Chu Lai là người nổi tiếng. Nổi tiếng từ cái thuở Nắng đồng bằng cách đây tròn 30 năm đến Đêm tháng hai, Gió không thổi từ biển, Vòng tròn bội bạc, Bãi bờ hoang lạnh, Ăn mày dĩ vãng, Phố, Ba lần và một lần, Cuộc đời dài lắm... Anh viết về chiến tranh và thời hậu chiến, để con phố Lý Nam Đế bước vào tiểu thuyết của anh thành tên gọi Phố nhà binh như một điển tích, và còn nhiều điều khác để chờ đợi ở những câu trả lời. Phỏng vấn nhà văn không bao giờ dễ, vì họ vốn là phù thủy của câu chữ. Thì cứ xem, Chu Lai ở lần xuất hiện này, nói những gì?
***
Tôi đã mấy phen suýt tan xác pháo
- Người đàn ông trải qua trận mạc như anh giống như có một nền tảng quá "oách" để bắt đầu với bất cứ việc gì ở đời. Nói thế có thiệt cho những người đàn ông không-trận-mạc không nhỉ?
"Một khi đã trải qua trận mạc, toàn thân, đầu óc, linh hồn anh như bị xé rách tơi tả, đến nỗi nhiều khi anh muốn quên đi để hòa nhập với đời thường nhưng lại rất khó hòa nhập. Thông thường người lính không kịp chuẩn bị gì cho hòa bình nên khi nó đến, hầu hết đều ngơ ngác, vụng về, va vấp và một số lớn bị đào thải. Vậy thì oách cái nỗi gì. Riêng tôi, chiến tranh đã quá tải, bây giờ ngồi vào bàn làm động tác tái hiện nó còn quá tải, cô đơn, nhọc nhằn, kinh khiếp hơn chứ có lúc nào được thảnh thơi mà nhấm nháp sự khoái trá mình đã qua cái này qua cái kia đâu?"
- Từ khi nào, anh bị cảm giác thôi thúc phải viết, và nghĩ mình là nhà văn?
"Tôi chỉ cho mình là thợ viết thôi, giống như thợ cấy thợ cày, thợ nề thợ mộc. Vì thế mà không sa vào cái ảo giác thần thánh của cõi sáng tạo rồi cả đời cứ đi mê mụ ru ngủ mình. Nói đúng ra cái nghề này nó đã được truyền gen, được nhồi vào trong máu từ lúc còn nhỏ. Đến khi hòa bình không còn cầm súng nữa, chả biết làm gì, ngu nga ngu ngơ, thì đành phải cầm bút vậy. Một nghề cực chẳng đã, chứ nếu có kiếp sau và nếu được chọn thì chắc chắn tôi sẽ chọn một nghề khác nhàn thân hơn".
- Những ký ức thời lính tráng được anh kể đến mức người ta dường như còn thuộc hơn cả truyện của anh (có thể vì độc giả của báo chí bây giờ gấp mấy lần của truyện). Anh có sáng tác ký ức không đấy?
"Ký ức hả? Ký ức của bất cứ thằng lính nào cũng hơi… bị nhiều. Họ có thể kể cả đời cũng không hết nên khỏi phải lo động tác sáng tác mà chỉ lo họ không nhớ hết mà bớt đi. Vả lại, văn chương là hoài niệm, những ký ức đó chính là mạch văn nên lúc này lúc khác nó dấp dính vào nhau âu cũng là chuyện thường".
- Là lớp hậu sinh, đọc truyện của anh, thích thì thích lắm rồi, vì nó cứ như vẽ ra chân dung những người hùng trong một cuộc chiến tranh có thật của lịch sử - mảng đề tài hấp dẫn của không chỉ văn học. Nhiều năm sau nhìn lại, chợt nghĩ, có bao giờ anh thấy mình giống một kiêu binh?
"Câu hỏi đáo để nhỉ? Nhưng trước hết phải hiểu thế nào là kiêu binh đã. Kiêu binh khác rất xa với kiêu hùng. Trong mù mịt bom đạn và chết chóc, chính cái kiêu hùng của lòng tự trọng và danh dự cầm súng đã nâng họ lên, giúp họ đi qua hết những cánh rừng tang tóc và lãng mạn. Còn kiêu binh thường là chỉ cái anh lúc nào cũng vênh ngực, càng chả ra gì càng vênh, mượn hào quang người khác để vênh, không chỉ trong trận mạc mà ngay trong đời thường, văn chương, cũng có".
