Tôi gặp Nguyễn Ngọc Tư lần đầu tiên trong một bữa ăn tối, cô bất ngờ có mặt như một "món đặc sản" không báo trước của chủ nhà dành cho chúng tôi. Tư giản dị, chu đáo như một người bản địa mến khách, biết khách lạ lẫm cái gì để mà giới thiệu. Lần thứ hai gặp lại là chặng dừng chân cuối của một chuyến đi trong dự án "Mekong Delta", Tư bây giờ trắng hơn, rạng rỡ và xinh hơn một năm trước. Thời gian có lẽ đã không quá khắt khe với cô nhà văn "gái một con" của vùng đất mũi...
***
Sau những sự cố mà lời đồn thổi và báo chí đưa tin còn nhiều hơn những gì nhân vật chính được quyền phát ngôn, Nguyễn Ngọc Tư vẫn sống bình lặng ở vùng đất như một ốc đảo của riêng mình. Chẳng bao giờ có ý định đi đâu, làm gì xa xôi hơn, Nguyễn Ngọc Tư thanh thản với cuộc sống của một cô nhân viên văn thư của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Tư cười thản nhiên "Vì Tư thích nghề này, thích công việc này, tại sao không nhỉ?" Và tại sao lại phải thay đối theo cái cách người ta hay gọi là cầu tiến khi với vị trí hiện tại, Ngọc Tư có thời gian dành nhiều cho văn chương, cho những khát khao thầm lặng chỉ cháy bí mật trên trang viết của riêng mình. Có hai người đàn ông gần với chị nhất là chồng và con trai thì cả hai người đó đều chưa bao giờ đọc văn của chị. Đó là may mắn hay nỗi buồn cho người đàn bà đã trót bị ngôi sao văn chương chiếu mệnh này?
Hẹn Tư ăn tối, tôi nhận được tin nhắn "Mình không đến được, ông chồng mình trốn đi nhậu mất tiêu. Mình không dám cho thằng nhỏ theo, nó nghịch lắm. Mình sợ nó chết cha. Thôi để mai gặp vậy!" Chồng của Ngọc Tư là một người thợ bạc vùng sông nước, con trai mới 5 tuổi, đã biết bắt nạt mẹ thật nhiều đến mức mỗi khi Tư đón con đi học về là chỉ mong có chồng ở nhà để yên tâm có người trị được thằng nhỏ bởi "nó không sợ mẹ bao giờ". Gia đình nhỏ ấy của Tư sống trong một căn nhà tạm trên một miếng đất tạm ven sông chẳng biết bao giờ thì sẽ bị giải tỏa. "Nhà tôi nằm ngang chợ phường, quay lưng với sông, ngửa mặt đón bụi đường, trong nhà không lúc nào ngớt tiếng xe, tiếng tàu chạy. Tôi ngồi viết văn ở đó, giữa tiếng động chói gắt khủng khiếp của tàu xe, tiếng nhạc nhùng nhằng của xe kẹo kéo, tiếng những người đàn bà từ bên chợ cá cự cãi nhau" (Một mái nhà - NNT)
Thế nên tôi tin ngay khi Tư cười cười bảo tôi bây giờ cô yêu nhất tiền, viết nhiều mà thích nhất là khi nhận được nhuận bút vì Tư đang gom tiền để sẽ cùng chồng mua một mảnh đất của mình, rồi xây nhà, chấm dứt một cuộc sống không trên thuyền mà bấp bênh hơn trên thuyền dù cuộc sống ấy đã cho Tư những câu văn như vắt ra từ thương yêu "Ở một vùng đất heo hút nào đó, nửa đêm thức dậy, nghe tiếng gà gáy, tiếng con chim kêu thảng thốt, gió ngào ngạt hương hoa bưởi, hoa cau, tôi nhớ tổ ấm của mình… Tôi chân thành cảm ơn những cuộc đi xa, nó làm cho tôi biết nhớ nhà, ờ, miễn là nhà của mình, thôi thì, sao cũng được". (Một mái nhà - NNT)
Nói chuyện với Tư không "dễ" vì cô rất hay bật lại người hỏi bằng một câu hỏi ngược vặn vẹo và nếu không cân bằng được sự bình thản với cô, bạn sẽ ngay lập tức rơi vào trạng thái bị động và bối rối. Tư nói thẳng, gặp khách chưa quen sợ nhất là nghe nói chuyện văn chương, mà chỉ thích nghe nói chuyện đời. Tôi đâu định vượt mấy trăm cây số từ Sài Gòn xuống tận cùng đất mũi này để ngẩn ngơ nhận ra trước Tư tôi mới là người không hạnh phúc?
- Nhìn Nguyễn Ngọc Tư, thấy ngay Tư có vẻ là một người cân bằng được với cuộc sống thực. Nhưng sao dường như Ngọc Tư cứ vẫn buồn tái tê đến vậy?
