"Phải lấy người như anh" gây xôn xao dư luận không chỉ bởi sự hấp dẫn một cách có tính toán của tác giả khi biết mình viết cho ai đọc, và viết không chỉ bởi nhu cầu sáng tác tự thân - viết giống như một người tỉnh táo nói về sự lãng mạn, thăng hoa với nửa phần đắm đuối, nửa phần khách quan...
***
Trần Thu Trang - tự nhận là nữ văn sĩ - mới chỉ hơn 24 tuổi. Các công dân @ biết đến Trang trước khi độc giả của sách in đọc tác phẩm của cô, đơn giản bởi lẽ Trang tung mọi thứ mình viết lên mạng, sẵn lòng chia sẻ và đón nhận phản ứng từ cộng đồng các forum tiếng Việt mà Trang tham gia. Tự làm website sachcuatrang.com để quảng bá cho tác phẩm - sản phẩm của mình, không ngần ngại nhận mình muốn đi theo cách viết của Quỳnh Dao (đạo diễn Lê Hoàng giễu Trang là "Quỳnh Kéo") Trang đang chuẩn bị xuất bản cuốn sách thứ ba với một thái độ văn chương vừa dửng dưng vừa mê mẩn. Biết nói gì về một con người biết-rõ-mình-là-ai đến thế?
Nhật ký tình yêu của Trang và câu chuyện đem tình riêng đời bỏ chợ mạng:
- Chúng ta đang sống trong thời đại của những kết nối không biên giới. Điều đó mang lại cho Trang những gì và lấy mất của Trang những gì?
"Những kết nối vô biên ấy mang lại cho tôi cơ hội học tập, làm việc, bạn bè. Nó lấy mất của tôi kha khá tiền bạc cho chi phí kết nối và một chút thời gian tĩnh lặng cho riêng mình. Tôi cho đó là một sự trao đổi công bằng".
- Theo Trang, tại sao trên mạng người ta lại dễ dàng tin nhau, dễ dàng chia sẻ?
"Tôi nghĩ đó là do tính nặc danh của mạng. Nếu bạn muốn, không ai có thể biết bạn là ai. Cũng có thể có những vấn đề mà ta nói với người lạ lại dễ hơn người quen".
- Thế còn những người bạn có được từ mạng internet, có đáng tin không?
"Hình như tôi may mắn nên luôn thấy có. Như tôi đã nói ở trên, một trong những người bạn thân nhất của tôi hiện nay là do tôi dùng Nhật ký tình yêu TIO ‘dụ dỗ’ được trên mạng. Nhưng cũng xin nói ngay là tôi thường tham gia những forum có tiêu chí rõ ràng, ở đó mọi người có nền kiến thức và hoàn cảnh xã hội tương đương nhau, chứ không phải kết bạn qua chat hay blog, nơi mọi thứ khó kiểm soát hơn".
- Truyện của Trang thường được đưa lên mạng trước khi đem đi in, độc giả trên mạng và ngoài đời "gây sự" với Trang khác nhau như thế nào?
"Độc giả ngoài đời của tôi thường cũng tìm cách ‘gây sự’ với tôi trên mạng, vì sau bìa sách tôi có đề địa chỉ email. Nói chung, tôi không giỏi trong việc nhận thức ranh giới và sự khác biệt giữa hai lớp độc giả này lắm. Nhưng độc giả trên mạng gần tôi hơn, cách họ tác động đến tôi cũng nhanh và trực diện hơn".
- Có người nói trên mạng "niềm vui thì ảo, nỗi buồn thì thật", đem tình riêng đời bỏ chợ mạng như cái case của Nhật ký tình yêu, Trang được và mất những gì?
"Tôi được nhiều và mất cũng không ít. Được nhất là những người bạn, một trong số độc giả của Nhật ký tình yêu hiện giờ là bạn thân của tôi, chị đã giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống. Qua những phản hồi khi tích cực khi gay gắt, tôi cũng học được những bài học về thị hiếu độc giả và ứng xử trong khi tranh luận. Còn mất, tôi nghĩ tôi mất cơ hội cho một tình yêu mới (cười). Vì đã từng có một anh chàng dễ thương đã bảo rằng anh ta không thể đến với tôi vì ghen với nhân vật trong Nhật ký tình yêu TIO".
- Văn chương trên mạng là phi lợi nhuận, văn chương bây giờ là... có lợi nhuận khi vô số các nhà sách sẵn sàng trả tiền cho tác giả để dành một bản quyền sách ăn khách. Đi từ thái cực này sang thái cực khác dễ dàng với Trang không?
"Không dễ dàng chút nào. Có quá nhiều điều tôi không thể chủ động. Có quá nhiều điều tôi chỉ có thể học sau khi đã làm hỏng cái gì đó. Và cái tôi sợ nhất chính là phải bận tâm hay thậm chí thay đổi nguyên tắc sống của mình chỉ vì tiền bạc".
- Đang có nhiều tranh cãi về một mối lo, đến một ngày không xa, sách in sẽ phải nhường chỗ cho sách điện tử. Vì máy tính không còn là vật dụng xa xỉ, internet cũng vậy... Quan điểm của Trang?
