C
hiều thứ Bảy nhàn tản trôi qua. Mặt trời đang tỏa nắng êm ả trên nền trời mùa đông xanh ngắt khi Ty bước ra khỏi tiệm photocopy trên đường Summer, ôm theo một trăm tờ bướm “Dịch vụ làm vườn của Ty” mới ra lò. Cậu cẩn thận cất xấp tờ bướm vào túi giao báo của mình.
Ngả người xuống băng ghế ngoài sân, Ty bóc miếng bánh mì kẹp mình tự làm ở nhà ra. Cậu đang đói meo sau một buổi sáng bận rộn. Cậu đã hoàn thành tuyến giao báo buổi sáng, sau đó đi ngay đến các nhà đã hẹn trước: đầu tiên là tỉa mấy bụi hồng nhà ông Oriole, cắt tỉa bờ giậu nhà bà Carter, rồi cào sáu bao lá rụng ở bãi cỏ trước tiệm Old Man Creole.
Cuối cùng thì các công việc trong ngày của cậu cũng xong. Cậu thở phào và ăn nhanh miếng bánh mì kẹp, nuốt trôi miếng bánh xuống với ngụm nước cuối cùng từ chai nước cậu mang theo. Đây không phải bữa ăn xế ngon lành nhất trên đời, nhưng chiếc bánh mì này cùng với ngụm nước mát lành chính là thứ cậu cần để xốc lại tinh thần cho công việc tiếp theo, và cũng là công việc cuối cùng trong ngày.
“Ôi chao!”, ông Harper nhíu mày khi thấy Ty bước vào Cửa hàng Dụng cụ Harper mấy phút sau đó. “Cháu sao thế này?”
Ty quay đầu nhìn lại, đinh ninh là có ai khác vừa bước vào tiệm sau mình. “Sao ạ?”, cậu hỏi, cơ thể cậu mệt lử nhưng đầu óc vẫn tỉnh táo và tim thì đang đập dồn dưới tác dụng của caffeine và đường mới nạp từ bữa ăn vừa rồi.
“Cháu đấy, Ty à”, ông Harper giải thích. “Trông cứ như cháu mới ngã vào đống lá khô và quên phủi bụi trên người vậy.”
Như để chứng minh điều đó, ông Harper nhặt ra gần mười chiếc lá khô từ đầu tóc Ty và cả chiếc áo len lấm lem của cậu nữa. Cầm mớ lá trong tay, ông Harper lắc đầu và cười, “Thấy chưa?”.
“Cháu xin lỗi”, Ty vừa nói vừa phủi được cả mớ lá nữa trên vai và hai bên sườn. “Ngoài việc giao báo thì dạo này cháu có làm thêm ít việc lặt vặt và… à, vì thế nên cháu mới đến đây!”
“Bác có đúng thứ cháu cần đây này”, ông Harper nháy mắt và chỉ vào một đống hộp đựng túi rác đang được xếp thành hình kim tự tháp to đùng.
Ty mỉm cười. “Chà, đúng là cháu có cần một ít, nhưng có mấy thứ khác còn cần thiết hơn.”
Ông Harper vỗ vai cậu và nói, “Đó chính là lời bác thích nghe đấy chàng trai trẻ! Bác giúp được gì cho cháu nào?”.
“Dạ, là thế này, tháng rồi cháu chủ yếu làm các công việc liên quan đến bãi cỏ. Cắt cỏ, tỉa cỏ, gom lá khô, làm sạch máng xối, thu dọn các thứ, đại loại thế. Có khi khách hàng có sẵn các dụng cụ cháu cần trong ga-ra, có khi cháu phải dùng đồ nghề của mình, mà mấy thứ đó đều để ở nhà hết, cho nên…”
“Cháu cần một bộ đồ nghề”, ông Harper tiếp lời.
“Loại lớn luôn đó ạ”, Ty đồng ý và đi theo ông Harper vào dãy hàng hóa bên trong. “Nhưng không được quá lớn. Cháu còn phải để nó trên yên sau xe đạp nữa.”