"May quá, bạn là nữ, nếu không… Tôi đã có cảm giác… yêu ngay. Nhưng thật lạ, bạn y như một số người trước đây vì họ cũng đã phát hiện ra ngay: Tôi. Họ nhìn thấy đằng sau cái cười của tôi là nỗi buồn dù chỉ một lần gặp mặt. Có điều, tôi không ‘tái tê’, tôi buồn, rảnh thì nuôi buồn, vậy thôi".
- Nhưng mà theo Tư, sống ở trên đời, làm phụ nữ hơn hay làm đàn ông hơn? Viết văn hơn hay không viết văn hơn?
"Vậy thì tôi phải trở thành… đàn ông một lần thì mới so sánh được làm đàn ông tuyệt hơn hay phụ nữ tuyệt hơn. Nhưng tôi biết viết văn là một lựa chọn khó, đầy nhọc nhằn, nặng nề, dằn vặt".
- Và Nguyễn Ngọc Tư có "ảnh hưởng vô thức", "đồng cảm giới tính" nào không vậy, trong số các nhà văn nữ Việt Nam? Tư thích ai nhất và tại sao? Câu hỏi cũ quá không?
"Nhưng câu trả lời không cũ, thật ra ở mỗi giai đoạn tôi lại thích những người khác nhau. Bây giờ thì tôi đang rất thích đọc Lý Lan, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Minh Ngọc…"
***
Sao tôi cứ tò mò với những ngờ vực rất riêng tư, trong xã hội Việt Nam, nhà văn thường thì vẫn được dư luận quan tâm và phần nhiều tôn trọng. Nhưng không ít người vẫn cho rằng, nhà văn thuộc về một thế giới kỳ kỳ thế nào đó, chẳng hạn họ có xu hướng viết ra những điều mà người thường chỉ muốn lờ đi. Như chuyện tình dục, ham muốn, những vết thương sâu kín, thậm chí cả chuyện đến tháng có kỳ "trời hành" của phụ nữ… Một thái độ như thế có tồn tại nơi những người thân xung quanh Tư không nhỉ? Như anh chồng của Tư chẳng hạn? Không đọc văn của vợ, nhưng biết vợ viết văn và giả sử nếu một ngày đẹp trời nào đó, anh ấy vớ lấy một cuốn sách của Nguyễn Ngọc Tư rồi đọc hết. Đọc hết rồi, sẽ nhìn vợ mình ra sao?
- Sẽ là… kỳ kỳ không hả Tư?
"Ngay cả khi bạn không viết những cái đó thì bạn vẫn… kỳ kỳ, một khi bạn là một nhà văn. Ở vùng đất mà tôi ở, viết văn là một nghề hơi… quái đản, không giống ai. Và tôi rất sợ ánh mắt ngờ ngờ, xa lạ của người khác khi tôi tự giới thiệu công việc mình làm. Nhiều khi tôi còn thấy kỳ thị chính mình, ủa, sao mình không làm nghề gì khác mà lại viết văn chi cho cực thân?"
***
Tôi là phụ nữ, mỗi lần có dịp đi qua vùng Đồng Tháp Mười, thấy cái mênh mông của nó đúng là vừa buồn bã, vừa gợi lên những cảm giác đầy e dè, thậm chí là nguy hiểm. Tôi cứ tự hỏi làm sao có thể có được một trạng thái tin rằng mình an toàn ở đây và hoang mang có phải các nhân vật nữ của Tư hình như cũng có cảm giác đó? Gió ở đây như gió quá, sóng ở đây như sóng quá. Và cái mênh mông đến hoang hoải của sông nước bao giờ cũng gợi một nỗi bất an. Các nhân vật nữ của Ngọc Tư sống mà như trôi trên sóng nước. Số phận dường như bao giờ cũng phụ thuộc vào một thế lực nào đó, và nếu có ai lỡ chống chọi hay nổi loạn thì cái giá phải trả chẳng dễ chịu chút nào. Thêm nữa, có phải chăng thường thì nguy hiểm đến từ chính những người đàn ông…
- Tư có thấy thế không?
"Nguy hiểm chính từ ý nghĩ mình là phụ nữ. Điều đó làm người đàn bà tranh đấu nửa vời, phản kháng nửa vời, sống nửa vời, vì nghĩ, mình là phụ nữ nên chỉ đến đấy là được rồi, mình là phụ nữ nên sống được như thế này là may. Đàn ông chỉ chờ có vậy, chẳng tốn công gì. Mà, bạn có ‘giận hờn’ gì với đàn ông sao mà kết tội họ ghê vậy ? Tôi thấy họ dễ thương lắm mà, đôi khi, nguy hiểm cũng đến từ người phụ nữ… với ngay cả phụ nữ chứ không riêng với đàn ông!"
