Đ
ến tận bây giờ, ký ức của tôi vẫn còn lưu giữ những gì đã xảy ra vào cái ngày thứ Tư đặc biệt của tháng Giêng năm 1999. Năm giờ rưỡi chiều ngày hôm đó, chuông điện thoại trong văn phòng tôi bỗng reo lên. Lúc ấy đã qua giờ tan tầm nên không còn nhân viên nào ở văn phòng cả, và tôi cũng đang xếp dọn hồ sơ chuẩn bị về nhà. Với những cuộc điện thoại ngoài giờ làm việc như thế này, tôi thường để hộp thư thoại tự động làm việc. Tuy nhiên, lần này, không hiểu vì lý do gì, tôi lại quyết định nhấc điện thoại lên và mở đầu bằng câu chào quen thuộc:
- Đây là văn phòng tư vấn Harrell! Hân hạnh được phục vụ quý khách!
Trả lời tôi là một giọng nữ êm ái:
- Tôi là Ellen Pollock, phóng viên nhật báo The Wall Street Journal. Tôi muốn được nói chuyện với Keith Harrell.
- Vâng! Tôi là Keith Harrell. Tôi có thể giúp được gì cho cô? - Tôi hỏi một cách chân thành.
- Tôi đang thực hiện số báo chuyên đề về những người nổi tiếng và tôi đã chọn ông làm nhân vật cho bài viết của mình. Vì vậy, xin ông dành cho tôi chút thời gian để hoàn thành bài viết này.
Tôi xem đồng hồ rồi nhanh chóng quyết định:
- Hôm nay tôi cũng không bận lắm. Vậy cô có thể bắt đầu buổi phỏng vấn của mình. - Thật ra thì không dễ dàng khi phải từ chối một giọng nói êm dịu và pha chút khẩn khoản ấy.
Cuộc phỏng vấn mở đầu bằng những câu hỏi ngắn gọn nhưng sâu sắc, chứng tỏ sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Ellen không hỏi nhiều về cuộc sống riêng tư mà chỉ muốn tìm hiểu về tôi ở góc độ nghề nghiệp. Tôi thật sự đánh giá cao điều này vì thấy cô ấy hoàn toàn khác với những phóng viên trước đây. Sự e dè, cẩn trọng trong tôi đã dần tan biến trước sự khéo léo, nhiệt thành của Ellen. Tôi bắt đầu cảm thấy tin tưởng con người không quen biết này và không ngần ngại kể cho cô ấy nghe những thăng trầm, trải nghiệm trong nghề diễn thuyết của mình. Tôi cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng và sức tác động của phương châm sống “Thái độ là tất cả – Attitude is everything” của tôi. Mặc dù chỉ qua điện thoại nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự chăm chú lắng nghe của Ellen. Tôi bỗng cảm thấy đôi chút tò mò về người phụ nữ khá đặc biệt này nên đã đặt câu hỏi ngược lại: “Cô có thể kể cho tôi nghe về cuộc sống của cô không?”.
Ellen không ngần ngại khi kể về gia đình của mình. Giọng của cô trở nên sôi nổi hẳn. Cuộc chuyện trò giữa tôi và Ellen diễn ra khá vui vẻ và thoải mái thế nên đã để lại cho tôi đôi chút luyến tiếc khi cuộc phỏng vấn kết thúc. Ellen hứa rằng sẽ gọi điện cho tôi trước khi báo đăng vài ngày.
- Cảm ơn cô đã gọi cho tôi. Trong mọi trường hợp, hãy luôn nhớ rằng thái độ của chúng ta sẽ quyết định tất cả. - Tôi vẫn không quên kết thúc bằng một câu nói cũng rất quen thuộc của mình.