Cả hai khựng lại khi ông Harper quay người lại để nói rõ, “Ty, yêu cầu đó hơi khó thực hiện đó. Ý bác là, cháu không thể mượn hoặc mua luôn một chiếc xe tải hay sao? Cháu gần mười tám tuổi rồi mà đúng không?”.
“Dạ đúng, và cháu có thể làm thế, nhưng vậy thì cháu sẽ phải trả tiền mua xe, tiền bảo hiểm và xăng dầu, trong khi cháu đang cố gắng dành dụm tiền đi học đại học. Cho nên tạm thời cháu vẫn gắn bó với chiếc xe đạp của mình thôi ạ.”
Ông Harper mỉm cười, đặt tay lên tay cầm của một chiếc máy cắt cỏ to đùng. “Vậy thì bác đoán là cái máy Grass-U-Later 6000 này không được rồi nhỉ?”
Ty rất khoái chiếc máy hoành tráng đó. “Tạm thời là vậy ạ”, cậu thở dài tiếc nuối. “Nhưng đúng là cháu cần thứ gì đó để cắt cỏ, phòng khi khách hàng không có sẵn.”
“Đặt trên xe đạp hả?”, ông Harper hỏi.
“Cháu nghĩ là mình có thể kéo nó theo xe”, Ty trả lời, cậu chưa nghĩ xa đến mức này.
“Không, không được”, ông Harper phản đối và kéo cậu ra khỏi chỗ bày máy cắt cỏ. “Nghe này, tiệm của bác có bán mấy cái xe kéo mà người ta dùng để chở bọn trẻ sau xe đạp ấy. Cháu đã thấy loại đó chưa?”
Ty mừng rỡ. “À há, cô Madison bên kia đường cũng có một cái! Cô ấy chở hai đứa sinh đôi nhà mình đi khắp thị trấn trên cái xe đó luôn.”
“Đúng rồi. Mấy cái xe đó khá là vững chãi”, ông Harper nói. “Một nhân viên của bác đã nảy ra sáng kiến dùng xe kéo đó làm rờ-moóc chở hàng, như loại mà cháu hay thấy xe tải chở hàng vẫn kéo theo đó.”
Hai người đứng lại trước một cái xe kéo. Đó là một chiếc xe ba bánh, bánh trước nhỏ và hai bánh sau to hơn. Chiếc xe kéo hình tam giác có gắn ba tấm chắn bằng nhựa ở đáy, giúp chiếc xe trông có vẻ chắc chắn.
“Trông có vẻ vững”, Ty lắc lắc một bên xe và nói.
“Tấm chắn đã được gia cố rồi mà!”, ông Harper khoe. “Tấm chắn được hàn vào thân xe, gia cố phần đáy và các mối nối, nên nó sẽ được việc đấy. Bí quyết là cháu phải biết phân bố trọng lượng hàng hóa và đảm bảo không chở quá tải.”
“Nó chở được cỡ bao nhiêu vậy bác?”
“À, loại xe này chở được chín mươi ký, nhưng bác khuyên là nên bớt đi khoảng hai mươi ký, đừng quên là cháu còn phải kéo nó theo sau xe đạp nữa.”
“Rất có lý”, Ty lẩm bẩm và rút ra một tập giấy ghi chép từ trong túi giao báo. “Vậy bây giờ cháu cần tính xem có thể chất bao nhiêu thứ trong danh sách của mình lên đây.”
“Cháu không muốn biết giá chiếc xe này à?”, ông Harper hỏi.
Ty gõ tấm nhãn đề giá to tướng in chữ Dụng cụ Harper đang đung đưa trên một thanh chắn của chiếc xe. “Ngân sách của cháu là hai trăm đô-la”, cậu nói. “Cháu vốn định chi gấp đôi để mua máy cắt cỏ, vậy nên có lẽ bác cháu mình có thể tìm thứ gì đó vừa rẻ vừa thích hợp với chiếc xe kéo.”
