Bạn nên dạy con những kĩ năng sau:
a. Dạy con cách quan sát: Quan sát tốt sẽ rất có lợi trong việc phát triển tư duy, vì thế bạn nên kiên trì dạy con về khả năng quan sát từ khi còn nhỏ. Khi bé được 5 tuổi, hãy để việc quan sát trở nên có tính mục đích hơn, được giao thành những nhiệm vụ cụ thể.
Ví dụ, khi cho con đi chơi công viên, bạn có thể đố bé tìm những loại hoa mọc trong bãi cỏ xem chúng thế nào hoặc chỉ vào những cây dây leo bám trên cây cổ thụ hỏi con xem chúng sống được là nhờ đâu. Những gì bé quan sát được về nhà, bạn có thể tiếp tục giải thích cho con thông qua sách vở và nhờ sự trợ giúp của Google.
Không chỉ quan sát thiên nhiên, bạn cũng nên hướng dẫn con quan sát những hành vi, những hoạt động của mọi người xung quanh, chỉ cho con thấy đâu là những việc làm tốt, những việc làm nào chưa tốt…
Việc quan sát còn được thực hiện trên sách vở, ví dụ cho con quan sát để tìm điểm khác biệt, để nhận xét…
Bạn có thể kết hợp kĩ năng quan sát và phát triển ngôn ngữ bằng cách thực hiện việc quan sát theo một quá trình, bao gồm: Nêu nhiệm vụ (mục đích quan sát), hướng dẫn cách quan sát, đặt câu hỏi, kể lại thật hấp dẫn những điều đã quan sát được.
Cách làm đó khiến cho việc quan sát như một môn học.
Sau đây là những câu hỏi gợi ý cách bạn hướng dẫn con quan sát trong một số tình huống. Bạn có thể dựa vào đây để đặt các câu hỏi cho bé trong những môi trường khác:
* Trên đường đến trường
Từ nhà đến trường có bao nhiêu cột đèn xanh, đèn đỏ?
Cây gì to nhất trên đoạn đường con đi học? Con thử đoán tuổi của nó xem? Hình như những cây to thì thân cây khác so với cây nhỏ, con có thấy như vậy không?
Cây nhỏ nhất trên đoạn đường con đi học là cây gì? Nó có vẻ như mới được trồng nhỉ? Con đoán xem người ta đã đưa nó đến từ đâu?
Con có nhìn thấy những người bán hàng rong không? Họ thường bán hàng gì?
Con thấy hôm nay mọi người thường mặc áo gì? (áo khoác hay áo chống nắng…)
Con ôm mẹ nào, hình như con ôm mẹ không chặt như hôm qua thì phải.
Con thấy mẹ mặc áo này để đi làm có hợp không?
Con thử nhìn xem, đến chiều khi mẹ đón con thì bộ quần áo này của mẹ có gì khác đi không nhé.
Nếu con được làm một cái cây, con sẽ nói gì với bạn nhỏ đang ngồi sau lưng mẹ?
Nếu con làm bác bảo vệ ở trường, con sẽ nói gì với mẹ khi mẹ đưa con đến trường?
Nếu con làm cô giáo, con sẽ nói gì khi đón các bạn vào lớp?
Chiều nay lúc mẹ đón con, con thích mẹ sẽ nói với con câu gì đầu tiên?
Chiều nay, lúc về nhà, con thích mẹ sẽ làm món ăn gì cho con?
Nhìn mọi người di chuyển, con hình dung giống như đàn kiến à? Hay giống điều gì khác?
Nếu con viết về đoạn đường con đến lớp, con sẽ viết gì?
Còn mẹ, mẹ sẽ viết thế này:
Chỉ một đoạn đường ngắn thôi mà có biết bao điều thú vị. Mọi người ai cũng hối hả, vội vã. Có nhiều em bé cũng đang đến trường. Em bé ngồi sau lưng mẹ, hai tay như hai cánh của con chim non ôm chặt lấy mẹ.
Ở ngã tư đường, đèn xanh vừa bật lên, mọi người ào lên đi. Tiếng còi xe tuýt tuýt huyên náo.
Nhưng lặng lẽ bên góc đường có một cô bán hàng hoa đang chăm chú tưới nước vào những bông hoa cho hoa thêm tươi.
Nhìn cô như dấu chấm giữa cả một trang viết toàn chữ là chữ.
