Cơ chế hoạt động của tâm trí
Cảm xúc của bạn, tình cảm của bạn, suy nghĩ của bạn - tất cả những cái cấu tạo nên tâm trí của bạn - đều bị thao túng bởi cái bên ngoài. Quan điểm này đã trở nên sáng tỏ hơn nhờ nền khoa học hiện đại, nhưng ngay từ khi chưa có bằng chứng khoa học, các nhà thần bí đã luôn nói suốt hàng ngàn năm rằng tất cả những thứ lấp đầy tâm trí của bạn không thuộc về bạn, bạn vượt lên trên chúng. Bạn bị đồng nhất với chúng, và đó là vấn đề duy nhất.
Chẳng hạn ai đó xúc phạm bạn và bạn trở nên tức giận. Bạn nghĩ mình đang nổi giận, nhưng nói theo góc nhìn khoa học thì sự xúc phạm của người đó chỉ hoạt động như chiếc điều khiển từ xa. Người xúc phạm bạn đang chi phối hành vi của bạn. Cơn giận của bạn nằm trong sự khống chế của người đó; bạn đang hành xử như một con rối.
Ngày nay, các nhà khoa học có thể đặt các điện cực tại một số trung tâm nhất định trong não, và chuyện này thật sự rất đáng kinh ngạc. Các nhà thần bí đã nói về điều này suốt hàng ngàn năm, nhưng chỉ mới đây thì các nhà khoa học mới phát hiện ra rằng có hàng trăm trung tâm trong não đang kiểm soát mọi hành vi của bạn. Một điện cực có thể được đặt vào một trung tâm cụ thể trong não, chẳng hạn như trung tâm chịu trách nhiệm cho cảm xúc giận dữ. Không ai xúc phạm bạn, không ai sỉ nhục bạn, không ai nói gì với bạn; bạn đang ngồi im lặng, vui vẻ, bỗng ai đó nhấn nút trên chiếc điều khiển từ xa và bạn trở nên tức giận! Đó là một cảm giác rất lạ bởi bạn không thể tìm ra lý do tại sao mình tức giận. Có thể bạn sẽ hợp lý hóa cơn giận bằng cách nào đó. Ví dụ như bạn nhìn thấy một người đàn ông đi ngang qua hành lang và bạn nhớ ra anh ta đã xúc phạm bạn - bạn sẽ cố lý giải cơn giận đó chỉ để tự trấn an là bạn không đang nổi điên. Bạn đang ngồi im, đột nhiên bạn cảm thấy vô cùng tức giận mà không có bất kỳ tác nhân kích thích nào?
Mặt khác, chính chiếc điều khiển từ xa đó cũng có thể khiến bạn vui vẻ. Bạn đang ngồi trên ghế thì bỗng bắt đầu cười khúc khích và nhìn ngó xung quanh - nếu ai đó đang quan sát bạn, họ sẽ nghĩ bạn bị điên! Không có ai nói gì, không có chuyện gì xảy ra, cũng không ai bị trượt vỏ chuối, vậy sao bạn lại cười? Bạn sẽ hợp lý hóa hành động của mình, bạn sẽ cố tìm lý do khiến mình bật cười. Và điều lạ lùng nhất là lần tới, khi chiếc nút đó lại được kích hoạt và bạn lại cười khúc khích, bạn sẽ đưa ra cùng một lý do, lời trấn an, cách giải thích như vậy - mà thậm chí cách lý giải đó còn không thật sự là của bạn! Hệt như bạn đang bật một bản ghi âm có sẵn trên điện thoại vậy. Khi đọc các kết quả nghiên cứu khoa học về những trung tâm này, tôi nhớ tới thời sinh viên của mình. Hồi đó, tôi có tham gia cuộc thi hùng biện giữa sinh viên của các trường đại học; tất cả các trường đại học trong nước đều góp mặt trong cuộc thi này. Trường Đại học Phạn ngữ Varanasi cũng tham gia, nhưng vì lẽ nào đó, sinh viên Phạn ngữ thường cảm thấy hơi thiếu tự tin khi đối mặt với những đối thủ đến từ các trường đại học khác. Họ biết đọc kinh sách cổ, họ hiểu thơ ca và kịch tiếng Phạn, nhưng họ không quen thuộc với thế giới đương đại của nghệ thuật, văn học, triết học hay logic. Và tâm lý mặc cảm tự ti này có cách hoạt động rất lạ lùng…
