Căn nguyên của quá trình tiết chế cảm xúc
Mỗi đứa trẻ được sinh ra đều cảm nhận một vũ trụ trọn vẹn chứ không biết về sự tách rời của bản thân với vũ trụ. Thông qua quá trình giáo dục từ nhỏ tới lớn, chúng ta dạy đứa trẻ cảm thấy sự tách biệt đó. Chúng ta đặt tên cho đứa trẻ, trao cho nó danh tính, dạy nó các phẩm chất, cho nó biết về tham vọng - chúng ta tạo dựng một tính cách cá nhân cho nó. Theo thời gian, tính cách đó ngày càng vững chắc hơn thông qua quá trình nuôi dưỡng, giáo dục và các bài giảng về tín ngưỡng. Và khi tính cách trở nên đậm nét hơn, đứa trẻ bắt đầu quên mất mình từng là ai khi còn trong bụng mẹ - bởi vì ở đó, đứa trẻ không phải là bác sĩ hay kỹ sư. Ở trong bụng mẹ, đứa trẻ không có tên; ở đó, nó không bị tách rời khỏi sự hiện hữu. Đứa trẻ hoàn toàn ở cùng người mẹ và ngoài người mẹ ra thì không có gì khác. Tử cung của người mẹ là toàn bộ vũ trụ của đứa trẻ.
Đứa trẻ trong bụng mẹ không bao giờ có những nỗi lo lắng như “Chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai?”. Đứa trẻ không có tiền, không có tài khoản ngân hàng, không có công việc kinh doanh. Đứa trẻ hoàn toàn thất nghiệp, không có bằng cấp. Đứa trẻ không biết khi nào là đêm, khi nào là ngày, khi nào các mùa thay đổi; nó chỉ sống với sự hồn nhiên tuyệt đối, với niềm tin sâu sắc rằng mọi sự sẽ ổn, như trước giờ vẫn vậy. Nếu hôm nay suôn sẻ thì ngày mai sẽ xuôi chèo mát mái. Đứa trẻ không “nghĩ” tất cả những chuyện này, đó chỉ là một cảm giác đến từ nội tại; không có từ ngữ bởi vì đứa trẻ không biết đến từ ngữ. Nó chỉ biết cảm xúc, tâm trạng và luôn sống trong trạng thái hân hoan, vui sướng - hoàn toàn không bị trói buộc bởi bất kỳ trách nhiệm nào.
Tại sao mỗi đứa trẻ chào đời lại mang đến cho người mẹ nhiều đau đớn đến vậy? Tại sao mọi đứa trẻ đều khóc khi ra khỏi bụng mẹ? Nếu bạn cố gắng suy xét những vấn đề nhỏ này, chúng có thể hé lộ với bạn những bí ẩn to lớn của cuộc đời. Đứa trẻ kháng cự việc ra khỏi bụng mẹ bởi vì tử cung người mẹ đã trở thành nhà của nó. Đứa trẻ không biết đến lịch biểu; chín tháng gần như là vĩnh cửu - cảm giác như không bao giờ kết thúc. Kể từ khi biết mình tồn tại, đứa trẻ đã luôn ở trong bụng mẹ. Giờ đây, bỗng nhiên ngôi nhà của nó bị lấy mất. Đứa trẻ bị ném ra ngoài, bị trục xuất, và nó kháng cự bằng tất cả sức mạnh của nó. Đứa trẻ bám chặt lấy tử cung người mẹ; đó là vấn đề. Người mẹ muốn đứa trẻ chào đời sớm hơn, bởi vì đứa trẻ càng ở lâu trong bụng, người mẹ càng phải chịu nhiều đau đớn. Nhưng đứa trẻ bám riết, và nó luôn khóc khi chào đời - mọi đứa trẻ đều như vậy, không có ngoại lệ.
Ngoại trừ một người duy nhất - Lão Tử. Người ta nói ông ấy cười khi chào đời. Điều đó có thể xảy ra; ông ấy là một người phi phàm, điên rồ ngay từ đầu. Không biết phải làm gì, không biết đây là lúc để khóc, nên ông ấy cười. Và ông ấy vẫn như vậy cả đời, chỉ làm những việc điên rồ vào những thời điểm điên rồ. Câu chuyện về cuộc đời lạ lùng của ông bắt đầu với tiếng cười. Mọi người đều bị sốc bởi chưa có đứa trẻ nào từng làm như vậy. Nhưng Lão Tử là trường hợp ngoại lệ duy nhất - có thể chỉ là huyền thoại, hoặc một ý tưởng mà sau này người ta mới nghĩ ra. Khi nhìn lại toàn bộ cuộc đời của Lão Tử, hẳn là những người viết về ông ấy đã nghĩ rằng cách ông ấy chào đời không thể giống với mọi người; nó phải có một chút điên rồ. Ông ấy đã sống một cuộc đời điên rồ và chắc chắn khởi đầu của cuộc đời đó cũng phải điên rồ như vậy. Có lẽ đó chỉ là truyền thuyết. Nhưng ngay cả trên phương diện lịch sử, nếu ông ấy thật sự cười khi chào đời thì đó là một ngoại lệ, không phải một quy luật.
Tại sao mọi đứa trẻ đều khóc khi được sinh ra? Bởi vì nhà của nó đang bị lấy mất, thế giới của nó đang bị phá hủy - đứa trẻ đột nhiên thấy mình ở trong một thế giới xa lạ giữa những con người xa lạ. Và đứa trẻ tiếp tục khóc vì mỗi ngày trôi qua, tự do của nó càng ngày càng ít đi, trong khi trách nhiệm thì ngày càng nặng nề hơn. Cuối cùng, đứa trẻ phát hiện nó không còn tự do nữa mà chỉ có những nghĩa vụ phải hoàn thành, trách nhiệm phải gánh vác; đứa trẻ trở thành sinh vật với gánh nặng to đùng trên lưng. Nó nhìn thấy tất cả chuyện này với đôi mắt ngây thơ tinh tường, nên bạn không thể lên án nó nếu nó khóc.
Các nhà tâm lý học nói rằng hành trình tìm kiếm sự thật, tìm kiếm Thượng đế, tìm kiếm thiên đường, đều được dựa trên trải nghiệm của đứa trẻ trong bụng mẹ. Đứa trẻ không thể quên được quãng thời gian đó. Ngay cả khi tâm trí tỉnh táo của đứa trẻ đã quên mất thì trải nghiệm đó vẫn tiếp tục vang vọng trong vô thức của nó. Đứa trẻ vẫn đang tìm lại ngày tươi tháng đẹp này, những ngày hoàn toàn thoải mái mà không có bất kỳ trách nhiệm nào, những ngày nó có trong tay mọi sự tự do trên đời.
Có những người đã tìm thấy điều đó. Tôi gọi nó là “sự giác ngộ”. Bạn có thể gọi nó bằng bất cứ từ nào khác, nhưng ý nghĩa cơ bản vẫn như nhau. Người ta phát hiện ra rằng cả vũ trụ giống như tử cung của người mẹ đối với đứa trẻ. Bạn có thể tin tưởng, bạn có thể thư giãn, bạn có thể tận hưởng, bạn có thể ca hát, bạn có thể nhảy múa. Bạn có một cuộc sống bất tử và có tâm thức vũ trụ.
Nhưng mọi người ngại thư giãn. Mọi người không dám tin tưởng. Mọi người sợ nước mắt. Mọi người dè chừng bất cứ điều gì khác thường, vượt quá đời sống trần tục. Họ phản kháng, và trong quá trình phản kháng, họ cũng tự đào mồ chôn mình và không bao giờ có lại những khoảnh khắc sống động rực rỡ, những trải nghiệm mang lại cảm giác ngất ngây - những thứ vốn dĩ là quyền lợi cơ bản của họ và họ chỉ cần lấy lại chúng.
Một người đàn ông sống ở Los Angeles đi gặp một bác sĩ tâm thần học. Anh ta tự giới thiệu bản thân là Napoleon Bonaparte, mặc dù tên trong hồ sơ của anh ta là Hymie Goldberg.
“Anh gặp vấn đề gì?”, bác sĩ hỏi.
“À, thật ra mọi thứ đều tuyệt vời. Quân đội của ta hùng mạnh, cung điện của ta nguy nga tráng lệ và đất nước của ta phồn thịnh. Vấn đề duy nhất là Josephine, phu nhân của ta.”
“À, vậy vấn đề của bà ấy là gì?”, bác sĩ lại hỏi.
Người đàn ông giơ hai tay lên tỏ vẻ tuyệt vọng và đáp: “Cô ấy nghĩ mình là vợ của Goldberg”.
Trong trạng thái căng thẳng, lo lắng và phải đương đầu khó khăn, con người đánh mất bản thân và trở thành một người khác. Trong thâm tâm, người đàn ông kia biết mình không phải là nhân vật mà anh ta đang sắm vai; anh ta là một con người khác. Điều này tạo ra sự phân cực rất lớn trong tâm lý của anh ta. Anh ta không thể nhập vai hoàn toàn vì anh ta biết đó không phải là bản thể đích thực của mình - và anh ta cũng không thể tìm thấy bản thể đích thực của mình. Anh ta phải chấp nhận vai diễn đó vì nó mang lại cho anh ta sinh kế, vợ con, quyền lực, sự kính trọng, mọi thứ. Anh ta không thể mạo hiểm đánh mất tất cả những điều đó, vì vậy anh ta tiếp tục đóng vai Napoleon Bonaparte. Dần dần, anh ta bắt đầu tin vai diễn đó thật sự là mình. Anh ta phải tin, vì nếu không tin thì rất khó nhập vai. Diễn viên xuất sắc nhất là người quên đi cá tính của mình và hòa làm một với vai diễn; khi đó, tiếng khóc của anh ta trở nên chân thật, tình yêu của anh ta trở nên chân thật, và rồi mọi điều anh ta nói không chỉ là lời thoại mà xuất phát từ chính trái tim của anh ta - mọi thứ trông gần như thật. Khi sắm một vai diễn nào đó, bạn phải hoàn toàn nhập tâm vào nó. Bạn phải trở thành vai diễn của mình.
