Ali có một chú chó cưng tên là Marley. Điều đặc biệt là mỗi khi Marley xuất hiện cùng cô chủ, mọi người đều đối xử với nó nồng hậu như cách họ đối xử với một con người. Mà quả thật, Marley cũng thể hiện nhiều điệu bộ rất "con người". Nhưng tôi có cảm giác rằng Marley luôn nhận thức được sự thật rằng nó khiếm khuyết. Vâng, Marley là một chú chó chỉ có 3 chân. Tuy nhiên, dường như khiếm khuyết này chẳng phải là một trở ngại lớn đối với Marley.
Marley thực sự không bận tâm đến khiếm khuyết của mình. Mỗi khi được Ali dẫn đi dạo, Marley được rất nhiều người yêu quý. Đa số họ, đặc biệt là bọn trẻ, cảm thấy tiếc cho nó. Họ muốn biết điều gì đã xảy đến với Marley và tại sao nó lại bị mất một chân như vậy. Nhưng rồi ngay sau đó, mọi người đều nhận ra rằng Marley không hề bận tâm đến điều này. Và Ali cũng không.
Ali bảo rằng chú chó Marley khiến con bé nhớ đến tôi.
Nếu xem chuyện mất một cái chân hay gãy cổ là những thương tật thì đối với tôi, đó chẳng qua là do ta đã quá chú tâm đến hình thức của mình mà thôi. Tuy nhiên, có thể thấy rằng giữa động vật và con người có cách phản ứng khác nhau trước những thương tật trên cơ thể. Ở con người luôn tồn tại nhận thức về "cái tôi" - tức là hình ảnh ta vẽ nên cho cuộc sống của mình. Theo đó, khi con người bị mất một chân hay gãy cổ thì nhận thức của họ về hình ảnh bản thân sẽ thay đổi. Trong khi đó, động vật lại không hề có cảm giác về "hình ảnh cái tôi" nên việc bị thương tật chẳng ảnh hưởng nhiều đến chúng. Tất nhiên là chúng nhận thức được việc mình bị thương tật và đương nhiên là chúng cũng sẽ cảm thấy thoải mái hơn nếu được lành lặn.
Tôi không muốn tỏ ra ghen tỵ với chú chó của Ali nhưng tôi tuyệt đối tin rằng nếu không có "hình ảnh cái tôi", nếu không có cái bản ngã riêng thì cuộc sống của mỗi người sẽ rất khác biệt so với hiện tại - một cuộc sống mà ta đang trải nghiệm với tư cách một con người. Tôi đã quan sát cuộc sống của những chú chó như Marley và tôi nhận ra rằng: Chúng luôn tràn ngập tình yêu đối với cuộc đời. Con người chúng ta có vẻ cũng yêu thương cuộc đời đấy, nhưng chúng ta lại không nhận thức trọn vẹn về mỗi ngày trôi qua. Trong khi đó, những chú chó dường như cảm nhận được rằng cuộc sống vốn dĩ rất tốt đẹp, và dường như chúng cũng hiểu về một tình yêu vị tha. Vì không có bản ngã, nên chúng thích thể hiện tình yêu thương. Còn con người chúng ta khi yêu thương, chúng ta luôn rụt rè, e ngại, không dám mở rộng trái tim mình. "Cái tôi" đã khiến ta luôn phải tự hỏi: "Liệu mình có bị tổn thương không? Liệu người ta có đáp trả tình yêu của mình không? Liệu những nhu cầu của mình có được đáp ứng hay mình có bị bỏ rơi không?". Các chú chó không có những câu hỏi như thế. Với chúng, yêu đơn giản là yêu.
Cái chết có vẻ cũng không phải là vấn đề nghiêm trọng đối với động vật. Chúng yêu cuộc sống bởi vì chúng không sợ chết. Còn với chúng ta, cái chết thực sự là một nỗi ám ảnh bởi ta coi đó như một sự đe dọa vào phút cuối đời. Chúng ta bị dằn vặt vì những cảm xúc: "Không lý nào mình lại phải chết! Không lý nào cuộc sống lại tiếp tục, mọi thứ vẫn y nguyên mà lại không có mình!".
Cái chết rất tàn nhẫn; nhưng với Marley và những anh em của nó, chết cũng giống như mất một cái chân mà thôi.
