Biết về Trần Đăng Khoa quá lâu như nhiều thế hệ không chỉ trong gia đình tôi thuộc thơ và quan tâm đến mỗi thay đổi trong cuộc sống của anh. Gặp được Trần Đăng Khoa một sáng bình an, anh hồn nhiên nói chuyện không khách khí, bông đùa mà vẫn lịch thiệp một cách rất duyên. Có quá nhiều điều muốn viết về anh, chất vấn anh, nhiều hơn khuôn khổ một bài viết này, để đành hài lòng với những câu chữ chỉ như một lát cắt "mỏng", "nghiêng" về "thần đồng" hôm nay và hôm qua...
***
Khi "thần đồng thơ" viết tiểu thuyết từ năm lớp 4
- Giữa Trần Đăng Khoa bây giờ và Trần Đăng Khoa ngày xưa "thần đồng" hình như chả liên quan gì hết. Ông Trần Đăng Khoa bây giờ xác lập tên tuổi của mình thoát hẳn ra con người quá khứ đó. Và cảm giác, anh không yêu chú bé Trần Đăng Khoa?
"Nói không yêu cũng chẳng phải, nhưng sự thực là tôi không quan tâm. Và tôi rất kinh ngạc có những người cứ lấy ông Trần Đăng Khoa ngày xưa để đo ông Khoa bây giờ. Ai mà đi lấy cậu bé ngày xưa 10 tuổi để đo tôi xù xì hôm nay? Phải đo cùng chủng loại mới đúng chứ?"
- Anh có thuộc hết thơ ngày xưa không, và nhìn ngược lại thời ấy, anh có ngạc nhiên không khi còn ít tuổi vậy mà làm được những câu thơ như thế?
"Tôi thuộc chứ, thuộc cả văn chương của chú bé ấy nữa. Còn ngạc nhiên thì không. Những người khác chỉ đơn giản là họ đã không làm thôi. Tôi chả có tài cán quái gì, tôi chỉ có một bí quyết, đó là đọc sách. Năm 8 tuổi tôi đã đọc hàng mấy trăm cuốn sách, và như thế tôi hoàn toàn không có tuổi thơ. Năm học lớp 4, tôi đã viết tiểu thuyết với những pha hãm hiếp rồi. Sắp tới tôi sẽ cho công bố, cuốn Lão Đấu. Tiểu thuyết được hoàn thiện năm lớp 10 rồi mất bản thảo. Gần đây mới tìm lại được trong một cái kho của Nhà xuất bản Phụ nữ. Hồi đó tôi đã viết thế này: ‘Nửa đêm, cô Xoan xách một thùng nước nóng lên nhà Bá Chương để lão tắm. Đến khi quay ra thì cánh cửa nhà tắm đã bị khóa trái. Lúc đó Bá Chương không còn là người nữa mà lão đã hóa thành con bò đực rồi. Và trước mặt con bò đực chỉ có con bò cái thôi chứ làm gì có người. Vì làm gì có người mà lại đi lạy bò bao giờ? Thảm thiết thay cho những phiến đá lát phòng tắm đã phải nhìn ngắm một pha mà đến cả bò trông thấy cũng xấu hổ’".
Tôi bịa ra đấy, chùa Côn Sơn làm gì có lá đa?
- Còn câu thơ đã đóng dấu mộc để mặc nhiên Trần Đăng Khoa là thần đồng khi anh viết: "Ngoài thềm rơi chiếc lá đa, tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng" thì sao? Anh có thừa nhận hay không thì cũng thế rồi, chỉ để hỏi rằng anh viết câu đó có khó không?
