B
ài báo được đăng trên tờ The Wall Street Journal vào năm 1999 chỉ là một phần rất nhỏ trong câu chuyện về cuộc đời của tôi.
Tôi vốn là một người vô cùng hiếu động và luôn náo nức khám phá những điều mới mẻ xảy ra trong cuộc sống. Có lẽ cũng chính vì thế mà tôi ra đời sớm hơn dự đoán hai tuần. Lúc đó là giữa trưa một ngày tháng Mười Hai giá rét khi bố đưa mẹ đi khám thai định kỳ. Sau khi thăm khám, bác sĩ đã nhận thấy những dấu hiệu chuyển dạ sớm nên yêu cầu mẹ phải nhập viện ngay lập tức. Và chỉ một tiếng đồng hồ sau, tôi đã cất tiếng khóc chào đời. Bà nội tôi khi đó đang là y tá của bệnh viện nên tôi được chăm sóc có phần đặc biệt hơn cả. Trong phòng dưỡng nhi, tôi được ưu tiên đặt ở dãy đầu tiên để tất cả mọi người đến thăm đều có thể nhìn thấy đứa cháu nội mới sinh của bà.
Sức khỏe mẹ tôi nhanh chóng hồi phục và chỉ sang ngày hôm sau là mẹ đã về nhà. Chúng tôi rời bệnh viện về khu Rainier Vista ở Seattle, nhưng không lâu sau chúng tôi lại chuyển đến ở với bà ngoại ở Đại lộ 33 đến năm tôi 3 tuổi.
Gia đình tôi không phải gốc ở tiểu bang Washington, mà là từ tiểu bang Louisiana. Trước đây, bố tôi sống ở thành phố New Orleans còn mẹ tôi sống ở Saline. Khi trưởng thành, bố tôi theo bạn bè trong vùng đi ngược lên vùng Tây Bắc của Thái Bình Dương, rồi giong ruổi ở Bremerton, Washington và cuối cùng chọn Seattle là nơi dừng chân cuối cùng. Trong thời gian đó, vào năm 1948, gia đình bên mẹ tôi cũng bắt đầu chuyển lên sống ở Seattle. Đến năm 1949, bố mẹ gặp nhau, thương yêu nhau và đi đến kết hôn.
Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn khiến bố tôi không thể theo đuổi trọn vẹn việc học hành. Bố quyết định bỏ ngang việc học ngay từ năm thứ nhất của Đại học Washington và đi làm công nhân xây dựng. Sự chăm chỉ và ham học hỏi đã giúp bố tôi nhanh chóng trở thành một công nhân trát vữa có tay nghề vững. Ngày nay, do sự phát triển của một số kết cấu xây dựng có sẵn nên nhu cầu về công nhân có tay nghề loại này không còn nhiều nữa, nhưng vào thập niên 1950 thì đó là một nghề có thể nuôi sống cả một gia đình.
Liên tục trong vòng mười năm, bố vừa làm thợ trát vữa vừa nuôi ước mơ vào đại học với mong muốn có thể đem lại một cuộc sống tốt hơn cho chúng tôi. Cuộc sống với biết bao thăng trầm đã nhiều lần khiến bố tôi tưởng chừng bỏ cuộc. Nhưng với sự quyết tâm cao độ, bố đã vượt qua tất cả và hoàn tất chương trình đại học chuyên ngành giảng dạy. Và trong vòng 36 năm sau đó, bố là giảng viên bộ môn kinh doanh thương mại và kế toán tại trường Đại học Cộng đồng Seattle.
Còn mẹ tôi, sau khi sinh tôi được ít lâu, mẹ đã vào làm việc cho hãng máy bay Boeing suốt từ năm 1956 đến 1970. Sau đó mẹ tôi chuyển sang làm việc cho Văn phòng Chính phủ Thành phố Seattle trong 29 năm. Mẹ về hưu khi đang giữ cương vị Trưởng phòng Quản lý Tài sản của Sở Nhà đất.
