Vào lớp 1, các bé sẽ làm quen với khái niệm TIẾNG - TỪ - CHỮ- ÂM - CHỮ CÁI. Nhưng đều là theo cách rất tự nhiên: cô nhắc nhiều lần và các bé nhớ.
Các bé sẽ hiểu: Đơn vị phát âm tự nhiên, nhỏ nhất là tiếng (ví dụ câu “Con yêu mẹ” có ba tiếng), các tiếng khi viết thì được viết tách rời và gọi là Chữ (câu trên có ba chữ).
Các chữ được tạo bởi chữ cái. Ví dụ: Chữ “Mẹ” có hai chữ cái là m và e.
Các bé cũng sẽ biết cách đánh vần một cách chính thống (từ âm đầu ghép với phần vần - thanh điệu - thành tiếng, ví dụ: tiếng “thiện” thờ - iên - thiên - nặng - thiện).
Trong tiếng Việt có một số trường hợp bất quy tắc đó là một âm ghi bằng hai hoặc ba con chữ hoặc một âm có những cách ghi khác nhau. Trường hợp c, k, q mà mọi người tranh luận nhiều trong thời gian qua là một trong số những bất quy tắc đó vì một âm (cờ) ghi bằng ba con chữ.
Để giải quyết bất hợp lý này, chương trình Tiếng Việt tiểu học đại trà chủ trương phân biệt chính tả cho học sinh dễ đánh vần trong giai đoạn đầu học vần.
Tiếng có âm đầu “c” thì đánh vần là “cờ”.
Tiếng có âm đầu “k” thì đánh vần là “ka”
Tiếng có âm đầu “q”thì ghép luôn với âm đệm “u”
để thành tổ hợp “quờ”.
Ví dụ: Cờ - a - ca - sắc - cá; ka - iêm - kiêm - sắc - kiếm; quờ - yên - quyên.
Chỉ duy nhất có tiếng “quốc” là đặc biệt nhất do âm đệm (u) và âm đứng phía sau (ô) đều là tròn môi nên khi đánh vần, thêm cho phần vần một âm u (để dễ phát âm) nên thành vần “uốc”: quờ - uốc - quốc - sắc - quốc (để phân biệt với “cuốc” trong từ “cái cuốc”, đánh vần là cờ - uốc - cuốc - sắc - cuốc). Việc bỏ đi một âm u này cũng giống như việc bỏ đi một âm i trong tiếng “gì” - giờ (hoặc gi) - i - gii - huyền- gì.
Việc dạy học vần theo cách trả về đúng bản chất ngữ âm (âm “cờ” cho cả ba chữ) của bộ sách giáo khoa thực nghiệm cũng không gây khó khăn cho các bé đâu, các bạn yên tâm nhé.
Còn một số những vấn đề khác nảy sinh trong quá trình học vần. Ví dụ, hôm trước có một bạn kể chuyện con bạn đi học về thắc mắc, tại sao không viết là Ă giời ơi mà viết là Á giời ơi thì nguyên nhân là: “ă” chỉ là chữ cái còn “á” là tiếng bao gồm âm chính và thanh điệu. Khi muốn xuất hiện trong một tổ hợp các tiếng (từ đơn) tạo thành câu, đương nhiên phải viết là “á”.
Vào lớp 1, các bé sẽ qua giai đoạn học vần (kéo dài đến qua học kì 1). Bé sẽ đọc ê a, vừa đọc vừa ghép.
Nhưng khi con đã học khoảng 3, 4 tuần, bạn cố gắng khuyến khích con bên cạnh đọc thành tiếng còn “đọc bằng mắt” có nghĩa là quá trình đánh vần diễn ra trong đầu.
Sẽ có hiện tượng “đọc vẹt” do chỉ ghi nhớ cách đọc của cô mà nhắc lại nên bạn có thể kiểm tra bằng cách để con chỉ tay vào các con chữ hoặc đánh vần.
Bạn tiếp tục chơi những trò chơi về ngôn ngữ như khi con chưa đi học nhưng tăng dần độ khó, ví dụ tìm một câu mà tất cả các tiếng bắt đầu bằng âm “B”, kiểu: Bà ba béo bán bánh bèo bên bờ biển.
Quan trọng nhất, bạn nên cùng con đọc sách. Trẻ sẽ học được rất nhiều điều qua việc đọc sách: viết đúng chính tả, cách viết hoa, cách dùng dấu câu, cách viết câu… có lợi vô cùng.
Các cô giáo trong những buổi họp phụ huynh cũng đừng “bỏ ngỏ” rằng, học khó lắm, phụ huynh đừng dạy rồi sai. Chỉ cần hướng dẫn phụ huynh những việc có thể thực hành cùng con như cùng con đọc sách, cùng con làm thiệp, cùng con chơi trò chơi ngôn ngữ… như thế tâm lý hoang mang cũng bớt đi, phụ huynh cũng sẽ vì thế mà hợp tác hơn.
Trong mọi điều các bạn cứ an tâm rằng, các con đang học TIẾNG MẸ ĐẺ. Làm gì có ngôn ngữ nào thiêng liêng và ấm áp đến thế. Cho nên cứ để con vui vẻ tiếp nhận.
Mọi việc sẽ ổn cả thôi.