Khi rời trang sách giáo khoa của thời phổ thông, tôi vẫn chưa biết một Nguyễn Trung Thành đã cho cả lũ học sinh thời ấy bàng hoàng với mỗi trang viết trong "Rừng xà nu" là ai. Rồi đến bộ phim "Đất nước đứng lên" dựa theo tiểu thuyết của Nguyên Ngọc khi ấy đã như một trường ca mới của Tây Nguyên. Nhà văn Nguyên Ngọc không chỉ có vậy, Nguyên Ngọc còn là dịch giả, nhà nghiên cứu, nhà văn hóa...
***
Tây Nguyên - kỳ lạ mỗi ngày
- Sau "Đất nước đứng lên" và "Rừng xà nu" dường như mạch sáng tác với cảm hứng Tây Nguyên của ông chững lại? Tại sao ạ?
"Không, mạch sáng tác của tôi với cảm hứng Tây Nguyên chưa hề và chắc sẽ chẳng bao giờ dứt, tất nhiên chừng nào tôi còn viết. Chỉ có điều tôi đang tìm cách viết khác đi. Rất gần đây một cuốn sách của tôi đã ra đời, trong đó hơn một nửa là viết về Tây Nguyên, với tên chung ‘Những chiều kích của rừng’. Có lẽ viết bây giờ với ngày càng nhiều ưu tư hơn. Có thể do tuổi tác một phần, phần khác do những gì mình từng mong ước cho Tây Nguyên cứ như ngày một khó khăn hơn".
- Ông giống hơn cả là một người con Tây Nguyên, có lẽ bởi ảnh hưởng không nhỏ của một thời gian dài trong chiến tranh ông đã sống với đồng bào. Thực chất, những gì của đồng bào đã ám ảnh ông nhất?
"Có vô tận những điều để nói về Tây Nguyên, đất nước và con người Tây Nguyên, những con người mà bạn gọi là ‘đồng bào’. Có lẽ suốt đời tôi sẽ còn mãi mãi cố gắng giải thích, trước hết là cho chính tôi, về những chiều sâu kỳ lạ của con người ấy. Chẳng hạn như điều này: bạn có biết người Tây Nguyên quan niệm thế nào là một người giàu không? Theo họ một người giàu là một người cho được những người khác nhiều nhất, chứ không phải chiếm được về mình nhiều nhất. Chính Georges Condominas đã phát hiện và nói đến điều đó. Sống lâu dài ở Tây Nguyên tôi cũng nhận ra điều đó. Nói cho cùng, mục đích sống ở đời là sống thế nào cho có hạnh phúc. Vậy về quan niệm giàu nghèo, hạnh phúc và đau khổ, giữa ‘đồng bào’ Tây Nguyên và những người Kinh tự xưng là văn minh chúng ta ai đã thật sự văn minh hơn ai?... Vậy mà điều vừa nói trên chỉ là một trong vô số điều kỳ lạ có thể tìm thấy ở ‘đồng bào’ Tây Nguyên. Condominas có một cuốn sách được đặt tên rất hay: ‘Kỳ lạ mỗi ngày’ (L’exotique est quotidien). Ở đây cái kỳ lạ, kỳ diệu có thể bắt gặp thường nhật, tất nhiên nếu ta biết đến với Tây Nguyên bằng một tình yêu đầy sự kính trọng chân thành. Jacques Dournes, một linh mục từng đến sống lâu dài ở Tây Nguyên và cuối cùng bỏ đạo, ‘quy y’ theo ‘đạo’ Tây Nguyên, đã viết: ‘Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu’. Tôi còn muốn nói thêm: Để có thể hiểu và yêu, thì trước hết phải chân thành kính trọng, kính trọng sâu sắc vùng đất và người tuyệt diệu ấy. Tôi viết suốt đời để mong ‘truyền bá’ đôi chút lòng kính trọng đó".
- Có lần ông nói: "Chúng ta nợ đồng bào nhiều lắm". Xin ông giải thích rõ hơn về câu nói này?
"Riêng tôi, tôi nợ đồng bào Tây Nguyên bài học sâu xa về lẽ sống ở đời. Tôi sẽ còn cặm cụi viết mãi về họ để mong trả ơn được phần nào. Và làm tất cả những gì có thể, dù nhỏ nhất, cho sự phát triển bền vững, tốt đẹp của bà con Tây Nguyên. Tôi thật sự rất lo lắng cho Tây Nguyên hôm nay trong cơn sốc của hiện đại hóa tất yếu".