Mọi người đều đang đóng một vai nào đó, hoàn toàn biết rõ đây không phải là con người mà mình được sinh ra để trở thành. Điều này tạo ra sự rạn nứt, nỗi âu lo, và âu lo đó hủy hoại mọi khả năng thư giãn, tin tưởng, yêu thương và giao cảm với người khác - một người bạn, một người mà ta yêu thương. Bạn bị cô lập. Bạn tự đày ải bản thân bằng chính hành động của mình, và rồi bạn đau khổ.
Có quá nhiều nỗi đau không phải tự nhiên mà xuất hiện trong thế giới này; nó là một trạng thái rất phi tự nhiên. Người ta có thể thỉnh thoảng chấp nhận rằng có ai đó đau khổ, nhưng hạnh phúc phải là thứ diễn ra tự nhiên và có tính phổ quát.
Tại sao việc thể hiện cảm xúc thật và làm chính mình lại khó khăn và đáng sợ đến vậy?
Thật khó để thể hiện cảm xúc và làm chính mình, bởi vì suốt hàng ngàn năm qua, bạn đã được yêu cầu phải kìm nén cảm xúc. Điều này đã trở thành một phần trong tiềm thức chung của nhân loại. Suốt hàng ngàn năm qua, bạn đã được dạy rằng đừng làm chính mình. Hãy sống như Jesus, như Phật, như Krishna, nhưng đừng sống như chính mình. Hãy trở thành người khác. Từ bao đời, con người liên tục được dạy như vậy, dai dẳng đến mức bài học đó đã ăn sâu vào máu của bạn, vào xương của bạn, vào tủy của bạn.
Sự tự chối bỏ bản thân đã trở thành một phần của bạn. Tất cả các mục sư và thầy tu đều phê bình bạn. Họ vẫn luôn nói với bạn rằng bạn là kẻ có tội, bạn được sinh ra trong tội lỗi. Hy vọng duy nhất của bạn là Jesus có thể cứu bạn, hoặc Krishna có thể cứu bạn, nhưng bản thân bạn lại không có hy vọng tự cứu mình - bạn không thể tự cứu mình, ai đó sẽ cứu bạn. Bạn chỉ có thể cam chịu; bạn chỉ biết cầu xin Jesus, Krishna cứu giúp bạn. Trong suy nghĩ của mình, bạn thật vô giá trị; bạn chỉ là một hạt bụi, không hơn. Bạn không có giá trị, bạn bị hạ xuống thành những thứ xấu xí, những sinh vật đáng ghê tởm. Chính vì vậy nên con người mới thấy việc thể hiện cảm xúc thật là rất khó khăn và đáng sợ. Bạn được dạy để trở thành một kẻ đạo đức giả.
Thói đạo đức giả có mang lại lợi ích, và bất cứ thứ gì khiến người ta được hưởng lợi đều có vẻ có giá trị. Họ nói sự trung thực là thượng sách - nhưng hãy nhớ rằng người ta gọi đó là “thượng sách”, tức là sách lược tốt nhất. Ngay cả sự trung thực cũng chỉ là một sách lược, bởi vì nó mang lại lợi ích. Còn nếu sự trung thực không có lợi thì sao? Vậy thì sự không trung thực là thượng sách. Toàn bộ vấn đề phụ thuộc vào những gì hiệu quả, những thứ mang lại lợi ích, những gì khiến bạn giàu hơn hoặc được tôn trọng hơn, những thứ khiến bạn thoải mái hơn, an toàn hơn, những gì giúp bạn nuôi dưỡng bản ngã - đó là thượng sách. Nó có thể là sự trung thực, có thể là sự dối trá; bất kể sách lược đó là gì, hãy sử dụng nó như một phương tiện - nó không phải là mục tiêu.
Tôn giáo cũng trở thành một sách lược hiệu quả. Nó là một loại bảo hiểm cho phần đời ở thế giới bên kia. Bạn đang chuẩn bị cho thế giới bên kia bằng cách sống có đạo đức, đi lễ nhà thờ, quyên góp cho người nghèo. Bạn đang mở một tài khoản ngân hàng trên thiên đường, để khi đến đó, bạn sẽ được chào đón nồng nhiệt, các thiên thần sẽ hát vang “Hallelujah!” và nhảy múa, chơi hạc cầm. Tài khoản ngân hàng trên thiên đường của bạn lớn mức nào phụ thuộc vào số lượng việc thiện mà bạn đã làm. Tôn giáo cũng trở thành một thương vụ, và thực tại của bạn bị kìm nén.
Những người bị kìm nén đã và đang nhận được rất nhiều sự tôn trọng. Bạn gọi họ là thánh nhân; thật ra họ là những kẻ tâm thần phân liệt. Họ cần được chữa trị. Họ cần đến phương pháp trị liệu, và bạn tôn thờ họ! Chỉ cần một trong số một trăm thánh nhân trở thành một vị thánh thật sự thì đó sẽ là phép màu. Chín mươi chín vị còn lại chỉ là trò bịp bợm, là những kẻ ngụy tạo, những người lừa dối. Và tôi không nói rằng họ đang cố lừa dối bạn; họ cũng đang tự lừa dối bản thân. Họ là những kẻ bị đè nén.
Tôi biết nhiều mahatma1 ở Ấn Độ, những người được công chúng kính trọng. Tôi cũng rất thân với những người này và họ đã mở lòng với tôi trong những giây phút riêng tư. Họ xấu xí hơn những gì bạn có thể thấy ở người bình thường.
1 “Mahatma” trong tiếng Phạn có nghĩa là “tâm hồn vĩ đại”, được dùng để chỉ các vị thánh, những người được công chúng tôn kính.
Tôi từng đến thăm các tù nhân để dạy họ cách thiền, và ngay từ đầu, tôi đã ngạc nhiên khi thấy những tù nhân này - kể cả những người bị kết án chung thân - đều vô tội hơn nhiều so với các thánh nhân mà bạn tôn thờ, tốt đẹp hơn nhiều so với các thánh nhân mà bạn tôn thờ, đơn giản hơn nhiều, trong sáng hơn nhiều. Những vị thánh của bạn thật tinh ranh, khôn khéo. Những vị thánh của bạn chỉ có một phẩm chất, và đó là khả năng kìm nén bản thân. Họ không ngừng kìm nén, và một cách hiển nhiên, họ rơi vào trạng thái phân cực. Khi đó, họ có hai cuộc đời: một cuộc đời ở cửa trước và một cuộc đời ở cửa sau; một cuộc đời mà trong đó họ sống như vật trưng bày, và một cuộc đời khác - cuộc đời thật - mà họ không cho ai nhìn thấy. Thậm chí bản thân họ cũng sợ nhìn thấy cuộc đời đó.
Và chuyện này cũng diễn ra với bạn, tất nhiên là ở quy mô nhỏ hơn vì bạn không phải là thánh nhân. Bệnh của bạn vẫn chưa đến mức không thể chữa được; nó có thể được chữa khỏi. Nó chưa đến mức cấp tính, nó chưa đến mức mãn tính. Bệnh của bạn chỉ giống như cơn cảm lạnh thông thường; nó có thể biến mất một cách dễ dàng.
Nhưng mọi người đều bị ảnh hưởng bởi những người được gọi là thánh nhân này, những người thật sự mất trí. Họ đã kìm nén tình dục, kìm nén lòng tham, kìm nén cơn giận và họ đang sôi sục bên trong. Cuộc sống nội tâm của họ giống như ác mộng. Ở đó không có sự bình yên, không có sự tĩnh lặng. Tất cả những nụ cười của họ đều do tô vẽ mà có.
Kinh sách Ấn Độ giáo có đầy những câu chuyện kể rằng bất cứ khi nào một thánh nhân gần đạt đến mức giác ngộ, các vị thần đều cử những phụ nữ xinh đẹp đến quấy rầy ông ta. Tôi vẫn chưa tìm ra lý do các vị thần lại quan tâm đến việc làm phiền ông bạn tội nghiệp này. Ông ấy là một trong những người sống khổ hạnh, nhịn ăn trong nhiều năm, kìm nén bản thân, thực hiện tư thế đứng bằng đầu, tự hành hạ bản thân… Ông ấy không làm hại ai ngoại trừ bản thân. Tại sao các vị thần cứ muốn quấy nhiễu ông ấy? Họ nên giúp đỡ ông ấy! Nhưng họ lại cử những phụ nữ xinh đẹp, khỏa thân đến nhảy múa và buông những cử chỉ lả lơi, khiêu gợi trước mắt người đàn ông tội nghiệp này. Như một lẽ hiển nhiên, ông ta trở thành nạn nhân, ông ta bị quyến rũ và đánh mất phong thái của mình - như thể các vị thần luôn chống lại bất cứ ai đang tiến gần đến giác ngộ. Điều này có vẻ rất vô lý! Họ nên giúp đỡ, nhưng thay vì giúp, họ hủy hoại.
Nhưng những câu chuyện này không nên được hiểu theo nghĩa đen; chúng là biểu tượng, là ẩn dụ và rất có ý nghĩa. Nếu tình cờ nghe được những câu chuyện này, hẳn Sigmund Freud sẽ rất thích thú. Chúng sẽ là kho báu đối với ông ấy, chúng sẽ ủng hộ cho học thuyết phân tâm học của ông ấy hơn bất kỳ thứ gì khác.
Các vị thần không hề cử ai đến; những con người bị kìm nén này đang phóng chiếu. Sự quấy nhiễu đó là những khao khát của họ, những khao khát bị kìm nén - bị kìm nén quá lâu nên giờ đây chúng trở nên mạnh mẽ đến mức ngay cả khi mở mắt thì những người này cũng đang mơ.