Đoạn đường đi học chỉ ngắn thôi mà có nhiều điều đáng nhớ.
* Trong sân trường
Sân trường của con có ghế không? Giờ ra chơi các bạn có hay ra đó ngồi không?
Lúc vào giờ học rồi thì sân trường như thế nào?
Giờ ra chơi sân trường có đông đúc không? Có ồn ào không? Các bạn thường hay chơi trò gì nhất?
Trên sân trường có cây gì?
Con thích cây gì nhất?
Con có bao giờ thấy lá rơi không? Con có thử nhặt lá để ghép thành chữ không?
Cây cột cờ trường con có cao không? Con có bao giờ ngước lên cao để nhìn thấy lá cờ trên đó không?
Nếu con là “thùng rác” trong sân trường, con sẽ nói gì với các bạn nhỏ?
Con có bao giờ xem sân trường của một trường học khác không? Nó rộng hơn hay hẹp hơn sân trường của con?
Con có bao giờ đo xem chiều dài sân trường con bao nhiêu bước chân của con không?
Hôm nay, con thử đo xem chiều dài sân trường là bao nhiêu bước chân nhé.
Sân trường có cất giữ kỉ niệm bí mật nào của con không? Ví dụ lần con bị ngã, bị bạn trêu chọc…
Góc sân trường nào con thích nhất? Vì sao lại thế?
Con có bao giờ mong được trồng một cây nào đó ở sân trường không? Đó là cây gì?
Con có bao giờ nhìn thấy một “bạn” sinh vật nào trong sân trường không? Ví dụ: bướm, chim, ong, nhện, cánh cam…
Con nghĩ sân trường con sẽ thích hợp nhất với trò chơi gì?
Nếu giả sử bây giờ sân trường bé bằng gian nhà của mình thôi, con tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra?
Con có thấy ngoài các vật như: trống trường, cây cột cờ, bục sân khấu, ghế đá, sân trường con còn có gì nữa không?
Ai là người dọn dẹp sân trường?
Con có bao giờ chào cô bác lao công không?
Mẹ đọc thấy có một cuộc khảo sát rằng học sinh thường không biết tên của các cô, bác lao công và bảo vệ. Mẹ không biết điều đó có đúng với con không?
Con thấy khuôn mặt của bác lao công khi dọn dẹp như thế nào?
Con có thấy sự thay đổi trên khuôn mặt của các bạn khi đang học trong lớp và khi được ra chơi hoặc ra học ngoài sân trường không?
Những hôm nào trời mưa con thấy sân trường như thế nào? Giả sử sân trường là một người thì con sẽ nghĩ người đó khuôn mặt sẽ thế nào nếu trời mưa?
Còn nếu trời nắng thì sao?
Con có bao giờ thấy bạn nào nằm ra sân trường lúc chơi chưa? Có bạn nào chỉ chơi một mình không?
* Trong siêu thị
Siêu thị có những quầy hàng nào? Có rộng lớn không?
Giả sử con đứng vào quầy hàng đồ chơi thì con sẽ chỉ dẫn thế nào để mẹ có thể tìm ra con?
Chỗ tính tiền có đông người không?
Các cô chú nhân viên trong siêu thị mặc trang phục như thế nào?
Con thích quầy nào nhất? Ở quầy đó có nhiều người đang chọn hàng không?
Con có đoán được là ở quầy đồ chơi, người ta sắp xếp các đồ chơi từ cao đến thấp như thế nào không?
Ở quầy thực phẩm, con thích mẹ chọn mua đồ gì nhất?
Con đoán xem có bao nhiêu loại cá được bày bán?
Không cần nêu tên các loại cá đâu, chỉ cần xem là có bao nhiêu loại khác nhau thôi.
Các em bé khác trong siêu thị như thế nào? Chạy nhảy, la hét, chọn đồ hay đứng xếp hàng ở quầy tính tiền?
Con thử nhìn xem, những người đi siêu thị chủ yếu là phụ nữ hay đàn ông?
Nếu con được bán hàng tại đây, con sẽ nhận bán quầy hàng nào?
Con có cách nào để mọi người sẽ thích gian hàng của con?
Siêu thị này có cho con cảm giác vui vẻ không?
Con hãy chỉ dẫn cho mẹ cách đến quầy tính tiền nào đang vắng người nhất.
Các giỏ đựng đồ trong siêu thị có màu gì? Nếu con thiết kế một cái xe có thể chạy được ở các dãy hàng trong siêu thị con sẽ thiết kế như thế nào?
