Giai đoạn 0 - 6 tuổi là giai đoạn quan trọng nhất cho sự hình thành và phát triển ngôn ngữ của trẻ. Bởi lẽ, trong giai đoạn này, nếu trẻ không được tiếp xúc với môi trường ngôn ngữ tự nhiên thì về sau chúng không thể hoặc rất khó có năng lực ngôn ngữ như bình thường. Sự phát triển ngôn ngữ và các kĩ năng giao tiếp của trẻ trong giai đoạn này quan trọng đối với cả việc phát triển các tế bào thần kinh lẫn việc hình thành các mối liên kết giữa các tế bào thần kinh - cơ sở vật chất quyết định lượng và chất ngôn ngữ và tri thức của trẻ sau này. Đồng thời, đây cũng là giai đoạn trẻ tương tác trong môi trường gia đình nhiều nhất (giai đoạn này, gia đình trẻ nói bao nhiêu ngôn ngữ và nói loại ngôn ngữ nào thì trẻ có khả năng nói/ thụ đắc ngần ấy ngôn ngữ và loại ngôn ngữ một cách tự nhiên, nhanh chóng, hiệu quả và dễ dàng nhất); trẻ chuẩn bị nhiều nhất cho việc đến trường; các bệnh liên quan đến sự phát triển ngôn ngữ và một số bệnh khác (như tự kỉ, rối loạn cảm xúc, hành vi) được bộc lộ chủ yếu ở giai đoạn này.
Số lượng và phẩm chất, cách thức vận hành ngôn ngữ của trẻ trong những năm đầu đời là một chỉ số vô cùng giá trị đối với việc tiên lượng sự phát triển toàn diện ở trẻ, đặc biệt là sự phát triển về mặt trí tuệ và năng lực học hỏi, biểu đạt của trẻ về sau này. Trẻ có năng lực ngôn ngữ tốt thì khả năng bộc lộ biểu đạt ý tưởng, cảm xúc, lập luận và và xử lí vấn đề mới tốt.
Năng lực ngôn ngữ tốt thì năng lực tư duy, thiết lập và duy trì các quan hệ xã hội, năng lực phát hiện, đối mặt và giải quyết vấn đề… cũng theo đó mà được củng cố, phát triển, dẫu rằng không có sự tương ứng và song hành một - một. Hơn nữa, năng lực ngôn ngữ còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc tương tác bạn bè và học tập ở trường, bởi nó quyết định cả khả năng đọc hiểu, nghe hiểu và sản sinh lời nói cả dạng viết và nói về những tri thức được truyền thụ trong nhà trường.
Hiểu được như vậy nên việc tác động vào cơ chế phát triển, thụ đắc ngôn ngữ tự nhiên của trẻ là việc làm vô cùng quan trọng.
Giai đoạn 3 - 6 tuổi
Đây là giai đoạn mà chúng ta sẽ chứng kiến sự phát triển vượt bậc về chất và lượng trong ngôn ngữ của trẻ. Ở giai đoạn này, các lỗi cơ bản về cách phát âm, ngữ pháp, cách sử dụng từ ngữ đã được trẻ tự khắc phục, loại bỏ dần dần. Trẻ dễ dàng nói được các câu có 5 - 6 từ. Đến năm tuổi, trẻ có thể đã có khoảng 5.000 từ. Trẻ nói đã rõ ràng, với một đứa trẻ nói ngọng, người lạ cũng có thể hiểu đến 75% những gì chúng nói. Trẻ gần như có thể hiểu hết những gì nghe được hay chủ động tiếp xúc. Trẻ có thể bắt chước lời nói của người lớn một cách chính xác. Trẻ cũng có thể phát âm chính xác các chữ cái hay các âm riêng rẽ khi chúng ta dạy trẻ, kể cả những chữ cái hay âm không có trong ngôn ngữ mẹ đẻ. Các kĩ năng giao tiếp được phát triển rất nhanh. Trẻ biết chủ động gây sự chú ý hay thiết lập quan hệ bằng lời nói (như rủ bạn chơi). Trẻ dễ dàng kể lại một câu chuyện đã nghe, cũng dễ dàng tưởng tượng ra các câu chuyện, tình huống chuyện chưa bao giờ gặp để kể lại cho người khác (về siêu nhân, về ông tiên, về kho báu, về công chúa ngủ trong rừng…). Bên cạnh đó, trẻ rất thích những bài hát, bài vè có vần, có điệu, ngay cả khi chúng