Anne - một phụ nữ chừng 40 tuổi, đã đến tìm tôi trong suốt thời kỳ khó khăn của cuộc đời cô. Cô nói với tôi rằng cô có cảm giác như mình đã dùng hết hai mươi hay ba mươi năm đầu của cuộc đời để cố leo lên một ngọn cây.
- Vâng, tôi đã leo tới đỉnh rồi. - Anne nói. - Nhưng giờ tôi lại phát hiện ra ngọn cây đó không phải dành cho tôi.
Tôi đã hỏi Anne tại sao cô lại muốn tôi giúp cô điều trị tâm lý.
- Tôi cảm thấy hình như mình đang muốn bắt đầu lại. - Anne trả lời. - Và lần này tôi muốn chắc rằng nỗ lực của mình là đúng đắn.
Lúc tôi và Anne nói chuyện nhiều hơn về những ngọn cây cũng là lúc chúng tôi thật sự đề cập đến vấn đề nhận thức của cô. Anne cho rằng: "Nếu tôi leo đúng ngọn cây… nếu ngọn cây đó dành cho tôi… thì tôi sẽ rất hạnh phúc". Và đó chính là động lực khiến Anne có ý định thay đổi ngọn cây khác. Điều đáng nói ở đây là nhận thức của Anne đã không hề thay đổi.
Tôi cho rằng mỗi người đều có một nhận thức tâm lý riêng nhưng họ lại không nhận ra điều đó. Chúng ta tự nhủ: "Nếu mình giảm cân thành công, mình sẽ rất hài lòng về bản thân"; "Nếu như mình cưới một người khác, gia đình mình chắc hẳn sẽ hạnh phúc hơn"; "Nếu mình được thăng tiến, mọi thứ sẽ ổn thỏa"; "Nếu con mình vào được Đại học Harvard, nó sẽ có được những lợi thế mà mình đã không có" hoặc "Nếu mình giao du với những người thành đạt, mình cũng sẽ thành đạt"…
Và những nhận thức tiêu cực như: "Nếu mình không hoàn thành công việc, mình sẽ bị sa thải"; "Nếu vợ chồng mình không kiếm thêm nhiều tiền, mình sẽ không thể trả nổi các hóa đơn"…
Những nhận thức tâm lý trên luôn là điều sai lầm. Tôi không nói việc ta có những suy nghĩ này là sai lầm - vì tất cả chúng ta đều có những suy nghĩ đó. Điều tôi muốn nói ở đây là những nhận thức này thật ra chỉ là vấn đề tâm lý. Chúng ta có thể tự tạo nên tâm lý riêng cho mình nhưng thông thường, nhận thức tâm lý của mỗi người bắt nguồn từ cha mẹ hoặc đức tin mà họ theo đuổi. Thỉnh thoảng cũng có những nhận thức tâm lý bắt nguồn từ các khuynh hướng trong nền văn hóa mà ta đang sống. Những nhận thức tâm lý này có thể tạo nên khuôn khổ cho cuộc sống của ta và giúp ta cảm thấy bớt lo lắng hơn. Nhưng điều đáng buồn là ngay cả khi những nhận thức tâm lý của ta không mang lại tác dụng tích cực thì ta vẫn không thay đổi chúng. Ta nỗ lực để mọi việc thay đổi theo chiều hướng tốt hơn nhưng vẫn trên nền nhận thức cũ. Và chính điều này đã bó buộc cuộc đời ta.
Vậy thì làm sao để ta có thể giải thoát mình khỏi những ràng buộc tâm lý này?
Bất cứ khi nào lâm vào cảnh khốn cùng hay quá lo lắng cho một vài sự kiện sắp xảy ra trong tương lai, tôi lại tự hình dung về viễn cảnh xấu nhất có thể xảy đến. Và sau đó, tôi cố gắng tìm cách sống cùng viễn cảnh tồi tệ đó. Một lần, khi bị người phụ trách biên tập ở tờ Philadelphia Inquirer (nơi tôi đang làm việc) phê bình một cách cay nghiệt về một bài báo tôi viết, tôi đã cảm thấy lo lắng và xấu hổ kinh khủng. Vậy là tôi cố hình dung ra viễn cảnh tồi tệ nhất là tôi sẽ bị sa thải hoặc phải từ bỏ công việc mình yêu thích. Một vài ngày sau đó, tôi ứng xử như thể mình không còn là nhà báo nữa. Nỗi sợ hãi trước đó của tôi đã giảm đi một cách tự nhiên và nhanh chóng.
Hay như trước mỗi lần phẫu thuật, tôi luôn tự hỏi: "Điều gì khiến mình sợ hãi nhất?". Chắc chắn câu trả lời sẽ là cái chết. Tiếp đó, tôi mường tượng về cảnh các con tôi sẽ sống thiếu cha. Và khi tôi bỏ thời gian để hình dung về những cơn ác mộng của cuộc đời mình thay vì trốn chạy khỏi nó, cảm giác lo lắng trong lòng tôi cũng tiêu tan.
Khi cháu tôi - Sam - bị chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ, tôi tưởng tượng ra tình huống xấu nhất có thể xảy đến với thằng bé. Tôi nghĩ đến cuộc sống của Sam khi đó, hoặc với cha mẹ nó và của cả tôi. Vì thế giờ đây, mỗi khi bệnh nhân của tôi bỏ dở câu than thở: "Tôi không thể sống nếu thiếu…" thì tôi lại động viên họ hãy nói trọn câu nói này. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu những nhận thức tâm lý của bạn là sai lầm? Điều gì sẽ xảy đến nếu bạn vẫn sống tốt cho dù bạn có nhất mực tin rằng mình không thể làm được mọi điều?