Sau phần trình bày của tôi, người tiếp theo là đại diện đến từ Đại học Phạn ngữ. Để gây ấn tượng với khán giả và để che giấu mặc cảm của mình, anh ta bắt đầu bài phát biểu bằng cách trích dẫn lời của Bertrand Russell1 - anh ta đã học thuộc lòng nó, và không ai có khả năng ghi nhớ giỏi hơn sinh viên khoa tiếng Phạn. Nhưng nỗi sợ phát biểu trước đám đông của anh ta bắt đầu phát tác mạnh đến mức… anh ta không biết gì về Bertrand Russell, về những lời mà mình đang trích dẫn. Hẳn sẽ tốt hơn nhiều nếu anh chọn một trích dẫn bằng tiếng Phạn vì đó là lĩnh vực mà anh ta quen thuộc.
Đang nói, anh bỗng dừng lại giữa chừng, ngay giữa câu. Vì vừa mới phát biểu xong nên lúc bấy giờ tôi đang ngồi cạnh anh ta. Sự im lặng bao trùm cả hội trường, anh ta bắt đầu toát mồ hôi, và tôi thử giúp anh ta bằng cách nói nhỏ: “Hãy bắt đầu lại đi” - bởi vì đâu thể làm gì khác? Anh ta chỉ đơn giản là bị mắc kẹt. Tôi nói: “Nếu anh không thể tiếp tục, hãy bắt đầu lại; có lẽ khi làm vậy anh sẽ nhớ lại”.
1 Bertrand Arthur William Russell (1872 - 1970), triết gia, nhà logic học, nhà toán học lỗi lạc của nước Anh. Ông cũng là tác giả của nhiều tác phẩm triết học sâu sắc và là chuyên gia bình luận nổi tiếng.
Vậy là anh ta quay về điểm khởi đầu: “Thưa các anh chị em…” rồi lại ngắc ngứ ngay chính chỗ cũ. Giờ thì chuyện này đã trở thành trò cười. Cả hội trường xôn xao: “Lại nữa!”, và anh ta rơi vào thế khó. Anh không thể nói tiếp, mà cũng không thể đứng đó im lặng được vì như vậy trông quá ngu ngốc. Do đó, anh phải nói lại từ đầu. Vấn đề là anh bắt đầu lại từ màn chào hỏi “Thưa các anh chị em…”.
Thế là trong suốt mười lăm phút, chúng tôi chỉ nghe được phần đó - bắt đầu với “Thưa các anh chị em…” cho đến đoạn anh ta không nhớ lời và cứ lặp đi lặp lại như vậy. Khi hết thời gian trình bày, anh ta đi xuống, ngồi cạnh tôi và nói: “Anh đã làm hỏng hết việc của tôi!”.
Tôi đáp: “Tôi đã cố giúp anh mà”. Anh ta vặn lại: “Vậy mà là giúp ư?”.
Tôi trả lời: “Dù gì thì anh cũng gặp khó khăn rồi. Ít ra thì mọi người đều vui vẻ với cách xử lý này - tất nhiên là trừ anh, chuyện này thì tôi có thể hiểu được. Nhưng anh nên thấy vui vì mình đã mang lại niềm vui cho nhiều người như vậy! Nhưng sao anh lại chọn câu trích dẫn đó? Với lại, khi tôi nói ‘bắt đầu lại’, anh đâu cần phải bắt đầu ngay từ đầu - anh có thể bỏ qua đoạn trích dẫn đó luôn, không cần phải lặp lại nó”.