không có nghĩa gì cả. Trong cách nói của trẻ, các phạm trù về thời gian (như trình tự sự kiện), không gian (như trật tự, khoảng cách sự vật), số lượng… đã được trẻ thể hiện khá chính xác. Trẻ hiểu được mình bao nhiêu tuổi, cầm tinh con gì, sinh tháng năm nào, đang ở đâu, có bố mẹ làm nghề gì… Trẻ hiểu được phạm trù giống nhau và khác nhau. Lời nói của trẻ đã có những từ nối (và, rồi…). Trẻ thường xuyên sử dụng câu hỏi để giao tiếp với người thân (như làm gì, ở đâu, cái gì, vì sao, để làm gì, như thế nào…). Trong vốn ngôn ngữ của trẻ, bên cạnh các từ đơn, câu đơn, đã có cả những từ ghép và câu ghép. Chính vì thế mà trẻ có thể miêu tả, giải thích một sự vật hay sự việc nào đó dù là hiện diện hay vắng mặt trước trẻ, và bản thân trẻ cũng rất thích nghe người khác miêu tả, giải thích về một cái gì đó. Trẻ đã chủ động tham gia nói chuyện với người khác. Các nhu cầu, trạng thái của bản thân đều có thể được trẻ nói ra một cách rõ ràng và trực tiếp. Trẻ đã biết đưa ra những lời hướng dẫn tường minh cho người khác làm, cũng như biết sử dụng ngôn ngữ để tranh luận để bảo vệ mình. Khi vui chơi, trẻ tự biết dùng ngôn ngữ để điều tiết trò chơi (xử lí mâu thuẫn, đưa ra quy tắc chơi, quy tắc thưởng, quy tắc phạt…). Ngôn ngữ và nhận thức cá nhân cái tôi của trẻ được thể hiện rất rõ, trẻ luôn coi mình là trung tâm. Trẻ cũng rất thích khám phá, trải nghiệm... Vì thế trẻ thường hay sử dụng những từ như đi, chơi, làm, làm được, có, có được, được… Ở giai đoạn này, những hoạt động lời nói phức tạp tưởng chừng như chỉ có ở người lớn cũng đã xuất hiện trong lời nói của trẻ (ví dụ như cách lập luận: nếu bạn A chơi thì tớ không chơi nữa, cách ra điều kiện cho một trò chơi: tớ cho bạn cái này thì bạn cho tớ mượn cái kia…).
Bắt đầu từ bốn tuổi trở đi, trẻ đã khá thành thục với tiếng mẹ đẻ. Trẻ hiểu được vai trò và sức mạnh của ngôn ngữ trong giao tiếp, biết sử dụng ngôn ngữ vào tất cả các hoạt động tương tác, tiếp xúc hàng ngày. Trẻ cũng hiểu rằng ngôn ngữ có thể tồn tại dưới cả dạng nói và dạng viết, có thể lưu truyền dưới nhiều hình thức khác nhau. Và cho đến trước khi bước chân vào lớp một, nhìn chung trẻ đã có thể khắc phục triệt để lỗi phát âm, chiếm lĩnh được toàn bộ vốn ngữ pháp và ngữ dụng trong ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Trẻ cũng đã có đủ số lượng từ vựng cần thiết để đáp ứng tất cả các nhu giao tiếp xã hội của mình.
Đối với trẻ em, sự phát triển nói chung cũng như sự phát triển ngôn ngữ nói riêng là sự phát triển tuần tự, từ thấp đến cao, giai đoạn phát triển sau chỉ có thể đến được và được xác lập khi trẻ đã trải qua giai đoạn phát triển trước đó. Có thể hiểu một cách đơn giản như thế này: trẻ chưa phát ra được những tiếng vô nghĩa thì cũng không thể tự nói ra được những từ có nghĩa, trẻ không phát âm được các từ rõ ràng thì cũng không thể nói được một câu trơn tru, trẻ không nắm được ý nghĩa của các từ thì cũng không thể nói ra được những câu có ý nghĩa, trẻ không nói ra được những câu ngắn và sai thì cũng không thể nói ra được những câu dài và đúng... Hiểu được điều này, chúng ta mới có thể tác động đúng, phù hợp, nhanh chóng và hiệu quả đến quá trình phát triển ngôn ngữ bình thường, tự nhiên của trẻ.