Các cô tính tiền có vui vẻ với khách hàng không? Mỗi lần thanh toán xong, các cô có nói cảm ơn và khách hàng có nói cảm ơn các cô không?
Khi mua những đồ gì thì cần ra cân rồi mới đem ra quầy tính tiền?
Tại sao lại có chỉ dẫn mua đồ bình thường trước rồi mới mua đồ đông lạnh sau? Trong siêu thị có những biển chỉ dẫn nào?
Nếu giả sử con bị lạc trong siêu thị con sẽ đi gặp ai và nói với họ như thế nào để mẹ có thể tìm thấy con?
Nếu cho con dùng từ 1 đến 3 câu để nói về siêu thị này thì con sẽ nói thế nào?
Còn đây là các câu của mẹ nhé:
Hôm nay, mẹ và An đi siêu thị mua đồ. An thích đồ chơi nên chạy vào quầy đồ chơi để xem. Còn mẹ lại đi chọn đồ thực phẩm. Siêu thị vào buổi trưa nên khá vắng. Có một số cô thu ngân đang đứng trò chuyện với nhau. Hai mẹ con có thể đi dạo một vòng quanh siêu thị để ngắm nghía các thứ đồ. An nói, giá mà siêu thị có quầy hàng miễn phí thì tốt biết mấy.
Còn An, khi về An hãy viết đoạn văn của mình nhé.
Thử để ý xem bên ngoài siêu thị có gì?
Ở trước một số siêu thị hiện nay thường có một khu vui chơi nho nhỏ dành cho trẻ em? Con có thích như vậy không?
Nếu con thiết kế khu vui chơi cho trẻ em trước siêu thị, con sẽ làm những trò chơi gì?
* Trong chợ
Ở phía ngoài chợ bày bán những hàng gì? Phía trong chợ có những hàng gì?
Những người bán hàng thường mời người mua như thế nào?
Họ bày hàng hóa ra sao? Có ngăn nắp, gọn gàng không?
Các cô bác bán hàng có vui vẻ không?
Các cô bác bán hàng thường dùng loại cân gì để cân hàng?
Nếu là người bán hàng, con chọn bán hàng gì?
Con sẽ mời như thế nào để mẹ mua hàng của con? Cách mua và bán hàng ở chợ khác với siêu thị như thế nào?
Những người mua hàng xong thường đựng hàng vào đâu?
Các túi nilon để đựng hàng thường có màu gì?
Mẹ thích hàng bán hoa nhất. Con thích hàng gì?
Con thử tìm xem hàng bán hoa ở khu vực nào? Bên cạnh hàng gì?
Con nhìn xem có những loại hoa gì được bán? Nếu con nhắm mắt vào, con có nhớ được những màu hoa ở các hàng hoa không?
Có vẻ như hàng bán cá thì hơi lầy lội. Con có nghĩ là có chú cá nào sẽ trốn thoát được ra khỏi chậu và chui xuống dưới cống không?
Ở chợ có ồn ào như siêu thị không?
Điều rất khác biệt về âm thanh giữa chợ và siêu thị là gì? (trong siêu thị thường bật nhạc)
Trong chợ có biển chỉ dẫn gì không?
Nếu con làm biển chỉ dẫn cho mọi người để đi tìm mua các mặt hàng được dễ dàng con sẽ đặt nó ở đâu.
Con có muốn viết vài điều về buổi đi chợ hôm nay của mẹ con mình không?
Còn mẹ, mẹ sẽ viết như thế này nhé:
Chiều nào hai mẹ con mình cũng cùng nhau đi chợ. Chợ khá ồn ào và hơi lầy lội vì buổi sáng trời có mưa. Các bác bán hàng tuy hơi khó chịu vì thời tiết nhưng ai cũng đon đả chào mời khách mua hàng.
Chợ là một phần trong lòng thành phố. Người ta đến chợ không chỉ để mua sắm mà còn để trao đổi, chuyện trò. Và họ còn chia sẻ với những người phải vất vả phơi nắng, phơi sương ngồi bán hàng từ sáng đến tối.
Có lẽ ngày mai khi đi chợ, mẹ con mình sẽ đi thật chậm để cảm nhận rõ hơn về điều này.
* Ở khu vui chơi (công viên)
Hôm nay lúc con ra chơi thì thời tiết thế nào?