"Tôi chả thấy câu đó có gì hay. Chả có gì cao siêu cả. Bài đó tôi viết năm lớp 4. Tôi đã từng là học sinh giỏi văn, nhưng tôi đã mất 10 năm để xóa hết ra khỏi đầu những câu văn của nhà trường. Tôi cũng ngạc nhiên khi có người nghĩ rằng đó là những câu thơ hay nhất trong đời Trần Đăng Khoa. Đó chẳng qua là một thủ pháp rất trẻ con, thủ pháp mà các cô giáo thường dạy học sinh lớp 3. Trong đề văn Em hãy tả lại một buổi học. Tả lớp tĩnh, các em nói: nghe rõ cả tiếng ngòi bút sột soạt trên giấy, nghe rõ cả tiếng lá bàng rơi trên mái ngói, nghe thấy tiếng lá phi lao bay ở hàng hiên. Giờ tập làm văn miệng, học sinh lớp 3 thời ấy đã biết phải cảm nhận như thế nào khi lấy cái động để tả cái tĩnh rồi. Chùa Côn Sơn làm gì có lá đa, tôi bịa ra đấy. Cả câu hay mỗi chữ ‘mỏng’. Đúng là thơ ca có cái kỳ lạ, nó đánh tráo được cảm giác".
- Anh có nghe một lời đồn rằng hình như ông Trần Đăng Khoa bây giờ không phải là ông Trần Đăng Khoa ngày xưa. Ông Trần Đăng Khoa khi bé đi đâu mất rồi ấy… để bây giờ là một ông Trần Đăng Khoa khác, chả liên quan gì!?
"Đây là cách nói vui. Tôi đúng là tôi khác chứ. Tôi sợ cái danh tiếng hão, và mệt mỏi vì nó. Tôi thấy tôi đã già mà vẫn phải còng lưng gánh cây thánh giá Trần Đăng Khoa trẻ thơ. Dù tôi nói được thế nghĩa là bão cũng qua rồi. Người ta cứ hay nghĩ nhà thơ phải thanh mảnh, lãng mạn và buồn thăm thẳm. Gặp tôi thấy ục ịch như một gã phu đào huyệt thì nghĩ sao mà lão này là nhà thơ được. Ông Huy Cận cũng vậy, gặp ông, mọi người hay nghĩ sao ông giống ông đóng cối xay quá vậy. Nhà thơ là người ngơ ngác ư? Tôi chưa bao giờ biết ngơ ngác. Tôi rất lý trí và bình thản. Nói câu đầu đã biết câu cuối là gì. Viết bài thơ cũng vậy, viết ra câu đầu đã biết câu kết sẽ viết như thế nào rồi".
Tại sao họ cứ nhất định vu cho tôi là một lão Khoa dở hơi, ấu trĩ?
- Có gì sai trong ứng xử với các thần đồng thời ấy hả anh? Khi còn nhỏ, anh sống có khó khăn với cái danh "thần đồng" "lơ lửng" trên đầu mình không?
"Không, bởi vì không ai ở cái làng quê ấy gọi tôi là thần đồng hết. Bố mẹ tôi không bao giờ biết tôi là thằng như thế nào đến tận bây giờ. Ông bà chỉ có một thứ nối với thế giới là cái đài. Lâu không thấy thơ của tôi phát trên đài, hai cụ bảo dạo này mày chẳng làm được gì cả. Đài đọc thơ của tôi thì hai cụ coi tôi tồn tại, còn không là không làm việc. Khi tôi về làm trưởng Ban Văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi dẹp hết những gì liên quan đến tôi chứ đừng nói là thơ tôi. Tuyệt đối không. Thế là ông bà bảo: mày lười quá. Bố mẹ tôi chỉ nghe đài. Có đọc báo đâu? Ngày xưa báo làm gì về đến làng quê của tôi. Có những người đến bắt tôi làm thơ ngay tại chỗ tôi cũng làm ngay. Tôi quen rồi. Tôi nói thật, chưa bao giờ tôi viết có xúc cảm hết. Thời trẻ con cũng thế và sau này cũng vậy. Thấy cần viết là tôi viết. Họ đặt ký tôi viết về người này người kia thì tôi viết. Thế là có tập ‘Chân dung và Đối thoại’ đấy. Tiếc là bây giờ chẳng báo nào đặt tôi làm thơ cả".
