Cơ thể của bạn không chỉ là một cấu trúc vật chất. Thông qua sự kìm nén, nhiều thứ khác đã đi vào cơ thể, vào trong cơ bắp của bạn, trong cấu trúc cơ thể của bạn. Nếu bạn kìm nén cơn giận, chất độc sẽ thâm nhập cơ thể của bạn. Nó thấm vào cơ bắp, nó lan vào trong máu. Nếu bạn kìm nén bất cứ thứ gì, đó không chỉ là một hiện tượng tâm lý mà còn là hiện tượng vật lý bởi vì bạn không thật sự bị phân chia. Bạn không phải là cơ thể và tâm trí; bạn là cơ thể-tâm trí, là tâm-thân. Bạn là cả hai. Vì vậy, bất cứ chuyện gì xảy ra với cơ thể cũng ảnh hưởng đến tâm trí và mọi chuyện xảy ra với tâm trí đều tác động đến cơ thể. Cơ thể và tâm trí là hai khía cạnh của cùng một thực thể.
Ví dụ, nếu bạn tức giận, chuyện gì sẽ xảy ra với cơ thể? Bất cứ khi nào bạn tức giận, một số độc tố nhất định sẽ được giải phóng vào trong máu. Nếu không có những chất độc này, bạn sẽ không thể bực dọc đến mức tức giận. Bạn có nhiều tuyến đặc biệt trong cơ thể và những tuyến này tiết ra một số chất hóa học. Giờ thì đây là khoa học chứ không chỉ là triết học. Máu của bạn lúc này đã bị nhiễm độc. Đó là lý do tại sao khi tức giận, bạn có thể làm những việc mà bình thường bạn không làm. Khi tức giận, bạn có thể đẩy một tảng đá lớn - lúc bình thường thì bạn không thể làm được việc này. Sau khi mọi chuyện qua đi, bạn thậm chí không tin nổi là mình đã đẩy, ném hoặc nâng tảng đá này. Khi trở lại trạng thái bình thường, bạn không còn khả năng nhấc tảng đá đó bởi vì lúc này bạn khác rồi. Có một số chất hóa học nhất định nào đó đang lưu thông trong máu của bạn khi bạn tức giận; bạn đang ở trong trạng thái khẩn cấp; toàn bộ năng lượng của bạn được dồn vào hành động.
Nhưng khi một con vật nổi giận, nó chỉ nổi giận. Nó không có hệ thống đạo đức cho việc đó, không được dạy bảo về chuyện đó; nó chỉ đơn giản là tức giận và cơn giận được thể hiện. Khi tức giận, bạn tức giận tương tự như cách của bất kỳ con vật nào, nhưng rồi có xã hội, đạo đức, lễ nghĩa và hàng ngàn thứ khác, bạn phải nén cơn giận xuống. Bạn phải thể hiện mình không tức giận, bạn phải nở một nụ cười giả tạo. Bạn tạo ra một nụ cười và nén giận. Lúc này, chuyện gì đang xảy ra với cơ thể? Cơ thể đã sẵn sàng chiến đấu - hoặc chiến đấu hoặc tìm cách thoát khỏi mối nguy hiểm, hoặc đối mặt hoặc né tránh. Cơ thể đã sẵn sàng thực hiện một hành động nào đó; cơn giận chỉ là sự sẵn sàng để làm một việc gì đó. Cơ thể đang trở nên hung hãn và kích động.
Nếu bạn có thể trở nên hung hăng, năng lượng kích động đó sẽ được giải tỏa. Nhưng bạn không thể. Việc đó không thuận tiện. Vì vậy bạn đè nén năng lượng đó. Vậy thì chuyện gì sẽ xảy ra với những cơ bắp đã sẵn sàng chiến đấu? Chúng sẽ bị tê liệt. Năng lượng thúc đẩy chúng trở nên kích động, còn bạn thì kiềm chế để chúng không bị kích động. Sẽ có xung đột. Trong cơ bắp của bạn, trong máu của bạn, trong các tế bào cơ thể của bạn sẽ có xung đột. Chúng đã sẵn sàng thể hiện điều gì đó và bạn đang ép chúng không được thể hiện. Bạn đang đàn áp chúng. Khi đó, cơ thể của bạn trở nên tê liệt.
Chuyện này xảy ra với mọi cảm xúc và diễn ra từ ngày này qua ngày khác suốt hàng năm trời. Khi đó, toàn bộ cơ thể của bạn trở nên tê liệt. Toàn bộ các dây thần kinh đều bị tê liệt; chúng không hoạt động lưu loát, không trôi chảy, không sống động. Chúng đã chết, đã bị nhiễm độc và trở thành một mớ lộn xộn. Chúng không còn tự nhiên.