Có đông bạn đang chơi ở khu vui chơi (công viên) đó không?
Có nhiều bạn chơi cầu trượt/chơi xúc cát không? Con tham gia chơi trò chơi gì?
Khi chơi cầu trượt, con có đợi cho bạn trượt xong rồi mình mới trượt không?
Có những bạn nào con thấy bé xíu mà vẫn ra chơi không? Các em đó có biết chơi các trò chơi như các bạn lớn không?
Có nhiều bạn giống con, cười như nắc nẻ lúc chơi không?
Có nhiều bạn tranh cãi nhau khi chơi không? Con có tham gia dàn hòa giúp các bạn không?
Có bạn nào khóc nhè ở khu vui chơi không? Quanh khu vui chơi có ghế đá không?
Có chỗ nào mà để các bố mẹ có thể đứng chờ con mình chơi không?
Có nhà vệ sinh để lúc đang chơi con mắc tè có thể chạy vào đó không?
Có vòi nước để con rửa tay khi chơi xong không?
Liệu cát ở chỗ con chơi có giống như cát ở những chỗ mà người ta dùng để xây nhà không?
Nếu bây giờ tự nhiên giữa công viên mọc lên một quán ăn thì con có thích không? Vì sao?
Con có thấy xung quanh công viên có những loại cây gì? Có cây nào rụng lá/ ra hoa không?
Con nghĩ xem, một cái cây đứng ở trong công viên thì có vui hơn một cái cây đứng ở dọc đường đi không?
Vì sao?
Có loài hoa nào đang nở trong công viên không? Có con vật nào rất bé nhỏ mà con nhìn thấy trong khu vui chơi không?
Con có bao giờ nhìn thấy con chim, con bướm hoặc con ong… ở trong khu vui chơi không?
Những người thường hay đưa các bạn đi chơi là ai? Bố, mẹ hay ông bà?
Có nhiều người lớn tham gia cùng vui chơi với các con không?
Nếu con được thay đổi khu vui chơi này, con sẽ thay đổi điều gì?
Con có thích khu vui chơi này sẽ được đặt ở ngay cạnh lớp học của con không?
Nếu con tả về khu vui chơi của mình cho bạn thì con sẽ nói như thế nào?
Còn đây là phần tả của mẹ, con xem có được không nhé:
Cách nhà tôi khoảng 2 cây số là một khu vui chơi. Trong khu vui chơi có cầu trượt, xích đu, hố cát, nhà nhào lộn.
Các bạn ra chơi rất đông vào mỗi buổi chiều, khi đi học về.
Quanh khu vui chơi còn có rất nhiều cây. Mùa đông đến thì cây rụng lá. Những chiếc lá rụng bay vài vòng trên cây rồi mới đáp mình xuống mặt đất.
Chắc các cây đứng đó cũng vui vì hàng ngày được nghe tiếng nô đùa của các bạn nhỏ.
Tôi nghĩ mình có thể ở khu vui chơi cả ngày với điều kiện là không bị đói. Và tất nhiên là được mẹ cho phép nữa.
* Buổi tối đi dạo cùng mẹ
Đèn đường hôm nay có sáng không?
Có những người nào đi dạo như mẹ con mình không?
Những tán cây khi có ánh sáng đèn đường hắt vào trông như thế nào?
Nhìn thân cây vào buổi tối con thấy có khác với ban ngày không?
Các vòm lá vào ban đêm có vẻ như đang trò chuyện với nhau. Con thử nghĩ xem chúng nói những gì?
Nếu con được lắp bóng đèn đường, con sẽ lắp vào những chỗ nào nữa?
Chỗ nào sáng nhất trong đoạn đường mẹ con mình đi dạo?
Buổi tối mọi người đi lại có vội vàng như lúc buổi sáng mẹ đưa con đi học không?
Con có nghe thấy tiếng con gì kêu vào buổi tối không?
Con còn nghe thấy tiếng hót của những chú chim vào buổi tối không? Chắc là chúng đi ngủ rồi. Nếu con là một con chim đang nằm trong lòng chim mẹ, con sẽ nói điều gì, kể cho chim mẹ những gì?
Con đi bao nhiêu bước chân thì sẽ đi được từ đây đến kia, con thử đoán xem?
Con thích nắm tay mẹ hay là đi bên cạnh mẹ thôi?
Nếu sau này con là một ông bố hoặc bà mẹ, khi đưa con của mình đi dạo con sẽ thường kể cho chúng nghe chuyện gì?