Nhưng khi đọc các kết quả nghiên cứu khoa học, tôi biết rằng trung tâm chịu trách nhiệm cho hoạt động phát biểu trong não không khác gì một chiếc đĩa than, nhưng kỳ lạ và đặc biệt hơn. Khoảnh khắc chiếc kim đọc đĩa than được nhấc lên, bạn có thể đặt nó xuống vị trí cũ trên đĩa và chiếc máy sẽ tiếp tục phát nhạc từ đó. Nhưng đối với trung tâm phát biểu trong não, khi chiếc kim bị nhấc lên và được đặt trở lại, trung tâm ngay lập tức quay về điểm xuất phát chứ không tiếp tục từ vị trí trước đó.
Nếu chuyện này xảy ra, liệu bạn có thể nói rằng bạn làm chủ những gì mình đang nói? Bạn có làm chủ được những gì mình cảm nhận hay không? Tất nhiên, không có điện cực nào được cấy vào cơ thể bạn, nhưng các hoạt động sinh học đang diễn ra hệt như đang bị tác động bởi các điện cực.
Bạn nhìn thấy một mẫu phụ nữ nào đó và tâm trí của bạn lập tức phản ứng: “Thật xinh đẹp!”. Hiện tượng này xảy ra theo nguyên lý “điều khiển từ xa”. Người phụ nữ đó đóng vai trò như một thiết bị điều khiển từ xa được nối với một điện cực, còn trung tâm phát biểu trong não của bạn chỉ đơn giản bật đoạn ghi âm có sẵn: “Thật xinh đẹp!”.
Tâm trí hoạt động theo cơ chế của nó. Tâm trí của bạn không phải là bạn. Tâm trí ghi lại các sự việc khách quan và sau đó phản ứng với các tình huống bên ngoài theo nội dung của những bản ghi này. Đó là sự khác biệt duy nhất giữa người theo đạo Hindu, tín đồ Mohammed, giáo dân Cơ Đốc và người Do Thái - họ có những chiếc đĩa than với nội dung khác nhau. Nhưng bên trong, họ đều là con người.
Khi bạn đặt chiếc đĩa than đó vào máy phát, nó có thể phát ra nội dung tiếng Do Thái, tiếng Phạn, hoặc cũng có thể là tiếng Ba Tư hay tiếng Ả Rập, nhưng tất cả đều được chơi trên một chiếc máy phát. Chiếc máy đó không phân biệt nội dung trong đĩa than là tiếng Do Thái hay tiếng Phạn.
Toàn bộ các quan điểm tôn giáo của bạn, mọi nhận định chính trị của bạn, tất cả các thái độ ứng xử của bạn đều là những bản ghi âm. Và một số tình huống nhất định sẽ kích hoạt một số đoạn ghi âm tương ứng.
Có một sự kiện tuyệt vời xảy ra trong cuộc đời của Raja Bhoj, một trong những vị vua thông thái nhất Ấn Độ. Ông rất quan tâm đến những người thông thái. Toàn bộ ngân khố của triều đình Raja được sử dụng cho một mục đích duy nhất, đó là tập hợp tất cả những người thông thái nhất đất nước lại bằng mọi giá. Ông chọn Ujjain làm thủ đô và triều đình của ông có đến ba mươi người nổi tiếng nhất nước, trong đó có cả Kalidas, một trong những thi sĩ vĩ đại nhất thế giới. Đó là bộ máy sáng giá nhất Ấn Độ.
Một ngày nọ, một người đàn ông đi đến cung điện của Vua Raja và tuyên bố rằng anh ta có thể nói được ba mươi ngôn ngữ một cách trôi chảy, chính xác với ngữ điệu như người bản xứ, và anh ta đến để thách đố: “Thần nghe nói triều đình của bệ hạ có những con người thông thái nhất nước nên thần muốn đem một ngàn lượng vàng ra thách đấu. Nếu vị nào ở đây nhận ra tiếng mẹ đẻ của thần thì người đó sẽ là chủ nhân của một ngàn lượng vàng này. Còn nếu không nhận ra thì người đó sẽ phải trả cho thần một ngàn lượng vàng”.