Tại Ấn Độ, nếu một phụ nữ đã ngồi tại một nơi nào đó, các thánh nhân được dạy không được ngồi xuống chỗ đó trong một khoảng thời gian nhất định sau khi người phụ nữ rời đi, bởi vì không gian ấy vẫn còn dư âm của sự nguy hiểm. Bạn có thấy sự ngu ngốc trong toàn bộ việc này không? Và những thánh nhân này lại là những người thầy của nhân loại. Họ là những người khiến bạn e ngại cảm xúc của chính mình - bởi vì bạn không thể chấp nhận những cảm xúc đó. Bạn chối bỏ chúng, cho nên bạn mới sợ hãi chúng.
Hãy chấp nhận cảm xúc của bản thân. Không có gì sai với cảm xúc của bạn, và không có gì sai với bạn! Việc cần làm không phải là kìm nén hay hủy diệt, mà là bạn phải học cách hòa hợp các nguồn năng lượng của mình. Bạn phải trở thành một nghệ sĩ chơi trong dàn nhạc giao hưởng. Đúng vậy, nếu không biết chơi nhạc cụ, bạn sẽ tạo ra tiếng ồn, bạn sẽ khiến hàng xóm phát điên. Nhưng nếu biết cách chơi, bạn có thể tạo ra âm nhạc tuyệt đẹp, bạn có thể tạo ra âm nhạc thần thánh. Bạn có thể mang thứ gì đó từ thiên đường đến với trái đất.
Cuộc sống cũng là một nhạc cụ tuyệt vời. Bạn phải học cách sử dụng nó. Không có thứ gì phải bị loại bỏ, phá hủy, kìm nén, phủ nhận. Tất cả những gì mà sự hiện hữu đã trao cho bạn đều xinh đẹp. Nếu bạn không thể phát huy sự đẹp đẽ đó, điều đó chỉ khẳng định rằng bạn chưa đủ khéo léo. Tất cả chúng ta đều sống như thể cuộc sống là thứ mà ta hiển nhiên được nhận, và đó là một suy nghĩ sai lầm. Chúng ta chỉ được trao cho một cơ hội ban sơ. Chúng ta chỉ nhận được một tiềm năng để sống; chúng ta phải học cách phát huy tiềm năng đó.
Tất cả các nguồn lực khả dụng đều phải được sử dụng để bạn có thể học cách biến cơn giận thành lòng trắc ẩn, sử dụng tình dục sao cho nó trở thành tình yêu, biến lòng tham thành sự chia sẻ. Mọi năng lượng mà bạn có đều có thể được xoay chuyển thành cực đối lập của chính nó, bởi vì nó luôn chứa đựng cực đối lập.
Cơ thể của bạn chứa linh hồn, vật chất chứa tâm trí. Thế giới chứa thiên đường, bụi đất chứa sự thiêng liêng. Bạn phải khám phá những điều đó, và bước đầu tiên trên hành trình khám phá là chấp nhận bản thân, vui mừng vì được làm chính mình. Bạn không phải trở thành một Jesus. Bạn không phải làm một Đức Phật hay bất kỳ ai khác. Bạn chỉ phải trở thành chính mình. Sự hiện hữu không muốn những bản sao “sao y bản chính”; sự hiện hữu yêu sự độc nhất vô nhị của bạn. Và bạn có thể dâng mình cho cuộc sống như một sự tồn tại duy nhất. Bạn có thể được chấp nhận như một tặng phẩm nhưng chỉ khi bạn là duy nhất. Bắt chước Jesus, Krishna, Phật, Mohammed… đều không giúp gì cho bạn. Những kẻ bắt chước chắc chắn sẽ bị loại bỏ.
Hãy là chính bạn, là con người chân thực của bạn. Hãy tôn trọng bản thân. Yêu thương bản thân. Sau đó, hãy bắt đầu quan sát tất cả các loại năng lượng bên trong bạn - bạn là một vũ trụ bao la! Và dần dần, khi trở nên có ý thức hơn, bạn sẽ có thể đặt mọi thứ vào đúng chỗ của nó. Bạn đang cực kỳ rối rắm, đúng là như vậy, nhưng không có gì sai với bạn. Bạn không phải là tội đồ; chỉ cần điều chỉnh đôi chút, bạn sẽ trở thành một hiện tượng đẹp.
Ngài có thể nói thêm về sự kìm nén và cách thoát khỏi nó không? Chính xác thì sự kìm nén là gì, và nếu không kìm nén sẽ tốt hơn nhiều, tại sao chúng ta cứ mãi kìm nén?
Kìm nén là sống một cuộc đời mà bạn không sinh ra để sống. Kìm nén là làm những việc mà bạn không bao giờ muốn làm. Kìm nén là trở thành người không phải là bạn; kìm nén là cách hủy hoại chính mình. Kìm nén là tự sát - tất nhiên đó là cách đầu độc rất chậm, nhưng chắc chắn sẽ chết người. Bộc lộ là sống, kìm nén là tự sát.
Khi bạn sống một cuộc đời kìm nén, đó không hề là sống. Cuộc sống là bộc lộ, là sáng tạo, là niềm vui. Khi bạn sống theo cách mà sự hiện hữu muốn bạn sống, đó chính là sống thuận tự nhiên.
Đừng sợ các thầy tu. Hãy lắng nghe bản năng, lắng nghe cơ thể, lắng nghe trái tim, lắng nghe trí thông minh của bạn. Hãy dựa vào chính mình, đi đến bất cứ nơi nào mà tinh thần phóng khoáng trong bạn muốn đến và bạn sẽ không bao giờ lạc lối. Và hãy tự do di chuyển với cuộc sống tự nhiên của bạn, một ngày nào đó bạn chắc chắn sẽ đặt chân trước ngưỡng cửa thiêng liêng.
Bản chất của bạn là sự thần thánh bên trong bạn. Tiếng gọi của bản chất đó là sự thôi thúc của cuộc sống bên trong bạn. Đừng nghe những kẻ đầu độc; hãy nghe tiếng gọi của bản chất. Quả thật bản chất này là chưa đủ - còn có một bản chất cao hơn - nhưng bạn cần cái thấp hơn để đến được với cái cao hơn. Hoa sen mọc lên từ bùn đất. Linh hồn phát triển thông qua cơ thể, sự siêu việt phát triển thông qua tình dục.
Hãy nhớ, ý thức được nuôi dưỡng thông qua thực phẩm. Ở phương Đông, người ta nói “Annam brahm”, thức ăn là Thượng đế. Loại khẳng định gì lại cho rằng thức ăn là Thượng đế? Cái thấp nhất được liên kết với cái cao nhất, nơi cạn nhất kết nối với nơi sâu nhất.
Các thầy tu đã dạy bạn phải trấn áp thứ thấp hơn. Và họ rất logic, chỉ là họ đã quên mất một điều: cuộc sống là phi logic. Họ lập luận rất logic và điều đó hấp dẫn bạn. Đó là lý do bạn đã lắng nghe và làm theo lời họ suốt hàng bao đời nay. Nó phù hợp với lập luận của bạn rằng nếu muốn đạt được cái cao hơn, bạn không nên lắng nghe cái thấp hơn. Nó có vẻ rất logic. Nếu bạn muốn lên cao thì đừng xuống thấp - thật hợp lý. Vấn đề duy nhất là cuộc sống không dựa trên lý trí.
Mới hôm nọ, một nhà trị liệu đã nói chuyện với tôi. Trong hội thảo của anh ta, đôi khi anh gặp phải những khoảnh khắc mà cả nhóm đều im lặng - một cách đột ngột, không rõ lý do. Và những khoảnh khắc im lặng hiếm hoi đó đẹp vô cùng. Anh ta nói: “Những khoảnh khắc đó thật bí ẩn. Chúng tôi không sắp xếp chúng, chúng tôi không nghĩ về chúng, chúng chỉ đơn giản là thỉnh thoảng xuất hiện. Nhưng khi chúng đến, cả nhóm bỗng cảm nhận được sự hiện diện của thứ gì đó cao hơn, thứ gì đó to lớn hơn hết thảy mọi người, thứ gì đó thần bí. Ai cũng im lặng trong những khoảnh khắc đó”. Và tâm trí logic của anh ta nói: “Có lẽ sẽ thật tuyệt nếu tôi tổ chức cả buổi hội thảo trong im lặng”. Hẳn anh ta đã bắt đầu nghĩ: “Nếu những khoảnh khắc hiếm hoi và ngắn ngủi ấy đẹp đến như vậy, tại sao ta không thực hiện toàn bộ việc này trong im lặng?”.
Tôi nói với anh ta: “Chính là như vậy - anh đang lập luận theo logic, còn cuộc sống thì phi logic. Nếu anh giữ im lặng trong toàn bộ quá trình, những khoảnh khắc đó sẽ không bao giờ đến nữa”.
Có một sự phân cực trong cuộc sống. Bạn làm việc chăm chỉ cả ngày, bạn bổ củi, rồi khi đêm xuống, bạn chìm vào giấc ngủ sâu nhất. Giờ thì bạn có thể suy nghĩ một cách logic; bạn có thể tính toán mọi thứ. Sáng hôm sau, bạn có thể nghĩ: “Mình đã làm việc cả ngày và rất mệt, thế mà mình vẫn ngủ một giấc sâu như vậy. Nếu mình nghỉ ngơi cả ngày dài thì mình sẽ càng ngủ sâu hơn nữa”. Ngày hôm sau, bạn chỉ ngả người trên chiếc ghế êm ái của mình, bạn thực hiện quá trình nghỉ ngơi. Bạn có nghĩ mình sẽ có một giấc ngủ ngon hay không? Bạn sẽ đánh mất luôn cả giấc ngủ bình thường! Đó là cách những người không làm việc vào ban ngày bị mắc chứng mất ngủ vào ban đêm.