Sau khi gác máy, tôi tiếp tục thu dọn chồng hồ sơ của mình. Bỗng nhiên tôi nhớ đến lời nói của cậu bạn thân Ralph Bianco lúc tôi mới thành lập công ty: “Keith à, hãy cố gắng lên, nếu cậu thành công và được nhật báo The Wall Street Journal giới thiệu, công việc của cậu sẽ có rất nhiều thuận lợi”. Tôi không chắc là bài viết về tôi có được chọn đăng không nhưng tôi thật sự vui khi thấy mình là nhà thuyết trình đầu tiên được lựa chọn. Điều này phần nào khẳng định uy tín và sự thành công của tôi đối với nghề nghiệp mà tôi đã đặt vào đó rất nhiều tâm huyết của mình.
Hai tuần trôi qua nhưng tôi vẫn chưa thấy Ellen gọi điện lại. Vào lúc tôi tự an ủi mình rằng bài phỏng vấn hôm đó có lẽ đã không được duyệt thì có một vài sự việc xảy ra khiến tôi hiểu rằng để một bài báo được chọn đăng trên The Wall Street Journal, các phóng viên cần phải chịu trách nhiệm về độ chính xác và tính tổng quát của thông tin. Ellen vẫn chưa liên lạc với tôi vì cô ấy còn phải tiếp xúc với các doanh nghiệp và tổ chức từng là khách hàng của tôi. Cô ấy đã gặp riêng nhân viên các cấp của văn phòng tôi. Thậm chí Ellen còn gọi điện thoại cho thầy Al Hairston - huấn luyện viên bóng rổ thời trung học của tôi. Mọi người chỉ cho tôi biết tất cả những điều này sau khi Ellen đã kiểm tra xong thông tin.
Ellen thậm chí còn muốn tham dự một buổi thuyết trình của tôi. Điều này thì không có gì là khó. Thêm một khán giả là thêm một niềm vui với tôi. Tôi sắp xếp cho Ellen đến nghe buổi thuyết trình của mình trước hàng trăm nhân viên bán hàng của một tập đoàn khá tiếng tăm mà tôi dự kiến là sẽ rất sôi nổi và thú vị. Thế nhưng, với lịch làm việc dày đặc của mình, Ellen chỉ có thể đến nghe buổi nói chuyện của tôi tại Cincinnati cho một nhóm nhỏ khoảng vài chục nhà quản lý.
Vào ngày thuyết trình hôm đó, Ellen đến sớm hơn để chọn một chỗ ngồi có thể bao quát được cả khán phòng. Cô không quên đem theo máy ghi âm và cả cuốn sổ ghi chép. Cô vừa chăm chú lắng nghe bài nói chuyện của tôi vừa ghi nhận phản ứng của khán giả. Buổi nói chuyện ban đầu có vẻ buồn tẻ, thiếu sôi động nhưng tôi đã làm nóng bầu không khí bằng những ví dụ sinh động, những câu pha trò đúng lúc và những trò chơi trí tuệ tập thể. Khi buổi thuyết trình kết thúc, Ellen đến bắt tay chào tạm biệt tôi. Mặc dù Ellen không nói ra nhưng tôi có thể đọc được trong mắt cô ấy sự hài lòng. Và tôi không kiềm được sự nôn nóng nên đã hỏi: “Tôi có thể biết được khi nào thì bài viết này được đăng không?”.
Đáp lại sự nóng vội của tôi là thái độ hết sức hòa nhã của Ellen: “Bài viết của chúng tôi còn phải qua khâu kiểm duyệt và tôi cũng không chắc là ban biên tập có giữ lại toàn bộ thông tin hay sẽ cắt gọn. Tuy nhiên, tôi sẽ làm tất cả những gì có thể trong khả năng của mình”.
***
Tối Chủ nhật ngày 28 tháng 2 năm 1999, chuông điện thoại nhà tôi vang lên. Gịong phóng viên Ellen Pollock vang lên với chút nghịch ngợm dễ thương:
- Nếu tôi là ông, tôi sẽ thông báo cho những người thân quen của tôi tìm đọc tờ The Wall Street Journal số thứ Ba tuần này.
