Đ
ồng hồ báo thức reo vang, Ty rên rỉ và lăn qua bên kia giường để tắt chuông. Cậu biết mình nên thức dậy nhưng bây giờ đang là giữa tháng Mười một, trời vừa tối vừa lạnh, và cảm giác được vùi mình trong chăn ấm nệm êm mới tuyệt làm sao. Hơn nữa cậu vẫn luôn cài chế độ chuông lặp lại, và nếu hồi chuông này bị lơ đẹp thì vẫn còn báo thức của điện thoại để làm phương án dự phòng thứ ba. Đó là chưa kể cậu vẫn còn nửa tiếng nữa mới đến giờ đi giao báo!
Ty không phó mặc bất kỳ chuyện gì cho may rủi. Trước khi hồi chuông lặp lại vang lên, cậu thở dài, ngồi dậy và tắt chuông cùng với báo thức của điện thoại. Phòng của cậu rất gọn gàng và ngăn nắp, mọi thứ đều đâu ra đấy.
Không phải lúc nào mọi chuyện cũng suôn sẻ; thỉnh thoảng vẫn có những lúc rối loạn. Đặc biệt là sáng nay, lòng kiên nhẫn của Ty sẽ bị thử thách hơn bao giờ hết, nhưng lúc đứng dậy và dụi mắt cho tỉnh ngủ thì cậu chưa biết điều này.
Như mọi sáng, đến 5 giờ thì Ty đã tắm rửa xong và đang dùng bữa sáng gồm một thanh ngũ cốc với một lon cà phê đá bên bàn bếp. Nhưng đó là thời khắc bình thường cuối cùng trong ngày hôm đó của cậu! Lúc ra khỏi nhà và thong thả bước xuống vỉa hè, cậu nhăn mặt khi thấy chồng báo của mình lộn xộn cả lên.
Hiện giờ tuyến giao báo của cậu có gần một trăm nhà nằm rải rác khắp nơi trong vùng, và chỉ cần liếc mắt là cậu đã biết ngay chồng báo của mình bị thiếu mất vài tờ.
Chuyện này thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Tuy không thường xuyên nhưng trong những lần như thế này thì theo quy tắc, cậu phải gọi cho người chở báo để báo cho tòa soạn biết về vụ việc, rồi chờ được cấp thêm báo. Quá trình này thường mất đến hai giờ đồng hồ, mà đến lúc đó thì cậu phải có mặt trong lớp để chờ điểm danh rồi.
Tốt nhất là tự giải quyết vấn đề thôi. Vì thế, cậu đếm số tờ báo, và đúng như đã đoán, cậu bị thiếu mất sáu tờ. Cậu mở cửa ga-ra và đi thẳng đến chỗ ngăn kéo dưới cùng trên bàn máy may của mẹ. Bà đã dọn sạch ngăn kéo này để cậu dùng khi cậu mới bắt đầu công việc, và hiện giờ cậu dùng nó để đựng những món đồ linh tinh mà mình thường cần như dây thun, kẹp giấy, đại loại thế.
Ty luôn cất trong đó vài cọc tiền hai mươi lăm xu trích từ kinh phí vận hành của mình. Cậu cầm một cọc để lát nữa cho vào máy bán báo Sunnydale Sentinel gần nhất ở ngã tư đường Số Năm và đường Main. Sau đó cậu lên xe đạp và chạy gần hết đường dẫn vào nhà thì phát hiện lốp xe bị xẹp!
Ty lập tức dắt xe quay lại ga-ra và lấy chiếc xe sơ cua ra. Cậu đã mua chiếc xe cũ này để dự phòng. Nó không xịn như chiếc xe thường ngày của cậu, nhưng thế này cũng quá đủ để hoàn thành công việc cho đến khi cậu đem “xe xịn” của mình đi sửa, và như thế nghĩa là cậu sẽ không bao giờ bị lỡ chuyến giao báo buổi sáng nào cả.
Đã lâu Ty không dùng đến chiếc xe này nên cậu dành vài phút để đảm bảo bánh xe còn đủ hơi, điều chỉnh lại yên xe và xịt một chút dầu bảo dưỡng vào căm xe và bộ xích. Khi chiếc xe đã sẵn sàng, cậu lao ra khỏi cửa và đạp như bay đến đường Main, rẽ qua đường Số Năm, nơi có máy bán báo Sunnydale Sentinel màu xanh và trắng.
Cậu tháo cọc tiền xu và thả một lần hai đồng vào máy, rút một tờ báo ra trước khi đóng cửa lại, rồi mua một tờ khác, rồi thêm năm tờ nữa, cho đến khi cậu đã có đủ số báo thiếu… cộng thêm một tờ báo dư để phòng hờ.