"Tôi có nhiều sách in hơn sách điện tử. Tôi cũng thích đọc sách in hơn vì cái cảm giác được lật từng trang, ngửi mùi mực mới, thắp nến đọc khi mất điện hay mang vào… WC là một thứ gì đó rất chân thực. Tôi tin là nhiều người khác cũng vậy vì đôi khi các bạn đọc của tôi lại nói rằng: ‘Tôi phải copy truyện trên mạng của cậu vào Word để in ra đọc cho sướng!’"
"Tôi muốn giống Quỳnh Dao mặc dù văn tôi còn thiếu mượt mà và thừa châm biếm!"
- Viết là cách để thư giãn, xả nhiều thứ... nhưng khi thành công, được biết đến như một "văn sĩ trẻ", Trang chọn thái độ ứng xử đối với công việc viết hiện tại của mình như thế nào?
"Nếu nói trường hợp của tôi là thành công thì tội nghiệp chữ ‘thành công’ quá! Tôi chỉ đơn giản là một người viết có lượng độc giả nhất định thôi. Vì có lượng độc giả nhất định đó nên tôi yên tâm dành nhiều thời gian cho công việc. Hàng ngày tôi đọc và viết rồi tìm cách này hay cách khác đưa những gì mình viết đến cho bạn đọc, chờ mọi phản hồi của họ. Tôi cũng khá nghiêm túc đấy chứ?"
- Lựa chọn văn chương kiểu Quỳnh Dao như một tuyên bố mạnh miệng là biết mình biết người hay một cách AQ?
"Không phải tôi lựa chọn văn chương kiểu Quỳnh Dao mà lựa chọn hướng đi giống bà: viết tiểu thuyết cho nữ giới và chuyển những tiểu thuyết ấy thành phim. Sở dĩ tôi nói đến tên Quỳnh Dao, chứ không phải Danielle Steel hay bất cứ tác giả nào cũng có tiểu thuyết phụ nữ được chuyển thành phim, là vì cái tên Quỳnh Dao quen thuộc hơn với người Việt Nam. Còn giọng văn của tôi thì không giống Quỳnh Dao lắm đâu, văn của tôi hơi thiếu mượt mà và thừa châm biếm, dù nhiều khi tôi cũng gắng chải chuốt chút ít".
- Trang đọc gì? Ai là người có ảnh hưởng đến sự nghiệp viết lách của Trang nhất? (Tất nhiên trừ Quỳnh Dao)?
"Trước đây tôi đọc không có hệ thống lắm, giờ thì có khá hơn. Bên cạnh sách văn học, tôi hay tìm đọc các tác phẩm khảo cứu lịch sử văn hóa. Còn về ảnh hưởng, tôi không ảnh hưởng của Quỳnh Dao nhiều lắm đâu, vì thú thực, tôi mới chỉ đọc vài tác phẩm tiêu biểu nhất của bà, cho biết thôi. Xem nào, tôi nghĩ mình chịu ảnh hưởng từ giọng văn của Kate Chopin, một nữ tác giả người Mỹ ở cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 và Phan Thị Vàng Anh, một nữ tác giả người Việt ở cuối thể kỷ 20, đầu thế kỷ 21".
- Cuộc sống của mình thấm đẫm trong văn chương mình hay đó là "thăng hoa của cảm giác"?
"Cả hai".
- Trang nghĩ gì về sự cạnh tranh trong văn chương? Thế giới văn chương của người lớn ở Việt Nam hiện tại có quá phức tạp với Trang không?
"Cạnh tranh trong văn chương có lợi cho cả độc giả và người viết, với điều kiện đó phải là cạnh tranh lành mạnh. Còn về ý thứ hai, tôi không cho rằng văn chương người lớn ở Việt Nam hiện tại đủ rộng lớn để gọi là thế giới. Nhưng nó cũng phức tạp ra trò, vì vậy, tôi vẫn cố gắng để không quá sa đà vào nó".
- Viết văn chương lãng mạn và tỉnh táo. Có thấy đàn ông sợ mình chưa?
"Hình như là rồi. Nhiều người trong số họ bảo rằng thích tôi làm bạn hơn là làm người thương".
- Có hay đọc văn chương nước ngoài không? Nhất là văn chương đương đại, đang có tác phẩm nào ám ảnh Trang?
"Tôi đọc văn học nước ngoài thường xuyên. Tuy nhiên, tôi đọc khá nhiều các tác phẩm chick lit (tiểu thuyết thời thượng cho phụ nữ trẻ), vì lý do công việc hẳn hoi: học hỏi phong cách và trau dồi ngoại ngữ. Ngoài ra, tôi cũng đọc các tác phẩm dịch cả cổ điển lẫn đương đại. Gần đây, tôi đọc lại tiểu thuyết ‘Cuộc đời của Pi’ (Yann Martel), nó là một cái gì đó huyền ảo và khắc nghiệt, nói chung là rất ám ảnh".
Sống và viết như nước chảy mây trôi...