Hãy nhìn vào bất cứ con vật nào và xem cơ thể nó uyển chuyển ra sao. Chuyện gì đã xảy ra với cơ thể con người? Tại sao cơ thể đó không uyển chuyển được như vậy? Mọi con vật đều rất duyên dáng - tại sao cơ thể con người lại kém hơn? Chuyện gì đã xảy ra với nó? Bạn đã tác động đến nó. Bạn đã giày vò nó và sự chuyển động thanh thoát tự nhiên của nó đã biến mất. Cơ thể trở nên trì trệ. Trong mỗi phần cơ thể của bạn đều có chất độc. Trong từng cơ bắp của cơ thể bạn đều có cơn giận bị kìm nén, tính dục bị kìm nén, lòng tham, sự ghen tuông, hận thù bị kìm nén. Mọi thứ đều bị kìm nén trong đó. Cơ thể của bạn thật sự bị bệnh.
Các nhà tâm lý học nói rằng chúng ta đã tạo ra một tấm áo giáp bao quanh cơ thể và tấm áo giáp đó chính là vấn đề. Nếu được phép bộc lộ toàn bộ cảm xúc khi tức giận, bạn sẽ làm gì? Khi tức giận, bạn bắt đầu nghiến răng; bạn muốn làm cái gì đó với móng tay và hai bàn tay của mình, bởi vì đó là cách phản ứng mà bạn thừa hưởng từ gốc gác động vật của mình. Bạn muốn làm gì đó với hai tay của mình, muốn phá hủy thứ gì đó. Nếu bạn không có hành động gì, các ngón tay của bạn sẽ bị tê liệt; chúng sẽ mất đi sự uyển chuyện, mất đi vẻ đẹp. Chúng sẽ không còn là các chi sống động. Và chất độc tồn tại trong đó, vì vậy, khi bạn bắt tay ai đó, cái bắt tay đó thật sự không có cảm giác chạm, không có sự sống, bởi vì bàn tay bạn đã chết.
Bạn có thể cảm nhận được điều đó. Hãy chạm vào bàn tay của một đứa trẻ. Có một sự khác biệt tinh tế ở đó. Nếu đứa trẻ không cảm thấy muốn đưa tay ra cho bạn, không sao cả, nó sẽ rụt tay lại. Đứa trẻ sẽ không đưa cho bạn một bàn tay chết, nó sẽ chỉ rụt tay lại. Còn nếu đứa trẻ muốn đưa tay ra cho bạn, bạn sẽ cảm thấy như thể bàn tay của nó đang tan ra trong tay bạn. Bạn cảm nhận được sự ấm áp, sự mềm mại - như thể toàn bộ đứa trẻ đang hiện diện trong bàn tay đó. Chính trong cái chạm đó, đứa trẻ thể hiện toàn bộ tình yêu mà nó có thể bày tỏ.
Nhưng cũng chính đứa trẻ đó khi trưởng thành sẽ bắt tay như thể bàn tay của nó chỉ là một công cụ không có sự sống. Nó sẽ không hòa mình vào cái bắt tay đó, năng lượng của nó sẽ không tuôn chảy qua cái bắt tay đó. Chuyện này xảy ra bởi vì có sự tắc nghẽn. Cơn giận bị khóa chặt, và thực tế là trước khi bàn tay của bạn sống động trở lại để có thể bày tỏ tình yêu, nó sẽ phải trải qua nỗi thống khổ, nó sẽ phải trải nghiệm sự bùng nổ mãnh liệt của một cơn giận. Nếu không được giải tỏa, cơn giận đó sẽ làm tắc nghẽn năng lượng của bạn và tình yêu không thể tuôn chảy.
Toàn bộ cơ thể của bạn bị tắc nghẽn chứ không chỉ hai tay. Vì vậy, bạn có thể ôm ai đó, bạn có thể kéo ai đó sát vào lồng ngực của mình, nhưng làm vậy không có nghĩa là bạn đưa họ đến gần với trái tim mình. Đây là hai việc khác nhau. Bạn có thể ôm ai đó vào lòng - đây là một hiện tượng vật lý. Nhưng nếu bạn có một chiếc áo giáp bao quanh trái tim mình, có sự khóa chặt cảm xúc, vậy thì người được ôm vẫn xa cách bạn như trước nay vẫn vậy; không thể có sự thân mật nào giữa hai người. Nhưng nếu bạn thật sự gần gũi ai đó và không có áo giáp, không có bức tường nào ngăn cách hai người, trái tim của bạn sẽ tan vào trái tim của người đó. Sẽ có sự hội ngộ, sẽ có mối giao cảm.