Vào đúng lần sinh nhật thứ tư của tôi, gia đình chúng tôi lại chuyển về nhà riêng của mình ở Đại lộ 26. Ký ức về thời thơ ấu của tôi ngập tràn những tháng ngày vui vẻ và hạnh phúc. Theo lời mẹ tôi thường kể lại thì thằng nhóc Keith nhỏ xíu ngày xưa lúc nào cũng kè kè theo một trái banh bóng rổ. Còn chị gái Toni thì nói tôi thỉnh thoảng cũng có chơi đá banh hay đi đua xe đạp. Riêng tôi, thật sự tôi không nhớ gì khác ngoài bóng rổ và bóng rổ.
Thêm một điều nữa tôi không thể quên đó là tôi ghét bị trêu ghẹo. Tôi vẫn còn nhớ vào dịp sinh nhật tôi lúc 5 tuổi, cô Sue tặng tôi một món quà. Tôi háo hức lẫn hồi hộp khi mở gói quà nhưng đó lại là một chiếc quần đáy thụng có sọc xanh trắng. Thường chỉ có những người giao trứng và sữa mới mặc loại quần này nên mỗi lần tôi mặc là bọn trẻ trong xóm lại xúm vào trêu ghẹo tôi. Lúc đó tôi nghĩ rằng việc phải mặc chiếc quần và đối diện với tụi bạn là cả một thách thức lớn. Thế nhưng, thời thơ ấu của tôi còn phải đối mặt với một thách thức lớn hơn gấp bội lần, đó là tật nói lắp.
Ở nhà không ai cười nhạo tật nói lắp của tôi. Mẹ luôn động viên tôi: “Keith, cái đầu bao giờ cũng đi trước cái miệng cả. Con cần phải thong thả, suy nghĩ thật kỹ rồi hãy nói”.
Tuy nhiên, ngay ngày đầu tiên đi học, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn. Sáng sớm hôm ấy, mẹ đến tận giường đánh thức tôi dậy: “Dậy đi nào con yêu. Hôm nay là ngày đầu tiên con đến trường đấy”.
Quá nô nức với cái tin ấy nên tôi ngồi bật dậy ngay.
- Mẹ đã chuẩn bị sẵn cho con hai cái quần: một quần jeans và một quần nhung kẻ. Con thích cái nào thì mặc cái đó.
Nói xong mẹ đi ra để tôi lại một mình với tình huống nan giải đó. Tôi không thể nghĩ ra một phương án nào khác ngoại trừ... mặc hết cả hai cái.
Khi mẹ trở lại phòng, bà đã không nhịn được cười: “Keith, con phải biết tự mình quyết định. Mẹ biết là con thích cả hai cái quần nhưng sẽ tốt hơn nếu hôm nay con mặc cái này, ngày mai con mặc cái kia”.
Tôi liền chọn chiếc quần nhung kẻ vì hình như tôi đẹp trai hơn khi mặc nó. Hơn nữa tôi thích nghe tiếng sột soạt phát ra từ chiếc quần khi tôi bước đi.
Trường tiểu học đối với một đứa trẻ năm tuổi như tôi thật là khổng lồ và rộng lớn vì tôi gần như bị đuối sức khi phải leo lên một cầu thang dài thườn thượt mới tới được lớp của mình. Mẹ đưa tôi vào tận lớp học. Tôi nhìn quanh một lượt xem xét hết các gương mặt sẽ là bạn cùng lớp của tôi. Tên của mỗi học sinh được in trên một tấm bìa cứng đặt trước chỗ ngồi. Tôi reo lên mừng rỡ khi thấy tên của mình được đặt ngay hàng đầu tiên.
Đến giờ tôi vào lớp nên mẹ phải ra về. Trước khi quay đi, mẹ gởi cho tôi một chiếc hôn gió như để động viên; còn tôi thì vẫy tay đáp lại, lòng tràn ngập niềm phấn khởi của ngày đầu tiên đi học.
Người đầu tiên có ảnh hưởng tích cực đến cuộc đời tôi đó là cô giáo Peterson dạy lớp mẫu giáo của tôi. Bất kỳ học sinh nào cũng có thể cảm nhận được lòng nhiệt tình của cô qua từng hành động cô làm, từng lời nói cô dành cho chúng tôi.