Một phần trong sự trưởng thành của con người chính là phát triển cá tính. Điều này sẽ bắt đầu bằng việc những đứa trẻ từ một đến ba tuổi bỏ chạy khỏi bố mẹ. Thường thì chúng sẽ chạy một quãng ngắn, sau đó quay lại nhìn xem phía sau có ai đuổi theo không. Tất nhiên, đó chỉ là biểu hiện ban đầu của việc phát triển cá tính của trẻ.
Chúng ta sẽ luôn bị ám ảnh vì điều này và quẩn quanh trong đầu mình những câu hỏi như: "Tôi là ai?", "Tôi sẽ trở thành người như thế nào?" và "Tôi nên trở thành người như thế nào?".
Làm sao ta có thể trả lời các câu hỏi trên khi mà thế giới ta đang sống luôn đầy rẫy những câu khẩu hiệu như: "Hãy trở thành tất cả những gì bạn có thể trở thành"? Làm sao chúng ta có thể tìm ra hình ảnh của bản thân trong một thế giới luôn quan niệm rằng giá trị của mỗi người sẽ được xác định bằng vẻ đẹp, địa vị, quyền lực và sự giàu có?
Với những người đã làm việc cần mẫn để trở thành hình mẫu mà họ mong muốn hoặc sẵn sàng lao động miệt mài hơn để tránh rơi vào hình mẫu mà họ lo sợ thì cuộc tìm kiếm hình ảnh bản thân sẽ vẫn tiếp tục và chẳng bao giờ dừng lại.
Nhưng có một sự thật nực cười rằng hình ảnh bản thân con người chẳng qua cũng chỉ là một ảo ảnh. Chúng ta lao động cần mẫn để có nó nhưng thực tế thì nó cũng chỉ là một ảo ảnh. Mang trong mình một hình ảnh cũng giống như giữ trong tay một bụm nước: Ngay khi ta nghĩ rằng mình đang nắm giữ nó thì nó đã trôi tuột qua kẽ tay ta.
Ngay vào thời điểm bạn đang đọc cuốn sách này, bạn là ai? Bạn là một độc giả! Quả thật, ngay tại thời điểm này bạn là vậy. Và bạn còn có thể là ai khác nữa? Có thể bạn là người đang tìm kiếm những thông tin mà bạn hy vọng có thể hợp thức hóa được ảo ảnh của bạn về hình ảnh và niềm tin. Và nếu bạn tìm được nó trong cuốn sách này thì bạn có thể sẽ nói rằng đây là một cuốn sách bổ ích.
Nhưng tất cả mọi điều trên đều sẽ thay đổi khi bạn chuyển sang làm việc khác; khi tâm trí của bạn hướng đến một việc khác hoặc khi bạn ở một môi trường khác. Mọi thứ rồi sẽ thay đổi – bao gồm cả hình ảnh của ta. Thế nhưng, chúng ta vẫn không ngừng tìm kiếm hình ảnh riêng của bản thân; chúng ta nhất mực phải khám phá bằng được nguyên nhân khiến mình bị tổn thương, và hồi phục nhờ đâu; chúng ta đi tìm những ranh giới nơi khởi nguồn và kết thúc sức mạnh của chúng ta. Hành vi này cũng giống như một người vừa chạy một đoạn rồi quay lại nhìn, rồi lại chạy, lại nhìn… (Các nhà tâm lý học gọi đó là "sự tái lập quan hệ[3]").
Một phần trong sự khôn ngoan của con người là khả năng nhận ra rằng hình ảnh tự thân là thứ có thể bỏ qua. Đó là khi ta nhận ra rằng từ "Ta" cần phải được viết bằng một loại mực vô hình.
Như trường hợp của tôi chẳng hạn, mọi người thường giới thiệu tôi với các chức danh một nhà tâm lý, một nhà trị liệu, một tác giả, một người cha, một người tàn tật và nhiều nữa. Nhưng thật ra, tôi chỉ đơn giản là một con người – cũng sống với niềm hy vọng và nỗi sợ hãi, cũng có tình thương yêu và lòng căm ghét, cũng từng thay đổi tính khí và không ít lần xấu hổ như bao người khác. Và tất cả như những dòng nước chảy qua kẽ tay tôi. Tôi từng cảm nhận sự lạc lõng của mình trên cõi đời này và tôi thấy sợ hãi, đau buồn, nhưng rồi tôi lại tìm thấy sự bình an trong tâm hồn mình.
