N
hư tôi đã nói, bố tôi luôn đáp ứng những yêu cầu có liên quan đến thể thao của tôi, còn lại thì bố luôn có sẵn một câu trả lời: “Bằng tuổi con bây giờ, bố không bao giờ…”. Có lần, vào năm tôi học lớp Chín, tôi ngỏ ý xin bố mua một bộ quần áo thời trang như bạn bè, thì ngoài câu nói quen thuộc, bố còn nhấn mạnh thêm: “Nếu thật sự con muốn có mọi thứ, con hãy làm thêm để kiếm tiền”. Tôi hoàn toàn không giận dỗi khi nghe bố nói như thế mà lại vô cùng vui sướng vì ít nhất tôi đã được tự do làm điều mình muốn và sống theo cách của mình.
Công việc đầu tiên của tôi là giao báo buổi chiều, chủ yếu là các chuyên đề tin nóng. Khi nghe tôi thông báo như thế, bố đã hỏi tôi:
- Con có biết giao báo là gì không?
- Là con đem báo đến từng nhà và họ sẽ trả tiền công cho con. – Tôi trả lời bố theo những gì tôi nghĩ.
- Vậy theo con, để công việc giao báo được tốt, con cần phải như thế nào? – Bố tôi hỏi tiếp.
- Con… con nghĩ là… - Tôi thấy lúng túng vì không biết phải trả lời bố tôi như thế nào.
- Lại nói lắp nữa rồi. Con cần phải đúng giờ, có trách nhiệm và không bỏ sót khách hàng nào. – Bố tôi nhấn mạnh từng chữ.
- Con tin là mình sẽ làm được. – Tôi khẳng định với bố.
- Con có bảo đảm là mình sẽ giao báo đúng giờ, kể cả ngày Chủ nhật, ngày lễ; kể cả những ngày mưa to, tuyết rơi đầy; kể cả những khi con mệt mỏi không?
- Được ạ! – Tôi nhanh chóng gật đầu vì đang theo đuổi viễn cảnh có được tiền trong tay để mua sắm bất cứ thứ gì mình thích.
- Còn nữa, bố không muốn nhìn thấy việc học hay chơi thể thao của con kém đi vì phải làm thêm. Nếu như thế thì bố sẽ không cho con bất kỳ cơ hội nào nữa.
Tôi hơi e dè khi thấy sự quả quyết trong giọng nói của bố.
- Con hiểu mà!
- Còn điều cuối cùng là bố sẽ không giao báo giúp con. Bố còn phải làm công việc của bố nữa. Một khi con đã chọn lựa, con phải chịu trách nhiệm và thực hiện cho tốt. Con đã rõ chưa?
- Vâng ạ! – Trong những trường hợp như thế này, tôi chỉ còn biết gật đầu đồng ý.
Khi tôi ký hợp đồng giao báo với đại lý phát hành, nhân viên phụ trách đã nhắc nhở: - Khi đã ký hợp đồng, em phải giao báo trọn một năm, nếu bỏ ngang nửa chừng, em hoặc gia đình sẽ phải bồi thường thiệt hại. Hơn nữa, cứ mỗi lời than phiền mà chúng tôi nhận được từ khách hàng, em sẽ bị trừ tiền công 50 xu.
Tôi làm ngay một con toán trong đầu: mỗi tháng tôi kiếm được 40 đô-la; nếu mỗi ngày có 2 hoặc 3 khách hàng than phiền là xem như tôi trắng tay. Nghĩ thế nên tôi tự nhủ rằng mình không chỉ giao báo đúng giờ mà còn phải cẩn thận nữa. Tôi sẽ buộc dây thun để những trang báo khỏi rơi ra, còn hôm nào trời mưa, tôi sẽ bọc báo trong túi nylon.
Khi chính thức bắt đầu công việc, tôi phải đối diện với nhiều khó khăn hơn cả hình dung. Thách thức lớn nhất mà tôi phải vượt qua là thời gian tôi dành cho “người tình” bóng rổ sẽ giảm bớt lại. Sau mỗi buổi học tôi phải chạy vội về nhà để kịp giao báo, sau đó lại chạy đến phòng tập, thế nên tôi thường chơi bóng đến tận khuya.
Những ngày nghỉ cuối tuần của tôi cũng thật bận rộn như những ngày trong tuần. Nếu có trận đấu nào vào thứ Bảy, tôi phải cân nhắc xem có kịp về nhà để giao báo không. Rồi thỉnh thoảng, bố tôi đưa cả gia đình đi câu cá ở hồ Moses vào Chủ nhật nhưng tôi đành phải ở nhà vì tôi đang đảm nhiệm một trọng trách lớn lao: giao báo đúng giờ để không bị trừ tiền công.