- Trang mê Kim Dung, có triết lý nào của Kim Dung ảnh hưởng đến sáng tác hay cuộc sống của Trang không?
"Tôi thích cái tinh thần nước chảy mây trôi mà Phong Thanh Dương đã truyền cho Lệnh Hồ Xung. Cuộc sống của tôi cũng như vậy, tự nhiên, không quá lệ thuộc vào các khuôn khổ, cái quan trọng là hiệu quả chứ không phải cách làm, miễn là không thấy lương tâm cắn rứt. Còn ảnh hưởng của Kim Dung trong sáng tác thì cũng không ít, tôi thích cái cách Kim Dung lồng lịch sử - văn hóa vào tác phẩm, tôi cũng đã từng học theo ông trong việc viết đến đâu đăng tải đến đó".
- Các bạn trẻ hôm nay sống gấp nhưng lại luôn thừa thời gian, một ngày của Trang ra sao?
"Một ngày của tôi bắt đầu vào buổi sáng, không sớm lắm, và kết thúc vào đêm khuya, rất khuya (tôi thích sự yên tĩnh đặc trưng của ban đêm). Trong khoảng thời gian mười mấy tiếng ấy, tôi làm một số việc thông thường như ăn, đọc, viết, giao tiếp, học hỏi... Giờ giấc cụ thể cho từng việc thì hơi lộn xộn một chút, nhất là trong những dịp lễ tết hoặc những khi tôi đang trong mạch sáng tác".
- Đằng sau những câu chuyện văn chương với nhiều mơ mộng và ảo tưởng, cuộc sống thật của anh kép hát đôi khi làm người ta thất vọng đến đau lòng. Nhà văn thì sao?
"Câu này làm tôi nghĩ đến chuyện tôi đôi khi không dám nhận lời xuất hiện trước độc giả, vì sợ họ thất vọng. Tôi nghĩ cuộc sống của nhà văn, kép hát hay ai đi nữa thì cũng là cuộc sống cả. Cuộc sống thì đủ vị mặn ngọt chua cay và đắng, cuộc sống cũng nhiều màu sáng tối. Tại sao có người lại cứ kỳ vọng một cuộc sống của ai đó chỉ ngọt lừ và sáng loáng như công việc của họ?"
- Người ta không thể mãi là trẻ con dù "người đàn bà trẻ con" với đàn ông luôn là sự hấp dẫn. Trang định bao giờ sẽ lớn?
"Chà! Tôi thường bị bạn bè cho là già trước tuổi đấy. Bản thân tôi đôi khi cảm thấy khó hòa nhập với những bạn cùng lứa. Mẹ tôi cũng không còn coi tôi là bé bỏng nữa. Còn bạn đọc chỉ đọc văn của tôi mà hiểu lầm thì đành chịu. Tôi lỡ viết theo cái giọng tưng tưng bông lơn đó rồi, biết làm thế nào".
- Trang hình dung về mình trong tương lai? Nhất là "khi người ta không còn trẻ"?
"Chắc tôi vẫn như bây giờ thôi. Về ngoại hình có lẽ sẽ nhiều nếp nhăn hơn và béo hơn. Về tính cách chắc sẽ… nguội hơn và ít nói hơn. Về những khía cạnh khác như tiền bạc hay gia đình thì tôi không thể biết trước được, chỉ mong mọi điều đều bình ổn, yên lành".
- Cuộc sống của Trang hiện tại ra sao? Có điều gì sẽ chiếm nhiều thời gian của Trang nhất?
"Cuộc sống của tôi cũng chưa phải tiện nghi lắm vì tôi mới chỉ có thu nhập vừa phải trong việc bán văn của mình. Nhưng tôi vui vẻ với những người thân cũng như bạn bè, trân trọng những gì mình đang có và luôn cố gắng để mọi thứ thật cân bằng. Còn điều sẽ chiếm nhiều thời gian của tôi nhất trong tương lai vẫn là công việc. Tôi cần phải làm việc để chuẩn bị cho điều chiếm nhiều thời gian của một phụ nữ trong tương lai xa hơn: chăm lo gia đình".
- Cảm ơn Trang.
***
"18 tuổi, tôi nắn nót từng chữ từng dòng làm nên bài tùy bút nhỏ nhỏ ngoan ngoan gửi cho các tập san tuổi học trò. 21 tuổi, tôi đem gia tài những sáng tác ít ỏi lên mạng kèm theo những biểu tượng cảm xúc cười khóc nhiều màu. 24 tuổi, tôi chăm chút một trang web để đem đến cho bạn thông tin về những cuốn sách sắp xuất bản của mình. Đó quả là những bước tiến dài, thậm chí quá dài cho sự nghiệp văn học mà tôi hoàn toàn không chủ định bước vào. Nhưng trong thời đại mà cái tên riêng thích kéo theo ký tự @ như hôm nay, mọi điều bất ngờ đều có thể xảy ra chỉ bằng một lần click chuột. Hy vọng, với khởi đầu là website này, công việc viết và bán văn của tôi sẽ xuôi lọt". -Trần Thu Trang-