Những điều bạn có thể làm để phát triển ngôn ngữ cho con:
1. Trò chuyện, trò chuyện và trò chuyện: Trẻ học ngôn ngữ một cách tự nhiên, vì thế, việc bạn trò chuyện nhiều sẽ là cơ hội quý giá để con có thể tiếp thu vốn từ, học về ngữ pháp.
Trong quá trình trò chuyện, bạn có thể phân ra:
Trò chuyện ngẫu hứng: nghĩa là tất cả những chuyện gì bạn có thể hỏi, trao đổi, miêu tả, giải thích cùng con.
Trò chuyện có chủ đích: là cuộc trò chuyện theo một chủ đề nào đó, ví dụ về thời tiết, về món ăn, về đồ chơi, về các quốc gia... Với cuộc trò chuyện này, bạn nên chuẩn bị “đồ dùng” như tranh ảnh, vật thật để minh họa. Và bạn cũng nên tìm hiểu thông tin để cung cấp cho con nhé.
Điều lưu ý là để việc trò chuyện diễn ra có hiệu quả, bạn cần thật sự chuyên tâm. Đừng vừa nói chuyện vừa xem điện thoại hoặc nói với thái độ lơ đễnh. Con bạn sẽ cảm nhận được điều đó và bé sẽ kém hào hứng.
Trong khi nói chuyện, hãy tập để trẻ tương tác mắt - mắt bằng cách nhìn vào con, đôi khi nói thầm.
Bạn cũng đừng ngại nói những từ nào mà bạn lo trẻ sẽ không hiểu. Đặt trong bối cảnh giao tiếp, trẻ sẽ hiểu và có thêm những từ mới. Vì thế, bạn cũng ý thức về việc lựa chọn những từ cho hay, cho đẹp nhé.
2. Chơi các trò chơi ngôn ngữ
Đây là cách vô cùng hiệu quả để giúp trẻ tăng cường khả năng ngôn ngữ mà trẻ lại rất thích. Trò chơi ngôn ngữ thì có nhiều nhưng chúng mình gợi ý cho bạn một số trò đơn giản nhé:
Ví dụ: Trò chơi tìm từ không cùng loại: Bạn đưa ra 4 từ trong đó có một từ “khác loại”. Nhiệm vụ của trẻ là tìm ra từ đó và giải thích vì sao từ đó lại khác.
Việc làm này giúp cho trẻ tăng cường vốn từ đồng thời hiểu nghĩa của từ. Trẻ cũng sẽ biết cách giải thích để thuyết phục người chơi.
Bạn đừng cố định một đáp án nào cả, miễn là cách giải thích của con có thể chấp nhận được.
Sau đây là một số những câu hỏi gợi ý cho trò chơi này. Các bạn có thể dựa vào đây để sáng tạo ra hàng nghìn câu khác. Từ khác loại có thể là:
* Không cùng từ loại (danh từ, động từ, tính từ…)
* Không cùng màu sắc
* Không cùng hình dáng
* Không cùng chủng loại
* Không cùng số tiếng (nhưng hạn chế loại này vì dễ quá)
* Không cùng trường nghĩa
- Trong khi hỏi bé, nếu bạn kết hợp được với hình ảnh hoặc giải thích thêm cho bé về những từ đó (hình dáng, công dụng, màu sắc) thì sẽ rất tuyệt vời. Vì bé sẽ tích lũy thêm kiến thức và tăng cường vốn từ.
- Bạn nên khuyến khích việc con tự nghĩ ra câu đố. Đó chính là mức độ cao của việc quan sát và sử dụng từ ngữ.
- Trò chơi này có thể chơi bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, miễn là bố mẹ và con đi cùng nhau. Bạn cứ thử chơi xem, một thời gian sau bạn sẽ thấy, ngay cả chính bạn cũng yêu ngôn ngữ hơn.
