Hãy xem những câu hỏi ngớ ngẩn mà mọi người hay đặt ra: Làm sao để yêu, nhảy như thế nào, phải thiền ra sao? Phải sống như thế nào? Thật là những câu hỏi ngớ ngẩn… nhưng chúng cho thấy sự nghèo nàn của con người, cái nghèo trong nội tâm. Con người đã trì hoãn mọi thứ và dần dần, họ để chúng chìm vào quên lãng.
Mọi đứa trẻ đều biết cách yêu thương, mọi đứa trẻ đều biết cách nhảy múa và mọi đứa trẻ đều biết cách sống. Đứa trẻ nào cũng đến với thế giới này trong sự hoàn thiện, với mọi thứ đã sẵn sàng. Chúng chỉ cần bắt đầu sống.
Bạn có từng trải nghiệm việc này chưa? Nếu bạn khóc và một đứa trẻ nhìn thấy, nó sẽ đến gần bạn. Nó không biết nói gì nhiều, nó không thể thuyết phục bạn ngừng khóc, nhưng nó sẽ đặt tay của nó lên tay bạn. Bạn có cảm nhận được cái chạm đó không? Sẽ không có ai cho bạn một cái chạm tay như cách một đứa trẻ chạm vào bạn - đứa trẻ biết cách chạm. Khi trưởng thành, con người chỉ lạnh lùng và cứng rắn. Họ chạm, nhưng không có gì tuôn chảy từ bàn tay họ. Khi một đứa trẻ chạm vào bạn - sự dịu dàng trong cái chạm đó, sự mềm mại của nó, thông điệp của nó - đứa trẻ đang rót toàn bộ sự hiện hữu của nó vào trong cái chạm đó.
Mọi người đều được sinh ra với mọi trang bị cần thiết để sống. Và càng sống, bạn càng có khả năng sống. Đó là phần thưởng. Càng ít sống, bạn càng ít có khả năng. Đó là hình phạt.
Sự trọn vẹn mà bạn phải tìm kiếm luôn ở bên trong bạn. Bạn phải quan sát cuộc sống của mình trong từng khoảnh khắc và vứt bỏ hết những thứ nhất thời, chắp vá. Những thứ đó có thể mang lại sự phấn khích, nhưng cuối cùng cũng trở thành vô ích. Hãy vứt bỏ chúng! Hãy nhìn thật sâu vào những khoảnh khắc có vẻ không quá thú vị như vậy. Sự vĩnh hằng không thể nào quá kích thích, bởi vì những thứ tồn tại vĩnh viễn phải thật tĩnh lặng, thật yên bình. Tất nhiên là nó mang lại hạnh phúc, nhưng không phải sự phấn khích. Hạnh phúc sâu sắc, nhưng không có tiếng ồn xung quanh. Nó giống như sự tĩnh lặng hơn là âm thanh. Bạn sẽ phải phát triển về nhận thức thì mới có thể nhận ra nó.
Nỗi sợ là một phần của trí thông minh; nó không có gì sai. Nỗi sợ chỉ cho thấy có cái chết và con người chúng ta chỉ ở đây trong một khoảng thời gian ngắn ngủi. Sự run rẩy đó truyền đạt thông điệp rằng chúng ta sẽ không ở đây mãi, chúng ta không bất tử ở nơi này, chỉ thêm vài ngày nữa thôi là bạn sẽ ra đi.
Trên thực tế, chính vì sợ hãi nên con người mới miệt mài tìm kiếm ý nghĩa của tôn giáo; nếu không, họ không có lý do gì để làm vậy. Không có con vật nào theo đạo, vì không có con vật nào sống trong sợ hãi. Không có con vật nào có thể có tôn giáo, vì không có con vật nào nhận thức được cái chết. Con người nhận thức được cái chết. Cái chết luôn ở đó trong mọi khoảnh khắc, cái chết vây quanh bạn từ khắp mọi hướng - bạn sẽ ra đi vào bất kỳ khoảnh khắc nào. Điều đó khiến bạn run rẩy. Tại sao bạn phải xấu hổ, hãy cứ run rẩy! Nhưng một lần nữa, cái tôi của bạn lại lên tiếng: “Không, tôi mà sợ hãi ư? Không, nỗi sợ không hợp với tôi, sợ hãi là việc của những kẻ hèn nhát. Tôi là người can đảm”.
Nỗi sợ không dành cho những kẻ hèn nhát, hãy để cho nỗi sợ diễn ra. Chỉ có một điều cần được hiểu, đó là khi bạn cho phép nỗi sợ diễn ra và bạn run rẩy, hãy quan sát nó, tận hưởng nó. Trong chính sự quan sát đó, bạn sẽ vượt qua nỗi sợ. Bạn sẽ thấy cơ thể đang run rẩy, bạn sẽ thấy tâm trí đang run rẩy, nhưng bạn sẽ cảm nhận được có một điểm bên trong bạn, một trung tâm ở nơi sâu thẳm trong bạn, vẫn không bị ảnh hưởng. Cơn bão đi qua, nhưng đâu đó sâu bên trong bạn có một tâm điểm không bị càn quét, đó là tâm điểm của lốc xoáy.
Hãy đón nhận nỗi sợ, đừng kháng cự nó. Hãy quan sát những gì đang diễn ra. Hãy cứ tiếp tục quan sát. Khi con mắt quan sát của bạn trở nên chăm chú và tập trung hơn, cơ thể bạn sẽ run rẩy, tâm trí bạn sẽ run rẩy, nhưng tận sâu bên trong bạn sẽ là ý thức của người chứng kiến, một ý thức chỉ tập trung quan sát. Ý thức vẫn chưa được chạm đến, giống như đóa hoa sen trong nước. Chỉ khi đạt đến cấp độ đó, bạn mới đạt đến trạng thái không sợ hãi.