Lúc bấy giờ những học giả vĩ đại đều đang tề tựu ở đó - và mọi người đều biết dù có cố gắng đến mức nào thì bạn cũng không bao giờ sử dụng một ngôn ngữ khác rành rẽ như tiếng mẹ đẻ được, bởi vì mọi ngôn ngữ khác với tiếng mẹ đẻ đều đòi hỏi bạn phải nỗ lực học cách sử dụng. Chỉ có tiếng mẹ đẻ là tự “ngấm” vào bạn - bạn thật sự không cần phải bỏ công học nó. Bạn được tiếp xúc với tiếng mẹ đẻ trong suốt quá trình trưởng thành của mình và nó trở nên quen thuộc đến mức bạn chỉ đơn giản là bắt đầu sử dụng nó. Đây là một quá trình tự phát. Chính vì vậy mà cho dù gọi đất nước của mình là “quê cha” trong khi hầu hết người dân của các quốc gia khác đều gọi quê hương là “đất mẹ”, người Đức vẫn không gọi tiếng Đức là “tiếng cha đẻ”. Đất nước nào cũng gọi tiếng nước mình là “tiếng mẹ đẻ” vì đứa trẻ bắt đầu học từ người mẹ. Và dù thế nào thì người cha cũng chẳng bao giờ có cơ hội lên tiếng trong nhà! Người mẹ luôn là người nói và người cha luôn lắng nghe.
Nhiều học giả trong triều đã chấp nhận thách đấu. Người đàn ông nói chuyện bằng ba mươi ngôn ngữ - một vài câu bằng ngôn ngữ này, một vài câu bằng ngôn ngữ khác - và thật khó nhận ra đâu mới là tiếng mẹ đẻ của anh ta! Anh ta chắc chắn là một nghệ sĩ bậc thầy. Anh ta sử dụng mỗi ngôn ngữ theo cách mà chỉ có người bản địa mới có thể làm được. Cả ba mươi học giả đều thua cuộc. Cuộc thách đấu vẫn tiếp tục diễn ra trong ba mươi ngày sau đó; mỗi ngày có một học giả tham gia và đều thua cuộc. Họ cứ đoán và người đàn ông cứ đáp: “Không, đây không phải là tiếng mẹ đẻ của tôi”.
Vào ngày thứ ba mươi mốt… Vua Raja không ngừng nói với Kalidas: “Sao khanh không tham dự? Khanh là thi sĩ, mà thi sĩ thì thấu hiểu ngôn ngữ theo cách tinh tế hơn bất kỳ ai khác”. Nhưng Kalidas vẫn im lặng. Ông ấy đã quan sát suốt ba mươi ngày để cố gắng xác định xem người đàn ông kia sử dụng loại ngôn ngữ nào một cách dễ dàng, tự nhiên và vui vẻ hơn cả. Nhưng ông không thể nhận ra bất kỳ sự khác biệt nào - người đàn ông đó nói tất cả các ngôn ngữ theo cách giống hệt nhau.
Cũng vào ngày thứ ba mươi mốt, Kalidas đề nghị Vua Raja và các học giả đứng bên ngoài, ngay trước đại sảnh của cung điện. Có một dãy bậc thang dài dẫn vào đại sảnh và người đàn ông kia đang bước lên; khi anh ta lên tới bậc thang trên cùng, Kalidas bèn đẩy anh ta xuống. Trong lúc anh ta lăn xuống các bậc thang, cơn giận trong anh trỗi dậy và anh lớn tiếng mắng chửi.