***
Còn khi tôi nói chúng ta còn nợ đồng bào nhiều lắm, tôi không chỉ nói về đồng bào Tây Nguyên. Tôi nói về những người mà chúng ta vẫn gọi là "nhân dân". Tôi đã đi qua cả hai cuộc chiến tranh, và tôi hiểu sự hy sinh của nhân dân, nhân dân vô danh, là vĩ đại đến chừng nào để chúng ta có được ngày hôm nay. Vậy mà bây giờ chính họ dường như bị bỏ quên trong phát triển. Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu có ai đó trở về những làng quê đã bảo bọc nuôi dưỡng mình trong những ngày gian khó của chiến tranh mà không thấy mình còn rất nặng nợ với đồng bào. Cho tôi nói thật nhé: Sau chiến tranh, chúng ta liền quên dân! Mọi hư hỏng chính là bắt đầu từ đấy.
Ta thường hay bị đuối sức sớm
- Sự phát triển của kinh tế đã đem lại một cuộc sống văn minh, no đủ nhưng đồng thời nó cũng đang lấy mất những gì trong cuộc sống của người Việt để ông đã đau lòng đến mức nói rằng "thực trạng văn hóa đang xuống cấp?"
"Tôi không cho rằng phát triển kinh tế khiến ‘văn hóa xuống cấp’, thậm chí có thể trái lại là khác. Hoặc ít ra phát triển kinh tế không hề mâu thuẫn gì với giữ vững và nâng cao văn hóa đạo đức. Sự xuống cấp về văn hóa có những nguyên sâu xa và lâu dài hơn nhiều, nằm trong những quan niệm cơ bản về con người và xã hội mà chúng ta đã duy trì một cách giáo điều qua nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn dài. Đây là một đề tài lớn và nghiêm trang, nghiêm trọng mà tôi mong sẽ có dịp trở lại".
- Văn học Việt Nam "thời của ông" dường như chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa dân tộc cũng như những biến cố thời cuộc, văn học đương đại lại chịu nhiều hơn ảnh hưởng của hơi thở cuộc sống và thường là không biên giới. Ông đọc họ không? Và ông nghĩ gì nếu làm phép so sánh giữa hai thế hệ?
"Một là tôi cảm thấy tôi vẫn hoàn toàn là con người của thời này, tôi sống đầy đủ với hôm nay. Hai là nếu có một văn học Việt Nam ‘thời của tôi’ thì văn học ấy cũng đầy ắp hơi thở cuộc sống chứ, hình như hơi quá nhiều nữa là khác! Đương nhiên, những điều kiện của cuộc sống và do đó những điều kiện của văn học đã khác rất nhiều. Tôi chăm chú đọc các tác giả hôm nay, tôi ủng hộ các tìm tòi mới của họ, cả những phá phách để cố tìm những con đường mới, dù biết rằng bao giờ cũng vậy, chẳng dễ gì thành công, định hình được ngay. Thường là một nghìn người tìm mới mong có được một người thành công. Nhưng cũng chính vì vậy mà cần có một nghìn người tìm. Đã gọi là tìm tức là chưa biết nó ở đâu cả, biết rồi thì còn tìm làm gì. Tôi phản đối mọi cái gọi là ‘định hướng’, anh là gì mà anh đòi định hướng cho người ta. Và anh biết ‘hướng’ rồi thì thôi dẹp hết mọi người khác đi cho xong! Ở ta có một điều rất lạ: ai đó được đưa lên một chức tước, một vị trí nào đó thì bổng tự thấy mình sáng suốt hơn mọi người, trong mọi lĩnh vực, đi đến đâu cũng đầy tự tin răn dạy mọi điều, cho mọi người, dạy cả nhà văn phải viết văn như thế nào! Tôi nhớ anh Trần Độ có lần nói với tôi khi tôi về làm bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn, anh ấy bảo: Trong nghệ thuật muốn có đỉnh cao mới thì phải có trường phái mới. Tôi cảm phục tư tưởng và nhân cách đó của một người lãnh đạo. Quả hiếm người có chức quyền hiểu và nói được như vậy. Tôi nghĩ những người cầm bút hôm nay, dù rất khiêm tốn, cần có tham vọng tạo được trường phái mới của mình, để vươn đến đỉnh cao mới. Đối với văn học hôm nay, tôi chỉ mong hai điều: tạo cho được một không gian tự do thật rộng rãi cho mọi tìm tòi, dẹp đi được những tiếng la ó báo động vớ vẩn của những kẻ đứng bên đường. Đồng thời những người cầm bút hôm nay phải cố gắng hết sức tạo được cho mình một cái nền về văn hóa thật vững chắc để có thể tìm và đi xa. Hình như xưa nay ta vẫn có một căn bệnh cố hữu là không đi được thật xa. Ta thường hay bị đuối sức sớm".