Rainer Maria Rilke[4] đã viết: "Tôi thật nhỏ bé giữa thế giới này, nhưng không nhỏ đến mức bạn có thể coi là đồ vật hoặc mặc nhiên đánh giá là ngu dốt hay thông minh". Nếu vậy thì làm sao ta có thể sống nếu ta không vĩ đại như ta mong ước và không có những dây neo vững chắc để ta nương tựa giữa cuộc đời? Ta sẽ là ai nếu ta không có được những danh hiệu rõ ràng, chẳng hạn như "cha mẹ"; "người tốt"; "người biết dâng hiến và thương yêu" hoặc "kẻ cứng rắn và bướng bỉnh". Làm sao ta có thể sống nếu thiếu đi hình ảnh bản thân?
Chúng ta không trả lời được những câu hỏi trên nhưng Marley thì có thể.
Trong những năm qua, tôi đã từng tư vấn cho rất nhiều người đang gặp phải vấn đề về tâm lý hoặc tổn thương về tinh thần. Có những người, dù sự tổn thương của họ không hề nghiêm trọng nhưng họ lại bị hủy hoại vì nó; trong khi có nhiều người lại ứng biến rất tốt trước những tổn thương trầm trọng hơn. Trong số những bệnh nhân này, có hai cặp vợ chồng có thể xem là hai trường hợp điển hình cho nhận xét trên. Cả hai cặp vợ chồng này đều đã trải qua những tổn thương nặng nề về tâm lý. Cặp đầu tiên đang ở độ tuổi đôi mươi và vừa kết hôn. Đây là hai con người đang trong hành trình xây dựng hình ảnh bản thân của mình – bắt đầu sự nghiệp, xây dựng gia đình. Người chồng trẻ đang trong thời kỳ tại ngũ thì bị một tai nạn xe hơi và trở nên tàn phế. Người chồng đau khổ cùng cực còn người vợ thì hoàn toàn tuyệt vọng. Và cuối cùng họ chia tay.
Cùng năm đó, tôi tư vấn tâm lý cho một cặp vợ chồng vào khoảng 60 tuổi và đã kết hôn được gần 40 năm. Chiếc xe tải của người chồng bị lật và hậu quả là ông bị gãy cổ. Ngẫu nhiên, thương tật của ông cũng nằm ở vị trí giống như ở người chồng trẻ mà tôi đề cập ở trên, và như vậy thì tổn thương của họ là như nhau.
Liệu pháp điều trị của tôi với cặp vợ chồng lớn tuổi chỉ xoay quanh một số vấn đề về cách thích ứng trước biến cố của cuộc sống. Người vợ hỏi liệu có ổn không khi bà để chồng một mình và ra ngoài mua sắm hoặc xem phim với bạn bè. Và chúng tôi cũng trò chuyện về cách để ứng phó với sự tàn tật của người chồng.
Tất cả chỉ có vậy.
Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã làm việc xong.
Với cặp vợ chồng lớn tuổi này, tai nạn chỉ là một sự kiện trong cuộc sống của họ. Nó không làm thay đổi việc họ là ai cũng như tình yêu họ dành cho nhau. Còn với cặp vợ chồng trẻ, tai nạn đã hủy hoại cuộc sống của họ. Cả hai cặp vợ chồng này đều phải đối mặt với những thử thách thể chất như nhau. Thế nhưng, cách ứng phó của họ đã tạo ra những ngả rẽ khác nhau trong cuộc đời mỗi người.
Chúng ta sẽ không nhận định rằng cặp này mạnh mẽ hay cặp kia yếu đuối. Chúng ta thậm chí cũng không nhận định rằng ai trong số họ kiên cường hơn. Sự khác biệt nằm ở kích thước và hình dạng của "cái tôi". Với cặp vợ chồng lớn tuổi – cũng giống như hầu hết những người đã may mắn có được sự trải nghiệm sáng suốt – thì đại từ danh xưng "tôi" thường bé hơn và nhẹ hơn. Và tai nạn chẳng qua cũng chỉ là một sự kiện trong cuộc đời họ mà thôi.