Thế này không đúng thủ tục, nhưng hiệu quả hơn nhiều so với việc đợi tòa soạn bổ sung báo, thường là một giờ đồng hồ sau khi cậu đã giao báo xong xuôi. Đương nhiên, cậu mất ba đô-la tiền riêng khi làm vậy, nhưng tốn một ít chi phí và chịu một chút bất tiện để làm hài lòng khách hàng là hoàn toàn xứng đáng.
Cậu phải tuân thủ một trình tự thời gian nghiêm ngặt, và mỗi khách hàng đặt báo dài kỳ mới đều đem đến một thử thách. Một trở ngại bất ngờ vào buổi sáng, từ dậy muộn đến xẹp lốp xe rồi đến báo bị thiếu, sẽ có ảnh hưởng dây chuyển đến toàn bộ lịch trình của cậu.
Một nửa số khách hàng của cậu sẽ không bao giờ biết nếu cậu giao báo muộn vài phút. Nhiều người thậm chí còn say giấc đến khi Ty vào học tiết một hoặc tiết hai, nhưng nhiều người khác sẽ nhận ra - và cậu không thể chịu được cảnh khiến khách hàng của mình thất vọng, dù chỉ một người.
Nhất là sau khi cậu đã rất vất vả mới ký được hợp đồng với chừng đó khách hàng!
Cậu cho báo vào chiếc túi giao báo, đạp như bay về nhà, nhanh chóng gấp và nhét mỗi tờ vào trong chiếc túi nhựa đỏ nổi bật, bền chắc, chống thấm đặc trưng của cậu. Cậu biết mình gần hết túi từ cả tuần nay, nhưng cậu sắp đến hạn nộp bài luận cuối kỳ và chưa kịp bổ sung vật tư.
Bây giờ cậu đã gấp gần xong chồng báo mà chỉ còn năm tờ nữa là hết sạch túi đỏ. Đương nhiên cậu có thể dùng loại túi do tòa soạn cung cấp mỗi sáng - cậu có cả đống luôn ấy - nhưng đó không phải phong cách của cậu.
Cậu đang mím môi suy nghĩ thì chợt thấy đèn phòng bếp sáng lên. Cậu quay vào nhà và thấy mẹ đang loanh quanh bên bàn bếp với tách cà phê đầu tiên trong ngày của bà.
“Chào buổi sáng, cưng à”, bà nói. Bà đã thay đồ xong xuôi và sẵn sàng cho một ngày làm việc mới. Xét đến chuyện tham công tiếc việc thì họ đúng là mẹ nào con nấy. “Có chuyện gì à?”
“Dạ, con mới hết sạch túi đỏ và cần tìm thứ gì đó thay thế.”
Bà tặc lưỡi. “Không phải tòa soạn có cung cấp túi cho con sao?”
“Có ạ, nhưng mấy cái túi đó mỏng tẹt à. Con chỉ cần chừng năm cái túi thôi. Mẹ có nghĩ ra được gì không?”
Bà thở dài. “Chà, mẹ có mấy cái túi trữ đông loại siêu lớn, con có thể dùng được đấy. Hẳn là sẽ đựng vừa tờ báo, nhưng trên túi có in hình hoa tuyết.”
Ty theo mẹ đến tủ chén đĩa. “Nghe được đó ạ.”
“Mẹ định dùng mấy cái túi đó để đựng súp và thịt bò hầm cay vào cuối tuần này, nhưng mà…”
“Con sẽ mua bổ sung trước cuối tuần”, Ty nói khi nhận lấy chiếc hộp bà đưa và hôn lên má bà. “Con hứa đấy!”
“Sao con không đề nghị tòa soạn hoàn trả mọi chi phí phát sinh cho mình?”, bà hỏi.
Ty đứng lại trên lối đi giữa bếp với ga-ra. “Đương nhiên rồi ạ”, cậu đùa. “Chừng nào mẹ đề nghị văn phòng hoàn trả chi phí cắt may trang phục và tiền mua bút xịn thì con sẽ đòi tòa soạn!”
Tiếng cười của mẹ vẫn còn vang vọng bên tai khi Ty hối hả chạy ra vỉa hè để gói nốt số báo còn lại - bằng túi trữ đông in hình hoa tuyết - rồi nhét vào trong túi giao báo của mình.
Cậu kiểm tra đồng hồ và nhăn mặt: muộn năm phút so với lịch trình mất rồi! Nếu dùng chiếc xe thường ngày thì cậu có thể dễ dàng bù được khoảng thời gian đó, nhưng khi phải dùng chiếc xe đạp sơ cua thì việc này sẽ khó khăn đây.
