T
ôi đã từng rất đau khổ và bối rối tột độ vì tật nói lắp của mình. Tôi cứ nghĩ rằng đây là một căn bệnh không thể chữa được. Thế nên tôi tự ti, tìm cách xa lánh mọi người và chối từ các hoạt động vui chơi tập thể để tránh tối đa việc phải nói. Phải chi tôi không nói lắp, bạn bè tôi sẽ thôi không chế giễu tôi nữa. Vậy mà ngay cả khi tôi im lặng, tụi bạn cũng không ngừng trêu ghẹo.
Trước khi vào lớp Một, các học sinh đều phải trải qua những cuộc kiểm tra về sức khỏe và ngôn ngữ. Bất cứ học sinh nào có vấn đề sẽ tham gia các chương trình rèn luyện bổ sung để bắt kịp với bạn bè. Với tật nói lắp của mình, tôi phải theo học lớp ngôn ngữ lúc mười giờ sáng mỗi ngày. Thật là chán nản khi mỗi buổi sáng, đúng mười giờ, tôi lại phải bước ra khỏi lớp trước ánh mắt trêu chọc của đám bạn.
Tuy nhiên, thật may mắn khi bác sĩ ngôn ngữ của chúng tôi vốn là người rất yêu thương học sinh và kiên nhẫn, tận tình hướng dẫn chúng tôi thực hành các bài tập về phát âm, luyện thở đúng cách, thả lỏng các cơ thanh quản và tập nói những câu ngắn. Cô luôn nhắc chúng tôi hãy nói thật chậm rãi như đang nói chuyện với chính mình. Nghe lời cô, tôi bắt đầu nói chuyện một mình. Tôi tự nói chuyện trên đường về nhà, trong phòng riêng hay bất cứ lúc nào chỉ có một mình tôi.
Tôi đã nỗ lực để không còn phải nghe đến hai từ “nói lắp”, nhưng mỗi khi đến giờ tập đọc thì tôi vẫn không chiến thắng được nỗi bất an của mình. Nếu cô giáo gọi tên tôi thì cả lớp sẽ vui mừng vì hầu như lúc nào tôi cũng chiếm hết thời lượng tiết học. Tuy vậy, thỉnh thoảng tôi cũng đọc xong trước giờ quy định nếu chiều hôm trước tôi tự nhốt mình trong phòng và đọc to nhiều lần.
Khoảng thời gian duy nhất thật sự làm tôi phấn khích và quên đi tật nói lắp của mình là vào giờ học thể thao. Tôi đặc biệt yêu thích môn bóng rổ và bóng chày và tôi cũng có chút năng khiếu khi luôn được điểm cao ở hai môn này. Năm tôi 9 tuổi, tôi đã được chọn vào Liên đoàn Bóng rổ Thiếu nhi. Tôi rất tự hào về thành tích này vì là cầu thủ nhỏ tuổi nhất và là học sinh duy nhất trong lớp được tham gia; mặc dù trong hầu hết mùa giải, tôi chủ yếu chỉ ngồi trên ghế dự bị.
Thế nhưng tôi hãnh diện khi được mặc bộ đồ đồng phục của đội bóng. Mẹ tôi kể lại rằng không bao giờ chiếc nón của đội rời khỏi đầu tôi. Tôi đội nó đi khắp nơi: trong nhà, đến trường và thậm chí khi đi ngủ. Phải đợi đến khi tôi ngủ say, mẹ mới gỡ được chiếc nón ra. Đội bóng của tôi vốn có một bề dày thành tích rất đáng tự hào và tôi muốn mọi người biết rằng tôi cũng được tham gia vào đội bóng ấy.
Tuy nhiên, đối với tôi, điều quan trọng còn hơn cả chiến thắng chính là sự động viên của huấn luyện viên Sarge. Thầy nhiệt tình truyền đạt kinh nghiệm và giúp bọn trẻ chúng tôi nâng cao kỹ năng chơi bóng. Trong những lần tập luyện, thầy luôn có mặt từ rất sớm và ra về rất trễ. Thầy là một trong số những người đầu tiên đánh thức năng khiếu thể thao của tôi.