John - một bệnh nhân khác của tôi tuổi độ ngũ tuần - đã lớn lên trong một gia đình đông con với một người cha nát rượu và tính khí thất thường. Không hiểu sao khi trưởng thành, John một mực cho rằng mình là người duy nhất chịu trách nhiệm nối kết các thành viên trong gia đình lại với nhau. Anh tự cho rằng nếu mình không làm công việc của một người cưu mang và hàn gắn gia đình thì gia đình anh sẽ bị ly tán. Vậy là anh cố hết sức làm mọi điều, hết lòng chăm sóc anh chị em ruột, cháu chắt, đồng thời nhận tất cả việc chăm sóc cha mẹ về mình. Anh luôn nghĩ rằng mình là người duy nhất phải làm việc này và đã tổ chức cuộc sống của mình xoay quanh suy nghĩ đó. Điều này không ngừng ám ảnh John và không ít lần làm anh tỉnh giấc lúc nửa đêm. Không những thế, nó còn làm anh kiệt sức vì phải liên tục di chuyển để đến thăm nom những người thân trong gia đình. John luôn cho rằng nếu anh không làm như vậy thì gia đình anh sẽ không còn gắn kết với nhau nữa.
Khi đến gặp tôi, John đang trong tâm trạng hoàn toàn tuyệt vọng. Sức khỏe của anh đã cạn kiệt còn cuộc hôn nhân của anh đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Khi chúng tôi trò chuyện về trạng thái tâm lý mà bao lâu nay anh không hề nhận thấy, John mới vỡ lẽ ra.
Tôi bảo John hãy tưởng tượng đến tình huống xấu nhất – đó là gia đình anh sẽ ly tán. John làm theo tôi và tưởng tượng ra hình ảnh một trong những người anh em ruột sẽ qua đời, một người sẽ phải nhập viện còn một người khác nữa thì bị xa lánh đến nỗi không ai còn muốn nói chuyện với cô ấy. Chúng tôi ngồi đối diện nhau để John hình dung hết cuộc sống của anh sẽ ra sao nếu những chuyện này trở thành sự thật.
Những cơn ác mộng của John tuy không hẳn là dễ chịu nhưng cũng dần trở nên bớt đáng sợ hơn. Tuy nhiên, dù chỉ có vậy thì nó cũng giúp anh có thêm dũng khí để thay đổi nhận thức tâm lý của mình. Rõ ràng, nếu John có thể sống với viễn cảnh gia đình mình tan vỡ thì anh hoàn toàn có thể phiêu lưu và vui vẻ với khả năng ngược lại.
Và đó là phần khó nhất trong việc thay đổi nhận thức tâm lý của ta. Chúng ta nhất mực giữ nguyên tâm lý của mình bởi vì ta cho rằng đó là tất cả những gì mình có. Và để bỏ đi tâm lý đó thì ta cần phải có một niềm tin liều lĩnh – đó là tin vào thứ không thể biết trước được. Và tôi cho rằng nhiệm vụ của chúng ta là hãy đặt niềm tin vào sự mạnh mẽ của bản thân mình. Một khi làm được điều đó, cuộc đời sẽ mở ra trước ta nhiều điều tốt đẹp hơn.
Quay trở lại với bệnh nhân Anne của tôi - người đang tìm một cái đích đúng đắn để vươn tới. Sau một thời gian làm việc cùng tôi, cô bắt đầu nhận ra một vài điều quan trọng. Thực sự thì không phải cô đang tìm kiếm hạnh phúc khi theo đuổi một cái đích mà chẳng qua cô là người luôn ham thích khám phá. Cô đã nhận ra rằng việc cô nỗ lực để leo "những ngọn cây" đó là bởi vì cô thích tìm tòi học hỏi mà thôi. Khi Anne bỏ đi tâm lý sẽ tìm thấy hạnh phúc khi lên đến "ngọn cây", cô sẽ không còn xét đoán bản thân là người thành công hay thất bại nữa. Khi ấy, cuộc sống sẽ trở thành một hành trình để Anne trải nghiệm, thay vì quản lý nó.
Bài thơ "Fearing Paris" (Nỗi sợ hãi mang tên Paris) của nhà thơ Marsha Truman Copper có thể mang đến cho bạn một vài lời khuyên bổ ích về việc hãy can đảm thay đổi tâm lý cố hữu của mình. Bài thơ như sau:
Hãy giả định rằng những nỗi sợ hãi khủng khiếp nhất của bạn
có thể ẩn chứa đầy rẫy ngay tại Paris.
Cho dù bạn có can đảm để đi đến mọi hang cùng ngõ hẹp
của thế giới bao la và xinh đẹp này.
Cho dù la bàn của bạn có thể chỉ về mọi hướng,
thì vẫn còn một nơi,
ở ngay kim la bàn chỉ về hướng tây bắc, hay đông bắc
- nơi mà bạn không một lần dám đặt chân.
Đó là Paris, thành phố nơi nỗi sợ hãi triền miên ngự trị.
Bạn sợ đặt chân đến cả đường ranh giới chia cắt Paris với những miền đất khác.
Bạn sợ bước lên cả ngọn đồi dù xa tít tắp
nhưng ở đó phản chiếu những ánh đèn điện của Paris.
Bạn sợ hãi khắp mọi nơi có hình bóng của
Paris ở đó.
Và nỗi sợ hãi triền miên
đã ngăn bạn khám phá toàn bộ địa cầu. Tôi có một lời khuyên dành cho bạn:
Nếu mọi nỗi sợ hãi của bạn mang tên Paris,
thì hãy chọn đó là nơi đầu tiên bước chân bạn đặt đến.