- Bạn có thể tăng dần độ khó của câu đố. Càng về sau càng nên khuyến khích những câu có liên quan đến vấn đề ngôn ngữ (ví dụ từ đồng âm, đồng nghĩa, nhiều nghĩa, từ láy…). Sau đây là một số ví dụ:
1. Xe đạp, xe máy, tàu thủy, ô tô (tàu thủy vì đi dưới nước chứ không đi trên đường như các từ còn lại)
2. Máy tính, điện thoại, bàn học, ti vi (bàn học vì không phải là thiết bị điện tử)
3. Quyển sách, quyển vở, cái bút, cái cân (cái cân vì không phải đồ dùng học tập)
4. Con mèo, con chó, con chim, con lợn (con chim là từ không cùng loại vì có hai chân hoặc vì nó biết bay).
5. Con mèo, con chó, con khỉ, con lợn (con khỉ vì là con vật sống trong rừng)
6. Con gấu, con bò, con trâu, con lợn (con gấu vì sống trong rừng)
7. Con mèo, con gấu, con hổ, con sư tử (con mèo vì là con vật nuôi trong nhà)
8. Rau muống, rau ngót, rau thơm, rau cải (rau thơm vì dùng làm gia vị)
9. Rau cải, rau mùng tơi, rau muống, rau ngót (rau mùng tơi vì tên được viết bằng hai tiếng)
10. Hành tây, rau cải, rau khoai, rau bí (hành tây vì là loại củ)
11. Quả ớt, quả bí, cà rốt, quả cà (cà rốt vì là loại củ)
12. Quả cà, quả lê, quả ổi, quả táo (quả cà vì thuộc loại rau)
13. Quả táo, quả ổi, quả cà, quả bí (quả bí vì có hình dáng dài chứ không tròn)
14. Màu xanh, màu đỏ, tím ngắt, màu hồng (tím ngắt vì chỉ mức độ của tím chứ không chỉ một màu. Nếu bé lớn hơn, với câu này có thể giải thích “tím ngắt” là tính từ còn các từ còn lại là danh từ.)
15. Hoa lan, hoa hồng, hoa huệ, hoa mướp (hoa mướp vì không phải hoa để bày cắm trong nhà)
16. Hoa hồng, hoa sen, hoa đồng tiền, hoa ly (hoa đồng tiền vì tên gọi ghép bởi hai tiếng)
17. Hoa hướng dương, hoa đồng tiền, hoa hồng, hoa hải đường (hoa hồng vì tên gọi chỉ có một tiếng chứ không phải hai tiếng như ba loại hoa còn lại)
18. Hoa hồng, hoa lan, hoa sen, hoa cúc (hoa hồng vì tên hoa chỉ màu sắc)
19. Hoa cúc, hoa hướng dương, hoa hồng vàng, hoa nhài (hoa nhài vì đó là hoa có màu trắng, các loại còn lại màu vàng.
20. Hoa sen, hoa hồng, hoa cúc, hoa nhài (hoa sen vì hoa mọc ở dưới nước)
21. Bánh rán, bánh nướng, bánh chuối (bánh chuối vì chỉ chất liệu để làm bánh chứ không phải chỉ cách làm bánh)
22. Bánh trứng, bánh chuối, bánh rán (bánh rán vì chỉ cách làm chứ không phải chỉ chất liệu để làm bánh)
23. Nồi lẩu, nồi rán, nồi nhôm (nồi nhôm vì chỉ chất liệu làm ra nồi chứ không phải công dụng của nồi)
24. Nồi lẩu, nồi rán, chảo gang, nồi áp suất (chảo gang vì cùng là đồ để nấu nhưng là chảo không phải nồi)
25. Đũa cả, đũa tre, đũa nhựa (đũa cả vì chỉ loại đũa (to) chứ không phải chỉ chất liệu để làm)
26. Dép lê, dép quai hậu, dép xăng đan (dép lê vì tên gọi chỉ có một tiếng)
27. Quần đùi, quần dài, quần lửng, quần nam (quần nam vì chỉ đối tượng dùng quần - quần dành cho nam, các loại còn lại chỉ hình dáng của quần)