Cuộc sống không logic, tự nhiên không logic. Tự nhiên ban tặng giấc ngủ cho người ăn xin, những người đã làm việc cả ngày, đi từ nơi này đến nơi khác giữa mùa hè nóng bức để xin ăn. Tự nhiên ban tặng giấc ngủ ngon cho người lao động, thợ đẽo đá, lão tiều phu. Họ làm việc chăm chỉ cả ngày và trở nên mệt nhoài. Nhờ sự mệt nhoài đó, họ chìm vào giấc ngủ sâu.
Đây chính là sự phân cực. Bạn càng cạn kiệt năng lượng thì nhu cầu ngủ của bạn càng cao, bởi vì bạn chỉ có thể nhận thêm năng lượng từ giấc ngủ sâu. Khi vắt kiệt năng lượng của mình, bạn tạo ra một tình huống mà trong đó bạn có thể ngủ thật sâu. Nếu hoàn toàn không làm việc thì bạn không có nhu cầu ngủ. Bạn còn chưa sử dụng hết năng lượng được trao cho, vậy đâu có lý do gì để ban tặng thêm năng lượng cho bạn? Năng lượng được trao cho những người sử dụng nó.
Bây giờ, nhà trị liệu đang suy nghĩ theo logic. Anh ta nghĩ: “Nếu chúng ta thực hiện toàn bộ việc này trong im lặng…”. Nhưng khi làm vậy thì ngay cả những khoảnh khắc im lặng ít ỏi cũng sẽ bị bỏ lỡ và cả nhóm sẽ bắt đầu nói chuyện phiếm bên trong. Tất nhiên, bên ngoài họ vẫn giữ im lặng, nhưng bên trong tâm trí của họ thì đang phát cuồng. Ngay bây giờ, họ đang làm việc chăm chỉ, họ đang thể hiện cảm xúc, gột rửa, bàn về mọi thứ, vứt bỏ mọi thứ - họ trở nên kiệt sức. Sau đó là đến một vài khoảnh khắc họ kiệt sức tới mức không còn gì để vứt bỏ. Chính trong khoảnh khắc đó, có một sự tương tác xuất hiện; sự im lặng bao trùm.
Ra khỏi trạng thái làm việc là trạng thái nghỉ ngơi. Ngoài những khoảnh khắc bộc lộ là sự im lặng. Đây là cách vận hành của cuộc sống. Nó vô cùng phi lý. Nếu thật sự muốn an toàn, bạn phải sống một cuộc đời bất an. Nếu thật sự muốn sống, bạn phải sẵn sàng chết bất cứ lúc nào. Đây là sự phi logic của cuộc sống! Nếu muốn thật sự sống, bạn phải chấp nhận rủi ro. Kìm nén là cách né tránh rủi ro.
Chẳng hạn, bạn được dạy là không bao giờ tức giận và bạn nghĩ một người không tức giận chắc chắn sẽ đầy tình yêu thương. Bạn sai rồi. Một người không bao giờ tức giận cũng sẽ không thể nào yêu thương. Chúng song hành với nhau; chúng được “đóng gói” cùng nhau. Người thật sự yêu thương sẽ có lúc thật sự giận dữ. Nhưng cơn giận của họ rất đẹp - nó là cơn giận bắt nguồn từ tình yêu! Năng lượng của nó nóng và bạn sẽ không cảm thấy tổn thương bởi cơn giận đó. Thật ra, bạn sẽ cảm thấy biết ơn vì người đó nổi giận. Bạn có từng quan sát chuyện đó chưa? Nếu bạn yêu một người và bạn làm việc khiến người đó thật sự tức giận, tức giận một cách rõ ràng, bạn sẽ cảm thấy biết ơn vì người đó yêu bạn nhiều đến mức có thể nổi giận. Nếu không thì tại sao? Khi không muốn trao cho đối phương năng lượng giận dữ của bạn, bạn giữ lịch sự. Khi không muốn cho đi bất cứ thứ gì, không muốn chấp nhận rủi ro, bạn cứ mỉm cười. Dù cho chuyện gì xảy ra thì cũng vậy.
Nếu con của bạn sắp nhảy xuống vực, bạn có duy trì trạng thái bình tĩnh không? Bạn sẽ không hét lên chứ? Năng lượng của bạn sẽ không sôi sục? Bạn có cười nổi không? Chuyện đó là không thể!
Có một câu chuyện như sau:
Một ngày nọ, có hai người phụ nữ kéo đến cung điện của Vua Solomon để tranh nhau một đứa trẻ. Cả hai đều nói rằng đứa trẻ là con của mình. Đó là một vấn đề nan giải. Làm cách nào để phân định ai nói thật và ai nói dối? Đứa trẻ còn quá nhỏ nên không thể nói được.
Lúc bấy giờ, Vua Solomon quan sát và phán: “Ta sẽ làm thế này - ta sẽ cắt đứa trẻ ra làm đôi. Đó là cách duy nhất. Ta phải công bằng. Không có bằng chứng nào chứng minh đứa trẻ là con của người A hay người B. Vì vậy, với tư cách là vua, ta quyết định cắt đứa bé ra làm hai và chia cho mỗi người một nửa”.
Người phụ nữ đang ôm đứa bé tiếp tục mỉm cười, cô ta thấy vui. Nhưng người phụ nữ còn lại thì phát điên, như thể bà ấy sắp giết vua tới nơi! Người phụ nữ này nói: “Bệ hạ nói gì vậy? Người có bị điên không?”. Cô ấy nổi cơn thịnh nộ. Cô ấy không còn là một người phụ nữ bình thường, cô ấy là hiện thân của cơn giận, cô ấy đang bốc hỏa! Và cuối cùng, cô ấy nói: “Nếu đây là công lý, tôi sẽ từ bỏ yêu cầu của mình. Hãy để đứa bé ở lại với người đàn bà kia. Đứa trẻ thuộc về cô ta, nó không phải là con tôi!”. Cô ấy giận dữ nhưng khuôn mặt lại đầm đìa nước mắt. Và nhà vua nói: “Đứa trẻ là con của ngươi. Hãy nhận lấy nó. Người phụ nữ kia nói dối, cô ta không phải mẹ của đứa trẻ”.
Khi yêu, bạn có thể tức giận. Khi yêu, bạn có khả năng nổi giận. Nếu yêu thương bản thân - và đó là điều bắt buộc trong cuộc sống, nếu không, bạn sẽ bỏ lỡ cuộc sống - bạn sẽ không bao giờ đè nén, bạn sẽ thể hiện bất cứ điều gì cuộc sống trao tặng. Bạn sẽ thể hiện tất cả những gì thuộc về cuộc sống: niềm vui, nỗi buồn, lúc thăng, lúc trầm, ánh sáng, đêm tối.
Nhưng bạn đã được nuôi dạy để trở nên giả tạo, bạn đã được nuôi dạy để trở thành một kẻ đạo đức giả. Khi cảm thấy tức giận, bạn tiếp tục nở một nụ cười giả tạo. Khi nổi cơn thịnh nộ, bạn kìm nén nó. Bạn chưa bao giờ sống thật với những gì bên trong mình.
Những chuyện như vậy đã xảy ra…
Joe và cô con gái nhỏ của anh, Midge, cùng đi đến công viên giải trí. Trên đường đi, họ dừng lại để ăn một bữa no nê. Tại công viên, họ đi ngang quầy bán bánh mì kẹp xúc xích và Midge nói: “Cha ơi, con muốn…”. Joe ngắt lời và mua cho cô bé một túi bắp rang.
Khi họ đi ngang quầy bán kem, Midge bé nhỏ lại nói thật to: “Cha ơi, con muốn…”. Joe lại ngắt lời cô bé và lần này, anh nói: “Con muốn, con muốn! Cha biết con muốn gì - muốn ăn kem đúng không?”.
“Không, cha ơi”, cô bé đáp với giọng nài nỉ. “Con muốn ói.”
Đó là điều đứa trẻ muốn ngay từ đầu. Nhưng ai thèm nghe?
Kìm nén là không lắng nghe bản chất của bạn. Kìm nén là một thủ thuật để hủy hoại chính mình.
Mười hai tên đầu trọc khoác áo Levi’s và phục sức bảnh tỏn bước vào quán rượu. Họ đi thẳng tới quầy rượu và nói với nhân viên pha chế: “Làm ơn cho mười ba ly bia”.
“Nhưng các anh chỉ có mười hai người.”
“Nghe này, chúng tôi muốn mười ba ly.”
Thế là nhân viên phục vụ mang bia ra và tất cả đều ngồi xuống. Có một ông già nhỏ con ngồi ở góc quán, thủ lĩnh của nhóm đầu trọc đi tới đó và nói với ông già: “Này bố già, ly bia này cho ông”.
Ông già nói: “Cảm ơn. Cảm ơn, con trai. Cậu thật hào phóng”.
“Không có gì, chúng tôi không ngại giúp đỡ người tàn tật.” “Nhưng tôi không tàn tật.”
“Ông sẽ tàn tật nếu không đãi chúng tôi chầu bia kế tiếp.”
Đó chính là sự kìm hãm, một thủ thuật để khiến bạn trở thành tàn tật. Đó là thứ thủ thuật hủy hoại bạn, làm bạn suy yếu. Đó là thủ thuật khiến bạn chống lại chính mình. Đó là cách tạo ra xung đột bên trong bạn, và hiển nhiên là bất cứ khi nào con người xung đột với chính mình, anh ta trở nên vô cùng yếu ớt.
Xã hội đã chơi một trò chơi vĩ đại - nó khiến mọi người tự chống lại bản thân, cho nên bạn không ngừng chiến đấu bên trong chính mình. Bạn không còn năng lượng để làm bất kỳ việc nào khác. Bạn không quan sát thấy chuyện đó đang diễn ra bên trong bạn hay sao? Bạn không lúc nào ngừng chiến đấu. Xã hội đã phân chia bạn thành nhiều thái cực, nó khiến bạn bị tâm thần phân liệt và nó khiến bạn bối rối. Bạn trở thành một khúc gỗ mục. Bạn không biết mình là ai, bạn không biết mình đang đi đâu, bạn không biết mình đang làm gì ở đây. Bạn không biết tại sao mình lại ở đây. Điều đó thật sự khiến bạn bối rối. Và sự bối rối này sinh ra những nhà lãnh đạo “vĩ đại” - Adolf Hitler, Mao Trạch Đông, Joseph Stalin. Sự bối rối này sinh ra Giáo hoàng và ngàn lẻ một chuyện khác. Nhưng bạn thì bị tiêu diệt.