- Vậy thì cuộc đời anh, lúc bé là thần đồng thơ, đi lính hải quân, sang Nga học, về sống ở Hà Nội, lấy vợ, sinh con và bây giờ mang hàm Vụ trưởng… tất cả những điều đó có nằm trong tầm kiểm soát của anh không?
"Riêng việc làm quản lý thì không nằm trong phạm vi suy nghĩ của tôi. Tôi vẫn làm, vì nghĩ là cũng nên thay đổi một tí. Tôi cũng làm tốt dù đi suốt, báo làm sao trống chữ được, cũng như đài làm sao có thể trống sóng?"
- Tôi quan tâm đến một điều, anh còn làm thơ không? Lần gần đây nhất anh làm thơ là thời gian nào?
"Tôi vẫn viết hàng ngày, nhưng thơ chỉ là phần nhỏ thôi. Xã hội chẳng quan tâm đến thơ nữa, chính các nhà thơ cũng không quan tâm đến thơ. Họ dùng thơ để làm gì ư? Thơ là cái để nói ra những điều không thể nói được với ai. Có cách biểu hiện khác hiệu quả hơn thơ thì dùng thơ làm gì? Thơ chỉ là phương tiện để giao tiếp với cuộc sống thôi. Nổi tiếng để làm gì? Để ra đường đi đâu người ta cũng chỉ trỏ à? Người ta đồn đại về tôi kinh lắm. Nào là tôi đi tiễn người yêu quên mang ví, tôi nói thật chả khi nào ra đường mà tôi không mang theo ít nhất 2 triệu trong túi, nhỡ gặp bạn còn có tiền đãi bạn chứ. Rồi họ nói tôi bảo người yêu là anh tặng em một món quà 50 ngàn thôi, đâu phải vậy? Đó là chuyện tôi kể bên Mỹ người ta nói tặng các bạn món quà không quá 50 đô la Mỹ đấy chứ. Người ta đồn vợ tôi mua cho tôi bộ comple hơn một triệu nhưng phải nói dối tôi là mua 50 ngàn. Chuyện đó bắt nguồn từ việc tôi đã mời một nhà thơ lớn đi ăn cơm, tôi định đãi bà ấy nên gọi những món đắt nhất, ai ngờ bà ấy trả phía sau hết nên khi thanh toán tôi chỉ phải trả có 5 rúp. Tôi thích nước mắm nguyên chất, thì có ông viết tôi đi nước ngoài tôi mang theo chai nước mắm để trong vali quần áo. Thật kinh hoàng. Rồi họ lại bảo, tôi pha mắm tôm loãng ra rồi húp như canh! Tôi chả hiểu tại sao người ta cứ nhất định dựng đứng lên, nhất định vu cho tôi là một lão Khoa dở hơi, ngơ ngác, ra đường thì ấu trĩ. Khổ thật!"
Những ký ức đảo chìm của anh lính hải quân Trần Đăng Khoa
- Khi người ta hỏi, tại sao anh tìm được một cô gái trẻ đẹp làm vợ, có phải vì danh tiếng "thần đồng" của anh không, thì anh chỉ nói: "Cô ấy yêu tôi như yêu một người lính". Điều đó làm tôi rất cảm động vì dường như tôi nghe được sự tự hào, trân trọng của anh dành cho chữ "người lính"?
"Đúng thế đấy, tôi là người lính và sẽ mãi mãi là người lính. Trước đây là người lính mặc quân phục còn bây giờ là người lính ở đời thường. Tôi chỉ cảm thấy thoải mái tự nhiên khi mình khoác bộ quân phục mà thôi. Khi tôi sang Mỹ, nhiều người nói tôi phải tránh mặc quân phục để không gợi lại hình ảnh chiến tranh. Nhưng tôi vẫn mặc bởi vì với nó tôi mới thấy đó chính là bộ quần áo của mình. Bây giờ đất nước yên hàn rồi, chẳng lẽ cứ khoác mãi áo lính, thì tôi ra ngoài, nhưng bạn xem đây, tôi vẫn mặc quần áo may theo kiểu lính".
