Đây là câu chuyện mà tôi đã từng kể - một câu chuyện có thực trong cuộc đời tôi và cũng là một bài học tôi tự rút ra cho mình. Chuyện xảy ra vào năm tôi học lớp 3 nhưng mãi đến khi trưởng thành tôi mới hiểu được hết ý nghĩa của nó.
Năm đó, giáo viên chủ nhiệm lớp tôi - cô McNesbit - đã "phát minh" ra một hệ thống xếp loại học sinh thông qua việc sắp xếp chỗ ngồi trong lớp. Theo đó, nếu thể hiện tốt bài tập đọc, chúng tôi sẽ được phép di chuyển vị trí ngồi của mình lên phía trên lớp học và ngược lại. Vậy là chỗ ngồi của chúng tôi đã được di chuyển lên xuống mỗi ngày.
Suốt niên học, vị trí ngồi của tôi liên tục bị di chuyển. Chỉ trong một thời gian ngắn, tôi từ hàng ghế sau chuyển lên hàng ghế đầu và ngược lại. Đến cuối năm học tôi ngồi vào hàng giữa – tương đương với thứ hạng khoảng 60/100. Lúc đó, tôi nhớ mình đã suy nghĩ: "Chỉ cần có thêm một tuần nữa, mình sẽ học bài chăm chỉ hơn và sẽ tiến lên hàng ghế đầu. Cho dù không phải hàng ghế thứ nhất nhưng cũng phải gần vị trí đó".
Suy nghĩ này đã tồn tại trong đầu tôi suốt 20 năm sau đó, thậm chí ngay cả khi tôi đã trở thành một thanh niên thành đạt, có nhiều cống hiến và được nhiều người quý trọng. Nhưng mà tôi không hài lòng, tôi vẫn cứ cố đẩy mình tiến xa hơn nữa, vì tôi cho rằng tôi vẫn chưa tiến được đến vị trí dành cho mình. Chỉ cần tôi làm việc chăm chỉ hơn và cống hiến nhiều hơn, tôi sẽ tiến được đến vị trí mà tôi nghĩ là nó thuộc về mình.
Năm đó, tôi liên tục phải gánh chịu những cơn đau dạ dày khủng khiếp. Sau một vài xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán tôi có nguy cơ bị viêm ruột kết do chịu quá nhiều áp lực và ăn uống không điều độ. Bác sĩ còn cảnh báo rằng nếu tôi cứ tiếp tục làm việc với cường độ cao như vậy thì sức khỏe của tôi sẽ xuống cấp trầm trọng hơn. Tối đó, tôi trở về nhà trong tình trạng hoảng loạn. Tôi thật sự lo lắng khi nhìn lại cuộc sống không cân bằng của mình. Không những thế, tôi còn lo lắng rằng từ đây mình sẽ không thể có đủ sức khỏe để tiếp tục phấn đấu nữa.
Hôm đó, vợ con tôi đi vắng, một mình tôi lang thang quanh nhà, cố gắng sắp xếp lại tất cả sự việc vừa xảy ra. Những suy nghĩ miên man đã dẫn tôi quay trở lại năm học lớp 3, quay trở lại vị trí của tôi lúc đó - vị trí cuối cùng ở hàng ghế giữa. Tôi nhớ những người bạn ngồi cùng hàng ghế với mình là những bạn tôi yêu mến nhất. Và lúc đó tôi chợt nghĩ: "Nếu quả thật vị trí cuối cùng ở hàng ghế giữa đó thuộc về mình, thì đã làm sao?".
Những người bạn thân nhất của tôi ngồi ở đó. Và tôi cũng vậy. Vậy thì tại sao tôi lại phải xấu hổ?
Tôi sẽ không bao giờ quên được cảm xúc lúc tôi ngồi phịch xuống ghế, lòng nhẹ nhõm khác thường. Tôi đã mất quá nhiều thời gian mới hiểu được rằng không những hàng ghế giữa kia thuộc về tôi mà nó còn khiến tôi hạnh phúc. Qua năm tháng, tôi đã học được bài học rằng con người sẽ hạnh phúc khi họ ở đúng vị trí của mình hơn là cố gắng để tiến tới được một nơi mà ở đó họ không còn là mình.
Rất nhiều bậc cha mẹ mang trong mình nỗi lo ngại rằng con cái họ sẽ trở thành một kẻ "trung bình". Chúng ta cố gắng bằng mọi cách để con cái mình luôn ở vị trí đầu. Chúng ta không muốn chúng chỉ đơn giản là một kẻ "trung bình".
Gần đây, khi trò chuyện với một nhóm phụ huynh, tôi bảo họ hãy nhớ về đồ thị hình chuông.
- Các vị biết đấy… - Tôi nhắc nhở họ. - Trong số những ai đang ngồi đây, có lẽ chỉ có vài trường hợp ngoại lệ còn tất cả đều ngồi chung dưới một cái vòm lớn.
Vì lợi ích của bọn trẻ (giống như tôi) đang ở dưới cái đồ thị hình chuông này, tôi chỉ hy vọng rằng các bậc cha mẹ hãy chấp nhận sự thật đơn giản rằng: Vị trí hàng chính giữa thật ra cũng không phải là một vị trí tồi!
Thực ra thì khi ngày một nhiều tuổi hơn, tôi bắt đầu hiểu được lý do tại sao cha mẹ tôi lại luôn muốn tôi phải tiến lên vị trí đầu tiên của hàng ghế trước như vậy. Họ luôn hy vọng rằng tôi có thể vượt ra khỏi cái đồ thị hình chuông đó. Họ luôn lo lắng rằng điều tồi tệ sẽ xảy ra nếu tôi chỉ dừng lại ở mức là một kẻ "trung bình".
