K
hi tôi chưa hết phấn khích vì được chuyển đến Atlanta làm giảng viên thì chúng tôi nhận được công văn từ trụ sở chính của IBM: “IBM đã bán Trung tâm Giới thiệu Sản phẩm cho công ty NYNEX”. Vậy là ước mơ của tôi đã phải thay đổi.
Nhân viên nào đồng ý chuyển sang làm việc cho NYNEX sẽ được trả ngay năm ngàn đô la; còn những ai muốn ở lại với IBM sẽ phải tham dự một khóa huấn luyện hai năm về hệ thống điều hành và máy tính chủ. Thật là một quyết định khó khăn: tôi chưa muốn chia tay với IBM lúc này nhưng phải đi học trở lại là cả một vấn đề không dễ dàng. Tình hình còn tồi tệ hơn khi những nhân viên ở các bộ phận khác có ấn tượng không mấy tốt đẹp đối với các nhân viên ở bộ phận Sản phẩm Văn phòng. Chỉ riêng ý nghĩ phải làm việc chung với những người xem thường mình đã làm tôi nhụt chí hoàn toàn.
Khóa huấn luyện tại IBM bao gồm 18 tháng ở văn phòng chi nhánh và 6 tháng ở Atlanta và Dallas. Vì IBM là một công ty đồng nhất, nên mọi nhân viên từ tất cả các bộ phận khác trong công ty sẽ cùng tham gia. Tôi có thể ngồi cạnh bên một nhân viên thiết kế chip máy tính hoặc là một thạc sĩ quản trị kinh doanh đã từng tốt nghiệp Đại học Harvard. Cơ hội cạnh tranh cho mọi người là như nhau và bất kỳ ai không vượt qua được những kỳ kiểm tra gắt gao sẽ phải ra đi. Tất cả đều xuất phát từ chủ trương sắp xếp lại bộ máy nhân sự của IBM.
Biết tôi đang gặp khó khăn, một hôm cậu Kenny đã ghé thăm tôi và khuyên tôi nên tham dự khóa học “Theo đuổi sự hoàn hảo” nhằm mục đích xác định điều tôi muốn và củng cố thêm sự tự tin cho tôi.
Tôi liền đăng ký ngay và thật sự thích thú với khóa học này. Hơn nữa, tôi còn đăng ký thêm khóa học “Làm thế nào để tăng hiệu suất làm việc”. Buổi hội thảo kéo dài hai ngày rưỡi này đã giới thiệu về tầm quan trọng của tinh thần trách nhiệm cá nhân, sự nhận thức bản thân và thái độ. Tôi đã học được cách lên một chương trình hành động cho cuộc đời mình với những điểm nhấn trong tương lai và những điều lạc quan đang chờ đón tôi phía trước. Khóa học đã trang bị cho tôi tất cả mọi thứ và tôi đã kết thúc khóa học trong một tư thế tràn đầy năng lực với suy nghĩ: Ngay bây giờ đây, rất nhiều cơ hội đang chào đón tôi. Bây giờ tôi đã biết mình cần gì. Trong số 12 người làm việc tại Trung tâm Giới thiệu Sản phẩm, chỉ có hai người quyết định ở lại với IBM; và tôi là một trong hai người đó.
Lớp học đầu tiên của khóa huấn luyện có mặt đông đủ nhân viên từ tất cả các bộ phận khác trong công ty. Tôi cố gắng không để bị khớp và hoàn tất lớp học đầu tiên với kết quả rất tốt. Dĩ nhiên, đó chỉ là bước khởi đầu trong một loạt 6 lớp của khóa huấn luyện. Và tôi cần phải đi hết toàn bộ khóa học.
Cùng lúc đó tôi nghe nói IBM đang cần các giảng viên về tiếp thị. Tôi nghĩ tôi hội đủ điều kiện để có thể truyền đạt một số điều cơ bản trong bán hàng vì tôi đã có một thời gian dài làm việc tại công ty. Tuy nhiên, để có thể xin được vị trí này tôi cần phải có sự chấp thuận của người quản lý chi nhánh. Tôi đã gặp và trao đổi trực tiếp với người quản lý nhưng tôi đã bị từ chối thẳng thừng với lý do đây chỉ là công việc tạm thời, nhiệm vụ của tôi là phải hoàn tất cho tốt khóa đào tạo hai năm này.