- Cô đang là một giáo viên hạnh phúc nhất đấy, các em có biết tại sao không? - Cô đã mở đầu buổi học bằng câu hỏi này.
Tất cả chúng tôi đều lắc đầu.
- Bởi vì các em chính là những học trò tuyệt vời nhất của cô!
Tất cả chúng tôi lập tức ngồi thẳng lưng lên để tỏ ra xứng đáng.
- Bây giờ cô sẽ đi một vòng quanh phòng học, - vẫn với giọng nói ấm áp như thế, cô tiếp tục, - và cô muốn, lần lượt từng em một, đứng lên, và nói thật to, thật rõ tên của mình nhé. Có em nào muốn xung phong đầu tiên không?
Cô đưa mắt bao quát hết lớp học và cuối cùng dừng lại ở tôi. Cô hỏi: “Em sẽ người đầu tiên nhé? Dũng cảm lên, em hoàn toàn có thể làm được mà!”.
Tôi nhanh chóng bước lên trước lớp bắt đầu: “T...t...t...ên t...t...tô...tôi l...l...à...”.
Thật là tồi tệ, tôi không thốt ra được một chữ nào trọn vẹn. Đây là lớp học, không phải là ở nhà để mọi người nhắc nhở tôi: “Con phải thong thả, suy nghĩ cho kỹ rồi nói”. Ngược lại, tất cả những gì tôi nghe thấy là tiếng rúc rích cười nhạo của đám bạn bên dưới.
Nancy, một cô bé với cặp kính trắng, đứng dậy và nói to: “Bạn ấy bị cà lăm. Đến cả tên mà bạn ấy cũng không biết nói. Có ai muốn giúp bạn ấy không?”.
Sau đó, Billy - cậu học trò nhỏ bé ngồi ở dãy bàn đầu tiên còn chêm vào: “Cậu cao quá! Cậu không phải là học sinh lớp này. Cậu về nhà đi”.
Tôi ngồi phịch xuống ghế, trong lòng nặng nề cảm giác tủi thân như một kẻ chiến bại. Tôi nhớ lúc đó tôi chỉ mong muốn hai điều: một là tôi muốn nghe những đứa trẻ khác nói tên của chúng; và điều thứ hai, quan trọng hơn, là tôi muốn có mẹ bên cạnh.
Mặc dù cố lắng nghe các bạn khác nói gì, nhưng sao tôi chẳng nghe thấy gì cả. Trong đầu tôi cứ lặp đi lặp lại câu nói của Billy: “Cậu cao quá. Cậu không phải là học sinh lớp này. Cậu về nhà đi”.
Tôi chỉ chịu đựng được đến giờ nghỉ giải lao. Trong khi các bạn ùa chạy ra sân chơi, tôi chạy ào về nhà với mẹ. Điều này cũng không đơn giản vì nhà tôi cách trường học đến hơn 3 km. Khi tôi chạy hết tốc lực lên bậc tam cấp trước hiên nhà, tôi thấy mẹ đã đứng sẵn trước nhà với đôi tay dang rộng. Mẹ ôm chặt lấy tôi, đúng như tôi đang mong đợi.
- Mẹ ơi, con cao quá khổ... con không nói được... con không phải là học sinh lớp đó, tất cả lũ bạn đều cười nhạo con... - Tôi nói trong nức nở.
Mẹ vội vỗ về tôi:
- Mọi thứ rồi sẽ ổn thôi con ạ. Cô Peterson đã gọi điện cho mẹ biết chuyện của con rồi. Nhưng mẹ vẫn rất tự hào về con. Con có biết tại sao không?
- Tại sao vậy mẹ?
- Bởi vì con đã có cố gắng.
Thật là dễ chịu khi biết mẹ hiểu và luôn bên cạnh tôi.
- Nhưng con cần phải tập luyện nhiều hơn. Mẹ sẽ mời một giáo viên về giúp con. Mỗi ngày, mẹ cũng sẽ học nói với con. Mẹ muốn một ngày nào đó chàng trai bé bỏng của mẹ sẽ dũng cảm đứng lên trước lớp, nói thật to và rõ tên mình giống như tất cả các bạn khác.