- Cứ cày mãi trên thửa ruộng chiến tranh như bờ xôi ruộng mật của mình, anh có sợ… vướng bom mìn không vậy?
"Vướng rồi. Và đã mấy phen suýt tan xác pháo. Nhưng thói đời là thế, đã bén duyên với chiến tranh, đã chôn vùi cả tuổi trẻ trong chiến tranh thì dù sợ vẫn mãi sẽ còn cày bừa trên cánh đồng lắm hãi hùng mà cũng nhiều ngọt ngào ấy".
Vậy ta đổ máu cho ai, đổ máu vì cái gì ?
- Chu Lai của Nắng đồng bằng như thế nào? Ngoài câu chuyện tình yêu một tháng "tán vợ" anh còn bí mật nào khác không? Ít dính đến văn chương nhất ấy?
"Nắng đồng bằng là cuốn tiểu thuyết đầu tay, vốn sống tươi nguyên, cảm xúc tràn trề, lại đang yêu cô trung úy biên tập viên cũng vừa ở rừng ra, mấy thứ trộn ngào vào nhau, viết chậm mới là lạ. Có một kỷ niệm hãi hùng: Đêm ấy như mọi đêm, vừa vượt qua một trăm mét sương mù định chui qua cửa sổ phòng em theo đúng kiểu đặc công để đọc cho em nghe chương kế tiếp thì cậu vệ binh, có lẽ đã phát hiện ra vội xách súng rần rần chạy tới. Chết rồi, hắn mà tưởng mình là Phulro lia cho một băng là xong một đời văn nghiệp! Nhưng rất may là phản xạ lính chiến lúc ấy vẫn còn nên bèn đứng phắt dậy, giọng thật oai: Các cậu canh gác thế à? Mình đang ngồi viết thì thấy một bóng đen chạy về hướng này, đuổi theo đến đây thì mất hút. Coi chừng nó bỏ thuốc độc xuống giếng là chết! Cậu lính trẻ thế hệ 30 tháng tư vội dập gót giày: Báo cáo thủ trưởng, để em sẽ đi truy lùng nó. Thế là thoát".
- Trong những thời khắc hiểm nguy của chiến tranh, điều gì là động lực để anh vượt qua được? Là một lý tưởng, hay giản dị hơn là người phụ nữ nằm kề mỗi đêm ở hầm?
"Có lẽ đó chính là sự lãng mạn và lòng tự trọng của một thế hệ tình nguyện ra đi vì nghĩa cả. Ra đi rất tự nhiên như có ngọn gió chống ngoại xâm bốn ngàn năm thổi thốc tháo ở phía sau. Lý tưởng ư? Có đấy, nó nằm ngay trong sự tự trọng rồi mà không phải cứ lôi nó ra bất cứ lúc nào thì mũi súng trĩu xuống, đạn bắn lạc đi đâu hết. Còn phụ nữ? Không! Không có cái gì là nhục dục trong này mà cao hơn, hình ảnh các em làm mềm đi cả cánh rừng bom đạn, làm giàu thêm ý nghĩa chiến đấu và làm nhẹ đi cả cái chết diễn ra mỗi ngày".
- Là lính đặc công, lội bùn ngâm nước và còn nhiều thứ khác nữa, đa số là những trải nghiệm khác người thường, điều đó góp phần như thế nào cho một Chu Lai trước và sau cuộc chiến?
"Đặc công là bò như không bò gì, đánh như không đánh gì và chết cũng như không chết gì. Bôi đen, ở trần, tan hòa vào cây cỏ thiên nhiên, đêm nào cũng bò, mùa trăng lặn nào cũng sém chết, mãi đâm ra lỳ, đâm ra nhẫn nại. Cái này có tác dụng trong viết văn. Viết cũng đòi hỏi lỳ, đòi hỏi nhẫn nại như một trận đánh đặc công. Điều nữa, đặc công là ngang tàng, là đôi khi bất cần đời, nếu trong cuộc sống có cái gì ẩn ức, nã một băng đạn về phía đối phương là xong, nhẹ người. Nhưng thời bình, chót mang nhãn mác văn chương nên nhiều khi rất muốn nện vỡ mặt một kẻ đê tiện, một đứa phản trắc, một gã đố kỵ tầm thường nào đó nhưng rồi lại thu vào lòng, thu mãi, dễ thành ung thư. May chưa di căn. Lại phải dùng cái ý thức ngồi thiền tịnh độ của những năm tháng ngồi trong lùm bụi năm xưa".
