Ngày xưa, có hai người nông dân trồng mía, bọn họ không ai phục ai, ai nấy cũng đều tự nhận mình là người trồng mía giỏi nhất nên cứ mỗi lần gặp nhau là lại gây gổ.
Thế rồi có một ngày, hai người quyết định mở một cuộc thi trồng mía xem ai là người nông dân giỏi nhất. Bác nông dân A ngồi ở nhà, không vội vàng bắt tay vào công việc để trồng ra những cây mía ngon lành nhất. Bác nghĩ rằng:
“Mình không thể thua ông B được. Nếu mình dùng cách bình thường như ông B để trồng mía thì đến cuối cùng cũng không thể biết được ai hơn ai. Mình phải nghĩ cách trồng mía hay hơn để thắng cuộc thi này.”
Ngược lại với bác A, bác nông dân B vẫn canh tác ngoài đồng ruộng như thường ngày. Sau ba tháng, những cây mía bác B trồng đã phát triển tươi tốt. Còn bác nông dân A thì sao?
Thì ra bác muốn đi đường tắt để giành được thắng lợi nên đã nghĩ ra một phương pháp, bác nghĩ:
“Nước mía ngọt, vậy nếu mình tưới những chất ngọt cho nó thì chắc chắn nó sẽ phát triển rất nhanh, rất cao và chắc chắn sẽ ngọt hơn bình thường”.
Nghĩ vậy, mỗi ngày bác A đều tưới nước đường cho mía, kết quả chẳng bao lâu sau, mía của bác đều khô héo và chết sạch.
Tất nhiên là thắng lợi thuộc về bác B. Chiến thắng của bác B là dựa vào sự lao động siêng năng và cần mẫn nên được những người dân trong thôn hết lời khen ngợi. Chỉ tội nghiệp cho bác A, vì muốn đi đường tắt mà dùng phương pháp không đúng đắn, không những thua cuộc, mất đi cơ hội thành công mà còn khiến mía của mình đều bị chết khô, gây tổn thất rất lớn.
Câu chuyện trên khiến cho chúng ta nhớ đến câu chuyện Bạt Miêu Trợ Trường nghĩa là kéo cây con để giúp nó mau lớn. Câu chuyện này kể về một người trồng lúa vào một ngày nọ, bỗng dưng ông nảy ra sáng kiến muốn cho cây lúa mọc nhanh hơn để có thể thu hoạch sớm. Lúc những cây lúa còn nhỏ, ông đã ra sức kéo lên để lúa con cao hơn một chút. Ông cho rằng làm như vậy sẽ giúp cho lúa non phát triển nhanh hơn nhưng không ngờ rằng bởi vì việc giúp đỡ thừa thãi và không hợp lý này của ông mà tất cả lúa non đều chết sạch. Cuối cùng, một hạt lúa ông cũng không thu hoạch được. Thật ra những câu chuyện này muốn nhắc nhở mọi người rằng muốn nhận được bất cứ kết quả gì thì đều phải dùng phương pháp đúng đắn. Đi đường tắt không phải là một việc làm tốt mà thường thường những đường tắt này sẽ hại bản thân. Nhiều người sử dụng thủ đoạn không đúng đắn như ăn trộm, lừa gạt hoặc cướp giật để thỏa mãn lòng tham của mình và họ thường có kết cục rất bi thảm, cũng giống như bác nông dân A trồng mía và người trồng lúa kia, đạt được thì ít mất đi thì nhiều.
Do đó, chúng ta nên hiểu rõ tầm quan trọng của việc bước từng bước thật chắc chắn giống bác nông dân B siêng năng, nỗ lực dùng phương pháp đúng đắn, cuối cùng có thể hưởng được niềm vui của sự thành công.