Bấy giờ Kalidas mới nói: “Đây chính là tiếng mẹ đẻ của anh!”. Khi giận dữ, bạn không thể nhớ phải sử dụng “đoạn ghi âm” nào, và người đàn ông không hề đoán được người ta lại dùng chiến thuật này để đối phó với mình. Và đó quả thật là tiếng mẹ đẻ của anh ta. Sâu thẳm trong tâm trí của anh, nội dung của đoạn ghi âm đó được nói bằng tiếng mẹ đẻ.
Một trong những giáo sư của tôi là người đã sống ở khắp nơi trên thế giới, giảng dạy tại nhiều trường đại học và ông ấy từng nói thế này: “Khi sống ở nước ngoài, tôi chỉ gặp khó khăn trong hai tình huống, đó là khi đang tranh cãi và lúc yêu đương. Khi rơi vào các tình huống này, người ta cần đến tiếng mẹ đẻ của mình. Cho dù bạn bày tỏ tình yêu của mình một cách hoa mỹ thế nào bằng ngôn ngữ khác, nó đều có vẻ hời hợt và không thể nào giống như khi bạn bày tỏ bằng tiếng mẹ đẻ. Tương tự, khi tức giận và tranh cãi bằng ngôn ngữ của vùng đất khác, bạn không thể nào có được niềm vui giống như khi thể hiện những điều đó bằng tiếng mẹ đẻ…”. Ông nói tiếp: “Tranh cãi và yêu đương là hai tình huống rất đặc biệt - và chúng thường diễn ra với cùng một người! Bạn yêu thương ai đó và bạn phải tranh cãi cũng với chính người đó”.
Và ông ấy đã đúng khi nói rằng mọi thứ được bạn diễn đạt bằng thứ ngôn ngữ mà bạn cất công học đều có vẻ hời hợt - bạn không thể hát một bài hát hay hoặc nói ra những lời khiếm nhã bằng ngôn ngữ của bạn. Trong cả hai trường hợp, nó đều “thiếu lửa”.
Rõ ràng là tâm trí có chức năng ghi lại những trải nghiệm từ bên ngoài, đưa ra phản xạ và phản ứng tương ứng với trải nghiệm đó. Tâm trí không phải là bạn. Nhưng tiếc thay, các nhà tâm lý học lại cho rằng tâm trí là tất cả và không có gì vượt khỏi tâm trí. Điều đó có nghĩa là bạn không hơn gì một tổ hợp những ấn tượng đến từ bên ngoài; bạn không có linh hồn nào của riêng mình. Ngay cả ý nghĩ về linh hồn cũng được tạo ra từ bên ngoài.
Các nhà thần bí lại có quan điểm khác. Họ hoàn toàn đồng ý với các kết quả nghiên cứu khoa học đương đại về tâm trí, nhưng kết quả đó không đúng khi nói về tính tổng thể của con người. Bên ngoài tâm trí, có một sự tỉnh thức không phải do thế giới bên ngoài tạo ra, và đó không chỉ là một ý tưởng. Cho đến nay, các thí nghiệm đều chưa tìm thấy bất kỳ trung tâm nào trong não phản ứng với sự tỉnh thức.
Mục đích của thiền là giúp bạn nhận biết tất cả những gì thuộc về tâm trí và tách bạch bản thân với toàn bộ những thứ đó. Khi tâm trí nổi giận, bạn có thể nhận ra đó chỉ là một chiếc đĩa than được thu âm sẵn. Khi tâm trí buồn bực, bạn có thể nhớ ra rằng đó cũng chỉ là một bản ghi âm. Một tình huống nào đó đang bấm nút điều khiển từ xa và bạn cảm thấy buồn, bạn cảm thấy tức giận, bạn cảm thấy thất vọng, bạn cảm thấy lo lắng, bạn cảm thấy căng thẳng - tất cả những cảm xúc này đều đến từ bên ngoài và tâm trí của bạn đang phản ứng với chúng. Bạn là người quan sát, chứ không phải là người phản ứng. Đó không phải là phản ứng của bạn.