Ông Harper gật đầu và dẫn cậu đi qua dãy kệ hàng đến chỗ bày máy cắt cỏ. Những chiếc máy to và hoành tráng ở bên trái, còn những chiếc có kích cỡ và giá cả khiêm tốn hơn thì nằm bên phải. “Bác nghĩ là mình có giải pháp cho cháu đấy”, ông nói và đi chầm chậm về phía cuối hàng. “Đây là dòng Retro Shredder. Nó có động cơ đẩy, tức là cháu đẩy càng nhiều thì nó chạy càng mạnh.”
“Máy này chạy bằng điện hả bác?”, Ty hỏi, dán mắt vào chiếc máy Retro Shredder. Ít nhất thì chiếc máy cũng vừa với chiếc xe kéo. Máy có trục lăn bên dưới, đường kính gấp ba lần cái chày cán bột mẹ cậu dùng làm bánh nướng dịp lễ Tạ ơn. Ống trục này gắn đầy những lưỡi dao cong sáng loáng. Một thanh dài, mảnh dựng thẳng từ phần thân máy bên dưới lên trên và tách ra thành hai tay cầm giống như tay lái xe đạp, cao tầm ngang eo.
“Nó hoạt động như thế nào ạ?”, Ty hỏi.
“Cháu cứ thử là biết ngay ấy mà”, ông Harper vừa nói vừa lấy chiếc máy ra khỏi kệ trưng bày và đặt thân máy lên dải cỏ nhân tạo được trải dọc theo khu trưng bày máy cắt cỏ.
“Thật ạ?”, Ty ngập ngừng.
“Đương nhiên rồi”, ông Harper khẳng định, vỗ vỗ hai tay cầm. “Đơn giản lắm. Cháu nắm lấy chỗ này, chỉnh trục cắt cho ngay, rồi đẩy tới.”
Ty gật đầu và làm theo. Trục cắt chạy êm ru trên mặt cỏ nhân tạo. Ty tưởng tượng những sợi cỏ thật rơi lả tả dưới lưỡi dao. Máy có kết cấu cứng cáp, khá nặng và chạy êm đến mức cậu đi đến cuối dải cỏ nhân tạo lúc nào không hay. Cậu dễ dàng xoay trục, quay chiếc máy Retro Shredder lại và đi ngược về.
“Cháu thấy sao?”, ông Harper hỏi. “Khá êm đúng không?”
“Có vẻ được đấy ạ”, Ty đáp. “Cháu chỉ không biết khi cắt cỏ thật thì thế nào.”
“Bác có một chiếc này ở nhà, phòng khi chiếc Grass-U-Later 6000 bị hỏng hóc, và nó chạy ngon lành lắm. Sẽ hơi tốn sức hơn một chút so với các dòng máy chạy xăng hoặc chạy điện, nhưng nếu chỉ cắt cỏ cho nhà hàng xóm để dành dụm tiền học đại học thì cháu có thể dùng nó đến tận lúc tốt nghiệp đại học luôn!”
Ty liếc qua bảng giá và thở phào khi thấy nó chỉ có một trăm năm mươi đô-la. “Nó có vừa với cái xe kéo không bác?”
“Để xem nào”, ông Harper nói, đẩy chiếc xe kéo qua và mở chốt để hạ cửa sau xe xuống.
Ty đẩy chiếc Retro Shredder lên gờ dốc do cánh cửa sau xe kéo tạo thành, rồi đẩy tọt nó vào trong xe. Chiếc máy nhẹ nhàng trượt vào, chiếm gần hết chỗ của chiếc xe kéo nhỏ.
“Vừa in!”, ông Harper lên tiếng. “Tha hồ còn chỗ cho những thứ trong danh sách này của cháu.” Ông cầm lấy tờ giấy từ tay Ty, đeo kính lên và nhìn xem danh sách. “Này Ty”, ông nói, bắt đầu chỉ dạy cậu học trò chăm chỉ của mình những điều cơ bản, “nhiều món trong này có thể được tích hợp với nhau và tiết kiệm được cho cháu khối chỗ trống luôn đấy”.
“Ví dụ như cái gì ạ?”, Ty hỏi.