Nhưng trạng thái không sợ hãi đó không phải là không biết sợ, sự không sợ hãi đó không phải là can đảm. Trạng thái không sợ hãi là nhận ra rằng bạn gồm hai phần: một phần sẽ chết và một phần sẽ vĩnh hằng. Phần sẽ chết đó vẫn luôn sợ hãi, còn phần không chết, phần bất tử, không có lý do gì để sợ hãi. Khi đó sẽ có một sự hòa hợp sâu sắc. Bạn có thể sử dụng nỗi sợ cho quá trình thiền định. Hãy sử dụng tất cả những gì bạn có để thiền định, để nhờ đó bạn có thể vượt lên trên.
Cảm xúc mãnh liệt nhất mà tôi có là căm ghét cái chết. Tôi muốn tiêu diệt cái chết, một lần và mãi mãi!
Ghét cái chết là ghét sự sống. Chúng không tách rời và không thể tách rời. Cái chết và sự sống cùng tồn tại với nhau, không có cách nào tách rời. Sự phân chia giữa cái chết và sự sống chỉ là một khái niệm trừu tượng trong tâm trí; nó hoàn toàn là giả. Sự sống bao hàm cái chết và cái chết bao hàm sự sống. Chúng là hai cực đối lập nhưng bổ sung cho nhau.
Cái chết là đỉnh điểm của sự sống. Nếu ghét cái chết, làm sao bạn có thể yêu sự sống? Có một sự nhầm lẫn tai hại ở đây: những người cho rằng mình yêu cuộc sống luôn ghét cái chết, nhưng chính vì ghét cái chết nên họ không có khả năng sống. Khả năng sống, khả năng sống trọn vẹn nhất, chỉ đến khi bạn sẵn sàng chết, và phải sẵn sàng ở mức cao nhất. Hai yếu tố này luôn tỷ lệ thuận với nhau. Nếu sống thờ ơ, bạn cũng sẽ chết một cách thờ ơ. Nếu sống mãnh liệt, trọn vẹn, dám chấp nhận rủi ro, bạn cũng sẽ chết trong khoái lạc tột độ. Cái chết chính là đỉnh điểm; cuộc sống đạt cao trào trong cái chết. Khoái lạc mà bạn biết trong tình yêu không thể nào sánh được với khoái lạc đến từ cái chết. Tất cả những niềm vui của cuộc sống đều trở nên nhạt nhòa so với niềm vui mà cái chết mang lại.
Vậy chính xác thì cái chết là gì? Cái chết là sự biến mất của một thực thể giả trong bạn - cái tôi. Cái chết cũng xảy ra theo quy mô nhỏ và từng phần trong tình yêu; nhờ vậy mới có vẻ đẹp của tình yêu. Trong một khoảnh khắc, bạn chết, trong một khoảnh khắc, bạn biến mất. Trong một khoảnh khắc, bạn không còn nữa, và cái tổng thể chiếm hữu bạn. Bạn không còn tồn tại như một phần của cái tổng thể nữa, bạn hòa vào nhịp điệu của cái tổng thể. Bạn không hiện hữu như một gợn sóng trong đại dương, bạn tồn tại như chính đại dương.
Đó là lý do tại sao tất cả các trải nghiệm khoái lạc đều là những trải nghiệm mang lại cảm giác được hòa mình vào đại dương1. Hiệu ứng tương tự cũng xảy ra trong giấc ngủ sâu: cái tôi biến mất, tâm trí không còn hoạt động nữa, bạn trở lại với niềm vui nguyên thủy. Nhưng những điều này không là gì so với cái chết. Chúng là những phần nhỏ. Giấc ngủ là cái chết ở quy mô vô cùng nhỏ; mỗi sáng, bạn sẽ lại thức giấc.
Tuy nhiên, nếu bạn ngủ sâu, niềm vui mà giấc ngủ đó manglại sẽ vương vấn cả ngày, một sự bình yên nào đó vẫn tiếp tục lan tỏa sâu trong trái tim bạn. Vào ngày mà bạn có được giấc ngủ sâu, bạn sống rất khác. Nếu bạn không ngủ ngon, ngày hôm đó sẽ bị xáo trộn. Bạn cảm thấy bực mình và khó chịu không vì lý do gì cả. Những chuyện vặt vãnh trở thành nỗi phiền toái lớn. Bạn tức giận - cơn giận không hướng tới một đối tượng cụ thể nào, bạn chỉ đơn giản là tức giận. Năng lượng của bạn không còn tập trung nữa, nó bị phân tán. Bạn cảm thấy mình như một thân cây bị bật gốc.
1 Được dịch từ “oceanic experience”, một khái niệm trong tâm lý học, được dùng để mô tả cảm giác hòa mình làm một với vũ trụ, cảm giác cái tôi biến mất.
Cái chết là một giấc ngủ tuyệt vời. Toàn bộ những hỗn loạn của cuộc sống… những hỗn loạn của bảy mươi, tám mươi hay chín mươi năm ròng, cùng với tất cả những nỗi khổ của cuộc đời, tất cả những sự náo động, sự xao lãng và những nỗi bất an chỉ đơn giản biến mất, không còn liên quan gì đến bạn nữa. Bạn quay về với tính hợp nhất nguyên thủy của sự hiện hữu. Bạn trở thành một phần của trái đất. Cơ thể của bạn tan biến vào lòng đất, hơi thở của bạn tan vào thinh không, ngọn lửa của bạn quay về với mặt trời, nước của bạn tìm đến đại dương và bầu trời bên trong bạn hội tụ với bầu trời bên ngoài. Đó chính là cái chết. Làm sao người ta có thể ghét cái chết?
Chắc hẳn bạn đang hiểu sai về cái chết. Chắc hẳn bạn luôn nghĩ rằng cái chết là kẻ thù. Cái chết không phải là kẻ thù, cái chết là người bạn tuyệt vời nhất. Cái chết phải được chào đón, cái chết phải được trông đợi với một trái tim yêu thương. Nếu nghĩ về cái chết như kẻ thù, bạn sẽ chết - ai rồi cũng chết, suy nghĩ của bạn sẽ không tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào - nhưng bạn sẽ chết trong đau đớn vì bạn sẽ kháng cự, sẽ chiến đấu. Khi phản kháng như vậy, bạn sẽ phá hủy mọi niềm vui mà cái chết và chỉ cái chết mới có thể mang lại. Cái chết mà lẽ ra có thể được trải nghiệm như một sự ngây ngất tột độ sẽ chỉ còn là nỗi thống khổ.
