Về vấn đề này, bạn có thể tham khảo cuốn Dạy học chính tả ở tiểu học của tác giả Hoàng Thung, Đỗ Xuân Thảo do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành. Sau đây là một vài mẹo chính tả mà bạn có thể dùng để hướng dẫn con nhằm khắc phục những lỗi chính tả viết sai phụ âm đầu thường gặp.
a. Chính tả phân biệt l /n
Ghi nhớ:
- L xuất hiện trong các tiếng có âm đệm (Ví dụ: loan, luân, loa,…). N không xuất hiện trong các tiếng có âm đệm (trừ 2 tiếng Hán Việt rất ít dùng: noãn, noa).
Ví dụ: chói lòa, lóa mắt, loảng xoảng, lòa xòa, loạng choạng, loan báo, loăng quăng, loằng ngoằng, loắt choắt, quần loe, lập lòe, lóa sáng, luân lí, kỉ luật, luẩn quẩn, lưu luyến, luyên thuyên, túy lúy...
- Trong cấu tạo từ láy:
+ Cả l và n đều có từ láy âm nhưng chúng không láy với nhau. Do đó nếu gặp từ láy âm thì ta có thể chọn cả hai tiếng cùng có âm l hoặc n.
Ví dụ: no nê, nợ nần, nao núng, nôn nao, nảy nở, nung nấu... lo lắng, lầm lì, lanh lảnh, lung linh, long lanh, len lỏi, lâm li...
+ Láy vần: Trong các từ láy vần, l có thể láy với nhiều phụ âm đầu khác (trừ n) (1). Khi tiếng thứ nhất có âm đầu gi hoặc khuyết âm đầu thì tiếng thứ 2 có âm đầu n (2). Tiếng thứ hai có âm đầu l khi tiếng thứ nhất có âm đầu khác gi (3).
Do đó, nếu gặp từ láy vần mà tiếng thứ hai là các phụ âm khác n thì tiếng thứ nhất ta phải chọn là âm đầu l, còn nếu tiếng thứ nhất có âm đầu gi hoặc khuyết âm đầu thì tiếng thứ hai ta chọn n, tiếng thứ nhất có âm đầu khác gi thì tiếng thứ hai ta chọn l. (Trừ hai trường hợp đặc biệt: khúm núm, khệ nệ).
Ví dụ:
(1) la cà, lờ đờ, lò dò, lù đù, lơ mơ, lan man, lõm bõm, lạch bạch...
(2) gian nan, gieo neo, giãy nảy, áy náy, ảo não, ăn năn…
(3) cheo leo, chói lọi, lông bông, khét lẹt, khoác lác,...
- Một số từ có thể thay thế âm đầu nh bằng âm đầu l.
Ví dụ: nhời - lời, nhẽ - lẽ, nhỡ - lỡ, nhát - lát, nhăm nhe - lăm le, nhấp nhánh - lấp lánh, nhố nhăng - lố lăng...
- Một số từ có thể thay âm đầu đ, c bằng âm đầu n. Ví dụ: đấy - nấy, cạo - nạo, kích - ních, cạy - nạy...
- Những từ dùng chỉ vị trí hoặc chỉ sự ẩn nấp thường viết bằng n.
Ví dụ: này, nọ, ni, nớ, nào, nấp, náu, né, nép... Ngoài ra có thể dùng hình thức chính tả tần số để luyện đọc và viết, ví dụ: Con lươn nó lườn trong lọ; Lúa nếp là lúa nếp làng/Lúa lên lớp lớp lòng nàng lâng lâng… hoặc có thể chơi trò chơi đố chữ, ví dụ: Bỏ đuôi thì điếc tai anh/Bỏ đầu thành quả trên cành cây cao/Thêm đuôi thêm cả đầu vào/Lênh đênh mặt nước không bao giờ chìm (chữ nổi)…
b. Chính tả phân biệt ch/tr
Ghi nhớ:
- Khả năng tạo từ láy của tr hạn chế hơn ch. Ch láy âm với các phụ âm khác ở vị trí đứng trước hoặc đứng sau, tr không láy âm đầu với các phụ âm khác trừ một vài ngoại lệ: trọc lóc, trụi lũi, trót lọt...
Tr tạo kiểu láy âm là chính (trắng trẻo), còn ch vừa láy âm, vừa láy vần (chông chênh, chơi vơi).
- Mẹo cha/chú: Những danh từ (hay đại từ) chỉ quan hệ thân thuộc trong gia đình chỉ viết với ch (không viết tr): cha, chú, cháu, chị, chồng, chàng, chút, chắt,…
- Mẹo chum/chạn: Những danh từ chỉ đồ vật thường dùng trong nhà chỉ viết với ch: chạn, chum, chén, chai, chõng, chiếu, chăn, chảo, chổi,…
- Từ có ý nghĩa phủ định chỉ viết với ch: chẳng, chưa, chớ, chả,…
- Khi gặp một chữ bắt đầu bằng ch, nếu thấy chữ đó mang dấu huyền (\), dấu ngã (~) và dấu nặng (.) thì đấy là từ thuần Việt. Ngược lại, một chữ viết với tr nếu mang một trong ba dấu thanh nói trên thì chữ đó là chữ Hán Việt.
Cụ thể: Từ Hán Việt mang một trong ba dấu huyền, ngã, nặng thì phụ âm đầu chỉ viết tr (không viết ch): trà, tràng, trào, trầm, trì, triều, trình, trù, trùng, truyền, trừ (12 chữ); trĩ, trữ (2 chữ), trạch, trại, trạm, trạng, trận, trập, trệ, trị, triện, triệt, triệu, trịnh, trọc, trọng, trợ, trụ, trục, trụy, truyện, trực, trượng (21 chữ).