Hôm sau, mẹ mua cho tôi một chiếc máy ghi âm. Mẹ đã kiên nhẫn ghi lại những lần tôi nói rõ ràng và bật lại cho tôi nghe, nhờ vậy tôi đã tự tin hơn khi biết mình có thể nói được như người bình thường. Tôi cảm ơn mẹ vì đã cho tôi biết được cảm giác của sự thành công.
Bà nội tôi cũng đã giúp tôi rất nhiều. Bà động viên tôi bằng cách so sánh tôi với chú tôi. Chú tôi, Tiến sĩ Bill Harrell, khi còn nhỏ cũng mắc tật nói lắp. Tuy nhiên, chú tôi đã tự mình khắc phục khiếm khuyết bản thân và trở thành Giáo sư Dược học tại Đại học Nam Texas.
- Chắc chắn con sẽ làm được giống như chú Bill. - Bà động viên. - Chú Bill đã chiến thắng và con cũng sẽ như vậy.
- C...c...con ...c… c… cũng m…muốn đ…được… như v… v… vậy! - Tôi lắp bắp trả lời.
- Nhưng chú con đã tập luyện rất nhiều và không bao giờ lưu tâm khi có ai đó trêu ghẹo. Chú chỉ chăm chú tập luyện và tập luyện, tập luyện thật sự. - Bà tôi tiếp tục.
Đối với tôi, bà tôi lúc nào cũng có câu trả lời cho mọi vấn đề. Bà luôn lấy dẫn chứng từ cuốn Kinh Thánh sờn rách và to đùng mà bà luôn mang theo bên người. Vì thế tôi thật sự tin vào những gì bà nói. Lần này cũng vậy, bà đã nói “khi nào con lớn, con sẽ hết nói lắp” thì có nghĩa điều đó sẽ trở thành sự thật. Những lời nói của bà đã củng cố thêm niềm tin trong tôi.
Thật sự điều bà tôi nói đã được y học nghiên cứu và chứng minh. Hầu hết trẻ con khi ở giai đoạn học nói, từ hai đến năm tuổi, ít nhiều đều mắc tật nói lắp và sẽ tự hết khi lớn lên. Chưa xác định cụ thể căn nguyên của chứng rối loạn ngôn ngữ này nhưng theo thống kê thì khả năng nam giới bị nói lắp cao gấp bốn lần so với phụ nữ, và khả năng trẻ em nói lắp gặp những trục trặc về tâm lý không cao hơn những trẻ em không nói lắp. Chúng cũng thông minh và dễ thích nghi như những đứa trẻ bình thường khác. Có rất nhiều người nổi tiếng và thành công ở mọi lĩnh vực cũng đã từng mắc tật nói lắp khi còn nhỏ như Tổng thống Mỹ Winston Churchill, minh tinh màn bạc Marilyn Monroe, nữ ca sĩ Carly Simon, ngôi sao điện ảnh James Earl Jones, ngôi sao bóng rổ huyền thoại Bob Love và Bill Walton, Thượng nghị sĩ Joseph Biden, vận động viên bóng chày và đá banh Bo Jackson, cựu vô địch thế giới môn nhảy cầu Greg Louganis, cựu phóng viên ABC John Stossel, cựu Giám đốc Điều hành hãng General Electric John F. Welch...
Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên tôi đã nổi giận với chính mình vì nói lắp. Thông thường, mỗi khi chị em tôi và hai đứa em họ Bruce và Clayton đến chơi nhà bà, bà luôn có việc cho chúng tôi làm. Bà muốn chúng tôi nhận thức được giá trị của lao động. Nếu làm việc chăm chỉ, chúng tôi được thưởng bánh kẹo hoặc đồ chơi.
Hôm đó là thứ Bảy, chúng tôi lại đến thăm bà. Lần này bà bảo tôi làm một việc mà tôi chưa từng làm bao giờ: “Keith, cháu làm cỏ trong vườn giúp bà nhé”.