28. Áo sơ mi, áo cộc tay, áo len, áo dài tay (áo len vì chỉ chất liệu làm ra áo, các loại còn lại chỉ kiểu áo)
29. Áo cổ tim, áo cổ chữ V, áo không cổ, áo cổ lá sen (áo không cổ vì áo… không có cổ, các loại còn lại đều có cổ)
30. Cát, đá, thép, gạch (thép vì là kim loại)
31. Mắt, mồm, mũi, tay (tay vì không bắt đầu bằng âm đầu m)
32. Vòng cổ, vòng tay, nhẫn, khuy áo (khuy áo vì không phải đồ trang sức)
33. Cúc áo, quần dài, cổ áo, tay áo (quần dài vì không phải một bộ phận của cái áo)
34. Thuốc cảm, thuốc ho, thuốc đau mắt, thuốc bổ (thuốc bổ vì đó là tên chỉ loại chung chứ không phải chỉ từng loại thuốc cho từng loại bệnh như ba loại còn lại)
35. Bà nội, bà ngoại, chú, dì (chú vì đó là chỉ con trai, chứ không phải là phụ nữ)
36. Bà nội, bà ngoại, bà già, bà dì (bà già vì đó không phải là từ để gọi người có quan hệ họ hàng trong gia đình)
37. Hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật, hình tứ giác (hình tròn vì không có bốn cạnh như các hình còn lại)
38. Ăn, uống, hát, vui (vui vì không chỉ hoạt động của cơ thể mà chỉ cảm xúc (trạng thái) - với các bạn lớn hơn có thể giải thích đó là tính từ chứ không phải động từ như các từ còn lại)
39. Đẹp, xinh, nói, tươi (nói vì đó là chỉ hoạt động chứ không phải chỉ tính chất. Với các bạn lớn hơn có thể giải thích đó là động từ chứ không phải tính từ như các từ còn lại)
40. Hái, vặt, ngắt, trèo (trèo vì các từ còn lại đều chỉ hành động làm đứt, rời một vật gì đó)
41. Lá ổi, lá mít, lá vàng, lá sen (lá vàng vì không chỉ tên các loại lá như các từ còn lại)
42. Nhụy hoa, đài hoa, rễ cây, nụ hoa (rễ cây vì không chỉ bộ phận của bông hoa)
43. Quả vải, quả táo, quả mít, quả bầu (quả bầu vì có hình dáng dài chứ không tròn như các loại quả còn lại)
44. Ngón tay, cầm tay, bàn tay, móng tay (cầm tay vì không chỉ các bộ phận trên bàn tay mà chỉ hoạt động)
45. Mầm cây, chồi cây, nụ hoa, mặt đất (mặt đất vì không phải các bộ phận của cây như các từ còn lại)
46. Trái đất, trái bòng, trái táo, trái cam (trái đất vì không chỉ loại quả. Với các bé lớn hơn có thể giải thích về sự chuyển nghĩa của từ “trái”)
47. Trống, đàn, hát, kèn (hát vì không phải chỉ tên các nhạc cụ)
48. Biểu diễn, trình diễn, biểu cảm, trình bày (biểu cảm vì không phải chỉ các hoạt động trên sân khấu)
49. Số 1, số 2, số đếm, số 100 (số đếm vì không biểu thị một con số cụ thể)
50. Vài cái, dăm cái, mấy cái, năm cái (năm cái vì biểu thị số lượng cụ thể (5) chứ không phải số ước chừng như các từ còn lại.
3. Đọc sách cùng con
Có lẽ không có cách nào hữu hiệu và thú vị để phát triển ngôn ngữ cho trẻ hơn là việc đọc sách.
Chỉ cần bạn bỏ ra 20 phút mỗi ngày bạn có thể hình thành thói quen đọc sách cho con.
Vậy để sách có hiệu quả với bé, bạn NÊN làm gì? Khi đọc sách có nên hướng dẫn trẻ “đọc sâu”?