Tôi thật sự chán nản. Tuy vậy, tôi vẫn theo đuổi giấc mơ của mình. Một ngày nào đó tôi sẽ là một giảng viên của IBM, tôi tự nhủ. Tôi tiếp tục đi hết khóa đào tạo, áp dụng tất cả những gì tôi đã thu thập được trong khóa học tự lực và từ sự nghiệp thể thao để xây dựng, kết nối một mạng lưới quan hệ. Tôi gặp gỡ những người am hiểu hơn tôi trong một số lĩnh vực kinh doanh nào đó để chúng tôi có thể cùng làm việc với nhau. Đáp lại, tôi cũng giúp họ trong những lĩnh vực tôi có nhiều kinh nghiệm.
Một việc quan trọng hơn là tôi bắt đầu chủ động thay đổi thói quen học tập. Tôi bắt đầu có những phát biểu nho nhỏ về vấn đề động cơ trong lớp học. Thỉnh thoảng các giảng viên đã yêu cầu tôi đứng trước lớp để chuyển tải vài lời lạc quan với lớp, thường là ngay sau một buổi kiểm tra vất vả.
Tôi thường phát biểu để động viên khích lệ tinh thần các bạn trong lớp. Tôi nhận ra một điều là ai cũng khao khát nhận được những thông tin lạc quan, và cũng từ lúc này tôi bắt đầu chọn tiêu đề “Thái độ của bạn là tất cả” cho những bài phát biểu của mình.
Rất đáng ngạc nhiên là tôi không gặp trở ngại gì trong việc tìm kiếm tài liệu. Trước đó ít lâu, một người bạn gởi tặng tôi quyển sách của Zig Ziglar với tựa đề See you at the top (Bạn sẽ là người đứng đầu). Tôi đã cho quyển sách này cùng với những bài viết “Hãy khám phá những tiềm năng của bạn” mà tôi đã mua từ khóa học “Làm thế nào để tăng hiệu suất làm việc” vào trong hành lý xách tay khi đi tham gia khóa huấn luyện của IBM. Tôi đã đọc chúng không biết chán và ghi nhớ những phần mà tôi sẽ sử dụng làm nền tảng cho những bài phát biểu khích lệ tinh thần lớp học của tôi.
Lớp học cuối cùng của khóa huấn luyện được gọi là “Khóa bán hàng IBM”. Vào ngày thứ hai của lớp học, vị giảng viên yêu cầu bầu cán bộ lớp. Vì đã có mục tiêu từ trước nên ngay lập tức tôi giơ tay tự ứng cử. Tôi giải thích một cách hùng hồn lý do tại sao tôi có thể làm đại diện cho lớp. Tôi nói về quá trình học và làm việc của tôi, về các kinh nghiệm tôi đã có và về những khóa đào tạo bán hàng mà tôi đã tham dự. Tôi nói về tất cả những gì mà theo tôi là hữu ích cho việc giảng dạy của mình.
Tất cả mọi người đều bị thuyết phục và quyết định bầu chọn tôi làm người đại diện cho lớp. Mọi người đều nhìn thấy bầu nhiệt huyết và sự chân thành của tôi. Đối với nhiều người trong chúng tôi, đi được đến chặng cuối cùng này của khóa đào tạo là cả một thách thức. Và trong bài phát biểu khi nhận chức, tôi đã không quên cám ơn sự giúp đỡ của các bạn đồng nghiệp. Nhờ có mọi người, tôi mới đi đến được giai đoạn này; và ở vị trí đại diện lớp, tôi cam kết sẽ là một người dẫn đầu tập thể mà họ có thể tin tưởng.
Lớp học “Khóa bán hàng IBM” là lớp học tôi yêu thích nhất. Một trong những bài tập trong lớp là phải thực hiện sáu cuộc gọi tiếp thị. Nếu chúng tôi bán được hàng từ một trong sáu cuộc gọi này, chúng tôi sẽ được ghi nhận bằng cách được tuyên dương trước lớp hoặc nhận một món quà nhỏ về thành tích bán hàng. Tôi rất phấn khởi với những hoạt động đó và cảm thấy có một nguồn động viên rất lớn.