- Vậy là bài viết về tôi đã được chọn đăng phải không? - Tôi hào hứng hỏi.
- Vâng, giữa rất nhiều bài viết về người nổi tiếng, ban biên tập đã chọn bài viết về ông. Có lẽ không hẳn là do ngòi bút của tôi mà do chính thái độ và niềm tin yêu cuộc sống mạnh mẽ của ông. Điều đó có ý nghĩa rất quan trọng. Tôi hy vọng ông sẽ hài lòng khi đọc bài viết.
***
Thứ Ba ngày 2 tháng 3 năm 1999. Đang là cuối mùa đông nên tiết trời ở Midwest vẫn còn rất lạnh và có gió giật từng cơn. Tôi đang có mặt tại sân bay Marriott, Chicago, Illinois, để chuẩn bị đi thuyết trình cho khoảng 500 giám đốc điều hành của Tập đoàn Tài chính Lincoln. Trong thời gian chờ máy bay cất cánh, tôi kiểm tra hộp thư điện tử để xem có thể tranh thủ giải quyết được công việc gì không. Thật ngạc nhiên, hàng loạt e-mail với tiêu đề chúc mừng của bạn bè và thính giả từ khắp nơi gởi đến tôi. Vậy là mọi người đã đọc bài viết về tôi sớm hơn cả nhân vật chính nữa.
Tôi vội vàng gọi điện cho bố tôi. Hơn ai hết, bố tôi là người hiểu rất rõ ý nghĩa của bài viết này bởi ông là một giáo sư quản trị kinh doanh đã về hưu. Còn nhớ lúc tôi mới khởi sự công việc kinh doanh, bố luôn ở bên cạnh động viên những lúc tôi gặp khó khăn.
Lúc đó ở Seattle, nơi bố tôi đang ở, chỉ mới là sáu giờ rưỡi, nhưng tôi không thể chờ đợi thêm một phút nào nữa.
- Bố ơi! Bố phải dậy ngay! – Tôi hối thúc bố.
- Có chuyện gì vậy con? - Bố tôi vội hỏi lại, giọng đầy lo lắng.
- Không có gì nghiêm trọng cả. Chỉ là con muốn bố mua ngay một tờ The Wall Street Journal hôm nay vì trong đó có một bài viết về con trai của bố!
- Thật thế ư! Bố đi ngay đây! - Bố tôi hào hứng hét to qua điện thoại.
Tiếp đó, tôi gọi cho chị gái, cũng sống ở Seattle. “Chị Toni, dậy đi, dậy đi. Em đã được đăng trên tờ The Wall Street Journal hôm nay. Chị chạy mua báo mau đi!”. Sau này Toni kể lại rằng sáng hôm đó, sau khi nghe điện thoại của tôi, chị vội lái xe đến ba chỗ khác nhau mới tìm mua được tờ báo, và chị đã mua luôn 10 tờ cùng lúc để gởi cho những người quen của chị ở Seattle.
Và còn một người rất quan trọng nữa trong gia đình tôi mà tôi muốn gọi điện chia sẻ. Đó chính là mẹ tôi.
- Mẹ à. Con là Keith đây. Mẹ đã ngủ dậy chưa? - Tôi dịu dàng hỏi.
- Chào Keith, con có khỏe không? Mẹ đang chuẩn bị đi làm. Hôm nay mẹ phải đến văn phòng sớm. - Mẹ tôi nói.
- Trên đường đi làm mẹ nhớ mua tờ báo ngày hôm nay nhé. Có hình con đăng trên báo đấy!
- Con được đăng trên báo Seattle ư?
- Không phải, báo The Wall Street Journal, mẹ ạ.
- Báo The Journal Wall à! - Bà tỏ ra bối rối.
