vậy mà không được nhiều nhà văn ngộ ra thì đúng là nhà văn mình cũng chấp nê và thiếu tín ngưỡng. Nguyễn Huy Thiệp thì vượt lên được sự chấp nê đó bằng nhiều cách có khi đau đớn, có khi bỡn cợt nhưng tựu trung lại là hỉ xả. Có lẽ đó là lý do tại sao ta có thể nói ông Thiệp là nhà văn Việt Nam nhất, nhiều dân tộc tính nhất. Cái dân tộc tính mà nhiều người không để ý đến hoặc xem nhẹ nó. Nước mình làm nông nghiệp và đa số người dân là nông dân, muôn đời là vậy. Nếu không chắt được sự tinh tuý trong cái hiển nhiên thuộc về mình ấy thì làm gì có dân tộc tính? Nguyễn Huy Thiệp nói lắp, không phải người hoạt ngôn. Cứ tưởng tượng khi ông ấy còn trẻ và chưa thành danh, hẳn người ta cũng vì thế mà xem thường ông ấy lắm. Nhưng cái người nói lắp kia trong văn chương thì linh hoạt vô cùng.
- Trong chuyện của ông có cảm giác ông có một sự kính phục, thiện cảm và gần gũi với những gì chất phác mà ta hay gọi là nhà quê… Ông lý giải gì về điều này?
"Hãy trở lại tự nhiên. Nông thôn là mẹ của tất cả chúng ta. Chúng ta đánh mất nông thôn là chúng ta mất mẹ... ‘Mồ côi mẹ liếm lá đầu đường...’"
- Người ta bảo văn chương Việt Nam vì lẽ gì đó còn chưa vượt được ra khỏi biên giới của đất nước mình, điều đó nếu có thì theo ông vì sao?
"Vì nhiều lý do. Vì nó không hay. Vì nó đi chệch ra ngoài ‘nhiệm vụ văn chương’. Vì nó chưa được tiếp thị. Vì nó thiếu người dịch... Tôi đã chờ đợi tới 20 năm trời - một thời gian quá dài cho một đời người! Hiện nay ở phương Tây, người ta mới đang dịch và thích thú những tác phẩm tôi viết cách đây 20 năm! Nếu 20 năm trước, tôi được dịch ngay sang tiếng Ý, biết đâu tôi đã được nhận giải thưởng Nonino từ lâu rồi..."
- Tác phẩm của ông đã được nhiều nhà phê bình, dịch thuật của nước ngoài quan tâm đến, dịch sách và trao giải... Từ bao giờ ông bắt đầu quan tâm đến những bản dịch sách của mình ở nước ngoài?
"Mỗi thời gian, mỗi một chặng sự quan tâm đến các bản dịch của tôi cũng có khác nhau. Đầu tiên, chỉ nghe tin được dịch thì cũng đã thích, đã phổng mũi. Đến khi được tiền nhuận bút thì lại càng thích hơn. Đến khi bán được nhiều sách lại càng thích hơn nữa. Phải qua một thời gian rất lâu, tôi mới nhận ra rằng không phải bản dịch nào của tôi cũng đều thành công. Tôi được dịch nhiều sang tiếng Pháp (ở Pháp tôi có tới 9 đầu sách) nhưng thật ra các bản dịch đó đều có những khiếm khuyết, đến khi được giải thưởng Nonino, Marion Hennebert - Giám đốc Éditions de l’Aube mới bảo tôi rằng: ‘Ông phải được dịch lại, phải tiến hành hiệu đính lại các bản dịch cũ của ông, ông phải được giới thiệu một cách hệ thống và cẩn thận. Phải nghĩ đến ông với các giải thưởng văn học thực sự’. Tìm ra được một người làm những điều ấy ở Pháp không dễ dàng gì, đúng là một chuyện ‘mò kim đáy biển’. Tôi được nhận giải thưởng Nonino ở Ý là nhờ các vị ở trong ban giám khảo (có 11 người cả thảy) đã đọc tôi qua bản dịch tiếng Anh của một người tên là Greg Lockhart nào đó ở Úc. Claudio Magris (một nhà văn, một người viết phê bình tiểu luận văn học hàng đầu ở Ý, một thành viên trong ban giám khảo, ‘người đi săn lùng các giải thưởng văn học’, người đã đề cử tôi cho giải thưởng Nonino) có nói với tôi đại ý rằng: ‘Tôi chỉ đọc ông có hai truyện nhưng tôi đã ‘ngửi’ thấy ở ông có điều gì đấy...’ Với bản dịch ‘Crossing the River’ của Dana Sachs và 10 người khác nữa ở Mỹ, Nguyễn Huy Thiệp đã bị ‘giết phăng’, ‘giết không kịp ngáp’ ở trong thế giới tiếng Anh... Đấy là một thực tế mà khi trao đổi với đại diện các nhà xuất bản có tên tuổi trong chuyến đi châu Âu vừa rồi tôi mới nhận ra..."
