Niềm tin là những nhận định vững chắc bắt nguồn từ trải nghiệm của bạn trong cuộc sống. Những niềm tin tốt đẹp sẽ giúp bạn vững tin vào bản thân, vào người khác, và vào thế giới xung quanh; ngược lại những niềm tin xấu lại làm bạn nản chí, bất lực. Hãy xác định và giữ lại những niềm tin tích cực và tìm cách thay đổi những niềm tin tiêu cực.
XÂY DỰNG NHỮNG NIỀM TIN TÍCH CỰC
Hãy luôn củng cố những niềm tin tích cực bằng cách thường xuyên khẳng định chúng. Chẳng hạn, niềm tin của bạn là “Mọi người thực sự coi trọng mình.” Trong những lần tới, hãy chú ý và ghi nhớ rõ những lúc người khác làm hoặc nói điều gì đó khẳng định nhận định trên. Nhất là lúc mọi người hỏi ý kiến bạn, khen ngợi bạn và cả những lúc họ nói rằng bạn là người quan trọng. Bỏ qua những cảm giác khi bị đánh giá thấp bởi chúng không phải là bằng chứng cụ thể để củng cố niềm tin của bạn.
“Sẽ không lãng phí thời gian nếu bạn biết sử dụng kinh nghiệm một cách khôn ngoan.”
Rodin
TRỌNG TÂM
Hãy tự hỏi bạn lo sợ điều gì và suy ngẫm xem liệu nỗi sợ hãi đó có căn cứ hay không.
Tìm kiếm những bằng chứng để chứng minh nỗi sợ hãi đó là vô căn cứ. Hãy rèn luyện thói quen chế ngự nỗi sợ hãi.
⇒ ĐÓN NHẬN LỜI KHEN TỪ NGƯỜI KHÁC
Khi trò chuyện với bạn bè, hãy để ý xem họ có thích thú và có tôn trọng ý kiến của bạn không, bởi khi biết bạn bè tôn trọng mình, lòng tin của bạn sẽ tăng lên rất nhiều.
THU THẬP CHỨNG CỨ
Nếu bạn cố gắng thuyết phục bản thân tin rằng “Mọi người đều coi trọng mình”, hãy tìm gặp bạn bè để xem họ ngưỡng mộ bạn ở điểm nào. Khi nhận được lời khen trong công việc, hãy hỏi giám đốc ngợi khen bạn vì điều gì. Trò chuyện với mọi người để tìm hiểu xem họ cảm thấy như thế nào về niềm tin đó. Có thể bạn sẽ nhận thấy họ cũng cảm thấy bất an giống như bạn mặc dù họ rất tự tin.
Điều này có nghĩa bạn không phải là người duy nhất.
THỬ NGHIỆM
Hãy xem xét lại những niềm tin chính yếu của mình. Chẳng hạn, để chứng minh “Mọi người đều coi trọng mình”, bạn phải nhờ tới 10 người bạn giúp đỡ. Có thể tất cả họ sẽ làm bạn thất vọng, nhưng cũng có thể mọi chuyện sẽ tốt hơn bạn tưởng. Nếu có 6 người nhận xét tốt, khi đó bạn đã chứng minh niềm tin của mình là đúng và đó là cơ sở để bạn tiếp tục giữ vững niềm tin tích cực đó.
NHỮNG ĐIỂM CẦN GHI NHỚ
- Chú ý đến những lúc mọi người tôn trọng ý kiến của bạn sẽ giúp bạn nâng cao sự tự tin.
- Hỏi ý kiến của mọi người sẽ giúp bạn củng cố vững chắc những niềm tin tích cực về bản thân.
- Điều chỉnh những niềm tin chính yếu sẽ có tác động tích cực tới hành vi của bạn.
ĐIỀU CHỈNH NHỮNG NIỀM TIN CHÍNH YẾU
ĐÁNH GIÁ THÁI ĐỘ CỦA BẠN
Đa số những niềm tin chính yếu được hình thành trong quá trình trải nghiệm cuộc sống.
Thời gian trôi qua, những niềm tin đó có thể sẽ không còn hữu ích nữa. Để quyết định nên duy trì hay từ bỏ một niềm tin, bạn cần tự hỏi niềm tin đó mang lại những lợi ích và hạn chế nào.
Một niềm tin chính yếu nhưng tiêu cực sẽ có hại hơn là có lợi. Chẳng hạn, nhận định “Mọi người không coi trọng mình” có thể khiến bạn không cảm thấy thất vọng nhưng lại luôn làm cho bạn sống trong sự dè dặt và hoài nghi. Vì vậy, hãy thay đổi niềm tin đó thành một niềm tin tích cực: “Mọi người đều coi trọng mình”. Niềm tin này sẽ giúp bạn cảm thấy bình tâm hơn.
TRỌNG TÂM
Luôn duy trì những niềm tin tích cực, chúng giúp bạn cảm thấy tự tin vào bản thân và các mối quan hệ của bạn.