“Đây, trong này cháu liệt kê một bàn cào và một cái cuốc”, ông Harper giải thích, “nhưng bác có loại Rake-U-Later mới với ba đầu có thể tháo rời được: một là cái cào, một là cái cuốc, có luôn một cái xẻng nữa”.
“Toàn bộ chung một cán ạ?”
“Cháu xem đi”, ông Harper nói và đưa cho cậu một cái cán trơn bóng như cán chổi. Một đầu là một cái cào điển hình với hàng răng kim loại sáng loáng, còn đầu kia thì gắn một cái cuốc cũng cứng cáp như thế. Ở bên trên có một chiếc túi bóng đựng cái xẻng gắn kèm.
“Thế này thì tốt hơn là có ba món riêng biệt”, Ty tán thành.
“Còn mấy cây kéo tỉa cành này sẽ được việc đấy”, ông Harper nói và đưa cho Ty một cây kéo làm vườn có tay cầm bằng gỗ to đùng. “Nó cắt chính xác hơn cả máy tỉa bờ rào chạy xăng nữa, mà giá thì chỉ bằng một phần nhỏ thôi.”
Ty gật đầu và thêm cây kéo vào giỏ hàng.
“Cái này đi kèm với một đai lưng dắt đồ nghề”, ông Harper nói và đưa cho cậu một chiếc tạp dề nhỏ màu xanh lá có nhiều túi nhỏ đựng cái chĩa làm vườn cầm tay, xẻng bứng cây, thuổng và các dụng cụ nho nhỏ khác, “vậy là cháu sẽ có thể xử lý bất kỳ việc gì phát sinh”.
“Có thêm mấy món này cũng tiện”, Ty nói, vớ lấy một cái thùng rác có gắn bánh xe chắc chắn và vài hộp túi rác từ ngọn kim tự tháp trưng gần quầy tính tiền. “Thế này thì cháu không cần mượn đồ của người ta nữa.”
“Nhiêu đó là hết danh sách của cháu rồi”, ông Harper nói và trả lại tờ danh sách.
“Cháu có thiếu thứ gì không nhỉ?”, Ty lẩm bẩm, thấy mình đã mua đủ các món trong danh sách, và có cả vài món cậu không nghĩ đến nữa.
“Bình xịt côn trùng”, ông Harper nói và đẩy một chai đến bên cạnh đống đồ trên quầy tính tiền của Ty. “Cháu không thể làm một tay thợ làm vườn đúng nghĩa mà không bị côn trùng cắn vài lần.”
“Cháu nghĩ là bác nói đúng”, Ty nói và làm vài phép tính nhẩm trong đầu. “Cảm ơn bác nhiều lắm ạ. Nhờ bác mà công việc của cháu sẽ thuận lợi hơn nhiều.”
“Và giảm đi một ít lợi nhuận”, ông Harper nói và bắt đầu tính tiền các món hàng. “Ít nhất là trong lúc này.”
“Thật ra, bây giờ cháu sẽ có thể làm lượng công việc gấp đôi mà thời gian lại ngắn đi một nửa”, Ty rút ví ra và nói.
“Sao cháu biết?”
“Thì cứ nhìn hôm nay mà xem”, Ty trả lời, bất ngờ khi thấy một chiếc lá trong ví của mình! “Cháu mất hai mươi phút để đạp như bay về nhà và lấy cái cào mà ông Creole nói với cháu là ông ấy có sẵn nhưng lại không có. À, thật ra là ông ấy có, nhưng cái cào đó gỉ sét hết trơn, và khi cháu đụng đến thì nó long ra luôn. Rồi cháu phải ngừng tay giữa chừng để đi mua xăng cho cái máy xén của ông Carter, phải mất gần một giờ đồng hồ, và nhiêu đó thời gian là đủ cho cháu làm hết những việc cần làm nếu có đầy đủ đồ nghề.”
“Bác hiểu ý cháu”, ông Harper nói. “Nhưng hôm nay cháu tiêu mất gần năm trăm đô-la đấy.”
