Một trong những yếu tố nền tảng của nghệ thuật tư duy tích cực chính là lòng lạc quan, tin tưởng vào tương lai. Hãy hành động theo phương châm đó để trở thành một người lạc quan – một người biết chủ động hướng tới tương lai, thay vì nhấn chìm chính mình trong cảm giác tuyệt vọng.
SUY NGHĨ MỘT CÁCH LẠC QUAN
Người lạc quan luôn biết trân trọng những điều tốt đẹp xảy đến trong cuộc đời mình đồng thời xem những điều tồi tệ xảy ra là do hoàn cảnh, sự trùng hợp hoặc do sơ suất. Vì vậy, họ luôn kiểm soát được tình hình và phát huy sức mạnh của mình. Những người bi quan cảm thấy có lỗi khi những điều tồi tệ xảy ra và cho rằng điều tốt đẹp đến với họ chỉ là sự may rủi. Suy nghĩ đó khiến họ luôn mặc cảm và rơi vào tình trạng bất lực. Để trở thành người lạc quan, bạn hãy ghi nhận công sức đóng góp của mình vào bất kỳ việc gì và tự khen tặng mình về điều đó.
⇒ LUÔN TỰ CHỦ
Những người tích cực luôn biết cách kiểm soát cuộc sống của mình và không để mình kiệt sức trước những đòi hỏi của người khác.
HÀNH ĐỘNG
Những người lạc quan luôn cảm thấy tràn đầy sinh lực ngay cả khi phải đối mặt với khó khăn.
Bí quyết để giữ tinh thần lạc quan trong mọi hoàn cảnh là hãy hành động. Khi hành động, bạn sẽ có cơ sở để hy vọng, để cải thiện tình hình. Vì vậy, vào lúc bạn bắt đầu cảm thấy bi quan, chán nản, hãy làm điều gì đó ngay để xóa tan những đám mây u ám trong tâm trí bạn.
Nếu đã hành động nhưng vẫn không giúp ích gì cho bạn, hãy làm một điều gì đó khác. Thật ra, hành động của bạn chưa chắc đã giải quyết được khó khăn ngay lập tức nhưng nó chứng tỏ rằng bạn đã dám đương đầu với khó khăn và đang làm mọi việc để cải thiện tình hình.
⇒ BƯỚC KHỞI ĐẦU
Nếu bạn phải đảm đương một nhiệm vụ nặng nề như trang trí nhà cửa chẳng hạn, hãy làm từng bước một theo trình tự đã định. Điều đó giúp bạn kiểm soát được mọi chuyện.
ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ LẠC QUAN CỦA BẠN
Mức độ lạc quan của bạn đến đâu?
Hãy đánh dấu vào ô mà bạn lựa chọn bên dưới:
• Mình thấy mọi chuyện rồi cũng tốt đẹp cả thôi.
• Mình luôn vươn lên bất chấp mọi khó khăn.
• Khi mọi chuyện trở nên tồi tệ, mình vẫn cố gắng vượt qua.
• Mình không bao giờ từ bỏ ước mơ, hy vọng.
• Mình thuộc loại người luôn muốn kiểm soát tình hình.
• Mình không ngại nhờ người khác giúp đỡ nếu gặp khó khăn.
Bạn đánh dấu vào càng nhiều ô thì bạn càng là người lạc quan. Còn những ô chưa được đánh dấu, bạn cần hoàn thiện mình theo nội dung đó để cuộc sống trở nên lạc quan hơn.
TẬP HỢP CÁC NGUỒN LỰC
Lạc quan là luôn cảm thấy mạnh mẽ, cảm thấy có đủ nguồn lực để đạt được điều mình muốn.
Vì vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, hãy luôn kiểm chứng những nguồn lực mà bạn có như kỹ năng, kiến thức, nguồn trợ giúp từ các chuyên gia, bạn bè và gia đình. Sau đó hãy xác định những nguồn lực nào bạn cần tăng cường để giải quyết vấn đề; đồng thời tìm cách huy động những nguồn lực đó và phải quyết tâm hành động cho bằng được.
⇒ CÂN ĐỐI CÁC NGUỒN LỰC CỦA BẠN
Thay vì cảm thấy chán nản khi gặp phải tình huống khó khăn, những người lạc quan luôn tự tin đối mặt với nó, vạch ra những việc mà mình cần sự hỗ trợ đồng thời ra sức tìm kiếm sự hỗ trợ đó.
XÓA BỎ CẢM GIÁC BI QUAN
Nếu bạn là người thường hay bi quan, hãy nhớ rằng kết quả của mọi vấn đề thường nằm trong phạm vi những dự đoán lạc quan và bi quan nhất. Vì vậy, khi gặp tình huống khó khăn, hãy dự đoán trường hợp xấu nhất và tốt nhất. Với trường hợp xấu nhất, bạn hãy tự hỏi: “Khả năng xảy ra điều này có cao không?”, “Làm thế nào để hạn chế khả năng này xảy ra ?” Với trường hợp tốt nhất, bạn hãy tự hỏi: “Khả năng xảy ra điều này có cao không?”, và “Làm thế nào để tăng khả năng đó lên mức cao nhất?” Hãy suy nghĩ thực tế, kết quả xảy ra có thể nằm giữa những gì tốt đẹp nhất và tồi tệ nhất.
TRỌNG TÂM
Những người lạc quan thường thành công hơn, khỏe mạnh hơn và ít chán nản hơn những người khác.
Khi dự đoán kết quả của một công việc, một tình huống, hãy tự hỏi làm thế nào bạn có thể đạt được kết quả khả quan nhất và bạn cần tới những nguồn lực nào.