S
ự nghiệp bóng rổ của tôi bắt đầu từ rất sớm vì một lý do rất hiển nhiên: tôi là người cao nhất so với các bạn đồng lứa. Mặc dù chiều cao là lợi thế của các cầu thủ bóng rổ nhưng tôi đã gặp không ít phiền toái vì nó.
Vì quá cao nên không ai nghĩ rằng tôi chỉ là một đứa trẻ. Có lần, lớp chúng tôi cùng nhau đi xem phim. Tất cả những trẻ em dưới 12 tuổi được giảm năm mươi phần trăm giá vé. Nhưng khi nghe tôi nói: “Bán cho cháu một vé trẻ em!” thì cô soát vé nhìn chăm chú vào tôi và nói:
- Cậu không được mua loại vé đó. Vé chỉ dành cho trẻ em dưới 12 tuổi thôi.
- Nhưng cháu chỉ mới 11 tuổi cơ mà! - Tôi cố gắng giải thích.
- Không thể nào cậu lại dưới 12 tuổi cả. - Cô soát vé vẫn khăng khăng.
Thế là tôi đành phải bỏ lỡ buổi chiếu phim hôm đó và chạy về nhà khóc với mẹ tôi. Với trí óc còn non nớt của mình, tôi chỉ cảm thấy tủi thân vì rõ ràng chiều cao quá khổ đã đem lại nhiều bất lợi cho tôi. Nhưng chính với chiều cao này mà tôi đã gắn bó với bóng rổ và cũng chính môn thể thao này đã gắn kết hơn nữa tình cảm của tôi với bố.
Trước khi cầm đến trái bóng, bố là người đã hướng dẫn tôi cách câu cá. Mỗi cuối tuần, bố lái xe đưa tôi đến hồ Moses. Ở đó, bố dạy tôi cách chọn mồi cho từng loại cá, cách cột chì, quăng dây và kéo cá lên bờ. Khoảng thời gian đó là một trong những ký ức đáng nhớ của cuộc đời tôi.
Bố cũng là người liên tục theo dõi sự phát triển của tôi. Cứ mỗi ba tháng, bố lại yêu cầu tôi đứng sát vào cánh cửa ra vào để đo chiều cao. Bố đánh dấu bằng một đường sơn mỏng ngay trên đỉnh đầu tôi. Mỗi lần như thế, bố lại nói: “Ba tháng nữa, chắc chắn là con sẽ cao thêm 1 cm”. Bố khuyến khích tôi liên tục như vậy đã làm tôi thích được cao hơn nữa.
Tuy nhiên, bố cũng khá nghiêm khắc trong một số vấn đề, nhất là về tiền bạc. Bố hiếm khi chiều theo những mong muốn của chúng tôi. Có lần, tôi nài bố mua cho tôi một chiếc xe đạp mới.
- Con muốn có một chiếc xe đạp mới.
- Bố thấy không cần thiết. Con đã có xe đạp rồi mà. - Bố nhìn tôi rồi nói.
- Nhưng bây giờ con đã cao rồi, chiếc xe đạp cũ quá thấp với con. - Tôi tiếp tục giải thích.
- Bố sẽ nâng yên lên và điều chỉnh tay lái cao hơn. - Bố tôi vẫn không nhượng bộ. - Chiếc xe vẫn còn hai bánh, vẫn còn thắng. Nó chẳng bị làm sao cả.
- Nhưng các bạn con đều có những chiếc xe đạp mới với tay lái cong như của vận động viên đua xe đạp. - Tôi vẫn không bỏ cuộc.
- Vậy thì bố sẽ mua cho con một tay lái mới. Nhưng con phải tự ráp lấy nhé.
Đến đây thì tôi đành chịu thua. Tôi chỉ muốn một chiếc xe đạp mới, chứ không phải tay lái mới.
Thế nhưng, bất cứ yêu cầu nào của tôi liên quan đến bóng rổ, bố tôi đều ủng hộ. Khi tôi học lớp Ba, bố mua cho tôi trái bóng và gắn một cái rổ trên tường để tôi tập ném bóng. Lúc đầu, bố để chiếc rổ cách 3 mét so với mặt đất. Khoảng cách này quá cao với tôi. Tôi đã cố gắng mà vẫn không ném bóng được vào rổ. Sợ tôi nản lòng và bỏ cuộc nên bố hạ thấp chiếc rổ xuống khoảng 2 mét. Sau hai tháng, bố lại nâng chiếc rổ lên một chút, từ 2 mét lên 2,4 mét, rồi 2,7 mét. Và khi thấy tôi đã tiến bộ hơn, bố đã cố định chiếc rổ ở chiều cao tiêu chuẩn: 3 mét.
Cho dù không có năng khiếu bẩm sinh, bạn vẫn có thể thành công khi kiên trì rèn luyện. Chính bố đã khơi dậy sự yêu thích và củng cố niềm tin của tôi với môn thể thao này. Khi thấy tôi chưa nhạy với trái bóng, chưa nhắm được điểm ném và mau đuối sức, bố đã tập cho tôi những bài tập nâng cao thể lực nhưng vẫn không quên tạo ra những thử thách khiến tôi phải cố gắng tập luyện chăm chỉ hơn để tiến bộ.