Quan điểm cá nhân của gia đình mình là: Cần thiết, rất cần thiết để hướng dẫn trẻ “đọc sâu” hay còn gọi là “đọc hiểu”. Vì những lý do sau:
* Ở lứa tuổi còn nhỏ, đặc biệt là tiền học đường, việc dạy trẻ biết sâu tốt hơn là biết rộng. Như kiểu dựng cho móng chắc thì hãy chồng tầng. Chúng ta thường gặp những bạn nhỏ ở giai đoạn 3 - 5 tuổi biết rất nhiều nhưng đến khi đi học tiểu học, tự nhiên thấy “chững” lại. Lý do thì nhiều nhưng chủ yếu vẫn là, khi các bạn nhỏ, thấy các bạn ham hiểu biết, có tư duy nhạy bén thế là bố mẹ hàng ngày cung cấp cho các bạn rất nhiều, rất nhiều thông tin. Và rồi rất vui mừng khi thấy con nhớ hết. Điều đó tạo nên thói quen và cho các bạn cảm giác mình “biết” nhiều. Cảm giác thích thú này có thể không kéo dài những năm sau. Việc đọc sách vừa đủ nhưng khai thác sâu sẽ cho các bạn kĩ năng làm việc với sách.
* Điều gì làm nên một câu chuyện, một cuốn sách? Đó là các yếu tố liên quan đến: nhân vật, bối cảnh (thời gian, địa điểm), diễn biến, cách giải quyết… Đó cũng là: bìa sách, hình vẽ, lời thoại, từ ngữ. Nếu hiểu được những điều này thông qua sự hướng dẫn của người lớn sẽ thuận lợi cho quá trình viết văn của trẻ sau này.
Trong quá trình cùng con đọc sách, chúng mình thường khuyến khích con:
Ghi dấu ? vào những chỗ con chưa hiểu.
Ghi dấu ! vào những chỗ con thấy ngạc nhiên. Ghi dấu <3 vào chỗ con yêu thích.
Ghi dấu ~ vào chỗ con thấy giống với những câu chuyện mà con đã được đọc.
Đây cũng là một trong những kĩ năng “ghi chú” cần thiết rất có lợi trong việc làm các bài đọc hiểu tiếng Anh sau này.
* Trong chương trình giáo dục phổ thông vừa ban hành, kĩ năng đọc hiểu rất được coi trọng. Đọc hiểu sẽ không chỉ xuất hiện trong môn Ngữ văn mà còn tích hợp trong các môn học khác như Khoa học, Lịch sử… Các thể loại đọc hiểu cũng càng ngày càng được mở rộng, không chỉ đọc văn bản mang tính nghệ thuật mà còn đọc các văn bản thông tin (đọc bảng nội quy, thông báo, đơn từ, các bản hướng dẫn ngắn…). Vì thế, bạn hoàn toàn có thể chuẩn bị cho con kĩ năng này. Ví dụ, cả nhà đi vào khách sạn, có thể đọc bản nội quy rồi hỏi con một vài điều xung quanh những quy định đó, thế cũng được coi là “đọc hiểu” rồi.
* Bạn đừng lo rằng, đọc mà cứ phải gắn với tìm hiểu thì mệt lắm. Không, vấn đề là do cách khai thác thôi. Ví dụ đọc xong một câu chuyện mà cả nhà diễn rối tay về câu chuyện đó với nhau thì vui quá còn gì.
Có thể hướng dẫn con cách để mở rộng câu (rèn luyện ngữ pháp) lấy từ ý chính trong câu chuyện.
Ví dụ, với chuyện Ngôi nhà bé nhỏ.
Câu ngắn là: Tôi thích ngôi nhà bé nhỏ vì nó nằm ở vùng quê.
Câu mở rộng: Tôi thích ngôi nhà bé nhỏ vì nó nằm ở vùng quê, cạnh sườn đồi hoa cúc trắng.
Câu mở rộng hơn nữa: Tôi thích ngôi nhà bé nhỏ vì nó nằm ở vùng quê, cạnh sườn đồi hoa cúc trắng và nó có thể ngắm cảnh sắc thay đổi theo bốn mùa.
Cứ thế, bạn có thể khuyến khích con viết thành đoạn văn.
* Bạn cũng đừng cho rằng, trời ơi, đọc mà làm vậy thì lấy đâu ra thời gian. Đọc hiểu có thể tiến hành bất cứ khi nào bạn gần con và con thì hứng thú. Đọc hiểu có thể lồng trong hoạt động chơi. Đọc hiểu có thể diễn ra trước giờ đi ngủ. Khi muốn, bạn sẽ tìm ra cách thức còn khi không muốn, bạn sẽ tìm được lý do.