- Trong từ Hán Việt, nếu sau phụ âm đầu là nguyên âm a thì hầu hết viết tr (không viết ch): tra, trà, trá, trác, trách, trạch, trai, trại, trạm, trảm, trang, tràng, tráng, trạng, tranh, trào, trảo (18 chữ).
- Trong từ Hán Việt, nếu sau phụ âm đầu là nguyên âm o hoặc ơ thì hầu hết viết tr (không viết ch): tróc, trọc, trọng, trở, trợ (5 chữ).
- Trong từ Hán Việt, nếu sau phụ âm đầu là ư thì phần lớn viết tr: trừ, trữ, trứ, trực, trưng, trừng, trước, trương, trường, trưởng, trướng, trượng, trừu (13 chữ).
Viết ch chỉ có: chư, chứ, chức, chứng, chương, chưởng, chướng (7 chữ).
c. Chính tả phân biệt x / s
Ghi nhớ:
- X xuất hiện trong các tiếng có âm đệm (xuề xòa, xoay xở, xoành xoạch, xuềnh xoàng,…), s chỉ xuất hiện trong một số ít các tiếng có âm đệm như: soát, soạt, soạn, soạng, suất.
- X và s không cùng xuất hiện trong một từ láy. Ví dụ:
+ Sạch sẽ, sụt sịt, sửng sốt, sù sì, sì sụp, sù sụ, so sánh, sinh sôi, sáng sủa, san sát, sặc sỡ…
+ Xót xa, xù xì, xấu xa, xì xào, xao xác, xinh xắn, xao xuyến, xào xạc, xa xôi, xấp xỉ…
- X và s có thể cùng xuất hiện trong các từ (có một số từ trung gian giữa từ láy và từ ghép). Ví dụ:
Xứ sở, sản xuất, xuất sắc, xác suất, xoay sở, xổ số, sâu xa, soi xét…
- Ngoài ra có thể nhớ mẹo sau: Các danh từ (chỉ đồ vật, con vật, cây cối, hiện tượng tự nhiên) viết với s:
+ Cái sọt, khẩu súng, lá sớ, con sếu, con sò…
+ Cây sung, cây sen, cây si, dòng sông, dòng suối, sấm, sét…
Ngoài ra, một số danh từ viết với x trong câu:
Mùa xuân đi xuồng gỗ xoan mang xoài đến xã đổi xẻng ở xưởng để mang về cho trạm xá.
Các từ chỉ thức ăn hoặc liên quan đến thức ăn viết với x, ví dụ: xôi, lạp xường, xúc xích, xiên thịt, xoong…
Nói chung, cách phân biệt x/s không có quy luật riêng. Cách sửa chữa lỗi phổ biến là hiểu nghĩa của từ, rèn luyện trí nhớ bằng cách đọc nhiều và viết nhiều.
d. Chính tả phân biệt gi/r/d
Ghi nhớ:
- Gi và d không cùng xuất hiện trong một từ láy.
- Những từ láy vần, nếu tiếng thứ nhất có phụ âm đầu là l thì tiếng thứ hai có phụ âm đầu là d (lim dim, lò dò, líu díu…)
- Từ láy mô phỏng tiếng động đều viết r (róc rách, rì rào, réo rắt…)
- Gi và r không kết hợp với các tiếng có âm đệm. Các tiếng có âm đệm chỉ viết với d (duyệt binh, duy trì, doạ nạt, doanh nghiệp…)
- Tiếng có âm đầu r có thể tạo thành từ láy với tiếng có âm đầu b, c, k (gi và d không có khả năng này). Ví dụ: co ro, bứt rứt, cập rập…
Mẹo Hán Việt d/gi/r
- Phụ âm r không bao giờ xuất hiện trong một từ Hán Việt.
- Các chữ Hán Việt mang dấu ngã (~) và dấu nặng (.) đều viết d (dã man, dạ hội, đồng dạng, diễn viên, hấp dẫn, dĩ nhiên, dũng cảm).
- Các chữ Hán Việt mang dấu sắc (/) và hỏi (?) đều viết gi (giả định, giải thích, giảng giải, giá cả, giám sát, tam giác, biên giới)
- Các chữ Hán Việt có phụ âm đầu viết là gi khi đứng sau nó là nguyên âm a, không có dấu thanh (gia đình, giai cấp, giang sơn).
(Ngoại lệ có: ca dao, danh dự).
- Chữ Hán Việt mang dấu huyền hoặc không có dấu, âm chính không phải là nguyên âm a (mà là một nguyên âm khác) thì phải viết với d (dân gian, tuổi dần, di truyền, dinh dưỡng, do thám…).
e. Quy tắc viết phụ âm đầu “cờ ”
Ghi nhớ:
Âm đầu “cờ” được ghi bằng các chữ cái c, k, q.
- Viết q trước các vần có âm đệm ghi bằng chữ cái u.
- Viết k trước các nguyên âm e, ê, i (iê, ia)
- Viết c trước các nguyên âm khác còn lại (u, ô, o, a, ư, ơ, ươ, ưa, uô, ua).
Nhìn chung, muốn bé viết đúng chính tả, bạn nên:
Cho con thực hành luyện tập qua các bài tập chính tả.
Cho con đọc sách nhiều và con sẽ ghi nhớ quy tắc viết một cách tự nhiên.