Khi cơ thể của bạn ở trong trạng thái tiếp nhận và không có rào cản, không có chất độc nào quanh nó, sẽ luôn có một cảm giác vui vẻ phảng phất quanh bạn. Bất kể đang làm hoặc không làm gì, bạn sẽ luôn cảm nhận được một sự rung động tinh tế của niềm hân hoan bao quanh cơ thể mình. Niềm hân hoan thật sự chỉ có nghĩa là cơ thể của bạn đang hòa mình vào một bản giao hưởng, không gì khác - cơ thể của bạn đang hòa vào một nhịp điệu âm nhạc, có vậy thôi. Niềm vui không phải là lạc thú; lạc thú là thứ bắt nguồn từ một thứ khác. Niềm vui chỉ đơn giản là được làm chính mình: sôi nổi, tràn đầy sức sống, tràn đầy sinh lực. Cảm giác có một điệu nhạc tinh tế bao quanh cơ thể của bạn và bên trong cơ thể của bạn, một bản giao hưởng - đó chính là niềm vui. Bạn có thể hân hoan khi cơ thể của bạn mềm mại, khi nó uyển chuyển như một dòng sông.
Tôi để ý rằng mỗi khi tức giận, buồn bã hoặc lo lắng, tôi thường cảm thấy một phản ứng sinh lý nào đó ở dạ dày hoặc vùng đám rối thái dương ở phần bụng1 của mình. Đôi khi, vào những lúc tôi vô cùng buồn bã, phản ứng này mạnh đến mức tôi bị khó ngủ hoặc cảm thấy không muốn ăn. Ngài có thể nói về hiện tượng này được không?
Mọi người đều chứa nhiều rác rưởi trong bụng, vì đó là không gian duy nhất trong cơ thể mà bạn có thể kìm nén mọi thứ. Ngoài ra không còn không gian nào khác. Nếu bạn muốn đè nén thứ gì đó, nó phải được kìm nén trong bụng. Bạn muốn khóc - vợ của bạn qua đời, người thân yêu của bạn qua đời, bạn của bạn qua đời - nhưng khóc lóc khiến bạn trông không ổn. Bạn trông như một người yếu đuối khi khóc vì mất đi ai đó, và thế là bạn nén nước mắt. Bạn sẽ cất cơn khóc đó ở đâu? Hiển nhiên, bạn phải kìm nén nó trong bụng. Đó là không gian khả dụng duy nhất trong cơ thể, khoảng trống duy nhất nơi bạn có thể tích trữ mọi thứ.
Nếu bạn kiềm chế mọi thứ trong bụng… Và ai cũng kiềm chế nhiều loại cảm xúc - yêu thương, khao khát tình dục, tức giận, buồn bã, đau thương và thậm chí là vui vẻ. Bạn không thể sảng khoái cười to - nó trông thô lỗ, trông rất khiếm nhã. Tại nhiều nền văn hóa, cười to thành tiếng cho thấy bạn là người vô giáo dục. Vì vậy, bạn đã luôn đè nén mọi thứ. Và bởi vì sự đè nén này, bạn không thể thở sâu, bạn phải thở nông. Nếu bạn thở sâu, những vết thương bị đè nén đó sẽ giải phóng năng lượng của nó. Bạn sợ chuyện đó. Mọi người đều không dám hít thở sâu xuống bụng.
1 Mạng lưới các dây thần kinh ở bụng, phía sau dạ dày.
Khi chào đời, đứa trẻ nào cũng hít thở sâu xuống bụng. Hãy nhìn một đứa trẻ đang ngủ: bụng của nó mới là nơi nhô lên và hạ xuống, không phải ngực. Không có đứa trẻ nào thở từ ngực; chúng thở từ bụng. Lúc này, chúng hoàn toàn tự do, không có gì bị đè nén. Bụng của chúng không chứa sự đè nén nào, và sự trống rỗng đó có nét đẹp riêng đối với cơ thể.
