Amy là một trong những người bạn gái thân nhất của tôi nên tôi cũng rất thân thiết với các thành viên trong gia đình cô, đặc biệt là Chelsey và Katie – 2 đứa cháu của Amy. Một lần, khi Chelsey được 5 tuổi còn Katie sắp bước vào tuổi 12, tôi chở chúng đi dạo bằng chiếc xe tải của mình. Hai cô bé ngồi ở băng ghế sau và rì rầm trò chuyện suốt dọc đường. Thỉnh thoảng, một trong hai đứa hát véo von hoặc hỏi han và tranh luận với tôi về một chủ đề nào đó.
Một lần, khi xe vừa dừng lại trước đèn đỏ, Chelsey hỏi tôi từ băng ghế sau:
- Chú Danny, "having sex[6]" có nghĩa là gì vậy?
Tôi thật sự lúng túng và không biết trả lời con bé như thế nào. Câu hỏi này lẽ ra phải dành cho Amy - cô của bọn trẻ - chứ không phải tôi; và cũng không phải lúc này hay ở đây! Nhưng bộ mặt ửng đỏ và căng thẳng của tôi đã khiến bọn trẻ để ý. Hai mươi năm trước, tôi cũng đã từng phải trả lời những câu hỏi về giới tính như thế này cho các con gái của mình. Hơn nữa, tôi còn là một nhà tâm lý học và lại là bạn tốt của Chelsey và Katie nữa nên không thể lảng tránh câu trả lời. Cuối cùng, tôi nghĩ ra một cách trả lời phù hợp với lứa tuổi và hiểu biết của Chelsey.
Hít một hơi dài, với một chút lo lắng nhưng giả vờ như không có gì, tôi trả lời Chelsey:
- "Having sex" là việc những người lớn làm khi họ muốn sinh em bé.
Tôi đã thầm vui vì mình đã có một câu trả lời phù hợp với tình huống khó xử này. Thế nhưng, không khí im lặng từ băng ghế sau làm tôi bối rối. Tôi thoáng nghĩ rằng sự im lặng này có nghĩa là hai cô bé đều hài lòng với câu trả lời của mình. Cuối cùng, Katie đã phá vỡ sự im lặng:
- Chú Danny! Chú đang nói cái gì vậy? Chelsey chỉ hỏi là "heaven’s sakes[7]" có nghĩa là gì thôi mà.
- Ôi, vậy sao!
Tôi thốt lên, cảm giác như toàn bộ máu đang dồn lên mặt và cả thế giới (hay ít nhất là băng ghế sau) đang cười vào sự nhầm lẫn đáng xấu hổ của mình.
Rồi sau đó, có lẽ Katie nghĩ rằng tốt hơn là nên tiếp tục câu chuyện nên cô bé hỏi:
- Chú Danny, chú đang nghĩ gì vậy?
Katie hoàn toàn đúng. Lúc Chelsey cất lời, tôi đang chìm đắm trong suy nghĩ riêng của mình nên đã không nghe được câu hỏi của con bé một cách rõ ràng.
Những suy nghĩ, cảm xúc như lo lắng, bất an, thất vọng và giận dữ đã gây trở ngại cho việc lắng nghe của ta. Thậm chí, những cảm xúc tích cực như hân hoan, vui sướng cũng gây ra trở ngại tương tự. Khi cuộc sống trở nên gấp gáp, suy nghĩ và cảm xúc trong con người thành ra hối hả. Điều này đã khiến cho lòng kiên nhẫn và khả năng lắng nghe của ta ngày một giảm sút. Thời gian gần đây, khi tôi nói chuyện với các bạn trẻ về cuộc sống, họ thường than thở với tôi rằng họ cảm thấy không được mọi người lắng nghe và thấu hiểu.
Cuộc sống gấp gáp đã cuốn nhiều người vào vòng xoay tất bật của nó với những mối bận tâm và bất an riêng. Vì vậy, rất nhiều bậc cha mẹ đã không thật sự lắng nghe điều con cái thổ lộ. Dù vẫn nghe được lời con đang nói nhưng họ không thực sự hiểu chúng muốn nói gì. Một bạn trẻ đã mô tả việc này là "drive-by parenting[8]".
Về phần mình, tôi hiểu điều đã khiến mình không thể lắng nghe tâm sự của con gái một cách trọn vẹn. Mỗi khi con gái tôi kể về những khó khăn của con bé ở trường, tôi lại nhớ đến những vấn đề mà mình đã phải đối mặt ngày xưa. Kết quả là tôi đã bắt con bé học nhiều hơn. Hai vợ chồng tôi thay phiên nhau kiểm tra bài tập về nhà của con bé đồng thời thuê thêm gia sư kèm cặp riêng. Tôi nghĩ rằng như vậy là tôi đã quan tâm đến con bé.
Chắc chắn hành động của tôi đã bắt nguồn từ những lo lắng của bản thân tôi. Nhưng vấn đề là những lo lắng này không bắt nguồn từ việc lo cho tương lai con gái tôi mà là vì quá khứ của chính tôi.
