M
ột buổi sáng giữa tháng Mười hai, Ty đang đạp xe trên đường Baker cách nhà không xa và tay chân mỏi nhừ sau một tuần dài giao báo, thì cậu chợt thấy ai đó đang ngồi trên thềm nhà.
Ty nở nụ cười, giảm tốc độ rồi dừng lại trước căn nhà nơi người đó đang ngồi. Cậu dựng xe vào gốc cây và thận trọng tiến lại gần, giơ tờ báo ra.
“Mọi chuyện ổn chứ bác March?”, cậu hỏi.
“Vẫn ổn, Ty ạ”, người phụ nữ trung niên nói, trông bà rất nghiêm nghị ngay cả vào sáng sớm thế này. “Bác chỉ không biết cháu có rảnh một chút không.”
“Đương nhiên rồi ạ”, cậu đáp, dù cậu còn phải về nhà, tắm rửa và chuẩn bị đến trường. “Có chuyện gì thế ạ?”
Bà March là một trong số những khách hàng mới gần đây của cậu, và cậu chỉ mới giao báo cho bà được vài ngày. Bà ngoài năm mươi tuổi, là một chuyên viên bận rộn giống như mẹ cậu. Nhà bà khá lớn và rộng rãi, nhưng trông vẫn còn vài chỗ cần điều chỉnh.
“Bây giờ bác không chắc là cháu có giúp được không”, bà nói và nhìn cậu chăm chú qua cặp kính to gọng đỏ, tông xuyệt tông với mái tóc xoăn nâu vàng của mình, “nhưng bãi cỏ này um tùm quá rồi”.
Cậu đi theo bà đến ven lối đi vào nhà, đúng là cỏ đã mọc cao quá mức tầm vài ba phân.
“Cháu thấy rồi ạ”, cậu từ tốn. “Cháu chỉ đang thắc mắc sao bác lại nói với cậu bé giao báo về bãi cỏ nhà mình.”
“Thôi nào”, bà đùa, dùng vai huých cậu một cái. “Cháu đâu chỉ là cậu bé giao báo. Bác nghe bà Simpson kể cháu đã giúp dọn máng xối nhà bà ấy hồi tuần trước, rồi ông Farthington nói là cháu đã giúp ông ấy dọn dẹp nhà kho dịp cuối tuần nữa.”
Ty vẫn nở nụ cười, kể cả khi cậu đang suy nghĩ câu trả lời thích hợp. Cậu có thể thấy được chuyện này sẽ đi đến đâu và tự hỏi mình phải làm gì. Cậu đã rất nỗ lực để kiếm khách hàng bằng cách tặng báo, mang đến những món đồ nho nhỏ, làm các việc lặt vặt và luôn sẵn sàng đảm nhiệm “trách nhiệm phụ thêm”, đến mức giờ đây, khi gần đạt được mục tiêu và có hơn một trăm năm mươi khách đặt báo dài kỳ trong tuyến giao báo của mình, cậu tự hỏi làm thế nào để có thể duy trì điều đó với lịch học kín mít ở trường.
“Được ạ”, cậu nói. “Cháu nghĩ là cháu có thể giúp…”
Thế rồi bà March đưa ra một ý tưởng lớn mà Ty chưa bao giờ nghĩ đến, và điều này sẽ thay đổi toàn bộ mô hình kinh doanh của cậu trong khoảng thời gian còn lại của năm học cuối cấp, cũng như trong nhiều năm sau.
“Ty, đương nhiên là bác sẽ trả tiền công cho cháu”, bà nói với vẻ thoải mái và chân thành đến mức cậu biết ngay rằng đó không phải là chiêu trò thương lượng. Bà đúng là có ý đó, và cậu chợt hiểu được lợi ích mà vị trí của mình mang lại: nhờ làm việc vài giờ mỗi sáng, cậu có cơ hội gặp gỡ hàng trăm khách hàng tiềm năng mà cậu có thể phục vụ sau giờ học hằng ngày.
“Sẽ phải đợi đến chiều đấy ạ”, cậu lên tiếng, tim đập rộn rã khi nghĩ đến vô số cơ hội được mở ra nhờ lời đề nghị của bà. “Thế có được không bác?”
“Chắc chắn là được rồi”, bà đáp, kéo lê đôi dép lông màu xanh dương qua những ngọn cỏ cao rậm rạp. “Bãi cỏ đã đợi được lâu đến thế thì thêm vài tiếng nữa cũng không sao!”
