T
ôi háo hức chờ đợi ngày được bước chân vào trường trung học, với bạn bè mới, thầy cô mới và cả kiến thức mới đầy thú vị nữa. Tôi tin rằng ngôi trường mới này sẽ tạo cơ hội cho tôi thể hiện được tài năng của mình và tôi muốn có một khởi đầu thật ấn tượng. Các bạn cũ của tôi khi chuyển lên trung học đều đã học khác lớp. Điều đó có nghĩa là không ai biết đến tật nói lắp của tôi.
- Keith Harrell, thầy mời em lên trước lớp! - Đó là câu đầu tiên của thầy Brown, giáo viên chủ nhiệm mới, khi bước vào lớp.
Tôi ngạc nhiên khi nghe thầy gọi tên mình, tại sao lại là tôi mà không phải là các bạn khác. Có lẽ thầy muốn nhờ tôi làm một việc gì đó, thế là tôi tự tin, pha chút hãnh diện, bước lên gặp thầy.
- Keith! - Giọng thầy nhẹ nhàng. - Có một sự thay đổi nhỏ trong thời khóa biểu của em. Hằng ngày, vào giờ này, em sẽ đến học ở lớp trị liệu phản xạ ngôn ngữ.
- Thưa thầy, có điều gì nhầm lẫn rồi ạ! Em không cần phải học lớp ngôn ngữ nữa. Em đã không còn nói lắp, các thầy cô ở trường Stevens đã nhận xét về em như thế mà. – Tôi cố nói thật nhỏ với thầy để không ai trong lớp có thể nghe thấy cuộc trao đổi của tôi.
Tôi không nghĩ mình có thể nói được một câu chuẩn xác và không vấp như thế. Thầy Brown nhìn tôi giây lát, có lẽ thầy đã đọc được sự quyết tâm trong tôi cũng như câu nói vừa rồi là đủ để chứng minh cho sự thật rằng tôi không cần phải đến lớp hỗ trợ ngôn ngữ đó nữa.
- Thầy tin em. Tuy nhiên, hôm nay em vẫn cần đến lớp học để xin phiếu xác nhận kết quả kiểm tra của thầy Smith, giáo viên phụ trách lớp. – Thầy Brown nói với tôi.
Tôi bước ra khỏi lớp học và đi về lớp trị liệu ngôn ngữ. Tôi đã phải thực hiện hành trình này rất nhiều lần khi còn ở trường Tiểu học Stevens, nhưng lần này với một tâm thế khác. Trong tôi đang tràn ngập sự tự tin và chắc chắn. “Em không còn nói lắp nữa!”. Tôi hình dung ra cảnh tôi đứng trước mặt thầy giáo và không ngừng lặp đi lặp lại rõ to: “Em không còn nói lắp nữa. Em đã chiến thắng nó. Em không còn nói lắp nữa!”.
Nhưng khi đến lớp học, cảm giác lo âu quen thuộc lại xâm chiếm lấy tôi. Tim tôi bắt đầu đập mạnh, hơi thở như đứt quãng. Những dấu hiệu điển hình của tật nói lắp đã trở lại. Lần này, tôi hít một hơi dài và tự trấn an mình: “Mình phải cố gắng. Sẽ phải vượt qua giai đoạn này”.
Tôi gắng bước tự tin đến gặp thầy Smith và khẩn khoản nói: “Em là Keith. Em nghĩ là mình không cần phải tham gia khóa học này nữa. Em đã chăm chỉ tập luyện các bài tập phát âm suốt cả mùa hè. Xin thầy hãy xác nhận giúp em”.
- Keith! Thầy rất tự hào về em. Tuy nhiên thầy không thể gạch tên em ra khỏi danh sách của lớp trên cơ sở những lời nói của em được. Thầy biết em đang rất tự tin và nói rất tốt nhưng thầy vẫn cần phải kiểm tra lại. – Thầy Smith trả lời tôi.
Nói rồi, thầy quay xuống lớp để ổn định trật tự và giới thiệu tôi với các bạn:
- Thầy muốn giới thiệu với các em đây là bạn Keith Harrell. Keith cũng đã phải trải qua một thời gian dài học lớp trị liệu ngôn ngữ như các em. Hôm nay, Keith muốn chứng minh rằng bạn ấy đã không còn nói lắp nữa sau những nỗ lực và kiên trì tập luyện trong suốt mùa hè qua. Các em hãy cho một tràng pháo tay để khích lệ Keith đi nào!
Rồi thầy cầm lấy một quyển sách trên bàn, lật một trang ngẫu nhiên và nói với tôi với ánh mắt động viên khích lệ:
- Em hãy đọc cho cả lớp nghe hai đoạn văn này.
Tôi hồi hộp lướt nhìn xung quanh. Cả lớp học đang hướng về tôi với cái nhìn mong đợi, kỳ vọng. Có lẽ các bạn muốn nói rằng: “Cố lên Keith. Chúng tôi biết bạn sẽ làm được mà”. Và nếu tôi thành công, có nghĩa là tôi đã đem lại cho các bạn niềm tin rằng họ cũng sẽ thoát khỏi tật nói lắp đầy phiền phức này một ngày không xa.