Và khi phải trải nghiệm điều gì đó quá đau đớn, người ta sẽ mất ý thức. Sức chịu đựng là có giới hạn và con người chỉ có thể chịu đựng tới mức đó. Do đó, trong một trăm người thì hết chín mươi chín người chết trong trạng thái vô thức. Họ kháng cự, họ chiến đấu đến giây phút cuối cùng. Và khi không thể chiến đấu được nữa - họ đã đặt cược toàn bộ năng lượng của mình - họ rơi vào trạng thái bất tỉnh. Họ chết trong vô thức.
Chết trong vô thức là thảm họa, bởi vì bạn sẽ không nhớ chuyện gì đã xảy ra. Bạn sẽ không nhớ cái chết là cánh cửa dẫn đến sự thiêng liêng. Bạn sẽ được đưa qua cánh cửa đó, nhưng trên cáng, trong trạng thái không còn ý thức. Bạn lại bỏ lỡ một cơ hội lớn.
Đó là lý do chúng ta cứ mãi quên tiền kiếp của mình. Nếu chết trong trạng thái có ý thức, bạn sẽ không quên chuyện kiếp trước, bởi vì sẽ không có khoảng cách, sẽ có sự tiếp nối. Bạn sẽ nhớ tiền kiếp của mình - và việc nhớ được tiền kiếp có ý nghĩa to lớn. Nếu có thể nhớ được kiếp sống trước, bạn sẽ không tái phạm những sai lầm cũ nữa. Còn nếu không nhớ được, bạn sẽ tiếp tục loay hoay trong một vòng lẩn quẩn: cùng một chu trình, cùng một bánh xe sẽ chuyển động lặp đi lặp lại. Bạn sẽ lại ấp ủ những tham vọng cũ và sẽ lại mắc phải những sai lầm ngu ngốc cũ, bởi vì bạn nghĩ rằng đây là lần đầu tiên mình làm những việc đó.
Bạn đã thực hiện chúng hàng triệu lần, nhưng mỗi lần bạn chết, một sự gián đoạn lại xuất hiện bởi vì bạn mất đi ý thức. Bạn bị mất kết nối với quá khứ của mình. Sau đó, cuộc sống lại bắt đầu từ vạch xuất phát.
Đó là lý do bạn không thể tiến hóa thành Phật. Sự tiến hóa đòi hỏi bạn phải có nhận thức liên tục về quá khứ để không còn phạm phải những sai lầm cũ. Dần dần, những sai lầm biến mất. Dần dần, bạn nhận thức được cái vòng lẩn quẩn đó; dần dần, bạn cũng có khả năng thoát khỏi nó.
Nếu chết một cách vô thức, bạn sẽ được sinh ra trong trạng thái vô thức, bởi vì “tử” là mặt bên này và “sinh” là mặt bên kia của cùng một cánh cửa. Ở mặt bên này là cửa “Tử” và mặt còn lại chính là cửa “Sinh”. Đó là lối vào và lối ra - của cùng một cánh cửa.
Đó là lý do bạn được sinh ra nhưng không nhớ quá trình đó. Bạn không nhớ chín tháng trong bụng mẹ, bạn không nhớ mình đã đi qua đường sinh, bạn không nhớ sự đau đớn mà mình đã trải qua, bạn không nhớ sang chấn lúc chào đời của mình. Và sang chấn đó tiếp tục ảnh hưởng đến bạn; cả cuộc đời bạn sẽ vẫn bị ảnh hưởng bởi sang chấn khi chào đời.
Sang chấn đó cần được hiểu, nhưng cách duy nhất để hiểu nó là phải nhớ nó. Và làm cách nào để nhớ nó? Bạn quá sợ cái chết, bạn quá sợ sự chào đời, đến mức nỗi sợ đó ngăn bạn tham gia vào chính những quá trình đó.
Bạn nói: “Cảm xúc mãnh liệt nhất mà tôi có là căm ghét cái chết”. Như vậy là bạn đang ghét cuộc sống. Hãy yêu cuộc sống và sau đó một tình yêu tự nhiên dành cho cái chết cũng sẽ xuất hiện, bởi vì chính sự sống mang đến cái chết. Cái chết không chống lại sự sống, cái chết là sự nở rộ của tất cả những hạt giống được chứa đựng bên trong sự sống. Cái chết không đến một cách bất ngờ; nó phát triển bên trong bạn, nó là sự nở hoa của bạn, là bông hoa nở rộ của bạn.
Bạn đã bao giờ nhìn thấy một con người đích thực đang chết? Rất hiếm khi được thấy một con người đích thực đang chết, nhưng nếu có dịp được quan sát, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy cái chết khiến người đó thật đẹp. Anh ta chưa từng đẹp đến thế - kể cả thời thơ ấu, bởi vì khi đó anh ta chưa biết gì, kể cả thời niên thiếu, bởi vì khi đó đam mê đã trở nên quá cháy bỏng. Nhưng khi cái chết đến, mọi thứ đều được thả lỏng. Sự khờ dại của tuổi thơ không còn, sự ngông cuồng của tuổi trẻ cũng lắng xuống. Những nỗi khổ của tuổi già, bệnh tật và những hạn chế của tuổi già cũng tan biến. Người đó được giải phóng khỏi cơ thể. Một nỗi hân hoan to lớn nảy sinh từ nơi sâu thẳm nhất bên trong và lan tỏa khắp nơi.
Trong đôi mắt của người đang chết đó, bạn có thể nhìn thấy một ngọn lửa không thuộc về thế giới này. Trên gương mặt của người đó, bạn có thể nhìn thấy vẻ huy hoàng vượt ra khỏi thế giới này. Và bạn có thể cảm nhận được sự im lặng, sự im lặng không tranh đấu, sự im lặng không kháng cự của một người đang từ từ trượt vào cõi chết… với sự chấp nhận và lòng biết ơn sâu sắc đối với tất cả những món quà cuộc sống đã ban tặng và tất cả những gì sự hiện hữu đã hào phóng trao cho. Bao quanh người đó là lòng biết ơn.