Tất nhiên, sở dĩ các bậc cha mẹ làm vậy cũng chỉ bởi họ mong muốn điều tốt nhất sẽ đến với con cái mình. Đó cũng chính là lý do khiến nhiều người luôn sống trong tâm trạng lo lắng. Chúng ta muốn con cái mình học hành chăm chỉ hơn, hiệu quả hơn nên đã bắt bọn trẻ làm thật nhiều bài tập và tham gia nhiều hoạt động để lấp đầy thời gian rỗi của chúng. Điều vô cùng tệ hại ở đây là khi làm như vậy, chúng ta vô tình đã tạo ra một áp lực rất lớn cho trẻ, buộc trẻ phải vượt trội trong mọi thời điểm. Học sinh mới chỉ học cấp 2 nhưng đã phải nghĩ đến chuyện thi đại học. Một khi bọn trẻ luôn phải cố gắng để trở thành người xuất sắc, chúng sẽ không bao giờ học được những bài học quý giá đến từ sự thất bại.
Thật may mắn là cuối cùng tôi cũng đã có cơ hội nếm trải sự thất bại để từ đó biết cảm ơn những bài học quý giá mà mình đã học được. Tất nhiên, nhiều người tỏ ra nghi ngờ khi tôi kể với họ rằng hồi đi học, tôi chỉ ngồi ở vị trí cuối cùng của hàng ghế giữa. Căn cứ vào những cuốn sách cùng những thành tựu mà tôi đã "may mắn" đạt được, họ không tin tôi ngồi ở vị trí "trung bình" đó. Nhiều năm qua, tôi học được rằng chính nhờ vào sự tử tế và khả năng thấu hiểu người khác nên tôi được xếp vào hàng ghế đầu tiên. Nhưng có nhiều khía cạnh trong con người tôi có khả năng bị xếp vào hàng ghế cuối, chẳng hạn như các kỹ năng thuộc về kỹ thuật, khả năng tập trung hay trí nhớ…
Tóm lại, tôi đã rất thoải mái khi biết mình thuộc về vị trí cuối cùng của hàng ghế giữa. Nếu như bạn cảm thấy mệt mỏi với việc phải luôn nỗ lực để đẩy mình về phía trước, hoặc khi bạn đang ở vị trí trên cùng mà cảm thấy cô đơn, hãy quay trở lại với chúng tôi và bạn luôn được hoan nghênh chào đón. Còn rất nhiều chỗ trống ở đây và tất nhiên, hãy tin tưởng rằng chúng tôi là những người tử tế.
Thật ra, việc hướng con cái trở thành người mà ta kỳ vọng là một việc khá dễ dàng. Tất cả những gì chúng ta cần là nhìn trước được con đường bọn trẻ sẽ đi, truyền lại cho chúng kinh nghiệm của mình, cảnh giác trước những hiểm nguy có thể sẽ xảy đến và dạy chúng bài học làm người mà bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng có sẵn. Nhưng thử thách lớn nhất với các bậc phụ huynh chính là làm thế nào để con cái mình tìm thấy hạnh phúc trên hành trình khám phá ra nơi thuộc về chúng trong cuộc sống. Để làm được điều này, chúng ta cần phải học cách tin tưởng.
Khi tôi khuyên các bậc cha mẹ hãy tin tưởng vào con cái mình, tôi không muốn các bạn tin rằng con mình sẽ không thất bại – bởi vì chúng sẽ thất bại. Tôi cũng không muốn các bạn tin rằng con mình sẽ không đưa ra những quyết định ngốc nghếch – bởi vì chúng sẽ có nhiều quyết định như thế. Tôi chỉ muốn các bạn hãy tin rằng bọn trẻ sẽ đứng lên từ thất bại và trưởng thành trong việc rút ra bài học từ những quyết định ngốc nghếch.
Vậy thì con cái ta sẽ dựa vào đâu để đứng dậy khi vấp ngã?
Một lần, tôi điều trị cho một bệnh nhân bị nỗi cô đơn ám ảnh triền miên, và cô đã nói với tôi một câu mà tôi không bao giờ quên được:
- Tôi có cảm giác tâm hồn tôi là một cái lăng kính. Khi nhìn vào đó, mọi người có thể thấy được một màu nhưng không ai nhìn thấy cái lăng kính thật sự.
Trong một bức thư gửi cho cháu Sam[5], tôi đã kể thằng bé nghe một truyền thuyết của người Do Thái về dấu ấn mà Chúa đã để lại trên thân thể trẻ con khi chúng vừa chào đời. Sau khi ban cho đứa trẻ còn nằm trong vòng tay mẹ tất cả trí khôn cần thiết để có thể tồn tại trong cuộc đời, Chúa đã đặt ngón tay Ngài lên môi đứa trẻ và nói: "Suỵt". Và ngay trong khoảnh khắc đó, khi chúng ta thấm nhuần tri thức, Chúa đã vĩnh viễn để lại dấu ấn trên môi khiến đứa trẻ quên mất những tri thức mình có.
Vậy thì con cái ta sẽ dựa vào đâu để đứng dậy từ những vấp ngã? Câu trả lời là chúng dựa vào chiếc lăng kính như lời cô gái kia. Chúng dựa vào trí khôn mà con người thường không nhận thức được cho tới khi họ cần dùng đến. Chúng dựa vào câu chuyện về vết hằn trên đôi môi của mỗi chúng ta. Và cuối cùng, chúng sẽ dựa vào bài học quý giá mà cuộc sống đã ban cho con người: Sau vấp ngã sẽ là sự trưởng thành.
Đó là điều chắc chắn.