Vốn đã thuộc nằm lòng tuyến giao báo của mình, cậu đẩy nhanh tốc độ, đạp vun vút qua các con phố mờ tối, cảm thấy may mà có đèn đường, đèn hàng hiên và vầng trăng lưỡi liềm đang soi đường cho mình. Nếu làm giống những người giao báo khác thì cậu chỉ việc tạt ngang qua, ném bừa tờ báo lên bãi cỏ hay hàng hiên, mà như vậy thì số lần ném trúng cửa chắn, bụi cây và xích đu cũng sẽ ngang ngửa với số lần tờ báo thật sự đáp xuống đúng chỗ ở gần cửa ra vào.
Nhưng Ty đặt ra tiêu chuẩn rất cao cho bản thân, dù việc đáp ứng những tiêu chuẩn đó khiến tim cậu đập thình thịch và huyết áp tăng vùn vụt.
Xuống xe và cẩn thận đặt tờ báo lên tấm thảm trước cửa mỗi nhà có thể không phải là chuyện quan trọng đối với tất cả khách hàng, nhưng có nhiều người trong số họ từng nói là như thế thật hay, đến mức giờ đây cậu không thể nào ngừng làm thế được!
Và thế là cậu cứ chạy hối hả, nhảy xuống xe, rút tờ báo ra, đặt nó xuống và vuốt cho phẳng, rồi đặt lại cho ngay ngắn, nhảy lên xe, và lại hối hả hơn nữa để đảm bảo mọi khách hàng đều nhận được thứ mà họ đã có thói quen mong đợi: một tờ báo khô ráo, được gấp lại một cách hoàn hảo và giao đến tận cửa - theo đúng nghĩa đen.
Ty giao báo hết một bên đường rồi vòng qua bên còn lại, cho đến khi cái lạnh khô khốc của tháng Mười một lẫn bộ xích cũ kỹ và đôi bàn đạp lỏng lẻo của chiếc xe đạp sơ cua không còn khiến cậu bận tâm nữa.
Đến khi giao xong một nửa tuyến đường thì cuối cùng Ty cũng bắt kịp lịch trình. Cậu mỉm cười khi thấy người bạn già, và đôi khi cũng là đối thủ của cậu, đang mất kiên nhẫn đợi số báo sáng nay được giao đến.
“Bà cứ tưởng là cháu bị muộn rồi chứ”, bà Carlton nói với giọng gần như thất vọng. Bà là khách hàng mới toanh trên đường Sullivan, con đường cuối cùng trong khu của cậu.
“Không bao giờ ạ!”, cậu đáp khi đạp xe đến hàng hiên, nơi bà đang đứng trên bậc thềm dưới cùng, chân mang đôi dép lê màu hồng, tay giữ chặt chiếc áo choàng tắm quanh cổ như mọi ngày.
Bà mỉm cười nhận lấy tờ báo. “Bà không biết cháu làm điều này bằng cách nào, Ty à”, bà nói và vui vẻ vung vẩy tờ báo trong lúc cậu quay đầu xe để hoàn thành nốt tuyến giao báo của mình. “Nhưng mỗi sáng bà có thể lấy cháu làm mốc để chỉnh đồng hồ đấy!”
“Đó là phương châm của cháu mà bà”, cậu đáp lời và vẫy tay. “Đảm bảo hài lòng, nếu không thì quý khách sẽ được tặng báo miễn phí vào sáng hôm sau.”
“Cháu đã phải tặng không cho ai chưa?”, bà trêu.
Ty dừng xe ở cuối lối đi dẫn vào nhà bà. “Vẫn chưa ạ”, cậu khoe. “Và cháu cũng không định để chuyện đó xảy ra.”
“Đừng trở thành nạn nhân của ‘chi phí chìm’1 hoặc tâm lý ‘leo thang cam kết’2. Nếu bạn thích sự ‘lao động vất vả’ trong quá trình làm chủ doanh nghiệp, và việc làm ăn hiện tại của bạn không hiệu quả, nhưng bạn đang có sẵn một ý tưởng khác mà mình muốn theo đuổi, thì cứ việc tạo ra một khởi đầu mới. Hoặc hãy làm một điều gì khác mà bạn thấy mình nên làm. Dù cho bạn có làm gì đi nữa thì không thể lúc nào mọi chuyện cũng suôn sẻ, nhưng quan điểm của tôi là chúng ta luôn cảm nhận được thời điểm mình cần buông bỏ. Không có gì phải xấu hổ về việc đó cả.”
1 Khoản chi phí đã bỏ ra và không thể thu hồi được. Đây là chi phí có thật nhưng không được đề cập mà cần phải loại ra khi tính toán hiệu quả kinh tế của dự án hay hoạt động kinh doanh nào đó.
2 Xu hướng sửa chữa một quyết định kém hiệu quả, hoặc phân bổ nhiều nguồn lực hơn cho các hành động sai lầm.
– Laura Huang,
trợ giảng bộ môn quản lý và lập nghiệp, Trường Wharton