* Đọc hiểu sẽ là phương tiện tuyệt vời để… học vẽ. Mà trẻ con, hầu như chưa thấy em nào không thích vẽ vời, chơi với màu. Vì đọc hiểu cần để minh họa cho câu chuyện: Vẽ lại các phần của câu chuyện, vẽ lại bức tranh thích nhất, vẽ lại nhân vật trong truyện, vẽ lại tóm tắt câu chuyện… Nói chung là thỏa sức vẽ vời. Nhất cử lưỡng tiện.
* Đọc hiểu là chất “kết dính” cho một tình bạn giữa bố mẹ và con cái. Đọc sách cho con đã là tuyệt vời rồi nhưng nếu cả nhà cùng nhau tranh luận, chuyện trò về câu chuyện thì sẽ đem lại cho con những kí ức thần tiên thơm ấm.
Bạn có thể đọc bài thơ này cho con trước khi cả nhà cùng đọc sách nhé!
Chạm gối vào mẹ
Sách để trên lòng Tay nắm lấy nhau
Chạm gối chạm gối
Mẹ nhìn vào sách
Em giở từng trang
Cất tiếng đọc vang
Chạm gối chạm gối
Kệ cho trời tối
Bên ánh đèn vàng
Từng trang từng trang
Chạm gối chạm gối…
Bài thơ miêu tả hình ảnh hai mẹ con ngồi cạnh nhau, chạm gối vào nhau và sách để ở giữa. Và con thì cứ đọc thôi…
Vậy khi đọc sách, bạn KHÔNG NÊN làm gì?
* Vừa đọc vừa kiểm tra kiến thức
Đây là một đoạn hội thoại của mẹ và con khi mẹ đọc cho con nghe câu chuyện: Ba chú lợn con.
Có ba chú lợn con. Chúng sống với nhau ở trong rừng. Chú thứ nhất…
Mẹ: Đố con biết, ngôi nhà này màu gì? Con: Màu nâu.
Mẹ: Thế màu nâu tiếng Anh là gì?
Con: Là blue
Mẹ: Ôi, sao lại là blue, con quên rồi à, là brown. Nhắc lại cho mẹ xem màu nâu là gì. Rồi, thế màu xanh là gì? Màu đỏ là gì?...
Cứ thế, mẹ “nhân tiện” dạy về màu sắc của các màu.
Đến khi quay lại câu chuyện thì con sẽ chẳng còn hứng thú gì nữa đâu.
* Vừa đọc vừa tranh thủ giáo dục đạo đức
Và đây là một mẩu hội thoại khác với câu chuyện trên.
Mẹ: Chú lợn đã dùng gì để lợp nhà nhỉ? Đúng rồi, dùng rơm. Con có nhớ cái đống rơm ở sân nhà bà nội mà con chạy chơi xong bị ngã ở đấy không? Con hay chạy nhảy lung tung lắm, từ lần sau đi đâu con phải nghe lời mẹ nhé.
Nói thế là các bạn bắt đầu thấy “sợ” sách rồi đó.
Tiếp theo kết thúc câu chuyện, mẹ lại hỏi: Con thấy chú lợn thứ ba có điểm gì tốt? Con học được đức tính gì của chú?
Con còn đang lúng túng, mẹ lại giải thích: Chú lợn thứ ba chăm chỉ, biết lo xa. Con phải học tập theo như thế nhé.
Các bạn ơi, những câu chuyện không phải là sách giáo khoa, đọc mà cứ bị “giáo huấn” như thế thì căng thẳng lắm. Các bạn nhỏ thích truyện đôi khi vì những chi tiết rất “lãng xẹt”, ví dụ về một cô bé luôn móc mũi để… ăn chứ có khi chẳng vì những điều cao siêu đâu.
Vì thế, đọc sách và tương tác cùng với con cũng là điều mà các bố mẹ cần tập luyện. Cho đến khi nào con thấy thật hứng thú, bạn thấy thật thoải mái. Đó chính là khi sách đã trở thành người bạn đáng yêu trong gia đình của bạn rồi.