Tôi sực nhớ mẹ tôi ít khi đọc The Wall Street Journal nên đánh vần tên tờ báo để mẹ ghi lại. Trước khi cúp máy, tôi dặn dò:
- Xem xong bài viết đó mẹ nhớ gọi điện cho con nhé! - Tôi muốn biết cảm giác của mẹ khi thấy hình con mình được đăng trên báo.
Mãi đến khuya hôm đó, mẹ mới gọi cho tôi.
- Sao đến giờ này mẹ mới gọi lại cho con? - Tôi hơi trách mẹ.
- Mẹ đã đi hết từng văn phòng nơi mẹ làm việc để báo tin cho tất cả mọi người biết rằng con trai mẹ đã được đăng trên The Wall Street Journal.
Về phần tôi, sau khi gọi điện cho gia đình, tôi cảm thấy thật phấn khích và hoàn toàn sẵn sàng cho buổi thuyết trình. Thế nhưng, tôi cũng nôn nóng muốn đọc bài viết về mình. Tỏ ra hết sức bình thản và điềm tĩnh, tôi bước đến quầy báo trong sân bay và đếm thấy có khoảng một chục tờ báo trên sạp. Nếu tôi mua hết tất cả số báo này thì những người khác sẽ không có cơ hội được đọc nó, vì vậy tôi quyết định chỉ mua ba tờ.
Khi tôi trả tiền, cô bán báo ngạc nhiên nhìn tôi: “Ông mua ba tờ cùng một loại ư?”.
- Đúng vậy! - Tôi trả lời mà cố giấu đi niềm vui của mình. - Vì số báo này có một bài viết về người bạn rất thân của tôi.
- Thật thú vị! Cho tôi xem đó là bài nào được không?
Ngay lúc vừa nhìn thấy ảnh của tôi trên trang báo, cô bán báo đã không kìm được sự phấn khích của mình: “Mọi người hãy nhìn đây. Đây là người được đăng trên số báo hôm nay đấy!”. Thế là chẳng mấy chốc cô gái bán thêm được khá nhiều báo.
Vừa xuống máy bay là tôi đến thẳng nơi thuyết trình. Tôi luôn thích cảm giác được đứng trước khán giả. Và trong cái ngày đặc biệt này, tôi như được tiếp thêm sức mạnh và bầu nhiệt huyết mới. Nhiệm vụ của tôi không chỉ là đem lại những giây phút thư giãn cho khán giả, mà quan trọng hơn hết là phải chuyển tải được thông điệp của thái độ và suy nghĩ tích cực về cuộc sống.
Tôi bắt đầu buổi thuyết trình của mình: “Những niềm vui trong cuộc sống thường đến rất bất ngờ. Các bạn có đồng ý như vậy không?”. Khán giả gật đầu tán đồng. Tôi tiếp tục: “Sáng nay khi tôi vừa thức dậy, tôi đã nhận được một tin bất ngờ và thú vị”.
Cả khán phòng xôn xao hẳn lên. Tôi cố tình dừng lại hơi lâu đủ để kích thích sự tò mò của mọi người rồi nói tiếp: “Trên số báo The Wall Street Journal hôm nay, có một bài báo viết về tôi, về những buổi thuyết trình, và về cả những khán thính giả như các bạn đây là người đã luôn ủng hộ tôi hết mình”.
Ngay lúc đó, một vài người vội đứng lên và bước ra ngoài. Chẳng mất nhiều thời gian, họ đã tìm mua được tờ báo và vội la to khi trở lại phòng: “Mọi người ơi, đúng là thầy Keith được đăng trên báo The Wall Street Journal đấy!”. Phải mất gần nửa tiếng đồng hồ sau tôi mới có thể ổn định lại mọi người và bắt đầu buổi thuyết trình của mình trong tiếng vỗ tay hoan hô, có lẽ là nồng nhiệt nhất từ trước đến giờ.