Tôi ngoan ngoãn đồng ý dù hoàn toàn không biết gì về công việc này cả. Tôi không thể phân biệt được đâu là cỏ, đâu là cây trồng và thế là tôi cứ việc nhổ hết tất cả những thứ gì trong tầm tay của tôi. Khi nhổ hết một khoảng vườn, tôi quay vào nhà và báo cáo công việc:
- Bà ơi, cháu làm xong rồi.
- Thật à? - Bà không khỏi ngạc nhiên nhìn tôi.
- Vâng! Đã xong rồi ạ!
Bà vội bước ra vườn kiểm tra và lập tức quay vào, vừa đi vừa lắc đầu: “Này Keith, bà nghĩ là cháu có thể làm tốt hơn thế chứ. Cháu làm bà thật là thất vọng”.
Tôi định giải thích cho bà là tôi không phân biệt được các loại cây cỏ, nhưng tôi cảm thấy bức xúc và bắt đầu nói lắp bắp.
- Lại bắt đầu nói lắp nữa rồi! - Bà tôi nói. - Bà muốn cháu làm tốt hơn. Cháu phải dọn dẹp cho xong những gì cháu đã bày ra.
Lúc này tôi cảm thấy thật sự bất lực bởi vì tôi không thể diễn đạt cho bà tôi biết là tôi không biết làm. Tôi không thể mở miệng ra được.
Bà tôi nói tiếp: “Nào, từ từ mà nói”.
-B..b...ba...bà ph...ph...pha...phải ch...ch...chỉ ch...ch...cho ch...ch...cháu. - Tôi cố gắng hết sức nhưng vẫn không thể nói được. Quá bực tức, tôi quay lưng đi và bỏ chạy về nhà. Tôi không giận bà mà chỉ giận tôi vì đã không thể diễn đạt được là tôi cần được chỉ dẫn rõ hơn.
Lúc đó tôi tin chắc rằng tôi sẽ gặp rắc rối to vì đã không đứng lại khi nghe bà gọi với theo: “Keith! Quay lại đây mau! Cháu có nghe bà nói không?”. Thế nhưng cả ngày hôm đó bố mẹ tôi không nhắc nhở gì đến chuyện làm vườn của tôi cả. Có lẽ bà tôi đã không mách lại với bố mẹ.
Nhiều ngày sau đó, tôi đều tự hỏi: “Tại sao tôi lại cao quá khổ thế này? Tại sao tôi lại nói lắp? Tại sao tôi không bình thường như những đứa trẻ khác?”.
TRẢI NGHIỆM 2
Lần đầu tiên bạn nhận thức được sự chuyển biến đặc biệt trong cuộc đời bạn là khi nào? Đối với tôi, đó chính là ngày đầu tiên đến trường. Thông điệp mà tôi tiếp nhận được hôm đó là tôi không giống với các bạn cùng lớp: tôi cao quá khổ, tôi bị nói lắp và tôi không phải là một thành viên trong lớp. Hình ảnh của tôi đã bị thay đổi vì những nhận thức của người khác về tôi.
Tuy nhiên, đừng để những đánh giá tiêu cực của người khác ảnh hưởng đến bạn. Đây là một việc không dễ dàng gì. Thông thường chúng ta có khuynh hướng tin rằng những đánh giá một chiều đó là đúng khi chúng liên tục được lặp lại ở tần suất cao hơn. Tuy nhiên ai cũng có những điểm mạnh, điểm yếu của riêng mình. Điều quan trọng là bạn cần tích cực nhận ra những ưu điểm của bản thân để phát huy và hóa giải những điểm yếu ấy.
Mỗi cá nhân là một cá thể độc lập với một cá tính, bản sắc riêng biệt. Càng sớm nhận ra được điều đó, bạn càng tự tin hơn trong việc chọn lựa con đường riêng để biến những ước mơ và hoài bão thành hiện thực.
Hãy nhớ rằng chính các bạn là người chịu trách nhiệm về hình ảnh của mình. Nếu có ai đó làm lu mờ hình ảnh của bạn bằng những phán đoán, định kiến tiêu cực, hãy chủ động lau sạch những vết mờ ấy để hình ảnh của bạn dưới mắt người khác luôn sáng như gương.