Ty cứ nghĩ về cuộc gặp gỡ đó cả ngày. Cậu cảm thấy thật khó tập trung vào các tiết học bình thường khi đầu óc cứ quay cuồng với những ý nghĩ. Bằng cách nào đó cậu đã qua được đến giờ ăn trưa, và thay vì ngồi trong căng-tin với bạn bè như thường lệ, cậu lại “lượn” đến phòng máy vi tính.
“Này Ty!”, thầy French dạy tin học tươi cười. “Em đến đây kiếm điểm thưởng à?”
“Gần giống thế ạ”, Ty trả lời, tìm một bàn máy vi tính còn trống và khởi động máy. “Em sẽ cần bao nhiêu điểm thưởng nếu muốn in vài thứ vậy thầy?”
“Kiểu như in đơn xin nhập học vào trường đại học hoặc đại loại vậy hả?”, thầy French hỏi lại. “Tuần này có nhiều học sinh cuối cấp làm thế lắm.”
“Tờ rơi thì đúng hơn ạ”, Ty thú nhận.
Thầy French nheo mắt. “Em đang nói đến in màu sao? Hay là in trắng đen?”
Ty bật cười và giải thích, “In trắng đen ạ, nhưng in trên giấy màu”.
Thầy giáo tin học có vẻ nhẹ nhõm, “Nếu là vậy thì em cứ tự nhiên đi”, thầy French nhận lấy thẻ dịch vụ học sinh của Ty và nói.
Thế là Ty bắt tay vào việc. Sử dụng chương trình thiết kế đồ họa ưa thích của mình và những ý tưởng cậu đã động não suốt từ sáng đến giờ, Ty làm việc xuyên suốt giờ ăn trưa để tạo ra một tờ bướm đơn giản, rõ ràng, ngắn gọn, có thể tiết kiệm chi phí in thêm mỗi tuần và giúp cậu kiếm đủ lượng việc làm thêm sau giờ học để nhân đôi, thậm chí là nhân ba thu nhập hằng tuần của mình.
Tờ bướm có nội dung đơn giản thế này:
Dịch vụ làm vườn và việc vặt của Ty!
Phục vụ mọi nhu cầu làm vườn, mua sắm đồ gia dụng và chăm sóc nhà cửa. Người giúp việc thời vụ trong vùng sẵn sàng đỡ đần công việc cho quý khách, từ cắt cỏ, tỉa cây đến chạy việc vặt! Hãy liên hệ với Ty theo số điện thoại 555-393-3417 vào bất cứ lúc nào, dù ngày hay đêm, nếu quý khách có nhu cầu “làm vườn và việc vặt”.
Sau khi chỉnh kiểu chữ chỗ này, gạch chân chỗ nọ và sửa vài lỗi chính tả, cậu in ra năm mươi bản trên nền giấy màu vàng chanh.
“Dịch vụ làm vườn và việc vặt của Ty à?”, thầy French ngạc nhiên hỏi khi cầm lấy một tờ bướm từ xấp giấy đang nhanh chóng cao dần lên.
Ty gật đầu. “Em đang đi giao báo vào buổi sáng trước khi đến trường và vào dịp cuối tuần…”, cậu giải thích.
“Người ta vẫn còn làm thế hả?”, thầy French há hốc miệng. “Ý thầy là giao báo ấy?”
“Em kiếm được khá lắm đấy nhé”, Ty cười toe toét. “Sáng nay có một bác bảo em đi học về thì đến cắt cỏ nhà bác ấy, và em nhận ra đây là một nhu cầu khá phổ biến ở khu nhà em, cho nên…”
“Cho nên em đang mở rộng để phát triển hả?”
Ty đứng dậy, cầm và kẹp chặt xấp giấy cuối cùng vào ngực. Qua chiếc áo thun đồng phục của trường trung học Harding, cậu vẫn còn cảm nhận được hơi ấm phả ra từ xấp giấy mới in. “Mở rộng để phát triển hả thầy? Ý thầy là sao?”
“Đây là một nguyên tắc kinh doanh. Theo nguyên tắc này thì em sẽ thay đổi để thích nghi với những cơ hội kinh doanh mới và đưa chúng vào mô hình kinh doanh hiện tại của mình”, thầy French giải thích. “Tức là, em khởi đầu bằng việc giao báo và cố gắng hết sức mình. Bây giờ em đang xem xét lịch trình, thời gian trống cùng với nhu cầu của khách hàng để điều chỉnh và thích nghi với sự thay đổi.”
“Ồ! Thầy nghĩ là em đang làm như vậy luôn ạ?”, Ty cười toe khi thầy French trả lại thẻ học sinh cho cậu - tài khoản tháng của cậu đã bị trừ đi số điểm tương ứng với vụ in ấn vừa rồi.