- Hình như trong chiến tranh, người ta chung thủy hơn?
"Chung thủy cái gì cơ? Nếu là tình yêu thì trong chiến tranh rất ít khi có bóng dáng phụ nữ để yêu thì làm gì có khái niệm chung thủy hay không. Còn tình yêu gửi lại hậu phương thì rất chung thủy, rất đợi chờ, có khi đợi chờ đến cả chục năm, thậm chí hai, ba chục năm, đợi chờ cả đời... Cái phi thường này được nảy sinh và tồn tại trong cái bình thường là cảm hứng tồn vong lớn lao của dân tộc khi nước nhà có biến. Mặc dù cá nhân tôi, khi trở về sau mười năm, cô gái mà tôi yêu, đã nghe thề thốt lại mang con của người khác đến thăm tôi. Nhưng cô ấy đẹp, rất đẹp, hoa khôi của một trường cấp hai, mà đã đẹp rồi thì ắt có nhiều kẻ ngoại bang mon men, thôn tính lắm, làm sao có thể vò võ đợi mình được cả chục năm không có một dòng thư tín nào?"
- Thỉnh thoảng tôi xem trên TV, đồng đội cũ gặp lại nhau, người thì là anh hùng, được tung hô, người mãi mãi vô danh, nhà tranh vách đất. Có đổ tại số phận được không? Nếu biết trước số phận thời hậu chiến, người ta có đổ một lượng mồ hôi và máu như nhau trong cuộc chiến không?
"Chà câu hỏi này cũng nhức nhối đây. Có khi phải trả lời một đời. Tựu trung lại, như tôi đã nói, số phận cá thể gắn bó với số phận cộng đồng. Cộng đồng còn nhọc nhằn thì cá thể còn lam lũ. Đừng đổ tại số, tính cách sẽ quy định số phận. Nhưng một khi nước nhà có biến, bàn thờ ông bà bị đụng chạm, phẩm hạnh dân tộc bị xúc phạm thì dù phận số thế nào, đã bị đãi ngộ ra sao, con người lại nhất tề đứng dậy đổ mồ hôi, đổ máu của mình. Khi đó số phận quốc gia vượt lên trên những ẩn ức, dằn vặt cá nhân. Không có nghĩa là xã hội cứ làm ngơ cho sự bất công, phi lý cứ tiếp tục diễn ra, người có công, trung thực lại gặp điều bất hạnh còn kẻ ranh ma, khôn khéo lại sống đời nhung lụa, ấm êm. Đó là một sự băng hoại ghê gớm mà lịch sử tồn vong của loài người đã rút ra biết bao bài học chứng minh. Bởi có lúc con người sẽ hỏi: Vậy ta đổ máu cho ai, đổ máu vì cái gì?"
Không ai là vĩ nhân hay là anh hùng với người thân cả
- Anh có đến 2 cuốn sách được dịch sang tiếng Pháp. Nhưng có vẻ rất lận đận với chuyện tiền nong. Hình như một Nhà xuất bản của Pháp vẫn còn đang "quỵt" tiền anh? Làm ăn với Tây, anh có ngạc nhiên về hành xử của họ chưa?