Một khi bụng phải mang quá nhiều sự đè nén, cơ thể bị chia thành hai phần, đó là phần thân dưới và phần thân trên. Khi đó, bạn không còn là một thể; bạn trở thành hai phần. Phần thân dưới là phần bỏ đi. Sự thống nhất đã mất; tính hai mặt đã đi vào bản thể của bạn. Giờ thì bạn không thể xinh đẹp, bạn không thể duyên dáng. Bạn đang mang hai cơ thể thay vì một, và giữa hai cơ thể đó luôn có khoảng cách. Bạn không thể bước đi một cách uyển chuyển; trong chừng mực nào đó, bạn phải mang hai chân của mình. Trên thực tế, nếu cơ thể là một, hai chân sẽ mang bạn. Nếu cơ thể bị chia làm hai, bạn sẽ phải mang hai chân của mình. Bạn phải kéo lê cơ thể của mình; cơ thể giống như một gánh nặng. Bạn không thể tận hưởng một chuyến đi bộ thoải mái, bạn không thể tận hưởng một vòng bơi thoải mái, bạn không thể tận hưởng một cuộc chạy nhanh, bởi vì cơ thể bạn không phải là một thể. Để thực hiện những hoạt động này và để tận hưởng chúng, cơ thể cần được hợp nhất. Bạn phải tái tạo sự hợp nhất; bụng phải được thanh tẩy hoàn toàn.
Để thanh tẩy bụng, bạn cần hít thở thật sâu, bởi vì khi bạn hít vào thật sâu và thở ra thật sâu, bụng sẽ tống khứ hết những gì nó đang chất chứa. Qua các lần thở ra, bụng tự giải phóng những đè nén bên trong. Do vậy nên hít thở sâu mới có ý nghĩa quan trọng. Cần chú trọng việc thở ra để mọi thứ mà bụng đang chất chứa một cách không cần thiết được giải phóng.
Và khi bụng không còn chứa đựng những cảm xúc bên trong nó, nếu bạn bị táo bón thì chứng này sẽ đột nhiên biến mất. Khi bạn đè nén cảm xúc trong bụng, chứng táo bón sẽ xuất hiện bởi vì bụng không được tự do vận động. Bạn đang kiểm soát nó một cách khắt khe; bạn không thể để nó được tự do. Vì vậy, nếu cảm xúc bị đè nén, bạn sẽ bị táo bón. Táo bón là chứng bệnh tinh thần hơn là bệnh thể chất; nó thuộc về tâm trí nhiều hơn cơ thể.
Nhưng hãy nhớ là tôi không chia tâm trí và cơ thể ra làm hai. Chúng là hai khía cạnh của cùng một hiện tượng. Tâm trí và cơ thể không phải là hai thứ; cơ thể của bạn là một hiện tượng mang tính tâm thể. Tâm trí là phần tinh vi nhất của cơ thể và cơ thể là phần thô nhất của tâm trí. Chúng tác động lẫn nhau; chúng song hành với nhau. Nếu bạn đè nén thứ gì đó trong tâm trí, cơ thể sẽ bắt đầu một hành trình đè nén. Nếu tâm trí giải phóng mọi thứ, cơ thể cũng sẽ giải phóng mọi thứ. Đó là lý do tại sao tôi rất thường nhấn mạnh sự thanh tẩy trong các bài thiền của mình. Thanh tẩy là quá trình làm sạch.
Tại Ấn Độ, chúng tôi gọi khu vực đám rối thái dương ở bụng là manipura; nó là trung tâm của mọi xúc cảm. Chúng ta cứ mãi kìm nén cảm xúc của mình trong manipura. Từ manipura có nghĩa là “kim cương” - nhờ có tình cảm, cảm xúc, tiếng cười, tiếng khóc, nước mắt và nụ cười nên cuộc sống mới có giá trị. Cuộc sống có giá trị bởi vì tất cả những điều này; chúng là vẻ huy hoàng của cuộc sống - do đó, luân xa thứ ba, trung tâm năng lượng thứ ba trong cơ thể, được gọi là manipura, luân xa kim cương.
Chỉ con người mới có khả năng có được viên kim cương quý giá này. Các loài động vật khác không biết cười; tất nhiên, chúng cũng không biết khóc. Nước mắt là một phạm trù chỉ có ở con người. Vẻ đẹp của nước mắt, vẻ đẹp của nụ cười, sự thi vị của nước mắt, sự thi vị của nụ cười chỉ có ở nhân loại. Tất cả các động vật khác tồn tại với chỉ hai luân xa, hoặc hai trung tâm năng lượng, đó là luân xa muladhar - còn gọi là trung tâm tình dục, trung tâm của sự sống - và luân xasvadhisthan - đan điền (the hara), hay trung tâm nơi sự sống rời khỏi cơ thể. Động vật được sinh ra và chết đi; giữa hai sự kiện này không có nhiều sự kiện nào khác. Nếu bạn cũng được sinh ra và chết đi, và chỉ có như vậy, bạn là một con vật, bạn chưa phải là con người. Và hàng triệu con người tồn tại chỉ với hai luân xa này; họ không bao giờ tiến xa hơn.