Rất nhiều bậc cha mẹ đã bắt ép con cái họ học tập để đạt được kết quả tốt nhất. Suy cho cùng, đó cũng chỉ vì họ lo lắng cho tương lai của chúng mà thôi. Một bạn trẻ từng hỏi tôi: "Tại sao cha mẹ cháu lại không tin tưởng ở cháu? Cháu mang sổ liên lạc với thang điểm B về nhà và nói với mẹ rằng cháu đã cố gắng hết sức nhưng mẹ lại không tin điều đó".
Nhưng sẽ thế nào nếu như tôi có thể kiểm soát được nỗi lo lắng của bản thân khi biết con gái mình gặp khó khăn trong việc học hành? Nếu làm được điều đó, tôi sẽ hiểu ra rằng đó là khó khăn của con bé chứ không phải của tôi. Khi đó, tôi cũng sẽ thông cảm với con bé hơn đồng thời sẽ biết tin tưởng hơn vào khả năng vượt qua thử thách của nó.
Tất nhiên, lắng nghe không chỉ là vấn đề giữa các bậc cha mẹ với con cái mà còn là vấn đề của tất cả mọi người. "Anh ấy chẳng chịu nghe tôi" hoặc "Cô ấy bỏ ngoài tai những lời của tôi" là những câu than thở mà tôi rất thường nghe từ các khách hàng của mình. Một lần, tôi yêu cầu một vài người hãy kể cho tôi nghe về một giọng nói khác từ bên trong con người họ.
- Khi bạn lắng nghe chính mình - con người chân thật nhất của bạn - thì bạn nghe được gì? - Tôi hỏi.
Tôi nhận được nhiều câu trả lời rất khác nhau. Đa số phụ nữ nói rằng họ có nghe tiếng nói đó, nhưng không biết phải phản ứng ra sao. Số khác bảo rằng họ cảm thấy tội lỗi hoặc ích kỷ nên dù họ ý thức được về tiếng nói đó, họ vẫn cứ để nguyên như thế. Trong khi đó, những người đàn ông lại bảo với tôi rằng họ biết có một giọng nói bên trong mình nhưng lại không hề nghe thấy nó.
Điều gì sẽ xảy đến khi ta không thể nghe được giọng nói từ bên trong mình?
Một người cả đời chưa bao giờ làm việc gì khác ngoài nghề luật sư đã nói với tôi: "Tôi thành công về mọi nghĩa". Anh làm việc cho một công ty luật tiếng tăm, đạt được mọi mục tiêu trong sự nghiệp và kiếm được rất nhiều tiền. Tôi bảo anh hãy kể tôi nghe về cuộc sống của anh. Và anh đã kể với tôi rằng khi anh còn bé, cha anh đã yêu cầu anh hãy cố gắng học thật giỏi. Suốt những năm trung học, anh luôn là một học sinh xuất sắc nhất. Ở đại học, anh thường xuyên nằm trong danh sách sinh viên xuất sắc. Một lần, theo lời khuyên của cha, anh đã viết các bản phân tích pháp luật cho hội học sinh. Sau khi tốt nghiệp, cũng theo gợi ý của cha, anh gia nhập một công ty luật danh tiếng.
- Bây giờ thì tôi chuẩn bị nghỉ hưu. - Anh nói.
- Nhưng tôi đang tự hỏi bao năm qua mình đã sống cuộc sống của ai...
Tiếng nói của riêng anh - tiếng nói từ bên trong - dường như đã câm nín. Anh chưa từng lắng nghe nó và bây giờ thì anh không biết nó đang ở đâu. Và sự thật là như thế này: Qua thời gian, nếu ta không lắng nghe chính mình thì tiếng nói bên trong ta sẽ câm nín.
Nếu muốn lắng nghe con cái, chúng ta cần dành thời gian để lắng nghe bản thân mình trước. Chỉ khi làm được điều đó thì ta mới có thể lắng nghe con cái ta một cách trọn vẹn.
Tôi nhận ra bài học quý giá về việc lắng nghe trong những ngày đầu tiên ở bệnh viện sau khi bị tai nạn. Những ngày đó, tôi nhận ra rằng mọi người sẽ tâm sự với tôi nhiều hơn khi tôi biết lắng nghe họ một cách trọn vẹn. Khi tôi lắng nghe người khác với trái tim rộng mở, họ cũng đáp lại tôi điều tương tự. Tất nhiên, thật khó để lắng nghe mọi người một cách chân thành và đầy quan tâm! Nhưng với tôi, sau khi mất đi nhiều bộ phận trên cơ thể, dường như "cái tôi" trong tôi cũng mất theo. Lúc này, sự quan tâm của tôi hướng về những người xung quanh và cuộc đời của họ. Dĩ nhiên, tôi không có trách nhiệm khiến mọi người phải thay đổi; tôi chỉ đơn giản lắng nghe và học hỏi mà thôi. Và trong quá trình lắng nghe, tôi đã khám phá ra cách để quan tâm đến mọi người.