Do đó, toàn bộ quá trình thiền tập là học được sự tỉnh thức, tỉnh táo và ý thức. Nếu bạn cảm thấy tức giận, đừng kìm nén cảm xúc đó; hãy để nó ở đó. Bạn chỉ cần nhận thức nó. Hãy xem nó như một đối tượng nào đó bên ngoài con người bạn. Dần dần, bạn tách bạch nhân dạng của mình với tâm trí. Đó chính là lúc bạn tìm được cá tính thật sự của mình, sự hiện hữu của mình, tâm hồn của mình.
Quá trình tìm thấy sự tỉnh thức này chính là giác ngộ - bạn trở nên rạng rỡ. Bạn không còn ở trong bóng tối và không còn là con rối chịu sự điều khiển của tâm trí. Bạn là chủ, không phải là đầy tớ. Giờ đây, tâm trí không còn có thể phản ứng tự động, tự chủ như cách nó từng làm trước đó. Nó cần sự cho phép của bạn. Nếu ai đó xúc phạm bạn và bạn không muốn tức giận, vậy thì bạn không cần tức giận.
Phật Thích Ca Mâu Ni từng nói với các đồ đệ: “Nổi giận là một việc ngu ngốc đến mức thật kỳ lạ khi những con người có trí tuệ lại cứ tức giận mãi. Ai đó làm gì đó và các con nổi giận? Anh ta có thể làm sai điều gì đó, anh ta có thể nói sai điều gì đó, anh ta có thể đang tìm cách làm bẽ mặt các con, xúc phạm các con - nhưng đó là tự do của anh ta. Nếu con phản ứng thì con chính là nô lệ. Nếu con nói với người đó ‘Xúc phạm tôi là niềm vui của anh, còn không nổi giận là niềm vui của tôi’ thì con đang hành xử như một người chủ”.
Chừng nào người chủ này chưa hiện thật rõ nét trong bạn, chưa được kết tinh trong bạn, chừng đó bạn vẫn chưa có linh hồn. Bạn chỉ là một chiếc đĩa than, và khi bạn càng lớn tuổi, nội dung được ghi trong chiếc đĩa đó càng nhiều lên. Bạn trở nên hiểu biết hơn và mọi người nghĩ rằng bạn trở nên thông thái hơn - trong khi sự thật là bạn chỉ trở thành một con lừa thồ đầy sách.
Sự thông thái chỉ chứa đựng một điều - không phải biết nhiều điều mà chỉ cần biết một điều, đó là sự tỉnh thức của bạn và sự tách bạch của nó với tâm trí.
Chỉ cần thử quan sát những chuyện nho nhỏ trong cuộc sống hằng ngày và bạn sẽ ngạc nhiên. Người ta vẫn thực hiện những việc giống hệt nhau mỗi ngày. Họ vẫn quyết định làm một việc gì đó và họ tiếp tục hối tiếc vì đã không hoàn thành nó; vòng lặp đó trở thành một thói quen. Những việc bạn làm đều không mới mẻ. Đó là những việc đã và đang khiến bạn đau khổ, buồn rầu, lo lắng, tổn thương, và bạn không muốn lặp lại những chuyện đó nữa - nhưng bằng cách nào đó, bạn cứ làm đi làm lại như thể bạn rất bất lực. Và bạn sẽ mãi bất lực chừng nào chưa tách bạch sự tỉnh thức với tâm trí.
Sự tách bạch đó chính là cuộc cách mạng vĩ đại nhất có thể xảy ra với một người. Và từ khoảnh khắc đó, cuộc sống của bạn là một cuộc sống hân hoan, vì bạn không cần phải làm những việc có hại cho mình, bạn không cần phải làm những chuyện khiến bạn đau khổ. Giờ đây, bạn chỉ làm và hành động theo những gì giúp bạn vui vẻ hơn, thỏa mãn hơn, mãn nguyện hơn, khiến đời bạn trở thành một tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp.