Chúng ta đã được dạy phải kìm nén cảm xúc của mình, chúng ta đã được dạy không được nhạy cảm. Chúng ta đã được dạy rằng cảm xúc không mang lại lợi ích. Hãy thực tế, hãy cứng rắn. Đừng mềm lòng, đừng yếu đuối, nếu không bạn sẽ bị lợi dụng. Hãy cứng rắn lên! Ít nhất thì cũng thể hiện rằng bạn cứng rắn, ít nhất thì cũng giả vờ rằng bạn nguy hiểm, rằng bạn không phải là một người mềm yếu. Hãy tạo ra nỗi sợ quanh bạn. Đừng cười, bởi vì nếu cười, bạn không thể khiến người khác sợ hãi. Đừng khóc; nếu khóc, bạn đang cho người khác biết rằng mình sợ hãi. Đừng thể hiện những mặt hạn chế của bạn. Hãy giả vờ rằng bạn hoàn hảo.
Nếu đè nén trung tâm năng lượng thứ ba này, bạn sẽ trở thành một người giả dối. Các phương pháp của Tantra tập trung nhiều vào việc thả lỏng trung tâm năng lượng này. Cảm xúc phải được giải tỏa, được buông lỏng. Khi cảm thấy muốn khóc, bạn phải khóc; khi cảm thấy muốn cười, bạn phải cười. Bạn phải từ bỏ sự đè nén vô nghĩa này; bạn phải học cách biểu đạt, bởi vì thông qua tình cảm, cảm xúc, sự nhạy cảm của mình, bạn mới đạt được trạng thái rung động cần thiết để giúp quá trình giao tiếp có thể xảy ra.
Bạn chưa từng trải nghiệm chuyện này sao? Bạn có thể nói rất nhiều mà vẫn không truyền đạt được điều mình muốn nói; nhưng chỉ cần một giọt nước mắt lăn trên má của bạn thì mọi thứ đều được tỏ bày. So với lời nói, một giọt nước mắt có thể truyền đạt được nhiều thông điệp hơn. Bạn có thể nói hàng giờ đồng hồ và không có tác dụng gì, nhưng một giọt nước mắt có thể nói lên tất cả. Bạn có thể tiếp tục nói “Tôi rất hạnh phúc, thế này và thế kia…” nhưng khuôn mặt bạn lại cho thấy điều ngược lại. Một tiếng cười, một tiếng cười xuất phát từ chân tâm, có thể nói lên mọi điều và bạn không cần phải nói lời nào cả. Khi bạn nhìn thấy bạn bè của mình, khuôn mặt của bạn vui vẻ rạng ngời.
Trung tâm thứ ba này cần được sử dụng thường xuyên hơn nữa. Nó chống lại quá trình suy nghĩ, vì vậy, nếu cho phép trung tâm này hoạt động, bạn sẽ có thể thả lỏng tâm trí căng thẳng của mình một cách dễ dàng hơn. Hãy thành thật và nhạy cảm; tiếp xúc nhiều hơn, cảm nhận nhiều hơn, cười nhiều hơn, khóc nhiều hơn. Và hãy nhớ, bạn không thể làm nhiều hơn mức cần thiết; bạn không thể làm lố. Bạn thậm chí không thể khóc nhiều hơn mức cần thiết và cũng không thể cười nhiều hơn mức cần thiết. Vậy nên đừng sợ và đừng hà tiện.
Khi bắt đầu thiền, tôi nhận thấy cơ thể và cảm xúc của tôi về cơ thể có nhiều thay đổi. Cách tôi bước đi, cách tôi nhìn lại bản thân mình khi đang tắm, cách tôi cảm nhận khi đang ở trong cơ thể của mình - mọi thứ có vẻ quá khác biệt đến mức tôi gần như không thể nhận ra! Liệu cơ thể có điều chỉnh theo tâm trí không, và tâm trí của tôi có đang bị ảnh hưởng bởi trái tim không?