Việc giao báo diễn ra khá suôn sẻ nhưng tôi lại gặp trở ngại trong việc thu tiền. Đại lý phát hành phát cho tôi một tập biên lai và yêu cầu cuối tháng tôi phải đi thu tiền của khách hàng. Tiền công giao báo vỏn vẹn chỉ có 3,5 đô-la một tháng, thế nhưng tôi ngạc nhiên khi thấy nhiều người tỏ ra khó chịu và không muốn trả tiền cho tôi đúng hạn. Tôi thường xuyên nhận được những câu trả lời đại loại như: “Tuần sau cháu quay lại nhé!”, “Bác chưa nhận được tiền lương!”, “Em vui lòng quay lại khi nào bố mẹ chị ở nhà nhé!” hoặc “Cô sẽ trả tiền cho cháu khi nào chồng cô đi làm về!”,... Tất cả những lần khân đó đều xuất phát từ một khoản tiền cỏn con là 3,5 đô-la!
Nhiều lúc tôi chán nản đến mức muốn bỏ luôn không thu tiền nữa; nhưng như thế thì tôi sẽ không nhận được tiền công của mình. Tôi không dám thú nhận với bố, nhưng với mẹ thì tôi đành phải tâm sự. Nghe xong, mẹ nói với tôi:
- Con hãy nói với khách hàng của con rằng họ sẽ không nhận được tờ báo nào nếu chưa trả tiền.
Thế là tôi đã được mẹ dạy một bài học quan trọng về sự sòng phẳng trong công việc: Nếu tôi hoàn thành cho bạn một công việc nào đó, bạn phải trả tiền công cho việc tôi đã làm.
Việc thu tiền hiển nhiên là khó khăn hơn việc phát báo. Tuy nhiên, phát báo cũng có những vấn đề của nó. Ngày Chủ nhật là một ngày gian nan đối với tôi vì khối lượng báo nhiều hơn ngày thường do có thêm những chuyên mục như: điểm tin trong tuần, xã luận, phần quảng cáo, giới thiệu và mua sắm,… Số lượng người đặt mua báo ngày Chủ nhật nhiều và ở các địa điểm cách xa nhau nên tôi thường phải thức dậy từ rất sớm để nhận và giao báo cho những khách hàng ở xa nhất. Có những ngày Chủ nhật tôi nhận báo lúc bốn giờ sáng, nhờ vậy mà lúc bốn giờ rưỡi khách hàng đã có báo đọc.
Lễ Tạ ơn năm ấy trời rét căm. Thời tiết bên ngoài lạnh đến âm độ. Bỗng dưng tôi thấy sợ khi phải ra ngoài dưới thời tiết như thế này. Tôi đã nghĩ đến việc nhờ bố mẹ giúp đỡ nhưng tôi vẫn còn e dè bố. Tôi đã từng hứa với bố là sẽ làm tốt, bất kể khó khăn như thế nào cơ mà. Thế nhưng mẹ đã cảm nhận được lo lắng của tôi nên đã lái xe đưa tôi đi lấy và giao báo. Sau đó, mẹ còn giúp tôi thêm vài lần nữa. Tôi cố tránh không nói cho bố biết nhưng sau này tôi hiểu rằng bố đã biết tất cả nhưng không nói gì vì bố muốn giữ uy lực của người làm cha trước con cái. Nhưng bố vẫn theo dõi từng bước đi của tôi và nhắc nhở mẹ giúp tôi những khi cần thiết.
Cuối cùng 365 ngày đã trôi qua và tôi đã không bỏ một ngày giao báo nào. Hai thời điểm ý nghĩa nhất với tôi năm đó là ngày tôi nhận được tháng lương đầu tiên và ngày tôi nhận tháng lương cuối cùng. Thật là hạnh phúc! Nhưng tôi đã không đặt bút ký tiếp hợp đồng thứ hai nữa vì tôi đã biết đâu là điểm dừng của mình và điều mà tôi cần hướng đến lúc này là gì.
TRẢI NGHIỆM 5
Những giấc mơ, mục tiêu không thể tự nhiên thành hiện thực, mà nó buộc bạn phải hy sinh một điều gì đó. Điều gì đó có thể là thời gian, là công sức hay tiền bạc của bạn. Đó cũng chính là bài học thực tế mà bố đã dạy cho tôi khi ông để tôi tự làm ra những đồng tiền đầu tiên bằng công việc giao báo. Lúc đầu khi mới ký hợp đồng giao báo, tôi chưa nhận thức được những hy sinh mà tôi phải chấp nhận để hoàn thành hợp đồng. Nhưng khi bắt tay vào thực hiện, thì tôi mới thấy công việc giao báo đã chi phối đáng kể những quan tâm, những kế hoạch khác của tôi và làm phát sinh nhiều khó khăn khách quan cũng như chủ quan.
Luôn có những trở ngại trên hành trình thực hiện những giấc mơ và mục tiêu của bạn. Luôn có những con người, những tình huống, hay những sự hy sinh làm bạn nản lòng. Chỉ cần bạn nhớ rằng không điều gì tự nhiên mà có và mọi thứ đều có giá trị tương xứng với công sức bạn bỏ ra.