Tôi đã làm việc rất tốt và đạt được điểm rất cao trong các kỳ kiểm tra. Kết thúc khóa đào tạo hai năm, tôi là một trong số ít người được đứng trên “Hành lang Danh dự” dành riêng cho những người đứng đầu trong số các nhân viên đã đi hết khóa đào tạo bán hàng tại IBM. Tôi như được tiếp thêm nguồn năng lượng dồi dào.
Trở lại Seattle, tôi làm việc dưới quyền của người quản lý mới Craig Kairis. Trong thời gian còn làm ở bộ phận Sản phẩm Văn phòng, tôi đã huấn luyện cho Craig, và từ đó đến nay chúng tôi luôn duy trì mối quan hệ bạn bè rất tốt với nhau. Với tư cách là cấp trên của tôi, một trong những điều đầu tiên Craig nói với tôi là: “Keith, tớ sẽ giúp cậu ra khỏi đây và được làm công việc mà cậu thật sự yêu thích là giảng viên đào tạo. Tuy nhiên điều này cần phải có thời gian. Cậu hãy kiên nhẫn nhé!”.
Sau đó, Craig và tôi bắt đầu lập ra một kế hoạch mang tính chiến lược để hiện thực hóa mơ ước trở thành giảng viên đào tạo của tôi. Craig đang phụ trách tổ chức quảng bá hệ thống máy tính AS/400 của IBM cho tất cả các nhân viên trong vùng. Sản phẩm này sẽ thay thế hai hệ thống máy tính thành công nhất từ trước đến nay trong lịch sử phát triển IBM: hệ thống S/36 và hệ thống S/38. Craig yêu cầu tôi đến Dallas trong vòng một tuần, nghiên cứu về sản phẩm này, sau đó trình bày lại cho mọi người tại một buổi hội thảo khu vực trong vòng hai mươi lăm phút.
- Craig, t...tôi không biết... - Tôi trở nên lắp bắp vì lời đề nghị hết sức bất ngờ.
- Tớ rất tin tưởng ở cậu. - Craig nói một cách chắc chắn. - Tớ biết cậu có thể làm được. Cậu rất muốn được đến Atlanta để làm giảng viên phải không? Ban giám đốc cần được biết cậu làm như thế nào, và không có cơ hội nào tốt hơn lần này đâu.
Thế là tôi đi Dallas, học tất cả những gì tôi có thể học và quay trở về chuẩn bị cho bài thuyết trình của mình. Vào ngày công bố sản phẩm, khán phòng của khách sạn Sheraton tại Seattle đầy chật hơn một ngàn nhân viên IBM. Khi đến nơi, tôi được thông báo là sẽ có bốn người thuyết trình trong chương trình và tôi là người thứ ba. Tôi cố gắng hết sức lắng nghe hai người trình bày trước tôi trong lúc chờ đợi đến lượt mình.
Khi thời khắc ấy đến, tôi đứng dậy, hít một hơi thật sâu, và bắt đầu bài thuyết trình của mình. Sự phấn khích của tôi lên đến đỉnh điểm và lan truyền khắp khán phòng. Sau lần đó, tôi đã nhận được nhiều lời mời của các giám đốc khu vực khác để thực hiện các sự kiện trong công ty. Ngoài ra, dưới sự giúp đỡ của Craig, tôi cũng đã hoàn tất được chỉ tiêu bán hàng của mình. Mọi thứ có vẻ đã đi vào quỹ đạo ổn định để tôi được chuyển sang làm giảng viên ở Atlanta.
Cuối cùng, tôi cũng nhận được quyết định đến Atlanta để phỏng vấn cho vị trí giảng viên bán hàng đang thiếu. Các buổi phỏng vấn diễn ra rất tốt và tôi đã được nhận. Tôi đã chính thức trở thành một giảng viên đào tạo. Cảm giác thật tuyệt vời!