Hãy từ bỏ những niềm tin tiêu cực, vì chúng sẽ bào mòn lòng tự trọng và cản bước thành công của bạn.
QUÊN ĐI NỖI LO SỢ
Nếu niềm tin của bạn dựa trên một điều gì đó khiến bạn sợ hãi, hãy đối diện với nỗi sợ hãi đó. Chẳng hạn, nếu niềm tin của bạn là mọi người không thích mình, và bạn lo sợ mọi người sẽ bàn tán sau lưng bạn.
Hãy thử đặt mình vào tình huống đó. Bạn sẽ bảo vệ mình như thế nào? Hãy hình dung tất cả mọi chuyện dù bạn có lo sợ như thế nào đi nữa. Khi vượt qua nỗi sợ hãi, niềm tin của bạn sẽ chuyển thành một niềm tin mới tích cực hơn.
⇒ ĐỐI DIỆN VỚI NỖI SỢ HÃI CỦA MÌNH
Hãy tìm cách thay đổi niềm tin tiêu cực. Chẳng hạn, con chào đời sẽ chia cách hai vợ chồng. Hãy nhìn thẳng vào nỗi lo sợ đó và tin tưởng vào những điều tốt đẹp như “Cô ấy vẫn yêu mình nhiều như trước”.
NÊN VÀ KHÔNG NÊN
Nên:
- Hãy nhớ rằng ngay cả những niềm tin lớn hình thành cách đây hàng thế kỷ nhưng tiêu cực thì cũng có thể thay đổi.
- Hãy thay thế những nhận định vô bổ như “Mình phải đồng ý với mọi người”, bằng những câu khẳng định như “Mình biết chọn câu trả lời đúng”.
- Hãy chú ý đến những lĩnh vực trong cuộc sống mà bạn có khả năng nhất.
Không nên:
- Không nên đánh giá thấp thành công của mình.
Những niềm tin tiêu cực sẽ xóa tan mọi suy nghĩ về thành công của bạn.
- Không nên hiểu sai hành động của người khác.
Niềm tin tiêu cực có thể khiến bạn hiểu lầm mọi chuyện.
- Không nên so sánh. Luôn có những người hoàn hảo hơn hoặc thua kém bạn.
TÁI SẮP XẾP KÝ ỨC
Một niềm tin chính yếu nhưng tiêu cực thường hình thành từ một biến cố trọng đại nào đó trong cuộc đời. Nếu biết vượt qua biến cố đó, nhiều niềm tin tích cực cũng sẽ hình thành. Ví dụ, lúc còn đi học, bạn hay bị bạn bè bắt nạt, chính điều này là cơ sở hình thành niềm tin:
“Mọi người nghĩ rằng mình yếu ớt”. Tuy nhiên, nếu nhớ lại cũng có lúc bạn dám đối đầu với những kẻ bắt nạt đó, bạn hẳn sẽ kết luận “Mình cũng rất dũng cảm đấy chứ!”. Và nếu những kẻ đó ghen tị với kết quả học tập của bạn, bạn sẽ có cơ sở để khẳng định “Mình rất thông minh.”
⇒ NHÌN LẠI QUÁ KHỨ
Rất nhiều niềm tin tiêu cực đã hình thành từ khi bạn còn cắp sách tới trường. Lúc đó bạn nghĩ mọi người đang cười nhạo mình nhưng giờ đây khi đã trưởng thành và ngẫm nghĩ lại, bạn mới hiểu mọi chuyện không phải như vậy.
VÍ DỤ THỰC TẾ
HỌ TÊN: Sam
VẤN ĐỀ : Tuổi tác
MỤC TIÊU: Đánh giá kinh nghiệm của Sam
Sam đang ở tuổi 40 và vẫn không được cân nhắc đề bạt. Anh ta định chuyển công tác nhưng chợt nhận ra mình vẫn luôn tin rằng:
“Khi đã quá ngưỡng tuổi 40, mọi cơ hội thăng tiến dường như đều khép lại.”
Không chấp nhận ý tưởng đó, Sam bắt đầu tìm kiếm cơ hội cho mình. Anh tìm hiểu về những người thành đạt sau ngưỡng tuổi 40, liên hệ với một công ty săn đầu người và hai chuyên gia phụ trách tuyển dụng để lấy ý kiến tư vấn của họ. Sam nhận ra rằng đối với một số công việc, anh đã quá tuổi nhưng còn rất nhiều cơ hội khác đang chờ anh, cần kinh nghiệm làm việc của anh. Sam hiểu rằng chính thái độ tự ti đã cướp mất cơ hội phát triển của mình và liền thay đổi suy nghĩ: “Dù đã 40 tuổi nhưng mình vẫn có đủ khả năng làm một việc nào đó hoàn hảo hơn”.
Hiện tại Sam đang tích cực chuẩn bị và tìm kiếm một việc làm mới.