Thầy Sarge tin rằng tôi có tiềm năng trở thành một cầu thủ bóng chày giỏi vì vậy thầy thường xuyên cho tôi luyện tập riêng. Thời gian đầu, tôi ước lượng khoảng cách chưa được chính xác lắm nên thường đỡ hụt banh. Những lần như thế, thầy Sarge chỉ cười khích lệ tôi. Thường mỗi lần vừa đánh bóng xong, thầy hét to: “Keith! Phi nước đại đi, Keith! Phi nước đại!”.
Tôi cố hết sức mà chạy, vợt lấy quả bóng sát đất và ném trả về phía thầy. Dù làm chưa đạt nhưng tôi cũng đã cố hết sức rồi. Thái độ tích cực tập luyện và ham học hỏi của tôi đã để lại ấn tượng tốt trong thầy Sarge.
- Trong năm nay, em sẽ chỉ ngồi ghế dự bị và hãy tập trung quan sát lối chơi của đồng đội. Thầy đánh giá cao tinh thần cầu tiến của em và nhớ rằng vai trò của em cũng quan trọng như những thành viên khác trong đội. - Thầy dặn dò tôi.
- Vâng, em sẽ cố gắng! - Tôi trả lời thầy.
- Một ngày nào đó, em sẽ trở thành thành viên ưu tú của một đội bóng chỉ toàn những cầu thủ nổi tiếng. - Thầy nhấn mạnh.
Tôi tiếp nhận lời nói của thầy với niềm sung sướng không thể tả, và lúc đó, trong tôi đã chớm hình thành ước mơ trở thành một cầu thủ bóng chày nổi tiếng. Sự kiên trì của tôi đã được đền đáp. Đến năm tôi 11 tuổi, tôi đã được chính thức thi đấu trong một đội bóng trẻ với những cầu thủ tài năng.
Ở tuổi đang trưởng thành, những lời khích lệ động viên đối với tôi rất quan trọng. Sau này, khi đã trở thành nhà diễn thuyết, tôi mới hiểu được trọn vẹn sức mạnh của những ngôn từ ấy. Chỉ cần một lời nói, một lời động viên đúng lúc, bạn đã có khả năng làm thay đổi, biến chuyển suy nghĩ và hành động của một ai đó.
Đến năm tôi học lớp Năm, thật may mắn khi tôi được học lớp của thầy Twine. Thầy là giáo viên nam duy nhất của trường lúc đó. Trông thầy thật uy nghiêm với vóc dáng to cao và ánh mắt cương nghị. Thời gian đầu, chúng tôi còn e dè và không gần gũi với thầy và mãi đến gần giữa học kỳ, chúng tôi mới cảm nhận được tình yêu thương học trò thầm lặng của thầy. Thầy thương yêu tất cả chúng tôi và thường lặp đi lặp lại rằng chúng tôi sẽ là những người thành công trong cuộc sống.
Thầy Twine là người đã đem lại cho tôi sự tự tin khi giúp tôi nhận ra những lợi thế thay vì bất lợi của chiều cao quá khổ. Mỗi khi cả lớp tập trung để tham gia hoạt động ngoại khóa nào đó thì thầy đều hô to: “Cả lớp hãy xếp thành từng hàng một theo sau bạn Keith!”. Sau đó thầy quay sang tôi và nói: “Em cao nhất lớp nên em sẽ là người dẫn đường cho các bạn. Các bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy em ở bất cứ nơi nào”.
Trong khi các thầy cô khác đều để tôi đứng cuối hàng thì thầy Twine lại làm ngược lại. Tôi rất vui sướng vì thầy đã giúp tôi hòa nhập với các bạn của mình.
***
Không thể không nhắc đến vài người bạn đã đặt niềm tin nơi tôi như LeeRoy Clayton, Delo Hayes, William Booker và đứa em họ Peanut của tôi. Tôi vẫn còn nhớ kỷ niệm đáng yêu của ngày lễ Giáng sinh năm tôi học lớp Chín. Khi đó, tôi đang có cảm tình với cô bạn Renee Johnson, cũng là một cầu thủ bóng rổ mà tôi đã gặp trong những giải thi đấu giao lưu. Tôi dự định sẽ bày tỏ tình cảm của mình với Renee trong dịp này. Nhưng tôi vẫn không đủ can đảm, tôi vẫn còn nói lắp, nhất là những khi đứng trước các bạn nữ. Những ngày gần đến lễ Giáng sinh, tôi lo lắng nên không thể tập trung vào bất cứ hoạt động nào, kể cả khi chơi bóng chày và bóng rổ – hai môn thể thao vốn là cuộc sống của tôi.