Lần đầu tiên tôi biết cảm giác của một công việc không bị lệ thuộc vào chỉ tiêu, định mức hay sự lên xuống của thị trường mà phụ thuộc vào sự đánh giá của các học viên, dựa trên năng lực giảng dạy và khả năng truyền đạt của mình. Tôi yêu mến công việc dạy học và kết quả là trong năm thứ hai, tôi đã được bầu làm giảng viên ưu tú tại Trung tâm đào tạo bán hàng. Nhưng đến năm thứ ba, mọi việc bắt đầu chững lại và IBM quyết định thành lập công ty Skill Dynamics thay thế cho Trung tâm đào tạo bán hàng. Lúc đó, tôi không nghĩ nhiều đến sự thay đổi ấy, nhưng chính sự kiện này đã có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của tôi.
Giám đốc mới của công ty Skill Dynamics là Bob Bradshaw đã gọi tôi vào văn phòng và hỏi:
- Tôi nghe nói cậu đã thành lập một công ty riêng, đúng không?
- Vâng, tôi đã bắt đầu nhận được một số lời mời đi thuyết trình bên ngoài IBM, vì vậy tôi đã mở một công ty riêng về lĩnh vực này. Công ty của tôi nhỏ thôi, nhưng tôi rất tự hào về nó.
- Công ty của cậu tên gì? - Bob hỏi.
- Harrell & Associates, nghĩa là Harrell và các cộng sự. - Tôi trả lời.
- Vậy ai là cộng sự của cậu?
- Hiện giờ chỉ có một người. Đó là mẹ tôi.
- Việc đó có vẻ không ổn lắm, thậm chí còn khá rắc rối. – Bob tư lự.
- Tôi chưa hiểu lắm. - Tôi thắc mắc.
- Hiện giờ chúng ta đã trở thành một công ty chuyên đào tạo kỹ năng, tôi muốn tạo thêm nhiều cơ hội để tăng doanh thu cho công ty. Một cách để làm việc này là công ty sẽ ghi âm các bài phát biểu thúc đẩy động cơ làm việc cho nhân viên của cậu rồi bán cho khách hàng của công ty. Vì cậu đang làm việc cho công ty nên việc cậu mở một công ty riêng sẽ gây ra mâu thuẫn về quyền lợi. Thế nên, thay mặt công ty, tôi muốn cậu lựa chọn hoặc là tiếp tục làm việc cho chúng tôi, hoặc cậu sẽ phải rời khỏi nơi này. – Bob giãi bày.
- Vậy là ông yêu cầu tôi sa thải mẹ tôi ư? – Tôi bông đùa để không khí đỡ căng thẳng.
- Công ty cậu có được bao nhiêu khách hàng? - Bob không trả lời tôi mà hỏi tiếp.
- Chỉ mới một thôi nhưng tôi tin rằng sẽ có thêm nhiều khách hàng nữa.
- Tùy cậu quyết định! – Bob thở dài.
Chẳng cần mất nhiều thời gian để tôi ra quyết định. Tôi không thể rời bỏ công việc tôi yêu thích, công việc mà tôi cảm thấy có ý nghĩa. Lần đầu tiên trong sự nghiệp của mình tôi tin rằng tôi đã tạo ra một sự khác biệt. Tôi đã từng mơ ước đến cơ hội này và tôi không có ý định từ bỏ giấc mơ của mình.
Và thế là tôi chào tạm biệt công ty Skill Dynamics mới thành lập, dù không tránh khỏi đôi chút tiếc nuối.
Nhớ lại trước đó năm tháng, tôi bắt đầu công ty riêng của mình bằng việc nhấc điện thoại lên và gọi đến tất cả các công ty trong vùng, hỏi xem họ có nhu cầu về những buổi thuyết trình nhằm động viên nhân viên hay không. Cũng trong ngày chính thức khai trương văn phòng, tôi đã ký được hợp đồng thuyết trình đầu tiên.
Giờ đây, khi đã không còn làm việc tại IBM, tôi biết mình phải tự đứng trên đôi chân của mình. Đầu tiên là tôi liên lạc đến một số trường học tại Atlanta. Tôi thuyết phục các vị hiệu trưởng rằng tư tưởng “Thái độ là tất cả” rất cần thiết cho các thầy cô vì các thầy cô chính là người có ảnh hưởng rất lớn đối với học sinh. Sau đó, một vài trường đã liên lạc để tôi thuyết trình cho đội ngũ giáo viên của họ.