Bạn sẽ phát hiện xung quanh người đó là một không gian hoàn toàn khác. Anh ta sẽ chết như mọi người đều chết. Và anh ta sẽ tỏa ra thứ tự do làm lay động tất cả những người đang ở bên cạnh và khiến họ ngây ngất với sự tự do đó.
Có một phong tục luôn được coi trọng ở phương Đông, đó là bất cứ khi nào một bậc thầy qua đời, sẽ có hàng ngàn, đôi khi là hàng triệu người tụ tập để chiêm ngưỡng hiện tượng tuyệt vời đó. Họ chỉ tập trung ở những khu lân cận, để được ở gần, để được chứng kiến hương thơm tuyệt đỉnh ấy lan tỏa, để thưởng thức giai điệu cuối cùng mà người đó ngân nga và để nhìn thấy ánh sáng xuất hiện khi cơ thể và linh hồn tách rời nhau. Đó là ánh sáng chói lọi; đó là sự soi sáng vĩ đại.
Các nhà khoa học ngày nay biết rất rõ rằng nếu phân chia nguyên tử, bạn sẽ giải phóng được một lượng năng lượng vô cùng lớn. Nhưng một nguồn năng lượng lớn hơn nhiều sẽ được giải phóng khi cơ thể và linh hồn được phân chia. Chúng đã ở bên nhau suốt hàng triệu kiếp sống - giờ đây, bỗng nhiên thời điểm chúng tách rời nhau đã điểm. Trong chính sự chia tách đó, nguồn năng lượng to lớn sẽ được giải phóng. Quá trình giải phóng năng lượng này có thể trở thành một con sóng lớn đối với những ai muốn cưỡi lên nó. Họ sẽ có được những trải nghiệm xuất thần.
Đừng ghét cái chết. Và tôi biết, không chỉ người đặt ra câu hỏi này ghét cái chết, mà đa số mọi người đều như vậy, bởi vì chúng ta đã được dạy một triết lý rất sai lạc. Chúng ta được dạy rằng cái chết chống lại sự sống; không phải như vậy. Chúng ta được dạy rằng cái chết đến và phá hủy cuộc sống. Điều đó thật hết sức ngớ ngẩn. Cái chết đến và hoàn thiện cuộc sống.
Nếu cuộc sống của bạn tươi đẹp, cái chết sẽ làm cho nó đẹp đến tuyệt đỉnh. Nếu bạn sống một cuộc sống của tình yêu thương, cái chết sẽ mang đến cho bạn trải nghiệm cao nhất về tình yêu. Nếu cuộc sống của bạn trôi qua trong thiền định, cái chết sẽ mang đến cho bạn ý thức tối thượng. Cái chết chỉ củng cố cuộc sống - tất nhiên, nếu cuộc sống của bạn lầm lạc, cái chết cũng sẽ củng cố sự lầm lạc đó. Cái chết là một chiếc máy khuếch đại vô cùng hiệu quả. Nếu bạn chỉ sống trong giận dữ, vậy thì trong cái chết, bạn sẽ chỉ nhìn thấy địa ngục bên trong mình, chỉ toàn là lửa. Nếu bạn đã sống trong hận thù, cái chết sẽ khuếch đại sự hận thù đó. Cái chết có thể làm gì? Cái chết phóng đại, phản chiếu - nhưng bạn mới là thủ phạm. Cái chết chỉ là một hiện tượng phản chiếu.
Đừng ghét cái chết. Nếu không, bạn sẽ bỏ lỡ cái chết và bạn cũng sẽ bỏ lỡ sự sống.
Bạn nói: “Cảm xúc mãnh liệt nhất mà tôi có là căm ghét cái chết”. Bạn đang lãng phí cảm xúc mãnh liệt nhất của mình.
Hãy yêu cuộc sống. Đừng bao giờ chạy theo chiều hướng tiêu cực, sự tiêu cực không đưa bạn đến đâu. Đừng ghét bóng tối, hãy yêu ánh sáng. Hãy rót toàn bộ năng lượng của bạn vào yêu thương và bạn sẽ ngạc nhiên, bạn sẽ sửng sốt. Nếu yêu ánh sáng, một ngày nào đó bạn sẽ bất ngờ nhận ra bóng tối chẳng qua chỉ là một giai đoạn của ánh sáng, một giai đoạn nghỉ ngơi của ánh sáng.
Đừng ghét thế giới, như bạn đã được dạy hết lần này đến lần khác trong quá khứ bởi những người được gọi là thánh nhân. Hãy yêu cuộc sống, yêu thế giới này, bởi vì khi tình yêu của bạn sâu đậm đến mức độ trọn vẹn của nó, bạn sẽ khám phá ra sự thần thánh ở đây và ngay lúc này. Sự thần thánh bị che khuất. Nó ẩn trong những thân cây, trên các dãy núi, dưới những con sông, bên trong con người - trong vợ của bạn, chồng của bạn, con cái của bạn. Nếu ghét cuộc sống, nếu ghét thế giới và tìm cách thoát khỏi nó, bạn đang rời xa sự thần thánh.
Hãy khẳng định cuộc sống, hãy để năng lượng của bạn tập trung vào những điều tích cực. Phủ nhận không phải là cách sống; không ai có thể sống trong sự phủ nhận. Trong sự phủ nhận, con người chỉ có tự sát. Tất cả những thứ thuộc về sự phủ nhận đều mang tính tự sát. Chỉ có sự khẳng định, khẳng định hoàn toàn, mới mang bạn đến với thực tại.
Bạn nói: “Cảm xúc mãnh liệt nhất mà tôi có là căm ghét cái chết. Tôi muốn tiêu diệt cái chết, một lần và mãi mãi!”.