Hãy bộc lộ. Nhưng hãy nhớ, bộc lộ không có nghĩa là vô trách nhiệm. Hãy bộc lộ một cách thông minh và như vậy sẽ không có ai bị tổn hại vì bạn. Một người không tổn hại bản thân sẽ không bao giờ làm thương tổn người khác. Và một người tự làm hại mình sẽ nguy hiểm theo một cách nào đó. Nếu không thể yêu thương bản thân, bạn trở thành một hiểm họa; bạn có thể làm hại bất kỳ ai. Trên thực tế, bạn sẽ gây hại.
Khi buồn bã, khi chán nản, bạn sẽ tạo ra những con người buồn chán xung quanh mình. Khi hạnh phúc, bạn sẽ muốn tạo ra một xã hội hạnh phúc, bởi vì hạnh phúc chỉ tồn tại trong một thế giới hạnh phúc. Nếu sống vui vẻ, bạn sẽ muốn mọi người đều vui vẻ; đó là sự mộ đạo đích thực. Từ niềm vui riêng của bạn, bạn ban phước cho toàn bộ sự hiện hữu.
Nhưng sự kìm nén khiến bạn trở nên giả tạo. Sự kìm nén không tiêu diệt cơn giận, ham muốn tình dục, lòng tham - hoàn toàn không. Chúng vẫn ở đó, chỉ có nhãn mác của chúng bị thay đổi. Chúng đi vào trong vô thức và bắt đầu hoạt động từ đó. Chúng ngấm ngầm hoạt động. Và tất nhiên, khi hoạt động ngầm, chúng trở nên mạnh mẽ hơn. Toàn bộ quá trình phát triển phân tâm học là quá trình tìm cách đưa những gì ẩn bên dưới lên bề mặt. Một khi ý thức được chúng, bạn có thể thoát khỏi chúng.
Georges Du Pont là một người Pháp đang sống tại Anh, và một người bạn hỏi thăm về cuộc sống của anh ta. Anh ta nói rằng mọi chuyện đều ổn, ngoại trừ một việc. “Khi tôi đến dự tiệc, gia chủ không chỉ cho tôi nhà vệ sinh ở đâu.”
“À, Georges này, đó chỉ là phép lịch sự của người Anh chúng tôi. Trên thực tế, chủ nhà sẽ hỏi: ‘Anh có muốn rửa tay không?’, và câu đó nghĩa là anh có muốn dùng nhà vệ sinh không.”
Người đàn ông Pháp ghi nhớ điều này, và khi anh ta dự bữa tiệc kế tiếp, hiển nhiên chủ nhà cũng hỏi: “Chào buổi tối, ông Du Pont, ông có muốn rửa tay không?”.
“Không, cảm ơn bà”, Georges đáp. “Tôi vừa mới rửa chúng ở gốc cây trong khu vườn trước nhà bà rồi.”
Đó là những gì sẽ xảy ra, chỉ khác ở tên gọi. Bạn trở nên bối rối, bạn không phân biệt được cái nào với cái nào. Mọi thứ đều ở đó - chỉ là chúng được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau, và điều đó tạo ra loài người điên rồ.
Cha mẹ và xã hội của bạn đã hủy hoại bạn, và bạn đang hủy hoại con cái của mình. Giờ thì nó trở thành một vòng lẩn quẩn. Ai đó phải thoát ra khỏi cái vòng ấy.
Nếu bạn hiểu đúng ý tôi, vậy thì nỗ lực của tôi là để đưa bạn thoát khỏi vòng lẩn quẩn đó. Đừng tức giận với cha mẹ của bạn; họ không thể làm tốt hơn những gì họ đã làm. Nhưng bây giờ, bạn hãy trở nên có ý thức hơn và đừng làm điều tương tự với các con của mình. Hãy giúp chúng bộc lộ nhiều hơn, dạy chúng biết cách biểu đạt hơn. Hãy giúp đỡ chúng, để chúng trở nên chân thật hơn, để chúng có thể bộc lộ bất kỳ điều gì đang hiện diện bên trong mình. Và chúng sẽ mãi mãi biết ơn bạn, bởi vì sẽ không có xung đột bên trong chúng. Chúng sẽ là một thể toàn vẹn; chúng sẽ không bị phân mảnh. Chúng sẽ không bị bối rối, chúng sẽ biết mình muốn gì.
Và khi biết chính xác mình muốn gì, bạn có thể nỗ lực để đạt được điều mình muốn. Nếu không biết mình thật sự muốn gì, làm sao bạn có thể nỗ lực đạt được nó? Khi đó, bạn bắt đầu đi theo bất kỳ ai đang nắm giữ bạn, bất kỳ ai có thể mang đến cho bạn ý tưởng. Một nhà lãnh đạo nào đó có thể thuyết phục bạn bằng lý lẽ vững chắc và bạn bắt đầu theo chân anh ta. Bạn đã đi theo nhiều người và tất cả họ đều hủy hoại bạn.
Hãy nghe theo bản chất tự nhiên của bạn.
Mỗi thế hệ hủy hoại thế hệ tiếp theo của nó. Sự hủy hoại chắc chắn sẽ xảy ra, trừ khi ai đó trở nên thật tỉnh táo, thật tỉnh thức.
Ngài nói về việc thuận theo “bản chất tự nhiên”. Nhưng chẳng phải bản chất con người - nếu được để tự do thể hiện - chính là vấn đề hay sao? Nếu chúng ta không có các quy tắc và tiêu chuẩn hành xử, như những quy tắc được đặt ra bởi các tôn giáo, chẳng phải cảm xúc và những cơn bốc đồng của chúng ta luôn khiến chúng ta gặp rắc rối hay sao?
Điều đầu tiên bạn cần hiểu là cho đến nay, nhân loại vẫn đang sống dưới một lời nguyền, và lời nguyền đó là chúng ta không bao giờ được phép tin tưởng bản tính tự nhiên của mình. Chúng ta luôn được dạy: “Nếu tin tưởng bản tính của bạn, bạn sẽ mắc sai lầm”. Hãy hồ nghi, hạn chế, kiểm soát - đừng làm theo cảm xúc của bạn. Chúng ta được dạy rằng về cơ bản, bản chất con người là xấu xa. Điều này thật ngu ngốc; điều này thật ngu xuẩn và độc hại. Bản chất con người không xấu, bản chất con người là thần thánh. Nếu phần xấu xa trỗi dậy thì đó là vì những hạn chế và kìm nén. Hãy để tôi giải thích cho bạn hiểu.
Bạn không bao giờ nhìn thấy chiến tranh trong thế giới động vật. Tất nhiên, thỉnh thoảng chúng đánh nhau, nhưng đó là những trận đánh riêng lẻ - không phải chiến tranh thế giới nơi tất cả con quạ phương Đông đánh nhau với tất cả con quạ phương Tây, hay toàn bộ mèo Ấn Độ đánh nhau với toàn bộ mèo Pakistan. Mèo không ngu ngốc như thế, quạ cũng vậy. Đúng là đôi khi chúng đánh nhau và điều đó không có gì sai. Nếu tự do của chúng bị xâm phạm, chúng sẽ chiến đấu, nhưng cuộc chiến đó mang tính riêng lẻ. Đó không phải là chiến tranh thế giới.
Giờ thì bạn đã làm gì? Bạn đã đè nén nhân tính và bạn không cho phép các cá nhân được thỉnh thoảng nổi giận - giận dữ là một cảm xúc tự nhiên. Hậu quả sau cùng là mọi người tiếp tục tích lũy cơn giận của mình, tiếp tục đè nén cơn giận của mình, và rồi một ngày nào đó, lượng độc tố tích tụ trong mỗi người đều nhiều đến mức chúng bùng nổ thành chiến tranh thế giới. Cứ mười năm, người ta lại cần một cuộc đại chiến. Và ai chịu trách nhiệm cho những cuộc chiến này? Đó chính là những người được gọi là thánh nhân và các nhà đạo đức, các nhà cải cách hăng hái, những người không bao giờ cho phép bạn bộc lộ bản chất tự nhiên của mình.
Bạn đã bao giờ nhìn thấy mèo giết hại đồng loại chưa? Đúng là thỉnh thoảng chúng có cắn nhau, nhưng chỉ vậy thôi. Con người là loài động vật duy nhất giết hại đồng loại. Quạ không tổ chức các cuộc chiến để tàn sát những con quạ khác, sư tử không giết các con sư tử khác. Con người là giống loài duy nhất giết hại đồng loại. Chuyện gì đã xảy ra với con người? Phải chăng loài người đã rơi xuống cấp độ thấp hơn con vật? Vậy thì trách nhiệm thuộc về ai? Thế giới của các loài động vật khác chỉ thiếu một thứ, đó là chúng không có các thánh nhân và các nhà đạo đức, các tín đồ Cơ Đốc giáo, Hindu giáo và Mohammed giáo. Chúng không có đền chùa, thánh đường, Kinh thánh và Kinh Vệ Đà - thế thôi. Đó là sự khác biệt duy nhất.
Vẫn còn một vài xã hội nguyên thủy, nơi mà suốt nhiều niên đại chưa từng xảy ra hành vi giết người bởi vì không ai bị đầu độc tâm trí bằng đạo đức, không ai được đào tạo để trở thành người có đạo đức. Họ là những con người tự nhiên. Khi bạn tự nhiên, bạn sống chan hòa. Thỉnh thoảng bạn tức giận, nhưng đó là cảm xúc tự nhiên và nó chỉ xảy ra trong chốc lát.