Kết thúc buổi thuyết trình, tôi gọi điện cho nhân viên ở văn phòng để thông báo về bài viết. Các đường dây điện thoại liên tục nghẽn mạch vì có rất nhiều cuộc gọi chúc mừng tôi. Trong hộp thư thoại của tôi cũng đầy ắp những tin nhắn để lại từ những văn phòng cung cấp dịch vụ thuyết trình muốn mời tôi hợp tác; từ những doanh nghiệp, tổ chức muốn mời tôi đến thuyết trình cho nhân viên, và từ một nhà xuất bản trước đây đã từ chối thẳng thừng quyển sách của tôi...
Riêng tôi, tôi cảm thấy hạnh phúc nhất khi nghe những tin nhắn của những người bạn xa xưa từ thời tiểu học, trung học, đại học và đến cả một số đồng nghiệp cũ tại IBM. Họ gọi đến để nhắc lại chuyện ngày xưa, để chúc mừng, để động viên và thể hiện niềm tự hào khi có một người bạn là tôi.
Thậm chí cậu bạn đại học Reggie Green còn tỏ ra bực bội khi cậu chỉ biết đến bài báo vào cuối ngày và cứ trách tôi mãi vì đã không báo cho cậu ta biết ngay khi bài báo sắp được lên khuôn. Thật sự là tôi còn hơi do dự và cũng muốn dành cho mọi người một chút bất ngờ.
Chiều hôm đó, trên chuyến bay trở về nhà, tôi mới có thời gian đọc kỹ bài báo. Những câu từ ấn tượng khắc sâu vào tâm trí tôi, nào là “con người của những câu nói vàng”, “tấm gương điển hình của một thái độ sống tích cực”, rồi đến “sự nghiệp đầy hứa hẹn”, “thay đổi cuộc đời và suy nghĩ của nhiều người”… Cảm giác dịu êm lan tỏa khắp người tôi. Cuối cùng thì tất cả những điều tốt đẹp nhất đã xảy đến với tôi, một người đã từng là một đứa trẻ ốm yếu, nhút nhát và mắc tật nói lắp.
TRẢI NGHIỆM ĐẦU TIÊN
Cái được gọi là “thực hiện những việc đúng đắn” chính là tính chuyên nghiệp đi đôi với một thái độ tích cực, một niềm say mê công việc và một hình ảnh cá nhân được xây dựng một cách trung thực.
Việc hình thành một hình ảnh riêng, mang bản sắc cá nhân, là cả một quá trình lâu dài và đầy khó khăn, đôi khi đòi hỏi bạn phải có những hy sinh đáng kể. Để đạt được điều này, bạn phải biết mình muốn trở thành một người như thế nào, muốn được theo đuổi những công việc gì và đâu là mục đích lâu dài mà bạn muốn hướng đến.
Khi đã xác định được điều này, bạn hãy kiên tâm theo đuổi mục tiêu đến cùng với tất cả đam mê mà bạn có. Chính niềm đam mê này sẽ nâng bạn lên mỗi khi bạn vấp ngã, sẽ tiếp sức khi bạn chùn chân và sẽ đem lại cảm giác tự hào tột cùng khi bạn đã vượt qua được mọi thử thách.
Và đừng quên nuôi dưỡng niềm tin. Cho dù xuất phát điểm của việc “thực hiện những việc đúng đắn” không bằng phẳng, nhưng với niềm tin, chắc chắn bạn sẽ chạm được đích đến của thành công.
Bất kể bạn là ai, bạn đang ở vị trí xã hội nào, bạn đang thực hiện công việc gì, thì luôn có ít nhất một người dõi theo những việc bạn làm. Đó có thể là những người thân yêu trong gia đình, những người bạn, những đồng nghiệp, những người chưa quen biết và cả kẻ thù, những người ghen ghét bạn. Tất cả mọi người đều có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau, vì thế hãy chỉ thực hiện những việc đúng đắn để hình ảnh của bạn luôn được nhất quán và không bị xóa nhòa trong tâm tưởng của những ai quan tâm đến bạn.