Con người không phải là một cỗ máy mà là một sinh vật, và bạn cần phải hiểu được sự khác biệt giữa hai thứ này. Cỗ máy có các bộ phận, còn sinh vật thì có các chi. Bạn có thể tháo rời các bộ phận của một cỗ máy; không có thứ gì chết đi. Bạn có thể lắp các bộ phận đó lại với nhau và cỗ máy bắt đầu hoạt động. Nhưng đối với một sinh vật, nếu bạn tháo rời các chi của nó, thứ gì đó sẽ chết. Bạn có thể gắn các chi lại với nhau, nhưng sinh vật đó sẽ không sống lại được. Sinh vật là một thực thể sống; mọi thứ đều được kết nối với nhau.
Bất cứ chuyện gì xảy ra với bạn - dù là trong cơ thể, trong tâm trí, trong trái tim hay trong nhận thức của bạn - đều sẽ làm thay đổi mọi thứ trong toàn bộ tổ chức sống của bạn. Bạn sẽ bị ảnh hưởng như một tổng thể. Các chi của thực thể sống không phải chỉ là các bộ phận được gắn lại với nhau; chúng phức tạp hơn thế.
Một cỗ máy chỉ đơn thuần là sự tổng hợp của các bộ phận. Một sinh vật không chỉ đơn giản là sự tổng hợp của các bộ phận - và yếu tố tạo ra sự “không đơn giản” đó chính là linh hồn của bạn, thứ thâm nhập vào mọi ngóc ngách bên trong bạn. Vì vậy, mọi sự thay đổi, dù xảy ra ở đâu, cũng sẽ tác động đến toàn bộ bản thể của bạn.
Đó là lý do có các phương pháp tập luyện khác nhau. Ví dụ, yoga là một trong những phương pháp nổi bật nhất dành cho những ai đang nỗ lực thấu hiểu bản thân. Nhưng gần như toàn bộ hoạt động của yoga đều diễn ra với cơ thể, với các tư thế của cơ thể. Đó là một nghiên cứu vô cùng vĩ đại; những người tạo ra yoga đã làm một việc gần như bất khả thi. Họ đã nghiên cứu được những tư thế nào sẽ có thể khiến tâm trí bạn đạt được một thái độ nhất định nào đó, khiến trái tim bạn đập theo một nhịp điệu nhất định nào đó, khiến nhận thức của bạn trở nên sắc bén hoặc kém sắc bén hơn. Họ đã xây dựng tất cả các động tác yoga sao cho bạn chỉ cần thực hiện chúng trên cơ thể chứ không chạm vào bất kỳ thứ gì khác, nhưng lại có thể làm thay đổi toàn bộ bản thể của bạn.
Tuy nhiên, thay đổi toàn bộ bản thể bằng cách này là một quá trình kéo dài, tẻ nhạt và khó khăn, bởi vì cơ thể là phần hoàn toàn vô thức của bản thể của bạn. Rèn luyện cơ thể để nó thực hiện những tư thế lạ lùng, không tự nhiên, là một việc rất gian nan. Và bởi vì những người phát triển yoga đã phát hiện ra rằng cuộc sống này không đủ dài để con người có thể tập luyện tất cả các tư thế trên cơ thể, để thay đổi toàn bộ con người bên trong, nên họ cũng là những người đầu tiên trên thế giới nghĩ đến việc kéo dài tuổi thọ của con người để có thể hoàn thành nhiệm vụ này trong một kiếp sống.
Vấn đề của cơ thể là bạn có thể rèn luyện cả đời - sáu mươi năm, bảy mươi năm - và đạt đến một trạng thái nhất định, nhưng cơ thể này của bạn sẽ chết đi. Và khi có một cơ thể mới, bạn sẽ phải bắt đầu lại từ con số không; bạn không thể bắt đầu từ điểm dừng của mình trong kiếp sống trước. Đây là một trở ngại lớn trong yoga, đến mức các yogi1 bắt đầu tìm cách kéo dài tuổi thọ của cơ thể.
Ví dụ, mọi người đều biết đến tư thế ngồi hoa sen mà Đức Phật thường ngồi. Đó là tư thế nổi tiếng nhất. Giờ đây người ta đã phát hiện ra rằng trọng lực ít tác động đến bạn nhất nếu bạn ngồi ở tư thế hoa sen với cột sống hoàn toàn thẳng đứng và toàn thân thư giãn. Trọng lực chính là thứ giết chết bạn; càng bị ảnh hưởng bởi trọng lực, bạn càng bị kéo đến gần với ngôi mộ của mình. Điều này được làm rõ khi Einstein tuyên bố rằng nếu chúng ta có thể tạo ra các phương tiện di chuyển có tốc độ tương đương vận tốc ánh sáng thì những hành khách trên các phương tiện này sẽ không bị lão hóa - không một chút nào. Nếu họ rời trái đất và trở về sau năm mươi năm, những người cùng thời với họ đều đã qua đời. Có lẽ vẫn còn một hoặc hai người cùng thời với họ hấp hối trên giường bệnh, nhưng họ - những người du hành vũ trụ - sẽ trở về trái đất ở đúng độ tuổi như khi họ rời đi.