Con có thấy về buổi tối đoạn đường này yên tĩnh hơn ban ngày không?
Con thích sự yên tĩnh này hay con thích ồn ào sôi động?
Nếu con viết về đoạn đường này con sẽ nói những gì?
Còn mẹ, mẹ sẽ viết thế này nhé:
Đoạn đường mà hai mẹ con đi dạo không dài nhưng có nhiều điều thú vị. Buổi đêm các cây cối dường như cũng im lìm hơn. Chúng khẽ chạm lá vào nhau để trò chuyện. Mọi người đi lại trên đường cũng chậm rãi hơn chứ không vội vàng như ban ngày.
Hai mẹ con vừa đi vừa nắm tay nhau trò chuyện.
Con đường này ghi dấu những kỉ niệm đẹp đẽ của hai mẹ con mình.
Sau này con lớn, khi quay lại con đường, con sẽ nhớ về những buổi tối đi bên mẹ và trò chuyện.
* Trong lúc nấu bếp
Con xem hôm nay mẹ mua được những gì?
Có mấy loại rau mình sẽ ăn bữa tối hôm nay?
Các loại rau này sẽ nhặt như thế nào?
Nhặt rau muống có khác với nhặt rau ngót không?
Con ngại nhặt rau gì? Vì sao?
Khi mẹ rửa rau, mẹ rửa mấy lần nước?
Mẹ cần dùng mấy cái nồi để có thể nấu bữa ăn tối cho cả nhà?
Dầu ăn thường được cho vào chảo (nồi) khi nào?
Mẹ dùng mấy loại dao khác nhau để chế biến thức ăn?
Mùi của loại thức ăn nào thơm nhất? Mẹ cho gia vị vào lúc nào?
Có những loại gia vị nào?
Có loại gia vị nào trông giống nhau? Nếu mẹ lỡ bỏ nhầm mì chính thành muối thì điều gì sẽ xảy ra?
Các đồ lấy ra từ trong ngăn đá sẽ như thế nào? Mẹ có nấu được luôn các đồ đó không?
Mẹ có hay điều chỉnh các mức lửa trong bếp không? Con nghĩ xem, ngọn lửa giống như hình gì?
Từ món rau khi chưa chín đến món rau lúc nấu chín rồi, màu sắc của chúng có khác nhau không?
Nếu con là đầu bếp, con sẽ nấu món gì?
Khi mẹ nấu bếp con có thấy mồ hôi trên trán mẹ không? Có phải là mồ hôi do mẹ đứng cạnh bếp lửa nên nóng quá hay còn điều gì khác?
Con có thích một cái máy mà không cần nấu nướng, chỉ cần bỏ thức ăn sống vào đó là sẽ thành đồ ăn ngay lập tức không? Vì sao?
Hôm nay mẹ làm bếp với tâm trạng như thế nào? Vì sao con lại biết được điều đó?
Con nghĩ xem nên phân công bố làm công việc gì trong bếp là phù hợp nhất?
Con nhớ đến câu chuyện Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn không? Khi các chú lùn quay trở về nhà, mỗi người đều hỏi: Ai đã ăn vào bát của tôi? Ai đã uống vào cốc của tôi?... Chắc chắn bởi ai cũng nhớ rất rõ đồ ăn của mình. Con có nhớ đặc điểm đồ ăn của con không? Hoặc nếu được đánh dấu con sẽ đánh dấu đặc điểm gì lên đó để có thể nhận ra ngay.
Con tưởng tượng xem nếu có một cuộc trò chuyện giữa những chiếc bát trong bàn ăn, chúng sẽ nói với nhau điều gì?
Nếu được viết về một buổi nấu bếp với mẹ, tối nay con sẽ viết thế nào?
Còn mẹ, mẹ sẽ viết:
A ha, rau này, thịt này, cà chua này, hành này… tất cả đã sẵn sàng cho bữa tối.
Đầu tiên là mẹ sẽ kho thịt. Mẹ sẽ làm cho những món thịt trở nên thơm phức. Ôi, nghĩ đến là đã thèm.
Rồi mẹ luộc rau. Từng cọng rau nhảy múa trong cái nồi sôi lục bục.
Ngọn lửa cũng nhảy múa xem chừng vui lắm.
Rồi bữa tối cũng xong, cả nhà ngồi vào bàn. Cả nhà cùng nhau thưởng thức thành quả mình đã vất vả làm trong một tiếng đồng hồ qua.