Một người không bao giờ tức giận và mãi kiểm soát cơn giận của mình là người rất nguy hiểm. Hãy thận trọng với người đó; anh ta có thể giết bạn. Nếu chồng của bạn không bao giờ nổi giận, hãy báo cảnh sát! Người chồng thỉnh thoảng tức giận là một con người tự nhiên; bạn không cần phải sợ. Người chồng không bao giờ giận dữ sẽ đột nhiên lao tới bóp chết bạn vào một ngày nào đó - và anh ta sẽ làm vậy như thể đang bị thứ gì đó chiếm giữ. Những kẻ sát nhân luôn nói những lời này trước tòa: “Tôi đã phạm tội, nhưng tôi đã bị ám”. Ai ám họ? Vô thức của họ, vô thức bị kìm nén của họ, đã bùng nổ.
Bạn có nhận ra sự thật đơn giản này không? Nếu bạn đưa cho con chó đực xem tấm ảnh của một con chó cái xinh đẹp, nó sẽ không quan tâm. Chó không phải là những tay chơi. Không phải là chúng không yêu chó cái, chúng yêu chó cái rất nhiều, nhưng chúng không quan tâm đến một bức ảnh, chúng không hứng thú với ảnh khiêu dâm. Để tạo ra hình ảnh khiêu dâm, bạn cần các thánh nhân. Đầu tiên, họ kìm nén bản năng tình dục, bản năng tự nhiên, và sau đó họ nói với mọi người rằng bản năng đó là sai trái và xấu xa. Khi họ kìm nén bản năng tình dục, bản năng bị kìm nén đó sẽ tìm kiếm lối thoát.
Giờ thì thật khó có thể ngắm nhìn những người phụ nữ xinh đẹp qua lại trên đường phố. Vậy bạn phải làm gì? Bạn tự nhốt mình trong phòng và xem tạp chí Playboy. Cách đó an toàn hơn; không ai biết hành động đó của bạn. Bạn có thể giấu tạp chí Playboy trong quyển Kinh thánh và vờ như đang đọc thánh kinh.
Chỉ có con người mới có hình ảnh khiêu dâm. Không có loài vật nào khác có hình ảnh khiêu dâm. Đây là sự thật đơn giản.
Và ai đã khiến con người trở nên khiêu dâm? Người nguyên thủy không quan tâm đến hình ảnh khiêu dâm - đến giờ vẫn vậy. Phụ nữ khỏa thân và đi lại trong tình trạng khỏa thân mà không hề sợ hãi. Vậy bạn hãy nói xem bạn đang sống trong nền văn minh nào? Phụ nữ không thể đi bộ trên phố mà không bị trêu ghẹo, không bị đối xử vô nhân tính. Phụ nữ không thể đi bộ một mình trong đêm - và đây là xã hội văn minh đó sao? Con người bị ám ảnh với tình dục suốt hai mươi bốn giờ mỗi ngày.
Ai đã gieo rắc nỗi ám ảnh này cho con người? Loài vật có tính dục nhưng không bị ám ảnh; chúng tự nhiên. Khi tình dục trở thành nỗi ám ảnh, nó bị biến tướng, và những biến tướng này bắt nguồn từ các nhà đạo đức cũng như những bài giảng của họ.
Những người được gọi là tín đồ chưa bao giờ tin vào bản chất tự nhiên của con người. Họ nói về niềm tin nhưng chưa từng tin vào cuộc sống. Họ tin các quy tắc, các điều luật; họ không bao giờ tin vào tình yêu. Họ nói về Thượng đế, nhưng đó chỉ là những lời sáo rỗng. Họ tin tưởng cảnh sát và quan tòa. Họ tin vào hỏa ngục. Họ tin vào việc tạo ra nỗi sợ và lòng tham. Nếu thánh thiện, tốt lành và có đạo đức, bạn sẽ có thiên đường và tất cả những niềm vui của thiên đường. Còn nếu không có đạo đức, bạn sẽ chịu đày đọa nơi hỏa ngục - vĩnh viễn. Những điều này bắt nguồn từ nỗi sợ và lòng tham. Những người này đã và đang thao túng tâm trí của con người thông qua nỗi sợ và lòng tham.
Tôi tin bạn và tôi tin vào bản tính tự nhiên của bạn. Tôi tin vào bản chất động vật. Quả thật nếu tự nhiên được phép diễn ra một cách tự nhiên, đôi khi sẽ có chút giận dữ và có cả rắc rối, nhưng như vậy không có gì sai trái cả. Như vậy chính là con người và như vậy là đẹp đẽ. Sẽ không có chiến tranh.
Các nhà tâm lý học nói rằng tất cả vũ khí của bạn đều mang tính chất như dương vật. Bởi vì bạn không thể đi vào cơ thể phụ nữ, bạn đâm vào cơ thể của ai đó bằng một thanh gươm. Thanh gươm đó là một biểu tượng của dương vật. Yêu thương phụ nữ là chuyện tốt đẹp, nhưng đâm ai đó bằng thanh gươm là hành động xấu xa. Nhưng mọi chuyện vẫn luôn diễn ra như vậy.
Bạn đã sống theo các quy tắc và chuẩn mực, và chuyện gì đã xảy ra? Hãy nhìn vào tình trạng của nhân loại ngày nay. Đó là một trái đất điên loạn, một nhà thương điên quy mô lớn. Đây là hệ quả của các chuẩn mực của bạn, các lý tưởng của bạn, của chủ nghĩa hoàn hảo và hệ thống đạo đức của bạn. Chuyện này xảy ra vì các điều răn của bạn - cả địa cầu đã biến thành một trại tâm thần, một nhà thương điên lớn. Vậy mà bạn vẫn sợ hỏa ngục và vẫn cứ tiếp tục sống như vậy. Đây là một vòng lẩn quẩn.
Chuyện này giống như bạn buộc ai đó phải nhịn ăn, và hiển nhiên khi nhịn ăn thì anh ta sẽ đói và bắt đầu ám ảnh với việc tìm kiếm thức ăn. Sau đó, khi thấy anh ta bị ám ảnh với thức ăn, bạn xích anh ta lại vì nếu không, anh ta sẽ đột nhập vào bếp của nhà nào đó. Lúc này, bạn nói rằng anh ta rất nguy hiểm nếu không bị xích lại; anh ta có thể đột nhập vào bếp của nhà người khác. Vì không thể tin tưởng anh ta nên bạn xích anh ta lại, và bạn tiếp tục bắt anh ta nhịn ăn. Sau đó, bạn càng ngày càng sợ hãi vì anh ta đang phát điên. Đây là một vòng lẩn quẩn! Nguyên nhân nào khiến anh ta ám ảnh với thức ăn đến vậy? Chính việc bạn khăng khăng bắt anh ta nhịn ăn đã gây ra chứng bệnh này.
Nhịn ăn không phải là một hiện tượng tự nhiên. Đúng là đôi khi nó xảy ra với động vật, nhưng chúng không “tin” vào việc nhịn ăn, chúng không có triết lý nhịn ăn. Hiện tượng nhịn ăn thỉnh thoảng xảy ra. Chẳng hạn như một ngày nọ, con chó cảm thấy không khỏe và nó sẽ không ăn. Chuyện này là tự nhiên. Nó không ăn bởi vì nó không cảm thấy muốn ăn. Nó hành động theo cảm nhận của nó; điều này không có nghĩa là nó tuân theo một quy tắc nào đó. Không ai dạy nó nhịn ăn. Trên thực tế, nó sẽ đi ăn cỏ và ói; cỏ giúp nó ói và nó sẽ ói. Không ai dạy nó. Và nó sẽ không ăn cho đến khi cảm thấy muốn ăn trở lại. Nó sống theo bản năng tự nhiên. Khi cảm thấy muốn ăn, nó sẽ ăn; khi cảm thấy không muốn ăn, nó sẽ không ăn. Đây chính là thứ mà tôi gọi là cuộc sống đích thực.
Đôi khi bạn cảm thấy không muốn ăn, vậy đừng ăn - tôi không phản đối việc nhịn ăn, tôi chỉ phản đối triết lý nhịn ăn. Đừng đặt ra quy tắc rằng bạn phải nhịn ăn mỗi Chủ nhật. Quy tắc đó thật ngu ngốc, vì làm sao bạn biết mình sẽ cảm thấy không muốn ăn vào mỗi Chủ nhật? Có thể thỉnh thoảng bạn cảm thấy không muốn ăn vào thứ Sáu. Khi đó bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ ép bản thân ăn bởi vì hôm đó là thứ Sáu.
Khi bạn cảm thấy muốn ăn, hãy ăn. Khi bạn cảm thấy không muốn ăn thì đừng ăn. Hãy sống theo cảm nhận, và dần dần, bạn sẽ hòa nhịp với bản chất tự nhiên của mình.
Đối với tôi, thuận theo tự nhiên chính là tôn giáo. Quan điểm tôn giáo của tôi là hòa hợp với bản chất tự nhiên. Và đó là ý nghĩa của từ dharma trong tiếng Ấn; nó có nghĩa là “bản chất”, bản chất bên trong. Tin tưởng vào bản chất tự nhiên và đừng xâm phạm nó.
Nhưng bạn được dạy phải xâm phạm bản chất tự nhiên của mình, vì vậy những người từng sống một cuộc đời đói khát nghĩ rằng tôn giáo phải là chết chóc, nó phải tiêu cực. Đàn ông và đàn bà nắm tay nhau tại một nơi có tính chất tôn giáo? Chuyện này thật nguy hiểm. Chúng ta không thể tin tưởng đàn ông, chúng ta không thể tin tưởng đàn bà. Chuyện này thật nguy hiểm, làm vậy là đùa với lửa. Con người phải tạo ra những giới hạn, phải xây Vạn Lý Trường Thành quanh con người và những biểu hiện cảm xúc của họ.
