D
avid Perry đã tạo ra hơn hai mươi video game, trong đó có rất nhiều game ăn khách. Ông là nhà sáng lập kiêm CEO của Shiny Entertainment. Ông còn là nhà đồng sáng lập kiêm CEO của Gaikai, một công ty thuộc Sony Computer Entertainment America, LLC.
Động lực nào khiến ông mở công ty mới hoặc tạo ra những đổi mới đáng kể trong hoạt động kinh doanh hiện hữu? Ý tưởng mở công ty của ông xuất hiện như thế nào?
Câu hỏi tôi thường dùng để sàng lọc ý tưởng kinh doanh mới là “Nếu loại bỏ các vướng mắc thì chuyện gì sẽ xảy ra?”. Sự vướng mắc là bất cứ giây/phút/giờ đồng hồ nào mà bạn thấy là bị lãng phí. Khi bạn khám phá ra cách thức hiệu quả hơn để làm việc gì đó, mà lại tiết kiệm thời gian của mình, thì điều đó cực kỳ có giá trị. Bạn có thể đăng blog; rồi Twitter ra đời và giúp cho việc đăng blog trở nên dễ dàng hơn nhiều đối với cả người viết lẫn người đọc - đó là một ví dụ. Ý tưởng của chúng tôi là, “Nếu như tất cả các video game đều có thể tương thích ngay lập tức với mọi thiết bị thì sao?”. Làm thế nào để điều đó trở nên khả thi đây? Cần phải phát minh ra thứ gì?
Nếu có cơ hội gây dựng lại sự nghiệp thì ông sẽ thay đổi điều gì?
Tôi đã không tập trung đúng mức cho việc học ở trường phổ thông và đại học, và cứ nghĩ đây chẳng qua chỉ là “giáo dục” đại trà mà thôi. Tôi ước gì mình đừng lười biếng đến thế. Tôi nhớ có người hỏi tôi, “Cậu có muốn học đàn piano không?”. Và thay vì nói “Dĩ nhiên là có!” thì tôi lại hỏi “Học cái đó thì có phải luyện tập ở nhà không?”. Tôi đã học được một điều, đó là càng trải nghiệm nhiều điều thì ta càng dễ phá bỏ rào cản với những người mình gặp.
Thử tưởng tượng bạn tham dự một sự kiện và gặp một người rất say mê piano. Khi đó bạn nghĩ, “Chết tiệt, giá mà mình đã đi học lớp dạy đàn đó!”. Thế nên bây giờ, khi đối mặt với một lựa chọn, tôi sẽ tự hỏi, “Mình có học hỏi hay trải nghiệm được điều gì mới mẻ không?”. Sau đó tôi phải làm việc đó. Như thế rất thú vị, và lượng kiến thức bạn tích lũy trong hai mươi hay ba mươi năm sẽ giúp bạn bắt chuyện với các đối tác kinh doanh tiềm năng thuận lợi hơn nhiều.
Sai lầm lớn nhất ông từng phạm phải là gì? Điều đó tác động đến sự nghiệp của ông ra sao?
Sai lầm lớn nhất trong sự nghiệp của tôi là lo lắng về quá trình chuyển đổi sang đồ họa kỹ thuật số 3D, vì toàn bộ công ty tôi đều chỉ tập trung vào mảng 2D (vẽ đồ họa cho game bằng bút chì). Thay vì đặt cược vào những nhân tài mà mình đang có, tôi lại bán công ty đi, hoàn toàn đánh giá thấp nguồn nhân lực của công ty. Đó là một sai lầm kinh doanh nghiêm trọng. Tôi đã sai hoàn toàn, và bạn hãy tin là tôi đã rút kinh nghiệm sâu sắc từ vụ này.
Để thành công, ông sẵn lòng nỗ lực đến mức nào?
Vấn đề này cũng giống như việc “thắt đai an toàn vào, chặng đường sắp tới xóc lắm” vậy. Thường thì đó là một chặng đường thú vị và đầy thử thách. Đến giờ thì tôi đã có ba lần bán công ty, và chẳng có chuyện gì là “dễ dàng” cả. Tôi luôn phải nỗ lực và nỗ lực nhiều hơn.
Các cố vấn có đóng vai trò gì trong thành công của ông hay không?
Có, tôi đã có nhiều vị cố vấn tuyệt vời trong những năm qua. Một cố vấn kỹ thuật, đó là Andy Laurie (người Anh), cũng là sếp của tôi, người có thể giải đáp mọi thắc mắc về kỹ thuật mà tôi nêu ra. Ông ấy luôn có câu trả lời. Cố vấn kinh doanh của tôi là Fred Fierst (người Mỹ) - ông ấy đã chốt được rất nhiều phi vụ, và ngay cả trong những vụ đàm phán cam go thì ông vẫn duy trì được mối quan hệ tốt đẹp. Ông ấy đã cho tôi nhiều lời khuyên tuyệt vời trong những năm qua, và tôi thường hay trích dẫn lời ông ấy.
Ông có tin là có một khuôn mẫu hoặc công thức nào đó để trở thành doanh nhân thành công hay không?
Tôi thấy những doanh nhân thành công thường được miêu tả là những người cần có đam mê, sức hút (để khơi nguồn cảm hứng và lãnh đạo người khác) và năng lực lèo lái con thuyền đến đích cho dù biển khơi có dữ dội đến mức nào đi nữa.