"Quá ngạc nhiên. Đó là Nhà xuất bản D’Laube. Cuốn thứ nhất là Phố, hợp đồng ký một đằng họ làm một nẻo, phải gần ba năm sau, khi có rất nhiều các nguồn công luận trong ngoài nước lên tiếng họ mới xin lỗi và thanh toán tiền tác quyền, gần 2.000 Euro. Đến cuốn Ăn mày dĩ vãng, họ không những không sửa lỗi cũ mà còn cứ tự động in không cần cả hợp đồng. Tôi cho đây là một sự xúc phạm và một hành vi rất không văn hóa, nên buộc phải lên tiếng. Lúc ấy họ mới gửi bản hợp đồng cho tôi ký. Rồi mọi chuyện lại tiếp chìm trong im lặng mặc dù trong hợp đồng có nói rõ sẽ thanh toán đầy đủ vào cuối năm phát hành, tức là cuối năm 2007. Nhiều người và nhiều tổ chức nói tôi nên khởi kiện, bởi đây không phải là mấy đồng Euro nhỏ nhoi mà còn là lòng tự trọng và hình ảnh của nước Pháp. Giá như bây giờ Nhà xuất bản ấy chính thức nói với tôi muốn xin lại khoản tiền ấy để cứu trợ bão lụt hay người cơ nhỡ gì đó, hoặc do tình hình tài chính khó khăn thì tôi cho qua ngay, coi như làm việc nghĩa. Nhưng đằng này họ cứ im lặng. Im lặng đến nỗi tôi đã tự nghĩ rằng, đáng ra mình không bao giờ nên quan hệ với một cơ sở xuất bản như thế, chỉ hạ thấp và thêm méo mó tâm hồn. Tôi đang xem họ còn im lặng được đến bao giờ nữa trên một vấn đề không đáng phải im lặng khổ sở như vậy".
- Anh là người hiếm hoi sống bằng nghề và được nghề đãi ngộ. Ấy là hiện tại, còn trước đây, cuộc sống thời bao cấp cho anh những kỷ niệm gì?
"Cái thời sáng ra con người đã hối hả mang nhân cách của mình biến thành những viên gạch xếp hàng nơi hè phố để mong mua được một lạng mỡ một chai dầu, cái thời mà âm hưởng chủ đạo buổi sáng là tiếng ca nhôm quẹt vào đáy bể không có nước, cái thời mà một đôi vợ chồng vừa cưới nhau, trong đêm tân hôn người vợ chẳng may quờ tay đánh vỡ một cái phích Rạng Đông có 18 đồng bạc là sáng sau có thể đưa đến một hiểm họa ly dị, cái thời mà con người đánh mất lòng trung thực, trẻ con đánh mất tính hồn nhiên và tệ hại hơn, các cô gái đánh mất năng lực yêu. Nhưng thời bao cấp cũng lại tạo dựng được nghị lực, sức chịu đựng bền bỉ và tài năng con người. Hình như những cuốn sách tôi viết đắm say nhất lại là chính cái thời đó, bây giờ ổn rồi, sướng rồi, đâm lười, cảm hứng cứ đông lạnh hay trôi tuột đi đâu".
- Có một người bạn sống lâu năm ở nước ngoài nói với tôi, rằng văn chương Việt Nam khó mà vượt qua được biên giới bởi nhà văn Việt Nam thiếu tầm khái quát thuộc về nhân loại. Anh nghĩ gì?
"Nói như vậy là thiếu tầm nghĩ. Nếu chỉ cần tầm nhìn mà có tác phẩm vượt đường biên thì các nhà triết học, xã hội học, chính trị gia đều có thể làm được tất. Vấn đề ở đây vẫn là cái nền và cái tài. Mọi lâu đài văn hóa, thi ca, khoa học đều được tôn lên từ một cái nền có sẵn. Phần nữa là tâm thế nhà văn. Việt Nam chắc chắn sẽ có tác phẩm xứng tầm. Và nếu không có thì thế hệ sau sẽ có, ví như sau trận Borodino cả nửa thế kỷ, cụ Lev Tolstoy mới cho ra đời Chiến tranh và hòa bình bất hủ của các thời đại. Ta cứ thử chờ xem".
- Vợ anh có xem anh là một người hùng không?
"Không! Không ai là vĩ nhân hay là anh hùng với người thân cả. Thậm chí họ toàn nhìn mình ở mặt trái, bên kia mọi lấp lánh hào quang. Song, cái vẻ người rừng râu ria, phong trần, lãng tử của tôi, đúng hơn là do nghề đặc công đã in dấu vào hình hài tôi bước đầu cũng đã gây ấn tượng với cô ấy. Vậy là được rồi. Đối với phụ nữ, gây được ấn tượng dù xấu hay tốt là cũng đã thắng 50 phần trăm. Sợ nhất là nhạt, vô mùi vô vị, càng tiếp xúc càng vô mùi".
- Cảm ơn anh.