1 Người luyện tập yoga và có cam kết lâu dài với bộ môn này.
Ý tưởng của Einstein là ở tốc độ ánh sáng, quá trình lão hóa dừng lại. Nhưng đó chỉ là giả thuyết; không có thí nghiệm nào để chứng minh ý tưởng đó. Rất khó tạo ra một phương tiện di chuyển với vận tốc ánh sáng, bởi vì ở tốc độ đó, mọi thứ sẽ bốc cháy. Không có kim loại, không có vật liệu nào thích hợp để tạo ra một phương tiện như vậy, thế nên việc này có vẻ bất khả thi.
Nhưng Einstein không biết về cách yoga lý giải vấn đề này. Nhìn từ góc độ của yoga, người du hành vũ trụ có thể trở về trái đất ở cùng độ tuổi như khi rời đi vì anh ta đã ra khỏi trọng trường; đó là lý do anh ta không thể bị lão hóa. Cách giải thích này có vẻ thực tế hơn nhiều, khoa học hơn nhiều, chứ không chỉ là giả thuyết. Hàng ngàn yogi đã sống thọ hơn bất kỳ ai khác. Họ chỉ cần ngồi trong tư thế hoa sen và thế là trọng lực sẽ ít tác động đến họ nhất.
Tuy nhiên, lý do khiến các yogi quan tâm đến các phương pháp kéo dài tuổi thọ không xuất phát từ ham muốn của họ đối với cuộc sống, mà vì họ đã chọn một phương tiện chuyển hóa rất chậm, đó chính là cơ thể. Nhưng thông qua cơ thể, con người đã đạt đến giác ngộ. Họ đã không làm bất cứ điều gì ngoài việc học và thực hành một số tư thế nhất định. Tâm trí vận hành theo một cách nhất định trong một tư thế nhất định. Trong tư thế này, tâm trí ngừng hoạt động, còn trong một tư thế khác, bạn trở nên rất tỉnh táo…
Bạn cũng có thể thấy chuyện này xảy ra trong đời thường. Tương ứng với từng tâm trạng, cảm xúc và suy nghĩ, cơ thể của bạn sẽ có một tư thế nhất định. Nếu quan sát tỉ mỉ, bạn sẽ thấy được một mối quan hệ đang tồn tại, và mối quan hệ đó là thứ bạn không thể thay đổi được. Ví dụ, đối với một người như tôi - nếu bạn trói hai tay của tôi lại thì tôi không thể nói chuyện được! Chỉ đơn giản là tôi không nói được, chỉ đơn giản là tôi không biết phải làm gì, bởi vì hai tay của tôi có mối liên kết chặt chẽ với cách tôi diễn đạt.
Và bạn phải biết rằng mỗi bàn tay được kết nối với một bán cầu não - tay trái kết nối với bán cầu não phải, tay phải kết nối với bán cầu não trái. Hai bàn tay là phần mở rộng của tâm trí. Vì vậy, mỗi khi nói chuyện, tôi nói thông qua hai phương tiện: lời nói và đôi tay. Mỗi cử chỉ của bàn tay giúp tôi diễn đạt một ý tưởng nhất định nào đó. Nếu bị trói tay, tôi không thể nói được gì. Tôi đã thử làm chuyện này, và tôi thấy việc nói chuyện bỗng nhiên trở nên vô cùng khó khăn. Tôi muốn nói điều này nhưng tôi lại nói sang điều khác. Nguyên nhân là vì nhịp điệu của đôi tay tôi đã bị xáo trộn.
Từ vị trí thấp nhất đến vị trí cao nhất trong bạn, mọi thứ đều được kết nối. Yoga đã và đang tác động đến cơ thể; đó là một quá trình dài, gian khổ và có lẽ là không có tương lai, trừ khi khoa học chung tay hỗ trợ. Khi đó, có lẽ sẽ có sự bùng nổ. Yoga là một trong những bộ môn khoa học cổ xưa nhất do con người phát triển. Nó có lịch sử ít nhất là năm ngàn năm. Nếu không có sự hợp tác của khoa học thì những đòi hỏi của yoga là quá sức thực hiện. Con người hiện đại không thể có nhiều thời gian như vậy; phải tìm ra những con đường ngắn hơn.