“Cháu không tiêu tiền”, Ty sửa lại lời ông. “Cháu đang đầu tư khoản tiền đó”.
“Cũng đúng”, ông Harper đồng ý.
“Còn về hóa đơn này...”, Ty nhấn mạnh, tay gõ gõ lên một chồng tờ bướm quảng cáo của Cửa hàng Dụng cụ Harper nằm cạnh máy tính tiền trên quầy thu ngân. Đó là những tờ thông tin quảng cáo được in một mặt, chia thành hai cột nội dung, mỗi cột có bốn phiếu giảm giá. “Nếu cháu phát một ít tờ bướm này trong lúc làm việc vặt quanh thị trấn thì sao hả bác?”
Ông Harper quay người lại, cố nín cười. “Cháu đang đề nghị bác giảm giá cho cháu để cháu đi phát mấy tờ quảng cáo đó hả, Ty?”
“Chà, đó là quảng cáo miễn phí đó bác!”, Ty khẳng định. “Và cháu làm việc trên chín con đường khác nhau, có bao nhiêu là người chạy xe qua lại và vẫy tay hỏi cháu xem tính thù lao bao nhiêu đấy. Bác thử nghĩ xem cửa hàng của bác sẽ được quảng bá rộng rãi đến mức nào nếu cháu nói với họ là cháu mua đồ nghề ở Cửa hàng Dụng cụ Harper và đưa cho họ một tờ bướm miễn phí đầy phiếu giảm giá kèm theo hóa đơn của cháu!”
“Cháu trả giá hơi nhiều đó, nhóc à”, ông Harper nói rồi đưa cho Ty nửa xấp tờ rơi bên cạnh máy tính tiền. “Nhưng ý của cháu hay đấy!”
Ty gõ gõ chiếc máy tính cầm tay trên quầy. “Dạ, nhưng ý này hay đến mức nào ạ?”
“Để xem nào”, ông Harper nói và bấm máy tính. “Tổng số dụng cụ và vật tư cháu mua hôm nay là năm trăm đô-la. Cháu có một chồng tờ rơi. Bác cho là cháu có thể phát hết số đó và lấy thêm nữa nếu cháu thấy cần, cũng có thể là không. Có lẽ nhờ đó bác sẽ bán thêm được vài món hàng, thế thì tuyệt rồi. Vậy thì bác sẽ giảm cho cháu 10% hóa đơn.”
Ty gật đầu. Đây là một thỏa thuận hợp lý cho cả đôi bên. Hôm nay cậu có thể tiết kiệm được năm mươi đô-la, nhưng còn lần sau thì sao? “Thỏa thuận này chỉ áp dụng một lần thôi ạ?”, cậu hỏi lại.
Ông Harper khựng lại và nhìn cậu bằng ánh mắt sắc sảo. “Dĩ nhiên rồi”, ông trả lời.
“Cháu hỏi vậy vì cháu đang làm vài việc mỗi ngày, tức là cháu sẽ phát mớ tờ rơi này khá thường xuyên. Thêm nữa, cháu không nhét tờ rơi dưới kính chắn gió ô-tô mà cháu sẽ đưa trực tiếp cho khách hàng. Điều đó nghĩa là cháu có thể chỉ mấy món mà cháu nghĩ họ cần…”, giọng cậu nhỏ dần.
Để ý thấy có khuyến mãi mua thùng rác mới với giá hai mươi lăm đô-la khi kèm với phiếu giảm giá, Ty chỉ lên đó để nhấn mạnh. “Chẳng hạn như giới thiệu cái thùng rác này cho ông Erickson, hoặc đôi găng tay làm vườn kia cho bà Bradley. Cho nên…”
Ông Harper phẩy tay, tỏ vẻ mình đã nghe đủ rồi. “Để bác nói cho cháu nghe bác sẽ làm gì nhé, Ty”, ông nói chầm chậm, rõ ràng là đang tính toán trong đầu. “Bác sẽ cho cháu được lựa chọn. Cháu có thể được giảm 20% cho đơn hàng hôm nay, hoặc bác sẽ giảm 5% cho mỗi hóa đơn mua hàng của cháu đến khi cháu đi học đại học.”