Tài năng lớn thường "lừ lừ" xuất hiện
- Khi dịch một số tác phẩm nước ngoài, ông tìm kiếm điều gì? Sự đồng cảm văn chương hay cao hơn là ý nghĩa, những triết lý về cuộc sống vượt ra khỏi tầm của một tác phẩm văn học?
"Tôi rất ít dịch các tác phẩm văn học hư cấu. Vừa qua tôi chủ yếu tập trung dịch một số tác phẩm lý luận văn học, chọn dịch một số cuốn thật cơ bản (như của J.P. Sartre, R. Barthes…) và một số cuốn đề cập đến những xu hướng mới (như của M. Kundera). Tôi cho rằng để hỗ trợ cho những bước tìm tòi và tiến tới của văn học ta hiện nay những tác phẩm lý luận như vậy là rất quan trọng. Nhân đây cũng xin được nói thêm điều này: tôi rất tiếc nhiều anh em cầm bút trẻ bây giờ không mấy quan tâm đến việc đọc các tác phẩm về vật lý hiện đại. Nó gần, ‘trùng’ với triết học một cách kỳ lạ, và sẽ gợi ý rất nhiều cho người viết, giúp ta nhìn cuộc sống với những chiều kích sâu sắc đến bất ngờ. Thậm chí có thể nói, không thể làm một con người hiện đại mà không biết đến những khám phá kỳ lạ của vật lý hiện đại. Theo một cách nào đó có thể nói, văn học ngày nay còn lâu mới đuổi kịp sức tưởng tượng và sáng tạo của vật lý hiện đại… Tôi cũng dịch một số tác phẩm nghiên cứu quan trọng về Tây Nguyên, vì thấy quá cần, không chỉ cho những người nghiên cứu mà cả cho những người đang cầm quyền hiện nay trên vùng đất này. Phải nói rằng người Pháp đã để lại nhiều công trình nghiên cứu vô giá về Tây Nguyên. Tôi rất lo, lực lượng dịch tiếng Pháp ở ta đang ngày càng mỏi mòn".
- Ông đã từng được coi là người có công tìm ra một Nguyễn Huy Thiệp. Ông có thể kể lại câu chuyện còn nhiều "bí ẩn" này được không ạ?
"Tôi không có công ‘tìm ra’ Nguyễn Huy Thiệp. Khi tôi về báo Văn Nghệ thì Nguyễn Huy Thiệp đã đến đó rồi, chỉ có điều người tiền nhiệm của tôi không dám in anh. Tôi ủng hộ việc in anh. Rồi tiếp tục in những tác phẩm rất đa dạng của anh, kể cả những tác phẩm ‘gay cấn’ như Kiếm sắc, Vàng lửa… Nguyễn Huy Thiệp là một tài năng lớn, một tài năng như vậy chẳng cần nhờ ai ‘tìm ra’, họ lừ lừ xuất hiện và chiếm lấy văn đàn. Tôi - và báo Văn Nghệ thời bấy giờ - chỉ làm mỗi việc: mở rộng cửa cho tài năng ấy nhanh chóng khẳng định, giúp đánh dạt đi những cản trở; và tạo thêm điều kiện cho một cây bút như vậy không chỉ là một hiện tượng đơn độc, mà tạo ra một trào lưu".
"Lúc bấy giờ có hiện tượng thú vị này: Nguyễn Huy Thiệp đến, và tất cả những người cầm bút, kể cả những người không ưa anh, phản đối anh, đều thấy không thể viết như trước được nữa. Phải thay đổi. Còn có thay đổi được hay không, thay đổi được đến đâu là tùy sức của mỗi người. Nghĩa là với Nguyễn Huy Thiệp đã diễn ra một bước ngoặc quan trọng của văn học. Tôi và báo Văn Nghệ thời ấy đã may mắn được đứng ở trung tâm của bước ngoặc, của xoáy nước lớn ấy (Mà ở trung tâm như vậy thì cũng rất dễ sứt đầu mẻ trán! Cho nên còn có vấn đề có dám hay không?)".
- Cơ hội nào cho những cây bút tài năng còn đang chưa phát lộ? Việc in sách tràn lan và dễ dãi như hiện nay dường như lại không đúng là cơ hội khi mà độc giả đang thực sự lạc giữa mê hồn trận của sách?