“Rõ ràng là vậy mà”, thầy French vừa nói vừa vung vẩy tờ bướm trong tay để nhấn mạnh.
Ty vươn tay định lấy lại tờ bướm, thầy French bèn vui vẻ giơ nó lên cao ngoài tầm với của cậu. “Coi nào”, thầy nói, “nhà thầy không nằm trong khu nhà em không có nghĩa là thầy không cần dịch vụ của em đâu nhé. Thật ra thì em nên đưa cho thầy thêm một tờ nữa, và thầy sẽ dán nó trong phòng giáo viên cho em. Như thế thì em có thể kiếm thêm khối việc đấy”.
Ty làm theo lời thầy, nhét mớ tờ rơi còn lại vào ba-lô và để yên trong đó cả ngày, mãi cho đến lúc cậu được “sổ lồng”, tót ra khỏi lớp qua cửa hông ngay khi tiếng chuông tan học vừa vang lên, nhảy phốc lên xe đạp và lao về nhà.
Sau khi ăn vội miếng bánh và uống một lon nước tăng lực, Ty thay một chiếc quần túi hộp rằn ri, mặc chiếc áo thun cũ bị ố màu mà cậu không ngại nếu nó bị bẩn và mang đôi giày thể thao cũ. Cậu đặt mớ tờ rơi lên trên mấy chiếc túi đựng báo màu đỏ cho sáng mai, rồi ngồi lên xe đạp sơ cua và đạp qua nhà bà March.
Không ngoài dự đoán, bà đang đợi bên ngoài, đứng tựa lưng vào lan can với một tách cà phê trong tay. “Cháu đây rồi!”, bà mỉm cười rồi nói trong lúc cậu dựng xe bên bờ rào và gật đầu chào. “Hôm nay đi học thế nào?”
Ty mỉm cười. “Gần đến kỳ nghỉ lễ Giáng sinh nên cũng khá nhàn ạ”, cậu trả lời, “cho nên thời gian này rất thích hợp để cháu đi giúp việc sau giờ học”.
“Tốt đấy”, bà nói rồi bước xuống để dẫn cậu đến ga-ra. “Bởi vì bác đã nói cho bà Philpots bên đường Sullivan biết chuyện cháu sẽ ghé qua đây, và bà ấy muốn bác hỏi xem ngày mai cháu có thời gian tỉa giúp bà ấy mấy bụi hồng hay không!”
Ty bật cười và với tay lấy chiếc máy cắt cỏ. “Vậy thì bác đừng khiến cháu mệt lử ra mới được, bác March”, cậu đáp. Cậu phải thử mất năm lần mới làm chiếc máy cắt cỏ nổ máy, thêm ba mươi phút nữa để làm sạch phần đáy và mài sắc lưỡi dao. Sau đó thì cậu đã mệt bở hơi tai, mà đó là còn chưa bắt đầu cắt cỏ đấy!
Nhưng một khi bắt đầu thì cậu cảm thấy vui vì được chạy tới chạy lui, tạo ra một bãi cỏ gọn gàng, sạch sẽ cho con đường này. Có mấy chiếc ô-tô đi chậm lại, người lái xe hạ cửa kính xuống để hỏi cậu lấy tiền công bao nhiêu. Ty chỉ muốn đá mình một cú vì không đem theo vài tờ bướm để đưa cho họ.
Dù vậy, đến lúc cậu cắt cỏ cho nhà bà March xong - và cắt tỉa hàng rào, rồi cào lá rụng thành đống - thì cậu đã có thêm vài việc nữa cho tuần đó, chưa kể là bà March còn giới thiệu chỗ bà Philpots cho cậu nữa!
Khi màn đêm buông xuống và một ngày của cậu cuối cùng cũng kết thúc, Ty đẩy chiếc máy cắt cỏ về lại ga-ra. Cậu đã dọn dẹp lại chút đỉnh, chừa chỗ cho chiếc máy cắt cỏ và sắp xếp lại các thứ mình đã dùng để bảo dưỡng máy - dầu, xăng, bình xịt chống gỉ, giẻ lau và những thứ linh tinh khác - thành từng hàng ngay ngắn. Cậu đứng dậy, xoay người lại và thấy bà March đang tươi cười với mình.
“Ty, cháu thật tuyệt vời!”, bà đi đến góc ga-ra đã được sắp xếp đâu ra đó và nói. “Bác định dọn dẹp cái ga-ra này suốt mấy năm nay rồi nhưng vẫn chưa kịp làm. Tuần sau cháu quay lại và sắp xếp chỗ này từ đầu đến cuối luôn được không?”