Bạn không thể tiêu diệt cái chết. Không ai có thể làm được, việc đó là bất khả thi; đó không phải là bản chất tự nhiên của vạn vật. Vào ngày bạn được sinh ra, cái chết đã trở thành một điều chắc chắn. Bạn không có cách nào né tránh nó! Cái chết chỉ có thể tan biến khi sự chào đời cũng tan biến. Bạn đã chết rồi! Vào ngày được sinh ra, bạn đã chết - bởi vì ngay khi bạn chào đời, cái chết đã được xác định. Nếu thật sự không muốn chết một lần nữa, bạn sẽ phải làm gì đó để mình không được sinh ra một lần nữa.
Đó chính là toàn bộ hướng tiếp cận của phương Đông: làm thế nào để không được sinh ra một lần nữa. Có nhiều cách để không được sinh ra lần nữa. Nếu khát vọng biến mất, bạn sẽ không đến với thế giới này lần nữa. Chính khát vọng đưa bạn vào cơ thể; khát vọng là chất keo kết dính bạn vào cơ thể. Khi cơ thể biến mất, khát vọng sẽ tạo ra một cơ thể khác, và cứ thế. Từ bỏ khát vọng và bạn sẽ không cần thêm lần chào đời nào nữa. Nếu “sinh” biến mất, “tử” sẽ tự biến mất. Khi đó, cuộc sống là vĩnh hằng: không sinh, không tử.
Đó chính là phương thuốc toàn năng nhất - loại thuốc “không sinh, không tử”. Đó chính là trọng tâm của toàn bộ cách tiếp cận của phương Đông, nhận thức của phương Đông, sự thấu hiểu của phương Đông. Nhưng hãy nhớ, bạn không thể chống lại cái chết. Bạn có thể xóa bỏ sự chào đời và khi đó, cái chết tan biến. Nhưng thực tế là chúng ta thích được sinh ra, chúng ta yêu cuộc sống và đó là lý do chúng ta ghét cái chết. Giờ thì bạn đang làm một việc bất khả thi và bạn sẽ khiến mình phát điên.
Bạn nói: “Tôi muốn tiêu diệt cái chết!”. Nếu bạn thật sự muốn giết cái chết, hãy chấp nhận nó. Chấp nhận cái chết một cách trọn vẹn - và trong chính sự chấp nhận đó, cái chết sẽ biến mất. Bởi vì bạn không bao giờ thật sự chết, chỉ có cái tôi chết. Và nếu chấp nhận cái chết một cách trọn vẹn, bạn đã tự mình từ bỏ cái tôi. Khi đó, cái chết không còn gì để làm; bạn đã tự hoàn thành công việc của nó. Cái chết có thể lấy đi thứ gì từ bạn? Nó sẽ lấy đi tiền của bạn, nó sẽ lấy vợ của bạn, chồng của bạn, nó sẽ lấy đi các mối quan hệ của bạn, nó sẽ lấy đi thế giới của bạn. Đừng dính mắc vào những thứ này - vậy thì cái chết còn có thể lấy đi thứ gì của bạn? Nó sẽ lấy đi cái tôi của bạn, bản ngã của bạn. Ý nghĩ “Tôi tồn tại như một bản thể riêng biệt” - cái chết sẽ lấy nó đi.
Bạn có thể làm tan biến cái tôi. Đó chính là mục đích của thiền. Đó là một quyết định tự nguyện, có ý thức: “Tôi sẽ làm tan biến cái tôi này, tôi sẽ không bám vào nó”. Nếu bạn không bám vào cái tôi, vậy thì còn lại gì? Bạn đã chết rồi. Và chỉ những người đã chết mới chinh phục được cái chết và đạt được sự cực thịnh của cuộc sống.
Mỗi khi tôi cảm thấy bị thu hút mạnh mẽ bởi ai đó và cảm thấy có thể mình thật sự đang yêu thì nỗi sợ xuất hiện. Nỗi sợ xuất hiện ngay cả khi người kia rõ ràng cũng bị tôi thu hút, vì vậy tôi không nghĩ nó chỉ đơn giản là nỗi sợ bị từ chối. Nó giống như một cơn khủng hoảng kỳ lạ mang tính hiện sinh. Ngài có thể giúp tôi hiểu nỗi sợ này không?
Tình yêu luôn khiến con người căng thẳng, và có nhiều lý do cho chuyện đó. Tình yêu đến từ vùng vô thức, và mọi năng lực của bạn đều ở vùng có ý thức; mọi kỹ năng và kiến thức của bạn đều ở trong vùng có ý thức. Tình yêu đến từ vô thức và bạn không biết phải ứng phó với nó thế nào, phải làm gì với nó, và nó quá lớn.
Vùng vô thức lớn gấp chín lần vùng ý thức, vì vậy, bất kỳ cái gì đến từ vô thức đều khiến bạn choáng ngợp. Đó là lý do mọi người e dè cảm xúc, cảm giác. Họ kìm chúng lại, họ sợ chúng sẽ làm loạn - quả thật là chúng có làm loạn, nhưng sự hỗn loạn có vẻ đẹp của nó!
Chúng cần có trật tự và chúng ta cũng cần sự hỗn loạn. Khi cần trật tự, hãy sử dụng mệnh lệnh, sử dụng tâm trí có ý thức; khi cần hỗn loạn, hãy sử dụng tâm trí vô thức và để cho sự hỗn loạn xảy ra. Một con người toàn vẹn là người có khả năng sử dụng cả trật tự và hỗn loạn - người không để cho ý thức can thiệp vào vô thức, cũng không để vô thức can thiệp vào ý thức. Có những việc bạn chỉ có thể làm một cách có ý thức. Chẳng hạn, nếu phải tính toán, bạn chỉ có thể tính toán một cách có ý thức. Nhưng tình yêu không như vậy, thơ ca không như vậy; chúng đến từ vô thức. Vì vậy, bạn phải đặt ý thức của mình qua một bên.