- Trưởng ban giám khảo giải thưởng trao cho ông lần này là một tác gia Nobel - ông Nailpaul, ông có ấn tượng gì về ông này khi tiếp xúc? Ông ta có tiết lộ cho ông biết tại sao ông ta chọn ông để trao giải không?
"Tôi gặp V. S Nailpaul khi ông đã già, khi ông đã thành công rồi. Trên thực tế, theo tôi V. S Nailpaul lúc này đã ‘bệt’ nhưng ông vẫn rất cố gắng. Ông chống một cây nạng nhỏ. Claudio Magris nói nhỏ với tôi: ‘Lão suy! Hãy cố lên!’. Trên khuôn mặt tinh thần của V.S Nailpaul, tôi khâm phục nhận ra ở ông có những phẩm chất thật phi thường, rất khó có những thế lực nào đó có thể hạ nổi ông - dù đó là tôn giáo, là chính trị, là tiền bạc, những lời thị phi đố kị, những trò chơi xấu bẩn thỉu... Tôi không giỏi tiếng Anh, tôi không nói chuyện được nhiều với ông. Xung quanh ông, lúc nào cũng rất đông người. V. S. Nailpaul luôn là trung tâm trong các bữa tiệc. Bữa đại tiệc trong lễ trao giải Nonino diễn ra trong ngày 26 tháng 1 năm 2008 có tới 600 khách dự..."
***
3. Nguyễn Huy Thiệp viết bằng thứ văn chương làm lạnh sống lưng người ta. Một người bạn của tôi kể rằng: "Anh kể cho em cảm giác này, đó là năm anh 17 tuổi, anh đọc Thương nhớ đồng quê trong cái thư viện của tỉnh Nghệ An. Hôm đó là một buổi chiều bọn anh được nghỉ học, và anh ngồi đọc một mạch. Xong rồi ngẩng lên, và thấy bứt rứt lắm, hình như cũng chảy mồ hôi nhiều vì mùa hè và thư viện chỉ có quạt trần ở tít trên cao. Lúc đó anh cứ thấy nghẹn trong ngực. Đấy, văn chương của ông ấy như bóp lấy tim người ta. Viết được như thế, thì ông ấy cũng tự bóp mình chứ còn gì".
- Ông thích ai nhất trong số những tác giả ông đã đọc?
"Nhiều, rất nhiều...nhưng có lẽ thích nhất là Phật vì Phật... không nói gì!"
- Ông lắng nghe cuộc sống bằng những cách nào? Những thói quen bình thường của ông? Ông có biết đến hàng xóm của mình không và hàng xóm của ông có biết ông là Nguyễn Huy Thiệp không?
"Nhà văn lắng nghe cuộc sống bằng nhiều phương tiện khác nhau. Anh ta phải sống. Tôi đã phải làm nhiều nghề... Cao diệu nhất cuối cùng vẫn là ‘quán âm’ (lắng nghe âm thanh ở trong lòng mình). Thói quen là thứ rất nguy hiểm, người ta thường quen với các thói quen xấu chứ ít khi quen với các thói quen tốt... Sao cô lại hỏi tôi về hàng xóm? Hàng xóm của tôi cũng biết sơ sài về tôi như tôi biết sơ sài về họ. Tôi đã viết ở đâu đó rằng: ‘Ai ai cũng là người khác...’"