Không, tôi tin tưởng vào bản chất tự nhiên. Tôi không tin vào các luật lệ của bạn. Luật lệ của bạn đã làm hỏng toàn bộ nhân loại. Như vậy là đủ lắm rồi! Đã đến lúc tất cả các tôn giáo mục nát lỗi thời phải bị đốt trụi và một khái niệm tôn giáo hoàn toàn mới phải xuất hiện, một tôn giáo ủng hộ cuộc sống: tôn giáo của tình yêu chứ không phải của luật lệ, tôn giáo của tự nhiên chứ không phải của kỷ luật, tôn giáo của sự toàn vẹn chứ không phải của sự hoàn hảo, tôn giáo của cảm nhận chứ không phải của suy nghĩ. Trái tim phải trở thành chủ nhân, và khi đó, mọi sự sẽ tự ổn định.
Nếu có thể tin tưởng vào tự nhiên, chẳng mấy chốc bạn sẽ trở nên tĩnh lặng, hạnh phúc, vui vẻ và hân hoan, bởi vì tự nhiên đang hân hoan. Tự nhiên là một bữa tiệc mừng. Hãy nhìn xung quanh mà xem. Bạn có thấy bông hoa nào trông giống các thánh nhân của bạn không? Bạn có thấy cầu vồng nào trông giống các thánh nhân của bạn không? Hoặc là có đám mây, tiếng chim hót, ánh sáng lấp lánh trên mặt sông, các vì sao nào như thế không? Thế giới đang chúc tụng. Thế giới không buồn, thế giới là một khúc hoan ca, một bài hát tuyệt đẹp, và vũ điệu đó vẫn đang tiếp diễn.
Hãy tham gia vào điệu nhảy này và tin tưởng bản chất tự nhiên của bạn. Nếu tin tưởng vào bản chất tự nhiên của mình, bạn sẽ từ từ đến gần hơn với bản chất vũ trụ. Đó là chuyện chắc chắn sẽ xảy ra. Bạn là một phần của vũ trụ, và khi tin tưởng bản thân, bạn tin tưởng vào vũ trụ bên trong mình. Con đường được hình thành từ đó. Lần theo đầu mối đó, bạn có thể đến được cái đích sau cùng. Thông qua việc tin tưởng bản thân, bạn cũng tin tưởng vào cuộc sống. Còn nếu bạn không tin tưởng bản thân thì điều đó cũng có nghĩa là bạn không tin tưởng sự hiện hữu đã đưa bạn đến với cuộc sống này.
Tôi không nói rằng đời bạn sẽ luôn rải đầy hoa hồng. Không, sẽ có những chiếc gai nhọn, nhưng gai cũng tốt. Và tôi không nói rằng đời bạn sẽ luôn ngọt ngào. Rất nhiều lần bạn sẽ phải nếm trải đắng cay, nhưng đó là cách cuộc sống phát triển: thông qua phép biện chứng. Tôi không nói rằng bạn sẽ luôn tốt đẹp. Đôi khi, bạn sẽ rất tồi tệ, nhưng có một điều chắc chắn: khi tồi tệ, bạn sẽ tồi tệ một cách chân thật, và khi tốt đẹp, bạn sẽ tốt đẹp một cách chân thật. Người ta có thể tin tưởng, người ta có thể trông cậy vào bạn. Khi bạn tức giận, người ta có thể tin rằng cơn giận của bạn không giả, không lạnh lẽo; nó nóng và sống động. Và khi bạn yêu, người ta có thể tin rằng tình yêu đó sống động và ấm áp.
Hãy nhớ, một người không biết tức giận sẽ không biết yêu thương. Hoa hồng chỉ mọc trên những cành đầy gai. Nếu không thể nổi cơn thịnh nộ trong giây phút nào đó, bạn cũng không thể yêu thương cuồng nhiệt - bởi vì bạn không thể sôi nổi, bạn không thể nồng nhiệt, bạn duy trì trạng thái đóng băng. Và nếu kìm nén cơn giận quá nhiều, bạn luôn sợ yêu, bởi vì ai mà biết được?
Một người đàn ông đến gặp tôi và nói rằng anh ta không thể đạt cực khoái khi làm tình. Đó là một người đàn ông trẻ tuổi và hoàn toàn khỏe mạnh - anh ta gặp phải vấn đề gì? Anh ta không thể đạt được khoái lạc, hoặc cùng lắm là chỉ đạt được cực khoái cục bộ chứ cảm giác đó không lan tỏa khắp cơ thể của anh ta. Và khoái lạc cục bộ là thứ không đáng kể. Khi cơn khoái lạc đạt đến mức độ trọn vẹn và từng thớ thịt trong bạn rung lên với sức sống mới, bạn trở nên tươi mới, trẻ trung, và trong một khoảnh khắc, bạn trở thành một phần của vũ trụ, một phần của sự sáng tạo vĩ đại xung quanh bạn. Bạn đánh mất chính mình. Bạn không còn là một bản ngã, bạn tan chảy. Khi đó, bạn không có bất kỳ giới hạn nào.
Tôi hỏi về cơn giận của anh ta. Anh ta đáp: “Nhưng tại sao ngài lại hỏi về cơn giận trong khi câu hỏi của tôi là về tình yêu? Tôi không thể yêu hết mình”. Tôi trả lời: “Hãy quên tình yêu đi. Đầu tiên, chúng ta phải nghĩ về cơn giận, bởi vì nếu anh không thể yêu hết mình thì điều đó có nghĩa là anh không thể giận hết mình”. Anh ta ngạc nhiên, nhưng cuối cùng vấn đề đúng là nằm ở cơn giận của anh ta. Từ nhỏ anh ta đã được nuôi dưỡng trong một gia đình sùng đạo và luôn được dạy là không được tức giận, phải kiểm soát cơn giận của mình. Anh ta đã học cách kiểm soát. Anh ta đã thành thạo đến mức thậm chí không biết mình đang kiểm soát. Anh ta thật sự trở thành một người kiểm soát, đến mức giờ đây sự kiểm soát ấy đã trở thành vô thức. Anh ta là một người rất có kiểm soát. Mọi người đều tôn trọng anh ta; anh ta có thể thành công ở bất kỳ lĩnh vực nào trong xã hội này. Thế nhưng trong đời sống tinh thần thì anh ta lại thất bại. Anh ta thậm chí còn không thể yêu.
Tôi nói với anh ta: “Hãy bắt đầu bằng cách nổi giận, bởi vì theo như tôi hiểu thì khi sắp lên đến đỉnh khoái lạc, anh không cho phép chuyện đó xảy ra bởi vì nếu cho phép, anh sợ rằng cơn giận bị kìm nén bấy lâu nay cũng sẽ xuất hiện”.
Anh ta nói: “Ngài đang nói gì vậy? Tôi luôn mơ rằng tôi đã giết người phụ nữ của mình. Tôi mơ rằng tôi giết cô ấy, bóp nghẹt cô ấy trong khi làm tình. Và tôi sợ rằng nếu mất kiểm soát, tôi sẽ không thể cưỡng lại cám dỗ bóp chết cô ấy”.
Giờ đây cơn giận đã trở thành một thế lực to lớn bên trong anh ta. Anh ta quá sợ việc hủy bỏ sự kiểm soát, vậy thì làm sao anh ta có thể yêu? Đó là việc bất khả thi. Và nếu bỏ lỡ tình yêu, bạn sẽ bỏ lỡ mọi thứ có giá trị trong cuộc sống.
Xã hội kìm nén này, nền văn minh kìm nén này đã thất bại hoàn toàn. Ấy vậy mà bạn vẫn không nhận thức được điều đó.
Tôi đã nghe được một câu chuyện thú vị:
Vào cái thời còn nắm giữ vai trò quan trọng trong Liên bang Xô Viết, Khrushchev thường thú nhận rằng thỉnh thoảng ông bị Stalin đối xử như một tên hề và phải tuân theo những mệnh lệnh như “Nhảy gopak1 đi”. Và ông ấy đã thật sự nhảy. Khi ông ấy kể chuyện này, có ai đó trong đám đông hét lên: “Sao ông lại để cho hắn ta biến mình thành tên ngốc vậy?”, và Khrushchev hỏi lại: “Ai vừa hỏi đấy? Đứng lên xem nào!”.
Tất nhiên, không ai trả lời, và sau một khoảng ngừng đủ lâu, Khrushchev kết luận: “Các đồng chí ạ, đó chính là lý do tại sao tôi phải nhảy”.
Ông ấy nhảy chỉ vì sợ bị Stalin giết. Stalin là cái chết, và các thầy tu của bạn là cái chết, là đại diện cho cái chết chứ không phải sự sống. Các thầy tu của bạn đã thông đồng với cái chết và họ đã làm tê liệt sự sống. Các thầy tu nói về Thượng đế, nhưng có vẻ họ đã bắt tay với ma quỷ. Đó là một âm mưu lớn, và họ đã hủy hoại toàn bộ tâm trí con người. Họ búng bạn ra khỏi chính những cảm xúc của bạn; họ khiến bạn mắc kẹt trong tâm trí của bạn. Giờ đây, bạn không biết mình cảm thấy như thế nào. Đó là lý do bạn không thể tin tưởng cảm xúc của mình và luôn phải tìm đến ai đó để họ nói cho bạn biết bạn phải làm gì.
1 Điệu nhảy dân gian của người Ukraine.
Khi bạn còn nhỏ, cha mẹ bảo bạn làm cái này và không được làm cái kia. Sau đó, khi bạn đi học thì có giáo viên, còn ở trường đại học thì có các giáo sư. Khi bước ra xã hội, bạn có sếp, các chính trị gia, các nhà lãnh đạo. Ở đâu bạn cũng nhận được những mệnh lệnh về việc phải làm và việc không được làm. Và bạn luôn tìm kiếm ai đó thống trị bạn để bạn có thể dựa dẫm, bởi vì bạn không biết cách nhận những mệnh lệnh từ chính trái tim mình, từ bản thể của mình. Bạn luôn dựa vào một nguồn lực nào đó bên ngoài.