Thêm một khách hàng khác trong buổi ban đầu thành lập công ty của tôi là Chính quyền bang Georgia. Tôi được mời nói về tầm quan trọng của thái độ phục vụ ở các nhân viên hành chính khi cung cấp các dịch vụ nhà nước cho công chúng. Sau đó đại diện công ty IBM đã đến tìm tôi và ký một hợp đồng thuyết trình trong sáu tháng.
Thật sự, giai đoạn chuyển tiếp từ một nhân viên đào tạo của IBM sang một thuyết trình gia chuyên nghiệp là một giai đoạn đầy thử thách. Cũng giống như lần tôi chuyển từ sự nghiệp thể thao sang kinh doanh, không ai trong gia đình tôi tin rằng tôi có thể làm được. Đặc biệt là đối với bố tôi, ông tin rằng sự nghiệp của một con người cần phải gắn liền với sự ổn định, sự an toàn, sự gắn bó trong từng giai đoạn êm xuôi cũng như lúc khó khăn. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi bố đã truy hỏi tôi thật nhiều khi nghe tin tôi nghỉ làm ở IBM và mở công ty riêng.
- Khách hàng sẽ tìm đến con như thế nào? - Bố bắt đầu.
- Con đã để lại số điện thoại trên những tờ bướm quảng cáo. Khi họ có nhu cầu, họ sẽ gọi trực tiếp đến văn phòng của con. - Tôi trả lời.
- Cho đến bây giờ đã có bao nhiêu khách hàng gọi cho con rồi?
- Chỉ có một vài, nhưng tương lai sẽ khả quan hơn. – Thật tình tôi đã hy vọng bố đừng hỏi tôi câu này.
- Công ty của con có điều gì khác biệt với những công ty cạnh tranh khác? – Bố vẫn tiếp tục chất vấn tôi.
- Sự khác biệt lớn nhất chính là bản thân con. Với lợi thế là một cầu thủ bóng rổ tên tuổi, với những kinh nghiệm, kỹ thuật bán hàng mà con đã tích lũy khi làm tại IBM, con sẽ tạo được ấn tượng đặc biệt khác với những nhà thuyết trình khác. – Tôi trả lời bố một cách tự tin.
- Này con trai, mọi việc sẽ không dễ dàng như con nghĩ đâu. Con đã chuẩn bị một kế hoạch đề phòng rủi ro chưa nếu chẳng may sự nghiệp thuyết trình của con không thành công?
- Con chưa nghĩ đến việc mình sẽ thất bại. Chắc chắn con sẽ thành công. Con đang rất cần sự tin tưởng của bố. – Tôi quả quyết.
Bố tôi bỗng nhiên trầm ngâm, có lẽ bố đang cân nhắc tất cả các lập luận của tôi. Tôi vẫn không quên lời bố nói sau đó:
- Keith! Con đã hoàn toàn thuyết phục được bố. Bố tin con sẽ thành công. Chính thái độ bất chấp tất cả sẽ giúp con đứng được trên đôi chân của mình.
Thế là cùng với sự ủng hộ của bố tôi và thái độ “bất chấp tất cả”, tôi đã dấn thân vào sự nghiệp mới của mình.
TRẢI NGHIỆM 16
Đa phần chúng ta thường cảm thấy e ngại trước những thay đổi; nhưng thay vì sợ hãi, bạn nên xem thay đổi là cơ hội để học hỏi, để đánh giá lại mục tiêu của mình. Bạn phải nhận thấy rằng một sự thay đổi thật sự mất rất nhiều thời gian; vì vậy bạn cần phải kiên nhẫn với chính bản thân mình. Đôi khi để có một bước đột phá trong đời, bạn cần phải chấp nhận từ bỏ cái hiện có để thử một cái khác tốt hơn. Thay đổi là một phần tất yếu của cuộc sống và gắn liền với sự phát triển.
Hãy trân trọng những đổi thay và thách thức mà cuộc sống mang đến cho bạn bởi chúng chính là động lực đẩy bạn ra khỏi “tổ kén ấm áp”, dạy cho bạn hiểu rõ hơn về chính mình, và giúp bạn đánh giá được điều gì quan trọng nhất đối với bản thân.