- Thỉnh thoảng ông vẽ, người ta tò mò về một Nguyễn Huy Thiệp vẽ và dù tranh xấu hay đẹp, trên chất liệu gì thì tôi chắc rằng nó cũng có giá trị hơn khi biết đó là tranh của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Để hỏi ngược lại, danh phận nhà văn mang lại cho ông những gì đáng kể và lấy đi của ông điều gì lớn nhất?
"Vẽ không phải là sở trường của tôi. Đừng hỏi tôi về vẽ... Danh phận nhà văn mang lại cho tôi cuộc đời, lấy lại của tôi cuộc đời..."
- Ở Việt Nam cứ 20 phút lại có một người nhiễm HIV, cứ 15 phút có một người chết vì tai nạn giao thông. Văn học tham dự vào cuộc sống mới hiện đại đang phát triển như thế nào, giữ vai trò gì luôn là câu hỏi đặt ra cho mỗi người cầm bút. Là lời ông phát biểu khi nhận giải. Ông sẽ trả lời thế nào nếu đây là một câu hỏi dành cho ông?
"Tôi sẽ chẳng nói đâu".
- Hôm nay tôi đến đây để vinh dự nhận giải thưởng đặc biệt này, tôi không hy vọng viết lại được câu chuyện của ông ngoại tôi theo một kết thúc khác nhưng quả thật tôi cũng thích có những vị đạo sĩ vừa viết văn được, vừa có chăn ấm, vừa có mèo, vừa có bò, lại vừa có người đàn bà hạnh phúc của mình. Thượng đế anh minh vẫn ban cho cuộc sống rất nhiều phép màu không ai biết được! Ông có một cuộc sống gần giống với mơ ước, có gia đình có nguời vợ biết chiều chồng và viết văn được. Đó có là phép màu với ông chưa?
"Vâng, đấy là một phép mầu của Thượng đế. Đừng nghĩ mọi sự chỉ có một chiều, dân gian có câu ‘mặt nào ngao nấy’, lại có câu ‘mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh’..."
- Hồi trẻ ông có phiêu lưu không? Người ta nói viết văn cũng cần dấn thân và phiêu lưu. Ông thấy điều này có đúng với các nhà văn Việt Nam không?
"Hồi trẻ ai cũng phiêu lưu. Thế mới là tuổi trẻ. Cô không phiêu lưu à? Sao người ta hay nói về dấn thân? Dấn thân cái gì? Cần phải nhắc nhở các nhà văn, các văn nghệ sỹ và thanh niên nói chung dấn thân vào xã hội chứ không phải là một thứ dấn thân vu vơ, không mục đích. Tôi đã viết ở đâu đấy rằng: ‘Chúng ta phải có cả một dân tộc lương thiện, cả một cộng đồng lương thiện. Được như thế, nước ta còn hơn cả nước Pháp ấy chứ!’ Hình như đấy là một câu thoại trong vở kịch ‘Còn lại tình yêu’ mà tôi viết về Nguyễn Thái Học, một người mà bây giờ cũng ít ai còn nhớ nữa..."
***
Gặp Nguyễn Huy Thiệp, nói chuyện rồi được ông cùng vợ mời ăn một bữa cơm tối có dưa muối, canh cua rau cải, đậu rán, cá rán và có giò thủ vì đang là ngày Tết… với tôi cũng đã là một cuộc phiêu lưu ít nhiều hơi hướng của dấn thân. Có lẽ vì cảm giác hoang mang cứ bám riết lấy mình, vì sự bình an không thể có đến mức khó lý giải, vì dù có lúc thịnh suy thì tôi vẫn phải tin sự có mặt của Nguyễn Huy Thiệp trên cõi đời này đã được chính Chúa chọn, để "hành văn chương"!