***
Cái nhân quan đàn bà, tâm thế đàn bà - tâm thế nạn nhân - khi quan sát mọi chuyện đã làm cho văn của Nguyễn Ngọc Tư vừa có một vẻ buồn thương và quả thật "lấy được nước mắt", tôi đọc, tôi thấy được chia sẻ rất nhiều (vì tôi cũng là nạn nhân chăng?)
- Tuy thế, Tư có cho rằng cái tâm thế "nạn nhân" đó làm cho văn của mình yếu đi không?
"Tôi không quan tâm văn mình yếu hay mạnh, chỉ nghĩ, những trang viết này có làm mình xấu hổ không, có đi vào lòng người không, có khiến người ta nhớ không?"
- Có một nữ nhà văn Áo - giải Nobel văn chương năm 2005 tên là Elfriede Jelinek cũng viết về "thân phận bị nhục mạ" của phụ nữ. Ngọc Tư có đọc bà ta không? Nếu có đọc, Tư có thông cảm được với thái độ dữ tợn, cái nhìn trần trụi thậm chí cay nghiệt trong văn chương của bà ta không?
"Có lẽ cái cách cảm nhận văn của tôi khác nên tôi không cảm thấy bà viết về ‘thân phận bị nhục mạ của phụ nữ’, cũng có thể tôi đọc ít quá, nhưng tôi nghĩ bà cay đắng, mỉa mai, cười cợt người phụ nữ nhiều hơn. Không hiều sao tôi cảm giác bà rất thất vọng về những người phụ nữ tự làm mình tầm thường, nhỏ nhoi, hèn mọn. Hình như trong số họ, có… tôi".
***
30 tuổi, chưa phải là già nhưng cũng trải qua quá nhiều điều với nhân danh một người phụ nữ. Nguyễn Ngọc Tư đã có một tài sản yên ổn như bất cứ một phụ nữ Việt Nam bình dị nào là chồng - con. Thêm một tài sản văn chương cho riêng mình. Tư nói cô thích chơi với đàn ông hơn phụ nữ, đến mức chồng cô còn thắc mắc sao điện thoại toàn "anh" không à? Cô bảo vì sợ sự nhiều chuyện, đủ nhức đầu rồi, đàn ông nhậu hay lắm, đàn ông miền Tây càng khoát đạt, giản dị. Làm bạn với họ an toàn và ít mệt mỏi.
- Bây giờ, Nguyễn Ngọc Tư sợ nhất điều gì trong cuộc sống?
"Nghe hơi giống câu hỏi trong mấy cuộc thi… hoa hậu (cười). Tôi sợ mất mình, sợ lạc mình ở một nơi mà cả đời không tìm lại được. Tôi còn sợ mình… già".
- Văn chương là một nghề khắc nghiệt, thường nó đòi hỏi người viết sự tập trung cao độ, đôi khi là toàn bộ năng lượng sống cho những phút thăng hoa trên trang viết. Nhà văn sau những phút như vậy thường rơi vào trạng thái kiệt sức, thậm chí là sợ hãi. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã bao giờ ở vào trạng thái đó chưa?
"Đôi khi. Nhiều lúc thấy chữ là mình sợ, gặp người nói chuyện văn chương mình sợ, nghe nhạc (có lời) cũng sợ, lúc đó tôi chỉ xem phim, nhưng phim có phụ đề cũng sợ luôn".
- Đã bao giờ có người khuyên Tư đừng theo nghề viết văn, vì đó không phải là lĩnh vực của phụ nữ chưa?
"Ủa, viết văn mà cũng ‘cơ cấu’ giới tính sao trời ? Tôi tưởng quan trọng là văn hay hay không, nữ với nam thì mắc mớ gì. Nghề viết, dù nam hay nữ thì độ bất trắc, sự rủi ro, sự cô đơn nặng nề cũng như nhau. Tôi thấy chẳng khác biệt gì lớn lắm. Chỉ là… thí dụ nghen, tôi viết xong phải nấu cơm, chăm sóc con thì anh nhà văn X nào đó vừa viết xong ảnh đi… nhậu. Nhưng tôi chẳng lấy đó làm buồn, sống trong thế giới phụ nữ, rất dễ nuôi cô đơn để viết".
- Thường người ta viết văn vì người ta tin rằng mình có tài, còn Tư, có thấy như vậy không?
"Tôi viết văn vì tin rằng mình không có khả năng làm nghề khác (cho đến giờ phút này)".