Lần đầu tiên được thi đấu chính thức trong giải đấu Bóng rổ Thiếu nhi, tôi đã ghi được nhiều điểm. Vô cùng phấn khởi, tôi về nhà khoe với bố nhưng thay vì khen ngợi tôi, bố chỉ nói: “Con đừng bao giờ quên rằng luôn có một ai đó tập luyện chăm chỉ và chơi bóng giỏi hơn con. Ngay cả khi con ghi được rất nhiều điểm và đội con đã chiến thắng nhưng có thể đó là do con chưa gặp phải đối thủ nặng ký. Con cần phải khiêm tốn và tiếp tục tập luyện nhiều hơn nữa”. Bố tôi không biết rằng câu nói đó tuy lúc ấy làm tôi hụt hẫng nhưng đã góp phần định hướng cuộc sống của tôi sau này.
Nhớ lại lần tôi trình diện đội bóng rổ nổi tiếng East Madison YMCA. Hôm đó, cậu em họ Peanut đưa tôi đến gặp Steve Ewing, huấn luyện viên của đội. Ấn tượng trước chiều cao vượt trội và thái độ hòa nhã của tôi nên ông đã đồng ý nhận tôi vào đội mà không cần tôi phải trải qua bất kỳ bài kiểm tra kỹ năng nào. Đây quả là một cơ hội bất ngờ và thú vị, đánh dấu bước chuyển biến đáng kể trong sự nghiệp thể thao của tôi.
Tham gia vào đội bóng lớn quả thật là một vinh dự cho tôi và cho gia đình. Nơi đây, tôi đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm thi đấu hữu ích để mạnh dạn thể hiện tài năng ở những đội bóng khác mà tôi tham gia sau này. Bố tôi vẫn thường nói: “Nếu con thật sự muốn trở thành cầu thủ giỏi, con phải thường xuyên cọ xát với những lối chơi khác nhau”.
Từ đó, tôi bắt đầu ngồi hàng giờ trước truyền hình để theo dõi những giải đấu bóng rổ lớn. Tôi quan sát chiến thuật thi đấu của huấn luyện viên và cách dẫn dắt trận đấu của những cầu thủ nổi tiếng. Chính vào thời điểm này, tôi đã tìm thấy những người hùng bóng rổ, những người đã trở thành hình mẫu lý tưởng để tôi noi theo sau này. Tôi ngưỡng mộ họ và muốn được trở nên giống họ.
Đầu tiên là cầu thủ Jerry West của đội Los Angeles Lakers. Tôi chú ý đến anh ấy đơn giản chỉ vì chúng tôi có cùng chiều cao. Tôi tập theo những động tác lừa bóng của Jerry, và thấy mình không còn lóng ngóng khi ra sân nữa.
Tiếp đến là Wilt Chamberlain, cầu thủ giữ kỷ lục ghi 100 điểm trong một trận đấu của Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia. Sự thành công của anh ấy bắt nguồn tự việc đặt mục tiêu theo từng thời điểm và cam kết thực hiện đến cùng mục tiêu đã đặt ra, dù gặp bất cứ trở ngại, khó khăn nào. Noi theo Wilt Chamberlain, tôi cũng tự đặt mục tiêu cho mình và mỗi ngày, trước khi đi ngủ, tôi đều liên tục nhắc nhở bản thân: “Đến thời điểm đó, mình phải đưa được bóng vào rổ từ khoảng cách này, phải nhảy cao đến đây, phải chạy được chừng này dặm, phải ném được vào rổ bao nhiêu trái và ghi được bao nhiêu điểm trong một trận”. Tôi không đặt những mục tiêu quá sức vì sợ sự thất bại sẽ làm tôi nản lòng. Tôi muốn nhìn thấy sự tiến bộ của bản thân nên tôi vạch kế hoạch cho từng năm một; và có những thời điểm, tôi còn đặt ra mục tiêu cho từng tuần, từng tháng. Sự kiên tâm theo đuổi mục tiêu đến cùng đã giúp tôi trưởng thành hơn rất nhiều trong tính cách cũng giúp lối chơi của tôi trở nên đặc sắc và cá tính.
Riêng cầu thủ Pete Maravich là người khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ khi anh có thể ném bóng bằng hai tay và trong điều kiện thiếu ánh sáng. Đây là kỹ năng chơi bóng bậc cao mà rất hiếm cầu thủ đạt được. Tôi phải mất cả mấy tháng ròng rã tập sử dụng tay trái để cuối cùng rê và ném được bóng chỉ bằng cảm giác, bản năng và bằng cả hai tay như Pete.
Động cơ duy nhất cho tất cả những nỗ lực, cố gắng của tôi lúc đó là trở thành một cầu thủ bóng rổ tiêu biểu ở bậc trung học và đại học trên toàn nước Mỹ. Tôi ao ước một ngày nào đó được gia nhập Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia (NBA)
Đến bây giờ nhìn lại quãng thời gian niên thiếu, tôi không biết mình lấy đâu ra sức mạnh và niềm tin để tập luyện vất vả đến thế. Trừ những lúc phải đến trường, còn lại tôi đều ở bên cạnh trái bóng. Có những lần nếu mẹ tôi không đến phòng tập gọi tôi về thì chắc hẳn tôi có thể chơi bóng suốt đêm. Trong đầu tôi luôn khắc ghi câu nói của bố: “Nếu con muốn chơi thể thao đỉnh cao, nếu con muốn tài năng của mình khác biệt với những người khác, thì chính bản thân con phải là một sự khác biệt”. Sự khác biệt mà bố tôi nói đến đây là sự tập luyện quên mình, là tinh thần quyết thắng không mệt mỏi, là niềm tin tuyệt đối vào sự thành công – những điều mà không phải người bình thường nào cũng có được.