Tôi hạ quyết tâm phải đọc cho bằng được. Đây là một bài đọc mới, tôi chưa từng luyện tập qua nên không khỏi có cảm giác lúng túng. Tuy nhiên, lúc đó tôi đã vận dụng mọi kỹ năng, phương pháp đã được học như hít thở đều, cố gắng nói chậm rãi, nghỉ đúng nhịp, tập trung, mắt nhìn thẳng về phía trước. Tôi không để tư tưởng phân tán mà chú tâm tối đa vào từng chữ từng câu. Cuối cùng, tôi cũng ngước lên khỏi trang sách mà không nhận ra rằng mình đã đọc hết cả trang, chứ không chỉ là hai đoạn văn. Khoảnh khắc im lặng trôi qua trong giây lát rồi vỡ òa bằng những tràng vỗ tay nồng nhiệt của các bạn. Điều đó có nghĩa là tôi đã hoàn thành xuất sắc phần kiểm tra đánh giá. Tâm trạng tôi thật sự phấn khích; lúc ấy tôi chỉ muốn la lên: “Tôi đã thành công! Tôi đã chiến thắng! Tôi đã không còn nói lắp nữa!”.
Sau khi nhận được phiếu đánh giá với những lời khen ngợi tích cực của thầy Smith, tôi chạy thật nhanh về lớp học của mình. Nhưng trong lúc đang chạy, tôi lại nghĩ đến mẹ tôi – người đã kiên trì cùng tôi tập luyện suốt mấy tháng hè, người đã nhẫn nại ghi âm những lần tôi tập nói, người đã theo sát từng bước tiến bộ của tôi. Tôi muốn mẹ là người đầu tiên biết đến tin vui này nên chạy thẳng vào văn phòng trường để xin gọi điện thoại.
Tôi quay số điện thoại đến cơ quan của mẹ và khi mẹ nhấc máy trả lời, tôi quá phấn khích đến nỗi nói lắp trở lại:
- M...M...Mẹ, con vừa mới làm một bài kiểm tra về ngôn ngữ! C...c...con không cần đến lớp trị liệu nữa vì con đã hết nói lắp rồi. Th…th…thầy giáo cũng đã nhận xét về con như thế, và con…con…con muốn m…m… mẹ là người biết tin này đầu…đầu tiên.
- Từ từ thôi nào, Keith! - Mẹ tôi cắt ngang.
- Từ nay, con…con…con không phải đến lớp học ngôn ngữ nữa. Con được bình thường như…như…như các bạn khác rồi!
- Đây là tin vui nhất trong ngày hôm nay! Con trai của mẹ rất giỏi! Bây giờ con hãy quay lại lớp học và kể cho mẹ nghe nhiều hơn khi con đi học về nhé! – Mẹ tôi nhắc nhở.
Tôi bước ra khỏi văn phòng trường như thể đang đi trên mây. Cảm giác đó tôi vẫn còn nhớ cho đến hôm nay. Lúc đó, tôi ước mong có đứa bạn nào đó đi bên cạnh để trò chuyện, có ai đó đến làm quen với tôi hay nhờ tôi chỉ đường, thậm chí là gây chuyện cãi nhau… để tôi được nói, để tôi chứng minh với mọi người rằng tôi đã không còn nói lắp. Lần đầu tiên trong đời tôi có cảm giác đã làm chủ được ngôn ngữ của chính mình.
TRẢI NGHIỆM 6
Trong cuộc sống, chắc hẳn không ít lần chúng ta nghi ngại về khả năng của mình khi đứng trước trách nhiệm phải thực hiện một việc nào đó. Thật ra, chúng ta có thể xóa bỏ được những điều mơ hồ và cảm giác nghi ngờ của chúng ta bằng cách định nghĩa thật lạc quan điều chúng ta muốn trong cuộc sống. Chúng ta có thể khống chế được suy nghĩ và viết lại chương trình cho tiềm thức của chúng ta.
Đầu tiên là bạn phải xác định được điều bạn muốn. Tiếp theo là nuôi dưỡng niềm tin vào khả năng thực hiện. Và cuối cùng là mở lòng đón nhận kết quả. Khi bạn không ngừng khẳng định với bản thân và với những người xung quanh về những điều mà bạn mong ước, nhân sinh quan, thái độ và cách hành xử của bạn sẽ thay đổi để hỗ trợ với niềm tin mà bạn mới vừa tạo ra.
Vì vậy hãy chủ động tìm kiếm ước mơ của bạn, tin tưởng vào điều đó và chờ đón kết quả! Điều gì khiến bạn không thực hiện được mục tiêu của mình và không thể vượt qua những trở ngại trong cuộc sống? Đó chính là thiếu niềm tin. Điều bạn cần làm là khẳng định những điều bạn mong muốn và biến giấc mơ thành sự thật!