Chính ý thức đang cố gắng kìm hãm mọi thứ, bởi vì nó sợ. Dường như có chuyện gì đó vô cùng to lớn sắp xảy ra, một con sóng thần; liệu nó có thể sống sót không? Nó cố gắng né tránh, nó cố gắng giữ khoảng cách với điều sắp tới; nó muốn bỏ chạy và trốn vào đâu đó. Nhưng đó không phải là giải pháp. Đó là lý do tại sao mọi người trở nên trì trệ và thiếu sinh khí. Mọi suối nguồn tươi trẻ của cuộc sống đều nằm trong vô thức. Ý thức chỉ có tính thực dụng; nó là một tiện ích, nhưng nó không phải là niềm vui của cuộc sống, nó không phải là sự chúc tụng. Ý thức sẽ hữu dụng nếu bạn đang nghĩ kế sinh nhai chứ không phải nghĩ đến cuộc sống. Cuộc sống đến từ vô thức, từ cái chưa biết, và cái chưa biết luôn đáng sợ.
Hãy để vô thức được hoạt động. Đó là toàn bộ mục đích của tôi ở đây, giúp bạn đón nhận vô thức. Và một khi bạn bắt đầu tận hưởng nó, sự căng thẳng của bạn sẽ biến mất. Bạn không cần phải kiểm soát vô thức; con người không cần phải giữ dây cương suốt hai mươi bốn giờ.
Chuyện xưa kể rằng có một vị hoàng đế Trung Hoa đến gặp một thiền sư vĩ đại. Vị thiền sư đó đang cười lăn lộn trên sàn và các đệ tử của ông ấy cũng đang cười; hẳn là ông ấy vừa kể một câu chuyện cười nào đó. Vị hoàng đế cảm thấy xấu hổ. Ông ta không thể tin vào mắt mình, bởi vì hành vi cười ngặt nghẽo đó thật quá bất lịch sự. Vị hoàng đế không thể không bày tỏ ý kiến của mình. Ông ta nói với thiền sư: “Thật thiếu phép tắc! Một người như ông không thể hành xử như vậy; phải đúng mực một chút chứ. Ông đang cười lăn lộn trên sàn như một kẻ điên”.
Vị thiền sư nhìn hoàng đế. Ông ta đang đeo một cây cung; vào thời bấy giờ, các hoàng đế đều là những chiến binh, và họ mang theo cung tên bên mình. Vị thiền sư lên tiếng hỏi: “Hãy trả lời tôi câu này: Ngài có luôn giữ cho cây cung này căng ra không, hay ngài cũng cho phép nó thả lỏng?”.
Hoàng đế đáp: “Nếu cứ bị kéo căng liên tục, cây cung sẽ mất tính đàn hồi và không còn xài được nữa. Cung phải được thả lỏng để khi nào chúng ta cần dùng đến thì nó vẫn còn độ đàn hồi”. Và vị thiền sư nói: “Đó chính là việc tôi đang làm”.
Có những lúc con người nên thư giãn, nên thả lỏng hoàn toàn, để không phải tuân theo bất kỳ quy tắc nào. Và tình yêu là sự thư giãn. Người ta không cần phải ở trong trạng thái kiểm soát suốt hai mươi bốn giờ. Khi làm việc, hãy ở trong tâm trí có ý thức; hãy tỉnh táo, hãy tính toán. Hãy thông minh, khéo léo và hiệu quả. Nhưng đó chỉ là phần thực dụng của cuộc sống. Khi bước ra khỏi phòng làm việc, hãy thư giãn và để bản thân được cuốn theo tâm trí vô thức; hãy để vô thức chiếm lấy bạn và hãy hoàn toàn thả lỏng bản thân.
Nếu không, bạn sẽ rơi vào một vòng lẩn quẩn. Bạn cảm thấy bất an, bạn kìm nén năng lượng. Bạn kìm nén năng lượng và năng lượng bị kìm nén đó gây ra thêm nhiều cơn run rẩy bên trong bạn, vì vậy, bạn cảm thấy căng thẳng hơn; khi cảm thấy căng thẳng hơn, bạn càng kìm nén nhiều hơn, và cứ thế, mọi chuyện cứ lặp đi lặp lại. Càng kìm nén, bạn càng cảm thấy căng thẳng; càng cảm thấy căng thẳng, bạn sẽ càng kìm nén. Bạn phải bứt phá, phải thoát khỏi vòng lẩn quẩn này. Hãy thực hiện một cú nhảy.
Ngài có thể nói gì đó về mối liên hệ giữa mặc cảm tội lỗi và nỗi sợ không? Đôi khi, tôi thấy chúng thật khó phân biệt.
Nỗi sợ là tự nhiên; mặc cảm tội lỗi là sự sáng tạo của các linh mục và thầy tu. Tội lỗi là do con người tạo ra. Nỗi sợ là thứ có sẵn và rất cần thiết. Nếu không sợ hãi, bạn sẽ không thể sống sót. Sợ hãi là bình thường. Chính vì sợ nên bạn sẽ không cho tay vào lửa. Chính vì sợ nên bạn đi về phía bên phải hoặc bên trái, theo luật định của từng quốc gia. Chính vì sợ nên bạn sẽ tránh thuốc độc. Chính vì sợ nên khi tài xế xe tải ấn còi xe, bạn sẽ nhanh chóng tránh đường.
Nếu một đứa trẻ không biết sợ, nó sẽ không có cơ hội sống sót. Nỗi sợ của nó là một biện pháp bảo toàn tính mạng. Chính vì xu hướng tự vệ tự nhiên này… và nó không có gì sai, bạn có quyền bảo vệ bản thân. Bạn có một cuộc sống quý giá cần được bảo vệ, và nỗi sợ chỉ đang giúp bạn. Nỗi sợ là trí thông minh. Chỉ có kẻ ngốc mới không sợ, kẻ đần độn mới không sợ; do đó, bạn phải bảo vệ những người này, nếu không, họ sẽ tự thiêu bản thân, hoặc họ sẽ nhảy lầu, hoặc họ sẽ nhảy xuống biển mà không biết bơi - họ sẽ làm mọi việc mà họ có thể làm.