Ai cũng vui.
Ai cũng chờ đợi đến bữa tối.
b. Dạy con khả năng tập trung: Chuyển từ hoạt động chủ đạo là vui chơi sang học tập nên để có thể ngồi tập trung trong suốt cả thời gian một tiết học thật khó khăn đối với các bé. Bạn có thể sử dụng một số trò chơi sau để dạy bé về sự tập trung:
Trò chơi 1: Sóc ở trong hang. Bạn cho hai chân của bé vào một cái bao và nói đây là con sóc đang ở trong hang. Sau đó bạn giao cho bé một nhiệm vụ gì đó và có quy ước về giờ để xem “sóc” có thể nằm yên trong hang được bao lâu.
Để bé cảm thấy thú vị, bạn cũng nên làm “sóc” và cùng thi với nhau xem ai sẽ ở “trong hang” được lâu hơn.
Trò chơi 2: Xâu vòng hoặc phân loại hạt: Trò chơi này không những rèn luyện sự tập trung mà còn rèn luyện vận động tinh rất tốt. Bạn có thể trộn các loại
đậu với các màu khác nhau và nhờ bé phân các loại theo màu hoặc mua hạt để bé xỏ thành vòng. Để bé cảm thấy thú vị và ý nghĩa, bạn nên treo vòng lên một chỗ để cả nhà có thể nhìn thấy và khen ngợi việc làm của bé.
Trò chơi 3: Hít thở sâu: Hãy hướng dẫn ngồi đối diện với bạn và hít thở thật sâu nhưng với điều kiện khi hít vào thì bụng phình ra và khi thở ra thì bụng hóp lại. Mỗi hôm tăng dần số lượng nhịp thở. Đây cũng là cách đơn giản của “thiền” giúp bé tập trung hiệu quả.
Trò chơi 4: Chơi với các hình ziczac. Bạn có thể sưu tầm các hình này và yêu cầu bé chỉ tay vào hình để tìm ra đường đi.
Đây là ví dụ một bài tập tìm đường như vậy:
Hoặc hình như thế này:
Bạn có thể tham khảo những về trò chơi này ở trang http://www.thinkmaze.com/freemazes/
Sẽ có rất nhiều các cấp độ chơi khác nhau, đảm bảo là bé sẽ rất hứng thú.
Trò chơi 5: Tìm hình gì còn thiếu: Để chơi được trò chơi này cần tổng hợp nhiều kĩ năng: quan sát, suy luận và đòi hỏi sự tập trung.
Sau đây là ví dụ về trò chơi này:
Hoặc bài tập tìm đồ phù hợp cho từng bạn, như thế này:
Những bài tập này giúp các bé cần tập trung để nhìn cho kĩ và suy luận xem ai sẽ cần đồ gì. Bài tập này cũng rất tốt để các bạn nhỏ hiểu về cách chọn trang phục khi đi ra ngoài.
Hoặc cũng là bài tập kiểu này nhưng lại giúp các bé hiểu về nhạc cụ:
Kiểu bài tập tìm điểm khác biệt giữa hai hình cũng là một bài tập tuyệt vời để rèn luyện sự tập trung:
Ví dụ bài tập: Tìm ra 10 điểm khác nhau giữa hai bức tranh:
Với những bài tập này sẽ tuyệt vời hơn nếu sau khi bé đã tìm được các điểm khác biệt, bạn hướng dẫn con miêu tả về bức tranh thông qua một số câu hỏi gợi ý:
Bức tranh vẽ gì?
Trong tranh có những bạn nhỏ/ con vật/ cây cối gì? Chúng đang làm gì?
Con thích bức tranh ở điểm nào?
Sau đó, bạn nên nói “mẫu” nhé. Ví dụ với bức tranh trên, bạn có thể nói: Chà, bức tranh vẽ những chị ong đang đi lấy mật. Có chị ong xanh lại có cả chị ong màu nâu. Chắc hẳn họ phải rất chăm chỉ nên lấy được cả xô mật to. Xô mật sóng sánh tràn cả ra ngoài, nếu được nếm vào chắc hẳn ngọt ơi là ngọt.
Bằng cách đó, bạn đã cung cấp cho con những kiến thức về thiên nhiên, dạy con cách miêu tả bằng nhiều giác quan khác nhau, rất thú vị phải không bạn.