“Cháu rất sẵn lòng ạ”, cậu nói và theo bà đi ra ngoài để kiểm tra bãi cỏ. “Bác cứ cho cháu biết ngày nào tiện cho bác là được.”
“Ngày nào cũng được cả”, bà đáp, giọng nhỏ dần khi bà đi qua những hàng cỏ gọn gàng mới được cắt nằm dọc lối vào nhà. Khi hai người đi đến vỉa hè, bà nhìn sáu bao rác đầy lá rụng được để sẵn, chờ chuyến xe rác ngày mai lấy đi.
“Và bãi cỏ cũng sạch đẹp như ga-ra vậy.” Bà đưa cho cậu ba tờ hai mươi đô-la mới cáu.
“Đây là sao ạ?”, cậu hỏi, chợt nhận ra mình chưa từng đưa ra mức thù lao nào cả.
“Nhiêu đó đủ không cháu?”, bà hỏi và đặt tay lên ví. “Phần lớn những người bác thuê thường lấy hai mươi đô-la một giờ, đúng không?”
“Đúng ạ!”, cậu trả lời rồi mau mắn cất tiền vào túi khi nhận ra bà đã trả cho cậu tiền công làm việc ba giờ đồng hồ. “Cháu rất cảm kích điều này, còn hơn những gì bác có thể hình dung được đấy ạ.”
“Bác cũng thế”, bà vỗ nhẹ lên một bao lá và nói. “Thật đó, Ty, cháu làm tốt hơn cả mong đợi nữa.”
“Cháu rất hân hạnh, bác March”, cậu nói, rồi nhảy phóc lên xe, tâm trí đầy ắp những suy nghĩ về triển vọng kinh doanh mới của mình. “Bác nhớ cho cháu cái hẹn trong tuần sau nhé!”
Trên đường đạp xe về nhà, Ty vô cùng mong chờ sáng mai, khi cậu sẽ đặt loạt tờ rơi đầu tiên của mình vào trong từng tờ báo trước khi giao đi.
Bằng cách xếp tờ rơi xen kẽ với báo hàng tuần, cậu có thể chắc chắn là mình sẽ thông tin được đến tất cả khách hàng, nhưng không phải là hàng ngày, cũng không phải là cách ngày. Cậu nghĩ mỗi tuần một lần là quá đủ để nhắc nhở khách hàng của mình rằng khi họ cần làm việc gì đó, Ty sẽ luôn sẵn sàng và đủ sức đương đầu với thử thách!
“Khi tôi đã sẵn sàng ra mắt dự án của mình, có người nói với tôi là lúc người ta truy cập vào website của anh, anh sẽ cần các phương tiện truyền thông đại chúng, hình ảnh và video nữa. Lúc đó tôi đang xem chương trình của Carson Daly1 trước khi ngủ, vậy nên tôi nghĩ, ‘Có lẽ mình nên liên hệ với các nhà sản xuất của đài NBC và xem mình có cơ hội được lên sóng chương trình đó khi Wings for Warriors2 ra mắt hay không’. Thế là tôi bèn gọi thẳng đến đài NBC, nói chuyện với những người làm chương trình Cuộc gọi cuối cùng với Carson Daly3, và được tham gia chương trình do diễn viên Matthew McConaughey hủy lịch. Tôi đã gọi điện vào thời điểm hoàn hảo nhất trên đời - hoàn toàn nhờ may mắn mà thôi. Matthew có một tổ chức phi lợi nhuận, vậy là tuần đó họ đang làm về đề tài phi lợi nhuận, và sự việc cứ thế là thành. Đêm phát sóng chương trình, chúng tôi thu được mười ba ngàn đô-la tiền quyên góp qua mạng. Chương trình còn phát sóng hai lần nữa, mỗi lần thu được ba đến bốn nghìn đô-la. Nhưng đêm hôm đó chính là khoảnh khắc của sự sáng tỏ! Tôi nhận ra thứ mình đã tạo dựng sẽ thành công. Đó là chuyện cách đây bốn năm rưỡi.”
1 Người dẫn chương trình của đài NBC.
2 Tổ chức từ thiện chuyên hỗ trợ các cựu chiến binh bị thương tật và gia đình của họ. Tạm dịch: Đôi cánh dành cho các chiến binh.
3 Một chương trình truyền hình đêm khuya của đài NBC do Carson Daly dẫn chương trình.
– Anthony Ameen,
Nhà sáng lập Tổ chức phi lợi nhuận Wings for Warriors