Nỗi sợ là trí thông minh; khi nhìn thấy một con rắn trên đường, bạn tránh nó. Đó không phải là hèn nhát, đó là trí thông minh. Nhưng có hai khả năng xảy ra từ hiện tượng tự nhiên này. Nỗi sợ có thể trở nên bất thường, nó có thể trở thành một chứng bệnh. Khi đó, bạn sợ những thứ không cần phải sợ, cho dù bạn có thể tìm thấy lý lẽ để biện minh cho nỗi sợ bất thường đó của mình.
Ví dụ, ai đó sợ bước vào một căn nhà. Về mặt logic, bạn không thể chứng minh anh ta sai. Anh ta nói: “Lấy gì đảm bảo ngôi nhà này sẽ không sập?”. Chúng ta đều biết các ngôi nhà có thể sập, vậy ngôi nhà này cũng có thể sập. Nhiều người đã thương vong trong các vụ sập nhà. Không ai có thể đảm bảo ngôi nhà này tuyệt đối sẽ không sập; một trận động đất có thể xảy ra, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Một người khác sợ hãi và không thể đi du lịch vì tai nạn tàu hỏa có thể xảy ra. Ai đó khác sợ và không dám bước lên xe hơi vì tai nạn xe hơi có thể xảy ra. Ai đó sợ máy bay. Nếu bạn sợ theo cách này, nỗi sợ đó không phải là trí thông minh. Khi đó, bạn cũng sẽ sợ cái giường của bạn, bởi vì gần 97% số người trên thế giới chết trên giường của họ - thế nên đó là nơi nguy hiểm nhất! Về mặt logic, bạn nên tránh chiếc giường càng xa càng tốt, đừng bao giờ đến gần nó. Nhưng nếu làm vậy, bạn sẽ không thể sống được.
Nỗi sợ có thể trở nên bất thường; khi đó, nó là bệnh lý. Và bởi vì nỗi sợ có khả năng trở thành bệnh lý nên các linh mục đã sử dụng nỗi sợ, các chính trị gia đã sử dụng nỗi sợ, những kẻ đàn áp đã sử dụng nỗi sợ. Họ khiến nó thành bệnh lý và khi đó, họ dễ dàng lợi dụng bạn. Linh mục khiến bạn sợ địa ngục. Hãy nhìn vào các loại kinh sách mà xem họ mô tả tất cả những màn tra tấn nơi luyện ngục với niềm vui như thế nào, với sự thích thú ra sao! Hẳn Adolf Hitler đã đọc những kinh sách này; hẳn ông ta đã tìm thấy những ý tưởng tuyệt vời từ các bản mô tả địa ngục này. Bản thân Hitler không phải là một thiên tài có khả năng sáng tạo đến mức có thể phát minh ra các trại tập trung và đủ các loại tội ác hung tàn. Hẳn ông ta đã tìm thấy chúng trong các kinh sách tôn giáo - chúng có sẵn trong đó, các linh mục đã chuẩn bị xong hết. Hitler chỉ việc thực hành lời rao giảng của các linh mục. Thật là một người sùng đạo! Các linh mục chỉ nói về địa ngục đang đợi bạn sau khi bạn chết. Hitler thì nói: “Sao phải đợi lâu đến vậy? Ta sẽ tạo ra địa ngục ở đây và ngay lúc này để các người có thể nếm trải nó”.
Các linh mục đã nhận thức được từ rất sớm rằng họ có thể lợi dụng bản năng sợ hãi của con người. Con người có thể bị khiếp sợ đến mức quỳ dưới chân linh mục và cầu xin: “Hãy cứu chúng tôi! Chỉ có ngài mới cứu được chúng tôi”. Và linh mục sẽ đồng ý cứu họ nếu họ nghe lời. Nếu họ tuân thủ các nghi lễ được linh mục mô tả, linh mục sẽ cứu họ. Và vì sợ hãi, con người đã làm theo đủ kiểu ngu ngốc, đủ trò mê tín dị đoan.
Chính trị gia cũng nhận thức được rằng con người có thể trở nên sợ hãi tột cùng. Và nếu khiến họ sợ hãi, bạn có thể thống trị họ. Chính vì nỗi sợ nên mới có sự tồn tại của các quốc gia. Người Ấn Độ sợ người Pakistan, và người Pakistan sợ người Ấn Độ, và cứ như vậy trên khắp thế giới. Thật quá ngu ngốc! Chúng ta dè chừng lẫn nhau, và nhờ nỗi sợ của chúng ta, các chính trị gia trở nên quan trọng. Chính trị gia khẳng định ông ta sẽ cứu bạn ở đây, trong thế giới này, trong khi linh mục thì nói ông ta sẽ cứu bạn trong thế giới bên kia. Và họ thông đồng với nhau.
Nỗi sợ tạo ra mặc cảm tội lỗi, nhưng nỗi sợ không trực tiếp làm ra chuyện đó. Nỗi sợ tạo ra mặc cảm tội lỗi thông qua các linh mục và chính trị gia. Linh mục và chính trị gia tạo ra một bệnh lý bên trong bạn, bệnh lý run rẩy. Và theo lẽ tự nhiên, con người quá mong manh và yếu đuối nên con người trở nên sợ hãi. Khi đó, bạn có thể bảo anh ta làm bất cứ việc gì và anh ta sẽ làm theo, dù anh ta biết rất rõ đó là việc ngu ngốc, dù trong thâm tâm anh ta biết toàn bộ chuyện này thật vô lý - nhưng ai mà biết được? Vì sợ, con người có thể bị buộc làm bất cứ việc gì chỉ để cứu chính mình. Và bởi vì thứ bệnh lý được tạo ra trong bạn không phải là bệnh lý tự nhiên nên bản năng tự nhiên của bạn sẽ chống lại nó. Khi đó, thỉnh thoảng, bạn sẽ làm việc gì đó tự nhiên, mà chuyện này đi ngược lại với nỗi sợ không tự nhiên trong bạn, và thế là mặc cảm tội lỗi nảy sinh.