Nếu bạn đang rèn luyện thông qua tâm trí, đó là con đường ngắn hơn so với con đường thông qua cơ thể và quá trình rèn luyện cũng dễ dàng hơn, bởi vì đối với tâm trí, bạn không phải làm gì nhiều, chỉ cần phát triển nhận thức, chỉ cần chú tâm quan sát. Không cần phân tích phân tâm học - vì nó chỉ lại kéo dài quá trình hơn mức cần thiết. Yoga ít ra còn có điểm dừng, còn phân tâm học thì không có hồi kết bởi tâm trí không ngừng tạo ra những dữ kiện vô nghĩa mới mỗi ngày; và nó làm việc đó rất tốt. Bạn cứ phân loại những giấc mơ và tâm trí cứ tạo ra những giấc mơ mới. Tâm trí tài tình đến mức có thể tạo ra một giấc mơ mà trong đó bạn thấy mình đang ngủ và đang mơ, và trong giấc mơ đó, bạn lại đang ngủ và đang mơ. Nó có thể rất phức tạp. Và việc phân tích toàn bộ những thứ vô giá trị này giúp ích được đôi chút, mang tới một chút nhẹ nhõm, nhưng đó là một quá trình không có hồi kết.
Những ai thật sự rèn luyện tâm trí đều học cách quan sát tỉ mỉ, học cách chứng kiến; và khi bạn quan sát tâm trí, tâm trí từ từ trở nên im lặng, ngừng tuôn ra những suy nghĩ ngớ ngẩn và trở nên tĩnh lặng. Khi tâm trí trở nên tĩnh lặng, cơ thể của bạn sẽ bắt đầu quá trình thay đổi, những thay đổi vô cùng tuyệt vời - và đó là những gì đang xảy ra với người đặt câu hỏi trên. Bạn sẽ thấy cơ thể đang vận hành theo những cách mới; nó chưa bao giờ hoạt động theo kiểu này. Cơ thể đang bước đi theo cách khác, các cử chỉ của nó cũng thay đổi. Khi tâm trí của bạn trở nên tĩnh lặng, cơ thể của bạn cũng bắt đầu trở nên tĩnh lặng; có một sự tĩnh tại nhất định trong cơ thể, một sự sống động mà bạn chưa từng cảm nhận được trước đây. Bạn đã luôn ở trong cơ thể nhưng bạn chưa từng cảm nhận nó một cách sâu sắc như vậy, bởi vì tâm trí vẫn luôn khiến bạn bận rộn. Tâm trí là một rào cản khiến cho nhận thức của bạn không bao giờ được kết nối với cơ thể.
Giờ đây, khi tâm trí đã im lặng, nhận thức của bạn lần đầu tiên chú ý đến cơ thể. Vì vậy, một người ngộ đạo có những cử chỉ riêng; bước đi của ông ấy khác biệt, cái nhìn của ông ấy cũng khác. Mọi thứ đều khác vì lúc này không có tâm trí. Cơ thể lúc này không tuân theo tâm trí; tâm trí không cản đường. Bây giờ, cơ thể tuân theo nhận thức, phần đặc trưng cốt lõi nhất trong bản thể của bạn.
Vì vậy, khi những thay đổi bắt đầu xảy ra trong cơ thể, hãy quan sát chúng và vui mừng. Hãy tỉnh thức hơn và nhiều thay đổi khác sẽ xuất hiện. Hãy ý thức hơn và bạn sẽ thấy rằng ngay cả cơ thể cũng bắt đầu có ý thức của riêng nó. Và khi ngày càng trở nên tỉnh thức cũng như có ý thức hơn, bạn sẽ cảm thấy yêu thương cơ thể mình hơn, có lòng trắc ẩn với cơ thể mình hơn; bạn sẽ cảm thấy gần gũi hơn và thân mật hơn, một kiểu tình bạn mới nảy sinh. Từ trước đến nay, bạn chỉ sử dụng cơ thể. Bạn chưa từng nói dù chỉ một lời cảm ơn với cơ thể của mình, và nó đã luôn phục vụ bạn theo mọi cách có thể. Vì vậy, đây là một trải nghiệm hữu ích. Hãy để trải nghiệm này được diễn ra mạnh mẽ hơn và giúp nó. Và cách duy nhất để giúp nó là hãy trở nên tỉnh táo hơn.