Như vậy thật tệ, như vậy thật đau khổ, như vậy thật không nên.
Mọi người đến gặp tôi và nói: “Osho, hãy cho chúng tôi biết chính xác chúng tôi phải làm gì”. Nhưng tại sao bạn không thể lắng nghe trái tim của chính mình? Bạn có sự sống sôi sục bên trong bạn. Mùa xuân ở đó, cội nguồn ở đó. Hãy đi vào bên trong. Tôi có thể chỉ bạn cách đi vào bên trong, tôi có thể chỉ bạn các công cụ để giúp bạn đi vào bên trong, nhưng bạn hãy nhận các mệnh lệnh từ nơi đó. Thánh kinh đang ở bên trong bạn: một quyển sách thật sự, nguồn kiến thức thật sự. Hãy nhận lấy những hướng dẫn của bạn từ nơi đó, và một khi bắt đầu nhận được những hướng dẫn từ nội tâm sâu kín nhất, bạn sẽ được tự do và hạnh phúc. Một người tự do là một người hạnh phúc; người không tự do sẽ không bao giờ hạnh phúc. Bạn được sinh ra không phải để làm nô lệ.
Nếu tôi bắt đầu chìm trong những cảm xúc của mình, chẳng hạn như giận dữ, toàn thân tôi sẽ bắt đầu run rẩy một cách không thể kiểm soát được. Tôi cảm thấy như thể đang trải qua một kiểu co thắt cảm xúc, chỗ nào cũng rung động! Tôi không cảm thấy đó là vấn đề, nhưng tôi không chắc lắm.
Không, đó không phải là vấn đề. Đó là chuyện tốt. Trên thực tế, mọi người nên hành xử theo cách đó. Nếu cơ thể không bị kìm nén thì đó sẽ là cách thức hoạt động tự nhiên của cơ thể.
Khi tâm trí được lấp đầy bởi cảm xúc, cơ thể phải thích ứng với điều đó; cảm xúc phải song song với chuyển động cơ thể. Nếu cảm xúc xuất hiện và cơ thể không chuyển động cùng với nó, điều đó có nghĩa là cơ thể đang bị đè nén. Nhưng cơ thể đã bị kìm nén suốt hàng bao thế kỷ. Con người đã được dạy làm tình mà không chuyển động cơ thể; làm tình như thể toàn thân bất động và yêu chỉ là chuyện cục bộ. Phụ nữ được dạy nằm im, gần giống như xác chết, bởi vì nếu phụ nữ bắt đầu chuyển động, đàn ông sẽ trở nên sợ hãi.
Vì nỗi sợ đó mà đàn ông đã buộc phụ nữ nằm im trong khi anh ta làm tình. Nếu không, người phụ nữ sẽ chuyển động trong trạng thái mê ly, gần như điên cuồng, cô ấy sẽ gần như phát cuồng. Cô ấy sẽ nhảy múa, cô ấy sẽ tạo ra một cơn hoan lạc và hàng xóm sẽ biết! Người đàn ông trở nên sợ hãi.
Và nỗi sợ đó thậm chí còn bén rễ sâu hơn nỗi sợ về hàng xóm. Nỗi sợ đó là nếu người phụ nữ thật sự chuyển động, không người đàn ông nào có thể thỏa mãn cô ấy - không một người nào, bởi vì theo lẽ tự nhiên, năng lượng của đàn ông là có hạn. Đàn ông chỉ có một lần đạt đỉnh, còn phụ nữ có thể có nhiều lần: sáu, chín, mười hai. Vì vậy, đàn ông có thể trở nên bất lực với bất kỳ người phụ nữ nào. Dù sung mãn đến đâu, mọi người đàn ông đều sẽ trở nên bất lực nếu người phụ nữ bắt đầu chuyển động.
Suốt hàng thế kỷ, phụ nữ hoàn toàn quên mất cảm giác cực khoái. Từ “cực khoái” thậm chí đã biến mất trong một số nền văn hóa. Chỉ trong vài thập niên qua, từ này mới được hồi sinh. Có những ngôn ngữ mà trong kho từ vựng của nó không hề có từ nào mang nghĩa cực khoái. Ví dụ, người ta không thể dịch từ cực khoái ra tiếng Hindu, vì không có từ nào trong tiếng Hindu mang nghĩa tương đương. Hãy nghĩ xem cơ thể đã bị tê liệt đến mức nào!
Khi bạn cảm thấy sợ hãi, cơ thể phải run lên. Như thể gió thổi và những chiếc lá run rẩy. Khi nỗi sợ ập đến, cơ thể của bạn phải run lên. Chức năng tự nhiên của cơ thể là chuyển động với cảm xúc. “Cảm xúc” (emotion) bao gồm “chuyển động”(motion). Nó phải tương ứng với sự chuyển động của cơ thể; nếu không, nó không phải là cảm xúc.
Vì vậy, đây là một thủ thuật để kiểm soát cảm xúc: nếu bạn kiểm soát cơ thể, cảm xúc sẽ bị kiểm soát. Ví dụ, nếu nước mắt đang chực trào ra mà bạn ngăn không cho chúng trào ra, bạn sẽ thấy cảm giác muốn khóc biến mất bên trong mình.
William James và Carl Lange có một lý thuyết về cảm xúc. Lý thuyết đó rất nổi tiếng và được biết đến như lý thuyết James-Lange. Thông thường, chúng ta cho rằng người ta vì sợ hãi nên mới bỏ chạy. James và Lange đã đưa ra giả thuyết ngược lại, đó là người ta bỏ chạy nên mới cảm thấy sợ hãi. Họ nói rằng nếu bạn ngừng chạy, nỗi sợ sẽ dừng lại - đừng chạy, và bỗng nhiên, bạn sẽ thấy nỗi sợ biến mất. Theo một cách nào đó, họ đúng một nửa, bởi vì cơ thể và tâm trí là 50-50; chúng cân bằng. Khi bạn làm tình, tâm trí của bạn bắt đầu tạo ra các hình ảnh tưởng tượng và cơ thể bạn bắt đầu chuyển động. Nếu cả tâm trí lẫn cơ thể đều vận hành một cách tự nhiên, chúng sẽ hoạt động cùng nhau. Nếu vì lý do nào đó mà cơ thể bị tê liệt, chúng sẽ không chuyển động cùng nhau.
Vì vậy, dù bạn cảm thấy sợ hãi, yêu thương hay giận dữ, cơ thể của bạn phải chuyển động cùng với cảm xúc đó. Mỗi cảm xúc phải có một chuyển động của cơ thể tương ứng. Đó là một chức năng tự nhiên, vậy nên bạn không cần cảm thấy rối rắm vì nó. Hãy tận hưởng nó, cho phép nó xảy ra: đừng kìm nén nó dù chỉ mảy may. Ví dụ, nếu bạn cảm thấy tay mình đang run và tâm trí nói rằng bạn phải ngừng làm vậy, rằng chuyện đó trông rất không ổn, rằng bạn không phải là kẻ hèn nhát, vậy tại sao bạn lại run rẩy - nếu bắt tay mình ngừng run, bạn sẽ áp đặt thứ gì đó không tự nhiên lên chính mình.
Vì vậy, đây là gợi ý của tôi: hãy hợp tác với chức năng đó, và dần dần, bạn sẽ thấy cơ thể có một sự chuyển động rất tinh tế và duyên dáng với từng cảm xúc. Trong khi làm tình, hãy trở nên hoàn toàn hoang dại. Yêu không nên là chuyện cục bộ - không nên chỉ diễn ra ở cơ quan sinh dục, mà bạn phải tham gia một cách trọn vẹn. Bạn không chỉ nên đạt được khoái lạc tình dục, mà cần có khoái lạc tinh thần. Toàn bộ con người của bạn phải được khuấy động, phải ngây ngất điên cuồng, phải đạt đỉnh và thư giãn. Trên thực tế, nếu thật sự làm tình, bạn sẽ ở trong trạng thái điên rồ, không biết mình đang làm gì và chuyện gì đang diễn ra. Bạn giống như bị say thuốc.
Tình yêu là loại thuốc tuyệt vời nhất. Chỉ là phản ứng hóa học của nó diễn ra bên trong, nếu không, nó chính là một loại thuốc. Nếu thật sự vừa trải qua yêu đương cuồng nhiệt thì sau đó bạn sẽ ngủ một giấc sâu, giấc ngủ sâu nhất mà bạn có thể đạt được, như thể đã chết; toàn bộ tâm trí của bạn dừng lại. Và khi tỉnh dậy, bạn sẽ cảm nhận một sự hồi sinh.
Mỗi lần làm tình phải là một lần bị đóng đinh và hồi sinh. Khi đó, trải nghiệm ấy khiến bạn hài lòng đến mức không cần phải lặp lại mỗi ngày. Con người lặp lại quá nhiều lần hành động mà họ gọi là làm tình vì họ chưa bao giờ cảm thấy thỏa mãn.
Tài liệu cổ xưa nhất về tình dục tại Ấn Độ, quyển Kama Sutra của Vatsyayana, nói rằng nếu bạn làm tình thật sự cuồng nhiệt thì một lần mỗi năm là đủ! Đây là điều gần như không thể xảy ra với tâm trí hiện đại - mỗi năm một lần ư? Và người viết quyển sách đó không phải là người đang kìm nén dưới bất kỳ hình thức nào. Vatsyayana là nhà tình dục học đầu tiên của thế giới và là người đầu tiên đưa thiền vào tình dục, người đầu tiên nhận ra những trung tâm sâu thẳm nhất của nó. Ông ấy đúng. Nếu việc làm tình thật sự đạt đến đỉnh điểm, mỗi năm một lần là gần đủ. Nó khiến bạn thỏa mãn đến mức dư âm của nó sẽ kéo dài suốt nhiều tháng.
Vì vậy, đừng rối rắm. Hãy cứ tự nhiên và để mọi chuyện xảy ra.