Mặc cảm tội lỗi có nghĩa là bạn có một ý nghĩ không tự nhiên trong tâm trí mình về việc cuộc sống nên diễn ra như thế nào, bạn nên làm những việc gì. Rồi một ngày, bạn chợt nhận ra mình đang thuận theo tự nhiên và làm những việc tự nhiên, bạn đi ngược lại hệ tư tưởng mà mình đang gìn giữ. Bởi vì bạn sống trái với hệ tư tưởng đó nên mặc cảm tội lỗi nảy sinh và bạn hổ thẹn. Bạn cảm thấy mình kém cỏi, không xứng đáng.
Nhưng bạn không thể biến đổi con người bằng cách trao cho họ những ý nghĩ không tự nhiên. Do đó, các linh mục có thể lợi dụng con người nhưng không thể biến đổi con người. Họ cũng không quan tâm đến việc biến đổi bạn; mục tiêu của họ là luôn giữ bạn làm nô lệ. Họ tạo ra một lương tâm trong bạn. Lương tâm của bạn không thật sự là lương tâm của bạn, nó được tạo ra bởi các tôn giáo của bạn. Tôn giáo của bạn nói: “Điều này là sai trái”. Có thể trong thâm tâm, bạn biết dường như điều này chẳng có gì là sai trái, nhưng tôn giáo nói nó sai và tôn giáo không ngừng thôi miên bạn ngay từ thời thơ ấu. Sự thôi miên đó có ảnh hưởng sâu sắc, nó khắc sâu trong bạn, gần như trở thành một phần trong bản thể của bạn. Nó kìm hãm bạn.
Tôn giáo của bạn nói tình dục là sai trái, nhưng tình dục là một hiện tượng tự nhiên đến mức bạn bị hút về phía nó. Và không có gì sai khi bị hấp dẫn bởi một người đàn bà hoặc một người đàn ông. Đó chỉ là một phần của tự nhiên. Nhưng lương tâm của bạn nói: “Việc này là sai”. Thế là bạn kìm nén bản thân. Một nửa của bạn đi về phía người kia và nửa còn lại đang giữ chân bạn. Bạn không thể đưa ra quyết định; bạn luôn bị phân chia, bị chia tách. Nếu bạn quyết định tiến tới với người phụ nữ đó hoặc người đàn ông đó, lương tâm sẽ tra tấn bạn: “Ngươi đã phạm tội!”. Nếu bạn không tiến tới, bản năng sẽ tra tấn bạn: “Ngươi đang khiến ta đói khát!”. Lúc này, bạn bị kìm kẹp từ cả hai phía. Dù làm gì, bạn đều đau khổ, và càng đau khổ, bạn càng muốn tìm đến linh mục để xin lời khuyên. Càng đau khổ, bạn càng tìm kiếm sự cứu rỗi.
Bertrand Russell hoàn toàn đúng khi cho rằng nếu con người được trao cho sự tự do tuyệt đối và tự nhiên để thoát khỏi cái gọi là lương tâm và đạo đức, và nếu con người được giúp đỡ để trở thành một bản thể tự nhiên, tròn vẹn - thông minh, hiểu biết, sống một cuộc đời đúng với mong muốn của mình chứ không đi theo lời khuyên của ai khác - khi đó, cái gọi là tôn giáo sẽ biến mất khỏi thế gian này.
Tôi hoàn toàn đồng ý với ông ấy. Chắc chắn cái gọi là tôn giáo sẽ biến mất khỏi thế gian này. Nếu không đau khổ, con người sẽ không tìm kiếm sự cứu rỗi. Nhưng Bertrand Russell lại nói tiếp rằng tôn giáo sẽ biến mất khỏi trái đất.
Đây là điểm tôi không đồng ý với ông ấy. Những cái gọi là tôn giáo sẽ biến mất, và bởi vì những cái gọi là tôn giáo biến mất nên lần đầu tiên trong thế giới này, sẽ có cơ hội cho một tôn giáo đích thực xuất hiện. Các con chiên Cơ Đốc giáo sẽ không có ở đó, người theo đạo Hindu sẽ không có ở đó, tín đồ Mohammed sẽ không có ở đó, và chỉ khi đó, một kiểu tôn giáo mới mới lan tỏa khắp địa cầu. Mọi người sẽ sống theo ý thức của riêng mình. Sẽ không có mặc cảm tội lỗi, không có sự ăn năn, bởi vì những thứ này không bao giờ làm thay đổi con người. Con người vẫn như vậy; họ chỉ thay đổi vẻ bề ngoài, thay đổi hình dáng của mình. Về cơ bản, không có gì thay đổi thông qua mặc cảm tội lỗi, qua nỗi sợ, qua thiên đường, qua địa ngục. Tất cả những ý tưởng này đều thất bại hoàn toàn. Chúng ta đã và đang sống trong một thế giới rất sai lầm; chúng ta đã tạo ra một hoàn cảnh sai lầm. Con người chỉ tiếp tục thay đổi ở bề mặt: tín đồ Hindu giáo trở thành con chiên Cơ Đốc giáo, con chiên Cơ Đốc giáo trở thành tín đồ Hindu giáo, và chưa từng có sự thay đổi nào. Mọi thứ vẫn như cũ.
Một cô gái điếm đã hoàn lương đang cho lời chứng trước Cứu Thế Quân ở một góc đường vào tối thứ Bảy. Cô nhấn nhá lời nói của mình bằng cách đánh vào một cái trống đồng lớn.
Cô ấy nói lớn: “Tôi từng là kẻ có tội (booong!). Tôi từng là người phụ nữ xấu xa (boong!). Tôi từng nghiện rượu! (booong!) Từng cờ bạc! (booong!) Từng làm điếm! (booong! booong!) Từng đi chơi vào các tối thứ Bảy và quậy tới bến! (booong! booong! booong!) Còn bây giờ, tôi làm gì vào các tối thứ Bảy? Tôi đứng ở góc phố này, đang đánh vào cái trống chết tiệt này!”.