Nhưng điều này chỉ xảy ra khi người làm chủ trong bạn tỉnh thức. Ngay lúc này, người chủ đó đang say ngủ và người đầy tớ đang lấn quyền. Không chỉ vậy, đó thậm chí còn không phải là người đầy tớ của bạn; đó là người đầy tớ được tạo ra bởi thế giới bên ngoài. Nó thuộc về thế giới bên ngoài; nó tuân theo các quy luật của thế giới bên ngoài.
Đây chính là toàn bộ tấn bi kịch của đời người: bạn đang say ngủ và thế giới bên ngoài đang kiểm soát bạn, tạo ra tâm trí của bạn theo nhu cầu của riêng nó - và đó là tâm trí của một con rối. Một khi sự tỉnh thức của bạn đã bùng cháy, nó sẽ thiêu rụi tình trạng nô lệ mà tâm trí đã tạo ra. Và không có phúc lành nào đáng quý hơn sự tự do, hơn việc được làm chủ vận mệnh của mình.
Tâm trí không phải là bạn của bạn. Tâm trí hoặc đang giả vờ làm chủ hoặc nó phải được đặt vào đúng vị trí người hầu - nhưng tâm trí không phải là bạn của bạn. Và cuộc đấu tranh vì tự do, vì hạnh phúc, vì sự thật không phải là cuộc đấu tranh với thế giới; đó là cuộc chiến với tâm trí bù nhìn này. Đó là một cuộc chiến rất đơn giản.
Kahlil Gibran có một câu chuyện rất hay. Để bảo vệ mùa màng, những nông dân trong làng đã tạo ra một hình nộm, một con bù nhìn. Nó chỉ là hai cây gậy được cột vào nhau, tạo thành hình dạng gần giống như thập giá. Sau đó, người ta mặc quần áo cho nó và có lẽ đội thêm một cái nồi đất sét ngay vị trí của cái đầu. Như vậy là đủ để chim chóc và các loài động vật khác bị dọa sợ vì tưởng rằng có người đang đứng ở đó. Bộ quần áo và hai cánh tay dang ra khiến chúng nghĩ rằng ai đó đang canh chừng. Như vậy là đủ để dọa động vật; chúng sẽ tránh xa cánh đồng.
Gibran kể: “Một lần nọ, tôi hỏi bù nhìn: ‘Tôi hiểu vì sao người nông dân tạo ra anh - họ cần anh. Tôi hiểu các con vật tội nghiệp - chúng không có đủ trí khôn để nhận ra anh là đồ giả. Nhưng khi trời mưa, trời nắng, vào mùa hè nóng bức, mùa đông lạnh giá, anh vẫn đứng đây để làm gì vậy?’.
Bù nhìn đáp: ‘Ông không hiểu được niềm vui của tôi. Chỉ cần khiến cho những con vật đó sợ hãi đã là một niềm vui đáng để tôi chịu đựng mưa, nắng, nóng, lạnh, mọi thứ. Tôi đang khiến hàng ngàn con vật sợ hãi! Tôi biết tôi là đồ giả, chẳng có gì bên trong, nhưng tôi không quan tâm chuyện đó. Niềm vui của tôi là khiến những sinh vật khác sợ hãi’”.
Tôi muốn hỏi bạn: liệu bạn có muốn giống như con bù nhìn này không - chẳng có gì bên trong, khiến ai đó sợ hãi, khiến ai đó hạnh phúc, khiến ai đó bẽ mặt, khiến ai đó kính trọng? Bạn sống cuộc đời mình chỉ vì người khác? Có bao giờ bạn nhìn vào bên trong? Có ai trong ngôi nhà đó của bạn hay không? Bạn có muốn tìm chủ nhân của ngôi nhà không?
Chủ nhà ở đó, có lẽ đang ngủ, nhưng anh ta có thể được đánh thức. Và một khi chủ nhà trong bạn được đánh thức, toàn bộ cuộc đời bạn sẽ được phủ lên những sắc màu mới, những chiếc cầu vồng mới, những bông hoa mới, âm nhạc mới, vũ điệu mới. Lần đầu tiên trong đời, bạn trở nên sống động.