- Cậu gặp phải chuyện gì thế? - LeeRoy hỏi khi thấy vẻ mặt bất an của tôi.
- À, thật ra thì… - Tôi ngượng ngùng không biết phải nói thế nào với LeeRoy.
- Tớ có thể giúp cậu được gì không? - LeeRoy hỏi tiếp.
- Thật ra thì tớ đang thích Renee. Tớ dự định sẽ bày tỏ tình cảm của tớ vào ngày Giáng sinh năm nay. - Tôi quyết định nói tất cả cho LeeRoy.
- Vậy thì cậu hãy gọi điện thoại cho bạn ấy đi!
- Gọi điện thoại ư? Tớ không đủ can đảm. Tớ vẫn còn… vẫn còn… - Tôi chùng xuống.
- Tớ hiểu rồi. Vậy ngày mai, sau giờ học, cậu hãy đến nhà tớ. Bạn gái Alicia của tớ có số điện thoại của Renee. Tớ sẽ giúp cậu hẹn với bạn ấy. Không có gì phức tạp lắm đâu.
Ngày hôm sau, khi tiếng chuông trường vang lên báo hết giờ học, chúng tôi hăm hở chạy về nhà LeeRoy và tôi lắng nghe cậu ấy gọi điện thoại cho Alicia. Mặc dù không nghe đầu dây bên kia nói gì nhưng nhìn gương mặt tươi tắn của LeeRoy là tôi biết cậu ấy đã nhận được tín hiệu đồng ý. Tôi thật ấn tượng với sự tự tin và trò chuyện trôi chảy của LeeRoy và tôi cũng muốn được chứng tỏ mình như thế.
LeeRoy bắt đầu quay số điện thoại của Renee. Sự tự tin vẫn tràn ngập trong tôi cho đến khi nghe giọng nói ngọt ngào của Renee vang lên.
- A lô!
Tôi trở nên căng thẳng tột độ. Lưỡi tôi như cứng lại không cho tôi thốt ra được lời nào. Mọi nỗ lực của tôi đều vô hiệu. Ngay lúc đó, LeeRoy cầm lấy ống nghe từ tay tôi và nói:
- Renee, mình là LeeRoy đây. Bạn Keith đang cố gắng nói cho cậu biết rằng bạn ấy rất mến cậu và muốn mời cậu tham gia buổi tiệc Giáng sinh cùng chúng tớ. Giờ mình tạm biệt nhé! Nhưng cậu đợi một tí, Keith cũng muốn chào tạm biệt cậu.
- Chào cậu, Ren-n-e-e-e. - Tôi lắp bắp.
Chúng tôi đã có một buổi tối Giáng sinh thật ý nghĩa. Cái lạnh của mùa Giáng sinh vẫn làm lòng tôi ấm áp bởi chút tình cảm đầu đời với Renee và bởi sự chân thành của LeeRoy. Giữa tôi và Renee sau này cũng chỉ dừng lại ở tình bạn thân thiết vì “mối tình” thật sự của tôi vẫn là bóng rổ.
TRẢI NGHIỆM 3
Một lời nói tích cực sẽ chắp thêm sức mạnh và nuôi dưỡng nghị lực. Một lời nói tiêu cực sẽ dần triệt tiêu những giấc mơ và hoài bão. Lời nói vô tình hay hữu ý đều tác động đến tâm trí của người nghe. Vì vậy, chúng ta cần phải chọn lọc lời nói để tâm trí chỉ tiếp nhận những gì tích cực và thiện chí nhất.
Đừng để cho bất kỳ ai đánh cắp những điều tốt lành nhất trong con người bạn. Lời nói, ánh nhìn và đôi tai là những cánh cổng đi vào tâm trí – bạn phải “canh gác” chúng thật cẩn thận. Hãy để cho những gì bạn sắp nói là những điều đem đến sự hưng phấn cho chính bạn và cho tất cả những ai bạn gặp.