- Khi đi Trường Sa, chứng kiến cuộc sống của những người lính ở đó, tôi cứ tự hỏi không biết Trần Đăng Khoa - "thần đồng thơ" một thời được cả dân tộc nâng niu viết "Đảo chìm" bằng kiến thức sống thực tế hay chỉ như tôi, một thoáng ghé qua?
"Ngày đó ở đảo chìm còn khổ hơn bây giờ gấp nhiều lần. Tôi là một người lính, lính tuyên huấn. Tôi đã đi hết 25 hòn đảo mà lính mình ở để mãi ám ảnh ghê gớm những chiếc boong nổi được gọi là đảo chìm. Nhưng khi đó đã có đảo đâu, nước ngập trắng xóa, triều xuống bãi san hô mới nhô lên. Một ngày 3, 4 lần chạy thủy triều, có khi phải xuống xuồng cao su để đợi khi nước rút mới vào lại lều trên boong. Khi nước rút có khi trong đó là một con cá tai tượng, bữa tươi của lính, nhưng có khi lại là con cá mập. Trong "Đảo chìm" tôi đã kể, Trần Văn Hai câu cá bằng ngón chân cái, cả chân cậu ấy chính là cái cần câu. Quanh năm cậu ấy cởi truồng đến mức tôi mặc quân phục lại thành rất buồn cười. Cậu ấy bảo tôi: "Trông ông anh rất bệnh hoạn, không hoàn thiện như bọn em. Chắc bác có gì khuyết tật nên phải che giấu". Đó là những năm 1976, 1977, chim biển còn chưa biết người là gì, hoang dã lắm, chui cả vào giường đẻ trứng. Những đêm nằm ở đảo chìm cảm giác như mình lạc vào thời hồng hoang. Tôi đã chịu đựng được tất cả những khó khăn ấy bằng niềm tin vào lý tưởng và sức trẻ của mình. Những người lính hải quân chúng tôi khi ấy đã bảo vệ một thứ chưa có, nó chỉ sắp có thôi, như những bào thai được bao bọc bằng nước ngày đêm vỗ sóng".
- Bao lâu rồi anh chưa quay lại đảo chìm? Anh còn mơ đến không, những đêm ngày sống bập bềnh trên sóng thời ấy?
"Không bao giờ quên, lúc nào cũng cảm giác mình như một viên đạn khi sóng cứ cuốn vun vút dưới chân đảo. Nơi ấy hải âu cũng không có, tên đảo là Thuyền Chài nhưng thuyền chài làm sao ra đó được, nó quá xa xôi. Tôi trở về đất liền đã nhớ da diết đảo, ở cái nơi mà những người lính không biết hôm nay, ngày mai là ngày nào, tiền không có giá trị, quần áo lính không mặc, họ canh giữ một thứ cho tương lai. Khi đó tôi đã viết: "ngày mai đảo sẽ nhô lên, sẽ có cuộc đời, sẽ có tên, sẽ có con đường cho anh gặp em, có ngôi nhà với vòm cây mát, có nước ngọt, ấy là điều tuyệt diệu nhất, có thể gội đầu, có thể uống no say, có thể tặng nhau cả một giếng đầy… ngày mai sẽ có khoai lang luộc, sẽ có rau muống, sẽ có mây cánh kiến mở màn cho em hát…" Tất cả những thứ bình thường ấy đã luôn là ước mơ cho tương lai của những người ở đảo. Mỗi khi có bão, lại có người chết, không có cái chết nào dữ dội như cái chết của người lính biển. Đến khúc xương cuối cùng cũng phải quật nhau với sóng gió. Có bao nhiêu điều tôi còn chưa kịp viết hết trong Đảo chìm. Tôi sẽ còn viết nữa…"
- Cảm ơn anh.