***
Không hiểu sao tôi bị ám ảnh bìa cuốn sách "Nước chảy mây trôi" mà Vũ Đình Giang vẽ cho Tư. Đó là dáng người đàn bà cong mình che chở cho một doi đất với những mầm cây khắc khoải sống. Người ta đã từng trách Tư viết sao mà ác, Cà Mau có những nhân vật và cuộc sống khắc nghiệt đến thế không? Nhưng cảm giác của Vũ Đình Giang mới giống cảm giác của tôi, Tư là người yêu vô cùng mảnh đất của mình, yêu đến mức lúc nào cũng muốn che chắn, muốn bao bọc bằng tình yêu có lẽ chỉ có thể gọi là bản năng mẫu tử của thiên phú.
- Tôi hay nói đùa "Ngọc Tư là đặc sản của Cà Mau", nhưng cũng đọc được trên mạng có người đã viết "Ngọc Tư là đặc sản Nam bộ", còn Tư thì sao? Món đặc sản ấy có muốn là đặc sản không? Và nó sẽ mang những đặc tính gì vậy?
"Một món đặc sản thường mang đặc điểm, vùng này thích hay người này thích nhưng vùng khác, người khác không thích. Về mặt này tôi thấy mình hơi giống… đặc sản. Nghĩa là không cần chiều chuộng khẩu vị của tất cả mọi người, tôi sống với tất cả những gì tôi có".
- Môi trường tỉnh lẻ (xin lỗi Ngọc Tư vì dùng chữ này rất dễ làm một người không sống ở thành phố như Tư không khỏi chạnh lòng) thường thì không có lợi cho người viết văn, vì nghề này tuy thế cũng đòi hỏi phải đọc nhiều, tiếp xúc nhiều, nhất là với những người ưu tú, những tinh hoa của xã hội… Tư có thấy thiệt thòi khi sống và viết ở một nơi quá xa như Cà Mau không?
"Tôi thấy tuyệt, cho đến bây giờ, tôi yêu nơi này không phải vì một vài người nào đó (và không thể vì một vài người nào đó mà tôi bỏ đi). những điều tiếng, dư luận, những lời đàm tiếu luôn đến với tôi rất chậm, có khi một, hai năm, và nhờ điều đó, tôi thản nhiên đi tới. Thật tình, tôi cũng không hăng hái trong việc tiếp xúc những người ưu tú, những tinh hoa của xã hội bởi tôi rất… thiếu i-ot, gần họ, tôi thấy mình như bị rớt lại ở một thế giới khác. Tôi không tự tin. Tôi mặc cảm".
- Sau bao năm theo đuổi nghiệp viết, đạt được không ít thành công và cũng nhiều phen bầm dập. Nguyễn Ngọc Tư thấy điều gì đáng kể nhất mà mình nhận được từ văn chương, và điều gì khiến Tư thấy tiếc nhất - vì đã dấn thân vào nghề này?
"Điều tôi tiếc nhất là đánh mất sự thanh thản tự do. Điều thứ hai cũng là sự thanh thản tự do. Điều thứ ba, thứ tư hay thứ n cũng vậy".
- Nguyễn Ngọc Tư của thời - chưa nổi tiếng, thời - nổi tiếng và thời - sau nổi tiếng có gì khác và giống với một Nguyễn Ngọc Tư như Tư nghĩ về bản thể của mình?
"Thế bạn nghĩ tôi đang ở thời nào ? Tôi chỉ thấy có có sự khác biệt giữa nhỏ Tư viết văn và nhỏ Tư không biết văn chương là gì, giữa Tư 20 và Tư 30 tuổi. Và tôi làm gì, ở đâu, tuổi nào thì tôi vẫn chưa xa mình".
***
Niềm vui thường ngắn, nỗi buồn thì dài... nói như Nguyễn Ngọc Tư thì dường như tất cả những cảm giác đó là do cái đầu mình mà ra. Nên Tư yên ổn với một cuộc sống 4h chiều về nhà cơm nước, cho con ăn, đi chơi vui mấy cũng không về quá 10h đêm, dù có thể chỉ để chồng yên lòng mà hôm sau… đi tiếp. Nguyễn Ngọc Tư yêu mảnh đất này một cách thản nhiên, và cũng thản nhiên như vậy với bất kỳ điều gì đang xảy ra xung quanh, hỏi gì cũng cười, cũng hơi châm biếm và chế giễu được. Mưa mãi suốt chiều, ngồi sau xe gắn máy của Tư về khách sạn, tôi thấy muốn khóc thương mình quá. Vì cứ như chợt nhận ra cuộc sống mà tôi đang chọn mới đầy bất an. Đã biết mà không tránh được, nếu có một ông thợ bạc nơi vùng sông nước, một đứa con biết bắt nạt mẹ và sợ ba, một công việc đủ để qua mỗi ngày dài, tôi biết mình cũng từ chối sự yên ổn đó. Có phải vì tôi không có một tâm thế đủ hẹp mà yên phận, đủ rộng mà chở che, như Tư?