Cánh cửa dẫn đến thực tại không nằm trong tâm trí mà nằm ở trái tim.
Vấn đề lớn nhất mà con người hiện đại đang phải đối mặt là tâm trí được rèn luyện quá nhiều, trong khi trái tim bị bỏ quên - không chỉ bị bỏ quên mà còn bị lên án. Người ta không cho phép cảm xúc được bộc lộ; mọi cảm xúc đều bị kìm nén. Người coi trọng cảm xúc bị cho là yếu đuối; người nương theo cảm xúc bị nhìn nhận là có tâm tính trẻ con, chưa trưởng thành. Người đề cao cảm xúc bị đánh giá là không thuộc về thời đại này - mà thuộc về thời tối cổ. Có quá nhiều lời chỉ trích dành cho cảm xúc và trái tim đến mức khiến con người tự nhiên trở nên e ngại cảm xúc. Người ta bắt đầu học cách vứt bỏ cảm xúc và dần dần trái tim bị xem nhẹ; mọi thứ đều trực tiếp đi thẳng đến cái đầu. Theo thời gian, trái tim chỉ còn là một cơ quan bơm máu, lọc máu và chỉ có vậy.
Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, trái tim bị giáng cấp thành một thứ gì đó hoàn toàn thuộc về sinh lý - trong khi nó không phải như vậy. Ẩn đằng sau chức năng sinh lý của trái tim là một trái tim thật sự, nhưng trái tim chân chính đó không thuộc cơ thể vật lý nên khoa học không tìm thấy nó. Bạn sẽ phải tìm hiểu trái tim đó từ các nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà điêu khắc. Và cuối cùng, chiếc chìa khóa bí mật nằm trong tay các nhà thần bí. Nhưng một khi bạn biết có một không gian hiện hữu bên trong bạn - nơi hoàn toàn không bị tiêm nhiễm bởi giáo dục, xã hội, văn hóa; hoàn toàn không bị ràng buộc bởi Cơ Đốc giáo, Hindu giáo, Hồi giáo; vẫn còn trinh nguyên chứ không bị ô nhiễm bởi tất cả những gì đang xảy ra với con người hiện đại - một khi bạn đã tiếp xúc với phần bản chất đó của mình, cuộc sống của bạn sẽ diễn ra trên một bình diện khác.
Đó là bình diện thần thánh. Sống trong tâm trí là bình diện con người, sống dưới tâm trí là bình diện con vật. Sống vượt lên trên tâm trí, sống trong trái tim, là bình diện thần thánh. Và khi sống với trái tim, chúng ta được kết nối với cái toàn thể. Đó chính là sự kết nối của chúng ta.
Tất cả các bài thiền định mà tôi tạo ra đều hướng tới một mục đích duy nhất, đó là kéo bạn ra khỏi tâm trí và đẩy bạn đến với trái tim của mình, bằng cách nào đó lôi bạn ra khỏi vũng lầy trong đầu để đi vào vùng tự do của trái tim, bằng cách nào đó khiến bạn nhận ra rằng bạn không chỉ có cái đầu.
Bộ não là một cỗ máy tuyệt vời; hãy sử dụng nó nhưng đừng để nó thao túng. Bộ não phải phục vụ cho cảm xúc của bạn. Một khi suy nghĩ phục vụ cho cảm xúc, mọi thứ sẽ được cân bằng. Một sự thanh tĩnh tuyệt vời và niềm hân hoan vô bờ nảy nở trong sự hiện hữu của bạn, không phải từ bên ngoài mà từ các nguồn bên trong bạn. Nó dâng trào, nó biến đổi bạn và không chỉ bạn - nó khiến bạn trở nên rạng rỡ đến mức bất kỳ ai tương tác với bạn cũng sẽ được nếm trải chút hương vị của thứ mà họ chưa từng biết đến.