Ty nhíu mày. “Không được 10% ạ?”
“Năm thôi”, ông Harper nói. “Nếu cháu cần thì để mai quyết định cũng được.”
“Không cần đâu bác Harper”, Ty nói. “Cháu chọn mức giảm 5% ạ.”
Ông Harper hơi xụ mặt, lộ vẻ thất vọng. “Cháu chắc chứ?”
“Phải thế thôi ạ”, Ty nói. “Ý cháu là, có thể tuần sau cháu sẽ đến mua hai túi mùn, hoặc cây cào của cháu có thể bị gãy, hoặc cháu cần một dụng cụ nào đó mà hôm nay chưa mua. Cháu muốn được giảm 5% cho các lần sau hơn là tiết kiệm một trăm đô-la chỉ trong hôm nay.”
Ông Harper tính tổng tiền hàng và in hóa đơn. “Bác cũng nghĩ là cháu sẽ nói thế”, ông lẩm bẩm và lấy của Ty bốn trăm bảy mươi lăm đô-la.
“Bác đừng lo”, Ty nói và chất hết số hàng hóa của mình vào chiếc xe kéo mới. “Cháu sẽ đảm bảo số tiền bác bỏ ra là đáng giá ngay từ bây giờ luôn.”
Ông Harper bật cười. “Ý cháu là sao hả Ty?”
“Chà, vốn dĩ cháu định là sáng mai mới cào lá cho nhà bà Myer”, cậu giải thích trong lúc ông Harper giữ cửa mở để cậu đẩy chiếc xe kéo mới ra ngoài. “Nhưng vì vẫn còn khá sớm, và cháu mới lấy thêm một mớ tờ rơi mới, nên cháu định đi thẳng đến đó và bắt tay vào việc quảng cáo cho bác ngay.”
“Việc gì quan trọng thì làm trước”, ông Harper nói và cúi xuống siết mấy chiếc bu-lông nối chiếc xe kéo vào sau khung xe đạp của Ty. “Bác muốn đảm bảo là cháu đến đó an toàn. Bây giờ thì chạy một vòng qua góc cua đằng kia rồi đạp lại đây để bác xem có ổn chưa nào.”
Ty làm theo, ban đầu hơi chật vật vì cậu chưa quen với trọng lượng tăng thêm. Nhưng khi chạy được một vòng, rồi thêm một vòng nữa chỉ để biểu diễn, thì cậu nhận thấy chiếc xe kéo đúng là giải pháp hoàn hảo cho những vấn đề của mình.
“Đợi bác một chút”, ông Harper vừa nói vừa đi nhanh vào trong tiệm rồi nhanh chóng trở ra, đưa cho cậu một túi đựng đầy dây ràng đủ kích cỡ. “Dùng mấy sợi dây này để cột thanh tay cầm dài vào thành xe, như thế thì xe kéo sẽ không lắc lư nhiều.”
“Cảm ơn bác Harper”, Ty nói và làm theo lời ông Harper trước khi nhét số dây ràng còn dư vào một trong những cái túi của chiếc đai lưng dắt đồ nghề làm vườn mới của mình. “Và bác hãy nhớ là nếu cần cắt tỉa bờ rào thì bác biết phải gọi ai rồi đấy!”
“Vine1 được ấp ủ từ Big Human2; nó được tạo ra tại đó. Vine ra đời nhờ nguồn cảm hứng từ mong muốn giúp mọi người tạo ra và chia sẻ video trên điện thoại của mình. Thời điểm chúng tôi thiết kế Vine, các công cụ tạo và chia sẻ video trên điện thoại khá là tệ. Chúng tôi biết là sẽ có cách khác tốt hơn.”
1 Dịch vụ chia sẻ video có thời lượng ngắn.
2 Công ty thiết kế sản phẩm kỹ thuật số, có cùng nhà sáng lập với Vine.
– Rus Yusupov, nhà đồng sáng lập của Vine