"Sách in như thế này thì đã có gì mà gọi là tràn lan và dễ dãi. Tôi thấy gần đây tỉ lệ sách hay đã nhiều lên đáng kể. Và người thật sự có tài năng thì không sợ bị lút trong quá nhiều sách. Một người có tài thì không khi nào lại đi yêu cầu dẹp bớt người người khác mình coi là linh tinh đi để cho mình xuất hiện. Và ai đi dẹp? Chẳng lẽ nhờ nhà nước hay ban này ban nọ đi dẹp sao? Cơ hội của anh là ở tài năng của anh. Vả chăng cũng đã bắt đầu có những tổ chức giới thiệu sách đáng tin cậy như sashhay.com, những tổ chức xuất bản với vai trò ngày càng mạnh mẽ của tư nhân tạo được uy tín và lòng tin của người đọc".
"Không nên nói là hiện nay in sách quá dễ dãi. Bạn không thấy sao, còn khối rào cản, hữu hình và vô hình, cả vô lý, vô luật nữa đấy. Hôm nọ trong một hội thảo chị Lý Lan có nói một ý rất hay: thật vô lý là bất cứ người lao động nào cũng có quyền trực tiếp tự bán sản phẩm của mình, một người nông dân tự bán lúa, một người thợ mộc tự bán bàn ghế… anh ta làm ra; chỉ có một người lao động duy nhất là nhà văn lại không có quyền trực tiếp tự bán sản phẩm của mình, tại sao vậy? Hóa ra vô lý sờ sờ thế mà lâu nay ta chưa hề nghĩ đến!.. In ấn ở ta còn khó lắm, bạn ạ, đừng kêu gọi người ta làm khó hơn nữa!"
Nếu chỉ quan sát và phán, tôi thấy bất lương thế nào ấy
- Là một nhà văn, ông tham gia vào cuộc sống thường nhật với tâm thế nào? Như một công dân tự thấy mình có trách nhiệm với cuộc sống hay như một người quan sát?
"Tôi đã nhiều lần nói: tôi có thói quen không thể ‘tham dự’. Tôi không đi ‘quan sát’. Người ta vật lộn sinh tử trong cuộc sống, trả giá cao cho từng bước dấn tới, còn mình thì chỉ đến ‘quan sát’ và phán, tôi thấy ‘bất lương’ thế nào ấy. Lúc nào, đến đâu tôi cũng tham gia, như người trong cuộc, với tất cả trách nhiệm. Thời chiến tranh đã vậy, bây giờ cũng vậy".
- Dường như gần đây thấy ông ở rất nhiều hội thảo. Nếu ông biết họ mời ông vì muốn làm sang cho tên tuổi hoặc tầm cỡ cho hội thảo đó, ông có nhận lời không ạ? Thường thì lời mời nào ông sẽ từ chối?
"Tôi chỉ nhận lời đến những hội thảo bàn về những vấn đề tôi có hiểu biết và thấy thật sự có ích. Tôi muốn đến để chinh phục những người khác về những ý tưởng của tôi. Tên tuổi tôi cũng chẳng có gì ghê gớm để tăng tầm cỡ cho bất cứ nơi nào đâu. Tôi không có ảo tưởng đó".
- Ông gắn bó với Tây Nguyên bằng một mối thâm tình của quá khứ, còn hiện tại, và tương lai, ông sẽ gắn bó với Tây Nguyên bằng cách nào ạ?
"Tôi cùng một số anh chị em đang có kế hoạch giúp đào tạo một lớp trí thức mới cho Tây Nguyên, điều kiện chúng tôi cho là có tính quyết định đối với sự phát triển ổn định, bền vững của Tây Nguyên trong hiện đại hóa tất yếu mà gay gắt hôm nay. Hóa ra bây giờ công việc rất nhiều và rất bận hơn hồi ‘quá khứ’!"
- Trí thức Việt đang trong trạng thái nào với mỗi thay đổi liên quan đến vận mệnh đất nước?
"Họ mong tiếng nói trung thực của họ được lắng nghe. Và họ có được điều kiện quan trọng nhất để cống hiến: tự do tư tưởng thật sự".
- Ông mong muốn gì cho mình, hiện tại và tương lai?
"Còn đủ thời gian vật chất để làm được bao nhiêu điều mình vẫn ấp ủ, thấy cần quá, muốn làm và cảm thấy có thể làm được".
- Cảm ơn ông.